PHÁP MÔN NIỆM PHẬT - Cư sĩ Liễu Như

PHÁP MÔN NIỆM PHẬT
Cư sĩ Liễu Như
(Trích Giáo Lý Căn Bản cấp 4)

A. LUẬN VỀ PHÁP MÔN NIỆM PHẬT

Trong đạo Phật, về Tông Tịnh Độ có 7 bộ kinh lưu truyền từ xưa đến nay, nhưng được lưu hành và căn bản đặc điểm hơn chỉ có ba bộ:
1. Kinh Vô Lượng Thọ
2. Kinh Quán Vô Lượng Thọ
3. Kinh A Di Đà.
Đã biết trong Tông Tịnh Độ có nhiều phương pháp tu trì như: Xưng danh niệm Phật, Trì danh niệm Phật và Quán tưởng niệm Phật, mà dễ nhứt không pháp môn nào hơn phép Trì danh niệm Phật, rất được phổ thông, chẳng luận là trình độ nào cũng đều có thể thực hành được cả.
Pháp môn niệm Phật đây chính là pháp phương tiện để thực hiện được Tự tánh Di Đà, Duy tâm Tịnh Độ, nếu chuyên niệm được nhứt tâm bất loạn, Phật tánh được tỏ bày thì khác nào kẻ cọ tre đã nảy lửa.
Còn các pháp môn khác, hoặc có pháp quá rộng khơi khó giữ gìn, hoặc quá sâu xa khó dò nổi. Nay chỉ dùng có mỗi một câu niệm danh hiệu Phật A Di Đà, liền chứng nhập nhứt tâm và được vãng sanh, tiến ngay đến chỗ thành Phật. Vì hễ Chánh niệm vừa khởi lên thì tạp tưởng tự nhiên trừ hết, ví như Sư tử ra khỏi hang, trăm loài đều ẩn núp. Thế thì chính nơi phương tiện mà thành pháp viên đốn vậy.
Môn niệm Phật không luận kẻ đại căn, người tiểu cơ, hễ ai niệm Phật thì liền được vãng sanh. Cũng không đợi đến lúc căn cơ thuần thục mới hội quyền về thật, miễn đặng vãng sanh liền đặng bực bất thối. Cho nên pháp Trì danh niệm Phật là chỗ tu chứng rất yếu ước vậy, bởi do chỉ niệm một chữ Phật là đủ. Phật tức là Nhứt tâm. Nay nghe tên Phật, nhứt tâm chấp trì thật ra rất dễ, không tốn công nhiều, vì muôn pháp chỉ dạy nhứt tâm, hễ tâm đã thanh tịnh thì việc nào lại không xong, hễ móng niệm muốn vãng sanh, liền được sanh về nước kia. (Thế thì pháp quán khó thành, ta chẳng tu tập mà thành).
Nói là niệm danh hiệu Phật có vô lượng phước đức, nay chỉ niệm có bốn chữ A Di Đà Phật cũng đủ bao trùm hết cả, do vì Đức Phật A Di Đà tức là toàn thể Nhứt Tâm, mà Tâm nó gồm cả Đức nào? — Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, Bổn giác, Thỉ giác, Chơn như, Phật tánh, Bồ-đề, Niết-bàn ... cho đến trăm ngàn vạn tên, đều chỉ trong một tên Phật A Di Đà đây thâu gồm được tất cả.
Tu pháp Trì danh, muôn niệm lự đều dứt, xét tột là bởi nhờ Nhứt tâm bất loạn.
Số là có niệm, mà không là chơn niệm; với việc “Sanh” mà hiểu vào “Vô sanh.” Bởi niệm danh hiệu Phật tức là niệm Tâm ta, còn sanh nước kia, không lìa sanh cõi đây, vì rằng Tâm, Phật và chúng sanh tuy ba mà vẫn đồng một thể.
Có câu “Sanh mà Vô sanh” vì rõ thể sanh không có, thì “Sanh mà không sanh, không sanh mà sanh.” Thế gọi là dùng Tâm niệm Phật chứng nhập bực “Vô sanh nhẫn.” Nên biết trọn ngày niệm Phật, chính là trọn ngày niệm Tâm, rõ ràng vãng sanh, nhưng lặng trang không có gì là lai vãng.
Cõi Ta bà dụ ở bên này, cõi Cực lạc dụ ở bên kia, ban đầu nhàm khổ, ưa vui nên niệm Phật đặng cầu về Cực lạc. Đến khi cái chấp phân biệt khổ vui đều mất, thì sau rốt không trụ nơi “Phi khổ, phi vui,” thì Tự tánh sẵn có Đức Phật A Di Đà, Duy tâm sẵn có cõi Tịnh Độ. Thế thì Pháp Thiền và Pháp Tịnh độ, cả hai tuy khác lối tu, nhưng đồng về một chỗ là Tánh vì không lìa tự tâm, mà Tâm tức là Phật, là Thiền.
Pháp Trì danh, dù cho kẻ ngu người trí cũng đều niệm được. Pháp này ví như Trời khắp che, đất khắp chở, một bầu Đại tạo (vũ trụ) không bỏ một vật nào. Tuy rằng độ sanh rộng lớn, thật ra không ngoài một niệm của chúng sanh, đặng vào lý vô niệm. Đã nói Hữu niệm đặng lý Vô niệm, thì cũng ngay nơi Vãng sanh đặng chứng quả Vô sanh. Thế thì trì danh niệm Phật là đường tắt trong các đường tắt. Hễ nhứt tâm trì danh hiệu của Đức Phật A Di Đà tức là được bực bất thối chuyển. Đây là chỉ ngay tự tâm của phàm phu rốt ráo được thành quả Phật. Nếu tin chắc như thế cần gì phải trải qua ba thừa để học, lâu xa nhiều kiếp để tu, mà chỉ không vượt ra ngoài một niệm, mau chứng quả Bồ-đề, ấy không phải là đại sự hay sao?
Tu các môn khác gọi là dọc ra ba cõi, còn niệm Phật cầu vãng sanh kêu là ngangra ba cõi. Dụ như con mọt ở trong cây tre, nếu đục bề dọc thì phải qua từng mắc, từng lóng khó thông, đục bề ngang thì một lỗ thấu phủng ra ngoài liền.
Nên biết:
— Vì lòng đại bi thương xót chúng sanh nên Phật nói pháp môn này để làm cầu bến cho đời mạt pháp.
— Vì trong vô lượng pháp môn, riêng pháp môn này là một phương tiện tối thắng.
— Vì chê khổ, khen vui để cho phàm phu trong đường sanh tử dấy lòng ưa cõi vui, nhàm cái khổ.
— Vì giáo hoá, dẫn dắt hàng Nhị thừa chấp không, chẳng tu Tịnh độ.
— Vì khuyên các người mới phát tâm tu hành Bồ-tát đạo, nên gắng tới niệm Phật để được gần gũi Như Lai.
— Vì thâu thập hết căn lợi, độn thảy đều được độ thoát.
— Vì hộ trì người tu hành nhiều chướng nạn để khỏi bị sa đoạ.
— Vì chính chỉ ngay nơi Tâm hữu niệm đặng chứng lý vô niệm.
— Vì cách chỉ dạy rất khéo là nhơn cầu vãng sanh mà thật ra là ngộ quả vô sanh.
— Vì chỉ rõ đường tắt tu hành, lại là đường tắt trong đường tắt nữa.
Thuở Phật còn tại thế, vì lòng đại bi thương xót chúng sanh trong số kiếp ngũ trược ác thế này, nên Ngài mới nói pháp Trì danh niệm Phật, là pháp mà chúng sanh lấy làm khó tin.
Đến khi Phật diệt độ về sau, kẻ tu hành phần đông là hạng Phước Huệ càng ngày càng kém, tội chướng mỗi ngày mỗi thêm nhiều, làm gì mong được thấy Phật, nên Phật nói kinh này để lại cho chúng sanh đời sau, tuy không được thấy Phật vì Phật đã diệt, nhưng pháp Trì danh niệm Phật vẫn còn, hễ ai có lòng tin niệm thì tránh khỏi đường sanh tử, được vãng sanh thấy Phật A Di Đà.
Như trong kinh Đại Bổn nói: Sau khi Phật diệt độ, khoảng lâu xa đến cuối đời mạt pháp, các bổn kinh to dài dòng và đạo pháp khó tu, đều lần hồi tiêu diệt hết, vì chúng sanh không đủ sức để tu học kinh pháp ấy. Chỉ riêng còn một bổn Kinh này ở đời độ sanh đến rốt sau mới diệt. Thế đủ biết: lúc nước ngập nhẫy Trời còn có thuyền từ cứu vớt; đêm khuya tăm tối hãy còn đuốc huệ sáng soi. Thật ví như đấng cha lành lo nghĩ đến đàn con dại, vì lòng thương con vô hạn, nên Phật phòng để pháp môn niệm Phật tế độ chúng sanh trong lúc đời cùng thế tận.
Thật đáng kính thay! Đáng tôn thờ thay!

PHÁP MÔN TU CHỨNG
I. Công phu niệm Phật vãng sanh.
Tín – Hạnh – Nguyện

Tín: là đức tin có lý và sự. Lý là tự tin mình sẵn có tự tánh Di Đà, Duy tâm Tịnh độ. Sự là thật có Đức Phật A Di Đà thành lập nước Cực lạc bằng 48 nguyên tắc đại nguyện để tiếp chúng sanh niệm Phật được vãng sanh về cõi ấy.
Hạnh: là thực hành chấp trì danh hiệu của Phật để niệm cho đến nhứt tâm bất loạn.
Nguyện:là nguyện đến khi lâm chung, tập trung tự lực và thống nhứt tha lực, để được Hoá thân Phật đón tiếp về cõi Cực lạc.
Tóm lại, Tín, Hạnh, Nguyện là công nghiệp để thành tựu về sự niệm Phật vãng sanh Tịnh độ, nên gọi là Tịnh nghiệp.
Bí quyết niệm Phật để được vãng sanh là chuyên niệm đến chỗ Nhứt tâm bất loạn dù chưa đoạn hết phiền não cũng được vãng sanh, nhứt là đến lúc lâm chung, hễ tâm còn buồn, lo, sợ, thương, ghét là tâm tán loạn, không thể vãng sanh được vì không nhứt tâm. Nhứt tâm niệm Phật thì muôn lự đều hết. Trong Kinh nói: “Hễ trọn ngày niệm Phật là trọn ngày niệm Tâm, dầu còn phiền não, rõ ràng vãng sanh.”
Hễ nhứt tâm trì danh hiệu của Phật A Di Đà tức là được bực bất thối chuyển, vì nhứt tâm niệm Phật là dụng tướng Bồ-đề của Tâm chơn như.
Nhưng làm sao được Nhứt tâm?
— Phải phát tâm Tín, Hạnh, Nguyện bất loạn, nghĩa là tin chắc thực hành pháp niệm Phật, và nhứt tâm nguyện vãng sanh về cõi Cực lạc. Niệm Phật mà không có Tín tâm và lòng cương quyết nguyện sanh về cõi Cực lạc thì làm sao có kết quả. Một khi Tâm còn do dự, dễ bị nội và ngoại ma khuấy rối, Tâm bị tán loạn phải bỏ cuộc nửa chừng. Thế là hết một kiếp dở dang tu hành.

II. Công phu niệm Phật của người TĐCSPHVN

Người TĐCSPHVN đang thực hành Phước Huệ Song Tu tức là phát tâm Bồ-tát đạo, nên có cái công phu niệm Phật như thế này:
1. Nhứt tâm niệm Phật, dứt bỏ muôn việc trần tức là Bố thí ba-la-mật hay tu Phước ba-la-mật.
2. Nhứt tâm niệm Phật, dứt bỏ các việc ác tức là Trì giới ba-la-mật.
3. Nhứt tâm niệm Phật cho lòng được nhu hoà mát dịu tức là Nhẫn nhục ba-la-mật.
4. Nhứt tâm niệm Phật, vĩnh viễn không bị thối lui đoạ lạc (không bán đồ nhi phế) tức là Tinh tấn ba-la-mật.
5. Nhứt tâm niệm Phật, không còn sanh các vọng tưởng tức là Thiền định ba-la-mật.
6. Nhứt tâm niệm Phật, chánh niệm rõ ràng, tức là Bát-nhã ba-la-mật.
Niệm Phật không có Tín, Hạnh, Nguyện thì làm sao vãng sanh cõi Cực lạc được, vì không có nhứt tâm.
Niệm Phật mà không trừ Lục tệ thì làm sao thẳng đến bờ giác, chứng quả Vô sanh.

III. Thiền Tịnh công phu

DỤ: Nước dụ với Chơn tâm, Sóng dụ với Vọng tâm.
Câu hỏi để làm ví dụ. Có câu đáp:
1. Khi sóng chưa nổi lên, thì toàn thể là gì?
          — Là nước.
2. Khi sóng nổi, mặt nước còn được yên tịnh không?
          — Không.
3. Khi sóng lặng, thì sóng hoàn về đâu?
          — Khi sóng lặng thì hoàn về nước.
4. Khi sóng nổi lên, trong sóng có gì?
          — Có nước.
5. Thế thì toàn sóng là gì?
          — Là nước.
6. Không có sóng, có nước không?
          — Không.
7. Muốn tìm nước, tìm ở đâu?
          — Ở nơi sóng.
8. Đang sóng có gì?
          — Có nước.
9. Đang nước có gì?
          — Có sóng.
Nương theo những câu hỏi và câu đáp trên, tự tâm quán xét, đáp những câu hỏi dưới đây, để di đến chỗ ngộ tánh được, nếu có thể.
1. Khi chưa khởi niệm Phật thì toàn thể là gì? (nên nhớ không còn niệm chúng sanh).
2. Đến khi khởi niệm Phật thì còn yên tịnh không?
3. Khi tiếng niệm Phật dứt, thì hoàn về đâu?
4. Khi niệm Phật, trong niệm ấy có gì?
5. Thế thì toàn những tiếng niệm Phật là gì?
6. Khi không niệm Phật thì có gì?
7. Ngoài tiếng niệm Phật có gì không?
8. Muốn tìm chơn tánh phải tìm nơi đâu?
9. Vô niệm nghĩa là gì?
10. Đang có niệm nghĩa là có gì?
11. Đang không niệm nghĩa là có gì?
12. Tại sao trong kinh nói: tu Tịnh mà có Thiền thì ví như cọp mọc sừng?
13. Chơn tánh là gì? Nơi thân ta tánh bất sanh, bất diệt quyền gởi tại đâu?
14. Tại sao người chỉ lo niệm Phật mà gọi là người có trí huệ?

* * * * * *



PHÁP MÔN NIỆM PHẬT
Cư sĩ Liễu Như

(Trích Liễu Như Đạo Thư)

Bạc Liêu, ngày 26 tháng 7 năm 1978

1. PHÁP NIỆM PHẬT VÃNG SANH TỊNH ĐỘ

HỎI: Niệm Phật cách nào mới được vãng sanh?
ĐÁP: Nhứt cú Di Đà tâm thường tưởng, chẳng nhọc khảy móng tay đến thiên đường, nhưng bí quyết là phải thiết tha nguyện về cõi đó mới chắc, vì hột giống niệm như vậy rất mạnh mới đủ sức kéo lôi mình về cõi Cực lạc. Cho dù niệm không gián đoạn đi nữa mà lòng mình không cương quyết cầu về, lơ lơ là là, hạt giống đó còn yếu lắm. Theo Duy Thức học, khi ta niệm 1 tiếng Nam Mô A Di Đà Phật thì tiếng niệm ấy được huân lập thành chủng tử và được chứa đựng trong thức A lại da. Nếu có lòng thiết tha cầu về cõi Cực lạc thì nó ghi đậm trong thức thứ tám. Nếu mình niệm vô lượng, vô số tiếng niệm Phật thì tất cả sẽ huân tập vào thức A lại da. Đến khi lâm chung, thân này tan rã chớ thức thứ tám đâu có tan rã, nó thoát ra khỏi thân và nghiệp lực niệm Phật này lôi kéo ta về cõi Cực lạc rất dũng mãnh (cũng như người nghiện á phiện, bị nghiệp ghiền lôi kéo rất mạnh vào tiệm thuốc vậy), chống trả lại không nổi.
HỎI: Trong kinh nói “Bằng có người sắp lâm chung mà biết niệm Nam Mô A Di Đà Phật từ 1 ngày, 2 ngày… cho đến 7 ngày thì sẽ có Đức A Di Đà Phật đến tiếp dẫn vong linh vãng sanh về cõi Cực lạc, nếu Đức Ngài không làm được y như vậy thì Đức Ngài không làm Phật. Làm sao biết có Đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn? (Xin chứng minh, nếu không được thì chỉ trả lời rằng: Không lẽ Đức Phật A Di Đà nói dối để làm gì, vì Ngài là một vị Phật mà.)
ĐÁP: Như trên đã nói «Nếu mình niệm Phật thì hạt giống ấy sẽ được chứa đựng trong thức A lại da, đến khi mình thác thì nghiệp lực niệm Phật này sẽ dẫn dắt chúng ta vãng sanh về cõi Cực lạc.» Nghiệp lực này là gì? Là tiếng A Di Đà Phật. Mà A Di Đà Phật là gì? Là tên của Đức Phật A Di Đà hay là danh hiệu của Đức Ngài. Danh hiệu của Đức Ngài dẫn dắt mình về cõi Cực lạc thì chính là Ngài tiếp dẫn mình về cõi ấy, sao lại còn nghi không có Ngài đến như lời nguyện của Ngài? Đừng nói chỉ một người lâm chung thì có Ngài đến, bằng có vô lượng, vô số chúng sanh trong tam thiên, đại thiên thế giới niệm Phật và lâm chung một lượt thì cũng có đủ vô lượng, vô số Đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn về cõi Cực lạc hết, vì mỗi người đều có mỗi tâm niệm Phật, thì vô lượng, vô số người cũng có vô lượng, vô số cái tâm niệm Phật ấy, nghiệp lực nó đều dẫn dắt tất cả về cõi Cực lạc hết, không sót một người nào cả mà. Thế mới biết lý thiên bá ức hóa thân Phật là huyền diệu.
HỎI: Tại sao người niệm Phật, 10 người được tới 7-8 còn người tu thiền 10 người được 1-2 mà thôi ?
ĐÁP: Người tu niệm Phật 10 người được 12-13 người chớ đâu phải chỉ có 7-8 người.
HỎI: Tại sao chỉ có 10 người tu mà được tới 12-13 người ?
ĐÁP: 10 người niệm Phật thì có 10 cái tâm. 10 cái tâm ấy đều chứa đủ hạt giống Phật. Lẽ cố nhiên tất cả đều được vãng sanh, còn 2-3 người kia tuy không tu, nhưng thấy người tu niệm Phật, cũng bắt chước niệm Phật. Không dè hạt giống ấy cũng ghi vào tâm thức của họ. Khi đủ nhơn duyên nó cũng dẫn dắt họ về được cõi Cực Lạc như thường. Nên biết tiếng niệm Phật đã gieo vào lòng người rồi thì không trục xuất được hạt giống lành đó. Còn tu thiền rất khó, buộc phải minh tâm kiến tánh.
Khi xưa Đức Phật Thích Ca đang cầm đóa hoa sen vàng mỉm cười, chỉ có Đức Đại Ca diếp được ấn tâm nên thọ lãnh (trực nhận) mà cũng mỉm cười, nên Đức Phật bèn tuyên bố: «Ta có Chánh pháp Nhãn tạng Niết bàn Diệu tâm, nay Ta truyền lại cho Đại Ca diếp làm Tổ thứ nhất…» Sau nầy không thể dĩ tâm ấn tâm, nên các Tổ truyền nhau bằng cách phú pháp mà thôi. Dĩ tâm ấn tâm là lấy tâm Phật mình, dùng đạo lực in vào tâm của người mình muốn truyền pháp thì đàng kia liền tỏ ngộ tâm Phật của mình, được minh tâm kiến tánh thành Phật, chớ đâu có nói gì. Bây giờ người chưa có đủ đạo lực để dĩ tâm ấn tâm, nên mượn công án, thoại đầu, để quán xét cho tỏ ngộ, tức là đã lạc vào Giáo rồi chớ đâu phải Thiền.

2. PHÁP NIỆM PHẬT ĐỂ MINH TÂM KIẾN TÁNH

HỎI: Tu pháp môn Tịnh Độ theo đại thừa ra sao? Công tu như thế nào?
ĐÁP: Tức là niệm Phật để cho tâm hoàn về tự tánh thanh tịnh của nó, tức là Phật độ tịnh, cũng gọi là minh tâm kiến tánh tức là hoàn về tự tánh A Di Đà của mình. Tánh ấy linh minh, đổng triệt, trạm tịch, thường hằng, cũng gọi là vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng công đức (đừng lo tu cho mình, đừng nghĩ công phu niệm Phật cho mình, cùng là khỏe mệt cho mình gì hết, ráng lo khai mở trí huệ cho mình và cho mọi người dù không tu cũng được, vì xưa nay nó không dơ cần gì phải sạch, thấy được mặt nó thì dơ sạch đều hết. Công phu như thế nào? Không thể bàn hết được, cũng tùy trình độ, căn cơ của mỗi người, nhưng đại cương thì như vầy:
Mình ngồi niệm Nam Mô A Di Đà Phật, xem coi cái niệm đó phát sanh tại chỗ nào. Trong lúc vừa niệm tức là Chỉ (xa ma tha) nghĩa là mình đình chỉ các niệm chúng sanh, chỉ còn một niệm Phật thôi, rồi khởi sự Quán xét (tam ma bát đề) để mở mang trí huệ. Mình tự hỏi tiếng niệm Phật này là chơn hay vọng, thiệt hay giả? Mình tự đáp: Nếu nó là chơn thì phải còn hoài, còn nó là vọng thì phải mất, nghĩa là có rồi mất. Mình xét thấy hễ có niệm là có, còn thôi niệm là không, thế nó là sanh diệt rõ ràng. Mình tự hỏi tiếp theo khi có niệm thì có nó, khi dứt niệm thì nó lặn mất, hỏi về đâu? Rồi niệm lại nó cũng hiện lên, thôi niệm nó hạ xuống, nó hạ xuống về đâu? Do gió thổi nên sóng mới hiện lên, gió ngưng sóng liền hạ xuống, sóng hạ xuống hoàn về nước, cũng như vậy khi có niệm thì nó nỗi lên, khi không niệm thì nó hoàn chỗ vô niệm.
HỎI: Sóng có khác với nước không?
ĐÁP: Sóng là nước không sai khác nhau, đồng nhau một thể.
HỎI: Thế thì cái niệm Phật với cái không niệm Phật (vô niệm) đồng nhau một thể như nước với sóng. Vậy, cái thể đó là cái gì?
ĐÁP: Cái niệm Phật đó do ý thức (thức thứ 6 niệm) còn cái không niệm đó là thức thứ tám (A lại da thức). Thức thứ sáu là cái biết, còn thức A lại da cũng là cái biết. Vậy cái thể đó là cái tâm biết (tâm thức). Cái tâm biết đó rất trong sạch nên gọi là Bạch tịnh thức, không nhiễm ô nên gọi nó là Vô cấu thức, Ym ma la thức. Kinh nói «nhứt trần bất nhiễm đồng chư Phật» là vậy. Phật cũng là cái tâm biết đó nhưng trong sạch, chúng sanh cũng là cái tâm biết đó nhưng nhiễm ô. Cho nên nói «Suốt ngày nghe hết mà như không nghe, suốt ngày biết hết mà như không biết, suốt ngày thấy hết mà như không thấy…»
HỎI: Như vậy cái nào gọi là sở, cái nào gọi là năng (tức là 2 tướng tế trong 3 tướng tế)?
ĐÁP: Tiếng Nam Mô A Di Đà Phật là ông Phật bị niệm tức là SỞ, còn cái hay niệm là NĂNG, nếu không niệm thì năng không còn, ông Phật sở niệm (bị niệm) cũng không hiện ra được. Năng sở đều bị phá hết rồi.
HỎI: Nếu năng sở đều tiêu hết thì còn lại cái gì?
ĐÁP: Chỉ còn cái Thức thứ tám trong sạch không có sở niệm nữa. (Nhưng cũng không còn là cái biết.) Đó cũng chưa phải là chỗ nín thinh (Chơn không, Bản giác, Phật tánh sẵn có, Bồ đề, Đạo, Tiên thiên hư vô khí, chớ không phải nhứt khí Tiên thiên, v.v…) Vì nếu còn biết tuy nó trong sạch, nhưng nó lại là nghiệp tướng vô minh, là tướng tế thứ nhứt trong tam tế, do một niệm bất giác tâm khởi động nên chuyển bản giác không phương hướng trở thành ra nghiệp thức. Đã có nghiệp thức thì lạc vào phương sở rồi nên chuyển trí huệ đại quang minh thành ra năng kiến và chuyển luôn cái lý-cảnh chơn đế không-đồng-không-khác thành ra sở kiến (tướng phần).
Gốc do vọng niệm đầu tiên phát sanh nên mới có cái biết, chớ bản giác nào đâu phải là biết cùng là không biết. Vậy nên Đức Mã Minh khi chưa đại ngộ tìm Tổ sư hỏi cái gì là Phật. Hỏi như vậy là còn tìm hiểu biết, chớ chưa phải chỗ cứu cánh, nên Tổ sư liền đáp: Không biết là Phật. Vì sao đáp vậy? Vì bản giác nào đâu phải biết, nên đáp không biết là Phật. Đức Mã Minh chưa tỏ ngộ chỗ đó lại hỏi thêm, tại sao không biết mà là Phật được. Tổ đáp: Tại sao người biết cái không biết là không phải là Phật? v.v...
Nên ghi nhớ Chơn không, Bản giác không phải là biết hoặc không biết. Hễ chấp bên nào cũng còn bị kẹt hết.
HỎI: Niệm Phật là niệm tự tánh A Di Đà của mình là sao?
ĐÁP: Tánh A Di Đà của mình tức là tánh sáng suốt (vô lượng quang) nhờ tánh sáng suốt này mới tỏ ngộ được bản giác tức là thể tịch hay là vô lượng thọ, và mới có được chỗ diệu dụng (vô lượng công đức).
HỎI: Làm sao tu chứng được cái tánh sáng suốt này?
ĐÁP: phải chuyển thức thành trí. Muốn chuyển thức thành trí phải khởi sự chuyển ý thức thành Diệu quan sát trí. Vì nó là một trí huệ rất thù thắng rất cần thiết để chuyển. Tiếp theo bên ngoài chuyển Tiền ngũ thức thành Thành sở tác trí rồi, vào trong chuyển Mạt na thành Bình đẳng tánh trí và sau rốt chuyển A lại da thành Đại viên cảnh trí.
HỎI: Làm sao chuyển thức thành trí được?
ĐÁP: Phải tu pháp Chỉ Quán, trước cột con vượn, con ngựa lại cho chắc (ý thức và mạt na thức) tức là Chỉ, kế tiếp dùng ý thức thanh tịnh để Quán xét (soi chiếu) thì rõ thông.
HỎI: Lấy gì làm chứng minh chắc chắn phải tu pháp đó?
ĐÁP: Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương có dạy: Mẹ là Tịnh Đức (vợ vua Diệu Trang) bảo hai con là Tịnh Nhãn và Tịnh Tạng độ vua cha để tu hành theo Phật Hoa Tú Vương Như Lai. Tịnh Nhãn, Tịnh Tạng vâng lời mẹ đến trước mặt vua cha dùng thần thông bay giữa hư không, khi nằm sấp, khi nằm ngửa, khi hóa nước ở trên thân, lửa dưới thân, khi lại hóa lửa trên thân, nước dưới thân huyền diệu vô cùng. Đức vua mới hỏi con, học với ai mà được thần thông như thế. Hai con đáp: Với Đức Phật Hoa Tú Vương Như Lai, và xin Đức vua cha xuất gia tu theo Phật. Nhà vua ưng thuận theo hai con đến qui y với Phật…
Đại ý của phẩm này: Bà mẹ Tịnh Đức để dụ cho pháp tu Chỉ Quán, Tịnh Nhãn, Tịnh Tạng để dụ ý thức và mạt na thức. Nhờ tu pháp Chỉ Quán chuyển thành Diệu quan sát trí và Bình đẳng tánh trí. Bà mẹ bảo hai con độ vua cha xuất gia là ý nói dùng Diệu quan sát trí và Bình đẳng tánh trí để chuyển thức A lại da thành Đại viên cảnh trí, thành Phật.
Tu như vậy mới đúng theo pháp Đại thừa tối thượng, tức là nương theo chánh giác mà tu tập chánh định, đừng tu theo tiểu pháp (chấp pháp) mà mãi mãi bị pháp cột trói (nhị thừa ái pháp, chấp pháp) chỉ cần hoàn trở lại được bản thể chơn như, do dứt trừ được vọng niệm vi tế, chớ không cần dùng pháp tạo tác thêm cái gì nữa hết vì tâm ta đã chứa biết bao nhiêu rồi, còn dồn vô nữa làm gì? Nhứt thiết pháp hữu vi như mộng… Muốn đặng như vậy phải có trí huệ thôi.
HỎI: Khi chuyển thức thành trí rồi phải tu tiếp theo như thế nào nữa mới dùng pháp niệm Phật theo Đại thừa.
ĐÁP: Bây giờ dùng trí Diệu minh ấy để minh cái bổn tánh. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Phật nói cái thức tánh chơn là cái Trí Diệu minh đó. Nếu không có cái trí Diệu minh làm sao ngộ được bổn tánh (Chơn như). Trên đã khai mở trước trí huệ là (Vô lượng quang). Chính đã hoàn về được bổn tánh (bổn tánh vốn không) là hoàn Vô lượng thọ. Bây giờ cùng cái tâm tịch chiếu này độ sanh hiện ra vô lượng công đức (hằng sa công đức) dùng hoài không hết.
Vậy nên vấn đề độ sanh rất cần thiết, hãy lo độ người đừng nghĩ gì đến mình cả. Chúng ta thấy rõ cái lối tu nầy là dùng trí huệ để diệt trừ vi tế vô minh (tự độ) dùng trí huệ để độ hằng sa chúng sanh (độ tha).
Trong đoạn chót này là nhốt 4 trí thành ra 3 thân. Vô lượng thọ là Thanh tịnh pháp thân, Vô lượng quang là Báo thân (Trí của người đó). Vô lượng công đức là Hóa thân (Thiên bá ức hóa thân).

* * * * * *


THIỀN TỊNH CÔNG PHU
Cư sĩ Liễu Như
Thư gởi các đạo hữu TĐCSPHVN
(Trích Liễu Như Đạo Thư)

Kính quý vị học viên Đạo đức, quý vị Giảng viên…
Tôi rất vui mừng khi biết rằng các nơi lo học Đạo đức, điều đó phải lắm, nếu mình không lo học Đạo đức thì không theo thánh ý Đức Tông sư. Song le, việc học các nơi còn một số việc cần phải bàn.
Ví dụ: Có một ít nơi nói: “Thiền định không phải là pháp tu của Tịnh độ,” rồi chấp cứng, thậm chí còn phê phán tu Thiền định, điều đó không nên.
Nhắc lại khi xưa, Đức Tông sư dạy đạo từ thấp lên cao như trong “lá phái” quí vị đã rõ, Đức Tông sư dạy: Thọ Tam qui, Trì Ngũ giới, rồi tiến lên Tịnh Tam nghiệp, rồi Trừ Lục căn, Diệt Lục trần, rồi Hành Lục độ, mà trong Hành Lục độ này có Thiền định trong ấy. Tại sao lại nói Tịnh độ lại không có tu Thiền định, là sao?
Vậy Đức Tông sư dạy cho ta tu Tịnh độ nhưng có Thiền trong ấy, tức trong Tịnh có Thiền.
Thiền là cõi không; Tịnh là cõi có.
Dù Tịnh độ hay Thiền tông gì điểm cuối cùng cũng đi đến chỗ đồng nhứt thể là Chơn không Diệu hữu của chư Phật.
Thiền tông tức tông chỉ về cái tâm Không tịch bất sanh, bất diệt, minh tâm kiến tánh mà thành Phật đạo.
Tịnh độ tông niệm Phật đến siêu sanh thoát khổ não nơi cõi Ta bà về Tây phương Tịnh độ.
Rốt cuộc niệm Phật là pháp rửa sạch lòng, phản vọng quy chơn, hoàn nguyên bổn tánh.
Vậy chúng ta tuy thực hành pháp môn niệm Phật là pháp tu khế hợp trong thời này, nhưng cũng có pháp Thiền định trong ấy, niệm Phật để cầu vãng sanh, mà niệm Phật cốt cũng để tâm yên, mà tâm được yên lặng tức là định, mà định tức là Thiền. Như vậy thì chúng ta niệm Phật cũng là pháp tu Thiền định vậy.
Nếu tu pháp môn niệm Phật mà luận về Sự là phải chí tâm niệm Phật cầu vãng sanh về thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà.
Còn nếu luận về Lý thì Tịnh độ là Tạng Bí mật (Mật tông) đốn ngộ mầu nhiệm có một không hai, tức Thiền tông Bát nhã Diệu hữu Chơn không chớ không có gì khác. Chẳng qua đó là sự huyền diệu của chư Phật lập ra nhiều phương tiện, để đưa chúng sanh từ bến mê qua bờ giác.
Đức Tông sư dạy trong “lá phái”, chúng ta xem mà thực hành, thì tu rất dễ phải không quí vị, chỉ cần làm theo là thành công. Kết quả muốn giải thoát phải hạ thủ công phu, phải diệt tận Tam độc Tham, Sân, Si, đóng cửa Lục căn: Nhãn, Nhỉ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý, đừng cho nó ô nhiễm lục trần là Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp. Ngoài ra còn niệm Phật liên tục giữ cho tâm đừng tán loạn tức là Thiền định Như như chớ gì, nếu giữ vậy hoài đến trọn đời, mãn kiếp là sẽ được đạo quả không sai, làm như vậy gọi là công phu nội tâm hay công phu Thiền định.
Nên biết tu hành đều do Tâm cả, nên Tâm vọng tưởng thì sanh tử luân hồi, tâm tự tại, an nhiên thanh tịnh tức Chơn tâm thường trụ là được giải thoát. Bởi vọng dứt thì chơn hiện.
Một khi được như vậy rồi, tức công phu đã thuần thục thì sẽ được tự tại, đối với muôn pháp một sắc trần cũng chẳng nhiễm, một niệm lòng chẳng khởi, đó là Chơn tâm thường trụ, tới chừng ấy mắt vẫn thấy sắc, tai vẫn nghe thinh, mũi vẫn ngửi mùi, v.v… vẫn đi, đứng, nói năng, ăn, uống, ngủ, nghỉ, v.v… mà chẳng hề đi, đứng, nói năng, ăn, uống, ngủ, nghỉ, v.v… suốt ngày, cũng vui, buồn, giận, ghét, yêu thương mà chẳng hề vui, buồn, giận, ghét, yêu thương. Tại sao vậy?
Tại vì cả thảy trụ vào Tánh không tức Chơn tâm thường trụ, mà Chơn tâm thường trụ là không yêu, không ghét, không nhiễm, muôn duyên đều dứt, Chơn tâm thường trụ thanh tịnh hiện bày, đã không nhiễm thì mọi thứ chỉ là tùy duyên, bản chất là thanh tịnh nên không ô nhiễm là vậy, nên trong Lễ Bái Lục Phương có dạy “Mục tiền vô sắc, túng giao liễu lục đào hồng, nhĩ bạn vô văn nhất nhiệm oanh đề yến ngữ.” Nghĩa là: Bao nhiêu màu sắc rực rỡ trước mắt, mà lòng ta không ham chuộng, thì màu sắc ấy không bao giờ khoe tốt với ta đặng, khoe quí báu với ta đặng, giọng phù trầm, lời tao nhã bên tai mà lòng ta không ái mộ dầu cho khẩu tài cách mấy cũng không động tâm ta. Như kinh nói:
Kiến sắc phi can sắc
Vãn thinh bất thị thinh
Sắc thinh vô ngại xứ
Thân đáo pháp vương thành
Như vậy, tu theo đạo Phật là cốt phá chấp, như vậy chúng ta cũng đừng chấp Thiền, chấp Tịnh gì cả, cứ theo pháp của Đức Tông sư dạy mà hạ thủ công phu, đừng chấp nê, đừng kích bác không nên, bởi các pháp vốn đồng nhau không phân cao hạ, vả lại niệm Phật đến cùng tột cũng là Thiền, có điều khi công phu tu hành ta chọn lựa pháp nào phù hợp, dễ tu mà thực hành là có kết quả không sợ lầm lạc.
Chúng ta hữu phước có Đức Tông sư Minh Trí soi đường dẫn lối, có Thiện hữu tri thức bày giải, phân minh, chúng ta hãy tinh tấn là sẽ thành công.
Nam Mô A Di Đà Phật


* * * * * * * * * * * * * * * * * *

COMMENTS - Bình luận

BLOGGER