Chữa Tê Thấp và Đau Nhức - Châu Thụ

Còn gọi là lão quan thảo (Sìn hồ, Lai Châu).

Tên khoa học Gaultheria fragrantissima Wall. (Gaultheria fragrans Don).

Thuộc họ Đỗ Quyên Ericaceae.
Châu Thụ - Gaultheria fragrantissima - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Tê Thấp và Đau Nhức


A. Mô tả cây

Cây nhỏ cao 1,5-3m, mang rất nhiều cành, cành nhỏ hình ba cạnh hay tròn, nhẵn, khô có màu nâu. Lá hình mác, hoặc thuôn dài, đầu nhọn, phía cuống hình nêm, mép có răng cưa, phiến lá dai, màu nâu nhạt ở cả hai mặt, mặt trên nhẵn, mặt dưới có những đốm đen rải rác, dài 4-6cm, rộng 1-2cm, gân nổi ở mặt dưới, chìm ở mặt trên. Hoa màu hồng hay trắng, mọc thành chùm ở kẽ lá, thường chùm dài hơn lá. Quả nang hình cầu, trên có vòi tồn tại, bao bọc bởi một đài mẫm. Nhiều hạt (Hình dưới).
Hình vẽ cây Châu Thụ - Gaultheria fragrantissima - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Tê Thấp và Đau Nhức

B. Phân bố, thu hái và chế biến

Cây mọc phổ biến ở những vùng núi cao miền Bắc nước ta, như Sapa (Lào Cai), Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Còn thấy mọc ở Ấn Độ, Malaixia, miền nam Trung Quốc. Hoa rất thơm, toàn cây tỏa mùi salixylat metyl, vò lá hay vỏ thấy mùi rõ hơn. Để lâu mùi nhẹ mát hơn. Thường hái lá về phơi khô dùng pha nước uống. Có thể dùng lá và vỏ cây cất tinh dầu. Tuy nhiên ở nước ta chưa chú ý sử dụng.

C. Thành phần hoá học

Trong lá có tanin, acbutin và gauntherin. Acbutin (còn có tên acbutozit) C12H16O7OH2 có tinh thể hình kim dài không màu, vị đắng, chảy ở 196°C, dễ tan trong nước sôi, trong cồn, ít tan trong ête, khi bị thủy phân bằng men emunsin hay bằng axit sunfuric sẽ cho glucoza và hydroquinon:

Thành phần hóa học Châu Thụ - Gaultheria fragrantissima - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Tê Thấp và Đau Nhức

Dung dịch trong nước thêm clorua sắt 3 sẽ cho màu xanh.

Gautherin (gaultherin) là một glucozit do sự kết hợp giữa một phân tử salixylat metyl và một phân tử glucoza, với một phân tử nước bị loại đi. Khi tiếp xúc với men gaultheraza có trong lá, gaultherin sẽ thủy phân và cho salixylat metyl và glucoza, khi cất sẽ cho một tinh dầu gọi là tinh dầu winter-green.

Muốn cất tinh dầu winter-green, người ta ngâm lá hay vỏ tươi cây châu thụ với nước 30°C, để yên một đêm cho men tác dụng, hôm sau cất kéo hơi nước. Tinh dầu nặng hơn nước. Hiệu suất chừng 0,6%. Tinh dầu có tỷ trọng 1,180-1,187. Độ sôi 218-221°C, gồm chủ yếu chất salyxylat metyl (99,8%) và rất ít gaultherilen hay tricontan là một cacbua no.

D. Tác dụng dược lý

Tinh dầu châu thụ gây co quắp và liệt hô hấp đối với súc vật Người ta cũng thấy có một số người bị ngộ độc do tinh dầu với hiện tượng nôn mửa, ỉa lỏng, viêm dạ dày, đi đái luôn, co quắp và chết.

Bôi lên da, tình dầu thấm rât nhanh và bài tiết qua đường nước tiểu và ruột dưới dạng salixylat metyl, nhưng dễ gây kích ứng da mạnh. Nếu dùng salixylat metyl thì không thấy hiện tượng này.

E. Công dụng và liều dùng

Ở nước ta chỉ mới thấy một số ít người dùng lá pha nước uống.

Tại Mỹ và Anh nguời ta xem lá cây Gaultheria procumbens L. như là một vị thuốc chữa bách bệnh (dùng với tên Winter-green, Thé de New-Jersey, Thé du Canada): Điều kinh, thuốc ra thai, sát trùng, đặc biệt chữa tê thấp, lá dùng dưới dạng thuốc pha 10g trong 1 lít nước.

Tình dầu được dùng dưới dạng thuốc mỡ, thuốe xoa bóp và trong công nghiệp nước hoa.

Theo Chopra và Badhwar (1950, Indian J.Agricult. Sci. 10:31) thì cây này là một chất độc kích thích và đã gây ra một số vụ chết người do dùng với mục đích ra thai.

Nguyên Liệu Làm Thuốc trích từ nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi

COMMENTS - Bình luận

BLOGGER