Còn gọi là rút dế, cứt chuột, đồng bìa.
Tên khoa học Berchemia lineata (L.) DC.
Thuộc họ Táo Rhamnaceae.
A. Mô tả cây
Cây bụi leo, cành rất mảnh, màu nâu. Lá hình bầu dục, tròn ở hai đầu, màu xanh đậm, gân nổi rõ rệt, mép nguyên, mặt dưới màu nhạt hơn. Hoa màu trắng. Quả hình cầu dài, màu đen, mang đài tồn tại.
Mùa hoa: tháng 9-10, mùa quả: tháng 12-1 (Hình dưới).
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Cây mọc hoang ở khắp nơi thường là bờ bụi, ven đường. Người ta thường lấy toàn cây về rút thành rế để đỡ nồi cho đỡ vỡ, đỡ nóng. Làm thuốc, người ta thu hái rễ, thường vào hai mùa hè và thu. Hái về thái nhỏ, phơi hay sấy khô, có khi tẩm rượu rồi sao vàng cho thơm.
C. Thành phần hoá học
Có sapônin. Hoạt chất khác chưa rõ.
D. Công dụng và liều dùng
Rễ rung rúc là một vị thuốc còn dùng trong phạm vi nhân dân để chữa tê thấp, đau lưng, mỏi gối. Ngoài ra còn được dùng chữa sốt, sốt rét, ỉa chảy.
Ngày dùng 10-20g dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống.
Đơn thuốc có rễ rung rúc
Rượu chữa tê thấp, nhức mỏi:
Rễ rung rúc thái mỏng, sao vàng 200g, rượu ta (30-40°) 1 lít. Ngâm trong 15 ngày trở lên. Ngày uống 20-30ml chữa đau mỏi, tê thấp (kinh nghiệm dân gian).
Nguyên Liệu Làm Thuốc trích từ nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi
COMMENTS - Bình luận
Đăng nhận xét