TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM
PHƯỚC HUỆ SONG TU
Soạn giả: HUỲNH VĂN DƠN, Hội trưởng Trung ương–1955
TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM
Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam (TĐCSPHVN) đã chánh thức hoạt động trên 20 năm trường.
Trong vòng 5 năm, từ 1951 đến 1955, Giáo hội phát huy vô cùng mạnh mẽ. Hôm nay, khắp miền Nam nước Việt, trên 100 ngôi chùa Tịnh Độ đã “hạnh huỳnh phấp phới nêu cao phướn.” Ngày lạc thành một ngôi Tam Bảo nào, ít nhất cũng phải khai trương một phòng thuốc Nam phước thiện.
Để cho đồng bào hiểu rõ đường lối tu học của TĐCSPHVN, chúng tôi xin tóm tắt giải thích sau đây:
TỊNH ĐỘ
Tịnh Độ là do ba tiếng Tịnh Độ Tông, một trong 12 tông phái của Phật giáo. Người tu theo Tịnh Độ dùng pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương Cực lạc, hay vãng sanh Tịnh Độ.
Vậy Tịnh Độ là gì?
Tịnh là trong sạch; Độ là quốc độ, tức là một cõi hay một nước trong sạch (thanh tịnh). Cõi Tịnh Độ toàn vui không có điều khổ não như cõi Ta Bà, nên cũng gọi là Cực lạc.
Tịnh Độ có nhiều thứ, mỗi thứ có một nghĩa riêng.
Nếu nói về tu chứng thì có ba thứ Tịnh Độ để tượng trưng cho ba bực tu, từ thấp lên cao.
Ba bực Tịnh Độ nầy thuộc về Duy Tâm Tịnh Độ, bởi vì do tâm tu chứng. Hễ đoạn hoặc chứng chơn bực thấp thì gọi là Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ. Nếu đoạn hoặc chứng chơn bực trung thì gọi là Thiệt Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ. Còn đoạn hoặc chứng chơn một cách rốt ráo, thì gọi là Thường Tịch Quang Tịnh Độ. Ba bực tu chứng cảnh giới Tịnh Độ trên đây trùng với ba nghĩa Niết Bàn:
– Một là Hữu Dư Niết Bàn,
– Hai là Vô Dư Niết Bàn,
– Ba là Đại Bát Niết Bàn.
Đoạn trên là nói về sự tu chứng với pháp môn niệm Phật; còn nói về sự vãng sanh, thì có nhiều cõi Tịnh Độ như:
1. Tây phương Tịnh Độ của Đức Phật A-Di-Đà, Giáo chủ cõi Cực lạc.
2. Lưu Ly Tịnh Độ hay Đông phương Tịnh Độ của Đức Dược Sư Lưu-Ly-Quang Như Lai, Giáo chủ cõi Đông phương.
3. Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ của Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, Giáo chủ cõi Ta bà.
4. Đâu Suất Tịnh Độ của Đức Di Lặc, Giáo chủ Long Hoa Đại Hội.
Chỗ đặc sắc của Tông Tịnh Độ là sau khi quy y Tam Bảo, phát tâm niệm Phật, trì trai giữ giới, dù chưa đoạn-hoặc chứng-chơn, người hành giả cũng được vãng sanh.
CƯ SĨ
Cư sĩ là người tại gia tu hành. Cư sĩ là một phần tử liên quan mật thiết trong giáo hội tăng già. Theo kinh sách Phật, giáo hội thời xưa gồm 7 chúng: 5 chúng xuất gia và 2 chúng tại gia. Tăng già là phiên âm tiếng Phạn Sangha, có nghĩa là sự hoà hiệp, sự chung cùng với nhau của một nhóm người. Như thế thì dùng chữ Tăng già để chỉ riêng các nhà xuất gia là một điều sai lầm. Bất cứ Tông giáo nào, môn phái nào cũng được gọi là Sangha miễn có sự hoà hiệp, sự cùng chung từ 4 người sấp lên là được.
PHẬT HỘI
Phật Hội là một Hội Phật do các nhà cư sĩ lập ra. Hội Phật của Tịnh Độ Cư Sĩ tổ chức kiên cố trên nền tảng Tam tụ, Lục hoà.
Tam tụlà: Thứ nhứt dứt các điều ác, thứ nhì làm các điều lành, thứ ba phải mở lòng từ bi thương xót và cứu độ chúng sanh.
Lục hoàlà:
– Một là Thân hoà đồng trụ:Nghĩa là cùng nhau hoà hiệp thoả thuận trong lúc ở chung không cậy quyền, không ỷ thế, không cho mình là bề trên rồi lấn lướt, hiếp đáp kẻ dưới, cùng là cố tình sai khiến kẻ hiền lành thật thà. Nói tắt là có sự hoà thuận trong lúc ở chung, nên không vì chánh kiến, không vì trình độ, không vì giai cấp mà nghịch lẫn nhau.
– Hai là Khẩu hoà vô tranh: Nghĩa là cùng nhau đối đãi một cách ôn hoà nhã nhặn, dịu ngọt trong hành vi cử chỉ và lời nói. Không nói xẵng, không nói nặng lời, không lớn tiếng, không nạt nộ, không bĩu môi, không nói móc lò, không nói mát, không nói đâm họng, không hạ nhục, không đốc lói, không kiêu ngạo, không chế giễu, v.v...
– Ba là Ý hoà đồng duyệt: Nghĩa là cùng nhau kính trọng quí mến, nên không trái ý, không chống chỏi. Nên nói những ý kiến xây dựng, khuyến khích. Nếu có thảo luận để trưng cầu ý kiến, cũng phải cho nhã nhặn, cùng nhau chung lo chung tính.
– Bốn là Giới hoà đồng tu:Nghĩa là đồng nhau ăn ở theo giới cấm, không phạm kỷ luật của Giáo hội. Nên biết rằng, nếu bề ngoài tuy không xúi giục, nhưng trong thâm tâm đồng ý để cho người khác phạm giới cấm, cũng là phạm kỷ luật của giáo hội, thì cũng như chính mình xúi giục không khác.
– Năm là Kiến hoà đồng giải: Nghĩa là chỗ kiến thức, tức là chỗ hiểu biết về sự tu chứng chơn lý Đại thừa, đều cùng nhau chia sớt. Nếu tự mình nhờ nghe Đạo, hoặc nhờ xem kinh, hay là nhờ tham thiền ngộ giải được Đạo tâm, thì mình cũng nên chia sớt chỗ ngộ giải ấy cho đạo hữu đồng tiến bước trên con đường tu học Phật pháp. Đồng tu, đồng tỏ, đồng chứng lý, đồng thành Phật đạo.
– Sáu là Lợi hoà đồng quân: Nghĩa là quyền lợi về tinh thần hay vật chất, nếu có sự chung hiệp, thì phải chia nhau cho đồng đều, không tham lam, không bỏn sẻn, không đút nhét, không giấu bớt, không ăn gian.
Tất cả giáo đồ TĐCSPHVN từ thiện nam tín nữ cho đến các sắc hội viên đều tôn trọng Tam tụ và Lục hoà. Nhứt là Lục hoà, nếu phạm đến thì là một lỗi nặng vô cùng. Cái lỗi đó trong sách Phật gọi là “Phá hoà hiệp chúng.” Phá hoà hiệp chúng tức là phá giáo hội, nếu không muốn nói là phá Đạo.
Nói tóm lại, TĐCSPHVN là một Hội Phật của người Việt Nam ở tại gia tu theo pháp môn Tịnh Độ.
* * *
TÔN CHỈ CỦA TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM
Để thúc liễm thân tâm, Đức Tông Sư Minh Trí buộc các hàng đệ tử luôn luôn niệm Phật, bất kỳ chỗ nào, thời khắc nào, đi đứng nằm ngồi cũng niệm Phật. Để tác phước thiện duyên và trau dồi trí bát nhã, thì Ngài lại vạch con đường Phước Huệ Song Tu, đúng với câu chữ: “Tài pháp nhị thí thỉ thành công, Phước Huệ lưỡng toàn phương tác Phật.” Nghĩa là: Thí tài thí pháp thì chắc chắn thành công, còn Phước Huệ song toàn là phương châm làm được Phật.
TU PHƯỚC
Phước là cái kết quả của những điều lành, tức là những việc từ thiện giúp đỡ chúng sanh khỏi khổ được vui, đúng với lời nói “Từ năng dữ lạc, Bi năng bạt khổ.” Thế thì tu phước tức là thực hiện chủ nghĩa Từ bi bác ái của nhà Phật.
Tại làm sao phải tu phước? Đó là một vấn đề làm cho lắm người thắc mắc, cần biện giải phân minh. Chúng ta nên biết rằng, bản tánh của chúng sanh vốn lành, nhưng vì đầu thai vô lượng kiếp, rồi vì mê nhiễm lạc thú hồng trần, nên xa lần nguồn gốc của mình. Đó là tự mình đi nghịch với bổn tánh của mình, trong sách Phật gọi “nghịch dụng chơn như.” Muốn đi thuận chiều với bổn tánh chơn như, không có gì hay hơn là tu phước. Kinh Phật nói: “Tu nhứt thiết thiện pháp, tức đắc a nậu đa la tam miệu tam bồ đề.” Nghĩa là Tu cả thảy pháp lành thì chứng bực Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức là thành Phật vậy.
Thế thì lý do khiến chúng ta tu phước không ngoài mục đích đưa chúng ta trở về gốc lành, hiệp với bổn tánh chơn như. Con đàng đi này, từ cổ chí kim, từ đông sang tây, chẳng những Phật giáo, Nho giáo ở trời đông, cho đến các tôn giáo khác ở Âu Mỹ, cũng đều dạy tác phước thiện duyên, lập công bồi đức để lần hồi đến chỗ Chơn, Mỹ, Thiện.
Có người lại nói rằng: “Tôn chỉ của Phật giáo là từ bi bác ái, tự giác, giác tha. Cớ sao Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam lại đề xướng và chủ trương Phước Huệ Song Tu?”
Vâng, đúng thế. Chủ nghĩa cốt yếu của Phật giáo không ngoài tám chữ “Từ bi bác ái, tự giác, giác tha.” Song từ bi bác ái bằng những lời nói suông, như mấy nghìn năm nay các bậc tiền bối đã làm, thử hỏi đã có mấy ai được cứu khổ ban vui? Muốn cứu khổ ban vui, ngoài việc Tu Phước, không còn cách nào khác nữa.
Còn Tự giác, giác tha, thì thiết tưởng chẳng phải mình hiểu biết chơn lý của vạn vật, rồi hốt nhiên kẻ khác cũng hiểu biết như mình. Dùng đủ phương tiện để giúp đời cứu đời, rồi thừa thời cơ thuận tiện khéo phủ uỷ và tỉnh thức người đời, dù đời có đuổi xô, bạc đãi, cũng không thối chí ngã lòng trong việc hoằng pháp lợi sinh, trừ phi người trí huệ có mấy ai làm đặng. Như thế thì Từ bi bác ái, Tự giác, giác tha, là nói theo văn tự, còn nói theo thực hành là Phước Huệ Song Tu vậy.
TU HUỆ
Huệ là trí huệ, là trí hiểu biết sáng suốt, biết phân biện, biết lý luận, biết quan sát, biết được sự thật của vạn vật, nghĩa là biết được Chơn lý của Vũ trụ vạn hữu. Tu Huệ có nghĩa là dồi mài cái trí hiểu biết của mình cho nó tỏ rạng, lần lần đến mức Đại Trí huệ quang minh, tức là Trí Phật vậy.
Người đời thường cho rằng thông thuộc kinh luật của Đức Thế Tôn đã chỉ dạy là người Trí huệ.
Thông thuộc kinh điển là một việc có lắm người học Phật đã làm đặng. Chắc quí ngài cũng đồng quan điểm nầy: thông thuộc là một việc, còn hiểu rõ lại là một việc khác. Song, theo chỗ nghiệm xét của chúng tôi, vừa thông thuộc, vừa hiểu rõ Kinh, Luật, Luận cũng chưa phải là người Trí huệ.
Người Trí huệ là người suốt thông Chơn lý, thâm hiểu Chơn lý, sanh sống đúng Chơn lý, không chấp bỏ, không mỏi mê thối chuyển.
Trong Pháp Bửu Đàn Kinh, Đức Lục Tổ Huệ Năng dạy rằng: “Bát-nhã là tiếng Phạn, Tàu dịch ra là Trí huệ. Bất kỳ xứ sở nào, thời khắc nào, niệm niệm chẳng mê, hằng làm theo lòng trong sạch của mình, tức thị là hạnh Bát-nhã.”
Trí Bát-nhã Ba-la-mật hay là Trí huệ đến bờ bên kia không sanh không diệt; đắm cảnh nhiễm trần thì sanh diệt dấy khởi, như nước nổi sóng, tức bờ bên nầy. Trong cảnh mà lìa cảnh, cư trần mà thoát trần, như nước thường thông lưu, tức là bờ bên kia.
Trí huệ đến bờ bên kia là Trí huệ Đại quang minh, là Đại Viên Cảnh Trí, nghĩa là vừa khôn thiêng, vừa sáng suốt cực điểm. Mặt trời mặt trăng có ánh sáng thật nhưng không được gọi là khôn thiêng, vì là vô tình. Cũng không thể cho ánh sáng nhựt nguyệt là cực điểm, là thông suốt, vì tuy chiếu khắp, nhưng không thể soi lòng chậu úp.
Trí huệ đến bờ bên kia là Trí Phật, vừa trạm tịch, vừa thường hằng, nghĩa là vắng lặng, vô thỉ vô chung, không thêm không bớt, chẳng tới chẳng lui, tràn đầy vũ trụ, không thọ một mảy trần cũng không bỏ một sự một pháp.
Vì xác thân nặng nề ô trược, người đời phải hôn mê ám muội, chẳng biết Trí huệ do tự tánh sanh ra, chẳng phải ở ngoài vào. Người tu hành có Trí huệ cũng không là do nơi tâm mê tâm giác, tâm dơ tâm sạch của mình. Nói cách khác cho dễ hiểu, người trí huệ là người sáng suốt, rồi dùng sự sáng suốt của mình, tuỳ duyên hoá độ quần sanh. Nếu dày công lập đức, rồi lại chấp giữ công cao đức dày của mình, thì đối với kẻ phàm tục kia nào có khác gì.
Để thức tỉnh môn đồ là Trí Thường, Đức Huệ Năng dạy rằng:
Chẳng thấy pháp gì giữ không thấy,
Khác nào mặt nhựt, mây che đậy.
Chẳng biết pháp gì giữ không biết,
Như trên không trung chớp điện nháy.
Những tri kiến ấy thoạt dấy lên,
Không rõ phương tiện mà nhận bậy.
Một niệm mình nên biết lỗi mình,
Ánh sáng tự tâm thường hiện vậy.
Nghe kệ xong, tâm ý Trí Thường rỗng suốt, hoát nhiên tỏ ngộ, mới kệ lại rằng:
Khi không khởi biết thấy,
Trước tướng tìm Bồ Đề.
Lòng còn một niệm ngộ,
Khó thoát buổi xưa mê.
Tự tánh thể nguyên giác,
Nhiễm cảnh mãi luân hồi.
Chẳng vào được nhà Tổ,
Không khỏi chạy hai nơi.
Nhà Tổ là tiêu biểu cái cảnh giới “Ly ngôn tuyệt tướng, tâm–phật đều vong, muôn cảnh êm đềm, một màu vắng bặt.” Người tu học Phật mà chưa đạt tới cảnh giới ấy, thì không khỏi chạy về hai đầu, nghĩa là chẳng chấp cócũng chấp không, chẳng chấp tướng cũng chấp tánh.
Thưa chư liệt vị,
Tâm Pháp Đạolà như thế.
Song, trong thời kỳ mạt pháp nầy, nghiệp chướng của chúng ta quá sâu dày, rất khó khăn cho chúng ta dứt tham lam bỏn sẻn, hết sân hận si mê. Muốn đạt cảnh giới trong sạch sáng suốt, cần phải lần hồi tiến từ bước một trên đường học Phật. Vì lẽ ấy Đức Tông Sư Minh Trí của TĐCSPH VN mới cho sáng lập khắp đó đây những phòng thuốc, những cơ quan phước thiện xã hội, trước là cứu khổ ban vui cho đời, sau là để cho các sắc hội viên cùng chư thiện tín có cơ duyên lập công bồi đức.
Thánh nhơn đã dạy: “Phước đức dẫn thông-minh-lộ.” Phước đức là con đường thẳng tiến đến thông minh, trí huệ. Như thế thì các cơ quan từ thiện xã hội của TĐCSPHVN là một phương tiện thiện xảo dắt dẫn chắc chắn chư thiện tri thức về miền thanh bình cực lạc.
Đạo hữu lưỡng phái nên khéo hiểu chỗ đó. Huynh đệ ra đi công quả cũng thành công không kém anh chị em vì sanh kế của gia đình ràng buộc, chỉ có thể giúp đỡ về phần tài chánh. Chỗ cốt yếu là trên đường tu học phải luôn luôn bằng cách nầy hay cách khác, thực hành chủ nghĩa “lợi kỷ lợi tha, từ bi hỷ xả” của Đức Như Lai.
Thưa quí ngài,
Trong lục độ vạn hạnh của chư Phật chư Tổ, hạnh đầu tiên là hạnh Bố thí ba-la-mật, nghĩa là bố thí đến bờ bên kia.
Vì sao? Vì xét cho kỹ, thực hành triệt để pháp Bố thí ba-la-mật, người hành giả cũng đầy đủ, trọn vẹn 5 pháp kia là: Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tiến, Thiền định và Bát-nhã (Trí huệ).
Bố thí ba-la-mật là thí bỏ một cách rộng lớn, thâm sâu. Chúng ta thí tiền, thí của, thí công, không hối tiếc, không lo nghèo đói, không sợ ốm đau sống chết. Không tiếc tiền tài sản vật, đó là chúng ta hiểu rõ tiền của vốn không, như chiêm bao, như nắng dợn, như trăng dưới nước, như bóng trong gương. Bỏ của tiền là không chấp pháp. Pháp không còn thì đâu còn chi gọi là thủ và hữu; mà sở thủ, sở hữu không còn thì năng thủ cũng không còn nốt. Có chấp ngã mới có người để ôm giữ của là pháp, tức là Năng thủ.
Trong việc hành thí, ta không sợ nhọc nhằn, ốm đau sống chết, tức là biết rõ xác thân nầy như con thuyền đưa ta qua sông mê bể khổ. Trong Kim Cang Chư Gia có câu: “Mượn bè qua biển cả, lên bờ khỏi dụng thuyền.” Hai chữ bè và thuyền ở đây ám chỉ cái xác thân của chúng ta. Mặc dầu vì nó, ta phải chịu bao nhiêu đớn đau khổ luỵ, song nó cũng giúp ích cho ta chẳng nhỏ khi ta làm chủ được nó và khéo sử dụng nó.
Năng là Ngã, Sở là Pháp; ngã pháp không còn, tức nhiên không còn chi gọi là có không, thương ghét, thanh trược, tịnh định và hôn mê. Cả thảy mấy tánh ấy chẳng còn, tức là con người hiệp nhứt với Phật; nói một cách khác, là huờn về Chơn như Diệu tánh.
Đã huờn về Chơn như Diệu tánh, mà không tưởng là mình đã huờn, cũng không cho mình có thí bỏ, đó mới thật là Pháp Đàn ba-la-mật hay là Bố thí đến bờ kia.
– Người Bố thí ba-la-mật đã xa lìa ngã và pháp, tức là Tâm địa đã bình. Trong Pháp Bửu Đàn Kinh, Đức Huệ Năng có nói: Tâm bình đâu cần giữ giới.
– Người Bố thí ba-la-mật đã trừ lục căn, diệt lục trần, tâm địa bình đẳng, tánh nết ôn hoà, hoà quang tiếp vật, hay quên mình làm lợi cho người, đó là hạnh Nhẫn nhục.
– Người Bố thí ba-la-mật đã không tiếc tiền mến của, cũng không sợ nhọc nhằn, ốm đau sống chết, thì đâu còn thối chuyển trên đường hoằng pháp lợi sanh; mà không thối chuyển, tức nhiên là Tinh tiến.
– Người Bố thí ba-la-mật bất kỳ xứ sở nào, thời khắc nào, không chấp không bỏ một sự một vật, đi đứng nằm ngồi, luôn luôn tự tại vô ngại; đối với hết thảy cảnh giới lành dữ vui buồn ở ngoài, tâm niệm chẳng dấy chẳng tưởng, kêu là Thiền; trong thấy bổn tánh mình chẳng động, kêu là Định; ngoài thiền trong Định, tức là Thiền Định.
– Người Bố thí ba-la-mật giới luật tinh nghiêm, đã dung hoà nhẫn nhục, tinh tiến và thiền định, tức là đã thấy và biết chỗ nào cũng là vô tâm, không có một tướng gì khá đặng. Không có một tướng gì khá đặng, đó là Thiệt Tướng, là Diệu Tướng của Như Lai, đúng với Kinh Kim Cang: “Ly nhứt thiết tướng tức danh chư Phật.” Nghĩa là xa lìa cả thảy tướng có và tướng không, tức là Phật.
Phật là bực đại trí huệ quang minh.
Thưa quí ngài, thưa chư đạo hữu lưỡng phái,
Đạo thì cao siêu mầu nhiệm, tiềm tàng bí ẩn, văn tự thì tương đối có mực có chừng, lại thêm tài sơ đức bạc, kẻ phàm phu nầy khó nỗi miêu tả cho cùng tột, như một với một là hai, cái LÝ huyền huyền diệu diệu, cái “chúng diệu chi môn” của Đức Lão Tử nói trong Đạo Đức Kinh, hay là Bồ đề Chơn tâm của Đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Song với tấm lòng tha thiết, thiết tha mong muốn đồng bào đồng loại phát tâm vô lượng Từ bi bác ái, Tự giác giác tha, chúng tôi ráng hết sức mình biện chứng như trên kia rằng, hành Bố thí ba-la-mật sẽ đem đến cho chúng ta một nguồn trí huệ quang minh tuyệt đối.
Bố thí là chẳng những dùng tiền tài sản vật, mà luôn tới lời nói việc làm, để cho người người khỏi khổ được vui. Giúp người khỏi khổ được vui là làm lành; làm lành tất nhiên được phước. Thường hằng Bố thí ba-la-mật sanh ra trí huệ như trên kia đã giải. Như vậy thì tu phước (là bố thí) cũng sanh ra trí huệ. Nói cách khác “tu phước là tu huệ vậy.” Đã hiểu rõ giá trị của sự tu huệ ba-la-mật rồi, chúng ta cũng nên biết qua phương pháp tu huệ của pháp môn niệm Phật.
Như ai nấy đều biết: có giữ giới mới có Định, nhơn có Định mới có Huệ. Giữ giới phải giữ từ trung tâm đến hành vi cử chỉ và ngôn ngữ mới thật là có Định. Thế thì lòng niệm Phật và tứ tướng được oai nghi, khiến cho ba nghiệp thanh tịnh, đó là giới.
Lòng niệm Phật khiến cho trí không tán loạn, đó là Định. Hoặc nói: Nhứt tâm niệm Phật là Định.
Lòng niệm Phật không hôn trầm, khiến cho trí rõ biết lục tự Di Đà một cách phân minh tỏ rõ, đó là Huệ.
Pháp Định Huệ của người niệm Phật như vậy, rất cao sâu mầu nhiệm, rất siêu việt, bất luận đi, đứng, nằm, ngồi cũng là Định Huệ được cả. Bởi vì tự tâm không lìa câu niệm Phật là Định. Đối với câu niệm Phật tự tâm vẫn sáng suốt, không hôn trầm, không phân cách, không lầm lẫn, đó là Huệ. Đó là trong Định có Huệ, trong Huệ có Định.
Nên biết rằng, Định là cái thể của Huệ, Huệ là cái dụng của Định. Định như vậy là tánh của mình định, Huệ như vậy là tánh của mình huệ. Tánh định huệ nầy không từng lìa cái dụng tướng tưởng niệm A-Di-Đà Phật. Đó là dụng tướng bồ đề vậy. Niệm Phật như vậy đủ cả thể, dụng, tướng. Thế thì lục tự Di Đà, một khi chúng ta sáng suốt tưởng niệm, thì có đủ thể, dụng, tướng, tức là Định Huệ đồng dụng vậy.
Niệm Phật như vậy, tuy không ngồi thiền định, mà cũng như thiền định, vẫn có đủ ngoài thiền trong định. Ngoài thiền là nói trong khi đang niệm Phật, sáu căn không mê nhiễm sáu trần, sáu trần không nhiễm loạn sáu căn. Trong định là nói trong khi niệm Phật, lòng không tán loạn. Ngoài không nhiễm trần, trong không tán loạn, đó là ngoài thiền trong định, đó là phương pháp tu Huệ của pháp môn niệm Phật.
Nếu ai còn chấp tướng thiền định, cho rằng cần phải ngồi thiền, chớ đi, đứng, nằm, không thể tu thiền được, thì cũng nên xem cái gương của Trí Hoàng thiền sư trong Pháp Bửu Đàn Kinh mà soi. Bởi vì Trí Hoàng chấp có sự ngồi thiền, nên ông ngồi trên hai chục năm trường mà chẳng tỏ Đạo. Câu chuyện như thế nầy:
Huyền Sách hỏi Trí Hoàng thiền sư rằng:
— Ông ở am nầy làm việc chi?
— Tôi ở đây chuyên tu nhập định. – Trí Hoàng trả lời.
Huyền Sách nói rằng:
— Trong lúc ngồi nhập định, ông có cái lòng nhập định hay không có cái lòng nhập định? Nếu có lòng nhập định thì tất cả loài hữu tình hàm thức cũng định được ư? Bằng như ông nói rằng không có cái lòng nhập định, thì tất cả những loài vô tình như cây cỏ, sắt đá cũng định vậy.
Trí Hoàng suy nghĩ rồi trả lời:
— Chính trong lúc tôi đang ngồi công phu nhập định, tôi chẳng chấp có nhập định, mà cũng chẳng chấp không nhập định.
Huyền Sách nói rằng:
— Nếu chẳng chấp có, chẳng chấp không, thì đó là thường định rồi, có gì gọi là nhập định hay xuất định. Nếu chấp có nhập có xuất, thì đâu phải là đại định.
Nói về tu thiền, thì trong bốn oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi, ai ai cũng mê chấp cái tướng ngồi, còn ba tướng kia thì quên lửng. Có người tuy nhớ, nhưng không dám nhận, và nói rằng, ngoài sự ngồi ra không thể tu thiền.
Tu thiền để làm gì? Há không phải là để sử dụng Định Huệ? Thế thì, chỉ có pháp môn niệm Phật là dễ tu Định Huệ hay dễ sử dụng Định Huệ hơn hết. Pháp môn niệm Phật không cần phải ngồi, bất luận đi, đứng, nằm gì cũng Định Huệ được cả. Hễ niệm Phật không hôn trầm, không tán loạn, tự mình minh chứng rõ ràng câu niệm Phật, đó là sử dụng Định Huệ rồi vậy. Trong sự sử dụng Định Huệ như thế, người tu hành đừng chấp có tướng đi niệm Phật, đừng chấp có tướng đứng niệm Phật, đừng chấp có tướng nằm, ngồi niệm Phật, đó là lối sử dụng Định Huệ cao siêu nhứt, mà trong sách Phật kêu là Định Huệ đồng dụng.
Chỗ phá chấp nầy, trong Pháp Bửu Đàn Kinh có nói: “Pháp môn tu thiền chẳng chấp nơi tâm, mà cũng chẳng chấp nơi tịnh và cũng chẳng phải chẳng động. (Bởi vì, nếu không động thì là gạch đá hay sao). Nếu chấp nơi tâm thì tâm trở nên vọng, còn chấp nơi tịnh thì tịnh trở thành động.”
Theo những lời phá chấp trên đây, bất cứ đi, đứng, nằm, ngồi, cứ thản nhiên niệm Phật không chấp cả thảy tướng, dù là ở nơi tướng mà lìa tướng, đúng với lời nói trong Kim Cang rằng: “Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai.” Nghĩa là: Bằng thấy cả thảy tướng mà chẳng phải tướng, tức thấy được bản tánh Như Lai. Nếu thấy cả thảy tướng mà chẳng phải tướng, trong sách Phật gọi là xa lìa cả thảy tướng. Xa lìa cả thảy tướng, tức kêu là chư Phật, đúng với nguyên văn: “Ly nhứt thiết chư tướng tức danh chư Phật.”
Niệm Phật như trên đây, đã được kiến tánh Như Lai, đừng nói chi Định Huệ là việc thường, không có gì gọi là lớn lao hay khó làm.
Có người than rằng: “Tôi tu lâu quá mà không có Định Huệ.” Nếu ai than như thế thì nên xét lại coi mình có giữ mười giới hay không? Nếu có giữ thì có Định Huệ rồi, chẳng qua mình không hay gần đạo hữu, không trau dồi chỗ tu học lẫn nhau, nên không ai xác nhận chỗ Định Huệ của mình đó thôi. Hoặc giả, có lẽ mình tưởng Định Huệ như gốc cây, rồi mình cho rằng đi, đứng, nằm, không Định Huệ.
Chúng tôi xin thí dụ Định Huệ như vầy cho dễ hiểu: Trong lúc mình mắc lăng xăng lo nghĩ những điều danh lợi nơi trần thế, chừng mình sực tỉnh lại nói rằng: “Vọng tưởng như vầy là động,” bèn dừng tâm lẳng lặng. Khi tâm đã an rồi, bèn nhớ tới câu niệm Phật, hoặc nhớ tới lời nói của Đức Thế Tôn trong kinh nào đó, hoặc nhớ tới những lý luận của chư Tổ, làm cho tâm niệm của mình không còn vọng động nữa, đó là Định Huệ vậy. Cho đến khi nào mình nhớ nổi những chơn lý rốt ráo trong sách Phật mà lý trí của mình được thoả mãn, không còn thắc mắc nghi pháp nữa, đó là Định Huệ của các bực mới chứng quả Thánh, sự thành Phật trước mắt, không cần lo nữa.
K Ế T L U Ậ N
Thế nhơn thường nói:
Làm lành chẳng Phật thì Tiên,
Chẳng vương thì bá cũng quyền công khanh.
Thánh xưa lại dạy: “Dục cầu thiên tiên, hành nhất thiên tam bá thiện. Dục cầu đại giác kim tiên, hành nhất thiên ngũ bá thiện.” Nghĩa là làm 1300 điều lành sẽ thành thiên tiên, còn làm đặng 1500 việc lành sẽ chứng bực đại giác kim tiên.
Thánh đức cũng như thượng nhân đều đồng một quan niệm: làm lành đặng phước. Lành nhỏ thì phước nhỏ, lành lớn và nhiều thì phước quả nhiều hơn. Tuỳ công lao tác phước thiện duyên, hành giả sẽ hưởng cảnh giàu sang phú quý hoặc công, hầu, vương, bá ở cõi thế gian; cao hơn nữa thì chứng quả thiên tiên hay đại giác kim tiên, tột bực là quả vị Phật.
Làm lành mà không nghĩ bàn tính toán, không tầm không kiếm, tuỳ duyên hoá độ, làm lành mà không chấp có mình làm, có người hưởng, có của để thí, thì phước đức không thể đo lường, như Phật Tổ đã đã dạy ngài Tu Bồ Ðề trong kinh Kim Cang, phẩm 25 và 26.
Giải thích hai phẩm nầy ngài Phó Ðại Sĩ kệ rằng:
Không tâm mà bố thí, công đức khó so lường.
Tế độ người nghèo thiếu, nghĩa nhân chớ tính bàn.
Hạnh phàm phu thấp thỏi, hay cổ võ khoe khoang.
Muốn rõ hình đàn thí, hư không khắp thập phương.
Thưa quý ngài, hỡi đồng bào thân mến,
Chúng tôi đã tận ngôn tận lực bày bỏ nỗi lòng không ngoài ý chí hoài bão duy nhứt là khơi gợi mối từ tâm của quý ngài. Phần đông chúng ta là Phật giáo đồ, hoặc là Khổng môn đệ tử, mà dầu theo Phật, theo Thánh, theo Ðức Chúa Trời hay đạo nào đi nữa, nghĩa vụ của con người, nhứt là người hành chánh đạo, là trang trải ban bố “Nguồn thương chí thiết” khắp cùng, chẳng phân biệt người, vật, cỏ cây hay cầm thú.
Việt Nam, non sông gấm vóc,
Việt Nam, đất địa phì nhiêu.
Việt Nam, tinh thần bất diệt.
Việt Nam, chỉ thiếu “Nguồn thương chí thiết” sẽ biến thành Cực lạc quốc. Nguồn thương chí thiết vốn sẵn có đầy đủ nơi ta; chỉ e chúng ta mãi ô nhiễm hồng trần, chớ một khi thức tỉnh và dùng đến, thì dùng hoài dùng mãi, dùng đến bao giờ cũng chẳng dứt tuyệt.
Việt Nam đã thâu hồi nền tự chủ. Việt Nam đã vươn mình trên trường quốc tế. Dân tộc Việt Nam lại giàu lòng nhân ái. Thời cơ đã đến. Chúng tôi trông đợi, mong chờ một ngày tươi sáng, ngày đại đoàn kết, ngày kết chặt giải-tâm-đồng với đồng bào toàn quốc, hầu có xây dựng một cảnh Nhơn Gian Tịnh Ðộ, đầy đủ hạnh phúc cho nhơn loại, tự do bình đẳng cho muôn loài.
Lành thay! mong thay!
Trước khi dứt lời, chúng tôi nguyện cầu cho âm siêu dương thới, lưỡng lộ tồn vong, tổng giai thành Phật đạo.
Nam Mô A Di Ðà Phật.
COMMENTS - Bình luận
Đăng nhận xét