GIÁO TRÌNH PHẬT HỌC - Phần XV - TƯỞNG NIỆM PHẬT, PHÁP, TĂNG

Phần XV

TƯỞNG NIỆM
PHẬT, PHÁP, TĂNG

Phần XV - TƯỞNG NIỆM PHẬT, PHÁP, TĂNG - GIÁO TRÌNH PHẬT HỌC - Đạo Phật Nguyên Thủy

NỘI DUNG

1. Tưởng Niệm Phật (Buddhanussati)
2. Tưởng Niệm Pháp (Dhammanussati). 2.4 Câu Hỏi: Liệu Một Người Có Thể Chứng Đạt Thánh Đạo Mà Không Chứng Ngộ Thánh Quả Lập Tức Hay Không?
3. Tưởng Niệm Tăng (Sanghanussati)
4. Sách Và Tài Liệu Tham Khảo


I
Tưởng Niệm Phật


Sự tưởng niệm một bậc Giác Ngộ là tưởng niệm Đức Hạnh hay Công Đức của Phật (Buddhanussati).

Đó là cách diễn tả sự chánh niệm lấy những Đức Hạnh của Đức Phật làm đối tượng.

Đó là phương thức đầu tiên trong Bốn Phương Thức Thiền Phòng Hộ (Four Guardian Meditations), ba phương thức thiền kia là:

(1) Phát triển tình thương yêu, lòng nhân ái: để xua tan sự Sân hận, ác ý.

(2) Sự gớm ghiếc của cơ thể: để xua tan dục vọng.

(3) Chánh niệm về Cái Chết: để xua tan tánh tự mãn và làm khởi sinh sự thúc giục về tâm linh (samvega).

 Làm Thế Nào Để Tưởng Niệm Những Đức Hạnh Của Phật?

Một người muốn tưởng niệm những Đức Hạnh của Phật trước tiên nên đọc tụng những đức hạnh để làm quen với những đối tượng. Khi sự tập trung trở nên tốt hơn, thì người đó có thể chuyển từ việc tụng niệm bằng miệng qua việc chánh niệm trong tâm. 

Khi sự tập trung đã được sâu sắc hơn, thì tâm sẽ an định vào những đức hạnh đó thay vì tâm tập trung vào những lời tụng đọc như trước. Vì vậy, mọi người nên biết rõ trọn vẹn ý nghĩa của những đức hạnh của Đức Phật để mang lại lợi ích việc tụng niệm, vì tưởng niệm Phật cần phải dựa vào lòng tin thành tín và sự hiểu biết rõ ràng.

Theo truyền thống trước kia, có Chín Đức Hạnh Của Đức Phật (Chín Đức Hạnh hay còn gọi Chín Công Hạnh hay Chín Danh Hiệu) mang tên của Chín Đức Hạnh cao thượng nhất. Chín Đức Hạnh của Đức Phật thường được đọc tụng theo truyền thống đó là:

“Iti pi so Bhagava,1-Araham, 2-Sammasambuddho, 3-Vijja carana sampanno, 4-Sugato, 5-Lokavidu, 6-Anuttaro purisadamma sarathi, 7-Sattha deva-manussanam, 8-Buddho, 9-Bhagava ti.”

“Thật vậy, Người, Đức Thế Tôn là bậc 1-A-la-hán, bậc 2-Toàn Giác, bậc 3-Có Đủ Trí Tuệ và Đức Hạnh, bậc 4-Thoát Ly Khéo Léo, bậc 5-Hiểu Rõ Thế Gian, bậc 6-Thuần Phục Con Người, 7-Thầy của trời và người, 8-Phật và 9-Thế Tôn”.

Nguyên văn Hán-Việt hay được dùng (với mười danh hiệu Phật) là:

“Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.”

* [Chúng tôi giữ nguyên từ “A-la-hán” không dịch nghĩa là “ứng cúng” như thường gặp, vì “ứng cúng” (đáng cúng dường) chỉ là một nghĩa trong ba nghĩa của A-la-hán mà thôi. Kế đến, giữ nguyên từ “A-la-hán” để thấy được quan niệm truyền thống cho rằng không có sự khác biệt về nội dung tu chứng giữa Phật và A-la-hán, vì Phật chỉ là vị A-la-hán đầu tiên. – ND].

Bây giờ, Chín Đức Hạnh sẽ được giải thích một cách chi tiết như sau:

(1.1) Bậc A-la-hán (Araham)

Đức Thế Tôn là bậc đáng cúng dường hay đã viên thành vì những lý do sau đây:

(1) Araka = Xa, Rời xa - Rời xa khỏi mọi xấu ác, đã quét sạch mọi dấu vết ô nhiễm bằng con đường Thánh Đạo.

(2) Ari-hata = Kẻ Thù đã bị diệt sạch - Những kẻ thù hay những ô nhiễm đã được tiêu diệt bằng con đường Bát Chánh Đạo.

(3) Ara-hata= Những căm bánh xe đã bị tiêu diệt - Căm (khung) bánh xe luân hồi (Samsara) đã bị bẻ gãy, Trục bánh xe làm bằng Vô Minh và Dục Vọng Được Hiện Hữu, những Căm bánh xe là các Hành tạo nghiệp (kamma sankhara), còn lại Vòng bánh xe là già và chết, bắt đầu quay từ vô thủy. Bằng sự nhìn thấu suốt vào Duyên Khởi thông qua sức mạnh Toàn Trí, Đức Phật đã cắt đứt những căm bánh xe và hủy diệt bánh xe luân hồi.

(4) Arahati = Đáng cúng dường và được kính trọng bởi Trời và người, bởi vì Người là bậc đáng được cúng dường nhất.

(5) A-raha-bhava = Không bí mật, không che dấu - Những kẻ ngu trên thế gian thì khoe khoang sự khôn khéo, nhưng che dấu những điều xấu ác vì sợ ô danh, chê trách. Bậc Thiện Thệ không làm những điều xấu ác một cách lén lút như vậy (a-raha-bhava).

- Tóm lại, Người đã là bậc tu hành viên thành (araham) bởi vì Người đã rời xa (araka) khỏi mọi ô nhiễm, đã diệt trừ sạch kẻ thù (ari-hata) và cắt đứt những các căm hay những mối liên hệ (ara-hata) với Bánh Xe luân hồi. Người trở thành bậc đáng cúng dường nhất (arahati) và không còn bí mật (a-raha), che giấu nào về những hành vi xấu ác.

(1.2) Bậc Giác Ngộ Tối Thượng, Bậc Toàn Giác (Samma-sambuddho) – Chánh Đẳng Chánh Giác (HV)

Bodhi (Bồ-đề) hay sự Giác Ngộ là Tri Kiến nhìn thấu suốt bốn chân lý của Con Đường hay sự thâm nhập hoàn toàn về Tứ Diệu Đế. Có những loại chúng sinh giác ngộ được gọi là những vị Phật, đó là:

(1) Savaka: Đệ tử của Đức Phật hay hàng Thanh Văn, những người đạt được giác ngộ nhờ vào sự giúp đỡ, chuyển hóa của Đức Phật. Đây chính là những bậc A-la-hán.

(2) Pacceka: Phật Riêng hay còn gọi là Phật Duyên Giác, hay Phật Độc Giác, là những vị Phật tự thân giác ngộ, nhưng không truyền dạy giáo pháp giác ngộ cho quần chúng. Trước khi trở thành một vị Phật Duyên Giác (Pacceka), người tâm nguyện phải thực hiện hoàn thành Mười Điều Hoàn Thiện Ba-la-mật trong suốt 2 A-tăng-tỳ-Kiếp và 100.000 Đại Kiếp (chu kỳ thế gian).

(3) Sammasambuddha: Phật Giác Ngộ Tối Thượng, cao nhất, là Đức Phật Toàn Giác đạt được sự Giác ngộ với Trí Tuệ Toàn Giác (TA: Omniscience) và Trí Tuệ Đại Bi (TA: Great Compassion), khám phá hay giác ngộ mọi sự vật một cách đúng đắn (samma) bằng nỗ lực của chính mình (samam), tức Giác Ngộ Chánh Đẳng Chánh Giác (HV). Trước khi chứng đạt sự Giác Ngộ Tối Thượng người tâm nguyện hay vị Bồ-tát phải thực hiện hoàn thành Mười Điều Hoàn Thiện Ba-la-mật trong 4 A-tăng-tỳ-Kiếp (asankheyya) và 100.000 Đại Kiếp (chu kỳ thế gian). Sự xuất hiện của một Đức Phật Toàn Giác là một sự kiện vô cùng hiếm hoi trên thế gian sau bao nhiêu kiếp không thể nào tính được.

(a) Những Phẩm Chất Đặc Biệt Của Đức Phật Toàn Giác

Một Đức Phật Toàn Giác có được 6 loại siêu Trí mà người khác không thể có được. Những Đức Trí vô song đó là:

1. Asaya-anusaya Nana: Trí Tuệ biết rõ những chiều hướng và những khuynh hướng vốn nằm tiềm ẩn bên trong hay ngủ ngầm (thùy miên) bên trong (Anusaya) của chúng sinh.

2. Indriya-paropariyatti Nana: Trí Tuệ nhìn thấu rõ các căn tâm (HV: quyền) và mức độ thuần thục, lợi thế của các căn tâm của chúng sinh.

3. Sabbannuta Nana: Trí Tuệ Toàn Giác và Vạn Năng (Omniscience & Omnipotence) hay Nhất Thiết Trí (HV).

4. Anavarana Nana: Trí Tuệ nhìn xuyên suốt, tiếp xúc đến “phạm vi” đối tượng mà không bị chướng ngại.

5. Yamaka Patihariya Nana: Trí Tuệ thần thông Nhân Đôi hay hóa thân thành 2 hay nhiều người.

6. Maha Karuna Samapatti Nana: Trí Nhập Định Đại Bi khắp thế gian. Trí này của Đức Phật có được khi Người nhập thiền Định Đại Bi.

(b) Năm Mắt Của Đức Phật

Một cách khác để mô tả những năng lực tâm linh siêu phàm của Đức Phật là xếp loại những siêu năng đó theo Năm Mắt, đó là:

1. Mắt Phật (Phật Nhãn): Những Phẩm Chất vô song: (a)(b).

2. Mắt Pháp (Pháp Nhãn): Trí Tuệ về Con Đường Đạo.

3. Mắt Nhìn Thấy Tất Cả (Samanta) hay còn gọi là Nhất Thiết Thiện Kiến (HV): Những Phẩm Chất Vô Song: (c) và (d).

4. Trí Tuệ Bát-nhã (Panna): Trí Tuệ diệt sạch những ô nhiễm và bất tịnh (Asavakkhaya Nana) cũng được gọi là Trí Tuệ chấm dứt tất cả các Pháp Trần; hay còn được gọi “Trí Lậu Tận Minh” (HV).

5. Trí Tuệ Nhìn Thấy tất cả các Kiếp, mọi Thế Giới (Dibbacakkhu): còn được gọi là “Trí Thiên Nhãn Minh” (HV).

(c) Trí Tuệ Toàn Giác Là Gì?

Đây là kiến thức về Năm (5) vấn đề Giáo Pháp mà tất cả cần phải được hiểu biết (Neyya Dhammas). (Neyya= tất cả cần phải được biết rõ). Đó là:

1. Sankhara: Những sự vật, vật chất và tâm linh (danh sắc), do điều kiện sinh ra, do duyên tạo ra: Những Pháp hữu vi.

2. Vikara: Sự biến dịch, sự biến đổi, sự khởi sinh và biến mất của những hiện tượng danh và sắc: Sự Sinh Diệt.

3. Lakkhana: Những bản chất chung và riêng của những sự vật danh-sắc; Bản chất của sự vật hay còn gọi là Tướng (HV).

4. Pannati: Tất cả khái niệm, tên gọi và quy ước. (Giả danh)

5. Nibbana: Niết-bàn, Sự chấm dứt dục vọng, sự vô dục, sự vô duyên, vô vi.

- Với những năng lực của Trí Tuệ Toàn Giác, một Đức Phật có được ba (3) phẩm chất tối thượng thông qua đó Người có khả năng “giác ngộ” những người khác. Ba phẩm chất Tối thượng đó là:

(1) Trí Tuệ về tất cả mọi Chân Lý

(2) Trí Tuệ về tất cả mọi phương pháp (pháp môn) truyền dạy (giáo pháp)

(3) Phương pháp (pháp môn) đặc biệt hay riêng biệt để truyền dạy tùy theo khuynh hướng và căn cơ giác ngộ của mỗi đệ tử chúng sinh.

(d) Tại Sao Đức Phật Được Gọi Là “Người Sở Hữu Mười Năng Lực”

Trong Kinh “Đại Kinh Về Tiếng Gầm Của Con Sư Tử” hay “Đại Kinh Sử Tử Hống” thuộc Trung bộ Kinh (Majjhima Nikaya, Kinh 12), Đức Phật đã miêu tả Mười (10) Năng Lực đó là:

(1) Sự hiểu biết được cái gì là có thể và cái gì là không thể. Ví dụ, đàn ông thì có thể trở thành Phật được, nhưng phụ nữ thì không thể. Sự hiểu biết này có được từ sự hiểu biết hoàn toàn Năm (5) Quy Luật của Vũ Trụ.

(2) Sự hiểu biết rõ về nghiệp và nghiệp quả của quá khứ, hiện tại và tương lai, những nhân và duyên từ đó mà ra.

(3) Sự hiểu biết về thực hành để dẫn đến những cảnh giới hay những con đường tái sinh khác nhau.

(4) Sự hiểu biết về thế giới như-đích-thực-nó-là: cấu tạo bằng nhiều và những yếu tố khác nhau, như 4 yếu tố tứ đại, 18 yếu tố, đối tượng, căn, thức.

(5) Sự hiểu biết về xu hướng và khuynh hướng, tính cách tiềm ẩn của mọi chúng sinh, chẳng hạn như những chúng sinh có khuynh hướng thấp kém/ ưu việt, và họ thường hướng theo những khuynh hướng, tính cách tiềm ẩn trong người.

(6) Sự hiểu biết về tình trạng các căn của chúng sinh, như mức độ giác ngộ của năm (5) căn lòng tin, trí tuệ, năng lực tinh tấn, chánh định và chánh niệm.

(7) Sự hiểu biết về những ô nhiễm, bất tịnh; sự thanh lọc; và sự xuất hiện, tạo ra những tầng thiền.

(8) Sự hiểu biết, hồi nhớ lại tất cả mọi kiếp quá khứ, còn gọi là trí “Túc Mạng Minh” (HV).

(9) Sự hiểu biết về Già và Chết của chúng sinh.

(10) Sự hiểu biết về sự diệt trừ tận gốc những ô nhiễm và bất tịnh (Asavakkhaya Nana), còn gọi là trí “Lậu Tận Minh” (HV).

(1.3) Bậc Có Đủ Trí Tuệ và Đức Hạnh (Vijja-carana Sampanno) – “Minh Hạnh Túc” (HV)

(a) Vijja: Trí Tuệ Hiểu Biết Trực Tiếp

Trong Kinh “Bhayabherava Sutta” (Kinh Sợ Hãi và Khiếp Đảm) thuộc Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya) có miêu tả 3 loại Trí tuệ hiểu biết trực tiếp (từ số 1-3 dưới đây). 

Trong khi Kinh “Ambattha Sutta” (Kinh A-ma-trú) thuộc Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) thì bổ sung thêm 5 loại Trí hiểu biết trực tiếp, tongR co^ngJ laF 8 loại Trí hiểu biết trực tiếp, đó là:

1. Sự hiểu biết, hay Trí hồi nhớ lại tất cả mọi kiếp quá khứ (Pubbenivasanussati), còn gọi là trí “Túc Mạng Minh” (HV).

2. Sự hiểu biết hay Trí nhìn thấy được sự già và chết, sinh tử của chúng sinh, haycòn gọi là trí “Thiên Nhãn Minh” (Dibbacakkhu). (HV)

3. Sự hiểu biết hay Trí diệt trừ tất cả ô nhiễm và bất tịnh (Asavakkhaya), còn gọi là trí “Lậu Tận Minh” (HV).

4. Sự hiểu biết thấu suốt hay Trí tuệ Minh Sát (Vipassana).

5. Sự hiểu biết hay Trí lực Thần thông (Iddhivada).

6. Sự hiểu biết hay Trí nghe được tất cả, còn gọi là “Thiên Nhĩ Thông” (Iddhivada).

7. Sự hiểu biết hay Trí đọc được tâm của người khác (Cetopariya).

8. Sự hiểu biết hay Trí lực thần thông hóa thành nhiều thân (Manomaya Iddhi).

(b) Carana: Đức Hạnh (bao gồm 15 yếu tố)

Bảy (7) yếu tố đầu tiên được gọi là những tâm tốt lành hay những niềm tin vào Pháp (saddhammas) mà những người thánh thiện hay bậc Thánh nhân có được, đó là:

1. Lòng tin (Saddha) vào Nghiệp (Kamma), Tam Bảo.

2. Chánh Niệm (Sati) về những hành động công đức.

3. Sự Xấu Hổ (Hiri) về những hành động xấu, ác.

4. Sự Sợ Hãi (Ottappa) khi làm những hành động xấu, ác.

5. Nỗ Lực, tinh tấn (Viriya) để loại bỏ những điều bất thiện và tu dưỡng, tăng trưởng những điều thiện, tốt.

6. Sự hiểu nhiều, học rộng, sự thông thuộc về Kinh giáo (Bahussuta).

7. Trí Tuệ, sự hiểu biết về Tứ Diệu Đế (Panna).

8. Sự Tiết Chế, Điều Độ trong ăn uống (Bhojanga-mattannu)

9. Sự Luôn Luôn Tỉnh Giác (Jagariyanuyoga).

10. Sự phòng hộ Sáu căn, giác quan (Indriya-samvara).

11. Sự kiềm chế bằng Giới Hạnh Đạo Đức (Sila-samvara)

12. Định Sơ Thiền

13. Định Nhị thiền

14. Định Tam Thiền

15. Định Tứ Thiền

Sự sở hữu những sự hiểu biết hay “Trí Tuệ Trực tiếp” này thể hiện Trí Tuệ Toàn Giác của Đức Phật, và việc sở hữu những Đức Hạnh thể hiện Trí Tuệ Đại Bi của Người.

- Thông qua “Trí Tuệ Toàn Giác”, Người biết rõ những gì là được ích lợi hoặc những gì là nguy hại cho tất cả chúng sinh.

- Thông qua “Trí Tuệ Đại Bi”, Người cảnh báo cho chúng sinh những nguy hại và cố gắng khuyến khích mọi người hướng thiện về những điều tốt, lành.

(1.4) Bậc Thoát Ly Thiện Đẳng hay Bậc Thiện Thệ (Sugato)

Sugato là bậc chọn con đường thoát ly đúng đắn, an toàn (sugata) như sau:

(a) Sobhana Gamana = Có hành trình hoàn hảo, đã đi một cách đúng đắn: người đã đi, đã thoát ly không còn dính mắc, hướng về nơi an toàn, bằng con đường Bát Chánh Đạo.

(b) Sundara Gata = Đã đi về nơi xuất chúng, nơi bất tử, Niết-bàn (Nibbana).

(c) Samma Gata = Đã đi, đã thoát ly một cách đúng đắn: Người đã đi qua và thoát ly một cách đúng đắn, không để lại một dấu vết ô nhiễm nào trên mỗi chặng đường Đạo đã đi qua.

Hoặc Người đã đi một cách đúng đắn từ lúc quyết tâm ra đi cho đến khi tìm được sự Giác Ngộ thông qua thực hiện Mười Hạnh Hoàn Thiện Ba-la-mật và đi theo con đường đúng đắn, con đường Bát Chánh Đạo, tránh xa 2 cực đoan là khoái lạc và khổ hạnh.

(d) Samma Gadatta = Lời nói, Phát ngôn một cách đúng đắn hay chánh ngữ:

Trong sáu (6) loại lời nói hay cách nói dưới đây, Người né tránh kiêng cử không nói bốn (4) cách đầu tiên 1), 2), 3), 4).

Cách nói thứ 5) hay, Đức Phật thường dùng vào những lúc thích hợp. Còn cách nói thứ 6, Đức Phật biết lúc nào thì nói được.

Sáu loại Lời Nói (Cách Nói) là:

1) Nói dối, nói sai sự thật, không đúng, không liên quan đến điều tốt đẹp, để không làm vui lòng người khác. (Những lời nói dối gây hại cho người khác).

2) Nói dối, nói sai sự thật, không đúng, không liên quan đến điều tốt đẹp, để làm vui lòng người khác. (Nịnh hót, xu nịnh).

3) Nói sự thật, nói đúng, liên quan đến điều tốt đẹp, để không làm vui lòng người khác. (Báo tin xấu, nói tin buồn).

4) Nói sự thật, nói đúng, liên quan đến điều tốt đẹp, để làm vui lòng người khác. (Báo tin mừng, nói tin vui).

5) Nói sự thật, nói đúng, liên quan đến điều tốt đẹp, không làm hài lòng người khác (Nói thẳng thắn, nhắc nhở, góp ý, khiển trách, nói mất lòng trước được lòng sau vì người khác (làm, nói sai trái).

6) Nói sự thật, nói đúng, liên quan đến điều tốt đẹp, làm hài lòng người khác (Thuyết giảng, truyền dạy Giáo Pháp và Giới Luật (Dhamma and Vinaya).

- Tóm lại, Người là Bậc Thiện Thệ (sugato) bởi vì Người đã chọn một hành trình hoàn hảo (sobhana gamana), đã đi đến được nơi xuất chúng, nơi bất tử và giải thoát (sundara gata) và đã bước đi trên con đường Đạo một cách đúng đắn (samma gata). Người phát ngôn một cách đúng đắn (samma gadatta), sử dụng lời lẽ, ngôn ngữ đúng đắn vào những lúc thích hợp.

(1.5) Người Hiểu Rõ Thế Gian (Lokavidu) –Thế Gian Giải (HV).

Đức Phật là “Người Hiểu Rõ Thế Gian” bởi vì Người hiểu rõ mọi điều trên thế gian một cách toàn diện.

3 thế giới, đó là:

1. Thế Giới Hữu Vi (Sankhara-loka),

2. Thế Giới Chúng Sinh (Satta-loka), và

3. Thế Giới Của Các Cõi (Okasa-loka).

(a) Thế Giới Hữu Vi

Trong tiếng Pali, từ “sankhara”có 2 nghĩa trong Phật học, nghĩa thứ nhất là “những hành vi cố ý”, “những hành động tạo tác thuộc về tâm” hay gọi là “Hành”, tạo ra “Hành Uẩn”, một trong Năm Uẩn tạo ra cái gọi là một ‘con người’.

Nhưng ở đây, “sankhara” có nghĩa là những sự vật, những thứ do điều kiện mà có, nếu không có những điều kiện nhân duyên thì những thứ này không tồn tại, được gọi là những thứ hay những Pháp Hữu Vi, bao gồm cả những hiện tượng thuộc về vật chất và tâm linh. Đức Phật biết rõ nguyên nhân và điều kiện hay nhân và duyên tạo ra chúng hay những nhân và duyên làm cho chúng sinh diệt, v.v.

 Vật Chất (Sắc): cấu tạo ra những vật chất và thành phần, bốn yếu tố tứ đại và những yếu tố phát sinh, chúng tạo ra những hiện tượng vật chất.

• Tâm Linh (Danh): Sáu loại thức được duyên sinh bởi những bộ phận giác quan (căn) khi chúng tiếp xúc với những đối tượng giác quan (cảnh trần). Vì do những tiếp xúc, nên khởi sinh những cảm giác (cảm thọ), và những cảm thọ này duyên sinh cho những hiện tượng về thân xác và tâm linh.

Phật đã từng nói:

“Trong tấm thân dài một fathom này là thế giới, (Phật thấy được) sự khởi sinh, sự diệt vong, và con đường dẫn đến sự chấm dứt thế giới”.

- Tóm lại, Người là bậc hiểu rõ thế giới.

(b) Thế Giới của Chúng Sinh

Thế giới chúng sinh là thế giới của loài người và những sinh vật hữu tình khác sinh sống. Đức Phật biết rõ tất cả những chúng sinh trong 31 Cõi hiện hữu, thói quen, khuynh hướng của họ, với căn trí sáng sủa hay ngu si, đần độn.

 Cõi Xấu, Đau Khổ (Apaya): Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Quỷ Thần, Súc Sinh (4 cõi)

• Cõi Người. (1 cõi)

• Cõi Thiên Thần và Trời, bao gồm: 
- Catumaharajika: Cõi Tứ Đại Thiên Vương; 
- Tavatimsa: Cõi Trời Đao-Lợi; 
- Yama: Cõi Trời Dạ-Ma-Vương Thiên; 
- Tusita: Cõi Trời Đâu-Suất; 
- Nimmarati: Cõi Trời Hỷ Lạc Biến Hoá; 
- Paranimmitavasavati: Tha Hoá Tự Tại Thiên.
(6 cõi)

Và các cõi tương ứng với Thức của những tầng “Thiền Định”, đó là:

  • Sơ Thiền: Cõi Các Vua Trời Đại Phạm Thiên (Maha Brahma), Cõi Quan Lại Của Phạm Thiên, và Cõi Tuỳ Tùng Của Phạm Thiên. (3 cõi)
  • Nhị Thiền: Cõi Những Thần Trời phát quang (Abhassara) ít hay phát quang Vô Lượng… là: Cõi Thiểu Quang Thiên, Cõi Vô Lượng Quang Thiên và Cõi Quang Âm Thiên. (3 cõi)
  • Tam Thiền: (Subhakinha), gồm Cõi Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Thiên, Bát Tịnh Thiên. (3 cõi)
  • Tứ Thiền: (Vehapphala), là cõi những vị Thần trời được hưởng Quả lớn, còn gọi là Cõi Quảng Quả Thiên. (1 cõi)
  • Cõi Chúng Sinh Vô Thức (Asannasatta). (1 cõi)
  • Cõi Trong Sạch, nơi những bậc chứng thánh Quả Bất Lai (Anagamins) được tái sinh về. (5 cõi)
  • Cõi vô Sắc Giới (Arupa). (4 cõi)
  • Tổng Cộng = 31 Cõi Sống (31 Cõi hiện hữu của chúng sinh).

(c) Thế Giới Của Các Cõi

Sự liên tục của "không gian-thời gian" có nghĩa là:

 Trong một vũ trụ hoàn toàn bao gồm một địa cầu lớn, những đại dương, núi non và những lục địa, những địa ngục khác nhau nằm bên dưới mặt đất, 6 cõi thiên thần (devas) và 20 cõi trời Phạm Thiên (Brahmas) theo chiều thẳng đứng từ thấp lên cao; mặt trời, mặt trăng và các hành tinh.

ba loại hệ thế giới khác nữa, đó là:


  • Hệ “Mười-Ngàn-Thế-Giới” (Hệ Thập Thiên Giới) được cho là Cõi hiện hữu nơi những Đức Phật xuất hiện và tất cả những thiên thần devas và trời phạm thiên Brahmas hội tụ về nghe Đức Phật giảng Pháp.
  • Hệ “Một-Ngàn-Thế-Giới” (Hệ Thiên Giới) được gọi là Cõi Ảnh Hưởng, vì do những ảnh hưởng của những paritta (sự bảo vệ, hộ trì) và có chư Phật thị hiện, và ở dó các thiên thần và các Trời Phạm Thiên chấp nhận nhũng sự hộ trì đó.
  • Hệ “Thế-Giới-Vô-Hạn” được gọi là Cõi Đối Tượng, có nghĩa là cõi làm xứ đối tượng của Trí Tuệ các Đức Phật.

- Sự hiểu biết của Đức Phật về Ba loại thế giới là toàn diện. Vì vậy, Người được gọi là Người Hiểu Rõ Thế Giới.

(1.6) Bậc Vô Thượng, Điều Phục Con Người (Annutaro Purisadamma Sarathi) – Điều ngự đại trượng Phu (HV)

(a) Annutaro: Người không thể so sánh được: vô song hay không ai có thể hơn được: “vô thượng” bởi vì không ai có thể so bì được với Người về Đức Hạnh, về chánh định, về sự giải thoát. Kinh Ariyapariyesana Sutta (Kinh Thánh Cầu), thuộc Trung Bộ Kinh, nói rằng Đức Phật đã tuyên bố rằng Người không có người ngang hàng, là bậc vô thượng, vô song.

(b) Sarathi: nghĩa gốc là “người điều khiển xe ngựa”, ở đây có nghĩa là người huấn luyện, thuần phục con người.

(c) Purisadamma: nghĩa gốc là “người sẽ được thuần phục, người sẽ được huấn luyện”, nghĩa bóng: “tâm chưa được huấn luyện, chưa được hàng phục”, dễ bị rơi vào những hành động gây tội lỗi tàn khốc, như những trường hợp sau:

  • Những loài thú đực như Rồng chúa Apalãlo trong núi Hymalaya, Cũlodara và Mahodara trong thế giới loài rồng, Aggisikha và Dhũmasikha trong đạo Tích-Lan, và Aravala…v.v, đã được Đức Thế Tôn có Tâm Bi Mẫn dùng Thần Thông thuần phục, khiến các rồng chúa ấy hết hung dữ và dứt nọc độc là lòng sân hận, rồi thọ Quy y Ngũ Giới. Voi, Aravala.., cũng được Người hàng phục cho theo Tam Bảo. Không phải chỉ có bao nhiêu ấy thôi, các thú khác nữa cũng được Phật huấn luyện, thuần phục nhiều.
  • Những người giống đực (nam): Những người nam đã làm các điều tội lỗi, dính chấp tà kiến như người con trai tên Saccaka của giáo chủ Ni-kiền-tử Jain; những người nam Bà-la-môn tên Ambattha, Pokkharasãti, Sonadanda, Kutadanta…,đã được Đức Thế-Tôn từ bi thuyết pháp, thuần phục, khiến phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, xa lìa Tà Kiến, được Chánh Kiến và đắc đạo quả cao thượng.
  • Những chúng sinh “phi nhân” giống đực: như các Dạ-xoa (yakkhas) Alavaka, Sũciloma, Kharaloma, vua trời Ðế-Thích (Sakka), Ðại Phạm Thiên Pakã… đã chấp tà kiến và ngã mạn, tự cho mình là bậc có đức hạnh tối cao, được Ðức Phật thuyết pháp thuần phục cho đến khi phát Tâm, quy y vào Tam Bảo.

Đức Thế Tôn đã thuần hoá, huấn luyện những loại chúng sinh đó bằng những phương tiện đôi lúc mang tính giới luật, đôi lúc rất mềm dẻo, đôi lúc mạnh, áp đảo. Những phương cách thuần hoá được mô tả trong Kinh Điển như sau:

“Ta đã khép con người vào khuôn phép để được thuần phục, một cách nhẹ nhàng hay mạnh mẽ tuỳ lúc. Ta cũng kỷ luật họ một cách nhẹ nhàng hay một cách mạnh mẽ tuỳ lúc”.

- Tóm lại, Đức Phật đã hướng dẫn con người một cách kéo léo, mà trong một lần thuyết giảng, Người có thể làm cho họ bước đi được về 8 hướng (4 chặng con đường Đạo và 4 Thánh Quả) một cách tự tin. Vì vậy, Phật được gọi là Bậc Vô Song Điều Phục Con Người.

(1.7) Thầy Của Trời và Người (Sattha Devamanussanam) – “Thiên Nhân Sư” (HV)

(a) Sattha = Thầy: Mọi người muốn tiến bộ thì cần phải có thầy để hướng dẫn đến mục tiêu của mình. Đức Phật giảng dạy phương cách hoàn hảo để mọi người tự phát triển mình theo con đường Bát Chánh Đạo để dẫn đến chấm dứt đau khổ. Đức Phật giống như một người dẫn đầu đoàn người bộ hành vượt qua sa mạc bão táp luân hồi sinh tử (Samsara) để đến một nơi an toàn là Niết-bàn (Nibbana). Ai không tự thân bước đi theo đoàn bộ hành đó theo dấu Đức Phật thì sẽ bị rớt lại sâu trong mờ mịt luân hồi sinh tử.

(b) Deva-Manusssanam = Trời, Thần và Người: Chữ này cũng bao hàm ý nghĩa nói về những người giỏi nhất và những ai có khả năng tinh tiến trên con đường giải thoát, như: những Đại Đệ Tử của Đức Phật ngài Xá-lợi-Phất, ngài Mục-Kiền-Liên, những Đại A-la-hán, vô số những thiên thần và trời Phạm Thiên (devas, Brahmas). Ngay cả những thú vật, sau khi nghe giáo pháp của Đức Phật cũng được tái sinh về cõi trời làm thiên thần, và từ đó, tiếp tục nghe Giáo Pháp và tu tập và đã chứng ngộ được cả Trí Tuệ của Đạo và Thánh Quả, như trong trường hợp của “Ếch Thần” Manduka ở thành Campa bên bờ Hồ Gaggara.

- Tóm lại, Đức Phật ban bố Giáo Pháp (Dhamma) cho tất cả thiên thần, trời, người và muôn thú có khả năng tiến bộ về mặt tâm linh. Vì vậy, người là Thầy của Trời và Người.

(1.8) Bậc Giác Ngộ, Vị Phật (Buddho)

Theo ghi chép trong bộ “Nghĩa Thích” (Niddesa i. 143), là Quyển “Luận Giảng về Bộ Kinh Tập” (Sutta-nipata); và những ghi chép trong bộ “Phân Tích Đạo” (Patisambhidamagga i. 174), thì một vị “Phật”, là người đã khám phá ra được Bốn Chân Lý Cao Diệu hay Tứ Diệu Đế bằng chính nỗ lực bản thân mình và đạt được đến Trí Tuệ Toàn Giác và thành thục những năng lực siêu phàm. Từ nguyên và những ý nghĩa của từ “Phật” được chú giải như sau:

(a) Bujjhita = Người Khám phá Chân Lý, và vì vậy người là bậc giác ngộ, là Phật (buddha).

(b) Bodheta = Người giác ngộ cho cả thế hệ, vì vậy người là bậc giácngộ, là Phật (buddha).

(c) Buddhi = Sự khám phá có khả năng khám phá tất cả những tư tưởng, hiểu biết tất cả, đó là trí tuệ toàn giác (omniscience), vì vậy người là bậc giác ngộ, là Phật (Buddha).

“Phật” hay “Bụt” không là một cái tên do cha mẹ, bạn bè, họ hàng, nhà sư, Bà-la-môn hay trời, thần đặt ra. “Phật” có ý nghĩa là sự giải thoát cuối cùng, là một cách miêu tả, cách gọi thực tế về những đấng Giác Ngộ, cùng với việc chứng đắc trí tuệ toàn giác của họ dưới gốc cây Giác Ngộ, cây Bồ-Đề (Bodhi).

 Chuyện kể về 2 Bà-la-môn tên là DonaSela khi nhìn thấy những hào quang tỏa sáng xung quanh Đức Phật, họ liền hỏi liệu đức Phật có phải là một thiên thần (deva), hay là một Càn-thát-bà (gandhabba) hay là một Dạ-xoa (yakkha), Đức Phật bèn trả lời như sau:

“Như một bông sen đẹp tươi từ nước mà không dính bùn nhơ, từ trong thế gian, ta không dính bùn nhơ. Vì thế, này những Bà-la-môn, Ta là một vị Phật”.

(Theo “Tăng Chi Bộ Kinh” (Anguttara), Quyển Bốn, Chương 37).

“Đã biết những gì cần biết, đã tu dưỡng những gì cần tu dưỡng, đã diệt những gì cần tiêu diệt. Vì thế, này những Bà-la-môn, Ta là một vị Phật”.

(Theo “Kinh Tập” (Sutta Nipata, III.7, Sela)

(1.9) Đức Thế Tôn (Bhagava)

Bhagavant là một chữ mang ý nghĩa tôn kính dành cho Đức Phật ở vị trí cao nhất hơn tất cả mọi chúng sinh vì những phẩm chất đặc biệt của Người (xem thêm ý nghĩa của chữ “Anuttaro”= “Vô Thượng” ở đoạn trên). Nguồn gốc và ý nghĩa của chữ này được giải thích như vầy:

(a) Bhagehi= Phúc Lành, Phước Đức: Phật được gọi là người được phước lành và vì Đức Phật có 6 phẩm chất và phúc đức lớn, đó là: Bậc chúa tể thế giới; giáo Pháp (dhamma); danh uy; sự vinh quang; hạnh nguyện; và nỗ lực tinh tấn. Chúng ta sẽ lần lượt hiểu rõ ý nghĩa của từng danh từ này sau đây.

(b) Bậc chúa tể của thế giới: Đức Phật có thể dụng tâm để biến mình thân mình nhỏ lại, sáng lên, to lớn; chinh thân đến nơi đâu mình muốn, tạo ra những thứ mình muốn, tự chủ, thần thông siêu phàm, lập tức viên thành những việc mình làm. Vì vậy, nên gọi Đức Phật là một bậc chúa tể thế giới mới thực hiện được những điều nói trên một cách dễ dàng và theo ý của mình.

(c) Giáo Pháp (Dhamma): Đó là Chín Pháp Siêu Thế, bao gồm 8 Trí Tuệ con đường thánh Đạo và Thánh Quả, và Niết-bàn.

(d) Danh Uy (yasa): Danh tiếng thanh tịnh siêu thế của Đức Phật đã được truyền khắp ba thế giới.

(e) Hào Quang Chói Lọi (siri): Đức Phật có đầy đủ hào quang của thân, chiếu sáng hoàn mỹ, làm yên lòng những ai đang diện kiến Người.

(f) Hạnh Nguyện: Đức Phật thành đạt trong tất cả những điều hạnh nguyện của mình, người đã thực hiện đại tâm nguyện dưới chân Đức Phật Nhiên Đăng (Dipankara Buddha) sẽ nỗ lực thành Phật Toàn Giác, Người cũng đã hoàn thành viên mãn Mười Hạnh Nguyện Ba-la-mật, và người cũng đã chứng đắc Giác Ngộ (Niết-Bàn).

(g) Nỗ Lực, Tinh Tấn: Đức Phật là một bậc sở hữu năng lực Chánh Tinh Tấn siêu phàm nhất, đó là lý do tại sao thế giới ngưỡng mộ và tôn kính người. Nỗ lực hiếm thấy của Đức Phật trong tu hành có thể được nghe lại trong đoạn Phật thệ nguyện được ghi lại trong Kinh Điển như sau:

“Dù chỉ còn lại da, gân, xương, dù cho thịt máu khô cạn, Ta sẽ không nghỉ ngơi hay buông thả cho đến khi nào ta đạt được mục tiêu (Giác Ngộ)”.

(h) Bhaggava = Hủy Bỏ, Diệt Trừ: Đức Phật đã diệt trừ tất cả mọi ô nhiễm, bất tịnh và cấu uế, tất cả mọi phẩm hạnh sai trái, tham dục, tà kiến, 5 loại ma lực, cám dỗ[1]…v.v.

(i) Bhagyava = Điềm Lành, Phúc Đức: Vì có được những phúc duyên giúp vượt qua bên kia bờ Giải Thoát (Đáo Bỉ Ngạn) nhờ thực hiện viên mãn Mười Hạnh Ba-la-mật, tạo ra những phúc lành, phước đức thế gian và siêu thế gian mà Người có được. Những phước đức Đức Phật có được cũng không ai có thể ngang bằng được. Đó là:

  1. Thân tướng hay nhục thân siêu việt, hoàn mỹ, mang đầy đủ vẻ đẹp, dấu hiệu, tướng tốt.
  2. Pháp thân siêu việt, hoàn hảo, đó là Chín Pháp Siêu Thế và tất cả những Giáo Pháp Đức Phật đã truyền dạy suốt hơn 45 năm.
  3. Sự kính mến của thiên hạ và những bậc Thánh nhân theo Phật dành cho Phật.
  4. Sự Xứng Đáng Được Nương Tựa bởi thiên hạ, Phật tử tại gia, Tỳ kheo và những trời thần; bởi vì Đức Phật là người Thầy xuất sắc nhất trong những bậc Thánh Nhân có thể đưa ra những lời truyền dạy tốt nhất cho tất cả để tìm đến con đường an lạc.
(j) Bhattava = Người thường xuyên lặp lại, tu dưỡng, phát triển những Pháp siêu Thế: đó là những Tứ Vô Lượng Tâm, Tự Tại Bản Thân, Những Tầng Thiền Định và Vô Dư Niết-bàn, sự Vô Nguyện (không còn mong muốn), sự Không còn dấu vết ô nhiễm, sự Giải thoát và những Pháp khác.

(k) Bha-Ga-Va: Chữ này là danh từ ghép, được ghép từ những phụ âm“Bha” trong chữ “bhava”, “Ga” trong chữ “gamana” và “Va” trong chữ “vanta”, để tạo nên ý nghĩa là: “Người đã từ chối (vanta) sự đi đến (gamana) hay tái sinh vào những cõi hiện hữu (bhava) còn sinh tử”.

- Tóm lại, Đức Phật là một Đức Thế Tôn (bhagava) bởi vì Người có được những Phúc Lành (bhagehi), sự diệt trừ (bhaggava) tất cả mọi ô nhiễm và bất tịnh; đại phúc, những phúc duyên (bhagyava), và bởi vì Người thường xuyên lui tới (bhattava), và Người từ chối việc đi đến hay tái sinh vào những cõi hiện hữu, sinh tử (bha-ga-va).

(1.10) Những Ích Lợi Của Việc Tưởng Niệm Phật (Buddhanussati)

Khi tưởng niệm Phật bằng lòng tin thành tín và sự hiểu biết, thì những Đức Hạnh của Đức Phật trở thành đối tượng trợ duyên cho việc khởi sinh những trạng thái lành thiện của tâm, và nhờ đó ngăn chặn những trạng thái bất thiện khởi sinh lên trong tâm. Bằng cách hành thiền thường xuyên và đầy nhiệt tâm, một người sẽ có được những ích lợi tốt đẹp như sau:

(1) Tăng trưởng lòng tin mạnh mẽ, giúp làm thanh tịnh tâm để chánh niệmchánh định được dễ dàng thiết lập.

(2) Tạo ra nhiều niềm hoan hỷ, vui tươi giúp vượt qua những lúc khó khăn, phiền não trong cuộc đời, ví dụ như những lúc đau bệnh, mất mát hay gặp nhiều chướng ngại, khó khăn…

(3) Thấm nhuần lòng tự tin trong con người giúp xua tan đi những nỗi sợ hãi, lo lắng, nghi ngờ và bất an trong cuộc sống và trong bước đường tu tập.

Nhờ vào ý nghĩa sâu xa, uyên áo của những Đức Hạnh của Đức Phật và những tư tưởng trong khi chiêm nghiệm những đức hạnh khác nhau của Đức Phật, người hành thiền sẽ không nhắm đích đến chứng đạt (sở đắc) những tầng “thiền định” (jhana), nhưng chỉ thiền tập cho đến khi đạt “Định” đó để làm cơ sở phục vụ cho Thiền Minh Sát.

Bằng cách tưởng niệm hay chánh niệm về Đức Hạnh của Đức Phật (Buddhanussati) theo sau là hành Thiền Minh Sát (Vipassana), người hành thiền có thể được bảo đảm được tái sinh về cảnh giới phúc lành ngay cả khi người đó không chứng đạt được những (1 trong 4) chặng con đường Đạo hay (1 trong 4) Thánh Quả nào trong kiếp sống này.


II
Tưởng Niệm Pháp


Theo “Tự Điển Ngôn Ngữ Pali” (Childers’ Dictionary of the Pali Language), từ “Pháp”: “dhamma” có nhiều nghĩa khác nhau như: tính chất, bản chất, đối tượng, ý tưởng, sự vật hay hiện tượng, học thuyết, giáo pháp, quy luật, đức hạnh, sự công bằng. Ở đây, chúng ta đang nói đến tưởng niệm “Pháp” là “Giáo Pháp” của Đức Phật.

Giáo Pháp (dhamma) của Đức Phật có 3 cấp hay 3 phần, đó là:

(a) Pariyatti Dhamma = Pháp Học, là kinh điển hay những văn bản ghi chép lại những lời dạy của Đức Phật (vacana) hay còn gọi là Tam Tạng Kinh hay Ba Rỗ Kinh (Tipitaka). Đây là phần học thuyết.

(b) Patipatti Dhamma = Pháp Hành, là sự thực hành những Giáo Pháp của Đức Phật theo con đường “Bát Chánh Đạo” hay là sự tu tập, tu hành về Giới hạnh, Định tâm và trí Tuệ (Giới, Định, Tuệ). Đây là phần thật sự có giá trị và ý nghĩa của Giáo Pháp của Đức Phật, vì nếu không tu tập thì những Giáo Pháp cũng trở nên vô nghĩa. Giáo Pháp của Phật là để tu tập để dẫn đến giải thoát chứ không phải chỉ để đọc hay tán dương.

(c) Pativedha Dhamma= Pháp Giác Ngộ (còn gọi là Pháp Thành), đó là sự giác ngộ thông qua Chín “Tầng” Chứng Ngộ, đó là: bốn (4) phần (hay chặng) con đường Đạo, bốn (4) Đạo (thánh) Quả và Niết-bàn. Chín giai đoạn tu tập này là mục tiêu rốt ráo, tối thượng có thể giác ngộ được thông qua sự trợ giúp của Giáo Pháp và Thực hành (tu tập).

Giáo Pháp cũng là một “chủ đề” của việc hành Thiền, chỉ bao gồm (i) Giáo Pháp hay “Pháp học” (Pariyatti) và (ii) Chín Pháp Giác Ngộ hay còn gọi là Chín (9) “Pháp Thành” (Pativedha), làm nền tảng cho một người tưởng niệm hay sáu (6) đức tính của 2 phần Giáo Pháp này nhằm đạt được “chánh niệm”. 

Phương cách “chánh niệm” cũng tương tự như khi tưởng niệm Phật, nhưng ở đây, người tưởng niệm tụng đọc 6 đức tính hay đặc tính của Giáo Pháp như sau:

“1-Svakhato Bhagavata Dhammo, 2-Sanditthiko, 3-Akaliko, 4-Ehipassiko, 5-Opanayiko, 6-Paccattam Veditabbo Vennuhi ti.”

“1-Giáo pháp được Đức Thế Tôn giảng bày khéo léo, 2-thiết thực, dễ nhìn thấy, 3-có tác dụng tức thì, 4-mời người đến và thấy, 5-dẫn dắt hướng thượng, 6-được chứng ngộ bởi người có trí”.

Bây giờ, sáu (6) đặc tính này sẽ được giải bày chi tiết như sau:

(2.1) Được Đức Thế Tôn giảng bày khéo léo (Svakato)

Đặc tính đầu tiên này liên quan đến cả hai (2) lĩnh vực chính của Giáo Pháp, đó là Pháp thế gian, tức là phần học thuyết hay giáo lý, hay là “Pháp Học” (Pariyatti) và Pháp siêu thế gian, còn gọi là “Pháp Giác Ngộ” hay “Pháp Thành”(Pativedha), như mới nói trên.

► Còn những năm (5) đặc tính khác [(2.2), (2.3), (2.4), (2.5), (2.6)] sau đây đều thuộc về “Pháp Thành” xuất thế gian mà thôi.

(a) Giáo Lý (học thuyết Phật) là phương pháp thanh tịnh và đầy đủ cho đời sống tâm linh

1. Tốt đẹp ngay cả từ đầu, vì Giáo lý giảng dạy về đạo đức, đức hạnh như là nền tảng không thể thiếu được để bắt đầu một đời sống tâm linh. Tốt đẹp cả phần giữa hay trong tiến trình bởi vì Giáo lý chỉ dạy về việc định tâm để một người có thể đạt được sự an tĩnh và trí tuệ nhìn thấu suốt bên trong sự vật. Tốt đẹp cả phần kết, bởi vì Giáo lý chỉ dạy để một người có thể đạt được Trí tuệ đầy đủ; hay đó là sự hiểu biết hoàn toàn và Niết-bàn, chính là mục tiêu rốt ráo, tột cùng.


2. Tốt đẹp ngay từ đầu khi được nghe thuyết giảng vì một người khởi sinh và tăng trưởng lòng tin, lòng xác tín. Tốt đẹp ở phần giữa vì bằng cách thực hành giáo pháp một người sẽ vượt qua những chướng ngại và đạt được sự an tịnh và trí tuệ. Tốt đẹp phần kết là giác ngộ, chứng ngộ hạnh phúc của những mục tiêu mà mình chứng đạt được.


3. Tuyên thuyết rằng, chỉ có đời sống thanh tịnh (trong sạch) là thật sự hoàn hảo và thanh tịnh (trong sạch) theo đúng cả về sự diễn đạt của ngôn từ và trong ý nghĩa thực tế. 


- Hoàn Hảo: liên quan đến năm (5) tập hợp pháp hay 5 pháp uẩn (Dhamma-khandas), đó là: Giới hạnh, Định tâm, trí Tuệ hiểu biết; Sự giải thoát, Trí tuệ/Tầm nhìn của việc Sự giải thoát. 

- Thanh Tịnh: thanh tịnh vì mục đích của giáo pháp là thanh tịnh, là thuần khiết giúp mọi người vượt qua được vòng luân hồi, sinh tử và xa lìa những điều trần tục, ô nhiễm của thế gian này.

4. Không làm lạc đường, không làm lạc hướng trong ý nghĩa của giáo lý, bởi vì mọi sự vật, mọi pháp được miêu tả trong giáo lý là những chướng ngại và lối thoát (là con đường “Bát Chánh Đạo”) là đúng thật sự như vậy. Những giáo lý khác không được giải bày một cách tốt đẹp trong ý nghĩa này, chỉ đưa ra những chướng ngại và khó khăn trong kiếp sống và không đưa ra được lối thoát hay con đường để nỗ lực giải thoát thông qua tu tập đạo đức, mà chỉ dựa vào những niềm tin khác, như là chủ nghĩa linh hồn bất diệt và quan điểm tự hủy diệt sau một kiếp sống này, hay quan điểm tin vào thần hồn/ bản ngã, hay tin vào thượng đế sáng tạo, mà không tin vào quy luật khoa học về Nghiệp báo (kamma) và nhân duyên.

(b) Pháp Xuất Thế Gian[2] (TA: Supra-mundane Dhamma) -Chín Pháp Thành (Pativedha)


Pháp siêu xuất thế gian đã được Đức Thế Tôn giảng dạy một cách khéo léo bởi vì con đường thực hành Giáo Pháp này có khả năng và xứng đáng được giác ngộ Niết-bàn và Niết-bàn là kết quả xứng đáng của con đường thực hành giáo pháp vậy.

1. Con đường Bát Chánh Đạo là con đường chính giữa, tránh những cực đoan về khoái lạc và hành khổ. Đó được gọi là con đường trung đạo.

2. Những Đạo (thánh) Quả là giai đoạn những ô nhiễm và bất tịnh bị loại bỏ, khi mà một người có thể nói rằng mình đã được an tĩnh, an tâm khỏi những ô nhiễm và bất tịnh.

3. Niết-bàn (Nibbana) mang bản chất của sự bất tận, bất tử, nơi nương tựa, nơi an toàn, viên mãn,v.v. được thuyết giảng một cách khéo léo để có thể tuyên thuyết rằng đó là bản chất của sự bất tận, bất tử v.v...

- Như vậy, Pháp thế gian (Pariyatti) và Pháp xuất thế gian (Pativedha) đã được Đức Thế Tôn thuyết giảng một cách khéo léo.

(2.2) Thiết Thực, Dễ Nhìn Thấy (Sanditthiko)

(a) Giáo Pháp dễ nhìn thấy bởi một người cao cả hay thánh thiện khi người đó đã loại trừ những tham dục, tà kiến… “Khi tham dục đã bị loại bỏ, người đó không còn gây hại cho chính bản thân mình, hay cho người khác, hay đồng thời vô hại cho cả mình lẫn người”. Đây là giáo pháp dễ nhìn thấy và thiết thực.

(b) Khi một người hiểu rõ, chứng ngộ giáo pháp, thì Giáo Pháp dễ nhìn thấy đối với người đó thông qua trí xem xét lại tính chất và tác dụng của giáo pháp, chứ không cần phải dựa vào lòng tin vào những chỗ khác.

(c) Sanditthi có nghĩa là quan điểm đúng đắn hay chánh tri kiến.

- Chánh Đạo chinh phục, loại bỏ những ô nhiễm bằng chánh kiến hay cách nhìn đúng đắn đi kèm với Chánh Đạo.

- Thánh Quả là kết quả do chánh kiến, do có chánh kiến mà có. Nếu không có chánh kiến, hay thậm chí không bỏ tà kiến, thì dù tu tập tới đâu cũng không mang lại Thánh Quả.

- Nibbana là đối tượng, là mục tiêu của chánh kiến.

- Vì vậy, nên nói rằng Chín Pháp Xuất thế gian có chánh tri kiến (sanditthi) đi kèm.

(d) Giáo Pháp Xuất Thế Gian “khóa sổ” những vòng luân hồi tái sinh đáng sợ ngay khi nó được thấy bằng sự thâm nhập trí tuệ vào con đường Đạo và giác ngộ Niết-bàn. Giáo Pháp là thiết thực, dễ nhìn thấy vì nó xứng đáng được “nhìn thấy”, được chứng ngộ.

(2.3) Mang Lại Hiệu Quả Ngay, Có Tác Dụng Tức Thì (Akaliko)

(a) Những đức hạnh có được hay thực hiện trong thế gian phải cần thời gian để tạo quả tốt theo Quy Luật Nghiệp (Law of Kamma), thông thường quả không ‘tựu’ hay viên thành lập tức, mà cần thời gian sớm hay muộn sau đó.

(b) Nhưng những trạng thái xuất thế gian thì không cần hay phụ thuộc vào thời gian. Sau khi trải qua được Thức con đường Đạo thì khởi sinh lập tức Thức của đạo (thánh) Quả, được tâm an tĩnh khỏi những ô nhiễm và bất tịnh. Vì vậy, mới nói Giáo Pháp, phần pháp xuất thế gian, là mang lại hiệu quả ngay, có tác dụng tức thì (akaliko).

Bấy lâu nay, có nhiều người có quan điểm cho rằng sau khi chứng đạt Thức con đường thánh Đạo (Nhập Lưu, Nhất Lai…), thì thức của thánh Quả (Quả vị nhập Lưu, Quả Vị Bất Lai…) không nhất thiết phải khởi sinh ngay, mà có thể được trì hoãn lại sau. Sở dĩ họ mang tư tưởng này bởi vì có lẽ họ đã diễn dịch sai hay hiểu lầm về thuật ngữ “Người (trì tu) theo Lòng Tin” và “Người (trì tu) theo Giáo Pháp” trong kinh “Alagaddupama Sutta” (Kinh Ví Dụ Con Rắn) thuộc Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya), là mang lại hiệu quả ngay, có tác dụng tức thì.

2.3.1) Câu Hỏi: Liệu một người có thể chứng đạt con đường Đạo (Magga) mà không chứng đạt hay kinh nghiệm đạo Quả ngay tức thì?

Trong kinh “Alagaddupama Sutta” (Kinh Ví Dụ Về Con Rắn) thuộc Trường Bộ Kinh (Majjhima Nikaya Sutta, Kinh 22), bên cạnh những người đã chứng quả Nhập Lưu, Tu-đà-hoàn (sotapanna), Đức Phật còn đề cập đến những dạng Tỳ kheo khác hướng thượng trực tiếp về sự giác ngộ. Phật đã gọi những người này là những “người (trì tu) theo giáo Pháp” và những “người (trì tu) theo lòng tin/thành tín”. [3]

Do có những cách gọi này, một số vị thầy đã diễn dịch nhầm rằng một người đã tiến vào con đường Đạo không nhất thiết phải là một bậc Nhập Lưu (sotapanna), nhưng vẫn có thể được bảo đảm trở thành bậc Nhập Lưu trước khi chết. Những vị thầy đó lý luận rằng đức Phật đã gọi những người đó là những bậc Nhập Lưu (sotapanna) thay vì là những “Người (trì tu) theo giáo Pháp” và những “Người (trì tu) theo lòng tin/thành tín”.

Cách nói này có vẻ mâu thuẫn với Kinh Điển, vì Kinh Điển đã nói rằng những giáo Pháp xuất thế gian là “akaliko”, là có hiệu quả tức thì. Tuy nhiên, sẽ không bị mâu thuẫn nếu chúng ta hiểu rõ rằng những “người (tu trì) theo giáo Pháp” và những “người (tu trì) theo lòng/thành tín’ chỉ là những loại (người) “danh-sắc” hình thành ngay khi những đạt Thức con đường Đạo Nhập Lưu, đó là:

- Những "người (tu trì) theo lòng thành tín": là những người có căn cơ “tiền định” (từ kiếp trước) và họ thực hành, phát triển con đường chánh đạo với Lòng Tin, lòng thành Tín đặt lên hàng đầu. Vì vậy, họ còn được gọi là những dạng người “Tín Căn” hay “Tín Hành

- Người (tu trì) theo giáo Pháp: là những người có bản tâm “tiền định” là đề cao Trí Tuệ, tức Giáo Pháp, là hàng đầu trong việc phát triển con đường Đạo. Họ còn được gọi là những người “Trí Căn” hay “Trí Hành

Tương tự, trong vấn đề “Tưởng Niệm Tăng” sau, cụm từ “Attha purisa puggala – Tám Loại Con Người [4] (Cá Nhân)” thật sự là nói về 8 loại ‘con người’ “danh-sắc”, đó là:

1. Con người (danh-sắc) hình thành ngay lúc chứng ngộ Thức con đường Đạo (giai đoạn) Nhập Lưu (Sotapatti Magga – Đạo Nhập Lưu).

2. Con người (danh-sắc) hình thành ngay lúc chứng ngộ Thức đạo Quả nhập lưu (Sotapatti Phala – Quả vị Nhập Lưu).

3. Con người (danh-sắc) hình thành ngay lúc chứng ngộ Thức con đường Đạo (giai đoạn) Nhất Lai (Sakadagami Magga – Đạo Nhất Lai).

4. Con người (danh-sắc) hình thành ngay lúc chứng ngộ Thức đạo Quả Nhất Lai (Sakadagami Phala – Quả vị Nhất Lai).

5. Con người (danh-sắc) hình thành ngay lúc chứng ngộ Thức con đường Đạo (giai đoạn) Bất Lai (Anagami – Đạo Bất Lai).

6. Con người (danh-sắc) hình thành ngay lúc chứng ngộ Thức đạo Quả Bất Lai (Anagami Phala – Quả vị Bất Lai).

7. Con người (danh-sắc) hình thành ngay lúc chứng ngộ Thức con đường Đạo (giai đoạn) A-la-hán (Arahatta Magga – Đạo A-la-hán).

8. Con người (danh-sắc) hình thành ngay lúc chứng ngộ Thức đạo Quả A-la-hán (Arahatta Phala – Quả vị A-la-hán).

(2.3.2) Bảy Loại Người Thánh Thiện (Thánh Nhân)

Trong bộ sách phân hạng những loại ‘con người’ là “Puggala Pannatti” (Phân Loại Con Người), hay còn gọi là “Nhân Thi Thiết Luận” hay “Nhân Chế Định” (HV), Chương 7) có ghi những định nghĩa 7 loại người thánh thiện hay Thánh nhân và 7 loại người này được giảng giải chi tiết trong quyển “Thanh Tịnh Đạo” (“Visuddhi Magga”, XXI, 74) như sau:

- Khi “Căn Tín” là căn cơ dẫn đầu trong việc tu tập, phát triển con đường Chánh Đạo, thì:

(1) Người đó gọi là người “tín căn” hay “tín hành” (Saddhā-nusārī) ngay lúc chứng Nhập Lưu vào con đường Đạo.

(2) Trong trường hợp 7 dạng còn lại của 3 giai đoạn con đường Đạo cao hơn và 4 thánh Quả cao hơn, người đó được gọi là “người tín căn đã được giải thoát” hay “người tín hành giải thoát” (Saddhā-vimutta).

- Khi “Căn Định” là căn cơ dẫn đầu trong việc tu tập, phát triển con đường Chánh Đạo, thì:

(1) Người đó được gọi là người chứng nghiệm thân mình hay người thân chứng (Kāya-sakkhī) khi người đó tiếp xúc với thân mình và an trú vào những tầng thiền phi vật chất và một số những ô nhiễm của người ấy bị diệt trừ mà những người ấy thấy được bằng trí tuệ. Theo Luận Giảng, trường hợp này là đúng với tất cả những loại người thánh nhân nói trên, là những người đã đắc thức những tầng thiền Vô Sắc Giới (ngoại trừ những người đã chứng ngộ Thánh Quả A-la-hán).

(2) Người đó được gọi là “người đã giải thoát hai cách” (Ubhato-bhāga-vimutta) một khi người đó đạt thánh Quả cao nhất là Quả vị A-la-hán (arahatta phala) sau khi đã đắc những tầng thiền định Vô Sắc Giới, tức là người ấy đã được giải thoát bằng hai cách, bằng (i) những tầng thiền định Vô Sắc Giới (phi vật chất) và (ii) bằng con đường thánh Đạo.

- Khi sự hiểu biết hay “Căn Trí” là căn cơ dẫn đầu trong việc phát triển con đường Đạo, thì:

(1) Người đó được gọi là người (trì tu) theo giáo Pháp hay “người Căn Trí” (Dhammā-nusārī) ngay lúc chứng Nhập Lưu vào con đường thánh Đạo.

(2) Trong trường hợp 3 dạng còn lại của 3 giai đoạn con đường thánh Đạo cao hơn và 3 thánh Quả cao hơn, người đó được gọi là “người chứng đạt tầm nhìn” hay “bậc kiến đạt” (Ditthippatta).

(3) Trong trường hợp đắc đạt thánh Quả cao nhất là Quả vị A-la-hán, người đó được gọi là “người giải thoát bằng Trí Tuệ” (Paññā–vimutta).

Theo những cách mô tả này (cũng xem thêm Kinh “Kitagiri Sutta”, thuộc Trung Bộ Kinh (Majjhima Sutta No. 70, 14-21), có vẻ như những danh từ “Người Căn Tín” hay “người Căn Trí/ Giáo Pháp” chỉ là những thuật ngữ truyền thống để diễn tả những ‘con người’ danh-sắc (những tập hợp Uẩn vật chất và tinh thần) mang những loại Thức xuất thế gian tồn tại chỉ trong một sát-na tâm. Ngay lúc hay khoảnh khắc quá độ của đạo Quả này, toàn bộ những ‘con người’ danh-sắc (nama-rupa) thay đổi và trở thành những hạng ‘con người’ danh-sắc khác nhau.

- Bây giờ, có thể rõ ràng hơn để thấy được rằng bảy (7) hạng người thánh thiện hay 7 hạng Thánh nhân (ariya puggalas) chỉ là những thuật ngữ truyền thống (pannatti) để gọi 7 loại ‘con người’ danh-sắc (nama-rupas) với (mang) những loại (tâm) Thức xuất thế gian (lokuttara cittas) khác nhau. Những ‘con người’ danh-sắc này là những thực tại tuyệt đối (paramatthas) tồn tại chỉ trong một sát-na mà thôi. (Rồi tiếp tục biến đổi liên tục, liên tục – ND).

- Những người mang quan điểm hay quan niệm về một thực thể sống thường hằng, bất biến (như dạng một cái gọi là ‘bản ngã’, ‘linh hồn’) dường như suy nghĩ rằng, những “người căn Tín” và “người căn Trí” thật sự là những người đã chứng ngộ bậc những con đường Đạo (Nhập Lưu), nhưng chưa chứng đắc Quả vị Nhập Lưu, nếu không vì vậy thì Đức Phật đã gọi họ là bậc Nhập Lưu rồi chứ không dùng những danh từ đó.

- Sự diễn dịch lầm tưởng này thì cũng là thường tình trong giới những học giả không thực hành Thiền Minh Sát Tuệ Tứ Niệm Xứ (Satipatthana Vipassana) và vì vậy không ý thức sâu sắc về bản chất vô thường của tổ hợp danh-sắc (thân-tâm) “nama-rupa”, mà họ nhận lầm đó là một ‘con người’ hay một ‘cá nhân’.

(2.3.3) Đạo Quả hay Thánh Quả Khởi Sinh Lập Tức Ngay Khi chứng Đạt Con Đường Đạo

Thể theo Kinh “Upanisa Sutta” (Bài Thuyết Giảng về Những Nguyên Nhân Lập Tức) trong quyển “Tương Ưng Bộ Kinh về Nhân Duyên” (Samyutta Nidanavagga, trang 75 của quyển sách này), Đức Phật đã nói rõ rằng Thức thánh Quả (arahatta phala) khởi sinh vì một nguyên nhân; nó không khởi sinh mà không có nguyên nhân. Nguyên nhân lập tức để nó khởi sinh chính là Thức con đường (thánh) Đạo (arahatta magga).

Trong Kinh “Ratana Sutta” (Kinh Ngọc Bảo), Đoạn Thơ Kệ thứ 5, có nói rằng con đường thanh tịnh, mà Đức Phật Toàn Giác đã tán dương, được miêu tả như là “sự chánh định liên tục, vô gián”, bởi vì nó tạo ra quả của nó lập tức tiếp nối ngay tiến trình của nó”.

Vì vậy, không thể nào một người chứng đạt một “chặng” con đường Đạo (Magga) mà không lập tức chứng đắc đạo Quả hay Quả vị (Phala) của chặng đường đó. Pháp Xuất thế gian (Supramundane Dhamma) là “akaliko” – mang lại hiệu quả lập tức.

(2.4) Mời Người Đến và Thấy (Ehipassiko)

Điều này có nghĩa là giáo pháp của Đức Phật là giáo pháp mời người ta đến để mà thấy, chứng thực rồi mới tin, không phải đến để tin khi chưa “thấy”, chưa “hiểu biết”.

(a) Thực tại và sự thanh tịnh của những bậc thánh Đạo và thánh Quả vị làm cho những bậc thánh Đạo và thánh Quả vị đó trở nên quý giá nhất trên đời. Do vậy, giáo pháp xứng đáng được người ta đến để thấy.

(b) Như đã nói, giáo pháp của Đức Phật “không phải là đến để tin”, mà mọi người cần phải có lòng tin xác tín trước rồi mới tin. Mà muốn có lòng tin trước thì mọi người cần phải “thấy”, “biết” trước. Trong Kinh “Kalama Sutta”, Đức Phật đã giảng giải và chỉ dạy cho những người tộc Kalama cách đặt vấn đề thích hợp và đúng đắn về lòng tin, để có sự xác tín là “thấy” và “biết” (chứ không nên dựa vào niềm tin mù quáng, như phong tục, truyền thống, kinh sách, giáo điều, hay vì điều đó được nói ra bởi người được gọi là ‘thầy’. Phải “thấy và biết” rõ trước khi tin – ND).

(c) Bằng cách thực hành thiền minh sát theo con đường Bát Chánh Đạo, một người có thể trải nghiệm trực tiếp Giáo Lý của Đức Phật mà lòng tự tin hay lòng tin được phát triển, hình thành từ việc “thấy”, với chánh tri kiến hay sự hiểu biết đúng đắn.

(2.5) Dẫn Dắt Hướng Thượng (Opanayiko)

Những “tầng” chứng đạt thánh Đạo và chứng đắc Thánh Quả dẫn một người ra khỏi vòng luân hồi sinh tử (samsara) đáng sợ. Chúng dẫn hướng thượng đến Niết-bàn, sự chấm dứt hoàn toàn đau khổ. Con đường hướng thượng bao gồm 4 giai đoạn:

(a) Thánh Đạo và Quả thứ nhất:

Diệt sạch những ô nhiễm gây dẫn dắt đến tái sinh vào những cõi xấu, đau khổ, đó là: những quan điểm sai lạc về ‘con người’ hay thân kiến, những nghi ngờ, và những sự dính chấp vào những tục lệ, phong tục không đúng đắn. Những người chứng đắc Quả vị của “tầng” thánh Đạo này được gọi là những bậc Nhập Lưu hay Tu-Đà-Hoàn (Sotapanna) và sẽ còn tái sinh làm người trong từ 1-7 kiếp nữa.

(b) Thánh Đạo và Quả thứ Hai:

Làm suy yếu thêm những ô nhiễm và bất tịnh thô thiển như nhục dục hay Tham dục về khoái lạc giác quan và những Sân hận, ác ý đến một mức độ mà bậc Thánh nhân này chỉ còn phải chịu tái sinh một lần nữa mà thôi, nên những người chứng đắc Quả vị của “tầng” thánh Đạo này được gọi là bậc Nhất Lai, hay Tư-đà-hàm (Sakadagamin), có nghĩa là chỉ còn tái sinh trở lại trần gian một lần nữa.

(c) Thánh Đạo và Quả Thứ Ba:

Lần này, diệt sạch tất cả những ô nhiễm và bất tịnh thô thiển như nhục dục hay Tham dục, tuy nhiên vẫn còn những tham dục vi tế mong muốn được tái sinh về cõi trời Phạm Thiên để hưởng phúc. Những bậc thánh nhân này không còn bị tái sinh vào những cõi dục giới, mà tái sinh về những Cõi Trong Sạch (Tịnh Độ) Vô Sắc Giới. Những người chứng đắc Quả vị của “tầng” thánh Đạo này được gọi là bậc Bất Lai, hay A-na-hàm (Anagamin), có nghĩa là không quay lại trần gian ô trược này nữa.

(d) Thánh Đạo và Quả Cuối Cùng:

Đến ‘chặng’ cuối này, diệt sạch tất cả những ô nhiễm và Tham dục dạng vi tế nhất, không còn bất cứ dạng nào của Tham dục và ô nhiễm có thể trói buộc người đó tái sinh vào hiện hữu nào khác nữa. Đối với bậc Thánh Nhân này thì: “Sanh đã tận hết, đời sống thánh thiện đã được sống, không còn tái sinh nữa”. Bậc thánh nhân chứng đắc Quả vị của “tầng” thánh Đạo được gọi là một A-la-hán (Arahant), bậc đáng tôn kính và đáng cúng dường, bậc đã giác ngộ Niết-bàn (Nibbana), sự chấm dứt mọi khổ đau.

(2.6) Được Chứng Ngộ bởi Những Người Có Trí, Mỗi Người Tự Chứng Cho Mình (Paccatam Veditabbo Vennuhi)

Theo quyển “Puggala Pannatti” (Phân Loại Con Người) hay “Nhân Thi Thiết Luận” hay “Nhân Chế Định” (Xem thêm phần Sách và Tài Liệu Tham Khảo 2), bàn về vấn đề những chúng sinh đối diện với Phật Pháp (Buddha Sasana), thì có 4 loại chúng sinh có thể được phân biệt như sau:

(1) Người căn trí nhanh nhạy (Ugghatitannu): Một người chỉ gặp Phật một lần, và có thể giác ngộ thánh Đạo và Quả ngay sau khi nghe một vài lời hay một bài thuyết giảng ngắn từ Đức Phật.

(2) Người căn trí trung bình (Vipancitannu): Một người chỉ có thể giác ngộ thánh Đạo và Quả sau khi được nghe thuyết giảng dài hơn, đầy đủ hơn, với nhiều chi tiết hơn.

(3) Người căn trí chậm chạp (Neyya): Đối với những người loại này, họ cần phải học, ghi nhớ lại những bài thuyết giảng một cách siêng năng, chuyên cần và thực hành những điều đó hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, nhiều năm nữa mới mong chứng ngộ được thánh Đạo hay Quả. Giai đoạn thực hành để đến chứng ngộ có thể là từ 7 ngày cho đến 30 năm hay 60 năm, tùy thuộc vào mức độ thực hành những Điều Hoàn Thiện hay Hạnh Ba-la-mật (Parami) trong nghiệp quá khứ của người đó.

(4) Người căn trí đần độn (Padaparama): Đối với những người loại này, cho dù có gặp được Đức Phật hay Giáo Pháp (Buddha Sasana) Đức Phật giảng dạy trực tiếp và cho dù người đó có nỗ lực hết mình, vô cùng công phu đi nữa, thì cũng không chứng đạt được gì trong kiếp sống này. Tất cả những gì loại người này làm được là tích góp những thói quen tốt, tập khí tốt và tiềm năng giúp cho việc tu tập những kiếp trong tương lai.

=> Hai loại người đầu tiên có thể chứng đạt tầng Thánh Đạo và Quả thứ nhất là Nhập Lưu (Tu-đà-hoàn) hay cao hơn sau khi nghe một bài giảng pháp ngắn, giống như trường hợp những đại đệ tử thứ nhất và thứ hai của Đức Phật: Ngài Xá-lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên; và những đại đệ tử: ngài Bahiya, cô thí chủ Visakha, ngài Anathapindika (Cấp Cô Độc), và những người khác. Những người thuộc hạng thượng căn trí này không còn tồn tại trong những thời mạt pháp sau này nữa. Và thời này chỉ có những người căn trí chậm chạp và căn trí đần độn.

(Như chúng ta, nghe sao thật buồn, vẫn đang ngồi đây dùi mài kinh sách cả gần hết kiếp người vẫn chưa giác ngộ được con đường Đạo hay đạo Quả nào cả! – ND).

=> Thánh Đạo và Quả có thể được chứng nghiệm bởi tất cả những loại người bậc trí hiền, dẫn đầu là những bậc người căn trí nhạy bén, sắc xảo. Những người này không nằm trong “đám” người chậm căn trí, ngu si và căn trí đần độn.

=> Mỗi người tự chứng nghiệm cho chính mình. Không có chuyện một học trò không thể thanh lọc mình khỏi những ô nhiễm là bởi do người thầy thực hiện con đường Đạo giùm cho trò. Cũng không có chuyện một người đã chứng đạt Thánh Đạo và Quả và có thể “chuyển nhượng” hay “san sẻ” chúng cho người khác như trong trường hợp chuyển nhượng, chia sẻ công đức được.

=> Thánh Đạo và Quả không phải là một cái gì, hay điều gì mà có thể chứng đắc được nhờ vào ân huệ của người khác. Chúng phải do tự phát triển, tự chứng nghiệm, và được thụ hưởng bởi người có trí, bậc trí hiền, bởi riêng mỗi người tự chứng lấy.

(2.7) Những Ích Lợi Của Việc Tưởng Niệm Pháp (Dhammanussati)

Việc tưởng niệm thường xuyên những Đức Tính của Giáo Pháp người niệm vượt qua tham, sân, si trong tâm mình.

Khi tâm niệm trong Giáo Pháp, tánh ngay thẳng hay tâm chánh trực khởi sinh và một đệ tử có thể vượt qua được những (5) chướng ngại trong tâm. Nhưng ở đây cũng giống như khi tưởng niệm Phật, người hành thiền chưa đạt được những “tầng” thiền định, mà chỉ có thể đạt đến Cận Định, bởi vì những đức tính của giáo Pháp thì vô cùng sâu rộng, và người hành thiền cần phải có những nỗ lực và chánh niệm rất lớn trong việc tưởng niệm Pháp. (Nhưng Cận Định là đủ để một người hành thiền làm nền tảng để chuyển qua hành thiền trí tuệ Minh Sát -ND).

Sau khi có thể đạt Cận Định bằng việc tưởng niệm Pháp (Dhammanussati), một người có thể phát triển Trí Tuệ Nhìn Thấu Suốt Bên trong bản chất những hiện tượng vật lý và tâm linh của mình (Minh Sát), đó là cách để dẫn đến hạnh phúc Niết-bàn (Nibbana).



III
Tưởng Niệm Tăng


Tiếng Pali “Sangha” có nghĩa là một đoàn thể, một cộng đồng, tình đạo hữu. Theo Luận Giảng (xem phần Sách và Tài Liệu Tham Khảo 4), “những thành viên trong Tăng Đoàn đều có chung đức hạnh và chánh kiến” (“ditthi-sila-samannena sanghata bhavena sangha.”).

Một Tăng Đoàn phải có ít nhất 4 vị Tỳ kheo (hay Tăng, Ni) được thọ giới tuần thứ 227 Giới Luật Tỳ Kheo do Đức Phật định ra.

Có 2 loại Tăng Đoàn, đó là:

(a) Thánh Tăng Đoàn (Ariya Sangha):

Bao gồm những Tỳ kheo (hay Tăng, Ni) đã chứng nghiệm được một hay nhiều Thánh Đạo và Quả (tức trở thành những bậc thánh nhân) và trở thành những bậc đáng cúng dường. Thánh Tăng Đoàn (Ariya Sangha) ra đời vào ngày Mồng 5 của tháng Vassa (Mùa Mưa Kiết Hạ) đầu tiên sau khi 5 người tu khổ hạnh (nhóm ngài Kiều-Trần-Như) được thọ giáo vào Tăng Đoàn, đúng 2 tháng sau khi ngày Đức Phật Giác Ngộ thành đạo.

(b) Tăng Đoàn Thế Tục (Puthujjana Sangha):

Hay còn gọi là Tăng Đoàn Bình Thường, bao gồm những Tỳ kheo (Tăng, Ni) bình thường, không có ai đã chứng đạt Thánh Đạo và Quả trở thành thánh nhân cả. Họ vẫn còn mang Mười Gông Cùm trói buộc họ vào vòng tái sinh, nhưng họ đang luôn cố gắng chứng đạt đến những trạng thái thánh thiện hay những tầng thánh Đạo và Quả.

Tưởng niệm Tăng (Sanghanussati) là một chủ đề về Thiền (giống như nương tựa Tăng) thì đang nói về tưởng niệm Thánh Tăng Đoàn (Ariya Sangha) mà người hành thiền có thể lấy Chín Đức Tính của Thánh tăng Đoàn để chánh niệm. Cách tưởng niệm Tăng cũng như cách tưởng niệm Phật, những người tưởng niệm cần đọc tụng những đức tính sau đây của Tăng Đoàn:

“1-Supatipanno Bhagavato savakasangho, 2-ujupatipanno Bhagavato savakasangho, 3-nayapatipanno Bhagavato savakasangho, 4-samicipatpanno Bhagavato savakasangho; yadidam cattari purisa yugani attha purisa puggala, esa Bhagavato savakasangho; 5-ahuneyyo, 6-pahuneyyo, 7-dakkhineyyo, 8-anjali karaniyo, 9-anuttaram punnakkhettam lokassa ti.”

“1-Tăng đoàn của những đệ tử Đức Thế Tôn tu hành tốt đẹp, 2-Tăng đoàn của những đệ tử Đức Thế Tôn là chánh trực, 3-Tăng đoàn của những đệ tử Đức Thế là chân thật, 4-Tăng đoàn của những đệ tử Đức Thế Tôn là đúng đắn. Đó là bốn đôi, tám vị ([5]), đây là Tăng Đoàn của những đệ tử Đức Thế Tôn; 5-đáng được tặng quà, 6-đáng được tiếp đón, 7-đáng được cúng dường, 8-đáng được đảnh lễ, 9-là phúc điền (ruộng phước) vô thượng ở trên đời”.

(3.1) Tu Hành Tốt Đẹp(Supatipanno)

(a) Tu hành tốt đẹp là cách thực hành giáo pháp một cách đúng đắn (samma patipada), không quay lưng lại với mục tiêu, không thoái chí, thoái tâm “Bồ-đề”, chẳng hạn không bao giờ quay lại với những ô nhiễm mình đã từ bỏ được.

(b) Cách tu hành không có đối kháng; những ô nhiễm gây đối kháng, trở ngại được diệt trừ ở từng “chặng” con đường Thánh Đạo.

(c) Đúng theo, hợp với chân lý, lẽ thật mà giáo Pháp đã được dạy.

(d) Họ tuân theo đúng con đường, phương cách của giáo Pháp và giáo Luật (Dhamma và Vinaya) và thực hành đức hạnh trong sạch, không để lại một dấu vết và ăn một lần trong ngày cùng với Tăng Đoàn.

(3.2) Thực Hành Một Cách Chính Trực, Ngay Thẳng (Ujupatipanno)

(a) Tránh 2 cực đoan, họ bước và con đường trung đạo, một cách chính trực, nhằm thẳng đến mục tiêu là Niết-bàn giải thoát.

(b) Họ đã đi vào con đường để từ bỏ những điều xấu ác do ba nghiệp thân, ý và miệng gây ra. Vì vậy, họ ngay thẳng, không đánh lừa, giả tạo hay ngụy thiện, không mảy may một tâm ý vì mục đích sinh tồn hay vì kế sinh nhai.

3.3. Thực Hành Một Cách Chân Thật, Đúng Thật (Nayapatipanno)

(a) Thực hành một cách đúng đắn, đúng bước theo con đường Bát Chánh Đạo để dẫn đến Niết-bàn. Niết-bàn chính là cái được gọi là “chân thật”, “đích thật”.

(b) Vì thực hành đúng mực, đúng bước và chính xác, chẳng hạn một Tỳ kheo thánh tăng thà bỏ mạng mình chứ không cần thiết phải hủy hoại cây cối, phá rừng, tàn hại một sinh vật.

(3.4) Thực Hành Một Cách Đầy Trách Nhiệm và Đúng Đắn, Hợp Lý (Samicipatipanno)

(a) Đức hạnh là có trách nhiệmhợp lý, đúng đắn với giáo Pháp và giới Luật.

(b) Họ sử dụng bốn điều kiện tiện nghi do Phật tử tại gia cúng dường một cách trân trọng theo cách một người thầy, một đạo sư hay một người con sử dụng của kế thừa, chứ không giống theo cách của một kẻ cắp hay một người mang nợ. Điều đó được gọi là cách thực hành hợp lý, đúng đắn, vì đó là cách của những người đáng được tôn kính.

• Tăng Đoàn Bình Thường Hay Tăng Đoàn Thế Tục (Puthujjana Shanga)

Một Tỳ kheo (Tăng, Ni) bình thường chưa là thánh tăng, đang ngày đêm nỗ lực hết mình để xứng đáng được tôn kính, bởi vì những vị này có đầy đủ năm (5) yếu tố của một tu sĩ đang nỗ lực (Padhaniya), đó là:

1. Lòng tin vào sự giác ngộ của Đức Phật.

2. Sức khỏe tốt, tiêu hóa tốt.

3. Không giả lừa, không ngụy thiện.

4. Duy trì bốn nỗ lực (Tứ Chánh Cần) để nhổ tận gốc những ô nhiễm và bất tịnh.

5. Chứng đạt được trí tuệ thấu suốt bên trong những hiện tượng sinh diệt bên trong thân, tâm (vật chất và tâm linh), hay còn gọi là Trí Tuệ về Sinh Diệt (udayabbaya nana). Trí tuệ này giúp nhìn rõ bản chất sinh diệt, vô thường của mọi hiện tượng tâm sinh lý và thế gian.

(3.5) Đáng Được Tặng Quà, Vật Phẩm (Ahuneyyo)

- Tính từ này xuất phát từ “ahuna” có nghĩa là: “sự hy sinh, cho đi”, tức là một cái gì đó được bố thí, cho tặng cho những người có đức hạnh.

- Cách gọi bốn điều kiện, phương tiện cần thiết mà Phật tử tại gia cúng dường cho Tăng Đoàn (Thức ăn, y vải, chỗ ở và thuốc men).

- Tăng Đoàn xứng đáng nhận những quà tặng vì Tăng đoàn là nơi tạo ra quả công đức lớn nhất, là ruộng phước, là “phúc điền vô thượng ở trên đời”.

(3.6) Đáng Được Tiếp Đón (Pahuneyyo)

- Tăng Đoàn giống như là một vị khách quý với những phẩm chất đáng quý và đáng mến. Vì vậy, Tăng đoàn xứng đáng được đón tiếp.

- Tăng Đoàn xứng đáng được đặt lên vị trí hàng đầu là khách danh dự, và xứng đáng được tiếp đón.

(3.7) Đáng Được Cúng Dường (Dakkhineyyo)

Một quà tặng, phẩm vật được cho là: “cúng dường’ (dakkhina) chỉ khi nào nó được bố thí, cho tặng với lòng tin vào kiếp sau. Nếu cho, tặng không đi kèm với niềm tin này thì chỉ được coi là quà tặng, quà biếu bình thường.

(a) Tăng Đoàn làm thanh tịnh những sự cúng dường bằng cách hoan hỉ, biến sự cúng dường trở thành những Quả công đức lớn, và những công đức đó có thể chuyển nhượng, san sẻ cho những người thân, quyến thuộc có khả năng nhận công đức hồi hướng (xem thêm phần “Hồi hướng công đức” ở Chương XII, phần “Bố Thí, Cúng Dường”)

(b) Trong Kinh “Phân Tích Về Những Sự Cúng Dường”, trong Trung Bộ Kinh (Majjhima iii, 256), Đức Phật đã liệt kê ra 14 loại cúng dường tùy theo mức độ thanh tịnh của người nhận cúng dường, cao nhất là Đức Phật và thấp nhất là sinh vật. Lý do để dễ hiểu là khi cúng dường cho một cá nhân, thì sự thanh tịnh, trong sạch của cá nhân đó là rất quan trọng cho ý nghĩa và kết quả của việc cúng dường. Có 4 mức độ hay dạng thanh tịnh của sự cúng dường:

1. Được thanh tịnh bởi người cúng dường (thí chủ), nhưng không được thanh tịnh bởi phía người nhận.

2. Được thanh tịnh bởi phía người nhận cúng dường, nhưng phía người cúng dường (thí chủ) không thanh tịnh.

3. Được thanh tịnh bởi cả 2 phía người cúng dường và người nhận cúng dường.

4. Không được thanh tịnh bởi cả hai phía.

(c) Cúng dường cho Tăng Đoàn đem lại nhiều ích lợi và công đức hơn là cúng dường cho một cá nhân. Ở đây, người đại diện cho Tăng Đoàn thì chỉ là những người đại diện cho Tăng Đoàn, những người giúp tưởng niệm lại Thánh Tăng Đoàn (Ariya Sangha) vào thời Đức Phật bao gồm những thánh đệ tử và những thánh nhân A-la-hán, vì sự thanh tịnh của Tăng Đoàn, việc cúng dường mang lại những phước báu lớn lao nhất. Vì vậy, Tăng Đoàn là nơi xứng đáng được cúng dường.

(3.8) Xứng Đáng Được Đảnh Lễ (Anjalikaraniyo)

- Những người chào nhau theo văn hóa, nghi thức của mỗi dân tộc để thể hiện sự lễ phép và sự chào hỏi, tôn trọng.

- Những Phật tử thực hiện việc chào hỏi tôn kính, lễ lạy hay đảnh lễ (HV) Tăng Đoàn bằng cách chấp hai bàn tay vào nhau, để trên đầu để tôn kính sự thanh tịnh và đức hạnh của Tăng Đoàn.

- Mọi người đều có thể thể hiện bên ngoài đảnh lễ tôn kính Tăng Đoàn, nhưng thật sự chúng ta khó lòng mà tuân giữ, duy trì những phẩm chất cao quý về đức hạnh, an tĩnh và trí tuệ minh sát trong một thời gian lâu.

- Nhưng Tăng Đoàn xứng đáng được đảnh lễ, bởi vì họ sống duy trì liên tục sự thực hành giáo Pháp và giới Luật của Đức Phật.

(3.9) Là “Phúc Điền Vô Thượng Ở Trên Đời” (Anuttaram Punnakkhetam Lokassa)

Có nghĩa: Tăng Đoàn là cánh đồng ruộng quý nhất, tốt nhất để mọi người gieo trồng công đức trên đó, bằng cách cúng dường, tôn kính Tăng Đoàn. Việc gieo trồng công đức cũng giống như gieo trồng cây trái vậy. Nó đòi hỏi những nhân duyên để thành công, đó là:

(a) Căn gốc (hetu) – như hạt giống và người gieo trồng

(b) Sự trợ giúp, điều kiện hay trợ Duyên (paccaya) – Sự phì nhiêu, màu mỡ của ruộng đất.

(c) Những thành tố (sambhara) – nước, ánh sáng, gió, tưới tiêu, sông ngòi và nguồn nước, phân bón…

- Một người gieo trồng thông minh luôn luôn chọn những hạt giống tốt để gieo trồng. Người đó cũng chọn những ruộng đất tốt, phì nhiêu để cây cối và gieo trồng đúng thời vụ và bảo vệ khỏi côn trùng, sâu bọ. Người đó cũng cần phải đưa thêm vào những thành tố như phân bón, nước, ánh sáng… để có kết quả thu hoạch tốt.

- Người gieo trồng thông minh cũng như một người bố thí, cúng dường có đức hạnh, thực hiện việc cúng dường dựa trên 4 nền tảng, căn bản của hành động công đức, đó là; Ý muốn, nỗ lực, tâm, sự hiểu biết. Người đó biết được những yếu tố làm tăng hay giảm kết quả của việc cúng dường, đó là cúng dường với hay không có: Lòng tin, Sự chuẩn bị chu đáo và Lòng tôn trọng, Đúng thời gian thích hợp, và Không coi thường hay làm xúc phạm phẩm cách người nhận.

- Hạt giống tốt là tâm ý, thiện ý hay ý hành tốt thiện cần phải có trước, trong và sau khi thực hiện việc cúng dường. Ý hành tốt thiện có được từ những căn thiện Không Tham, Không Sân và Không Si.

- Thời gian, nước, ánh sáng, phân bón… là những thành tố giống như là: Những loại vật phẩm hay phương tiện được cúng dường, thời gian thích hợp cho Tăng Đoàn, v.v…

- Ruộng đất tốt, phì nhiêu thì giống như là đức hạnh của người nhận cúng dường, người đã vượt qua hay từ bỏ được những xấu ác hay tâm độc Tham, Sân, Si. Nếu để chọn lựa đối tượng hay người nhận cúng dường, một người khôn ngoan sẽ ưu tiên “Tăng Đoàn”, vì Tăng Đoàn là cánh đồng gieo trồng công đức tốt nhất trên đời.

(3.10) Những Ích Lợi Của Việc Niệm Tăng (Sanghanussati)

(a) Khi một người hồi tưởng đến Đức Hạnh của Tăng Đoàn, thì tâm người đó không bị xâm nhập bởi tâm tam độc Tham, sân, Si, và trở nên chính trực, ngay thẳng và hoan hỉ, không bị vướng che bởi những chướng ngại của tâm.

(b) Nhưng ở đây, khi tưởng niệm Tăng Đoàn (Buddhanussati) người hành thiền tâm không nhập thẳng vào những tầng “thiền định”, nhưng chỉ đạt đến mức Cận Định cần thiết, bởi vì những Đức hạnh của Tăng Đoàn là rất sâu rộng, uyên thâm và sự tưởng niệm những Đức Hạnh đòi hỏi nhiều nỗ lực lớn lao và chánh niệm miên mật.

(c) Người thường xuyên tưởng niệm những Đức hạnh của Tăng Đoàn thì thường sẽ có được lòng tôn kính và lòng tin vào Tăng Đoàn, và không còn những nỗi sợ hãi trong kiếp sống. Người đó cũng có thể chịu đựng được đau đớn, có thể thiết lập tư tưởng mình là một người bạn đồng hành cùng tăng Đoàn và tâm luôn hướng về việc có được những phẩm chất, Đức Hạnh của Tăng Đoàn.

(d) Khi chánh định đạt được bằng quá trình chánh niệm Đức hạnh Tăng Đoàn (Sanghanussati), một người có thể phát triển Thiền Minh Sát nhìn thấu suốt bản chất đích thực của những tiến trình thân tâm hay danh-sắc, để cuối cùng giác ngộ Niết-bàn. Nếu một người không chứng đắc được Thánh Quả A-la-hán trong kiếp này, thì chắc chắn rằng người đó cũng được tái sinh về một cõi phúc lành.



IV
Sách và Tài Liệu Tham Khảo


1. “The Path of Purification” (“Visuddhimagga” – Con Đường Thanh Tịnh), tác giả ngài Thiền Sư Bhikkhu Nanamoli.

2. “The Requisites of Enlightenment” (Những Yếu Tố Cần Thiết Để Giác Ngộ), tác giả thiền Sư Ledi Sayadaw.

3. “Buddhist Meditation in Theory and Practice” (Thiền Phật Giáo – Lý Thuyết và Thực Hành), tác giả Đại Trưởng Lão Paravahera Vajiranana Mahathera. Xb bởi Hội Truyền Giáo Phật Giáo (Buddhist Missionary Society), Jalan Berhala, Kuala Lumpur, Malaysia, 1975.

[1] (Đó là những Ma (Mara) lực của Năm Uẩn dính chấp, của Nghiệp hành, cám dỗ của Ma Vương Thiên và của Ma Vương Địa ngục)

[2] Pháp Xuất Thế Gian ở đây chỉ đơn giản diễn tả những pháp mà những bậc thánh nhân tu tập con đường Đạo và chứng ngộ được. Giáo Pháp Thế Gian (Pháp Học) là phần nói về những hiện tượng, sự vật, quy luật, bản chất mà người phàm, người thế gian dễ thấy được, hiểu được. Giáo Pháp Xuất Thế Gian (Pháp Thành, Pháp Giác Ngộ) là giáo pháp chỉ khi thực hành và chứng ngộ theo con đường chánh Đạo thì mới thấy được, hiểu được- còn có thể gọi là những Pháp siêu phàm, tức vượt trên sự hiểu biết của người phàm phu, phàm tục. Nói rõ hơn, đó là những giáo pháp thực hành con đường chánh Đạo để chứng đạt bốn (4) bậc con đường Đạo hướng tới Thánh Quả và bốn (4) Thánh Quả. (Xem thêm chú thích 2).

[3] Còn gọi là những "người Căn Trí' và "những người Căn Tín"; Trí Căn và Tín Căn; hoặc người Trí Hành và Tín Hành (HV); tức là người tu hành theo Trí (giáo Pháp) và người tu hành theo Tín (lòng tin vào Phật Pháp Tăng ...).

[4] Tám loại người hay thánh nhân còn được gọi là “Bốn đôi Tám vị”, thành ngữ kinh tạng Pali diễn tả tám đối tượng thánh nhân đáng được cung kính, đáng được cúng dường, là phước điền vô thượng ở đời. Bốn đôi tức là tám người. Đây là tám đối tượng đang hướng và đã chứng những Quả vị trên đường giác ngộ, giải thoát:

1) Người đang trên đường Đạo hướng chứng Nhập Lưu,
2) Người đã chứng Quả viJ Nhập Lưu,
3) Người đang trên đường Đạo hướng chứng Nhất Lai,
4) Người đã chứng Quả viJ Nhất Lai,
5) Người đang trên đường Đạo hướng chứng Bất Lai,
6) Người đã chứng Quả vị Bất Lai,
7) Người đang trên đường Đạo hướng chứng A-la-hán,
8) Người đã chứng Quả vi A-la-hán.

Từ đây, người dịch gọi ngắn gọn là những thánh “Đạo” và thánh “Quả vị” để chỉ chung cho những “tầng” chứng đạt con đường Thánh Đạo và chứng đắc Thánh Quả.

[5] Yadidam: Đó là, Như vậy là
cattari purisa yugani: Bốn cặp, bốn đôi người
attha purisa puggala: tám người, tám vị.

* “Chặng”, “tầng”, hay “giai đoạn” con đường Thánh Đạo thứ nhất và Thánh Quả thứ nhất tạo thành một đôi. Vậy, 4 “giai đoạn” Thánh Đạo và 4 Thánh Quả tạo thành 4 đôi.

* Nếu tính riêng theo loại người hay thánh nhân, thì thánh tăng đoàn đại diện cho 8 loại người, theo định nghĩa về ‘con người’ trong tiến trình danh-sắc (nama-rupa) đã được đề cập đến trong phần “Phân Loại Con Người” ở trên trong Chương này.

Trích từ cuốn GIÁO TRÌNH PHẬT HỌC do cư sĩ LÊ KIM KHA
dịch từ cuốn BUDDHISM COURSE của CHAN KHOON SAN





COMMENTS - Bình luận

BLOGGER