Tìm Hiểu Kinh Phật - TRUNG BỘ KINH - Phân biệt sáu xứ

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 137

Phân biệt sáu xứ
(Salayatanavibhanga Sutta)
Đạo Phật Nguyên Thủy - Tìm Hiểu Kinh Phật - TRUNG BỘ KINH - Phân biệt sáu xứ

I. TOÁT YẾU

The Exposition of the Sixfold Base.

The Buddha expounds the six internal and external sense bases and other related topics.

Trình bày về sáu xứ.

Phật giảng giải sáu nội ngoại xứ và các đề tài liên hệ.

II. TÓM TẮT

Phật giảng về 6 căn, 6 trần, 6 thức, 6 xúc, 18 ý hành [1] (6 khổ, 6 ưu, 6 xả), 36 loại hữu tình (18 ý hành liên hệ tại gia, 18 liên hệ xuất gia), ba loại cảm thọ [2], ba niệm của bậc đạo sư, về Vô thượng điều ngự. Về xả (trong ba cảm thọ), có xả liên hệ tại gia hay xả y cứ đa diện, xả liên hệ xuất ly hay xả y cứ nhất diện. Xả tại gia, y cứ đa diện là xả sắc thanh hương vị xúc, xả này không chinh phục được phiền não và quả dị thục [3]. Xả xuất ly, y cứ nhất diện, là xả thuộc thiền như xả tầm tứ hỷ lạc. Y cứ cái này đoạn tận cái kia có nghĩa là theo hỷ ưu xuất gia, bỏ hỷ ưu tại gia. Bỏ xả đa diện và hỷ nhất diện để có xả nhất diện.

Ba niệm của đấng đạo sư đối với ba loại hội chúng nghe pháp là, đối với hội chúng có đa số biếng nhác, Ngài không hoan hỷ nhưng vẫn giữ chính niệm không phiền não, với loại hội chúng có một số siêng năng một số biếng nhác thái độ Ngài không hoan hỷ cũng không không hoan hỷ, với hội chúng có đa số siêng năng, Ngài hoan hỷ trong chính niệm.

Trong các vị huấn luyện sư, Phật là đấng vô thượng điều ngự. Vì trong khi voi, ngựa hay bòđược người huấn luyện chỉ chạy theo một trong bốn hướng đông tây nam bắc, thì một tỷ kheođược Phật huấn luyện đi khắp tám hướng [4], đấy là tám giải thoát: nội có sắc quán ngoại sắc, nội không sắc quán ngoại sắc, chú tâm trên thanh tịnh, hư không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ và Diệt thọ tưởng định.

III. CHÚ GIẢI

1. Ý hành, (manopavicàra, mental exploration) là tầm và tứ. Người ta tra tầm, xem xét đối tượng do sự sinh khởi của tứ (vicàra).

2. Sau khi thấy sắc với nhãn thức, ta tra tầm nó như một đối tượng, và thế là nhân của vui, hoặc khổ, hoặc không vui không khổ.

3. Xả thanh hương vị xúc… hay xả đa diện không chinh phục được phiền não và quả dị thục nghĩa là khổ hạnh về thân xác không ăn thua gì, vì phiền não (tham sân si) không thể chấm dứt chỉ bằng cách bưng tai nhắm mắt trước thanh sắc trần gian; cũng không tránh khỏi quả dị thục là không thoát khỏi luân hồi sinh tử, khi chỉ tu kềm chế các giác quan mà không có trí tuệ thấy rõ sự vô ích, trống rỗng của dục vọng.

4. Ðấy là những cảnh giới (đạo, thú) của các loại hữu tình.

IV. PHÁP SỐ 

V. KỆ TỤNG

Phật dạy các tỷ kheo
Cần biết rõ sáu xứ:
Sáu nội xứ là mắt
Tai mũi lưỡi thân ý;

Sáu ngoại xứ là sắc
Thanh hương vị xúc pháp
Sáu thức thân: nhãn thức
Nhĩ thức đến ý thức.

Sáu xúc thân: nhãn xúc
Nhĩ xúc đến ý xúc.
Khi con mắt thấy sắc
Ðến ý nhận thức pháp
Khởi lên hỷ, ưu, xả.

Cộng mười tám ý hành
Có băm sáu hữu tình:
Sáu hỷ thuộc tại gia
Khi mắt tai mũi lưỡi
Nhận được những khoái cảm
Do tiếp xúc đối tượng;

Sáu hỷ thuộc xuất ly
Khi biết với trí tuệ
Tính vô thường nơi sắc
Thanh hương vị xúc pháp.

Sáu ưu thuộc tại gia:
Lo mắt không thấy được
Các sắc đẹp khả ái;
Tương tự, với tai, mũi
Lưỡi thân và ý thức
Lo không thể tiếp nhận
Những đối tượng đẹp lòng.

Sáu ưu thuộc xuất ly:
Khi biết sắc vô thường
Thanh hương vị xúc pháp
Cả sáu đều vô thường,
Ưu tư mong chứng đạt
Ðến tối thượng giải thoát.

Sáu xả thuộc tại gia
Như phàm phu thấy sắc
Có thể khởi tâm xả
Nhưng không thấy nguy hiểm
Nên không hết não phiền
Không khỏi quả dị thục
Xả thanh hương vị xúc
Nơi phàm phu cũng thế.

Sáu xả thuộc xuất ly
Khi với chánh trí tuệ
Rõ các pháp vô thường
Ðau khổ và biến hoại
Nên khởi tâm xả bỏ
Ðối với sáu ngoại xứ.

Do y cứ cái này
Mà đoạn tận cái kia:
Theo hỷ ưu xuất ly
Ðoạn hỷ ưu tại gia
Ðoạn cả hỷ xuất ly
Ði đến xả xuất ly
Ðoạn tận xả đa diện
(xả thanh hương vị xúc)
Ði đến xả nhất diện
(xả trong các thiền chứng)

Có ba loại niệm xứ
Nơi một đấng đạo sư:
Khi giảng dạy chánh pháp
Vì an lạc hữu tình
Tâm Ngài không nao núng
Trước ba loại hội chúng:
Ða số không lóng tai
Không thực hành diệu pháp;

Có người lóng, kẻ không:
Ðối hai hội chúng này
Như Lai không hoan hỷ
Nhưng tâm không giao động;
Nếu gặp chúng đệ tử
Chăm chỉ lóng tai nghe
Không làm trái chánh pháp
Như Lai rất hoan hỷ
Nhưng chánh niệm tỉnh giác.

Ðấy là ba niệm xứ
Xứng với bậc đạo sư.
Bậc vô thượng điều ngự
Giảng dạy tám giải thoát:
Nội có sắc, quán ngoại,
Nội vô sắc quán ngoại,
Chú tâm trên thanh tịnh,
Không vô biên xứ định,
Thức vô biên xứ định,
Vô sở hữu xứ định,
Phi tưởng phi phi tưởng
Và diệt thọ tưởng định.
Tỷ kheo được huấn luyện
Ði khắp tám phương trời.

-ooOoo-

Trích nguồn: Giáo trình do Ni sư Thích Nữ Trí Hải biên soạn,
y cứ theo bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu,
với phần Anh ngữ của Hòa thượng Nanamoli



Xem đầy đủ bài kinh: Kinh Phân biệt sáu xứ









COMMENTS - Bình luận

BLOGGER