PHƯỚC HUỆ SONG TU GIẢNG LUẬN quyển 2

TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM

PHƯỚC HUỆ SONG TU

GIẢNG LUẬN

Cư sĩ Như Pháp

(QUYỂN 2)


Chương VIII
TU HUỆ ĐỂ THOÁT LY BỐN TƯỚNG

Trong sự phá chấp, kinh Kim Cang cũng dạy phá chấp bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả.
1. Tướng Ngã: Phàm hễ chấp trước cái gì, cái đó phải có tướng trạng, phải có lý lẽ, dù lý lẽ không được rốt ráo. Sự chấp trước, là thuộc về tâm mê lầm bất thông chơn lý. Nếu là sáng suốt thì không ai mê chấp bao giờ. Như trên đã nói, do chấp trước mà có tướng, không ai mê chấp cái vô vi vô tướng bao giờ. Muôn sự muôn vật là huyễn hoá mà không biết, lại đi chấp trước cái món huyễn hoá cho là có. Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói phàm phu chấp có, Nhị thừa hữu học chấp không. Chấp không nghĩa là phủ nhận tất cả thế giới nầy đều không, như lông rùa sừng thỏ, chẳng có gì hết.
Chấp có thuộc về phàm phu. Nếu mình không còn chấp có thì mình chẳng phải là phàm phu. Nếu mình đừng chấp không, thì không phải là ngoại đạo, không phải là Nhị thừa hữu học.
2. Tướng Nhơn: Tướng con người, tướng người nầy người kia.
3. Tướng Chúng sanh: Tướng của loài người hoặc loài vật.
4. Tướng Thọ giả: Tướng sống lâu, tuổi thọ, tướng già nua.
Bốn tướng trên đây Phật nói không thật có. Cái gì thật có, cái đó không hề tiêu mất, cái đó vĩnh cửu. Vì không thật có, nên lúc còn, lúc mất, …
Bốn tướng trên đây là do miệng lưỡi của thế gian thường hay bàn tán, bình phẩm, chấp thật có bốn tướng. Trong kinh Kim Cang, Phật nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai.” Nghĩa là: Phàm cái gì có tướng, cái đó là hư vọng chẳng chơn thật, chẳng qua do nhơn duyên mà hoặc thấy như thế nầy, hoặc thấy như thế khác, cả thảy đều sanh diệt không đình trụ. Bằng thấy biết cả thảy tướng hiệp ly sanh diệt mà chẳng phải thật có tướng hiệp ly sanh diệt, tức là thấy biết được Phật tánh của mình.
Bản chất của các pháp là sanh diệt vô thường, làm sao thường trú được, làm sao an trụ được. Đức Khổng tử đứng trên cầu nhìn dòng nước, nói: “Chảy mãi không thôi.”Nguyên chữ “pháp” [] lấy chữ “thuỷ” [] ghép với chữ “khứ” [] nghĩa là “Các pháp ví như nước cứ trôi mãi không thôi, sanh diệt luôn.”
Trong bốn tướng trên đây, người tu hành không nên ưa thích chấp trước tướng nào cả, bởi có tướng là có danh, có danh tướng là có vọng tưởng, khiến cho chánh trí như như không hiển lộ. Không chấp danh chấp tướng thì không có vọng tưởng, vọng tưởng không có thì danh tướng là chánh trí và như như.
Phá danh tướng không có nghĩa huỷ diệt danh tướng, mà nó có nghĩa là phá cái tâm chấp trước danh tướng. Nếu danh tướng bị bỏ đi thì sáu trần phải rối loạn. Do đó, người Pháp có câu nói: “Phải gọi mỗi vật bằng cái tên của nó.”
Đành rằng danh tướng lưu ngại cho vấn đề thanh tịnh của người học Phật, nhưng lưu ngại là tại mình chấp trước danh tướng. Nếu mình không chấp trước danh tướng các pháp, thì làm gì có lưu ngại.
Đối với chơn lý Đại thừa, dù tịnh dù nhiễm, dù ác dù thiện, dù chánh kiến hay tà kiến, hữu lậu hay vô lậu, ta không thể bỏ pháp nào hoặc lấy pháp nào. Các pháp đối đãi vốn liên lập, ta không thể tách rời ra lấy pháp nầy bỏ pháp kia. Lấy thì lấy cả hai, bỏ thì bỏ cả hai. Ví dụ như thiện với ác, ta không thể bỏ ác lấy thiện, cũng như sóng với nước, ta không thể bỏ sóng lấy nước, vì chúng chỉ là một thể duy nhứt, không thể tách rời ra để lấy cái nầy, bỏ cái kia.
Bàn đến sự tu tập trừ khử chấp trước bốn tướng trong kinh Kim Cang mà bỏ qua lời Phật dạy trừ bốn tướng trong kinh Viên Giác là một thiếu sót rất lớn.
Ở chương IX, ngài Bồ-tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng cầu Phật chỉ dạy phá trừ tâm bệnh. Phật dạy:
. . . . .
— Nầy Thiện nam, tất cả chúng sanh từ hồi nào đến giờ, do vọng tưởng điên đảo, chấp bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, cho là thật thể của ta, rồi sanh ra hai cảnh thương và ghét. Thế là, ở nơi thân thể nầy đã hư vọng, lại chấp thêm cái hư vọng nữa. Bởi hai lớp vọng nương nhau, nên sanh ra các vọng nghiệp. Vì có vọng nghiệp, nên vọng thấy có sanh tử luân hồi. Những người nhàm chán sanh tử luân hồi thì lại vọng thấy có Niết-bàn.
Bởi thế nên không thể nhập được Viên Giác thanh tịnh, chớ không phải tánh Viên Giác chống cản không cho chúng sanh nhập. Và những người nhập được cũng không phải tại tánh Viên Giác chấp thuận cho nhập vậy. Thế nên, kẻ khởi niệm hay người dứt niệm cũng đều là mê muội. Tại sao thế? Bởi vì Vô minh đã khởi sẵn (bổn khởi vô minh) và làm chủ tể từ vô thỉ vậy.
1.Nầy Thiện nam, bởi chúng sanh chấp thân nầy là ta, nên cảnh nào thuận với ta thì sanh thương yêu, còn cảnh nào nghịch với ta thì lại sanh ra oán ghét. Do tâm thương ghét nầy, trở lại tiếp tục nuôi dưỡng vô minh. Vì thế nên chúng sanh cầu Đạo, đều không thành được Đạo.
Nầy Thiện nam! Thế nào là ngã tướng? — Tất cả chúng sanh tự tâm chứngbiết cái ta. Ví như có người thân thể điều hoà không có chút gì trái ý (lúc ấy không thấy ngã tướng hiện). Đến khi sự điều dưỡng bị thất thường, thân thể mất thăng bằng, hoặc gặp phải những cảnh trái nghịch như gai đâm hay lửa đốt, bấy giờ mới thấy cái ta (ngã tướng) hiện ra rõ rệt. Vì thế mà chứng biết có cái ta.
Nầy Thiện nam, sâu thêm một tầng nữa, cái ngã tướng có phần vi tế hơn trước, là người tu hành lúc thấy mình có chứng quả, có đắc đạo. Cho đến khi chứng quả Như Lai hay đặng Niết-bàn thanh tịnh của Phật, mà nếu còn cái tâm biết mình có chứng và có được, như thế cũng đều còn ngã tướng.
2.Nầy Thiện nam, thế nào là nhơn tướng? — Tất cả chúng sanh tự tâm ngộta đây là người vậy; nghĩa là hiểu ngộ ta là người và các người khác cũng là người. Nói rộng ra, hiểu ngộ ngoài ta thì tất cả đều là người vậy .
Nầy Thiện nam, đi sâu thêm một tầng nữa, cái nhơn tướng có phần vi tế hơn, là cái tâm nầy cho đến hiểu ngộ rằng còn biết mình viên ngộ Niết-bàn, cũng đều là còn ngã tướng, nghĩa là ở nơi tâm, nếu còn một chút ngộ rằng “chứng lý đầy đủ” thì đều gọi là nhơn tướng.
3.Nầy Thiện nam, thế nào là chúng sanh tướng? — Tất cả chúng sanh ở nơi tự tâm không còn chấp mình là Ngã và Nhơn mà lại chấp là chúng sanh. Tỷ như có người nói như thế nầy: “Tôi đây là chúng sanh.” Bởi thế nên biết, người kia nói “tôi là chúng sanh” thì liễu biết không phải Ngã và Nhơn.
Nầy Thiện nam, những chúng sanh rõ biết hai món tướng trước (sở chứng, sở ngộ) là thuộc về ngã và nhơn, nay không còn chấp ngã, nhơn nữa, nhưng còn cái tâm rõ biết (liễu), đó là chúng sanh tướng.
4.Nầy Thiện nam, thế nào là Thọ mạng tướng? — Các chúng sanh tâm chiếu soi (phân biệt) đã thanh tịnh, nhưng còn cái trí giác ngộ tướng chúng sanh trước đó (giác sở liễu giả). Bởi còn cái trí giác ngộ, tương tục tu tập các nghiệp vô lậu, chưa có thể tự trừ được, cũng như mạng căn tương tục không tự đoạn được,* nên gọi là Thọ mạng tướng.
* Xin đừng hiểu lầm là dứt đoạn mạng sống. Chỗ nầy ý nói,  bốn tướng thật ra cũng chỉ là một ngã tướng, đi từ chỗ thô (dễ trừ) đến chỗ rất vi tế (khó trừ) trong quá trình tu tập: ngã chứng (thô), ngã ngộ (tế), ngã liễu (vi tế), ngã giác (rất vi tế).
Nầy Thiện nam, nếu còn cái tâm soi thấy (biết tất cả cái giác) ba tướng trên đó, thì cũng còn ở trong vòng trần cấu (tâm chưa trong sạch). Bởi còn năng giác và sở giác nên chưa rời trần cấu vậy.
Cũng như nước nóng (dụ như trí huệ) làm tiêu băng (dụ như bốn tướng), thì toàn băng là nước (dụ như Chơn tâm), lúc bấy giờ không còn nước nóng năng tiêu và băng bị tiêu nữa. Nếu còn chút nước nóng và băng, thế là nước chưa thuần nhứt. Cũng thế, nếu còn cái ta để giác và ngộ cái ta trước thì chưa rời được bốn tướng.
. . . . . .
Kết luận, Phật dạy:
— Nầy Thiện nam, trong khi có người đến khen ngợi kính phục, hành giả lại sanh vui mừng muốn tế độ người đó. Trái lại, nếu bị người chê bai huỷ báng thì hành giả lại sân hận. Do đó mà biết cái ngã tướng vẫn còn kiên cố núp ẩn trong Tạng thức, nó thường lai vãng trong các căn của hành giả không gián đoạn vậy. Người tu hành bởi không đoạn trừ được ngã tướng, cho nên không thể nhập được Viên Giác thanh tịnh (tức không thể nhập được Chơn tâm).
Không thấy người huỷ nhục, không thấy mình thuyết pháp độ sanh, lúc bấy giờ ngã tướng mới không còn.

Chương IX
TU HUỆ ĐỂ PHÁ VÔ MINH

Vô minh là không khôn ngoan sáng suốt, là ngu si mê lầm, là bất giác vọng động, là động tướng vô minh...
Trong Đại Thừa Khởi Tín Luận tặng cho nó một cái biệt danh trong Tam tế lục thô là “Vô Minh Nghiệp Tướng.” (Hành động tạo tác của tướng vô minh).
Trong kinh Viên Giác, đại ý ngài Văn Thù hỏi Phật hai câu:
1. Chư Phật đã tu hành như thế nào mà được thành Phật;
2. Các vị Bồ tát khi đã phát tâm Bồ đề rồi, làm sao các vọng đừng sanh?
Đức Phật dạy:
1.Nầy Thiện nam, cái “vô minh” không có thật thể (thật vật). Như người ngủ chiêm bao, thấy các cảnh vật, đến lúc thức rồi thì cảnh vật kia không còn nữa.
Lại nữa, cũng như người hết nhặm mắt thì các hoa đốm trong hư không tự tiêu diệt. Lúc bấy giờ không thể nói “thật có chỗ hoa diệt,” và không thật có chỗ hoa sanh vậy.
Tất cả chúng sanh ở trong cái “không sanh diệt” (tánh Viên Giác) mà vọng thấy có sanh diệt, cho nên mới bị trầm luân trong biển sanh tử luân hồi.
2.Nầy Thiện nam, nhơn địa tu hành của Như Lai là tu theo Viên Giác. Nghĩa là: Biết các pháp đều hư huyễn, như hoa đốm giữa hư không, thì không còn sanh tử luân hồi và không có người chịu sanh tử luân hồi.
Không phải phá hoại làm cho các pháp mất đi mà kêu là không. Chính bản tánh của các pháp nó tự không vậy. Cái biết (năng biết) các pháp không đó, cũng như hư không. “Cái biết như hư không” cũng không luôn. Nhưng, không thể nói “Không có cái biết.” Phải dứt trừ hết cả “có” và “không,” như thế mới gọi là tùy thuận tánh Viên Giác).
3.Tại sao thế? Vì trong Như Lai tạng (Viên Giác) không có sanh diệt, không có thấy biết, như hư không thường còn chẳng lay động, như tánh của pháp giới viên mãn khắp giáp cả mười phương.
Đây gọi là chỗ nhơn địa tu hành của Như Lai, các vị Bồ tát cũng nhơn nơi đây mà phát tâm thanh tịnh tu theo đại thừa. Chúng sanh đời sau cũng phải y theo đây tu hành, mới khỏi đọa vào tà kiến.
— Khi đó đức Thế Tôn tóm lại nghĩa trên bằng bài kệ:
Văn Thù, ông phải biết:
Chỗ nhơn địa tu hành
Của các đức Như Lai,
Là dùng trí Viên Giác,
Phá trừ hết Vô minh:
Biết các pháp hư huyễn
Thì khỏi bị luân hồi.
Cũng như người chiêm bao
Thức rồi cảnh mộng hết,
Cái biết cũng không còn.
Sáng suốt khắp mười phương (Viên Giác)
Bình đẳng không chuyển động
Tức thì thành Phật đạo.
Các huyễn diệt hết rồi,
Thành đạo cũng không thành,
Xưa nay tánh viên mãn.
Bồ tát y nơi đây,
Phát tâm đại Bồ đề,
Các chúng sanh đời sau,
Tu đây mới khỏi đọa.
* * *
Vô minh bất giác là khắc tinh của Bản giác diệu minh, ngược lại Bản giác diệu minh cũng là khắc tinh của Vô minh. Cái nào mạnh cái nào yếu? Cái nào hơn cái kia kém? Lẽ đương nhiên Bản giác diệu minh phải mạnh hơn, đắc lực hơn, vì nó sáng suốt hơn kẻ ngu si, mê lầm là Vô minh. Cái mạnh của Vô minh ngu si mê lầm làm sao đứng vững trước chơn lý sáng tỏ như nhựt nguyệt?
Một lẽ phải được tuyên dương, một chánh nghĩa được tuyên truyền, nó thắng bá vạn hùng binh.
* * *
VÔ MINH VÀ BẢN GIÁC DIỆU MINH
Hỏi: Vô minh và bản giác diệu minh là một hay khác?
Đáp: Chẳng phải một, chẳng phải khác. Chỉ có một bản thể mà hai trạng thái dị biệt, nên nói một cũng chẳng phải, mà nói khác cũng chẳng nhằm. Tuy nhiên, lúc hòa hợp nhứt như khác nào sóng với nước êm đềm tận đáy, lúc bất hòa hợp là lúc nước tùy duyên sanh diệt với gió mà dậy sóng ba đào. Lúc hòa hợp thì toàn sóng tức nước, lúc bất hòa hợp thì toàn nước tức sóng.

Chương IX
TU HUỆ ĐỂ KIẾN TÁNH

Đạo Phật có hai pháp môn dạy minh tâm kiến tánh thành Phật, gọi là Thiền tông Đốn giáo: Một là Tổ thiền, hai là Như Lai thiền.
Một hôm tại Linh Thứu sơn, Đại Phạm Thiên Vương có dâng cho Đức Thế Tôn cành hoa sen vàng. Đức Thế Tôn cầm hoa sen đưa lên và không nói chi hết, chỉ mỉm cười thôi. Tất cả hàng tứ chúng đều không hiểu được nụ cười ấy của Phật có ý nghĩa gì. Trong khi đó, ông Ma-ha Ca Diếp cũng mỉm cười theo Phật.
Đức Thế Tôn nói: “Nầy Ma-ha Ca Diếp! Như Lai có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, đáng truyền trao cho Ma-ha Ca Diếp.”
Thiền tông Đốn giáo khai sanh kể từ đó.
Ngoài Tổ Thiền trên đây, còn một thứ Thiền nữa gọi là Như Lai Thiền. Thứ Thiền nầy không phải là Thiền bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền (truyền ngoài giáo lý nhà Phật, nghĩa là không dùng kinh điển trong các khế kinh để dạy tu Thiền)
Thiền bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền do Bồ-đề Đạt-ma (tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ) qua Trung quốc làm Sơ tổ, truyền đến Lục tổ Huệ Năng là vị tổ thứ sáu, hình thành Thiền tông Đông độ.
Trong sáu vị tổ Thiền tông Đông độ, chỉ có Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đại sư và Lục tổ Huệ Năng dùng kinh điển để dạy Thiền. Đó là cái lối dùng khoa Giáo để hiển minh khoa Thiền. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn thì dùng kinh Kim Cang để dạy Thiền pháp, còn Lục tổ Huệ Năng thì dùng tất cả kinh điển để dạy Thiền. Thế thì Thiền của Ngũ tổ và Lục tổ không phải thứ Thiền bất lập văn tự giáo ngoại biệt truyền, nó là Như Lai Thiền, bởi Như Lai Thiền chủ trương lấy kinh điển nhà Phật để dạy.
Như Lai Thiền cũng dạy minh tâm kiến tánh thành Phật vậy. Nhưng, nhờ dùng kinh điển nên dễ tu, dễ học, dù không có Thiền sư kèm giữ cũng tu học được vậy. Trái lại, Thiền Đông độ giáo ngoại biệt truyền, phải có Thiền sư, phải ở bên thầy, cho dù đã ngộ đạo rồi. Bất luận ở một bên thầy bao lâu đi nữa, nếu chưa thuần thục cũng không dám lìa thầy. Thiền bất lập văn tự về sau thất truyền, dù còn Thiền sư cũng không ai dám truyền bá, bởi đường lối dạy Đạo có chỗ không phù hợp với đời sống văn hoá của đại chúng.
Đường lối dạy tu Thiền của Lục tổ Huệ Năng chẳng những khế cơ mà cũng khế lý đối với văn học thế giới, văn minh hiện đại. Với đường lối nầy, ai biết cách thức tự giác tự ngộ là tu Thiền được. Lối tu Thiền của Lục tổ Huệ Năng là: “Chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc.” Chuyển là chuyển xoay, chuyển đổi sự mê lầm thành sự khôn ngoan sáng suốt do tác dụng của trí Bát-nhã quán chiếu. Phương pháp nầy nương vào Lục độ ba-la-mật chuyển xoay mê lầm của vô minh, làm cho “lục tệ” trở thành lục minh, lục giác, đúng với câu nói: “Sanh diệt là mê, không sanh diệt là giác. Giác là Phật, mê là chúng sanh.”
Hỏi: Vì sao gọi sanh diệt là mê, không sanh diệt là giác?
Đáp: Sanh diệt là chỉ cái vọng niệm tạp tưởng của phàm phu. Cái tâm niệm sanh diệt nầy hết thương đến ghét, hết phải tới quấy, hết vui đến buồn, nó không đình trụ lâu được một trạng thái nào. Kinh Phật dụ cái tâm sanh diệt như vậy chẳng khác nào vượn chuyền cây, hết cành nầy đến nhánh nọ không hề chấm dứt, không hề an nghỉ. Lại nữa, cũng chẳng khác nào ngựa không cương, hết đường nầy đến nẻo khác không biết đâu là hướng đi định chắc.
Cái tâm niệm sanh diệt như vậy, nó tối kỵ đối với người tu hành, nó là khắc tinh của tâm bất sanh bất diệt, nó làm cho tâm bất sanh bất diệt không hiện hữu được. Chính tâm sanh diệt tương tục như vậy, nó làm tiêu trầm cái tâm an trụ định tĩnh để phát sanh trí huệ.
Tâm sanh diệt là tâm tán loạn, tâm tán loạn nên không định, làm gì có huệ phát sanh chánh kiến. Chánh kiến không có, tà kiến lẫy lừng, tâm trạng lúc nào cũng đen tối rồi hành động bậy bạ vì không sáng suốt.

BÀN VỀ KIẾN TÁNH

Trong huynh đệ tỷ muội có nhiều người hiểu lầm về Kiến Tánh đối với kinh Thủ Lăng Nghiêm. Kinh Thủ Lăng Nghiêm không chuyên dạy về kiến tánh, phần lớn nội dung bộ kinh nầy dạy về “Tánh Thấy.” Chỗ lầm đó là “Tánh Thấy Của Mắt đối với các vật.” Thủ Lăng Nghiêm chủ trương Tâm Thấy, không phải là mắt thấy các pháp. Thế thì Tánh Thấy với Thấy Tánh (Kiến Tánh) nghĩa lý chẳng đồng nhau. Pháp Thiền chủ trương Kiến Tánh bằng sự tỏ ngộ đạo mầu, chớ không chủ trương thấy tánh bằng mắt thịt. Tỏ ngộ đạo mầu là do tác dụng của huệ giác Bát-nhã, tức con mắt Bát-nhã chớ không phải con mắt thịt.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm cho chúng ta biết “Kiến tinh minh nguyên của con mắt là toàn vọng chớ chẳng phải chơn.” Kiến tinh minh nguyên là một từ chưa được khai thác sâu rộng. Cái thấy của “Kiến tinh” là “Kiến phần A-lại-da” (tâm của đệ bát thức). Tám thức đều có tâm vương, gọi là Kiến phần của thức. Lẽ đương nhiên Kiến phần của thức giao duyên với Tướng phần của đệ bát thức cũng như của các thức khác. Như thế, mỗi thức đều có Kiến phần (tâm) để giao duyên với Tướng phần, đó là tâm với cảnh chớ chẳng phải cái gì khác.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm chủ trương Tâm thấy. Tâm ở đây là tự tánh thanh tịnh tâm, vốn đồng nghĩa với bổn tánh. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn nói: “Bất thức bổn tâm, học pháp vô ích, nhược thức tự bổn tâm, kiến tự bổn tánh, tức danh Trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật.” Thế thì Kiến tánhlà mình biết được bổn tâm, rõ được bổn tánh. Ngũ tổ Hoằng Nhẫn là người đầu tiên đưa ra định nghĩa vắn tắt nhất về vấn đề “Kiến tự Bổn Tánh, tức minh tâm kiến tánh thành Phật,” và Lục tổ Huệ Năng là người khéo léo sử dụng thuật ngữ “Kiến Tánh” để chỉ việc ngộ đạo.
Kiến Tánh là sự trực nhận nguồn năng lực cội gốc của mình. “Nguồn năng lực cội gốc” chính là cái bản thể xuất sanh ra muôn loài vạn vật, là cái tâm chung của muôn loài, là cái bản thể của vũ trụ vạn hữu vậy. Dĩ nhiên, không thể có được sự nhận biết này thông qua con mắt thịt, cũng như không thể nhận biết thông qua sự mô tả hành vi kiến tánh trong kinh điển. Đó là sự trực nhận bằng trí tuệ của mỗi người sau quá trình tầm chơn lý.
Từ định nghĩa nầy, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa Thấy Tánh và Tánh Thấy. Tánh Thấy của Tâm là một điều hiển nhiên, không đợi đến quá trình tu học và trực nhận. Ngược lại, Thấy Tánh là do sự tỏ ngộ bổn tánh, nó xuất hiện sau một quá trình tu tập nào đó của hành giả.
Bổn tâm bổn tánh vốn vô vi, vô tướng, vô danh, vô phân biệt, vô hình vô ảnh, không thể thấy bằng mắt thịt được. Hình danh sắc tướng như lục trần hoặc may mới thấy bằng mắt thịt.
Tỏ ngộ là do tác dụng của Huệ giác Bát-nhã. Như Huệ Năng đó, ngài nhờ Ngũ tổ giảng kinh Kim Cang mà ngộ đạo, và các câu nói về sự tỏ ngộ đạo mầu của Huệ Năng, không có câu nào nói rằng mình đã kiến tánh cả.
Tóm lại, thấu suốt lý nghĩa pháp môn Không hai, pháp Trung đạo, pháp bất sanh bất diệt, pháp thường trú, pháp vô sở trụ tướng, pháp huyễn sanh huyễn diệt, pháp như như bất động, v.v... đều được gọi là Kiến Tánh cả.
*
Giảng kinh Thủ Lăng Nghiêm, cư sĩ Tâm Minh có đưa ra tiêu đề: “Phật chỉ cái Tánh không sanh không diệt là cái Tánh của Như Lai Tạng Tâm.” Cư sĩ nói: “Cái tánh nầy chỉ có thể tự ngộ, chớ không thể trình bày ra được. Ở nơi con mắt thì tánh nầy gọi là cái thấy, ở nơi lỗ tai thì gọi là nghe, ở nơi ý gọi là biết. Chứng được tánh nầy là minh tâm kiến tánh, không Chứngđược tánh nầy dù tu học đến đâu, dù thông hiểu đến đâu, cũng chỉ trong vòng vọng tưởng. Thật ra, nó là Chơn tâm Phật tánh, Như Lai tánh, v.v... chớ chẳng phải cái gì khác.”
Lấy đoạn văn trên đây so với nhiều đoạn văn của các Thiền sư nổi danh, dám chỉ ngay chỗ ở và sự hành động của Chơn tâm Phật tánh như vầy: “Tại tâm thì biết, tại tai thì nghe, tại mũi thì ngửi, tại chân thì cất bước, tại tay thì nắm bắt, ...”
Đó, chỗ ở của Tâm và hành động của Tâm đó, chúng ta mặc sức tỏ ngộ, mặc sức minh tâm kiến tánh tỏ ngộ đạo mầu.
Lối kiến tánh của Đàn Kinh thật là hấp dẫn. Tổ Huệ Năng nói: “Người đời sau mê muội, nếu biết được chúng sanh, tức là Phật tánh đó vậy. Nếu không biết được chúng sanh thì muôn kiếp tìm Phật khó gặp. Nay ta dạy các ngươi, nếu biết được chúng sanh nơi lòng mình, thì tỏ ngộ Phật tánh nơi lòng mình. Muốn cầu thấy Phật phải biết chúng sanh.”
Kiến tánh có hai lối: Lối thấy xuôi là ngộ đạo, thấy được bổn lai diện mục, thấy được Chơn-như pháp tánh duy nhứt. Lối thấy ngược là thấy tâm chúng sanh, thấy vọng tưởng (tức thấy Chơn-như).
Lối kiến tánh thấy xuôi dễ ngộ đạo hơn thấy ngược. Thấy xuôi là thấy thực tướng các pháp, thấy ngược là thấy phiền não tức Bồ-đề, sanh tử tức Niết-bàn, chúng sanh tức Phật.

Chương X
TU HUỆ ĐỂ NHẬN BIẾT
HAI NGUỒN GỐC CHỈ LÀ MỘT

Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, đức Thế Tôn dạy:
Nầy A-nan! Sở dĩ chúng sanh tu hành luôn mãi từ kiếp nầy sang kiếp khác mà không thành Phật, là do không tỏ ngộ được hai nguồn gốc: Một là nguồn gốc sanh tử vô thỉ, hai là nguồn gốc Bồ-đề Niết-bàn vô thỉ.
Hỏi: Nguồn gốc sanh tử vô thỉ là gì?
Đáp: Là nguồn gốc khiến chúng sanh trôi lăn trong vòng luân hồi sanh tử khổ hải, khó tu giải thoát. Phàm nói đến nguồn gốc thì biết rằng hễ có gốc tức có ngọn. Có gốc có ngọn lẽ đương nhiên có tự do sanh sôi nẩy nở mãi mãi không bao giờ chấm dứt. Ví như cây cỏ có sẵn mầm sẵn giống, không ai trồng mà vẫn xanh um tươi tốt, dù đốt bỏ hoặc trải bê-tông lên, nó cũng không bị tiêu diệt hẳn. Đó là do mầm giống của nó luôn sẵn có, và khuynh hướng của nó là “phủ xanh lên tất cả bề mặt đất đai.”
Cái gì có gốc, có nguồn thì nó tự do sanh khởi, cái gì không gốc, không nguồn, thì cái đó dễ trừ, dễ tiêu diệt, bất luận tinh thần hay vật chất đều như vậy cả. Tất cả các kinh luận đều nói, các pháp từ tinh thần đến vật chất, chúng không có căn, có gốc, cho nên chúng chẳng khác nào mộng, huyễn, bào, ảnh, sanh ở đâu, diệt tại chỗ đó. Nhưng chúng không thật có sanh, không thật có diệt. Sự sanh diệt của chúng là huyễn sanh huyễn diệt.
Đành rằng các pháp từ vật chất đến tinh thần là huyễn sanh huyễn diệt, nhưng nếu không thật tỏ ngộ bề sâu, bề rộng của chúng, thì cũng không làm sao khu trừ chúng được. Tại sao vậy? Tại vì chúng từ Như Lai tạng sanh ra, tuy không gốc mà chẳng phải hoàn toàn không gốc. Vấn đề nầy, phải đi sâu vào cái lý: “Chơn-như tuy tuỳ duyên sanh diệt mà vẫn như như bất biến; tuy như như bất biến mà vẫn thường tuỳ duyên sanh diệt.” Trong vấn đề Chơn-như tuỳ duyên sanh diệt, Phật thấy không thật có sự sanh diệt, có chăng là huyễn sanh huyễn diệt. Nhưng ngược lại, rõ ràng chúng sanh thấy thật có sanh, thật có diệt. Do lẽ đó, tuy ở trong huyễn sanh huyễn diệt mà chịu lấy sanh diệt trong sáu nẻo luân hồi. Chính kinh Thủ Lăng Nghiêm nói như vậy. Thật ra, pháp tướng sanh diệt dễ gạt con mắt thịt của phàm phu, chớ làm sao lừa được ngũ nhãn của Phật.

HAI NGUỒN GỐC LÀ MỘT HAY LÀ KHÁC?
Tại sao Thủ Lăng Nghiêm nói rằng chúng sanh tu hành nhiều đời, nhiều kiếp mà không thành Phật được, là tại chưa tỏ ngộ hai nguồn gốc?
Hai nguồn gốc là một hay là khác?
Nếu là một, thì căn bản (nguồn gốc) sanh tử vô thỉ với căn bản Bồ-đề Niết-bàn vô thỉ chẳng phải là hai. Chẳng khác nào như nước với sóng tuy hai trạng thái dị biệt mà đồng một nền tảng bản thể duy nhứt. Cho nên pháp tướng tuy sanh diệt mà chẳng thật sanh diệt.
Trái lại, nếu nguồn gốc sanh tử vô thỉ và nguồn gốc Bồ-đề vô thỉ là hai thể dị biệt, thì tánh với tướng, bản thể với hiện tượng, Chơn-như với vọng tưởng,... không có vấn đề “Tuỳ duyên mà vẫn như như bất biến.”
Kinh Thủ Lăng Nghiêm sở dĩ nói hai nguồn gốc, là do Đức Thế Tôn muốn người tu hạnh Đại thừa, ai cũng phải tỏ ngộ hai nguồn gốc là một hay khác để xoay chuyển vọng tâm, phản vọng qui chơn. Trong sự phản vọng qui chơn như vậy chẳng có gì khó khăn cả. Nếu hành giả không phản vọng được, thì chỉ còn một cách là dẹp bỏ thời công phu đại định.

HIỂU RÕ VỌNG THÌ VỌNG TỨC CHƠN
Muốn phản vọng tưởng qui Chơn-như, hành giả cần hiểu ngộ Vọng tâm đang sanh diệt đó, nó là cái gì? Thật ra nó là Chơn-như, Phật tánh, Chơn tâm chớ chẳng phải cái gì khác. Nói cách khác: Hiểu rõ vọng tâm tức Chơn tâm, hiểu rõ chúng sanh tức Phật, hiểu rõ vọng tưởng tức Chơn-như, thì vọng niệm tạp tưởng biến mất.
Hiểu rõ ở đây là đại ngộ đó. Đại ngộ Vọng tâm tức Chơn tâm, Phật tánh, chớ chẳng phải ai vào đó phá rối Thiền định.
Cách thức làm như vậy, gọi là hoàn về Chơn-như, gọi là phản vọng qui chơn, gọi là trở về nguồn uyên nguyên.
Trong vấn đề thấy tánh, chúng tôi đã nói: “Người ta thấy xuôi, còn Lục tổ lại thấy ngược.” Thấy xuôi là ngộ được Chơn tâm Phật tánh, thấy ngược là ngộ tánh chúng sanh.
Vấn đề tỏ ngộ được hai nguồn gốc là một, giúp ích hết sức lớn lao đối với những vị chưa tỏ ngộ được chơn lý viên dung bình đẳng không hai.
Nên biết rằng, “hiểu rõ vọng thì vọng tức chơn,” là một phương pháp phản vọng tưởng qui chơn như, nó chẳng đồng với đường lối tiêu diệt tâm sanh diệt của Nhị thừa khi tham thiền chống với vọng niệm tạp tưởng. Lối tu tập phản vọng nầy trả sóng về cho nước, trả sanh diệt về cho bất sanh bất diệt thường trú; đó là trả chúng sanh về với Phật, mà không dụng công phá hoại vọng tâm.
Nếu hành giả dụng công quá mạnh, đánh dẹp vọng tâm, làm sao khỏi có phản ứng (réaction) sinh hoạt tâm lý, gây thêm rắc rối mà khó được an tâm, mà tâm an tức thị thiền.
Hành giả nào biết cách hoàn về Chơn-như bằng cách phản vọng qui chơn, hành giả đó đi đúng với Đại thừa là không dụng công trừ khử vọng niệm tạp tưởng. Vả chăng, vọng niệm tạp tưởng đâu phải cái gì lạ mà phải dùng sức mạnh của trí huệ để đánh dẹp nó. Một người hiểu ngộ phiền não tức Bồ-đề,...; một người khác không hiểu ngộ phiền nào tức Bồ-đề, không hiểu vọng tâm tức Chơn tâm, không hiểu tâm chúng sanh tức Phật tánh, không hiểu nguồn gốc sanh tử vô thỉ đối với nguồn gốc Bồ-đề Niết-bàn vô thỉ, v.v..., thử hỏi công phu của hai người ai chóng thành công trong sự hoàn về Chơn-như, ai lập công làm đúng với sự chỉ dạy hai nguồn gốc của kinh Thủ Lăng Nghiêm?
Ở đây, chúng tôi cần nhắc lại hai lối kiến tánh. Lối thứ nhứt là thuận hành. Lối nầy gọi là “Thức tự bổn tâm, kiến tự bổn tánh.” Lối thứ hai là nghịch hành, thấy ngược trở lại. Như thấy tâm chúng sanh tức là Phật tánh, thấy chúng sanh tức Phật, thấy phiền não tức Bồ-đề.
Trong sự phản vọng tưởng qui chơn như, để đưa vọng tâm trở lại được với trạng thái của chơn tâm, chúng ta có thể vận dụng cả hai lối kiến tánh nói trên, bằng cách tỏ ngộ cái lý: “Hiểu rõ vọng thì vọng tức chơn, trái lại chấp chơn thì chơn trở thành vọng.”
Trong sự phản vọng tưởng qui chơn như để trừ dẹp vọng tâm, nếu ta càng dụng công chừng nào, vọng càng sanh nhiều chừng ấy: Nói như thế, quí vị nào ở cấp bực Bát địa Bồ-tát mới hiểu lý do “càng dụng công càng sanh vọng tưởng.”
Trong công tác trừ diệt vọng tâm như vậy, cái nào khoẻ, cái nào mệt, cái nào chóng, cái nào chầy, cái nào mau kết quả, cái nào lâu thành công?
Một khi hành giả tỏ ngộ hai tướng đối đãi, hoặc hai nguồn gốc chẳng phải là hai thể dị biệt, nó chỉ là đồng nhứt thể vô sai biệt, thì hành giả dùng chơn lý viên dung bình đẳng mà qui nó về gốc, cũng như qui vọng về chơn chớ đừng dụng công đánh dẹp theo kiểu sát tâm sanh. Nếu sát tâm sanh, khác nào móc chất chua chát trong trái xoài vứt bỏ, làm mất luôn chất bùi ngon ngọt của trái xoài. Hãy trả lại chất chua chát của trái xoài để nó làm ngon ngọt trái xoài.
Đến đây chúng ta thấy rằng, Thỉ giác nhờ cái công phu thấm nhập vào bản thể Chơn-như mà thỉ giác trở về nhứt thống với bản giác diệu minh hết sức mau lẹ. Đó là một kỳ công niệm Phật theo Thiền pháp, sớm thoát ly Nhị chướng (phiền não chướng và sở tri chướng), đồng thời chứng được Nhị Chơn-như, cũng đồng thời lìa được Nhị sanh tử (sanh tử phần đoạn của phàm phu và sanh tử biến dịch của Thinh văn thừa hữu học), chứng được Nhị quả chuyển y Bồ-đề Niết-bàn.

Chương XI
TU HUỆ ĐỂ KHẲNG NHẬN
THỈ GIÁC TỨC BẢN GIÁC

Hỏi: Thỉ giác là gì? Thế nào gọi là Bản giác?
Đáp: Thỉ giác là sự giác ngộ đầu tiên trên con đường tu học Phật pháp. Nói tắt là mới tu hành được nửa đường, cuộc hành trình còn xa xăm.
Còn bản giác là chỉ cho tánh giác ngộ xưa nay vốn có sẵn. Nó là Bồ-đề diệu minh Chơn tâm chớ chẳng phải cái gì khác. Giác tánh tất cả chúng sanh đều có, dị danh là trí giác Bồ-đề. Chúng sanh, bất cứ loài nào cũng đều có trí giác Bồ-đề. Trí nầy ai chưa ngộ đạo thì không làm sao biết nó được.
Người chưa ngộ đạo, phần lớn đều lầm tưởng  rằng Tâm tánh Bồ-đề chẳng đồng với những người chưa ngộ đạo. Người ta cho rằng: “Tâm tánh Bồ-đề là cái toàn giác, khi hành giả thể nhập được tâm toàn giác, thì cái tâm thỉ giác của mình mới viên minh với tâm Bồ-đề. Hoặc nói rằng, cái tâm thỉ giác của hành giả sau khi phát tâm Bồ-đề một thời gian, tuỳ căn cơ trình độ tu học mà có lâu hay mau, nó mới hoà nhập vào bản giác diệu minh.”
Thật sự không phải như vậy. Thỉ giác là cái công phu tiệm tiến, nó đi từ từ trong sự thể nhập tâm tánh, để rồi khi đạt ngộ, nó chứng nhập một lần trọn vẹn (viên mãn thể nhập bổn tâm, bổn tánh, cũng gọi là viên mãn thể nhập bản giác diệu minh).
Trên con đường tu chứng, hành giả phải trải qua giai đoạn lý nhập rồi mới tới giai đoạn hạnh nhập. Giai đoạn lý nhập là giai đoạn của phần tri, nó từ từ hướng dẫn hành giả sang phần thực hành đặng hoàn tất cái công phu hạnh nhập. Để ứng dụng phần lý thuyết sang phần thực hành, chính do công phu ở bản thân của hành giả phối hợp với phần lý thuyết, mới có thể thực thi hạnh nhập.
Nếu là bậc thượng căn đại trí, tri tức hành, không cần nghiên cứu học hỏi phần lý thuyết để thực hành; trái lại, các bậc khác, phải thông suốt phần lý thuyết năm phen ba lượt mới thực hành được.
Hỏi: Tại sao phải suốt thông phần lý thuyết mới có thể thực hành tu chứng được?
Đáp: Nếu phần lý thuyết mà bất thông, thì phần thực hành dựa vào đâu để thi công?
Người tu về Đại thừa, trong công phu tu hành, luôn luôn phải thâm thấu đến bản thể Chơn-như của mình, nếu không thâm thấu, thì cái công phu đó thuộc về hữu lậu thanh tịnh, ngược lại, nếu công phu thâm thấu tới bản thể Chơn-như, thì đó là vô lậu thanh tịnh.
Hỏi: Làm thế nào để cho công phu của mình thâm thấu đến bản thể Chơn-như. Ví dụ tôi đang niệm Phật đây, làm sao thâm thấu?*
Đáp: Trong lúc niệm Phật, đừng thấy có ta niệm, đó là vô ngã niệm Phật, cũng đừng chấp có ông Phật sở niệm, đó là vô pháp niệm Phật. Vô ngã, vô pháp niệm Phật, đó là Thiền niệm, nó thấm nhập Chơn-như. Ta với Chơn-như đồng. Đây cũng gọi là niệm bổn tánh Chơn-như.
Công phu như vậy, thoát ly được tướng sanh diệt của chấp ngã, chấp pháp, dù ta chưa chứng nhập vào Tự tánh thanh tịnh tâm (bản giác), nó cũng làm cho hành giả công phu chẳng lìa tự tánh.
* Một câu hỏi nầy, nếu như đem vô lượng vô số đồ thất bảo mang ra bố thí để so sánh cũng không cân xứng.
____

Chương XII
TU HUỆ ĐỂ TUỲ THUẬN
TÁNH VIÊN GIÁC CỦA NHƯ LAI

Dưới đây là năm bài tu Huệ của năm cấp bậc từ phàm phu đến Như Lai địa. Độc giả chư tôn có thể chọn lựa một bài cho cân xứng với trình độ tu học Phật pháp của mình.
Chương Thanh Tịnh Huệ Bồ-tát dưới đây trong kinh Viên Giác, nó rất khế hiệp với vấn đề “Thuận dụng Chơn-như tức tuỳ thuận tánh Viên Giác.” Chơn-như tức Viên Giác, Viên Giác tức Chơn-như. Như thế, tu Phước hay tu Huệ, cả hai đều thuận dụng Chơn-như tức tuỳ thuận tánh Viên Giác.
. . . . . .
Thanh Tịnh Huệ: Bạch Thế Tôn, xin Phật vì các vị Bồ-tát và tất cả chúng sanh trong Pháp hội nầy, chỉ dạy thứ lớp tu chứng của Như Lai như thế nào, để cho chúng sanh hiện tại và đời sau, nhơn nghe lời Phật dạy đây được khai ngộ, lần lượt tuỳ thuận vào tánh Viên Giác của đức Pháp Vương.
1. Trong Viên Giác không có Bồ Tát và chúng sanh
Phật dạy:
— Nầy Thiện nam, trong tánh Viên Giác thanh tịnh không có tất cả pháp mà có đủ tất cả pháp. Nó tuỳ thuận các duyên, biến hiện ra đủ tất cả mà không chấp thủ và không chứng. Thí dụ như con mắt thấy được tất cả vật mà không tự thấy mình. Nó vẫn bình đẳng mà không tự chứng mình bình đẳng.
Nầy Thiện nam, trong Thật tướng (Viên Giác) không có Bồ-tát và chúng sanh. Nó vẫn bình đẳng mà không tự thấy mình bình đẳng.
Nầy Thiện nam, trong Thật tướng (Viên Giác) không có Bồ-tát và chúng sanh. Tại sao thế? Bởi Bồ-tát và chúng sanh là huyễn hoá vậy. Khi các tướng huyễn hoá diệt rồi, thì không có người năng chứng và quả sở chứng.
Chúng sanh vì còn mê muội điên đảo, nên chưa diệt trừ được các tướng huyễn hoá. Vì chúng sanh vọng khởi công dụng để đối trị các tướng huyễn hoá, bởi có những tướng huyễn hoá đã diệt và chưa diệt, nên mới thấy có thứ lớp tu chứng sai khác. Nếu người đặng tuỳ thuận tánh Viên Giác tịch diệt của Như Lai rồi, thì không còn thấy có cảnh tịch diệt và người tịch diệt nữa.
2. Phàm phu tuỳ thuận tánh Viên Giác
(Địa vị Thập Tín)
— Nầy Thiện nam, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến giờ do lầm tưởng “thật có ta và đồ vật của ta,” rồi sanh lòng thương yêu cái ta và vật của ta, cho nên gặp cảnh nghịch với ta thì giận ghét, còn thuận với ta thì tham ái, say mê theo cảnh ngũ dục. Chúng sanh chưa từng biết thân tâm nầy là hư vọng, mỗi niệm sanh diệt luôn luôn không thật có cái ta.
Nếu gặp thiện hữu tri thức dạy bảo, chúng được khai ngộ tánh Viên Giác thanh tịnh, hiểu rõ thân tâm nầy là hư vọng, mỗi niệm sanh diệt không thật có cái ta, lúc bấy giờ chúng mới tự xác nhận rằng: thân tâm nầy là trần lao vọng lự.
Những người nào đoạn trừ được vĩnh viễn các trần lao vọng lự nầy, ngộ pháp giới thanh tịnh, nhưng đối với tánh Viên Giác chưa được tự tại vì còn bị cái biết thanh tịnh nó làm chướng ngại. Những người như thế thì gọi là kẻ phàm phu tuỳ thuận tánh Viên Giác.
3. Bồ-tát ở cấp bậc Tam Hiền
tuỳ thuận tánh Viên Giác
— Nầy Thiện nam, tất cả các vị Bồ-tát vì còn chấp cái biết thanh tịnh nên chướng ngại tánh Viên Giác, nay tuy đoạn được cái chướng ngại đó, nhưng còn trụ ở cái giác. Như thế, vẫn còn cái chấp ở nơi giác, nên tánh Viên Giác vẫn còn bị chướng ngại, không được tự tại. Bởi thế nên gọi là bậc Tam hiền Bồ-tát tuỳ thuận tánh Viên Giác.
4. Bồ-tát lên Thánh vị
tuỳ thuận tánh Viên Giác
— Nầy Thiện nam, nếu còn “biết” và còn “giác” thì đều còn chướng ngại (vì còn năng và sở). Thế nên, Bồ-tát tuy thường giác mà không trụ nơi giác, năng chiếu và sở chiếu đồng vắng lặng. Bồ-tát tự dùng tâm chướng ngại, diệt trừ các chướng ngại (dĩ vọng diệt vọng). Khi các chướng ngại diệt hết, cũng không còn người năng diệt. Ví như có người tự chặt lấy đầu mình, khi cái đầu rụng rồi thì cũng không có người chặt (năng đoạn).
Nầy Thiện nam, tất cả kinh giáo của Như Lai là ngón tay để chỉ mặt trăng Viên Giác (chơn lý). Vậy các ông phải biết đây là ngón tay kinh giáo chớ không phải mặt trăng Viên Giác. Nếu các ông chỉ cố chấp ngón tay thì không bao giờ thấy được mặt trăng. Những người biết nương ngón tay kinh giáo nầy mà nhận được mặt trăng Viên Giác, thì gọi là Bồ-tát ở Thánh địa tuỳ thuận tánh Viên Giác.
5. Như Lai tuỳ thuận tánh Viên Giác
— Nầy Thiện nam, tất cả sự chướng ngại tức là cứu cánh giác, chính niệm hay vọng niệm đều là giải thoát, trì giới hay phá giới đều là Niết-bàn, trí huệ hay ngu si cũng đều là Bát-nhã; Bồ-tát và ngoại đạo đồng là Bồ-đề, Vô minh và Chơn-như đồng một cảnh giới; giới, định, huệ và dâm, nộ, si đều là hạnh thanh tịnh; chúng sanh và quốc độ đồng một pháp tánh; địa ngục và thiên đường đồng là Tịnh độ; hữu tình và vô tình đều thành Phật đạo, tất cả phiền não là rốt ráo giải thoát, vì biển huệ pháp giới chiếu soi các tướng cũng như hư không. Đây gọi là Như Lai tuỳ thuận tánh Viên Giác.

PHẬT DẠY PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH
“TUỲ THUẬN TÁNH VIÊN GIÁC”
Đây là Phật dạy chung cho năm cấp bậc, chớ chẳng phải dạy riêng ở cấp bậc nào.
Phật sẽ triển khai phương pháp Trừ vọng chứng chơn, gọi là “Phản vọng tưởng qui Chơn-như,” cũng gọi là hoàn về Chơn-như, trong bốn oai nghi đều tu tập được cả, không cần phải toạ thiền nhiều. Tại sao vậy? Bởi vì, ở cấp bậc nầy lúc toạ thiền đâu còn vọng niệm mà phải dùng đến.
Có một vị nói rằng, phương pháp tuỳ thuận tánh Viên Giác mà Phật sẽ dạy ở đây, nó quí báu vô lượng vô biên. Xưa nay, người tu Phật phải nhờ vào toạ thiền để trừ vọng niệm tạp tưởng, bây giờ, đến chỗ rốt ráo dẹp vọng thì cũng không cần tham thiền nhập định. Đây, tôi xin chép y nguyên văn:
— Nầy Thiện nam, các vị Bồ-tát và chúng sanh đời sau, chỉ trong tất cả thì giờ, không khởi vọng niệm phân biệt, đối với các vọng tâm cũng chẳng cần diệt trừ, ở cảnh vọng tưởng chẳng gia thêm phân biệt, ở nơi cảnh không rõ biết, chẳng cần phân biệt chơn thật. Khi nghe đến pháp môn nầy, không lấy làm lạ lùng và kinh hãi, lại sanh tâm tin chắc, hiểu biết rõ ràng, lãnh thụ và phụng trì, thì Ta gọi chúng sanh nầy là người tuỳ thuận tánh Viên Giác.
Nầy Thiện nam, các ông phải biết, những chúng sanh tuỳ thuận như thế, là đã nhiều đời tu hành, từng trồng rất nhiều công đức, cúng dường các đức Phật và các vị Bồ-tát nhiều như số cát sông Hằng. Ta ấn chứng cho những người nầy sẽ thành tựu “Nhứt thiết chủng trí.”

GIẢNG GIẢI
Mấy câu Phật dạy dẹp vọng niệm tạp tưởng trên đây, vị nào tu lâu năm, mới mong thực hiện được. Ai còn vọng niệm ở dạng thô (buông lung vọng niệm), thì không thể thực hành pháp nầy. Những vị niệm Phật lâu năm, có thể thực tập được. Tuy nhiên, cái gì mới tập luyện lần thứ nhứt, luôn luôn gặp khó khăn buổi đầu. Ai không hiểu cái công phu hơi lạ nầy, ai không chịu cố gắng trong buổi đầu, thế nào cũng bỏ cuộc. Người như thế, không xứng đáng học Đại thừa.
Kinh văn nói rằng: “Trong tất cả thì giờ, không khởi vọng niệm phân biệt.” Câu nầy Đức Thế Tôn cảnh giác người tu hành cố gắng giữ tâm cho thanh tịnh, bất cứ bằng phương pháp nào, niệm Phật cũng được, điều tức cũng được, tham thiền cũng tốt. Hành giả chớ nghĩ rằng phương pháp nầy hay hơn phương pháp kia, hay hoặc dở là do công phu của mình già hay non, chẳng phải tại pháp tu có hay dở, có cao thấp. Đức Thế Tôn nói trong kinh Kim Cang: “Các pháp vốn bình đẳng chẳng có cao thấp.”
Quan trọng nhứt là các câu:
1) Đối với Vọng tâm cũng chẳng cần diệt trừ.
Hỏi: Lý do nào mà với Vọng tâm cũng chẳng cần diệt trừ?
Đáp: Bởi Vọng tâm với Chơn tâm đồng một bản thể Chơn-như, chẳng khác nào sóng với nước.
— Vậy phải làm cách nào để trừ vọng?
— Có nhiều cách. Cách thứ nhứt mình phải biết bản chất của nó là gì, cái gì làm ra nó, nó có sanh diệt không?
— Xin ông đáp lời giùm?
— Mình phải biết gốc nó là Chơn-như chớ chẳng phải cái gì khác. Hay là mình biết nó gốc là Chơn tâm, Phật tánh, Như Lai tánh, Tự tánh thanh tịnh tâm, Tự tánh thanh tịnh Niết-bàn, v.v... Kế đó mình nói thầm: “Ta biết bộ mặt thật của mình rồi.” Ta nắm câu nói “Hiểu rõ Vọng thì Vọng tức Chơn.” Mình nói như vậy nó không còn vọng nữa, nếu nó còn vọng, mặc kệ nó, cứ tưởng nó là Chơn-như, song đừng chấp nó là Chơn-như. Nếu chấp chơn thì chơn trở thành vọng.
Cách thứ nhì: Đại kỵ nhứt là sát tâm sanh, đừng diệt Vọng tưởng bằng cách làm cho mình trở thành không tâm. Phải sổ tức quán hay niệm Phật hoặc tư duy, đưa nó trở về Chơn tâm, hoặc quán Chơn tâm với Vọng tâm chẳng phải là hai.
2) Ở cảnh vọng tưởng chẳng gia thêm phân biệt.
Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Phân biệt là vọng, không phân biệt là chơn.” Gia thêm phân biệt khác nào tăng thêm vọng niệm tạp tưởng. Không gia thêm phân biệt, ngay đó là vọng niệm tạp tưởng bị cắt đứt.
3) Ở nơi cảnh không rõ biết, chẳng cần phân biệt chơn thật.
Cảnh không rõ biết là cảnh không chơn, không vọng. Bây giờ mình muốn làm cho rõ biết, đó là tự mình muốn làm cho vọng. Muốn thoả mãn kiến, văn, giác, tri, đó là muốn thêm vọng.
Ba câu Phật dạy trên đây, có thể áp dụng cho những vị mới Kiến tánh, chưa dứt hẳn vọng niệm.

T Ổ N G   L U Ậ N

Nói đến tu Phước và tu Huệ của kinh Kim Cang, chúng ta thấy lối tu Phước của kinh nầy hơn hẳn các thứ kinh khác trong tam tàng giáo hải. Nội một pháp Bố thí bất trụ tướng cũng phải kinh hồn trong sự thu hoạch phước đức nhiều đến vô lượng vô số vô biên, không thể nghĩ bàn đếm tính ví dụ được. Nhiều đến đỗi lấy đồ bảy báu chất đầy cả cõi tam thiên đại thiên thế giới đem ra bố thí, mà phước đức cũng không nhiều hơn Bố thí vô trụ.
Tu Phước của kinh Kim Cang rộng lớn bao la như hư không, quả là một lối tu Phước vô tiền khoáng hậu, chưa có kinh điển nào sánh bằng.
— Tu Phước của kinh Kim Cang rộng lớn như thế, còn tu Huệ của kinh nầy ra sao?
— Tu Huệ của kinh Kim Cang, phước đức của nó còn lớn hơn tu Phước nữa. Câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” là một pháp môn, một học thuyết trùm hết về sự tu chứng Phật quả trong tam tàng giáo hải về phương diện trợ duyên. Hành giả muốn chứng cái gì, muốn đắc pháp chi mà chưa thành tựu được vô sở trụ tướng thì kể như bất thành.
Tóm lại, đối với kinh Kim Cang, tu Phước kể như vô địch, không kinh nào bằng được. Về tu Huệ cũng kể như vô địch trên phương diện tu chứng nhờ tác dụng cộng đồng trợ duyên. Nói một cách khác, ai tu chứng pháp môn gì, nếu có nhờ vô sở trụ tướng để trợ duyên thì mau có thành quả.
Quyển sách nầy viết về Phước Huệ Song Tu, nên chúng tôi lấy Lục độ ba-la-mật để viết phần tổng luận. Lục độ ba-la-mật là sáu pháp đưa hành giả từ bến mê qua bờ giác, gồm hai phần tương ứng với Phước và Huệ song tu: ba pháp Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục thuộc về tu Phước; ba pháp Tinh tấn, Thiền định và Bát-nhã thuộc về tu Huệ.
Lục độ ba-la-mật là pháp tu của các hàng Bồ-tát. Tuy nói sáu độ, nhưng các hàng Bồ-tát thường dùng hai pháp Bố thí ba-la-mật và Bát-nhã ba-la-mật. Hai pháp nầy có công năng bao trùm các pháp khác: pháp Bố thí ba-la-mật nếu khéo tu, cũng gồm đủ năm pháp kia, pháp Bát-nhã ba-la-mật cũng y như vậy.
Nên biết rằng, sự bao trùm của pháp Bố thí ba-la-mật đối với năm pháp kia, nó không giống với sự bao trùm của Bát-nhã ba-la-mật. Nói cách khác, sự bao trùm của pháp Bố thí ba-la-mật thuộc về Tam luân thể không: Ta không, người không, pháp không. Không ở đây là không chấp trước các pháp là có là không, chẳng phải là pháp đối đãi có và không. Không ở đây có nghĩa chơn không thật tướng, đương sắc tức không.
Sự bao trùm các pháp (trong năm độ) của Bát-nhã ba-la-mật, pháp nào cũng là chơn không thực tướng. Nghĩa là Bát-nhã lấy chơn không làm thực tướng để quán chiếu năm pháp kia, làm cho năm pháp kia trở thành Chơn không Thật tướng Vô tướng vô bất tướng. Nói một cách khác nữa, đối với năm độ kia, Bát-nhã giữ phần hướng dẫn năm độ kia đến bờ giác, bằng cách làm cho pháp nào cũng là Thật tướng cả. Thật tướng mới là chơn Phật, không phải Thật tướng thì không phải chơn Phật. Chơn-như là Phật, Phật là Chơn-như, Chơn-như Thật tướng là cốt tuỷ của Phật.

BA ĐỘ TU PHƯỚC BA-LA-MẬT
(BỐ THÍ, TRÌ GIỚI, NHẪN NHỤC)

Chữ độ có nghĩa là đưa, nó không có nghĩa là chiếc đò, nhưng phần nhiều người viết mượn chiếc đò cho người nghe dễ hiểu. Ba-la-mật(Paramita) nghĩa là cứu cánh, là đến bờ giác, tức thành Phật.
Sáu độ Ba-la-mật, tức sáu phương tiện đưa người tu hành từ bến mê đến bờ giác. Bến mê là bờ bên nầy, là chỉ cho chúng sanh còn ở bến mê. Bờ giác là bờ bên kia, tức là cảnh giới đạt quả vị Vô thượng Bồ-đề, xuất ly sanh tử khổ hải.
1. Bố thí ba-la-mật: Bố thí là chia sẻ hoặc vật thực thuốc men, hoặc tiền bạc, hoặc thực hiện công tác huấn nghiệp cho người không đủ phương tiện mưu sinh. Mục đích của sự bố thí ba-la-mật là xả bỏ thói tham lam bỏn xẻn của mình, nó không có nghĩa cầu phước, cầu tài, cầu danh, cầu lợi cho mình.
Trong công tác Bố thí, không chấp có ta đứng ra bố thí hay phụ giúp người khác làm việc Bố thí, không chấp có người thụ lãnh, không chấp có món gì để bố thí. Ta không, người không, pháp không, cái không cũng không.
Hàng Bồ-tát tu tập Lục độ ba-la-mật phải biết rằng suốt ngày mình ở trong pháp tướng mà chẳng dính mắc vào sự chấp trước pháp tướng, chớ chẳng phải ở trong cảnh chẳng có pháp tướng.
Trong công tác bố thí, luôn luôn không lìa bỏ sự hướng dẫn của trí Bát-nhã. Nếu lìa bỏ sự hướng dẫn của trí Bát-nhã, thành ra mình tạo cái dịp cho Vọng tâm chấp trước dấy khởi. Cách thức Phước Huệ song tu là như vậy, nó giống với chánh nhân và trợ duyên. Chánh nhân có nghĩa là mình tu pháp nào, lấy pháp đó làm chánh. Trợ duyên có nghĩa mình lấy pháp khác để trợ giúp chánh nhân để cho kết quả tốt đẹp. Ngược lại, nếu mình tu Huệ, lấy Huệ làm chánh nhân, lấy Phước làm trợ duyên.
Trong pháp bố thí, kỵ nhứt là đụng chạm đến người thụ thí: không nên xem nhẹ người ta. Nếu làm cho người ta tủi hổ, dù là đại thí cũng hư.
2) Trì giới ba-la-mật:Giới luật của Đại thừa về 250 giới chẳng có gì khác với Nhị thừa, chỉ khác là trì giới trên nền tảng Tam tụ lục hoà.
Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật nói về nghĩa quyết định cho người tu học Đại thừa, trong đó có việc giữ trọn vẹn từ trong ra ngoài bốn giới tánh tổng quát: Đoạn trừ cho dứt cái lòng sát, đạo, dâm, vọng.* Xem thế thì biết rằng việc Trì giới, nếu không được trí Bát-nhã hướng dẫn, thì khó mà thực hiện cho trọn vẹn.
* Ở đây, ý nghĩa có chỗ khác biệt với Ngũ giới của người mới tu. Xin xem thêm kinh Thủ Lăng Nghiêm (phần “Nghĩa quyết định cho người tu đạo Vô thượng Bồ-đề).
3. Nhẫn nhục ba-la-mật:Trong ba pháp kể trên đây, pháp nào cũng phải lấy ba-la-mật (tức sự thực thi đến viên mãn) làm nguyên tắc. Nhưng pháp Bố thí đã là “Tam luân thể không,” thì không cần áp dụng vô ngã vô pháp trong công phu tu tập Lục độ ba-la-mật. Ví dụ như không thấy có ta trì giới, không thấy có giới luật để trì, gọi là vô ngã, vô pháp Trì giới. Bất cứ tu tập pháp gì cũng không cho ngã pháp dính theo mới được vô lậu thanh tịnh.
Trên con đường đạo cũng như trên con đường đời, pháp Nhẫn nhục quan trọng hơn hết. Không nhẫn đặng, bất luận việc đạo hay đời đều hư. Nội một việc nấu cơm, nếu không nhẫn cũng chẳng có cơm ăn, nói chi những việc lớn lao nào khác.
Nói về pháp Nhẫn nhục, theo thứ lớp có bốn pháp như sau để thành tựu Nhẫn nhục ba-la-mật:
a. Sanh nhẫn: Nhẫn nhục đối với chúng sanh. Các bạn trẻ thường không nhìn nhận pháp nhẫn nhục là cao quí hơn sự chống trả, dù đổ máu cũng bất chấp, miễn thoả lòng tự ái mới thôi.
Tham, sân, si tam độc, không nhẫn được thì sân, hễ nổi sân rồi không còn sáng suốt, không còn sáng suốt là vô minh bất giác, vô minh bất giác là địa ngục trần gian.
b. Pháp nhẫn: Pháp nhẫn là nhẫn nhịn đối với các pháp trần. Kham chịu đói khát một thời gian ngắn, kham chịu bệnh hoạn không rên la, kham chịu cực nhọc khó khăn trong lúc neo đơn. Giữ lòng ngay thẳng trung thực, ngay cả lúc cùng đường không sanh lòng bất thiện trái đạo đức.
b) Vô sanh pháp nhẫn: Không sanh nhẫn, không pháp nhẫn, giữ tâm vô sanh được vắng lặng, gọi là vô sanh pháp nhẫn.
d) Tịch diệt nhẫn: Tâm an ổn bất sanh bất diệt vắng lặng thường trú, gọi là Tịch diệt nhẫn. Đó là cái nhẫn của bậc Diệu giác, tâm như như bất động.
Lần lượt trải qua bốn pháp nhẫn trên đây, gọi là Phật.
Trên đây là ba môn tu Phước ba-la-mật. Luôn luôn phải nhờ ba môn tu Huệ hướng dẫn. Bất luận môn nào thành tựu công đức, môn đó có ba-la-mật, môn nào không thành tựu, môn đó không có ba-la-mật. Thành tựu ở đây nghĩa là không chấp có ta tu, không chấp có pháp môn đã đang tu hành. Nếu hành giả không dính mắc vào ngã pháp đang tu, thì hành giả được thể nhập Huệ giác Bát-nhã ba-la-mật, tức được đến bờ bên kia.
*

BA ĐỘ TU HUỆ BA-LA-MẬT
(TINH TẤN, THIỀN ĐỊNH, TRÍ HUỆ)

1. Tinh tấn ba-la-mật:Tinh tấn nghĩa là tinh cần, chuyên chú tấn tới không hề lui sụt, thường gọi là siêng năng bất khuất. Bất cứ về đạo hay đời, hành giả không được lười biếng trễ nãi. Không tinh tấn thì ma quân phiền não nổi dậy, tâm pháp đạo vì đó mà xuống cấp. Tâm pháp đạo mà xuống cấp, thì quả vị tu chứng phải bê trễ một thời gian khá lâu, chẳng khác nào tiến một bước, lùi ba bước.
2. Thiền Định ba-la-mật:Thiền là Thiền-na (Dhyana), tức tư-duy-tu (sự suy nghĩ) hay thẩm xét (suy xét chỗ sâu thẳm). Mượn Thiền-na để nhập Xa-ma-tha (Định), là mượn Tư-duy-tu để vào Thiền định. Muốn định tâm, phải nương một pháp nào đó mới nhập định được. Ví như niệm Phật tam muội (mượn niệm Phật để đạt chánh định, mượn sổ tức quán để tu Chỉ [định], hoặc mượn giữ giới để sanh định).
Mượn pháp Thiền để nhập định, nhơn định phát sanh trí huệ. Cũng như Thiền tông Đông độ mượn thiền quán thoại đầu để cho đại trí huệ quang minh bùng nổ mà ngộ đạo vậy. Đến đây, chúng ta thấy Thiền định là hai pháp tu chung.
3. Bát-nhã ba-la-mật: Trong kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật, Đức Phật giải thích ý nghĩa của Bát-nhã như sau: “... Thật tánh của Huệ [bất khả đắc, và] năng xa lìa các pháp [thế gian và xuất thế gian], nên gọi là Bát-nhã ba-la-mật. Phải biết rằng, Trí huệ của Như Lai hãy còn bất khả đắc, huống hồ là đắc Bát-nhã ba-la-mật. Bát-nhã ấy, nghĩa là hiểu và biết tất cả pháp, nên gọi là Bát-nhã... Các pháp khác nhau, danh ngôn cũng khác nhau. Tất cả pháp [thế gian] chẳng lìa tướng danh tự, nên sự hiểu và biết các pháp [xuất thế gian] chẳng thể tuyên nói [bằng hình tướng ngôn ngữ]. Vì tuỳ thuận chỗ biết [thế pháp] của chúng hữu tình mà nói, nên gọi là Bát-nhã.”
Bàn về ba độ chót trong sáu độ ba-la-mật, tuy nói là ba, chớ thật ra chỉ có hai, bởi vì Tinh tấn ba-la-mật đối với các hàng Bồ-tát tu Huệ không còn cần thiết nữa. Đã là Bồ-tát, làm gì có lười biếng mà phải tinh tấn. Thế thì còn lại hai pháp là Thiền định và Bát-nhã. Tóm lại là chỉ có Định Huệ ba-la-mật thôi.
Định Huệ là Đức Tướng Phật mà đức Từ phụ Bổn sư Thích Ca Mâu Ni nói: “Ngã quan nhứt thiết chúng sanh cụ hữu Như Lai Đức Tướng Phật.” (Ta xem tất cả chúng sanh, bất luận loại nào cũng đều có đầy đủ Đức Tướng Phật Như Lai). Kinh Viên Giác và kinh Thủ Lăng Nghiêm đều nói: “Chúng sanh thành Phật hồi nào đến giờ, chẳng phải đợi tu mới thành.” Lời nói nầy nhằm vào Định Thủ Lăng Nghiêm Vương Phật mà nói. Đó là cái tánh Bất sanh bất diệt thường hằng bất biến của Như Lai tạng, được gọi là Chơn tâm, Phật tánh.*
Thiền Định và Trí Huệ là hai độ chót trong Lục độ ba-la-mật, dù muôn pháp nó cũng bao hàm nhiếp thủ, huống hồ chỉ có Lục độ ba-la-mật. Huệ ở đây là nói tắt, nói đủ là Huệ giác Bát-nhã ba-la-mật, là giác tánh Bồ-đề Niết-bàn chớ chẳng phải cái gì khác.
* Phật muốn chúng sanh phát Bồ-đề tâm, nên ngài do nơi Kiến tinh mà chỉ rõ Như Lai tạng tức là Chơn tâm, là Phật tánh đó vậy. (Kinh Thủ Lăng Nghiêm).

* * *

ĐỊNH HUỆ SONG TU CỦA HAI ĐỘ CHÓT TRONG LỤC ĐỘ BA-LA-MẬT

Ở đây, tôi sẽ chọn một pháp để tu Định Huệ. Tôi không muốn mượn Tư duy tu (Thiền-na), vì làm như vậy càng thêm công thêm việc, tốn ngày giờ quí báu để tu định. Suy xét rất lâu, tôi chọn định Thủ Lăng Nghiêm. Ý nghĩa của bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm tóm lại mà nói, thì Phật chỉ dạy về định nầy. Định Thủ Lăng Nghiêm bền vững kiên cố không hư hoại, thứ định nầy chẳng phải như các thứ định khác.
Có nhiều thứ định, đến lúc xuất định thì định không còn nữa và cũng có nhiều thứ định phải tốn nhiều công phu sau một thời gian tham thiền nào đó, tánh định mới hiện ra. Như vậy cũng mất thì giờ theo dõi. Trái lại, định Thủ Lăng Nghiêm chẳng những vào thiền khỏi chờ lâu mất thì giờ, mà nó lúc nào cũng có định, dù hành giả đang vọng niệm tạp tưởng, tánh định không hề bị chướng ngại.
— Tại sao tánh định nầy được như vậy?
Bởi vì bản chất của Chơn-như tuy thường tuỳ duyên sanh diệt mà vẫn như như bất biến; tuy như như bất biến mà vẫn thường tuỳ duyên sanh diệt. Lối định nầy khế kinh gọi là “tự hữu hằng hữu,” (tự có và hằng có, chẳng đợi đến công phu nhập định mới có, nó có một cách thường xuyên bất luận ngày giờ nào, bất luận nhập định hay không nhập định. Thông thường, sanh diệt là mê, không sanh diệt là giác. Đàng nầy, sanh diệt mà không mê, đó là một báu vật vô giá.
Được một thứ định như vậy mà tu tập, thì còn gì hạnh phúc bằng, quả là một pháp tu định chúa tể trong các sự chúa tể. Do lẽ đó, Định Thủ Lăng Nghiêm được tôn là Vương Định, tức Thủ Lăng Nghiêm Vương Định.
Dùng thứ định trên đây song tu với Bát-nhã, làm Định Huệ đồng dụng, tuyệt đối không có pháp tu nào bằng.
Chúng ta đã biết Thủ Lăng Nghiêm Vương Định rồi. Chúng ta cũng biết Huệ Giác Bát-nhã ba-la-mật rồi, bây giờ chúng ta tìm một vị Phật hay Tổ sư nào có giảng giải về Định Huệ song tu rồi nương theo đó mà giảng lại cho dễ hiểu, và nương theo đó mà thực hành hai độ Thiền Định ba-la-mật và Bát-nhã ba-la-mật, làm cho Lục độ ba-la-mật có ánh sáng chói lọi trong phép tu của Phật thừa mà ai cũng nhận là một pháp dễ tu, dễ chứng, dễ thành.
Phá nghi
Trước khi trình bày phương pháp thực hành Định Huệ đồng dụng, chúng tôi phải phá bỏ nghi tình đối với pháp môn Định Huệ ba-la-mật trong hai độ chót của Lục độ ba-la-mật.
Theo lời của ngài Tâm Minh (dịch giải kinh Thủ Lăng Nghiêm), thì Định Thủ Lăng Nghiêm vốn thường hằng bất sanh bất diệt, là bản chất của Như Lai tạng cũng tức của Chơn tâm, Phật tánh.
Cái bản chất đó, nó là bản tánh thường định của Chơn tâm, Phật tánh. Năng lực định nầy dù vọng niệm tạp tưởng dấy khởi cách mấy, cũng không thể nào làm chướng ngại công năng đại định. Thứ định nầy dù tham thiền, xuất thiền hay không tham thiền nó cũng vẫn thường định. Thứ định nầy bắt nguồn từ Chơn-như, mà thể tánh của Chơn-như “Tuy như như bất biến mà vẫn thường tuỳ duyên sanh diệt; tuy thường tuỳ duyên sanh diệt mà vẫn như như bất biến.” Do lẽ đó, trong khi hành giả đang tu tập Thiền định mà vọng niệm tạp tưởng có dấy khởi cũng không thể làm hư đang lúc tham thiền. Vậy trong lúc đang hành thiền ấy phải làm sao? phải đối trị bằng cách nào?
Theo lời ngài Tâm Minh thì không cần đối trị, bởi vì thứ định Thủ Lăng Nghiêm nầy không hề bị vọng niệm phá hoại, nó vẫn như như bất biến, cứ việc tham thiền. Vậy tâm nào vọng niệm dấy khởi? tâm nào quán?
Theo Phật học, con người chỉ có một tâm duy nhứt, không có hai hay ba, làm sao có một tâm vọng niệm tạp tưởng và một tâm quán chiếu Bát-nhã? Chỉ có một tâm mà hành động hai mặt trái nhau được sao? Tuyệt đối không thể được. Vậy phải giải quyết sao đây? Nếu giải quyết không được thì thời tu Thiền định nửa chừng phải bị bỏ dở.
Tuy nhiên, chúng ta chớ có sợ vọng tâm, vì vọng tâm cũng là gốc lành do Chơn tâm biến thái. Chúng ta hãy nhìn thật kỹ, cái gì sanh ra vọng tâm, vọng tâm hình thành vọng niệm tạp tưởng phá rối Thiền định, đại định. Nếu vọng tâm thành công trong công tác phá rối của nó, làm hư hại Thiền định, thì xưa nay không có ai thành Phật được cả. Đàng nầy, chúng sanh mười phương ba đời thường xuyên tiếp tục thành Phật vô lượng vô biên, dù lấy số cát sông Hằng để đếm, tính, ví dụ cũng không thể được. Chưa từng nghe nói không có ai không được thành Phật bao giờ.
Vả lại, nền tảng bản thể của vọng tâm là Chơn tâm thì còn sợ nỗi gì, bởi Chơn-như tuỳ duyên sanh diệt tức Chơn tâm tuỳ duyên sanh diệt, mà vẫn như như bất biến, vẫn bất sanh bất diệt thường trú kia mà. Hơn nữa, bằng vào chơn lý viên dung bình đẳng, hiểu rõ vọng thì vọng tức chơn; trái lại chấp chơn thì chơn trở thành vọng.
Trường hợp vọng tâm phá rối Thiền định ở đây là hành giả phản vọng tưởng qui Chơn-như. Trả vọng tưởng về Chơn-như (trả vọng tâm về Chơn tâm), vọng tâm phải bị chấm dứt một cách thần tốc.
Tuyệt đối không có vấn đề sát tâm sanh trong trường hợp vọng niệm tạp tưởng bị trí huệ diệt trừ. Bởi vì, đó là đường lối công phu diệt vọng của Nhị thừa. Nếu vọng tâm bị huỷ diệt thì Chơn tâm cũng không còn, chẳng khác nào phiền não tuyệt diệt rồi thì Bồ-đề cũng không còn. Vọng tâm cũng thế, nó không còn, làm sao Chơn tâm còn được trong khi vọng chơn đồng nhứt thể, phiền não với Bồ-đề không hai không sai biệt.*
* Hành giả xem xong đoạn trên đây, nên đọc lại chương X: “Tu Huệ để xác nhận hai nguồn gốc chỉ là một.”

* * *

THIỀN ĐỊNH TRONG PHÁP BỬU ĐÀN KINH
(PHẨM ĐỊNH HUỆ)

Để chọn một lối tu Thiền định và Bát-nhã ba-la-mật cho thật xứng với Phật thừa, chúng tôi chọn bài giảng của Tổ Huệ Năng nói về Thiền định, Đại định cấp bậc Phật thừa, Tối thượng thừa.
Chúng ta hãy đặt đức tin nơi Tổ Huệ Năng, vì ngài xuống thế là do đức Thế Tôn mời thỉnh. Nếu không có tổ Huệ Năng thì Thiền tông Đông độ sẽ bế tắc luôn.
Nội một việc tổ Huệ Năng là cư sĩ mà được làm Tổ trước khi qui y, trước khi được truyền thụ giới cụ túc, là một việc vô tiền khoáng hậu. Chưa từng có một vị nào uy tín trùm cả vũ trụ như vậy.
. . . . . .
1. Tổ dạy đồ chúng rằng: Nầy Thiện tri thức, pháp môn nầy của tôi lấy Định Huệ làm gốc. Đại chúng chớ mê mà nói rằng Định với Huệ riêng khác nhau. Thật ra Định với Huệ chỉ có một thể, vốn chẳng phải hai. Định là thể của Huệ, Huệ là dụng của Định. Trong lúc Huệ tức là Định, thì Huệ ở nơi Định; trong lúc Định tức là Huệ, thì Định ở nơi Huệ. Trong lúc Huệ thì Định hiện hữu trong Huệ, trong lúc Định thì Huệ hiện hữu trong Định. Nếu hiểu nghĩa ấy tức là Định Huệ đồng học.
2. Những người học đạo chớ nói trước Định rồi sau mới phát Huệ, hay là nói trước Huệ rồi sau mới Định mà chia riêng ra. Nếu chỗ thấy biết như vậy thì thành pháp có hai tướng. Miệng nói lời lành mà trong tâm chẳng lành thì không có pháp Định Huệ, vì Định Huệ như vậy chẳng phải bình đẳng. Bằng như tâm và miệng đều lành, thì trong ngoài một cách, tức là Định Huệ bình đẳng.
3. Tự mình tỏ ngộ tu hành, chẳng ở nơi sự tranh cãi, nếu tranh cãi Định Huệ trước hay sau, tức đồng như người mê, chẳng dứt được sự hơn thua giỏi dở, thì ngã chấp và pháp chấp càng thêm, không lìa khỏi bốn tướng.
4. Thiện tri thức, Định Huệ bình đẳng là như thế  nào? Định Huệ ví như đèn sáng, có đèn tức là sáng, không đèn tức là tối. Đèn là cái thể của sáng, sáng là cái dụng của đèn. Danh tuy có hai, mà thể vẫn đồng một. Pháp Định Huệ nầy cũng như vậy.
5. Tổ dạy đồ chúng rằng: Nầy Thiện tri thức, Nhứt hạnh Tam muội là nói đối với hết thảy những chỗ, đi, đứng, nằm, ngồi, hằng thực hành một tâm ngay thẳng đó vậy. Như kinh Tịnh Danh (tức kinh Duy-ma-cật) nói: “Tâm ngay thẳng là đạo tràng, tâm ngay thẳng là Tịnh Độ.” Cho nên tâm tà vạy mà miệng nói ngay thẳng, cũng như nói Nhứt hạnh Tam muội mà chẳng làm theo tâm ngay thẳng. Vậy cứ làm theo tâm ngay thẳng mà đối với hết thảy các pháp, đừng có chấp trước một pháp nào.
6. Kẻ mê chìm đắm theo pháp tướng, rồi chấp cái nghĩa Nhứt hạnh Tam muội mà nói rằng: “Ngồi im chẳng động, đừng cho vọng niệm khởi ở nơi tâm, đó tức là Nhứt hạnh Tam muội.” Nếu hiểu biết như vậy tức là đồng với loài vô tình, mà trở lại thành cái nhơn duyên chướng ngại cho đạo tâm.
7. Nầy các Thiện tri thức! Đạo cần phải lưu thông, sao lại để cho ngưng trệ? Phải biết rằng, hễ tâm chẳng trụ nơi pháp thì đạo mới lưu thông. Bằng tâm trụ nơi pháp, thì gọi là mình tự trói. Nếu nói ngồi yên chẳng động là đúng, thì chẳng khác nào ông Xá-lợi-phất khi ngồi yên lặng trong rừng mà bị ngài Duy-ma-cật quở đó chẳng khác.
8. Nầy Thiện tri thức! Lại có người dạy ngồi để xem lòng quán tịnh, đừng động thân và đừng khởi niệm, chỉ do đó mà lập công phu, rồi kẻ mê không rõ, trở lại chấp cái ngồi mà thành khùng thành điên… Những người như vậy đông lắm, cứ dạy nhau thế ấy thật là lầm đó.
9. Thiện tri thức! Chánh giáo xưa nay vốn không có đốn tiệm, nhưng vì tánh người có bén, có lụt, kẻ mê thì lần lần hiểu biết, người ngộ thì chốc lát tỏ liền. Nhưng đến khi tự biết được bổn tâm và tự thấy được bổn tánh thì không sai khác, vì vậy lập ra cái giả danh gọi là đốn tiệm.
10. Nầy Thiện tri thức! Pháp môn của tôi đây, từ xưa đến nay, trước hết lập Vô niệm làm Tông, Vô tướng làm Thể, Vô trụ làm Bổn. Vô tướng là ở nơi tướng mà lìa tướng, Vô niệm là ở nơi niệm mà lìa niệm, Vô trụ là bổn tánh của người đối với những sự lành dữ tốt xấu trong thế gian, cho đến kẻ thù người thân, cùng khi nói năng xúc phạm, khinh khi, cãi cọ đều coi như không có, chẳng nghĩ đến trả oán hại người, ở trong niệm niệm chẳng nhớ cảnh trước. Nếu như niệm trước, niệm nay, niệm sau, niệm niệm nối nhau chẳng dứt, thì gọi là trói buộc. Còn đối với các pháp mà niệm niệm chẳng trụ, tức là không có gì trói buộc, ấy là nghĩa lấy Vô trụ làm Bổn.
11. Nầy Thiện tri thức! Ngoài lìa hết thảy các tướng, gọi là Vô tướng, mà đã lìa hết tướng rồi, tức là pháp thể thanh tịnh, ấy là nghĩa lấy Vô tướng làm Thể.
12. Thiện tri thức! Đối với các cảnh, tâm chẳng nhiễm tới, gọi là Vô niệm, ở trong tâm niệm của mình thường lìa các cảnh, chẳng bao giờ đối cảnh sanh tâm. Bằng như trăm việc chẳng nghĩ tới, chỉ lo diệt trừ cái niệm cho hết, hễ một niệm diệt là chết, chết rồi lại phải thụ sanh nơi khác, đó là lầm to! Cho nên kẻ học đạo cần phải nghĩ lấy. Nếu chẳng biết ý pháp thì phần mình lầm còn chưa hại mấy, lại khuyên người khác lầm theo. Tự mê mà chẳng thấy, trở lại chê kinh Phật. Vì vậy nên lập Vô niệm làm Tông.
13. Thiện tri thức! Tại sao lập Vô niệm làm Tông? Bởi vì người mê miệng nói thấy tánh, mà đối với cảnh có niệm, tâm niệm lại khởi ra tà kiến, rồi hết thảy trần lao vọng tưởng từ đó sanh ra, nhưng tự tánh vốn không có một pháp gì khá đặng. Nếu còn có chỗ đặng mà nói sự hoạ, sự phước, thì tức là trần lao tà kiến, cho nên pháp môn nầy lấy Vô niệm làm Tông.
14. Thiện tri thức! Không là không việc gì? Niệm là niệm việc gì? Không là không hai tướng và là không các thứ trần lao. Niệm là niệm bổn tánh Chơn-như, tức là cái thể của niệm, vậy niệm tức là cái dụng của Chơn-như. Chơn-như tự tánh của mình khởi niệm chớ chẳng phải sáu căn khởi niệm; vì Chơn-như có tánh cho nên khởi niệm, nếu Chơn-như không tánh, thì sáu căn hoại diệt tức thời.
15. Nầy Thiện tri thức! Chơn-như tự tánh của mình khởi niệm, sáu căn tuy có thấy, nghe, hay, biết mà chẳng nhiễm muôn cảnh, mà chơn tánh vẫn thường tự tại, cho nên Kinh Duy-ma nói: “Hay phân biệt được tướng các pháp, đối với nghĩa thứ nhứt chẳng động.”

THIỀN ĐỊNH BÁT NHÃ
Thiền là Thiền-na, dịch là Tư duy tu. Mượn Thiền-na (tư duy tu) để vào Sa-ma-tha (Định). Nghĩa là mượn tư duy tu để nhập định: Diệt tận định, Diệt Thụ tưởng định.
Chúng tôi nói mượn, thật ra không có mượn. Tại sao vậy? Bởi vì Thủ Lăng Nghiêm Vương Định là thứ Định sẵn có trong Tự tánh, dù Chơn-như có tuỳ duyên sanh diệt, tánh của Chơn-như cũng như như bất biến, bất sanh bất diệt, thì cần gì mượn Thiền-na để vào Sa-ma-tha.* Vọng tâm sanh diệt dù có quấy rối hay không, tâm tánh vẫn tự tịnh tự định không hề tán loạn. Đó là một thứ định quí báu nhứt trần gian khó gặp được, và được tôn là chúa, là vua trong các pháp định tâm.
Thiền định và Bát-nhã là hai độ chót trong Lục độ ba-la-mật, chúng tôi nương theo định Thủ Lăng Nghiêm để soạn thảo, đồng thời, chúng tôi cũng sưu tầm các thứ kinh điển khác để bổ sung tam muội (chánh định), làm cho phần kết luận của quyển sách được khai mở bề sâu lẫn bề rộng về mặt tu Định, cho người tu Phật dễ thực tập hơn, so với các pháp tu khác.
* Lời nói “mượn Thiền-na để nhập vào Sa-ma-tha” là lời giải thích hai tiếng Thiền Định, chớ chẳng phải có mượn Thiền nào để vào Sa-ma-tha.

DANH TỪ THỦ LĂNG NGHIÊM
Giảng về Định Thủ Lăng Nghiêm, ngài Tâm Minh nói:
“Định Thủ Lăng Nghiêm rốt ráo bền chặt không thể lay động, không thể dời đổi, không phải như các thứ định khác khi nhập định thì có, đến khi xuất định thì không còn. Định Thủ Lăng Nghiêm là tánh bản nhiên của Chơn tâm chúng ta. Chơn tâm vốn ra ngoài phạm vi không gian và thời gian, không có lớn nhỏ, không có xưa nay, không phải vì nhiếp niệm mà định, cũng không phải vì không nhiếp niệm mà không định, dù cho chúng ta mê lầm theo cảnh giới luân hồi mãi mãi trong ba cõi, mà cái tánh bản nhiên thường định của Chơn tâm chúng ta cũng chẳng vì cái mê lầm kia mà tán loạn.”

ĐẠI PHẬT ĐẢNH
Định Thủ Lăng Nghiêm huyền diệu rộng lớn như vậy, nên lấy đảnh tướng của Phật mà ví dụ. Tướng trên đảnh Phật, con mắt chúng sanh không thể thấy được.
NHƯ LAI MẬT NHÂN
Các đức Phật đều nhơn nơi Định Thủ Lăng Nghiêm mà tu hành cho đến quả Phật. Tâm chúng ta vẫn có Định Thủ Lăng Nghiêm, chỉ vì vọng tưởng ngăn che nên không tự biết. Nhưng, đến khi trừ hết vọng tưởng rồi, thì Định Thủ Lăng Nghiêm của tâm chúng ta hiện ra liền, không còn chi là bí mật cả.
TU CHỨNG LIỄU NGHĨA
Đã được Định Thủ Lăng Nghiêm thì tu cũng tu theo nghĩa duy tâm là nghĩa rốt ráo, chứng cũng chứng theo nghĩa duy tâm là nghĩa rốt ráo. Từ khi phát tâm cho đến khi thành Phật, toàn là một thể duy tâm, chẳng còn thối thất, chẳng còn nghi ngờ, không bị ngoại ma khuấy rối và cũng không mắc vào cấp bậc hay tầng bậc nào cả.
Biết tâm mình có Định Thủ Lăng Nghiêm, là thành Phật. Không biết tâm mình sẵn có Định Thủ Lăng Nghiêm, chỉ là chúng sanh. Mê ngộ khác nhau, nhưng tâm của chúng sanh tức là tâm của Phật.

Trường hợp ngoại lệ:
Quí vị nào vì thói quen tham thiền, mượn thiền-na để vào Sa-ma-tha, nên không thể bỏ thiền-na mà vào Sa-ma-tha (định) được, thì cứ theo thói quen của mình mà tu tập Thiền định, không có gì trở ngại cả. Thậm chí mượn niệm Phật tam muội để nhập định cũng được.
Tôi nói phần ngoại lệ trên đây, sợ e có vị thiếu đức tin, nên ở đây tôi xin mượn lời giảng của ngài Tâm Minh để cho quí vị còn nghi ngờ nên tin chắc. Ngài Tâm Minh nói rằng:
Sau khi A-nan được cứu thoát khỏi thần chú Ma-đăng-già, A-nan khóc lóc với Phật, xin Phật chỉ dạy Sa-ma-tha, Tam-ma-đề, Thiền-na để tu tập cho thành chánh quả. Tuy là ba pháp, nhưng thật ra chỉ một định tâm. Đó là tâm thường định không bao giờ tán loạn, chỉ vì chúng sanh mê lầm không rõ cái tâm thường định, nên in tuồng có tâm tán loạn thôi. Tâm thường định chứng rõ các pháp tuy do nhơn duyên giả hợp, in tuồng có sanh mà vẫn thật không sanh, tức là Tam-ma-đề. Tâm thường định chứng rõ các pháp đều là duy tâm, tâm sanh ra các duyên, tâm hiện ra các pháp, mà duyên nào cũng là tâm, pháp nào cũng là tâm, toàn một thể duy tâm như như bình đẳng, tâm thường định ấy tức là Thiền-na.
Đây, tác dụng của Sa-ma-tha, Tam-ma-đề và Thiền-na: Tu Sa-ma-tha thì Định lực vững bền, tu Tam-ma-đề thì trí huệ sáng suốt, tu Thiền-na thì định-huệ cân nhau, tâm thường vắng lặng mà vẫn thường sáng suốt. Căn cơ chúng sanh khác nhau, nên lối tu có khác, nhưng mục đích cũng chỉ là chứng rõ cái tánh thường định của Chơn tâm mà thôi.
Ông A-nan hỏi Phật ba pháp tu Thiền trên đây, nhưng Phật không giảng dạy ngay mà cứ hỏi A-nan rằng Chơn tâm ở đâu. Tại sao Phật làm như vậy? Bởi vì A-nan chưa ngộ được Chơn tâm. Chừng nào A-nan ngộ được tâm nầy, chừng đó mới chứng biết bản tánh của Chơn tâm là thường định, tâm nầy không sanh không diệt, nó thường trú không hề dời đổi.
Định Thủ Lăng Nghiêm vốn sẵn có Huệ tự chiếu, cái quán chiếu vi mật mà hành giả không hay không biết. Chỗ nầy giống với "chỉ" và "quán," chỉ cũng là quán, quán cũng là chỉ. Trong quánchỉ, trong chỉquán. Đành rằng chỉ với quán tuy có khác nhau, nhưng ở đây thuộc về “tu chứng liễu nghĩa,” thì đó là cảnh giới tuy thường tịch mà thường chiếu, tuy thường chiếu mà thường tịch; tịch chiếu bất nhị, chỉ với quán đồng tu một lượt, chỉ tức quán, quán tức chỉ không thể rời nhau. Cho nên, Định Thủ Lăng Nghiêm tuy là chỉ mà vẫn có quán chiếu rất thâm diệu. Nhờ chỗ quán chiếu thâm diệu đó mới chứng được pháp tánh và hiển hiện pháp tánh.
Như ở các phần trước đã nói Thủ Lăng Nghiêm Vương Định là thứ Thường định, chẳng phải có công phu Thiền quán mới có định, cũng chẳng phải không nhằm giờ công phu mà chẳng định. Trong bốn oai nghi, bất luận đi, đứng, nằm, ngồi, tâm đều tịnh định. Nói như thế có nghĩa trong bốn oai nghi đều có định huệ, chẳng phải trước định rồi sau mới có huệ, hoặc trước huệ rồi sau mới có định. Định Huệ đẳng trì vốn có sẵn nơi tự tánh, bởi trong định có huệ, trong huệ có định, ăn uống, ngủ nghỉ, nói năng, làm việc theo nghề nghiệp sanh sống hằng ngày đều có đủ định huệ, đâu phải đợi toạ thiền mới có định huệ. Hành giả chỉ cần chú ý: Đừng để cho định nhiều huệ ít, hoặc huệ nhiều định ít. Tại sao vậy? Tại vì, huệ nhiều hơn định thì sanh tà kiến, trái lại, định nhiều hơn huệ thì tăng trưởng vô minh. Phải giữ thế thăng bằng cho định huệ cân bằng với nhau. Khi Định Huệ đã thuần rồi thì xả bỏ, chỉ còn tâm định, cứu cánh xả tâm định, chỉ còn chơn không, chơn không cũng xả luôn, chỉ còn hơi thở nhẹ nhàng lúc thấy lúc không. Xả bỏ hơi thở là cảnh giới Diệt tận định hay Diệt Thụ tưởng định cũng thế, chẳng còn tu cái chi hết.
* * *
Tôi biết vấn đề Thiền định và Bát-nhã là hai độ chót trong sáu độ ba-la-mật khó hiểu, khó tu hơn hết đối với tam tàng giáo hải nhà Phật. Vì lý do đó tôi gắng công dò kiếm để viết thêm về Thiền định Bát-nhã. May thay, tôi tìm được trong kinh Viên Giác, chương VII (Oai Đức Tự Tại), nói về Thiền định. Vậy tôi chép chương nầy giúp chư tôn độc giả một ngọn đuốc để tu học thêm về Định Huệ (Sa-ma-tha, Tam-ma-đề), Chỉ, Quán và Chỉ Quán song tu.
. . . . . .
Oai Đức Tự Tại Bồ-tát: Bạch Đức Thế Tôn, ví như cái thành lớn (Viên Giác) có bốn cửa (phương tiện), hành giả muốn vào cửa nào cũng được, đâu phải chỉ có một con đường.
Cũng thế, các vị Bồ-tát tu hành làm trang nghiêm cõi Phật và thành đạo Bồ-đề, đâu phải chỉ có một phương tiện. Cúi xin Đức Thế Tôn vì chúng con chỉ dạy các phương tiện tu hành và thứ lớp làm sao, để các vị Bồ-tát trong pháp hội nầy và chúng sanh đời sau cầu pháp Đại thừa đều được khai ngộ và mau vào biển tịch diệt (Viên Giác) của Như Lai.

PHẬT DẠY CẢNH VIÊN GIÁC KHÔNG HAI,
NHƯNG PHƯƠNG TIỆN VÀO CÓ NHIỀU ĐƯỜNG
— Nầy Thiện nam, tánh Viên Giác nhiệm mầu vô thượng nầy, nó trùm khắp cả mười phương và sanh ra chư Phật cùng tất cả các pháp. Bởi tất cả chúng sanh cùng với chư Phật đồng một bản thể không khác, nên người tu hành khi đã trở về tánh Viên Giác thì thật ra không có hai nơi, song những phương tiện để nhập Viên Giác lại có vô lượng.
Vì trình độ của chúng sanh không đồng, nên các phương tiện trở về tánh Viên Giác có sai khác, nhưng KHÔNG NGOÀI BA PHƯƠNG TIỆN SAU ĐÂY: CHỈ, QUÁN, VÀ CHỈ QUÁN SONG TU.

A. TU CHỈ (TU ĐỊNH)
— Nầy Thiện nam, nếu các Bồ-tát ngộ được Viên Giác thanh tịnh rồi, thì y theo tâm Viên Giác thanh tịnh nầy mà giữ cái hạnh yên lặng và lóng các vọng niệm. Khi các giác quan vọng thức phiền động đã lặng rồi, thì trí huệ thanh tịnh phát sanh. Lúc bấy giờ cái thân tâm hư vọng sanh diệt như khách và nhiễm ô như bụi nầy, từ đây diệt hết. Khi đó trong nội tâm sanh ra vắng lặng và nhẹ nhàng thư thới (tịch tịnh khinh an), nên chư Phật ở trong mười phương thế giới đều hiện ra trong tâm của hành giả rất rõ ràng như bóng hiện trong gương. (Chúng sanh tâm nhược tịnh, Bồ-đề ảnh hiện trung).*
* Lưu ý: Chỉ Quán ở đây thuộc Đại thừa, không phải của Nhị thừa. Chỉ Quán của Nhị thừa là phải dùng phương tiện bên ngoài để tu. Còn Chỉ Quán của Đại thừa là xứng theo bản thể của Chơn tâm mà Chỉ và Quán, nên có phần cao hơn. Tất cả các lối tu hành của Đại thừa đều bắt nguồn từ Chơn tâm Phật tánh.

B. TU QUÁN (TAM-MA-ĐỀ, HOẶC GỌI TU HUỆ)
— Nầy Thiện nam, nếu các Bồ-tát ngộ được Viên Giác thanh tịnh rồi, thì y theo tâm Viên Giác thanh tịnh mà quán sát tâm tánh, thân căn và trần cảnh nầy đều là vật huyễn hoá. Lúc bấy giờ Bồ-tát khởi ra cái trí như huyễn để trừ các pháp như huyễn, đồng thời làm các hạnh như huyễn để hoá độ chúng sanh như huyễn. Bởi Bồ-tát tu pháp quán như huyễn nầy, nên phát đại-bi tâm, thương xót cứu khổ chúng sanh mà vẫn nhẹ nhàng thư thới (Đại bi khinh an), không tham trước luyến ái nơi chúng sanh.
Tất cả Bồ-tát đều y nơi pháp quán như huyễn nầy, mà tu hành lần lần tăng tiến. Ban đầu quán cảnh là huyễn nhưng người quán chưa phải huyễn. Sau người quán cũng là huyễn và cuối cùng hoàn toàn xa lìa các tướng huyễn (lúc bấy giờ cái phi huyễn hiện ra). Thế là Bồ-tát đã hoàn thành được pháp quán mầu nhiệm nầy. Bồ-tát lần lượt tiến tu cũng như đất làm cho mầm mộng lần hồi được sanh trưởng.
Phương tiện tu như thế gọi là Tam-ma-đề (tu Huệ hay tu Quán).
C. TU PHÁP THIỀN-NA
(tức Chỉ Quán đồng thời, cũng gọi Định Huệ đồng dụng)
— Nầy Thiện nam, nếu các vị Bồ-tát ngộ được Viên Giác thanh tịnh tâm rồi thì y nơi tâm Viên Giác nầy mà  tu: Không chấp thủ pháp “quán” như huyễn và pháp “chỉ” tịch tịnh. Bồ-tát rõ biết thân tâm nầy đã là vật ngăn ngại, còn tánh Viên Giác (vô tri giác minh) thì không bị các vật làm chướng ngại, lại còn siêu vượt ra ngoài những cảnh chướng ngại (sanh tử) và không chướng ngại (niết-bàn). Nó vẫn thụ dụng thế giới và thân tâm ở trong cõi trần nầy mà không bị trần cảnh ràng buộc, cho dù phiền não hay niết-bàn cũng không làm lưu ngại nó được.
Ví như tiếng “boong” của chuông, tuy ở nơi chuông, mà vẫn thoát ra ngoài chuông. Bồ-tát lúc bấy giờ ở nơi nội tâm được vắng lặng, rất nhẹ nhàng thư thái, nào ngã, nhơn, chúng sanh, thọ mạng bốn tướng đều chẳng còn và được tuỳ thuận cảnh giới Viên Giác tịch tịnh mầu nhiệm.
Bồ-tát tu phương tiện nầy gọi là Thiền-na.

HÃY GHI NHỚ
Bất cứ lúc nào, ở trong Thiền định hay ở ngoài Thiền định, Định Thủ Lăng Nghiêm luôn luôn vẫn tịnh định. Bất cứ thời gian nào có đối tượng bị thấy, nghe, hay, biết hoặc không có đối tượng bị thấy, nghe, hay, biết, Định Thủ Lăng Nghiêm vẫn thường hằng bất biến, bất sanh bất diệt thường trú. Dù đang nhập định, thình lình xuất định, định vẫn không mất. Nhưng đừng chấp có nhập định hoặc xuất định, bỏ cái thấy, nghe, hay, biết, đó là thường định. Cảnh giới định tâm của Thủ Lăng Nghiêm là Chơn không, có nghĩa chẳng phải định, chẳng phải chẳng định, lìa có lìa không, lìa chánh lìa tà, lìa chơn lìa vọng, lìa định lìa huệ (không trụ định, không trụ huệ), tuyệt đối không còn một niệm, bỏ cái thấy không thấy có.
Trong lúc thanh tịnh không được chấp trước những món bị thấy, nghe, hay, biết. Muốn phủ nhận đối tượng sở duyên cũng được, muốn không phủ nhận đối tượng sở duyên cũng được.
* * *
Chỉ có bốn từ Phước Huệ Song Tu mà phải tốn bao nhiêu là giấy mực, thật là phí quá. Lẽ ra phải viết trong mươi trang giấy thôi. Nhưng, cũng lẽ ra phải viết dài bằng hai tập luận nầy mới đúng yêu cầu.
— Tại sao vậy?
— Tại vì chơn lý đối với Phật pháp là tối cần. Chơn lý là ánh sáng, là đường lưu thông không tắt nghẽn: Nếu thiếu ánh sáng là thiếu đường đi, thiếu thực phẩm, ăn không no, làm sao thực hiện được hành trình đến bờ giác, nửa đường phải hoại diệt, uổng công, uổng của.
Kinh Đại Bát-nhã chỉ có ba từ mà Phật giảng giải ròng rã 22 năm thành 600 quyển (nay in thành 24 tập lớn). Hầu hết kinh Phật đều như vậy cả.


- HẾT -

COMMENTS - Bình luận

BLOGGER