PHƯỚC HUỆ SONG TU GIẢNG LUẬN quyển 1

TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM

PHƯỚC HUỆ SONG TU

GIẢNG LUẬN

Cư sĩ Như Pháp

(QUYỂN 1)

M ụ c  l ụ c

Kỉnh tựa Phước Huệ Song Tu
Giới thiệu Phước Huệ Song Tu
Phàm lệ

Phần thứ nhứt: THẢO LUẬN VỀ PHẦN TU PHƯỚC
I . Định danh tu Phước vô lậu
II. Tu Phước để thực hiện chủ nghĩa Từ-bi
III. Tu Phước để học Đại thừa
IV. Tu Phước để sớm viên mãn Báo thân
V. Tu Phước để báo bốn ơn nặng, tế độ tam đồ
Kết luận về tu Phước

Phần thứ hai: THẢO LUẬN VỀ PHẦN TU HUỆ
I. Định danh tu Huệ
II. Tu Huệ để hàng phục vọng tâm, an trụ Chơn tâm
III. Tu Huệ để tham thiền
IV. Tu Huệ để phá tâm phân biệt
V. Tu Huệ để Trì giới
VI. Tu Huệ để phá nhị chấp Ngã, Pháp
VII. Tu Huệ để phá chấp Hình Danh Sắc Tướng
VIII. Tu Huệ để thoát ly bốn tướng
IX. Tu Huệ để phá vô minh
X. Tu Huệ để kiến tánh
XI. Tu Huệ để xác nhận hai nguồn gốc chỉ là một
XII. Tu Huệ để khẳng nhận Thỉ giác tức Bản giác
XIII. Tu Huệ để tuỳ thuận tánh Viên Giác của Như Lai

TỔNG LUẬN
Ba độ tu Phước ba-la-mật
Ba độ tu Huệ ba-la-mật
Định Huệ Song Tu
Thiền định trong Pháp Bửu Đàn Kinh
Thiền định Bát-nhã


Kỉnh tựa Phước Huệ Song Tu
Song Tu Phước Huệ gióng chuông chiền,
Mừng khách trần lao hạnh đắc duyên.
Được giống Từ-bi hằng tiếp tục,
Nhằm đời mạt pháp hiện chơn truyền.
Khế cơ lưỡng túc tôn tôn ngưỡng,
Hiệp lý hoằng thâm diệu diệu huyền.
Đại ngộ Minh sư khai hiển giáo,
Hạ nguơn huờn nhứt bổn qui nguyên.

                                   
Giới thiệu Phước Huệ Song Tu
Đạo Phật có vô lượng pháp môn để tu hành, trong đó có pháp môn Phước Huệ Song Tu rất thích hợp với truyền thống của dân tộc Việt Nam.
— Tại sao được như vậy?
— Luận về tu phước, chúng ta thấy truyền thống của dân tộc Việt Nam là hay làm ơn, làm phước, làm nghĩa. Những chuyện ân huệ như vậy, ở thôn quê thạnh hành hơn ở thành thị. Tuy nhiên, kể từ khi khôi phục được quyền độc lập dân tộc, thì ở thành thị, truyền thống ấy dần dần nổi bật trở lại, có khi còn hơn ở thôn quê là khác. Các công tác từ thiện xã hội bây giờ hơn hẳn trước kia và vô cùng mạnh mẽ.
Thật ra, không ai chối cãi, phần nhiều là do chủ nghĩa xã hội tiếp sức cho rất nhiều. Lời lẽ bộc lộ trên đây, quí vị nào chưa đạt được đức tin mạnh mẽ, hãy xem các báo cho tin tức về sự hoạt động của xã hội đối với đồng bào thiếu hụt bệnh hoạn, không tiền chạy thuốc, chạy gạo. Có thường xuyên xem báo rồi mới biết tấm lòng vàng của những người hảo tâm ngày hôm nay càng ngày càng lan rộng đến mức nào!
Lại nữa, cái đẹp của dân tộc Việt Nam, một khi mang ơn ai thì khăng khăng đền đáp ơn nghĩa cho bằng được. Tôi tiếc rằng phạm vi của quyển sách nầy không đủ sức chứa đựng hành động thi ơn, tu phước của đồng bào ta hiện nay như một phong trào đua nhau làm việc phước thiện xã hội. Phật dạy Phước Huệ Song Tu là đường về Cực Lạc, là hướng đi đến Niết bàn một cách vững chắc hơn hết trong tam tàng giáo hải.
Nói đến vấn đề Phước Huệ Song Tu, phải nói đến kinh Kim Cang. Kinh nầy dạy “Tu cả thảy pháp lành, tức đặng đạo Vô thượng Bồ-đề.”  Pháp lành mà kinh Kim Cang nói đây thuộc về pháp lành vô lậu thánh thiện, chớ chẳng phải pháp lành hữu lậu phàm thiện.
Pháp lành hữu lậu phàm thiện, nó chỉ làm cho người bố thí sẽ được hưởng phước hồng trần thế gian thôi, cao lắm thì cũng chỉ hưởng phước Thiên đường là cùng. Trái lại, pháp lành vô lậu thánh thiện, thì được chứng quả Niết bàn, được giải thoát ngoài vòng sanh tử luân hồi.
*
Sau khi phát tâm Bồ-đề, hàng Phật tử nên khởi công tu tập Phước Huệ Song Tu trong kinh Kim Cang và các kinh khác. Thật ra, đối với Phước Huệ Song Tu của cấp bậc Phật thừa, trình độ của tôi còn kém, sợ e vói không tới. Chỉ vì nhiều huynh đệ tỷ muội yêu cầu chúng tôi soạn thảo một tập luận để anh chị em nương theo đó tu hành cho vững chắc. Không thể từ chối được, vì lời yêu cầu quá khẩn thiết, nên chúng tôi vâng lời, dù biết mình còn non kém, sợ vẽ rồng thành rắn. Tôi thành tâm cầu nguyện Ơn trên Thầy Tổ và chư Phật, chư Bồ-tát hộ trì trong sự soạn thảo nầy.
Bàn về tu Phước và tu Huệ trong kinh Kim Cang, chúng tôi nhận thấy về ý nghĩa Song Tu Phước Huệ, nó đầy đủ hơn các kinh khác. Tư liệu về Phước Huệ trong kinh nầy rất dồi dào; tuy nhiên, cũng không nên khai thác cho hết ý nghĩa Phước Huệ trong toàn bộ Kim Cang Bát-nhã. Tại sao vậy? Tại vì, nếu làm như vậy thành ra giảng giải kinh Kim Cang chớ không phải viết về Phước Huệ Song Tu.
Hại nhứt, là khai thác ý nghĩa Phước Huệ cho hết quyển Kim Cang, thành ra nhái lại quyển Kim Cang và nhân tố quyển kinh nầy là Phước Huệ Song Tu.
Chọn một quyển kinh để làm “đại biểu” cho vấn đề tu Phước cũng như tu Huệ mà Phước đức và Công đức của nó chẳng thua kinh nào trong tam tàng giáo hải, để cho huynh đệ tỷ muội tu tập sau khi phát tâm, đâu phải là một việc dễ.
Thật ra, trong sự lựa chọn một quyển kinh để làm tài liệu đặng tu tập Phước Huệ Song Tu chóng thành công đạo Vô thượng Bồ-đề, huynh đệ tỷ muội mới phát tâm, làm gì có khả năng trạch pháp. Khi tôi gợi ý giới thiệu, ai nấy đều hoan hỷ chấp nhận. Huynh đệ nói: Khó mà chọn một quyển kinh đầy đủ Phước Trí Trang Nghiêm như kinh Kim Cang.
Cái hay của Kim Cang Bát-nhã, là ai tu tập nó, dù không để ý tới vấn đề minh tâm kiến tánh, rốt lại rồi cũng được kiến tánh minh tâm. Thể tánh của Kim Cang Bát-nhã là bản chất của Chơn-như, mà Chơn-như là Chơn tâm Phật tánh, là trực giác tâm linh, nó thích hợp với vấn đề tu Phước. Bởi tu Phước là thuận hợp với cái dụng của Chơn-như. Vì lý do đó, trực giác tâm linh chóng phát hiện Huệ giác Bát-nhã của Phật, là vấn đề minh tâm kiến tánh thành Phật.
Tất cả những vị Thiền sư Đông độ (Trung quốc), chỉ có Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn và Lục Tổ Huệ Năng không tu theo pháp Thiền bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền. Riêng Ngũ Tổ lại chọn bộ Kim Cang Bát-nhã để dạy tu Thiền, chúng ta còn ngần ngại gì mà không lấy Kim Cang Bát-nhã để làm Phước Huệ Song Tu?
Phước Huệ Song Tu là một pháp môn độc đáo nhứt nhì trong giáo lý đạo Phật. Ai sớm trồng căn tu Đại thừa, người đó sớm vượt khỏi Nhị chướng là hai cửa ải kiên cố nhứt trên con đường tu hành thành Phật. Qua được hai cửa ải nầy, chứng được Nhị huệ là Sanh Không Huệ (không thật có sanh) và Pháp Không Huệ (không thật có các pháp), thành tựu được hai món Chơn-như (Sanh Không Chơn-như và Pháp Không Chơn-như). Không được hai thứ Chơn-như nầy thì không bao giờ lìa được hai thứ sanh tử (sanh tử phần đoạn của phàm phu và sanh tử biến dịch của các Thánh ở hàng Tiệm giáo). Siêu xuất được Nhị sanh tử thì chứng được Nhị quả chuyển y Bồ-đề Niết-bàn.
Với lời lẽ mộc mạc, chúng tôi kính chúc toàn thể Phật tử thực hành Phước Huệ Song Tu, rốt ráo đạt thành quả vị Vô thượng Bồ-đề.
Cư sĩ Như Pháp



PHÀM LỆ
Nội dung của quyển Phước Huệ Song Tu, chúng tôi chia làm hai phần: Phần tu Phước và phần tu Huệ. Trong hai phần, phần nào cũng hướng về đạo Vô thượng Bồ-đề, thuộc về giáo lý Phật thừa.
Phần tu Phước có năm chương.
Phần tu Huệ có mười hai chương.
Lẽ đương nhiên, nội dung phần tu Huệ không phải dễ hiểu, vì nó bao hàm chơn lý Đại thừa. Đối với Phật học, cái gì dễ hiểu, dễ thực hành, cái đó chỉ có giá trị tương đối; cái gì khó kiến tạo, khó thực hành, cái đó mới cao sâu mầu nhiệm.

* * * * * *

PHẦN THỨ NHỨT
THẢO LUẬN VẤN ĐỀ TU PHƯỚC

Chương I
ĐỊNH DANH TU PHƯỚC VÔ LẬU

Tu Phước của hàng Phật tử Đại thừa là thực hiện công tác từ thiện xã hội theo tiêu chuẩn tu giải thoát của Phật thừa (Bạch ngưu xa).
Để nâng cao trình độ tu học về Phước thiện, Phật tử phải hiểu thế nào là “phàm thiện,” thế nào là “thánh thiện.”
Phàm thiện thuộc về làm lành, làm phước, làm phải, làm nghĩa, làm nhơn, ngoại trừ việc dìu dắt người khác đi trên con đường tu học Phật pháp.
Thánh thiện là việc làm của Bồ-tát thừa, có tinh thần thệ nguyện độ tất cả chúng sanh trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, mình cùng chúng sanh giai cộng thành Phật đạo.
Thể theo kinh điển của nhà Phật, phàm thiện thuộc về phước đức, chẳng phải thuộc về công đức tu hành thành chánh quả. Phàm thiện chỉ được hưởng phước thế gian thôi, dù cái thiện đó bao la rộng lớn cách mấy đi nữa, cũng chỉ hưởng phước Thiên đường là cùng. Nhưng phước Thiên đường chưa thoát khỏi sanh tử luân hồi, bởi sau khi hưởng hết phước trời thì đoạ lạc vào cõi thế, quanh quẩn trong sáu nẻo mà chịu khổ vô cùng.
Quí vị nào cảm thấy mình tu phàm thiện, vì gia cảnh của mình nên không tu theo thánh thiện được, hãy vững tâm, đừng tưởng mình không được độ. Bởi vì phàm thiện hay thánh thiện cũng đều quí cả, cũng đều là giống lành, cuối cùng cũng sẽ được độ.
Trên con đường tế độ chúng sanh tu hành thành Phật, chư Phật và chư Bồ-tát thường ứng hợp nhanh chóng với những chúng sanh nào trong Tàng thức có chủng tử (hạt giống) tu Phước, bất luận hạt giống đó phàm thiện hay thánh thiện, các Ngài đều tìm phương cách độ cho họ tu hành thành chánh quả. Đối với chư Phật, chư Bồ-tát, kẻ không có chủng tử lành, các Ngài còn dám tế độ, huống hồ những người sẵn có chủng tử lành, càng dễ tế độ hơn hết.
Chơn lý viên dung bình đẳng cho chúng ta biết rằng: “Chúng sanh thành Phật hồi nào đến giờ, đâu đợi tu mới thành.” Khế kinh có nói lời Phật như   vầy: “Ngã quan nhứt thiết chúng sanh cụ hữu Như Lai đức tướng Phật.” (Ta xem tất cả chúng sanh, bất luận loài nào, đều có đầy đủ đức tướng Như Lai).
Nếu tất cả khế kinh đều có nói những lời trên đây, thì tất cả hạt giống thiện pháp vô lậu, chúng sanh nào cũng có, vì tất cả chúng sanh đều có đầy đủ đức tướng Phật Như Lai. Tuyệt diệu nhứt là kinh nói tất cả chúng sanh đều có, chớ chẳng phải loài người mới có đầy đủ đức tướng Phật.
Trong sự chuyển mê khai ngộ của một thời pháp hướng Tiểu ra Đại, người tu pháp hữu vi thì từ phàm thiện, họ nhảy sang hướng thánh thiện rất dễ dàng.
Theo chơn lý Đại thừa, đối với thánh thiện, chẳng có khó tu tập cho lắm, nó chỉ cần phá chấp trước hành động của mình, khiến cho ba nghiệp thân, khẩu, ý không vướng vào ngã chấp, pháp chấp là công phu của mình thuộc vô vi vô tướng, vô lậu thanh tịnh. Ví dụ như ăn cơm, đừng chấp có ta ăn là vô ngã, đừng chấp thực phẩm đang ăn là vô pháp. Trong khi nghe thuyết pháp, đừng chấp có ta nghe, là vô ngã, đừng chấp có Phật pháp đang nghe là vô pháp. Kinh Phật bảo đừng chấp ngã, chấp pháp trong vấn đề nghe pháp, chớ chẳng phải không cho nghe pháp. Nghĩa là cái ta và cái pháp không được chấp có, nó hoà nhập vào vấn đề nghe pháp.
Ví dụ ta đang giặt quần áo, đừng chấp có ta đang giặt, đừng chấp có quần áo đang giặt, đó là vô ngã, vô pháp trong hành vi. Như thế, làm mà không thấy có sự vật gì đang làm. Công phu như vậy cao hơn toạ thiền quán tưởng vô ngã vô pháp; vì nó bao hàm cả tư tưởng và hành động vô ngã vô pháp.
Phá chấp như trên đây không có nghĩa tiêu trừ hay diệt cái ngã, cái pháp, mà nó có nghĩa phá cái tâm chấp trước ngã pháp. Cứ công phu như vậy một ít lâu, tuỳ căn cơ trình độ thì lìa được phiền não chướng và sở tri chướng. Hai chướng nầy ngăn cản hành giả tiến lên bậc Vô thượng Bồ-đề (Phật).

Chương II
TU PHƯỚC ĐỂ THỰC HIỆN CHỦ NGHĨA TỪ-BI

Đạo Phật là đạo Từ-bi, lý do đó, tu theo đạo Phật phải tu Phước để thực hiện chủ nghĩa Từ-bi. Từ-bi có hai ý nghĩa: Ý nghĩa thứ nhứt là để đáp ân Tam bảo Phật, Pháp, Tăng. Đáp ân ở trong trường hợp nầy, là ta phải noi theo chánh nghiệp độ sanh của Phật, Pháp, Tăng mà hoằng khai đại đạo, độ tận chúng sanh, chớ chẳng phải chỉ lo cúng dường, lo trai tăng, lo tạo tượng cho to, chùa cho lớn mà gọi là đáp ân Tam bảo.
Trong vấn đề đáp ân Tam bảo, ta phải xét nghĩ cho nhiều về vấn đề khế cơ, khế lý đối với thời đại. Con người hiện nay đang vũ bão tiến lên con đường khoa học kỹ thuật. Cách thức hoằng dương Phật pháp như xưa, nay không còn hợp thời, không còn thích nghi nữa. Mọi việc làm đều khoa học, đều tân tiến, nhưng chơn lý, giáo lý không có sự thay đổi, chỉ thay đổi về hình thức bên ngoài thôi.
Muốn thực hiện chủ nghĩa Từ-bi đúng mức, đừng phân biệt đạo với đời khác nhau. Đức tức là đạo, đạo tức là đời. Đời với đạo chẳng phải khác. Ta hoà nhập với đời mà hành đạo, chừng đó ta mới thấy vấn đề “hoà quang đồng trần” là một vấn đề lớn, chỉ có tư tưởng của Đại thừa mới dung nạp được thôi.
Chúng ta muốn cho người khác gần mình, trước tiên mình phải gần với người khác, như thế mới có cơ thành tựu. Nếu chúng ta muốn mọi người lo việc độ sanh với mình, mà mình không chịu gần mọi người, thử hỏi có được chăng?
Chủ nghĩa Từ-bi trong giai đoạn cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, phải hiện đại hoá. Một thời thuyết pháp phải vì hoà bình khắp mọi nơi, phải cổ động tình huynh đệ đại đồng. Phải tuyên dương tình hữu nghị, phải tương trợ lẫn nhau, xoá bỏ tư tưởng đế quốc và kỳ thị chủng tộc, kỳ thị chính thể văn hoá, kỳ thị tôn giáo.
— Thế nào gọi là Từ-bi?
Từ là làm cho tất cả chúng sanh được vui. Bilà làm cho tất cả chúng sanh lìa khổ. (Từ năng dữ nhứt thiết chúng sanh đắc lạc, bi năng bạt nhứt thiết chúng sanh ly khổ).
Không có cái lý “ai nấy đều khổ mà ta được vui.” Người khổ ta cũng khổ, vì người với ta sống trong chỗ tương quan, chẳng những tương quan trong một quốc gia mà tương quan cả thế giới.
Thọc một ngón tay xuống biển, ai dám nói rằng chẳng dao động khắp đại dương. Chủ nghĩa Từ-bi bao la rộng lớn vô lượng vô biên, sao ta lại tôn thờ chủ nghĩa ấy một cách chật hẹp như vỏ sò vỏ ốc, sao ta lại ích kỷ hại nhơn, sao ta lại vị kỷ mà không vị nhơn, sao ta chỉ tự độ mà không độ tha, sao ta tự giác mà không giác tha? Ta phát tâm Bồ-đề mà lòng ta còn nhỏ hẹp tư riêng như thế, quả thật không xứng đáng chút nào đối với bổn tâm, bổn tánh. Lòng quảng đại vô biên mới là lòng Phật. Lòng dạ hẹp hòi thì làm sao tôn thờ chủ nghĩa bao la rộng lớn hơn cả hư không?
Hãy mở lòng rộng lớn bao la ra đi! Phật sẽ chứng cho, hộ trì cho!

Chương III
TU PHƯỚC ĐỂ HỌC ĐẠI THỪA

— Tấm lòng vàng của những vị phát tâm Bồ-đề nằm ở chỗ nào?
— Nó nằm ở ý nghĩa bốn câu hoằng nguyện phát tâm Bồ-đề. Có nhiều vị Bồ-tát phát ngôn rằng: “Khi tấm lòng Từ-bi chưa phát hiện đối với chúng sanh, thì chớ nên phát tâm Bồ-đề.” Đành rằng phát tâm Bồ-đề là phát tâm cầu thành Phật, nhưng tâm Từ-bi chưa xuất hiện mà phát tâm thì hoàn toàn không có lợi: Phát tâm như vậy là tự dối gạt lấy mình, chỉ có hại cho đức hạnh của mình, bởi vì đối với vấn đề thành Phật mà mình dám lừa dối.
a) Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ:Đây là câu thứ nhứt của người phát tâm Bồ-đề, thệ nguyện với chư Phật và thệ nguyện với tấm lòng vàng của mình về sự tế độ chúng sanh, mình cùng chúng sanh giai cộng thành Phật đạo. Một người bình thường, hứa hẹn việc bình thường còn không thể bỏ qua được, huống hồ đại thệ, đại nguyện bỏ được sao?
Phải biết rằng một lời nói bâng quơ còn dính mắc, không thể bỏ được, huống hồ một câu đại thệ nguyện. Thệ nguyện đem cái sinh mệnh nầy giao kết, nguyện là ao ước, là tha thiết, là hùng tâm hùng chí, dù phải gian lao cực khổ cách mấy cũng không thối chuyển, huống chi trong sự tu hành độ sanh, đâu phải gian lao cực khổ thừa chết thiếu sống như bậc anh hùng tử sĩ xung phong cứu quốc.
b) Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn:Đây là vấn đề tự độ, độ tha. Đành rằng phiền não nhiều đến tám vạn bốn ngàn trần lao, nhưng phiền não tức Bồ-đề, sanh tử tức Niết-bàn, chúng sanh tức Phật, vọng tưởng tức Chơn-như, thì dù cho phiền não đã tích luỹ hằng sa số kiếp đi nữa, nó cũng không hơn được Huệ giác Bát-nhã ba-la-mật.
Phiền não dù năng lực của nó mạnh cách mấy, nhưng nó là loại ngu si mê mờ tối tăm, làm sao đủ sức chống lại ánh sáng của Huệ giác Bát-nhã, là thứ ánh sáng hễ soi chiếu vào chỗ nào, chỗ đó thành không, chẳng có tác dụng gì hết. Chúng ta thử nghĩ, người khôn với người mê, ai hơn ai kém? Một trăm ngàn lần, người mê không bao giờ hơn được người thông minh sáng suốt, có công giồi mài từ kiếp nầy sang kiếp kia để mở trực giác Bát-nhã.
Chính tu theo Đại thừa là khai mở trực giác Bát-nhã ba-la-mật. Khi đã thành tựu, nó có tên là Nhứt thiết chủng trí (la connaissance de tout). Dù chưa thành tựu bậc Vô thượng Bồ-đề (Phật), tất cả chúng sanh đều sẵn có trí Bát-nhã, thông thường gọi là giác tánh, là Chơn tâm, là Chơn-như, là tự tánh thanh tịnh tâm, là Bồ-đề tâm,...
Tu theo Đại thừa là khai quật tự tánh thanh tịnh tâm của mình. Hành giả khai mở nó bằng cách nhơn giữ giới sanh định, nhơn định sanh huệ. Đại định thành tựu thì đại huệ phát sanh; thông thường gọi là đại trí huệ quang minh.
Tại sao phải nhờ tu Phước để trợ duyên khai mở đại trí huệ quang minh? Bởi vì nền tảng âm chất với bản chất Chơn-như thuận hợp với nhau. Tánh thiện có tác dụng kích thích Chơn-như phát sanh Huệ giác Bát-nhã. Trái lại, tánh ác có tác dụng chống chọi, bất hoà hợp, nghịch lý với Chơn-như, đối lập với Chơn-như trong mọi trường hợp.
Tu Phước để học Đại thừa là như vậy. Nhưng bao nhiêu những điều trình bày trên đây cũng chưa đủ sức làm cho hành giả phải lặng tiếng im hơi sau khi hành pháp bố thí. Tật nghiệp của con người là xấu che, tốt khoe. Sau khi làm phải một việc gì, đem việc mình làm khoe khoang với người khác. Còn tiết lậu tin như vậy, đâu phải bố thí vô lậu. Có người, thậm chí cho tiền kẻ ăn xin mà cũng khoe.
Muốn học hạnh Đại thừa bố thí vô lậu, hành giả sau khi làm thật sự, phải im tiếng, đừng khoe cho người biết, đừng thấy có người thụ thí, đừng thấy có tài vật đem ra bố thí. Ta không, người không, vật cũng không, cái không cũng không, đó là Tam luân thể không. Được như vậy, phước đức vô lượng vô biên, cho đến cũng không cầu được hưởng phước những gì mình đã làm. Nhứt là, khi duyên qua rồi thì thôi, không nên nghĩ nhớ đến nữa, xem như không có việc gì đã xảy ra.
Vấn đề bố thí thuộc về phước đức, chẳng phải công đức. Bố thí thuộc về hành thiện, công đức thuộc về công phu tu hành. Nếu hành thí là vô lậu thanh tịnh thiện, thì công đức cũng phải vô lậu. Công đức vô lậu (cũng gọi là pháp lành) nó mới đúng như kinh Kim Cang nói: “Tu nhứt thiết thiện pháp, tức đắc đạo Vô thượng Bồ-đề.” (Tu cả thảy các pháp lành, tức đặng đạo Vô thượng Chánh đẳng chánh giác).
— Thế nào là công đức vô lậu?
— “Tu vô tu tu, chứng vô chứng chứng, đắc vô đắc đắc,” là công đức vô lậu thanh tịnh. Nghĩa là: Tu mà không chấp là tu mới thật là tu, chứng mà không chấp có ta chứng mới là thật chứng, đắc mà không thấy có ta đắc, mới là thật đắc.
Trên con đường tu học Phật pháp, bất luận phước đức hay công đức, nếu hành giả còn thấy có ta bố thí hay thấy có ta tu hạnh bố thí, thấy có người thụ thí, thấy có vật hay pháp để thí; hoặc thấy có ta chứng, thấy có Phật pháp để đắc và ta chứng đắc pháp Phật ấy, thì đều là kẻ tu pháp hữu lậu, hữu vi, bất kể phước đức hay công đức. Trái lại, bất luận phước đức hay công đức mà không chấp trước, thì đều thuộc về công đức.
Nói cách khác, làm phước mà không chấp, thì đó là công đức, trái lại, tu hành mà còn chấp, đó không phải là công đức mà chỉ là phước đức thôi.

Tham khảo thêm về tu vô vi và hữu vi
Trong sách “Trúc Song” có phác hoạ đường lối tu hữu vi và vô vi như sau:
Ở một  chùa nọ tới kỳ lễ vía, tất cả nhà sư trong chùa đều mặc trang phục chỉnh tề, cùng nhau hợp xướng tụng kinh vang rền. Trong khi đó, chỉ có một sư ngồi dựa lưng nơi cửa chánh, ông ta không tụng kinh gõ mõ gì cả. Lễ xong, các sư khác hỏi:
— Trong khi ai cũng đều tụng kinh, tại sao sư huynh lại ngồi không dựa cửa như thế?
— Tôi tụng còn nhiều hơn các huynh, đâu có ngồi không?
— Sư huynh tụng cách nào mà không ai nghe thấy?
— Tôi tụng thế nầy: “Xuất tức bất tuỳ chúng duyên, nhập tức bất cư uẩn giới, thường chuyển như thị bách thiên vạn ức chư kinh.” (Hơi thở ra không theo các duyên, hơi thở vào không trụ chấp nơi các uẩn. Tôi thường chuyển như vậy trăm ngàn vạn ức thứ kinh).
Các sư nghe nói, cả thảy đều xanh mặt, chắp tay xá xá rồi rút lui.

Chương IV
TU PHƯỚC ĐỂ SỚM VIÊN MÃN BÁO THÂN

Mỗi một vị Phật có ba thân: Một là Pháp thân, hai là Báo thân, ba là Ứng thân.
a) Pháp thân: Phật lấy pháp giới tánh (thể tánh các pháp) làm pháp thân. Nó là cái bản thể của Vạn hữu vũ trụ chớ chẳng phải cái gì khác. Cái bản thể nầy, có kinh thì gọi là Chơn tâm, Phật tánh, Thiền tông gọi là Bổn tánh, Duy Thức tông gọi là Thực tánh Duy thức, Như Lai thiền gọi là Tự tánh Như Lai, Tịnh Độ tông gọi là Di Đà tự tánh, v.v...
b) Báo thân: là thân hưởng được quả báo tốt do tu phước. Do tu phước vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp nên được thân nầy có 32 tướng chánh, tám mươi tướng phụ, vô số hào quang, chữ Vạn nổi lên giữa ngực, vô số tướng đẹp phụ thuộc khắp thân thể.
Muốn được viên mãn Báo thân, hành giả phải tích luỹ bao nhiêu phước đức trí huệ không thể tính biết được, chỉ lấy số cát sông Hằng ví dụ thôi.
Tu phước là vấn đề trọng đại, vì đó là phước vô lậu thánh thiện của thánh nhơn, ta chớ nghĩ rằng nó thuộc về phước đức chẳng thuộc về công đức. Nghĩ như vậy không đúng. Nên biết rằng, bất luận công phu tu hành nào của hành giả thuộc về vô lậu, nó xuất phát từ Chơn-như Huệ giác Bát-nhã, tức xuất phát từ pháp thân thanh tịnh bình đẳng, tánh tướng không hai, không sai biệt, nó với bản thể Chơn-như là nhứt như. Nó cũng bất sanh bất diệt, cũng thường trú như Chơn-như, nó không phải hình danh sắc tướng như pháp trần hữu vi hữu tướng. Dù sắc thân có tan rã theo bụi trần, nó cũng giữ trạng thái không sanh không diệt. Thế mà có người nói rằng khi Phật nhập Niết-bàn, thì Báo thân tan rã, biến mất như sắc thân!
Phải biết rằng trong ba thân làm ra ba độ. Pháp thân là Thường tịch quang Tịnh độ. Báo thân là Tự thọ dụng độ. Ứng thân là Tha thọ dụng độ. Chính Thắng nghĩa căn (cũng gọi Tịnh sắc căn, gọi nôm na là linh hồn), nó ốp vào phù trần căn để phát sanh tác dụng sanh tâm vật lý. Phù trần căn (sáu căn sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) nếu không có thắng nghĩa căn ốp vào, chẳng lẽ xác thịt (phù trần căn) mà có kiến, văn, giác, tri được sao? Thắng nghĩa căn tuy vô hình, nhưng nó có đủ sáu căn y như xác thịt (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý).
Thắng nghĩa căn chính là thần thức, là linh hồn. Nếu không có thắng nghĩa căn thì không có linh hồn. Chỉ vì người đời chấp có linh hồn bất tử, nên nhà Phật không dùng từ nầy. Nếu không có thắng nghĩa căn, cái gì bị đoạ xuống địa ngục như bà Thanh Đề thành ngạ quỉ (quỉ đói), thân hình trở nên xấu xí. Không có thắng nghĩa căn, cái gì được siêu lên Thiên đường sau khi ngài Mục Kiền Liên tế độ mẫu thân, bà Thanh Đề lên Thiên đường với thân hình đẹp dẽ của Tiên nữ. Thân hình bị đoạ và được siêu như một linh hồn, há chẳng phải là linh hồn ư? Chỉ vì bị định nghĩa “linh hồn bất tử, hay bất diệt” mà nhà Phật không dùng chớ chẳng phải không có linh hồn. Thế mà các tạp chí Phật học miền Nam thuở non 80 năm trước đua nhau tranh luận có hồn, không hồn một thời gian, tốn khá nhiều giấy mực.
Thắng nghĩa căn tức linh hồn, chính là Báo thân, trực tiếp chịu luật nhân quả lúc sa đoạ cũng như khi được siêu độ hoặc chứng thánh, thoát ly sanh tử khổ hải.
Nếu Báo thân mà tiêu diệt như Ứng thân, thành ra một vị Phật chỉ còn hai thân, và trong lúc Phật nhập Niết-bàn, Ứng thân cũng mất luôn, vì Ứng thân là thân huyết nhục do cha mẹ sanh ra.
Lạ lùng thay! Khi Phật nhập diệt, Ngài chỉ còn vỏn vẹn có một thân thôi! Phật gì kỳ quái vậy? Phải biết rằng, khi Phật vào Niết-bàn, chỉ riêng Pháp thân Phật thì ở cõi Thường Tịch quang, không giao thiệp với ai cả, hai thân kia thì giao thiệp với chúng sanh và Bồ-tát, hướng dẫn Bồ-tát thành Phật.

Chương V
TU PHƯỚC ĐỂ TRÊN BÁO BỐN ÂN NẶNG,
DƯỚI TẾ ĐỘ TAM ĐỒ

Căn bản tu học của Đại thừa, bất luận pháp môn nào cũng phải phát xuất từ Tự tánh thanh tịnh tâm. Bổn tâm bổn tánh của chúng ta có đủ vô lượng pháp môn, chính Phước Huệ là căn bổn trên mọi căn bổn. Tại sao vậy? Tại vì Phước với Huệ là gốc lành của Tự tánh.
Phước với Huệ là tác dụng của Tự tánh, ai song tu Phước Huệ, người ấy bước trúng đường đi vào gốc lành; người nầy đi đúng đường Phật đi, làm đúng việc Phật làm, tu đúng việc Phật tu, thành đúng việc Phật thành.
Nếu Phước Huệ là cái dụng căn bản của Tự tánh thanh tịnh tâm, hành giả hễ nghĩ nhớ đến Phước Huệ, là nghĩ nhớ đến nguồn gốc con người của mình, lập tức có tư tưởng hoặc hành động phát xuất từ tự tâm. Phước Huệ khai mở như vậy, kinh Pháp Hoa gọi là “Khai mở tri kiến Phật.”
Nói về tri kiến Phật, trong kinh Pháp Hoa có bốn câu kệ đại ý như vầy:
1. Khai mở tri kiến Phật tâm Phật tánh
2. Hiển bày tri kiến Phật tâm Phật tánh
3. Tỏ ngộ tri kiến Phật tâm Phật tánh
4. Nhập vào tri kiến Phật tâm Phật tánh.
Khác với kinh Diệu Pháp Liên hoa, kinh Kim Cang là quyển kinh chúa trong vấn đề tu hành về sự phá chấp. Không phá chấp-trước, cứ đeo mang các pháp hình danh sắc tướng thì làm sao nhập sâu vào cảnh giới của Chơn tâm Phật tánh được. Trong khi đó, kinh Kim Cang lại khích lệ Tu Phước bằng cách “Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ.”

THƯỢNG BÁO TỨ TRỌNG ÂN
1. Ơn cha mẹ sanh thành cúc dục.
Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Hai thứ ơn nầy hết sức nặng nề, hết sức to tát, rộng mênh mông như rừng sâu bể cả, dù báo đáp cách nào cũng không tương xứng.
Mười tháng cưu mang, ba năm bồng ẳm, ăn cay uống đắng, bú sữa mớm cơm. Ai kia có nhớ chăng? Con khóc, cha mẹ âu sầu, con cười, cha mẹ hỉ dạ. Chẳng may con đau ốm, thì giàu cũng như nghèo, chơn không bén đất, rước thầy chạy thuốc, đêm năm canh thổn thức, ngày sáu khắc âu lo, cầu khẩn các đấng thiêng liêng cho con mau lành bệnh.
Nay con đã mạnh rồi, khá giả chẳng nói chi, nếu nghèo khó thì than ôi! Phải làm thuê ở mướn, lo ngược tính xuôi, nhịn ăn, nhịn mặc, lắm lúc cầm bán vật dụng trong nhà, hầu trang trải tiền thầy tiền thuốc.
Đến khi con lên năm lên bảy, lo sắm ăn sắm mặc cho kịp bạn kịp thời. Cha mẹ còn phải nghĩ đến đường học vấn cho con. Trai thì nghề nghiệp văn chương, tốn hao chẳng ngại, chỉ mong con sớm đặng thành danh, làm vinh hiển tông đường, biết giữ phận công dân, xứng đáng cho quê hương xứ sở. Gái thì cũng rèn tập văn chương, thêm phần công dung ngôn hạnh, mai sau nên trang dâu thảo mẹ hiền.
Học tập vừa xong thì lo bề gia thất, đấng sanh thành lại một phen lo nghĩ, nào cậy mai tìm mối, nào sắm sanh lễ vật cầu thân, tốn hao chẳng tiếc, miễn sao cho con trẻ xứng đôi vừa lứa là phỉ dạ toại lòng.
Ơn cha mẹ như non cao biển rộng, phận làm con phải báo đáp cách nào đây? Thánh nhân xưa đã dạy: “Lập thân hành đạo, giương danh ư hậu thế, dĩ hiển kỳ phụ mẫu, hiếu chi chung giả.” (Lập thân danh hành đạo cả, nêu tên tuổi đời sau, làm vinh hiển cho song đường, ấy là làm con trọn nên hiếu thảo vậy).
Ta cũng nên để ý rằng, dù hết lòng báo đáp ơn cha nghĩa mẹ thế nào chăng nữa, mà người Phật tử không biết cách làm cho cha mẹ đi trên con đường chánh đạo (Phật đạo), thì sự báo đáp ơn sanh thành của người con đối với song thân, chưa phải là đầy đủ trọn vẹn bổn phận làm con.
2. Ơn quốc gia chánh phủ.
Ơn nầy cũng gọi là ơn nhà nước. Dù là người tu hành, chúng ta cũng là một công dân trong một nước, tức là một thành viên trong cộng đồng xã hội, chúng ta có bổn phận phải đóng góp công sức vào việc kiến tạo quê hương tuỳ theo khả năng, không làm điều phi pháp, phản giống nòi.
Xã hội hiện nay ngày càng văn minh, dân chủ và tiến bộ. Tuy nhiên, dù thế giới có tiến bộ tới đâu chăng nữa, ơn chánh phủ cũng không thể bỏ qua được. Uống một ngụm nước bên vệ đường còn không thể quên ơn được, huống hồ nhà nước quản lý điều hành đất nước là một công việc rất vĩ đại đối với quốc gia, dân tộc. Vì lý do đó, ta với nhà nước tuy hai mà một, tuy một mà hai. Cái gì chánh phủ lo là toàn dân phải chung lo, cái gì chánh phủ làm, là toàn dân phải chung làm. Nhà nước nhứt hô, toàn dân bá ứng. Ta chung lo, chung tính, chung làm với chánh phủ.
Như thế, nếu không hợp tác chung lo với chánh phủ là chúng ta bỏ vùi việc làm của mình, ta làm hại ta, vì ta là số đông, nếu có thiệt hại thì sẽ thiệt hại nặng hơn chánh phủ. Đi đúng con đường đã vạch ra trên đây, đó là ta biết cách báo ơn chánh phủ vậy.
3. Ơn minh sư giáo hoá:
Minh sư là người chỉ rõ mê đồ để triệu khai giác lộ, hun đúc tâm công bình, rèn luyện tánh bác ái. Nào là người xuất gia ly dục, nào là bậc minh tâm kiến tánh, cùng những bậc thấu tột nguyên lý vũ trụ vạn hữu, tất cả đều thấm nhuần giáo pháp của đức Minh sư chỉ dạy và lưu truyền.
Danh hiệu Minh sư là danh hiệu của Đức Phật Thích Ca, Giáo chủ cõi Ta-bà nầy. Đây là một vị Giáo chủ toàn giác, toàn minh, vô thượng chánh đẳng. Còn danh hiệu Minh Trí là của Đức Tông sư Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam. Đức Tông sư thường nói: Ngài với chúng ta là thiện hữu tri thức. Suốt một đời tu học, Ngài am hiểu sâu rộng về Phật pháp. Ngài đã thệ nguyện thực hiện trong đời mạt pháp nầy chủ nghĩa Từ-bi Bác ái của Đức Như Lai. Ngài tự lãnh trách vụ chỉ bảo khuyến khích chúng ta trên đường tu tập. Hoài bão của Ngài là người người đều được minh đức tân dân, chí chơn chí thiện, tế độ quần sanh tổng giai thành Phật đạo.
Có hai bậc tu Phật: Một là bậc xuất gia, trường trai tuyệt dục, cắt ái từ thân, đoạn lý hương đảng, danh lợi chẳng màng, lòng trần rửa sạch, giới luật hoàn toàn, tam tụ lục hoà tròn đủ. Toàn thể Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam ngày ngày cầu khẩn Ơn trên cho nước Việt Nam có nhiều vị đại đức chơn tu, hầu dìu dắt nhơn sanh theo đường chánh tín.
Hai là hàng cư sĩ có cửa có nhà, có nghề nghiệp làm ăn, giữ tròn chánh mạng. Dù cho sơ cơ học đạo, sóc vọng hoặc lục thập trai kỳ, chớ cũng biết quán tưởng tham thiền, giải phá si mê, dứt trừ phiền não. Đến những bậc phát tâm dõng mãnh thì cũng trường trai tuyệt dục, giới luật tinh chuyên, không khác gì tăng ni trong tứ chúng.
Suy cho kỹ, nếu thân tuy ở cửa Không (tự viện), mà tâm vẫn điên đảo mê lầm, mến trần luyến tục, trục lợi đồ danh thì có khác chi kẻ phàm phu tại thế. Còn thân tuy cư sĩ, nhưng lòng thường thanh tịnh, liễu ngộ lý mầu, thì sánh bực xuất gia kia không thua, không kém.
Tóm lại, dù cao dù thấp, dù Tịnh dù Thiền, lành dữ, mê ngộ, là tại lòng mình (Vạn pháp duy tâm), thì tại gia hay xuất gia, ai tu theo nhân nào, thì chứng quả nấy, mảy mún không sai.
Ai là hàng Phật tử, rán gìn lòng chơn trực, khá giữ dạ chánh trung, nêu gương xán lạn cho đoàn hậu tấn noi theo, hầu báo đáp trọng ân của đức Minh sư trong muôn một.
4) Ơn nhơn quần xã hội.
Lý do gì phải mang ơn xã hội? – Lời xưa có nói: “Vũ trụ là hí trường, công danh là bào ảnh.” Quán theo chơn lý thật tướng, thì lời ví kia quá đúng. Đạo hữu nam nữ cùng chư thiện tri thức cũng đồng quan niệm rằng: Trong việc sanh tồn, tất cả nhơn loại đều liên quan mật thiết với nhau. Thử nghĩ, chỉ một mình ta trên hoàn vũ, ta nương tựa vào ai để chống chọi với mưa nắng, ốm đau, đói rét? Vì lẽ bảo tồn, nhơn loại mới tụ tập kết đoàn hợp lũ, cho nên gọi là Nhơn Quần. Nhơn loại tuy sống chung lộn mà có thượng hạ tôn ty, cang thường luân lý, kỷ luật phân minh, cho nên gọi là Xã Hội.
Trong sự chung sống của nhơn loại, kẻ làm nghề nầy, người chuyên nghiệp nọ, trao đổi giúp đỡ lẫn nhau, chẳng luận màu da sắc tóc, không ai có thể sống riêng biệt một mình. Vì lẽ ấy, Tây âu mới có châm ngôn: “Dù cho tài cao thế mấy đi nữa, chúng ta cũng cần phải nhờ nhỏi kẻ kém sút ta thập bội.”
Ví dụ như y phục của chúng ta, kẻ nuôi tằm ươm tơ phải thức khuya dậy sớm, người trồng bông dãi nắng dầm sương, mới có nguyên liệu làm vải bô lụa là cho ta che thân. Đến như đồ thực dụng hằng ngày, thì người nông phu phải cày sâu cuốc bẫm, đội nguyệt mang sao, trải bốn mùa gian lao khổ cực đến ngần nào. Còn người làm rẫy lập vườn, thì nào vun trồng đủ giống đủ loài, vô phân, tưới nước, cao lương mỹ vị mới có cho chúng ta thoả dạ. Thậm chí đến loài cầm thú súc vật cũng giúp đỡ ta chẳng ít. Trâu cày, ngựa cỡi, chó giữ nhà, gà gáy sáng. Cũng như động vật, muôn loài thực vật đều hữu ích cho chúng ta tất cả.
Lại nữa, cổ nhân có câu thánh huấn: “Nhơn ngô đồng bào, vật ngô đồng khí,” người với ta cũng tai mắt tóc da, thịt xương tuỷ huyết, sanh ra đầu đội trời, chân đạp đất, biết nghĩ biết suy, có tình có nghĩa, cho nên gọi là đồng bào. Vật với ta đồng khí, nó cũng như ta, tham sống sợ chết, biết đau đớn kêu la, cũng biết có đôi bạn thương yêu, khác chăng, chỉ không nói năng như ta thôi. Thể chất của người và vật như nhau, cho nên gọi là đồng khí, thì nỡ lòng nào đang tay sát hại chẳng chút thương tình.
Sách sử xưa còn ghi chép: “Kiết thảo hàm hoàn, tri ân tất báo.” Hồn linh kết cỏ, chim nọ ngậm vành, đền đáp ơn thay, hà huống chi nhơn loại?
Ngày nay, chúng ta mang thân giả hiệp trong thời kỳ mạt pháp nầy, dù cho tuồng đời điên đảo thế mấy đi nữa, chúng ta cũng phải an nhẫn gắng sức tu hành, bền lòng học tập, phát tâm Bồ-đề rộng lớn, dõng mãnh tinh tấn độ mình, độ người, đồng qua khổ hải; như thế mới gọi là Thượng báo Tứ trọng ân.

HẠ TẾ TAM ĐỒ KHỔ
Dù Trọng ân đã đền, Phật sự của chúng ta cũng chưa trọn vẹn. Chúng ta còn phải thực hành chủ nghĩa Từ-bi, cứu độ nhơn sanh khỏi Tam đồ khổ, mới đúng với cái bản hoài xuất thế của chư Phật.
Thế nào gọi là Tam đồ khổ?
Một là Đao đồ, tức là những nỗi khổ do đao gươm gây nên, ví như vì sân hận thù hiềm, nhơn loại lắm phen chém giết lẫn nhau, hoặc vì tham lam gây chiến để chiếm đoạt, nhỏ thì cướp giựt tài sản, lớn thì xâm chiếm đất đai.
Hai là Thuỷ đồ, tức là những cảnh khổ do nước gây ra. Ví như người xảy chơn chết đuối, hoặc do lũ lụt cuốn trôi, hoặc do dòng nước chảy xiết, cảnh bão tố nước ngập tuông trào, khiến cho người vật phải nổi trôi chìm đắm.
Ba là hoả đồ, tức là những cái khổ do lửa gây ra. Những cơn hoả hoạn tiêu nhà diệt cửa, thiêu sống kẻ chậm chơn trễ bước, hoặc bệnh hoạn già yếu không lanh chơn.
Gươm đao, Nước, Lửa đã gây ra như vậy, khiến lâm vào hoàn cảnh không nhà cửa, không nơi trú ngụ, không phương tiện sanh sống. Bị cướp bị trộm còn có cơm ăn, chớ bị lửa thiêu sạch, một chén nước cũng không còn, Phật tử chúng ta phải mau mau hợp đoàn cứu trợ như thuở chùa Tân Hưng Long Tự (trong khoảng hai thập niên 60 và 70 thế kỷ 20) nấu cơm tiếp tế luôn ba bữa.

*

KẾT LUẬN VỀ TU PHƯỚC

Đến đây, chúng ta thấy vấn đề tu Phước rất quan trọng đối với vấn đề tu Huệ. Quan trọng đến đỗi không thể không có tu Phước trong khi đang tu Huệ. Liên quan mật thiết trong vấn đề tu hành các pháp môn, như kinh Phật nói về tương quan sanh khởi đồng sanh, đồng diệt. Chính kinh A Hàm cho ta cái chơn lý đồng sanh đồng diệt trên đây như vầy:
Cái nầy có, cái kia cùng có
Cái nầy không, cái kia cùng không
Cái nầy sanh, cái kia cùng sanh
Cái nầy diệt, cái kia cùng diệt.
Cái nầy, cái kia là cái gì? Đó là hai pháp đối đãi tương quan đồng sanh, đồng diệt. Ví dụ từ xưa đến nay không có ban đêm, thì từ xưa đến nay cũng không có ban ngày. Từ xưa đến nay không có chánh kiến, thì từ xưa đến nay cũng không có tà kiến. Chánh kiến với Tà kiến do đối đãi nhau mà cùng có hoặc cùng không. Trong hai pháp, nếu một pháp không có thì pháp kia cũng không. Ngược lại, một pháp không có, thì pháp đối kia cũng không. Thế nên, có thì cùng có cả thảy vậy vay, bằng không thì đôi liên cũng chẳng may may nào.
Hành giả nào tu học theo chơn lý Đại thừa, được cái lợi rất to tát, là hai pháp đối đãi cùng giúp đỡ lẫn nhau cho sự tu hành của mình chóng thành công. Trái lại, nếu chấp trước sự đối lập, đối đãi, nghịch nghĩa, làm mất cái thế viên dung bình đẳng, chẳng những không học được chơn lý Đại thừa, mà còn làm cho hai tướng đối đãi trở thành chướng ngại, phá hoại và hư hại đến pháp tu Đại thừa.
Ví dụ như Chánh kiến và Tà kiến, nếu là bình đẳng thì có lợi, nếu trái nghịch thì có hại.
Bao nhiêu triết luận trên đây cho ta thấy vấn đề tu Phước quan trọng bậc nào.
Có một vấn đề kỳ bí, yếu lý, thành công, hữu hiệu như vấn đề tu Phước, thì từ xưa đến nay không có quyển kinh nào bằng kinh Kim Cang Bát-nhã: Hành trì theo kinh Kim Cang Bát-nhã đến chỗ tỏ ngộ, thì phước đức lớn vô biên, không thể nghĩ bàn.

* * * * * *


PHẦN THỨ HAI
THẢO LUẬN VẤN ĐỀ TU HUỆ

Chương I
ĐỊNH DANH TU HUỆ

Hỏi: Tu theo Phật pháp, tại sao cần thiết phải tu Huệ?
Đáp: Đạo Phật mệnh danh là đạo Trí huệ. Do lẽ đó, tu theo Phật pháp thì phải tu Huệ .
—  Huệ là gì?
— Huệ là trí huệ, tiếng Phạn là Prajn, tiếng Pháp là Sagesse, tức cái trí khôn ngoan sáng suốt, trái với cái lòng tối tăm mê lầm bất thông lẽ phải. Prajn, Trung Hoa không có từ nào cân xứng, nên dịch âm là Bát-nhã.
Bát-nhã có nhiều nghĩa sâu mầu, ở đây xin nêu ra sáu nghĩa:
1. Viễn ly: Xa lìa vô minh phiền não vọng nghiệp.
2. Minh: Sáng, không mờ tối.
3. Huệ: Sáng tỏ.
4. Thanh tịnh: Trong sạch, không nhiễm ô.
5. Trí: Thông suốt.
6. Trí huệ: Sáng tỏ, thông suốt.
— Tại sao thường gọi là Bát-nhã, không gọi là Trí huệ?
— Bởi vì nếu dịch là Trí huệ, thành ra chưa đủ nghĩa. Hơn nữa, nếu dịch là Trí huệ, e người đời cho là tầm thường mà không quan tâm.
Bát-nhã có nhiều thứ, nhiều cấp bậc:
1. Văn tự Bát-nhã: Lấy ngôn ngữ văn tự để hiển bày lý Bát-nhã.
2. Bát-nhã Phật: Trí huệ Phật, cũng gọi là Huệ giác Bát-nhã, là Trí huệ có công năng như thuyền bè từ bến mê chở sang bờ giác (Ba-la-mật). Bến mê là chỉ cho thế giới chúng sanh, đầy tham, sân, si. Bờ giác, chỉ cho thế giới sáng suốt, dứt ngu si mê lầm, thanh tịnh giải thoát.
3. Bát-nhã thật tướng:Thật tướng là Bát-nhã, Bát-nhã là Thật tướng. Phàm cái gì chơn thật, cái đó không có hình danh sắc tướng (gọi tắt là vô tướng).
“Vô tướng vô bất tướng,” không tướng nhưng chẳng phải không tướng. Cái lý nầy cho chúng ta biết rằng: Chẳng phải thật tướng là không có gì cả, càng chẳng phải thật tướng là không có tướng gì hết. Tại sao vậy? Tại vì, khi thanh tịnh vô trước vô chấp thì vô tướng. Trái lại, lúc bất tịnh, tánh biến kế sở chấp hãy còn, lẽ đương nhiên vẫn còn tướng, chưa phải vô tướng. Không nên hiểu vô bất tướngcó tướng đi kèm với không tướng, cũng như sắc đi kèm với không, thành ra còn đối đãi, đối lập phản đề, nghịch nghĩa.
Vả chăng, ngoại duyên trần cảnh “hình danh sắc tướng,” chẳng phải bỗng dưng mà có tướng. Có tướng hay không có tướng nguyên do tại có người chấp trước. Nếu không có ai đứng trước các vật, làm sao biết các vật có tướng hay không có tướng. Căn cứ vào lời nói của Duy Thức Học: “Ở trước Y-tha-khởi tức hình danh sắc tướng của sáu trần, mà tánh Biến-kế sở chấp vắng mặt, thì hình danh sắc tướng (6 trần) là Chơn-như chớ chẳng phải cái gì khác.” Đem lời nói nầy mà đọ với năm pháp trong kinh Lăng Già, thấy nó chẳng có gì sai biệt.
Kinh Lăng Già nói năm pháp Danh, Tướng, Vọng tưởng, Chánh trí và Như như thì cũng không khác với Ba Tự-tánh của Duy Thức Học. Trong lúc vắng mặt tánh Biến-kế sở chấp, thì Y-tha-khởi là Chơn-như. Cũng như thế, trong lúc không có Vọng tưởng thì Danh tướng là Chánh trí, là Chơn-như. Ngược lại, trong lúc có Vọng tưởng, thì Chánh trí và Như như biến dạng, khác nào trăng tuy sáng mà bị mây đen bao trùm.
Đến đây, chúng ta thấy vấn đề tu Huệ quan trọng một cách thâm sâu vô tận trong vấn đề thành đạo Vô thượng Bồ-đề.

Chương II
TU HUỆ ĐỂ HÀNG PHỤC VỌNG TÂM, AN TRỤ CHƠN TÂM và TRỢ DUYÊN TU CHỨNG

Lời hỏi đầu tiên của ông Tu-bồ-đề trong kinh Kim Cang, có tầm quan trọng vô cùng lớn đối với người đời sau muốn tiến thẳng lên Phật thừa. Những đoạn trích dẫn và thảo luận dưới đây, sẽ giúp chúng ta dễ dàng tiếp cận, thâm nhập vào tinh nghĩa của kinh nầy.
   . . . . . .
   Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn, nếu có người phát tâm Bồ đề, muốn cầu quả Phật, thì:
   1. Làm sao hàng phục vọng tâm?
   2. Làm sao an trụ Chơn tâm?
   Đức Phật: Nầy Tu-bồ-đề, nếu có người phát tâm Bồ-đề muốn cầu quả Phật, thì nên như lời Ta dạy dây mà hàng phục vọng tâm và an trụ Chơn tâm.
Phật dạy hàng phục vọng tâm
   1. Nầy Tu-bồ-đề, các vị Bồ-tát phải độ tất cả các loại chúng sanh đều được nhập Vô dư Niết-bàn. Bồ-tát tuy độ vô lượng vô số chúng sanh như vậy, nhưng không thấy có một chúng sanh nào được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ-tát còn thấy có mình độ và chúng sanh được độ, tức là Bồ-tát còn chấp bốn tướng (Ngã, Nhơn, Chúng sanh, Thọ giả) thì không phải là Bồ-tát.
   2. Tu-bồ-đề, Bồ-tát khi tu pháp Bố thí không nên trụ chấp các tướng, nghĩa là không nên trụ chấp các tướng của lục trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp). Tại sao? Nếu Bồ-tát Bố thí mà không chấp tướng thì phước đức nhiều lắm, không thể nghĩ bàn.
Phật dạy an trụ Chơn tâm
   Nầy Tu-bồ-đề, các vị Bồ-tát phải y như lời Ta dạy trên đó mà an trụ Chơn tâm.
   (Đến phần thứ 12, Đức Phật kết luận về “hàng phục vọng tâm, an trụ Chơn tâm” như sau:)
   Bởi vậy Tu-bồ-đề nầy, Bồ-tát nên lìa cả thảy tướng mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chẳng nên sanh tâm trụ sắc, thinh, hương, vị, xúc pháp. Nên sanh tâm không có chỗ trụ (Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm), bằng tâm có chỗ trụ, tức chẳng phải trụ… Bởi vậy Phật nói tâm của Bồ-tát chẳng nên chấp pháp mà làm việc bố thí…
   (Cũng với lời hỏi như vậy, ông Tu-bồ-đề hỏi tới hai lần nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của lời hỏi. Lần thứ hai, ông Tu-bồ-đề hỏi Phật:)
   Tu-bồ-đề: Bạch Thế Tôn, nếu có người phát tâm Bồ đề, muốn cầu quả Phật, thì làm sao hàng phục vọng tâm và an trụ chơn tâm?
   Đức Phật: Nầy Tu-bồ-đề! Nếu có người phát tâm hoá độ tất cả chúng sanh, thì không nên thấy có mình độ và chúng sanh được độ. Tại sao vậy? Nếu Bồ-tát còn thấy mình độ và chúng sanh được độ, thì Bồ-tát còn thấy có Ngã tướng, Nhơn tướng, Chúng sanh tướng và Thọ giả tướng, tức nhiên không phải là Bồ-tát.
Tu-bồ-đề, thật không có một chút pháp gì gọi là phát tâm Vô thượng Bồ-đề cả.

GIẢNG LUẬN
Về hai câu hỏi của ông Tu-bồ-đề, lần thứ nhứt Phật dạy Bồ-tát độ sanh mà không chấp có ta độ và chúng sanh được độ. Kế đó Phật dạy Bồ-tát bố thí bất trụ tướng. Nếu trụ tướng mà làm việc bố thí thì Nhãn căn cũng như Nhãn thức mê chấp sắc trần, Nhĩ căn, Nhĩ thức mê luyến Thinh trần, v.v...
Phật trả lời ông Tu-bồ-đề bằng hai bài học, là Bồ-tát độ sanh mà không chấp có ta độ và chúng sanh được độ, và Bồ-tát bố thí bất trụ tướng.
Các bài học tiếp nối giảng giải hàng phục vọng tâm và an trụ chơn tâm, chúng tôi thấy câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” rất thích hợp với người đang thực hành Phước Huệ song tu.
Hỏi: Tại sao cho rằng bài học thích hợp với người song tu Phước Huệ, trong đó có câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm?”
Đáp: Bài học nầy chẳng khác bao nhiêu đối với các bài ở trước nói về Bố thí bất trụ tướng. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đại sư lấy kinh Kim Cang dạy đồ chúng tu hành, và Ngài có trước tác quyển kinh, trong đó có câu: “Giữ Chơn tâm hơn niệm Phật mười phương.” Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm (Không nên sanh tâm trụ chấp vào đâu hết), chẳng những nó có tác dụng hàng phục Vọng tâm, mà cũng có công dụng an trụ Chơn tâm.
Theo thiển kiến của chúng tôi, chẳng những các lời đáp của Phật đối với hai câu hỏi của ông Tu-bồ-đề hình thành bộ kinh Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật mà thôi. Chí như câu nầy, chẳng những nó bao trùm kinh Kim Cang, mà nó cũng bao trùm cả bộ Đại Bát-nhã Ba-la-mật nữa.
• Này đây! Muốn chứng bản chất chơn không của Chơn tâm Phật tánh, Tự tánh thanh tịnh tâm, Tự tánh thanh tịnh Niết-bàn, v.v... hành giả phải tu tập “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”
• Muốn minh tâm kiến tánh thành Phật, hành giả phải tu tập “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”
• Muốn hoàn toàn vô lậu thanh tịnh, hành giả phải thoát ly phiền não chướng và sở tri chướng do chấp ngã chấp pháp, tức là “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”
• Muốn chứng đắc pháp môn Không Hai trong kinh Duy Ma, hành giả phải lìa nhị nguyên biên kiến, tức là “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”
• Muốn đạt cảnh giới Trung đạo đệ nhứt nghĩa đế, hành giả phải tu tập “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”
• Muốn không dính mắc đến câu: “Dù diệt hết thấy, nghe, hay, biết, mà trong tâm còn giữ cái u nhàn, có khác nào còn phân biệt bóng ảnh sáu trần,” hành giả phải tu tập “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”
• Muốn vào nhà Tổ của pháp môn Đốn giáo Thiền tông, hành giả phải chứng được Chơn không Bát-nhã do tu tập “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”
• Muốn vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi toạ cụ Như Lai, hãy tu tập “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”
• Muốn chứng Thực tánh Duy Thức, hãy tu tập “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”
• Muốn Khai, Thị, Ngộ, Nhập tri kiến Phật, hành giả phải tu tập “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”
• Muốn chứng được Duy tâm Tịnh độ, Tự tánh Di Đà, hành giả phải tu tập “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”
• Muốn hữu Thiền hữu Tịnh độ, hành giả phải tu tập “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”
• Muốn quét sạch chấp ngã chấp pháp, hãy tu tập “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.”
Tu học Phật pháp đối với giáo lý Đại thừa là hành giả không còn dính mắc vào hình danh sắc tướng của vạn pháp. Các pháp tuy muôn ngàn sai biệt về hình danh sắc tướng, nhưng cả thảy đều do Chơn-như sanh ra. Chúng không có tự tánh, chúng mượn Chơn-như làm tự tánh. Nếu chúng có tự tánh thì chúng tự sanh thành, chẳng cần chờ nhơn duyên hội hợp mới thành. Duyên hợp thì sanh khởi, duyên tan thì biến diệt, nhưng đó là giả dối mà diệt, chớ chẳng thật diệt. Nếu các pháp thật diệt thì không thể nào sanh ra nữa. Sanh cũng không thật có sanh, diệt cũng không thật có diệt, đó là huyễn hoá mà sanh, huyễn hoá mà diệt. Nếu thật có sanh diệt, thì đó là bất sanh bất diệt, đó là bản chất của Chơn-như. Không đạt được lời nói nầy thì không bao giờ tin rằng “Chơn-như tuy thường tuỳ duyên sanh diệt mà vẫn như như bất biến, tuy như như bất biến mà vẫn thường tuỳ duyên sanh diệt.”
Hơn nữa, nếu không thông lý bất sanh bất diệt thì không bao giờ tin rằng các pháp là tịch diệt, tin rằng Chơn-như dù ta có toạ thiền hay không, có tu định hay không, nó cũng không bao giờ có vọng niệm tạp tưởng. Nhưlà bất sanh, như là bất diệt, như như bất sanh bất diệt, làm gì có sanh diệt. Chơn tâm, Phật tánh của chúng ta vì bất sanh bất diệt, nên mệnh danh là thường trú, chẳng phải vô thường; vô thường là sanh diệt. Ai tin Chơn tâm Phật tánh của mình là thường trú, vô khứ vô lai, người đó mới tin Kim Cang nói rằng “Như Lai là vô khứ vô lai,” là chỉ cảnh giới vô mê, vô ngộ. Nếu có khứ có lai là cảnh giới mê ngộ của phàm phu, bỏ quên Chơn tâm diệu giác minh của mình.
Theo ngài Thích Thiện Hoa, nội dung quyển Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật là dùng để giảng giải hai câu hỏi của ông Tu-bồ-đề. Nguyên lai, bộ kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật có tới 600 quyển, mà thời pháp Kim Cang xem như tóm lược lại bộ kinh nầy.
Nghiên cứu thật kỹ lời Phật dạy, thấy lần hỏi trước chia làm hai câu để đáp lại. Lần thứ nhì, cũng hai câu hỏi đó, nhưng Phật nhập câu trả lời lại làm một. Xét kỹ mới thấy ý Phật muốn nói: “Hàng phục vọng tâm tức an trụ chơn tâm.” Thật vậy, khi vọng tâm đã bị hàng phục rồi, nó trở thành chơn tâm thì còn an trụ chơn tâm gì nữa?
Ông Tu-bồ-đề tỏ ngộ hai nguồn gốc [Phật đã nói] trong kinh Thủ Lăng Nghiêm,* cho nên ông hỏi Phật cách thức hàng phục vọng tâm, chớ không hỏi Phật cách thức tiêu diệt vọng tâm. Nếu vọng tâm mà bị tiêu diệt, thì Chơn tâm cũng không còn, y hệt như diệt cho hết sóng, thì nước cũng mất luôn.
* Nguồn gốc sanh tử vô thỉ và Nguồn gốc Bồ-đề Niết-bàn vô thỉ (Vọng tâm với Chơn tâm, Vọng tưởng với Chơn-như).
Phải biết rằng, An trụ Chơn tâm là làm cho Chơn tâm không trụ vào đâu hết, vì tự thể của Chơn tâm vốn bất sanh bất diệt thường trú, nó đâu phải vô thường mà bắt nó trụ vào chỗ nầy chỗ kia. Kinh Phật bảo Trụ vô sở trụ, nghĩa là trụ chỗ chẳng trụ vậy.
Bàn về An trụ Chơn tâm, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đại sư nói: “Giữ Chơn tâm còn hơn niệm Phật mười phương.” Chơn tâm không ở đâu hết, nhưng ở đâu cũng có hết. Tuy nhiên, đừng chấp có, hoặc chấp không. Chấp có thì kẹt vào sanh tử phần đoạn của phàm phu, chấp không thì sa vào sanh tử biến dịch của Thinh văn hữu học.
Đối với vấn đề vô lậu thanh tịnh, chẳng phải chỉ có việc chẳng chấp có, chẳng chấp không mà thôi, mà phải xa lìa năng, sở, ngã, pháp, mới có thể đạt được cảnh giới vô lậu thanh tịnh.
Ai muốn đạt được cảnh giới vô lậu thanh tịnh, phải nghĩ đến vấn đề trực tiếp làm cho ta ô nhiễm. Chính chấp ngã, chấp pháp mới là vấn đề trực tiếp làm cho ta ô nhiễm. Kinh luận Đại thừa cho chúng ta biết rằng: “Chấp ngã chấp pháp hình thành cửa ải, khiến cho người tu hành khó vượt lên Phật quả.”
A. Những vị sau khi hàng phục vọng tâm, mà vọng niệm tạp tưởng còn lai rai, những vị đó phải biết hai nguồn gốc phát sanh thanh tịnh bắt nguồn từ Tự tánh thanh tịnh tâm.
Tự tánh thanh tịnh tâm phát sanh thanh tịnh, bằng bốn tác dụng thấy, nghe, hay, biết. Hành giả phải biết rằng: chẳng phải thấy, nghe, hay, biết nào cũng thanh tịnh, mặc dù nó xuất phát từ Tự tánh thanh tịnh tâm.
Bốn tác dụng nầy khi phát sanh từ trong ra ngoài, nó bị hành giả chấp ngã, chấp pháp, làm cho ô nhiễm bất tịnh, nghĩa là hành giả chấp có ta đang làm Phật sự hay làm việc sanh sống; chấp có sự việc đang làm về đạo hoặc về đời. Thế là ngã pháp tràn ngập thân tâm. Đó là lý do trong khi phát ra tác dụng, nó vốn thanh tịnh, đến khi ra ngoài, bốn tác dụng kiến văn giác tri trở thành bất tịnh.
B. Duy Thức Học cho ta biết rằng: sáu thức đóng đô tại sáu căn là do tác dụng của Thực tánh Chơn Duy thức. Sáu tác dụng nầy khi mới xuất phát thì hoàn toàn thanh tịnh, nhưng đến khi chúng ra tới sáu căn lại trở thành ô nhiễm: Mắt ô nhiễm sắc trần, Tai ô nhiễm thinh trần, Mũi ô nhiễm hương trần, Lưỡi ô nhiễm vị trần, Thân ô nhiễm xúc trần, Ý ô nhiễm pháp trần.
Căn với thức mà gặp sáu trần, chẳng khác nào con thơ gặp cha mẹ, chúng đeo dính gỡ không ra.

Cách giữ cho được thanh tịnh
Cả hai nguồn gốc phát sanh tri giác (kiến văn giác tri), hễ ở trong thì thanh tịnh, khi ra ngoài lại bất tịnh. Muốn được thanh tịnh, hành giả chú ý đừng phân biệt các pháp ngoại duyên sáu trần. Đừng chấp có ta hành động, đừng chấp có sự việc gì đang hành động... Không ta, không pháp, không năng, không sở, thì không có phiền não chướng và sở tri chướng. Không nhị chướng thì không nhị sanh tử, chứng nhị Chơn-như và nhị quả chuyển y Bồ-đề Niết-bàn.
Câu chót của bài hỏi lần thứ hai, Phật dạy đừng chấp pháp. Tại sao Phật không cần dạy phá chấp ngã? Bởi vì chấp pháp thì kẹt vào chấp ngã. Phàm nói chấp thì phải có người chấp và đối tượng bị chấp. Người chấp là nhơn ngã, vật bị chấp là pháp ngã. Hành giả phải nhớ:
Phân biệt các pháp ra,
Đừng tưởng nơi phân biệt.
Khéo phân rành các pháp,
Nghĩa thứ nhứt chẳng động.
*
TU HUỆ ĐỂ TRỢ DUYÊN TU CHỨNG
Trợ duyên tu chứng là một vấn đề khẩn trương, là một điều kiện duy nhứt không thể bỏ qua được.
Vấn đề Nhân Quả mà hiểu ít quá, nó sẽ làm trì trệ cho vấn đề tu chứng. Nhân quả là nói tắt, nói đủ là Nhân–Duyên–Quả. Nhân là nguyên nhân sanh khởi. Ví dụ như hạt đậu là nguyên nhân sanh khởi ra cây đậu hay dây đậu. Nhân cũng gọi là hạt giống dùng để gieo trồng. Muốn gieo trồng giống gì phải có hạt giống đó.
Trong sự gieo trồng, Duyên là món quan trọng nhứt, quan trọng còn hơn cả hạt giống. Tại vì Duyên bao hàm những thứ làm cho hạt giống thành tựu được hoa quả. Không có Duyên, dù có Nhân cũng bất thành. Ví như đã có hạt bắp làm giống, nhưng hạt bắp đó không đem gieo, không có đất, không có nước, không có phân, không chăm sóc, thử hỏi hạt bắp có sanh kết quả được chăng?
Đối với thực vật còn như thế, huống hồ đối với tinh thần. Ta tu pháp nào, lấy pháp đó làm chánh nhân (nguyên nhân chánh để sanh thành), đồng thời lấy “Vô sở trụ tướng” làm trợ duyên.
Thêm một ví dụ khác, như ta tu pháp môn niệm Phật, lấy sự niệm Phật làm chánh nhân. Chẳng phải chỉ có niệm Phật mà thôi, còn có các pháp trợ duyên cho pháp môn niệm Phật nữa, như ăn chay, giữ giới, tu Phước, tu Huệ, trì kinh, nghiên cứu kinh Đại thừa, học tập các khoá về Kinh giáo, v.v...
Đó, lý nghĩa trợ duyên là như vậy. Có nó thì chóng thành tựu, không có nó thì không kết quả. Duyên quan trọng vô biên như vậy, nên kinh luận cho nó là cái nhân thứ hai trong sự sanh thành, một điều kiện mà tuyệt đối không bao giờ không có.

Chương III
TU HUỆ ĐỂ THAM THIỀN

Muốn tu tập tham thiền thì phải có trí huệ. Không có trí huệ, lấy cái gì để tham cứu chơn lý. Đó là vô huệ bất thiền. Ngược lại, vô thiền cũng bất huệ.
Vô thiền bất huệ, vô huệ bất thiền. Thiền với trí huệ, tuy liên hệ mật thiết, nhưng còn hai món nữa cũng liên hệ mật thiết không nhỏ: Một là kinh sách, hai là thầy bạn. Không có thầy chỉ điểm mê đồ, làm sao chóng thành tựu, không có kinh điển cho thích nghi với trình độ, khế lý với sự tu học, làm sao mở mang và sáng suốt trong vấn đề tu tập tham thiền.
Còn thêm một món liên hệ thứ ba nữa rất quan trọng, quan trọng còn hơn thầy bạn và kinh sách. Thành công hay thất bại trong vấn đề tham thiền, mau hay chậm là do sự thanh tịnh của mình. Không thanh tịnh thì nhiễm ô, nhiễm ô thì vọng niệm tạp tưởng rối nùi, làm sao sáng suốt được, có nghĩa là làm sao đạt huệ.
Người học Phật, vấn đề thanh tịnh đứng hàng đầu trong sự tu hành. Không thanh tịnh, tu học cái gì cũng thất bại. Không thanh tịnh thì vật dục trần gian tràn ngập tâm hồn, nó làm cho tâm mình hết sanh đến diệt, dứt diệt hoàn lại sanh. Cái tâm sanh diệt nầy nó là chướng ngại, nó phá tâm pháp đạo của chúng ta, tâm ta không yên lặng, ta học được cái gì?
Để giải trừ tâm tán loạn sanh diệt vô thường, hành giả phải dùng câu niệm Phật một thời gian mới kềm chế được tâm loạn động. Đừng nghĩ rằng: Ta đang học pháp môn nầy nọ, rồi xen vô niệm Phật, nó chỏi nhau. Không, pháp môn niệm Phật chỉ giúp đỡ chớ không chướng ngại. Phải lúc niệm Phật thì cứ niệm, phải lúc quán tưởng thì quán tưởng, niệm hay quán cũng đều có tác dụng trừ tâm bất tịnh.
Về đề tài tham thiền, mỗi người tự mình chọn lựa trong kinh, tuỳ câu nào khế hiệp với căn cơ của mình, chọn lấy mà tham. Nếu không tự chọn được thì phải nhờ thầy bạn giới thiệu đề tài tham thiền. Chỉ có thầy bạn mới biết được trình độ tu học của mình thôi.
Tham thiền không ngăn niệm Phật, niệm Phật không ngăn tham thiền. Phải lúc niệm thì niệm, phải lúc tham thì tham, hai pháp môn cách biệt nhau, đôi liên không gặp nhau, làm gì có sự trở ngại đối với nhau.
Tham thiền để làm gì? Nếu để diệt trừ phiền não, xin cho can. Vì Phước Huệ Song Tu thuộc Đại thừa, không có vấn đề diệt trừ phiền não. Phiền não mà tiêu diệt rồi thì Bồ-đề cũng không còn. Phiền não với Bồ-đề tuy hai mà một, tuy một mà hai, rốt ráo phiền não với Bồ-đề chẳng khác nào sóng với nước. Nếu sóng bị huỷ diệt thì nước cũng không còn.
Nếu như tham thiền để tìm hiểu chơn lý Đại thừa thì lâu lắm mới có thành quả. Muốn mau có thành quả, hãy nhờ thầy bạn giảng nói, chóng có hiệu quả hơn là tự mình tham cứu. Khi đã hiểu và ngộ phần nào chơn lý Đại thừa, chừng đó tự mình tham thiền mới hiệu quả. Muốn tham cầu chơn lý nhanh chóng, hãy lấy pháp môn không hai trong kinh Duy Ma để tham cứu. Chừng nào thông hiểu phẩm Pháp môn không hai là khá lắm rồi: Phẩm đó là chơn lý rốt ráo của Đại thừa.

Chương IV
TU HUỆ ĐỂ PHÁ TÂM PHÂN BIỆT

Tâm phân biệt là vọng tâm chớ chẳng phải cái gì khác. Nó là ý thức (thức thứ sáu) của chúng sanh. Duy Thức Học cho chúng ta biết rằng, phân biệt là vọng, không phân biệt là chơn. Chính kinh Thủ Lăng Nghiêm cũng nói rõ như thế. Phân biệt là khắc tinh của chơn lý vô phân biệt hay gọi là chơn lý viên dung bình đẳng.
Duy Thức Học nói rằng Ý thức có cái biệt tài “phân biệt thù thắng,” nó là khắc tinh của Vô phân biệt trí, tức Chơn-như căn bản trí. Đôi liên khắc chế nhau, nhưng Chơn-như trí mạnh hơn vì nó sáng suốt vô cùng vô tận, còn Ý thức phân biệt thì mê lầm, mê lầm thì tối tăm, làm sao hơn cái sáng suốt nguồn gốc của tinh thần. Bản chất của Chơn-như căn bản trí là không hai, tức không có đối lập phản đề, nghịch nghĩa như Ý thức. Đã là không hai, tức chẳng phải một chẳng phải hai, làm gì có tương đối, làm gì có đối đầu tương phản nghĩa lý. Quí vị nào muốn thông suốt pháp môn không hai, hãy học chơn lý viên dung bình đẳng trong Tâm kinh. Tâm kinh cho chúng ta biết rằng: “Cái sắc chẳng khác gì cái không, cái không chẳng khác gì cái sắc, cái sắc tức là cái không, cái không tức là cái sắc; tâm thọ, tâm tưởng, tâm hành, tâm thức cũng y như vậy.”
Phá tâm phân biệt không có nghĩa tiêu diệt Ý thức thứ sáu, mà nó có nghĩa chuyển thức thành trí Vô phân biệt, cũng có thể nói nó bị Chơn-như Vô phân biệt trí đồng hoá.
Trong sự chuyển thức thành trí, Duy Thức Học nói rằng: “Chuyển năm thức đầu ra Trí thành sở tác, chuyển thức thứ sáu thành Trí diệu quan sát, chuyển thức thứ bảy thành Trí bình đẳng, chuyển thức thứ tám thành Đại viên cảnh trí.”
Trong sự tu hành, lợi hại nhứt là Ý thức thứ sáu, nó có công năng mạnh nhứt, trong tám thức không có thức nào có năng lực bằng nó. Nó muốn ai tu hành, không thức nào từ chối nổi, nó không muốn ai tu hành, không thức nào ngăn cản được. Do đâu nó có công năng vượt bậc như thế? Do Tâm sở tuỳ thuộc của nó rất đông, trùm hết các thức khác.
Tâm thức được gọi là Tâm vương, vì nó là chúa tể các Tâm sở. Các Tâm sở dụ như bầy tôi của Tâm vương, Tâm vương sai khiến cái chi, toàn thể Tâm sở tuỳ thuộc đều tuân hành không thể từ chối được. Chẳng khác nào khi vua chúa hạ lệnh cho bầy tôi, bầy tôi không bao giờ dám chống đối. Tâm vương hùng mạnh như vậy, làm sao không đủ oai quyền sai khiến bầy tôi?
Chuyện Tâm vương Tâm sở có khác nào chuyện tích đời xưa có những ông vua giàu mạnh, vì quần thần rất đông và rất sẵn sàng tuân lệnh. Trái lại ông vua nào nghèo nàn, quần thần ít ỏi, làm sao mạnh mẽ được. Tám thức Tâm vương và các Tâm sở tuỳ thuộc cũng y như vậy.
Trong Đàn Kinh, Tổ Huệ Năng dạy người đã kiến tánh phải áp dụng tánh “phân biệt mà không phân biệt” trong bốn oai nghi nhựt dụng thường hành: “Phân biệt các pháp ra, đừng tưởng nơi phân biệt.” Trong lúc hành sự thì phân biệt, nếu không phân biệt thì không hành sự được. Nhưng, trong chỗ hành sự đó đừng tưởng niệm sự phân biệt. Lời nói nầy tuy dễ, nhưng chẳng phải ai cũng làm được. Thói quen phân biệt của phàm phu đã bao nhiêu đời kiếp, kể từ kiếp vô thỉ đến nay, một sớm một chiều làm sao tránh khỏi phân biệt. Nội một việc: Sau khi hành sự, đừng nhắc đi nhắc lại, chuyện qua rồi thì thôi mà còn làm không được, huống hồ đã phân biệt các pháp trong khi hành sự mà không có cái lòng tưởng nghĩ đến sự phân biệt.
Ở đời, vạn sự khởi đầu nan, nhưng tập riết, rèn luyện lâu năm rồi cũng thành công.
Chúng ta nên xét rằng: Hành động nào của tâm sanh vật lý đều nối tiếp nhau có dây có nhợ. Như thế, nếu khởi công thi hành Phật sự hay làm việc gì trong công tác sanh sống, bắt đầu đừng thấy có ta hành sự, kế đó đừng chấp có sự việc gì đang, đã hành sự. Nếu còn thấy có ta hành sự, đó là còn chấp ngã; còn thấy có việc gì để hành sự, đó là còn chấp pháp. Còn chấp ngã chấp pháp là còn vọng khởi hoàn toàn. Chính chấp ngã chấp pháp là cái gốc phát sanh vọng niệm tạp tưởng, vô ngã vô pháp trong khi hành động thì hoàn toàn thanh tịnh vô nhiễm. Ví dụ đang ăn cơm, đừng chấp có ta ăn, là vô ngã ẩm thực, đừng chấp có thực phẩm để ăn, đó là vô pháp ẩm thực. Ví dụ đang giặt đồ, đừng chấp có ta giặt đồ, là vô ngã hành sự, đừng chấp có quần áo để giặt, đó là vô pháp hành sự.
Nghe giảng Phật pháp, đừng chấp có ta nghe giảng Phật pháp, đó là vô ngã nghe pháp, đừng chấp có Phật pháp đang nghe, đó là vô pháp nghe giảng Phật pháp. Bất cứ hành động việc gì, đời hay đạo, đừng thấy có ta hành động, đừng thấy có sự việc thực thi, đó là vô ngã vô pháp trong tất cả các công tác. Được như vậy không cần học tập “phân biệt các pháp ra, đừng tưởng nơi phân biệt.”
Khi giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ngài Tâm Minh có nói rằng: “Trong sự công phu tu tập hay làm Phật sự, mình đừng chấp có ta làm, đừng chấp có sự việc gì đang làm, đó là phương pháp khiến hành giả nhập vào Huệ giác của Phật (lòng mình).”
Các trang trước, chúng tôi đã nói rằng: “Trong Phật sự, trong công phu tu hành, trong lúc hành động sanh sống, nếu thoát ly được nhị chấp ngã pháp thì thoát ly được phiền não chướng và sở tri chướng, chứng được Sanh không chơn như và Pháp không chơn như. Chứng được nhị Chơn-như thì lìa được nhị sanh tử (sanh tử phần đoạn và sanh tử biến dịch), đạt được hai quả chuyển y Bồ-đề Niết-bàn.
Phá tâm phân biệt là trực tiếp phá gốc vọng tưởng. Chính Ý thức thứ sáu là gốc vọng tưởng chớ chẳng phải cái gì khác. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật dạy: “Nầy A-nan! Sở dĩ chúng sanh tu hành mãi mãi mà không thành bậc Vô thượng Bồ-đề là tại không tỏ ngộ được hai nguồn gốc: Một là nguồn gốc vọng tưởng vô thỉ sanh diệt vô thường, hai là nguồn gốc bất sanh bất diệt Bồ-đề vô thỉ.” Hai nguồn gốc nầy sanh ra không biết từ thời kỳ nào, hễ có thân là  có chúng.
Nguồn gốc sanh diệt vô thường là cái gốc ngu si mê lầm của vô minh. Nguồn gốc bất sanh bất diệt Bồ-đề Niết-bàn là Chơn tâm diệu minh thường trú, cũng gọi Tự tánh thanh tịnh tâm, hay gọi Tự tánh thanh tịnh Niết-bàn, và nhiều dị danh khác tuỳ theo mỗi kinh, mỗi pháp môn.
Hành giả phải hiểu ngộ hai nguồn gốc nầy là một hay là khác mới có thể tu học Đại thừa, mới có thể thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề. Bằng không, dù tu vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp cũng không thành Phật được.
Hai nguồn gốc nầy chẳng khác nào như nước với sóng. Ngoài sóng không có nước, ngoài nước không có sóng, sóng tức là nước, vọng tưởng tức Chơn-như, phiền não tức Bồ-đề, chúng sanh tức Phật.
Hiểu ngộ được hai nguồn gốc, hành giả không còn cái tâm tiêu diệt phiền não để cầu Bồ-đề. Vì phiền não một khi tiêu diệt rồi, Bồ-đề cũng mất luôn. Đó là cái lẽ diệt sóng thì không còn nước. Huỷ diệt chất chua chát trong trái xoài thì chất ngọt bùi mất luôn. Như thế thì biết rằng: “Pháp tánh và pháp tướng cũng đều là Chơn-như không hơn không kém. Hiện tượng (phénomène) hay bản thể (substance) chỉ là một, vì tánh với tướng đồng như nhau vô sai biệt.
Hành giả không phá tâm phân biệt, cứ lo tiêu trừ pháp tướng vọng tưởng, làm trở ngại Chơn-như trong vấn đề tu chứng. Đối với pháp tướng cũng như đối với hiện tượng, mình hiểu rõ vọng thì vọng tức chơn, hiểu rõ chúng sanh thì chúng sanh tức Phật. Trái lại, nếu chấp chơn, thì chơn tức vọng, chấp Phật thì Phật tức chúng sanh. Tỏ ngộ thì được lợi to tát như thế, còn phân biệt chấp trước thì chính mình làm hại lấy mình, chớ không ai vào đây hại mình cả.
Hành giả nào tỏ ngộ được hai nguồn gốc như kinh Thủ Lăng Nghiêm đã nói, hành giả đó đánh dẹp được sự phân biệt tận nguồn gốc. Như thế tu Huệ để phá tâm phân biệt, sẽ đi sâu vào tận nguồn gốc các pháp.

Chương V
TU HUỆ ĐỂ TRÌ GIỚI

Song tu Phước Huệ mà không chú trọng vào vấn đề trì giới là hỏng. Giới luật là căn bản của sự tu học Phật pháp. Bỏ căn bản mà tu cái gì khác, đó là lấy ngọn bỏ gốc. Gốc đã bỏ rồi, dù tu vô lượng pháp môn cũng không thành cái chi cả.
Làm dân một nước, phải thông về pháp luật, làm Phật tử phải am tường về giới luật. Giới luật không thông, như xe thuyền không lái, muốn lủi vào đâu cũng được, không có cái gì kềm chế, không có cái gì chỉ đạo.
Không có trí huệ, tức không có cái gì chỉ đường ngay lẽ phải cho người tu hành noi theo để tránh sa hầm sụp hố. Không có trí huệ hướng dẫn, thì sự trì giới không trọn vẹn. Trí huệ là cây đuốc quang minh dẫn đường cho người trì giới hành cước một cách an toàn, như người đi đêm có đuốc sáng, như người lạc vào rừng sâu có địa bàn, tánh mạng được bảo đảm. Trí huệ là sự sáng suốt, nó thấy tất cả, nó biết tất cả, nó lèo lái cho người trì giới thông hiểu cái nào tà nên tránh, cái nào chánh nên làm, cái nào ô nhiễm không nên phạm, cái nào có phước có tội, cái nào chánh kiến, cái nào tà kiến, thảy đều không lầm lẫn.
Không tu Huệ để hướng dẫn trì giới cho được vẹn toàn, thì chẳng khác nào người học đạo bằng cái tâm si mê vậy.
Giới luật của người tu Đại thừa là dựa trên nền tảng Tam tụ Lục hoà.
TAM TỤ
Tam tụ là nói tắt, nói đủ chữ là Tam tụ tịnh giới, tức ba giới thanh tịnh thâu nhiếp hết thảy các giới của Đại thừa.
1. Nhiếp luật nghi giới:Nghĩa là tuỳ theo nhơn địa của mình mà giữ tròn giới thể. Nói về giới tánh, thì Nhiếp luật nghi giới chính là Chư ác mạc tác (các pháp ác dữ chớ làm).
2. Nhiếp thiện pháp giới: Nghĩa là giới thâu nhiếp tất cả những pháp lành, những pháp môn tu học trong Phật đạo. Nhiếp thiện pháp giới chính là Chúng thiện phụng hành (vâng làm cả thảy các pháp lành).
3. Nhiêu ích hữu tình giới:Nghĩa là, khi đã giữ luật nghi, hành thiện pháp, người tu học Đại thừa nên lấy lòng Từ-bi mà làm chuyện lợi ích và cứu độ cho cả thảy chúng sanh. Do nghĩa nầy, giới thứ ba cũng được gọi là Phổ cứu nhứt thiết chúng sanh, tức là ý nghĩa thực sự của hai chữ Bồ-tát vậy.
LỤC HOÀ
Lục hoà tức là sáu điều hoà đồng ái kính. Người tu hành, bên ngoài đối với điều lành của người thì hoà thuận, bên trong thì tự mình kính cẩn khiêm nhường.
1. Giới hoà đồng tu: Người Phật tử đều cùng chung giới luật nhà Phật, nên phải hoà thuận nhau, tôn trọng nhau.
2. Kiến hoà đồng giải:Người Phật tử nếu hoà hợp cùng một chỗ thấy thì mới cùng nhau giảng luận cho thông giáo lý.
3. Lợi hoà đồng quân: Trong công việc thì cùng chung lo chung làm, về vật dụng thì cùng chia sẻ đồng đều.
4. Thân hoà đồng trụ: Trong chỗ đông người cùng tu học, nên cùng nhau giữ hoà thuận, kính nhường trong từng oai nghi.
5. Khẩu hoà vô tranh: Trong chỗ đông người, cần phải nhường nhịn nhau lời ăn tiếng nói, không tranh đua cãi lẫy.
6. Ý hoà đồng duyệt: Điều quan trọng nhứt trong lục hoà, là phải hoà thuận ngay từ trong ý của mình, mới có thể cùng nhau xem xét mọi công việc.

Chương VI
TU HUỆ ĐỂ PHÁ NHỊ CHẤP NGÃ, PHÁP

— Tại sao tu theo Phật pháp mà lại phải tu tập phá ngã chấp và pháp chấp?
— Bởi vì chấp ngã, chấp pháp là hai cái gốc khổng lồ phát khởi ra phiền não chướng (do chấp ngã) và sở tri chướng (do chấp pháp). Hai thứ chướng ngại nầy, ai muốn thanh tịnh mà không trừ khử nó, quyết không bao giờ thanh tịnh được.
Đạo Phật là đạo thanh tịnh, ta tu theo Phật pháp mà tâm không thanh tịnh, dù tu ngàn đời muôn kiếp cũng không chứng quả. Không thanh tịnh thì ô nhiễm vật dục trần gian, ô nhiễm vật dục trần gian thì làm sao mà tu hành cho được.
Đối với Đại thừa, ta muốn thành công nhanh chóng thì phải tu từ gốc, đừng tu nơi ngọn. Thể theo Đông phương y lý, trừ bệnh phải trừ nơi gốc. Về sự tu hành theo Phật pháp cũng thế, trừ tâm bệnh thì tìm gốc mà trừ, đừng trừ ở ngọn. Ví dụ như phiền não chẳng hạn, do chấp ngã mà có tám vạn bốn ngàn trần lao. Cái gốc là do chấp ngã, đâu phải do một vài thói xấu tật hư mà trừ thói xấu tật hư? Như thế, chẳng những không trừ hết phiền não, mà phiền não lại tăng gia thêm nhiều hơn, đúng như kinh điển nói: “Dục trừ phiền não trùng tăng bệnh, siêu khởi chơn-như tổng thị tà.”
Muốn ăn ong, phải ăn nguyên ổ, chọc phá vài con, cả ổ ong bay túa ra ra đánh chết người ăn ong. Cũng như thế, mình trừ phiền não, phải nhắm ngay cái gốc mà trừ, đừng chọc phá với phiền não mà mang hại... Bỏ cái tâm chấp ngã đi, thì vô lương phiền não đều thành không.
Đối với sự tu tập phá trừ tâm chấp trước các pháp cũng thế. Đây là cái gốc phát sanh vô lượng vô biên sở tri chướng (chướng ngại do chấp pháp). Cái chướng nầy còn nguy hiểm hơn phiền não chướng gấp trăm phần. Phiền não chướng chỉ có tám vạn bốn ngàn thôi, còn sở tri chướng có cả triệu cả ức điều mê nhiễm. Nếu chỉ lo khu trừ từng cái mê nhiễm, e cả tỷ kiếp a-tăng-kỳ cũng không hết bệnh ô nhiễm vật dục trần gian. Xả bỏ cái tâm chấp pháp đi, vô lượng nhiễm ô không trừ cũng dứt.
Muốn hạ ngọn phải đốn gốc, không chịu đốn gốc, chỉ lo cắt nhánh sửa cành, muôn kiếp cũng không thành công.
Ngã với pháp vốn liên lập, dính mắc một cái, cả hai đồng dính mắc. Ở đâu có ngã, ở đó có pháp; ở đâu có pháp, ở đó có ngã.
Hỏi: Ngã là cái gì mà nói rằng nhơn vô ngã, pháp vô ngã?
Đáp: Ngã là tiếng Hán–Việt, có nghĩa là ta (moi), là tôi. Đó là một từ mượn nó để xưng hô với người nào mình đang đối thoại. Ngã là một từ rỗng trống, nó không có thực thể, không có một cơ năng sống động, nhiều người không hiểu như vậy, lại chấp thân nầy là ta, là tôi, chấp cái ta chơn thật nằm trong thân nầy, nằm trong tâm nầy, chấp nó là chủ tể hằng còn không sanh không diệt.
Đối thoại với các phái ngoại đạo bàn về ngã, Đức Từ phụ Bổn sư Thích Ca tuyên bố là vô ngã: “Không có cái ta thường hằng bất biến bất sanh bất diệt, các ông hãy tu tập vô ngã.”
Tại sao Đức Thế Tôn tuyên bố như thế? Bởi vì cái ngã mà ngoại đạo chấp trước đó, đâu phải là chơn ngã. Đến lúc Phật sắp dạy chơn ngã, các thầy tỳ kheo bạch rằng:
— Bạch Thế Tôn! Trước kia Phật đã tuyên bố với ngoại đạo rằng không có cái ngã. Hôm nay lý do gì Phật lại đem cái ngã ra dạy các hàng tỳ kheo?
— Nầy các vị tỳ kheo! Trước kia sở dĩ Như Lai tuyên bố vô ngã, là vì các phái ngoại đạo họ chấp cái giả ngã, nên Ta mới nói không có ngã. Hàng tỳ kheo nghe Ta nói vô ngã, họ tin theo và tu tập vô ngã. Nay Ta dạy về chơn ngã, các vị muốn tu tiến thì phải biết xả bỏ pháp ấy, không tu tập vô ngã nữa. Nếu hoàn toàn vô ngã, là pháp đoạn diệt, mất luôn chơn ngã, đại ngã. Chơn ngã, đại ngã là gì? Đó là Chơn tâm, Phật tánh, Như Lai tánh, ...
Vì lý do trên đây, trong sự phá ngã là phá cái tâm chấp trước tự ngã, chớ chẳng phải huỷ diệt cái giả ngã. Nếu giả ngã bị huỷ diệt thì chơn ngã, đại ngã cũng không còn.
(Đại ý một đoạn trong kinh Đại Bát Niết Bàn)
Hôm nay, chính giả ngã là chơn ngã, chớ chẳng phải cái ngã nào khác vào đó. Đó cũng là cái lý “Phiền não tức Bồ-đề, Sanh tử tức Niết-bàn, chúng sanh tức Phật, v.v...” Đó là chơn lý Đại thừa. Chơn lý nầy chỉ cần song tu, tu một lượt phá chấp ngã và phá chấp pháp. Hai cái phá chấp nầy thành công rồi thì phiền não chướng và sở tri chướng trở thành Sanh không Chơn-như và Pháp không Chơn-như, hành giả lìa được hai thứ sanh tử (sanh tử phần đoạn và sanh tử biến dịch của các thánh về Tiệm giáo).
Trong sự tu tập để phá chấp ngã và chấp pháp, tôi xin trình bày một phương pháp chưa từng có, mà nó hữu hiệu chóng hơn toạ thiền quán vô ngã vô pháp. Ví dụ, quí vị đang nghe giảng giải Phật pháp, quí vị đừng chấp có ta đang nghe Phật pháp. Đó là vô ngã nghe pháp. Quí vị cũng đừng chấp có Phật pháp đang nghe, đó là vô pháp thính pháp.
Ví dụ, quí vị đang lạy Phật, quí vị đừng chấp có ta đang lạy Phật, đó là vô ngã bái Phật; quí vị cũng đừng chấp có ông Phật sở bái (ông Phật để ta bái), đó là vô pháp bái Phật.
Ví dụ, quí vị đang giặt quần áo, quí vị đừng chấp có ta giặt, đừng chấp có quần áo đang giặt, đó là vô ngã, vô pháp giặt quần áo.
Trong bốn oai nghi, bất luận đi đâu, bất cứ làm gì, hãy xả bỏ cái ta, cái pháp. Đây là xả bỏ cái tâm chấp ngã chấp pháp, chớ chẳng phải tiêu diệt ngã pháp.
Hành trình tu tập sau khi dùng tâm Vô sở đắc để phát tâm Bồ-đề,* chỉ có hai cửa ải khó vượt qua. Đó là cửa ải chấp ngã, mệnh danh là phiền não chướng, và cửa ải chấp pháp, mệnh danh là Sở tri chướng. Vượt khỏi hai chướng nầy là sự thành Phật nắm chắc trong tay.
Tu Huệ để phá nhị chấp là như vậy. Để chứng minh ngã pháp không thật có, tôi xin trích lục hai pháp mà Phật dạy vô ngã, vô pháp trong kinh Kim Cang.
* Xin xem lại chương II phần tu Huệ. Trong kinh Kim Cang, Phật nói: “Không có chút pháp chi gọi là phát tâm Bồ-đề,” để nói lên cái lý vô sở đắc của cả thảy pháp. Do đó, người muốn phát tâm Bồ-đề chân thật, phải tỏ ngộ được lý vô sở đắc và dùng tâm vô sở đắc để phát tâm chân thật.

PHẬT DẠY PHÁ BỐN TƯỚNG
. . . . . .
— Nầy Tu-bồ-đề, nếu có người cho rằng “Phật cũng nói bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả,” thì người nầy có hiểu được nghĩa của Như Lai nói chăng?
— Bạch Thế Tôn, người nầy không hiểu được nghĩa của Như Lai nói. Tại sao vậy? Vì Như Lai nói bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, nhưng không phải thật có bốn tướng, chỉ giả gọi là bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả mà thôi.
Trên đây là Phật phá cái chấp trước của phàm phu đối với nhơn loại quần sanh. Nhơn loại chấp có tự ngã, đó là lầm tưởng thật có cái ta nằm trong thân nầy, tâm nầy; vì phàm phu cho thân nầy, tâm nầy là tự ngã. Nhưng thân tâm của ngũ uẩn là vật sanh diệt vô thường, nó đâu phải thường hằng bất biến bất sanh bất diệt như Chơn tâm, Phật tánh mà gọi nó là ngã. Phàm nói ngã (chơn ngã, đại ngã) phải biết nó là một lý thể tự hữu hằng hữu, bất sanh bất diệt thường trú, vừa là chủ tể, vừa là tự tại vô ngại, có quyền sắp xếp mọi việc, mới được gọi là ngã. Đàng nầy, nó chỉ có cái danh xưng là ngã, cái ngã rỗng tuếch, không có gì là tự thể, thì làm sao là một thực thể đủ tư cách Chơn-như được.
Phật cho bốn tướng là huyễn hoá, không chơn thật, không thật hữu. Tướng ngã là do lầm nhận mà hình thành. Tướng nhơn cũng không thật có, tướng chúng sanh cũng do lầm chấp, tướng tuổi thọ cũng không phải là một thật thể bất biến.
PHẬT PHÁ CHẤP PHÁP
. . . . . .
— Nầy Tu-bồ-đề, người phát tâm Bồ-đề chẳng nên chấp các pháp là thật có, mà phải thấy các pháp là giả, biết các pháp là giả, hiểu các pháp là giả và tin các pháp là giả.
Tu-bồ-đề, Như Lai nói các pháp không thật có, các pháp chỉ giả gọi là các pháp.
Hỏi: Lý do nào đoạn kinh văn trên đây phủ nhận các pháp, cho các pháp là không thật có.
Đáp: Sở dĩ nói rằng các pháp không thật có, là tại các pháp có sanh, có diệt, lúc còn lúc mất, lúc có lúc không, không được thường trụ bất biến bất sanh bất diệt.
Vi trần và thế giới, chẳng qua hợp với tan, tan với hợp hình thành; duyên hợp thì còn, duyên ly tán thì thành không, đâu có cái thực thể nào bất sanh bất diệt mà chấp rằng các pháp là thật có. Pháp là chỉ cho muôn sự muôn vật, nó hiệp tan tan hiệp, nói nó là có, là không, sai tận gốc.

Chương VII
TU HUỆ ĐỂ PHÁ CHẤP HÌNH DANH SẮC TƯỚNG

Hỏi: Hình danh sắc tướng là cái gì?
Đáp: Hình là hình tướng các vật. Danh là tên các vật, như tên cái bàn, cái ghế... Sắclà sự hiện-hữu-hoá cái có (vật hữu) trong vũ trụ. Tướng là hình thái, là tướng trạng.
Hình danh sắc tướng là chỉ cho vạn vật có tên, có tướng trạng, có hình hài, có màu sắc để thể hiện ra một vật gì, tên gì, ta nhìn qua liền biết rõ. Nó là sáu món trần cảnh chớ chẳng phải cái gì khác (Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp). Chúng là đối tượng của sáu căn và sáu thức. Nó có tên là ngoại lục nhập, sáu căn gọi là nội lục nhập. Kinh luận khác gọi sáu trần là “lục tặc” (kẻ cướp). Lục tặc thừa lúc lục căn bỏ ngỏ, chúng đột nhập vào nhà ta (sắc thân) để cướp tài sản, để mê hoặc tâm ta, xúi giục ta làm bậy, nói bậy, tưởng bậy. Do đó mà ba nghiệp không được thanh tịnh.
Tu theo Đại thừa mà ba nghiệp không thanh tịnh, thì cái hành nghiệp của nó còn xấu xa hơn làm bất cứ cái gì khác.
Ngài Cảo Thiền-sư ngộ được câu: “Lìa tất cả các vọng chấp mới là chư Phật,” bèn làm hai bài kệ:
Thân, khẩu, ý thanh tịnh
Đó là Phật xuất thế
Thân, khẩu, ý bất tịnh
Đó là Phật nhập diệt.
                      *
Tức tâm là Phật, Phật tại tâm
Kẻ mê rong ruổi ngoại tâm cầu
Nhứt niệm giác ngộ về đến Phật
Dễ như rửa cẳng bước lên thuyền.
Theo thiển kiến của tôi, người tu hành không nên đổ lỗi tại cảnh (lục trần, ngoại lục nhập) quyến rũ nên sáu căn bỏ ngỏ để lục trần tự do đột nhập vào thân tâm thao túng. Nội lục nhập là sáu căn bằng xương bằng thịt thuần tuý không tri giác, làm gì biết hấp dẫn mà bỏ ngỏ để cho ngoại lục nhập xâm chiếm nhà ngũ uẩn? Kinh Thủ Lăng Nghiêm cho chúng ta biết rằng: “Nói căn là nói thức (cái biết phân biệt của các tâm vương), ngoại trừ năm thức đầu chỉ là cảm giác thuần tuý không biết phân biệt, làm sao biết say mê lục trần,* để cho lục trần (ngoại lục nhập) làm thân tâm (nội lục nhập) điên đảo?”
* Ở sát-na thứ hai, năm thức đầu mới biết khởi vọng tưởng là do ý thức thứ sáu xúi giục.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm cảnh giác chúng ta, bảo đừng đổ lỗi cho lục căn mà phải xét đến lục thức là sáu món thường say mê cảnh vật trần duyên, khiến thân ngũ uẩn phải điên đảo trong cảnh khổ trần ai.
Chúng ta nên biết rằng, lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) muốn hưởng lạc thú hồng trần, nó chỉ đeo theo lục trần (ngoại lục nhập) chớ tuyệt đối không thể đeo theo vật gì khác được.
Người tu học Đại thừa hiểu như vậy rồi, phải làm cách nào để cho sáu căn (thân tâm) mình được thanh tịnh, không còn dính mắc vào hình danh sắc tướng để khỏi bị ô nhiễm? Thân căn mà gặp xúc trần, vấn đề ôm ấp mê ly làm sao tránh khỏi đây? Chỉ có một cách duy nhứt, là làm cách nào cho Ý thức thứ sáu được thanh tịnh, thì toàn 6 căn, sáu thức, sáu trần đều thanh tịnh. Có nghĩa là 6 căn, nội lục nhập và ngoại lục nhập đều trong sạch vô nhiễm. Ở trường hợp nầy, hành giả phải tỏ ngộ tâm Chơn-như (Phật tánh) của mình có ô nhiễm như sáu căn, sáu trần, sáu thức chăng?
Kinh luận Đại thừa đều nói rằng: “Chơn-như tuy thường tuỳ duyên sanh diệt mà vẫn như như bất biến. Tuy như như bất biến mà vẫn thường tuỳ duyên sanh diệt.” Bản chất của Chơn-như là tuyệt đối, là không hai, chẳng phải chơn hay vọng; chẳng phải ô nhiễm hay thanh tịnh, v.v... Chơn tâm, Phật tánh của ta như vậy, ta còn sợ gì mà cho rằng ta ô nhiễm bất tịnh, sợ tu không thành? Chơn-như chẳng những không ô nhiễm mà cũng không thanh tịnh, tại sao ta đòi hỏi thân tâm ta tu hành thanh tịnh? Đòi tịnh tu, là ta hiểu lầm kinh điển ngoại đạo,* hay bị tư tưởng nhị nguyên biên kiến dối gạt?
* Ngoại đạo Ấn Độ thời Đức Phật Thích Ca chỉ có chơn lý tương đối, không có chơn lý tuyệt đối.
Còn tu học pháp tương đối, là còn chấp nhận Chơn-như có tịnh, có nhiễm. Chơn-như vốn tuyệt đối, làm gì có sanh có diệt, làm gì có tà có chánh, có chơn có vọng?
Tuy nhiên, nếu chấp Chơn-như là tuyệt đối còn hại hơn chấp Chơn-như là tương đối. Tại sao vậy? Tại vì có tuyệt đối thì có tương đối, có đối đãi trở lại.

PHÁ ĐƯỢC HÌNH DANH SẮC TƯỚNG CHĂNG?
Hỏi: Muốn chứng đạt thanh tịnh mà tàn phá hình danh sắc tướng (ngoại lục nhập) có thể được chăng?
Đáp: Đó là cái muốn của kẻ điên. Vạn hữu trong vũ trụ nầy bộ ít ỏi lắm sao mà đòi tàn phá? Phá hết vạn hữu, làm sao nhơn loại tồn tại? Vạn hữu vũ trụ không còn, thì nhơn loại quần sanh cũng không còn.
Ngoài vấn đề “Chơn-như tuỳ duyên,” tôi còn nhớ một câu nói trong các khế kinh như vầy: “Các pháp vốn tịch diệt.” Các pháp (ngoại lục nhập) đã vắng lặng, tại sao ta đổ lỗi nó đột nhập vào các căn để cướp phá tài sản?
Các pháp vốn là Chơn-như chớ chẳng phải cái gì khác. Nếu các pháp là Chơn-như thì không bao giờ huỷ diệt được. Nước ví như Chơn-như, sóng ví như các pháp. Ngoài Chơn-như không có các pháp, ngoài các pháp không có Chơn-như. Huỷ diệt sóng thì nước không còn. Cũng như thế, huỷ diệt các pháp tức là huỷ diệt Chơn-như không hơn không kém.
Chơn-như là pháp tánh, các pháp là pháp tướng. Tánh tướng đồng như nhau, làm sao thủ tiêu được? Cũng như chất chua chát của xoài, nếu huỷ diệt chất chua chát thì chất ngọt bùi cũng mất luôn.
Như thế là không thể diệt hình danh sắc tướng được. Vậy cần phải có một giải pháp khác để thanh tịnh hoá ngoại lục nhập.
Bây giờ tôi lấy năm pháp trong kinh Lăng Già Tâm Ấn ra giải quyết, để người tu hành có thể thoát khỏi trận mê đồ của hình danh sắc tướng. Chỉ có nhứt tâm thanh tịnh thôi, mà trận mê đồ khủng khiếp của hình danh sắc tướng phải tan rã.

NĂM PHÁP TRONG KINH LĂNG GIÀ
Trong kinh nầy nói năm pháp là Danh, Tướng, Vọng tưởng, Chánh trí, Như như.
Danh là tên của một pháp. Ví dụ như tên cái nhà, cái bàn, cái ghế,... Người đời đặt tên các pháp để phân biệt món nầy với món kia. Ta kêu tên một vật gì, ta liền biết vật đó xuyên qua hình dáng và tác dụng. Ta gọi cây dù, ta biết hình dáng của nó, ta biết nó dùng để làm gì không hề sai. Do Danh mà thông đạt được hình tướng của cây dù. Kế đó ta thông suốt Danh là giả danh, vì cây dù không tự đặt mình tên đó, chỉ do người đời tạm đặt ra thôi. Thế thì cây dù là một giả danh, nó chẳng phải chơn danh chơn nghĩa. Bởi vì, nhìn qua các bộ phận trong cây dù, không có bộ phận nào tên cả. Như thế, “dù” há chẳng phải là một giả danh ư?
Cũng như cái “nhà” là một giả danh, một cưỡng danh, vì các món dựng lập ra cái nhà không có món nào tên nhà. Gộp các món không phải nhà ấy rồi đặt tên cái nhà. Như thế, nhà là một giả danh, một từ rỗng tuếch.
Đến đây, chúng ta thấy các pháp không có thật danh, không có thật tướng, chỉ toàn là vọng tưởng.
Vượt qua ba pháp Danh, Tướng, Vọng tưởng, đừng mê chấp, hành giả đạt được Chánh trí Như như. Song Chánh trí và Như như cũng không thật, cũng là giả danh hay cưỡng danh thôi. Tỏ lý năm pháp trong kinh Lăng Già Tâm Ấn, sẽ hướng dẫn hành giả thoát ly giả danh, giả tướng bao vây.
Thêm một pháp nữa: Trong kinh Lăng Già và trong Duy Thức Học có nói về Ba Tự Tánh, có thể hướng dẫn hành giả khỏi sa vào trận đồ hình danh sắc tướng.

BA TỰ TÁNH TRONG KINH LĂNG GIÀ
VÀ TRONG DUY THỨC HỌC
1. Biến kế sở chấp tự tánhlà Vọng tưởng chấp trước đối với Y tha khởi tự tánh.
2. Y tha khởi tự tánh:là các pháp trần, là đối tượng bị chấp trước. Đây là tâm với cảnh. Biến kế là tâm, Y tha là cảnh sở duyên, nó là ngoại lục nhập, là hình danh sắc tướng.
3. Viên thành thật tự tánh:là Chơn-như. Khi ta đứng trước Y tha khởi, tánh biến kế của ta lúc đó thanh tịnh không chấp trước đối tượng sở duyên. Khi ấy, Y tha khởi chính là Chơn-như chớ chẳng phải hình danh sắc tướng phá rối nội lục nhập.
Không thể tàn phá nội lục nhập, vì nó là pháp tướng vốn tịch diệt. Nếu tàn phá Y tha khởi (hình danh sắc tướng) thì Chơn-như cũng không còn. Y tha khởi ví như sóng. Viên thành thật ví như nước. Nếu sóng (Y tha khởi) bị huỷ diệt, thì nước (Viên thành thật) cũng không còn.
Trên đây là lấy tâm thanh tịnh để hoá giải hình danh sắc tướng, khiến cho cả hai đều thanh tịnh vô nhiễm.
Đến đây, chúng ta thấy các pháp ngoại duyên trần cảnh (ngoại lục nhập) nó thanh tịnh hay bất tịnh đều do hành giả. Người đời vác tiền đi hưởng lạc, nào ăn uống, nào sắc dục, v.v... đó là tại cảnh hay tại tâm? Chính mình vác tiền đi mua vui mà lại đổ lỗi cho lục trần nó hấp dẫn mình. Đổ lỗi như thế là trốn trách nhiệm, không chịu thừa nhận hành vi si dại mê nhiễm của chính mình gây tạo.
Hai bài giảng về vô ngã vô pháp (xem chương trước, chỗ trích dẫn kinh văn), Đức Thế Tôn chỉ tuyên bố xác nhận không thật có ngã, có pháp chớ không giảng giải lý nghĩa vì sao không thật có ngã, có pháp.
Vì sao không thật có ngã, có pháp? Chúng tôi chỉ tìm hiểu và viết ra phần nào thôi, phần còn lại là thuộc về người học đạo tự tìm hiểu lấy.


(Xin xem tiếp quyển 2)

COMMENTS - Bình luận

BLOGGER