TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM
PHÁP BỬU ĐÀN KINH
BIÊN GIẢNG
(quyển hai)
Môn nhân Pháp Hải đời Đường ghi chép
Đại sư Khế Tung biên tập, 1291
Cư sĩ Như Pháp biên giảng, 1991
PHẨM THỨ BA
GIẢI QUYẾT CÁC CHỖ NGHI
1. Một ngày kia, quan Vi Thứ sử vì Đại sư mà thiết lập đại hội trai đàn. Sau khi mãn tiệc chay, quan Thứ sử bèn thỉnh Đại sư lên pháp toà. Vi Thứ sử hiệp cùng các quan liêu, nho sĩ và thứ dân đồng lễ bái. Quan Thứ sử sửa sang dung mạo tề chỉnh trang nghiêm, thưa rằng:
Bạch Hoà thượng! Đệ tử nghe Hoà thượng thuyết pháp, thật là một pháp lớn không thể nghĩ lường được. Nhưng hiện nay đệ tử có chút nghi ngờ, xin Hoà thượng thể lượng từ bi, vì chúng tôi mà giải thích.
2. Đại sư đáp rằng: Sử quân có nghi ngờ điều chi cứ hỏi, tôi sẽ vì ông mà nói.
3. Vi công thưa: Bạch Hoà thượng! Chỗ Hoà thượng thuyết pháp đó, có phải là tông chỉ của Đạt Ma Tổ sư chăng?
4. Tổ đáp: Phải.
5. Vi công nói: Đệ tử có nghe rằng, ban sơ Đạt Ma Tổ sư có ý đến hoá độ vua Lương Võ Đế. Vua Võ Đế hỏi rằng: “Trọn đời trẫm làm những việc cất chùa, bố thí, thiết lập trai đàn… vậy công đức của trẫm như thế nào?” Đạt Ma Tổ sư trả lời rằng: “Thật chẳng có công đức chi hết!”
Bạch Hoà thượng! Đệ tử nghe nói như thế, nhưng chưa thông được Phật lý trong câu nói ấy như thế nào, cầu xin Hoà thượng vì tôi mà chỉ dạy.
6. Tổ đáp: Quả thật chẳng có công đức chi hết. Nầy Sử quân! Chớ có nghi ngờ lời nói của Thánh tổ trước. Vì sao? Bởi vì vua Võ Đế lòng tà, chẳng hiểu rõ chánh pháp. Những việc cất chùa, độ tăng, bố thí, thiết lập trai đàn… gọi là cầu phước báo chớ chẳng phải công đức. Sử quân chớ khá lầm lạc nhận phước đức cho là công đức. Sử quân phải biết rằng: Công đức là do sự tu hành pháp thân bên trong, chớ chẳng phải do tu phước bề ngoài đâu.
7. Tổ nói tiếp: Này Sử quân! Hãy nghe đây: Kiến tánh là công, bình đẳng là đức. Niệm niệm không ngăn trệ, thường tự thấy bổn tánh của mình vốn có sự diệu dụng chơn thiệt, ấy gọi là công đức.
8. Trong lòng khiêm tốn, biết hạ mình là công, ngoài làm theo lễ là đức. Tự tánh biết gầy dựng muôn pháp là công, tâm thể lìa niệm là đức. Bằng muốn tìm công đức pháp thân, thì phải y theo lời của tôi nói đó mà làm, ấy mới thiệt là công đức. Hễ người tu về công đức, thì lòng chẳng bao giờ khinh rẻ kẻ khác, bất cứ đối với ai cũng đem dạ kính nhường hết thảy.
9. Bằng như lòng hay khinh rẻ kẻ khác, thì tánh vị ngã (vì mình) chẳng bao giờ đoạn trừ được. Như vậy, tức là mình không đức. Những kẻ có tánh vị ngã thường có lòng hay tự tôn, tự đại, hay đề cao lấy mình, hằng khinh khi tất cả mọi người.
10. Này các ông thiện tri thức! Niệm niệm không gián đoạn, tâm làm bằng thẳng là đức. Tự mình tu (trau dồi) lấy tánh mình là công, tự mình tu lấy thân mình là đức.
11. Các ông! Nếu tu về công đức, thì do trong tánh của mình, chỉ có mình thấy biết thôi, chẳng phải do bố thí cúng dường bề ngoài mà có thể tầm cầu công đức được. Thế thì biết rằng: Giữa phước đức và công đức, có sự phân biệt khác hẳn nhau. Tại vua Võ Đế không hiểu rõ chơn lý Phật pháp, chớ Tổ sư Đạt Ma có lỗi chi đâu.
12. Quan Thứ sử lại hỏi: Bạch Hoà thượng! Đệ tử thường thấy kẻ tăng người tục niệm Phật A Di Đà cầu sanh về Tây phương. Xin Hoà thượng cho chúng tôi biết: Quả thật được sanh về đó chăng? Cúi xin Hoà thượng hoan hỷ giải bày để cho đệ tử phá lòng nghi hoặc.
13. Tổ nói: Này Sử quân! Ông hãy lóng nghe cho kỹ. Huệ Năng nay vì ông mà nói. Thuở xưa, đức Thế Tôn ở trong thành Xá Vệ, có giảng giải cõi Tây phương để tiếp dẫn hoá độ chúng sanh. Ngài có chỉ rõ cõi Tây phương chẳng xa. Bằng luận theo sự tướng mà nói thì cõi Tây phương cách xa mười muôn tám ngàn dặm, nghĩa là trong thân con người có mười điều ác, tám điều tà, bèn nói là xa.
14. Đối với kẻ thiểu căn hạ trí, thì nói là xa. Trái lại, đối với bậc thượng căn đại trí thì nói là gần. Mặc dầu chia ra có hai hạng người, chớ pháp không có hai bậc. Bởi vì có kẻ mê người ngộ, lẽ tự nhiên thấy có chậm mau. Kẻ mê, thì niệm Phật cầu sanh về cõi kia. Trái lại, người ngộ thì tự thanh tịnh lấy lòng mình.
15. Bằng cớ là đức Thế Tôn có nói rằng: “Tuỳ nơi cái lòng thanh tịnh của mình, đó là cõi Tịnh độ của Phật.” Sử quân là người ở Đông phương, nếu lòng thanh tịnh tức là không còn tội [chướng]. Trái lại, kẻ kia tuy ở Tây phương, nhưng nếu lòng không thanh tịnh thì lập tức có lỗi lầm. Người ở Đông phương tạo tội, niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương. Còn người ở Tây phương tạo tội, niệm Phật cầu vãng sanh về nước nào?
16. Kẻ phàm phu chẳng tỏ ngộ được tự tánh, tức là kẻ chẳng biết trong thân mình có cõi Tịnh độ, lẽ tự nhiên họ phải cầu Đông cầu Tây. Trái lại, người đã tỏ ngộ rồi, ở đâu cũng là Tịnh độ cả. Do theo cái lý này, đức Thế Tôn có nói: “Tuỳ theo chỗ trụ thường được an vui.” Nếu như lòng của Sử quân không có chỗ nào gọi là chẳng lành, thì cõi Tây phương cách đây chẳng xa. Nhược bằng Sử quân có lòng ác, dầu niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương, cũng khó mà đến đó được.
17. Nay tôi xin khuyên các ông thiện tri thức: Trước phải trừ diệt mười điều ác, tức là đi được mười muôn dặm. Kế đó trừ tám điều tà, tức là qua khỏi được tám ngàn dặm nữa. Niệm niệm thấy tánh mình, thường tu theo hạnh bằng thẳng[1](bình trực), thì đến Tây phương lẹ như khảy móng tay, thấy được Phật A Di Đà liền.[2]
18. Nếu Sử quân chẳng chịu làm theo mười điều lành, thì cần gì tu hành cầu nguyện vãng sanh. Nếu lòng của Sử quân không dứt tuyệt mười điều ác, thì Phật nào đến tiếp dẫn. Còn như tỏ ngộ được “Vô sanh Đốn pháp” này thì chỉ trong nháy mắt, thấy liền cõi Tây phương. Nếu chẳng tỏ ngộ “Vô sanh Đốn pháp,” dầu có niệm Phật cầu vãng sanh là chuyện còn lâu, làm sao tới mau được.
19. Huệ Năng này xin vì các ông thiện tri thức, dời cõi Tây phương sang cõi này trong giây lát, ai nấy đều nhận thấy rõ tận con mắt, các ông có bằng lòng chăng?
20. Cả thảy đồng đảnh lễ bạch rằng: “Bạch Hoà thượng! Bằng ở chỗ này mà được thấy, cần chi phải cầu vãng sanh. Cúi xin Hoà thượng mở lòng từ bi chỉ cho thấy liền cõi Tây phương tại đây, đặng cho ai nấy đều thấy, thật là quí báu vô cùng.”
21. Đại sư nói: Này các ông thiện tri thức! Người đời, cái sắc thân này là thành; mắt, tai, mũi, lưỡi, thân là cửa. Ngoài có năm cửa, trong có cửa ý. Tâm là đất, tánh là vua. Vua ở chỗ đất lòng, tánh ngự ở nơi tâm. Nếu tánh còn thì vua còn, tánh đi thì vua mất. Tánh còn thì thân tâm vẫn còn, tánh đi thì thân tâm hư hoại. Phật ở trong tánh dấy lên, chớ chẳng phải ở ngoài mà tìm được.
22. Tự tánh hôn mê, tức là chúng sanh, tự tánh giác ngộ tức là Phật, từ bi tức Quan Âm, hỉ xả gọi Thế Chí, năng tịnh tức Thích Ca, bình trực (bình đẳng ngay thẳng) tức Di Đà.
23. Nếu lòng còn phân biệt nhơn ngã, ấy là núi Tu Di, lòng tà vạy ấy là biển nước, phiền não là sóng dợn, ác độc là rồng dữ, giả dối là ma quỉ, trần lao là cá trạnh, tham giận tức địa ngục, ngu si là chúng sanh.
24. Này các ông thiện tri thức! Thường làm mười điều lành, thiên đường hiện đến. Trừ lòng nhơn ngã, núi Tu Di đổ; bỏ lòng tà, nước biển khô; chẳng phiền não, sóng dợn tuyệt; dứt ác độc, cá rồng tiêu.
25. Trên tâm địa của mình là cái giác tánh Như Lai, phóng ra ánh đại quang minh, ngoài thì chiếu sáng sáu cửa[3]được thanh tịnh, hay phá sáu cõi trời dục giới, tự tánh soi chiếu bên trong (tự tánh nội chiếu) tức thì trừ được ba độc (tham, sân, si) và các tội địa ngục thảy đều tiêu tan trong một lần một, trong ngoài sáng suốt chẳng khác nào cõi Tây phương.
Đấy, Tây phương tôi đã dời lại đó! Nếu các ông chẳng chịu tu theo như vậy, thì trông mong gì đến đó.
26. Cả thảy đại chúng nghe Tổ giảng nói Tây phương tại lòng mình, phần nhiều ai cũng tỏ ngộ được tịnh độ duy tâm, thấy được tự tánh Di Đà, đồng làm lễ ca tụng: “Hay thay!” Bèn cùng nhau cất cao lời xướng rằng: “Nguyện khắp cả thảy chúng sanh trong khắp pháp giới, nghe rồi liền tỏ ngộ đạo mầu.”
27. Đại sư nói tiếp: Này các ông thiện tri thức! Bằng như ai muốn tu hành, thì ở tại nhà tu cũng được vậy, chẳng cần phải ở chùa. Ở nhà mà tu được, cũng chẳng khác người ở Đông phương lòng lành. Trái lại, ở chùa mà không tu, chẳng khác nào như kẻ ở Tây phương mà lòng còn ác. Còn ở tại gia mà tu hành [thanh tịnh], thì đó tức là Tây phương. Chính cái lòng thanh tịnh của mình là tự tánh Di Đà vậy.
28. Vi Sử quân lại hỏi: Bạch Hoà thượng! Cách thức tu hành ở tại gia như thế nào, xin Hoà thượng từ bi chỉ dạy.
29. Đại sư đáp: Đây, tôi vì đại chúng mà làm ra bài Tụng Vô Tướng, khuyên các ông y theo đó mà tu hành, thì các ông cũng như đồng ở chung với tôi một chỗ. Bằng như các ông chẳng chịu tu hành theo bài tụng ấy, thì dầu có cạo đầu xuất gia làm nhà sư, cũng chẳng ích lợi gì cho đạo Phật.
30. Tâm bình cần chi giữ giới,
Ơn, thì nuôi dưỡng song thân,
Nghĩa, thì trên dưới tương lân đáp đền.
Nhượng, thì lớn nhỏ đặng yên,
Nhẫn, thì các dữ dẹp liền bình an.
Cọ cây lấy lửa chí toan,
Bùn lầy sen đỏ vẹn toàn sạch trong.
Thuốc hay đắng miệng chớ sờn,
Nghịch tai hẳn thiệt trung ngôn đó mà.
Chừa lỗi, trí huệ hiện ra,
Che đậy tội lỗi lòng ta chẳng hiền.
Hằng ngày giúp ích chớ quên,
Thành đạo chẳng đợi thí tiền mới nên.
Bồ đề lòng thấy hiện tiền,
Nhọc nhằn hướng ngoại cầu huyền ích chi.
Nghe rồi theo đó thiệt chi,
Thiên đường trước mắt, còn thì ở đâu?
31. Này các ông thiện tri thức! Cả thảy các ông nên y theo lời tụng này mà tu hành, chắc chắn thế nào cũng thấy được tự tánh và chắc chắn thế nào cũng sẽ thành Phật đạo. Học đạo chớ khá chần chờ, vì đạo không đợi người. Vậy các ông lui ra, tôi sắp sửa về Tào Khê. Nếu như các ông trong đây, ai có điều chi, hãy đến đó cùng nhau han hỏi.
32. Khi ấy Vi Thứ sử, các quan liêu, cùng thiện nam tín nữ đều tỏ ngộ, tin chịu vâng lời.
* * * * * *
BIỆN MINH NGHĨA PHƯỚC ĐỨC VÀ CÔNG ĐỨC
Nhờ câu hỏi của vua Lương Võ Đế, nhờ lời đáp của Tổ sư Đạt Ma, nhứt là nhờ những lời giảng giải của đức Lục Tổ Huệ Năng, nên người đời sau tu hành mới chú ý đến công đức chẳng phải là phước đức. Nhưng đó là phần ít biết chú ý mà thôi. Đại đa số người tu hành đời nay, chỉ lo bố thí cúng dường, rồi cho mình là người chơn tu đạo đức, cho mình là một người đạo tâm, chớ không lo trau dồi tâm tánh. Thành thử, tuy mang tiếng là một người tu hành mà thói xấu tật hư vẫn còn nguyên: cũng tham lam, cũng sân hận, cũng tật đố, cũng ganh hiền ghét ngõ, cũng cống cao ngã mạn... Người như thế, chẳng khác nào kẻ vượt biển ra khơi qua bờ giác bằng chiếc thuyền mục nát mà không biết, thật đáng tiếc thay!
Phân biệt Phước đức khác với công đức là một cái hay của các vị Tổ sư trong lúc đứng ra dạy đạo. Nhưng không có phương pháp đặc biệt nào để “chuyển phước đức ra công đức” hay sao? Có lẽ các Tổ lo đốn phá theo nguyên tắc Thiền tông, nên không đưa ra giải pháp khác.
Nếu Đạt Ma Tổ sư có một phương pháp đặc biệt nào để chuyển phước đức ra công đức, thì Ngài đâu có bỏ rơi vua Lương Võ Đế. Chính Ngài thấy vua Võ Đế là người có tâm đạo đồn khắp xa gần. Vua không ngại tốn muôn muôn ngàn ngàn để bố thí cúng dường, trai tăng, tạo tượng, xây chùa lập tháp, nên dầu xa xôi, dầu nhọc mệt, Ngài cũng nhận lời của vua cầu thỉnh, từ Quảng Châu lặn lội tới Kim Lăng, quyết độ vua Võ Đế.
Sau khi gặp vua Võ Đế, nghe vua kể các việc làm, Ngài nói rằng: “Bệ hạ làm như vậy không có công đức chi hết.” Và cho là vua Võ Đế còn mê, nên Ngài bỏ vào núi Tung Sơn mà ngồi thiền định.
Lại nữa, nếu Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn có một phương pháp đặc biệt nào để chuyển phước đức ra công đức, thì Ngài đâu có khuyên đồ chúng rằng: “Người đời, sanh tử là việc lớn, thế mà các ông không biết, ở đó cả ngày mảng lo gieo trồng ruộng phước, chẳng chịu cầu ra khỏi biển khổ sanh tử. Nếu tánh mình còn mê thì phước đức nào cứu đặng các ông ra khỏi sanh tử luân hồi?”
Hơn nữa, nếu Lục Tổ Huệ Năng có một phương pháp đặc biệt nào để dạy đồ chúng chuyển phước đức ra công đức, thì Ngài đâu có nhọc công thuyết pháp giữa đại hội trai đàn rằng: “Phước đức chẳng phải là công đức.” Nghĩa là Lục Tổ binh vực lẽ phải của Sơ Tổ Đạt Ma.
Công đức là cái kết quả do công phu tu hành.
Phước đức là cái kết quả do bố thí mà ra.
Nếu vậy thì trong khi bố thí, người tu hành tập luyện phá chấp, đừng chấp có ta bố thí, đừng chấp có người thọ thí, đừng chấp có vật để thí, đó là công đức bậc thượng chớ còn gì nữa. Đó là một phương pháp duy nhứt để chuyển phước đức ra công đức vậy. Nhưng, tại sao ba vị Tổ trên đây không chỉ dạy, thật đáng tiếc.
Phải biết rằng: Không chấp có ta bố thí, đó là trí huệ sanh không chơn như. Nếu không phải là một người chơn tu đạo hạnh tuyệt vời, quyết không thể nào có công đức được như vậy. Không chấp có vật gì để thí, đó là trí huệ pháp không chơn như. Nếu không phải là người công đức bậc thượng, quyết không thể nào tu hạnh phá chấp được như vậy.
Đó, bố thí cũng có công đức vậy. Tại sao Đạt Ma Tổ Sư nói bố thí không có công đức gì hết?
Chúng tôi dám quả quyết rằng, những người như vua Võ Đế, như học trò của Ngũ Tổ, như quan thứ sử và các vị tăng ni đạo tục nghe Lục Tổ nói pháp, đều có thể chắc chắn chuyển phước đức ra công đức bằng cách phá chấp như chúng tôi đã vạch ra.
Đó là về phương pháp chuyển phước đức ra công đức. Còn về lý, ít nữa phải có một triết lý, một luận chứng (biện chứng pháp) để bảo toàn cái phương pháp chuyển phước đức ra công đức.
Thì đây, triết lý chuyển phước đức ra công đức như thế này: Tất cả công phu tu chứng và tất cả những hành động bố thí tế nhơn lợi vật chia ra làm hai thứ: Hữu lậu và vô lậu. Phải hiểu rõ cái nghĩa hữu lậu, vô lậu là gì, mới có thể thông đạt triết lý chuyển phước đức ra công đức.
Hữu lậu: Hữu là có, lậu là lọt. Hữu lậu có hai nghĩa: Nghĩa thứ nhứt, là người tu hành chưa giải thoát, còn lọt trong cõi nhơn thiên để hưởng phước thiên đường và phước hồng trần. Nghĩa thứ nhì, là còn mê chấp: như mê chấp công đức tu hành của mình, hoặc mê chấp phước đức do bố thí. Vì còn mê chấp như thế, nên công đức và phước đức lôi cuốn trong cõi nhơn thiên, gọi là hữu lậu.
Vô lậu: Vô là không, lậu là lọt. Vô lậu cũng có hai nghĩa: Nghĩa thứ nhứt, là người tu hành đã giải thoát (mặc dầu còn mang sắc thân) không còn lọt trong tam giới (cõi nhơn thiên), được chứng quả Niết bàn (mặc dầu còn xác phàm). Nghĩa thứ nhì, là trong khi tu hành, phá được sự mê chấp, không chấp công đức tu chứng, và cũng không chấp phước đức do bố thí.
Ở đây cần nhấn mạnh rằng: Nếu phước đức có hữu lậu và vô lậu thì công đức cũng có hữu lậu và vô lậu nữa. Bởi vì, dầu phước đức hay công đức, nếu không mê chấp thì thuộc về vô lậu, còn mê chấp thì thuộc về hữu lậu. Nếu ai nói bố thí là tu bề ngoài, là tu hữu vi hữu tướng, là tu phước chẳng phải tu huệ, nghĩa là phước đức chớ không phải công đức, thì người ấy chưa tu pháp Lục độ ba la mật. Hoặc có hành Lục độ ba la mật, nhưng chưa hiểu được một cách rốt ráo pháp tu nầy.
Nguyên pháp Lục độ ba la mật, dành cho các vị Bồ tát tu hành. Hễ là Bồ tát sơ phát tâm mà tu theo pháp nầy, thì chỉ có tiếng Lục độ, chớ không có tiếng Ba la mật nối theo. Còn các bậc Bồ tát lớn, tu hành đã lâu thì có đủ chữ Lục độ ba la mật (như đã giải thích trong phẩm Bát nhã).
Đối với các vị Bồ tát, nó có nghĩa là cứu cánh rốt ráo đến bờ giác. Nghĩa là các Ngài không thấy có ta tu pháp Lục độ, không thấy có pháp Lục độ để tu. Chưa qua bờ giác thì không bao giờ dám nói không có ta tu, không có pháp để tu. Nếu hoàn toàn phá được ngã chấp, thì chứng được Bát nhã sanh không. Còn hoàn toàn phá được pháp chấp, thì chứng được Bát nhã pháp không. Thế thì, Ba la mật có nghĩa là các vị Bồ tát đã chứng được Nhị không chơn như (ngã không và pháp không). Thật ra thì các vị Bồ tát hành đúng Tam luân thể không: Ta, người, pháp đều không, cái không cũng là không (chẳng chấp không).
Trong Kim Cang Chú Giải, tôi có viết:
“Vì cái lẽ nhơn không và pháp không, các vị Bồ tát tu pháp Bố thí, chẳng thấy có ta thí, chẳng thấy có người thọ thí và chẳng thấy món chi để thí, đó là Bố thí ba la mật.
Vì cái lẽ nhơn không và pháp không, các vị Bồ tát tu pháp Nhẫn nhục, chẳng thấy có ta tu Nhẫn nhục, chẳng thấy có pháp Nhẫn nhục để tu, đó là Nhẫn nhục ba la mật.”
Cho đến các pháp tiếp theo như: Tinh tấn, Thiền định, và Trí huệ cũng đều như vậy cả. Hoặc giả nói cách khác: Vì đã đến bờ giác, nên các vị Bồ tát chẳng thấy có ta tu, chẳng thấy có Lục độ để tu, đó là tu pháp Lục độ ba la mật. Trong sáu độ ba la mật, tu như các vị Bồ tát, ai dám nói rằng Bố thí là một pháp tu theo bề ngoài? Ai dám nói rằng: Bố thí là tu phước chớ không phải công đức? Bố thí là hữu vi hữu tướng, chẳng phải vô vi vô tướng?
Nếu bố thí là một môn tu bề ngoài, thì làm sao phá ngã chấp và pháp chấp. Vả chăng, phá ngã chấp là chỗ tu chứng của hàng Nhị thừa, còn phá pháp chấp là chỗ tu chứng của hàng Bồ tát. Thế thì, pháp Bố thí có đủ công đức pháp thân bát nhã và giải thoát, chớ có phải tầm thường đâu. Tại sao các vị Tổ sư không lấy cái đó để chỉ dạy vua Võ Đề và các môn nhân đệ tử của mình phá ngã chấp và pháp chấp, hầu chuyển phước đức ra công đức, chuyển pháp hữu vi, hữu tướng, hữu lậu ra vô vi, vô tướng, vô lậu?
Thảo luận về vấn đề Hữu lậu và Vô lậu, người ta lầm hiểu cái nghĩa của nó, nên chia ra hai pháp khác nhau. Vì lầm hiểu nên nhiều người hay khuyên Phật tử nên tu các pháp vô lậu là Giới, Định, Huệ v.v... đừng tu các pháp hữu lậu của Nhị thừa như định sơ thiền, định nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, thân bất tịnh thọ thị khổ v.v... Nên biết rằng: Hữu lậu hay Vô lậu là tại mê chấp hay không mê chấp, chớ đâu phải tại pháp mà chia ra pháp này hữu lậu (bỏ không tu) còn pháp kia vô lậu (phải tu).
Không có pháp nào gọi là hữu vi, hữu tướng, hữu lậu cả. Bởi vì, dầu cho các pháp tuyệt đối rối ráo của đại thừa như pháp thân, niết bàn, thiệt tướng, chơn như..., nếu còn mê chấp, thì cũng còn hữu tướng, cũng còn hữu vi, hữu lậu vậy.
Vì lầm theo lời của Đạt Ma Tổ sư trả lời cho vua Võ Đế; vì tin lời nói của Ngũ Tổ (Thế nhơn sanh tử sự đại, nhữ đẳng chúng nhựt chỉ cầu phước điền, bất cầu xuất ly sanh tử khổ hải, tự tánh nhược mê phước hà khả cứu), vì chạy theo những lờicủa Lục Tổ, mà hầu hết các hàng Phật tử nước nhà cho rằng Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam là một nhóm chỉ biết làm phước chớ không biết tu hành chi hết. Hoặc giả người ta nói nhóm đó chỉ biết tu phước chớ không biết tu huệ, hay là nhóm đó chỉ biết phước đức chớ không biết công đức. Thật là lầm to! Thật ra thì ba vị Tổ sư làm cho hàng Phật tử lầm, chớ TĐCSPHVN không lầm.
Nếu y theo lời nói các vị Tổ sư, thành ra chủ nghĩa từ bi bác ái, cứu nhơn độ thế của nhà Phật là một chủ nghĩa suông, rỗng tuếch, chỉ ích lợi cho những người tu hành, chớ không ích lợi cho nhơn sanh. Bởi vì, nếu y theo lời nói của các vị Tổ sư thì người tu hành chỉ biết lo công đức tu chứng của mình mà thôi, chớ không biết thực hiện chủ nghĩa từ bi bác ái cứu thế độ nhơn, vì họ sợ kẹt vào hữu vi, hữu tướng, hữu lậu.
Giáo lý đại thừa dạy rằng: Chính ở nơi tướng mà lìa tướng, ở nơi hữu vi mà chứng vô vi, ở nơi hữu lậu mà được vô lậu. Người tu hành không thể lìa tướng mà thấy tánh, không thể xa hữu vi mà chứng được vô vi, không thể lánh hữu lậu mà được vô lậu.
Ai có nghiên cứu kinh Kim Cang, thì biết rằng: Chẳng phải do ba mươi hai tướng tốt mà thấy Phật và cũng chẳng phải xa lìa ba mươi hai tướng tốt mà thấy được Phật. Thế thì, đối với sắc tướng, chẳng chấp mà cũng chẳng bỏ. Đó là chưa nói tới cái chơn lý viên dung bình đẳng sắc không như một, phiền não tức bồ đề.
Chơn lý đại thừa như vậy, thế mà nói bố thí cúng dường... là những việc ngoài thân, là chấp tướng, là phước đức chớ chẳng phải công đức, thật là sai với pháp môn chẳng hai của nhà Phật biết mấy.
Phải biết rằng, cái chơn lý tức sắc tức không, chẳng những nó không thiên về bên có, chẳng ngả về bên không, cho đến chính giữa cái có và cái không cũng chẳng trụ. Thế thì, dầu cho pháp thân bát nhã, dầu cho thiền định giải thoát, dầu cho niết bàn thiệt tướng, nếu còn mê chấp là còn hữu vi, hữu lậu, hữu tướng. Trái lại, dầu cho sắc tướng, dầu cho vọng tưởng, mà người tu hành tỏ ngộ được cái lý phi tướng, ly tướng, vô sở trụ tướng, thì sắc tướng đó là vô tướng, vọng tưởng đó là chơn như.
Phải chi Đạt Ma Tổ sư trả lời vua Võ Đế như dưới đây, thì các Tổ sau cũng không nói khác: «Bố thí, cúng dường, trai tăng, tạo tượng, xây chùa, cất tháp, v.v... mà lòng đừng mê chấp, đừng thấy có ta làm, đừng thấy có pháp phải làm, do trong nội tánh mình mà phá ngã chấp và pháp chấp, thì phước đức của bệ hạ tạo ra đó, nó trở thành công đức.» Hoặc giả nói khác như vầy cũng được: «Những việc của bệ hạ làm đó, thuộc về phước hữu lậu, nếu lòng của bệ hạ còn chấp trước hành vi. Trái lại, nếu bệ hạ biết phá chấp, thì phước hữu lậu trở thành phước vô lậu. Phước vô lậu, chính đó là Phước đức tánh, thuộc về pháp thân bát nhã, giải thoát.»
Nếu Sơ tổ Đạt Ma mà trả lời cho vua Võ Đế như thế, thì sau nầy từ Ngũ Tổ qua Lục Tổ, cho đến các hàng Phật tử xuất gia cũng như tại gia đều không đạp dấu chơn của Sơ Tổ. Nhứt là Lục Tổ, hết lòng binh vực lời lẽ của Đạt Ma, làm cho tự mình mâu thuẫn với pháp môn chẳng hai tướng.
Đây, sự mâu thuẫn ở trong câu này. Lục Tổ nói:
«Các ông! Nếu tu về công đức do trong tánh của mình, chỉ có mình thấy biết mà thôi, chẳng do bố thí cúng dường bề ngoài mà có thể tầm cầu công đức được. Thế thì biết rằng giữa phước đức và công đức có sự phân biệt khác hẳn nhau. Tại vua Võ Đế không hiểu rõ chơn lý Phật pháp, chớ Tổ sư Đạt Ma có lỗi lầm chi đâu.»
Mấy lời nói trên đây còn phân biệt bên trong với bên ngoài khác nhau; còn phân biệt phước đức khác với công đức. Phải biết rằng: Pháp môn không hai tướng, nó thuộc về chơn lý viên dung bình đẳng, trong tức là ngoài, ngoài tức là trong, không thể chấp trong bỏ ngoài, hay chấp ngoài bỏ trong. Còn phước đức và công đức, tại sao phân biệt khác hẳn nhau? Bởi vì, phiền não tức bồ đề, sanh tử tức niết bàn, chúng sanh tức Phật, có gì sai biệt đâu? Nếu có sai biệt thì đâu phải chơn lý viên dung bình đẳng.
Nên biết rằng, bất cứ đối với các pháp đạo hay đời, nhập thế hay xuất thế, hữu lậu hay vô lậu, chơn đế hay tục đế, nếu không chấp, thì thuộc bên trong. Trái lại, nếu chấp thì thuộc bên ngoài. Thế thì, bố thí, cúng dường, nếu tu biết phá chấp, thì nó thuộc về pháp thân bát nhã bên trong, nghĩa là nó thuộc về công đức chớ đâu phải phước đức.
Hễ mê chấp là hữu vi, hữu tướng, hữu lậu, còn không mê chấp, thì thuộc về vô vi, vô tướng, vô lậu. Hễ mê chấp thì chơn đế trở thành tục đế, trái lại, không mê chấp thì tục đế trở thành chơn đế. Nghĩa là: Nếu mê chấp thì pháp tu xuất thế trở thành nhập thế, còn không mê chấp thì pháp tu tục đế biến thành chơn đế.
Theo chỗ nhận xét của chúng tôi thì Lục Tổ đã chứng lý viên dung của pháp môn chẳng hai, không lý nào Tổ thuyết pháp còn thiên chấp sai biệt như thế. Bằng cớ là Tổ cắt nghĩa pháp môn chẳng hai cho Ấn Tông pháp sư nó viên dung bình đẳng làm sao. Có lẽ do chép sai chăng? Bởi vì, chơn lý rốt ráo của đại thừa khó viết văn lắm, nếu sơ sẩy một tí, thì nó biến thành chơn lý của nhị thừa. Nếu không dè dặt thì từ chỗ viên dung trở thành sai biệt, từ chỗ bình đẳng lọt xuống bất bình đẳng.
Còn điều quan trọng thứ hai nữa là: Có phải Lục Tổ tùy duyên mà nói như thế chăng? Điều nầy không được quả quyết. Bởi vì từ đầu đến chót quyển Pháp Bửu Đàn, Tổ Sư cương quyết nói pháp môn chẳng hai tướng một cách rốt ráo, thì đâu có lẽ Tổ tùy duyên phương tiện nói pháp. Nếu tùy duyên, tại sao phần Quyết Nghi về nghĩa cầu sanh Tịnh độ lại không tùy duyên, lại giải thích «Duy tâm Tịnh độ, tự tánh Di Đà?»
Phải biết rằng: cái lý kiến tánh Di Đà, cái lý Duy tâm Tịnh độ, nó rốt ráo cũng như cái lý kiến Phật tánh, thì đâu phải tùy căn duyên thuyết pháp.
*
BIỆN MINH NGHĨA TÂY PHƯƠNG TỊNH ĐỘ
Thuở xưa không có ký âm tốc ký, thì chưa chắc rằng các môn nhơn chép đúng những lời Tổ thuyết pháp. Hơn nữa, không có một dấu hiệu gì chứng chắc rằng những lời ghi chép được Tổ duyệt y và đóng dấu ký tên. Thế thì ở phần nầy, không thể nói Tổ thuyết pháp có mâu thuẫn.
Đây, mâu thuẫn như thế nầy: Bài kệ Vô Tướng ở phẩm thứ hai, Tổ khuyên hàng Phật tử không nên tìm thấy cái xấu, cái dở, cái lỗi của kẻ khác. Tổ đã nói: Người quấy mình đừng chê, chê thì mình có lỗi, nếu mãi thấy lỗi người, lỗi mình đâu tránh khỏi.
Tổ đã dạy bảo như thế, thì không lý nào Ngài lên pháp tòa mà lại bày chỗ dở, chỗ xấu của Thần Tú.
Làm sao biết những tiếng nói trong thâm tâm của sư Thần Tú! Làm sao biết sư Thần Tú trải mấy phen trình kệ không được, hạn xuất triêm thân? Làm sao biết được sự trằn trọc thâu canh của sư Thần Tú ở trong liêu cửa đóng kín mít? Dầu cho Tổ có huệ mà biết được, không lẽ lại mang lên pháp tòa phanh phui ra.
Những lời quyết nghi của Tổ về nghĩa vãng sanh Tịnh Độ, thật là hay, thật là rốt ráo, nhưng còn một chút sơ sót, cũng như ngọc mà có tì, thật đáng tiếc.
Tổ đã giảng thuyết cái lý rốt ráo về duy tâm Tịnh Độ, nó đúng với chơn lý viên dung bình đẳng của Đại thừa. Nhưng, tại sao lời thí dụ của Tổ lại không hiệp với pháp. Dụ và Pháp, Sự và Lý, Tướng và Tánh, phải khế hiệp mới đúng. Bởi vì, nếu nó đúng chơn lý, thì ‘Sự, Lý, Tánh, Tướng, thể dụng như như bình đẳng.’
Tại sao đã nói cái lý rốt ráo, tịnh độ duy tâm, Di Đà tự tánh, sao không nói «Độ là Tâm, Tâm là Độ, ngoài Tâm không Độ, ngoài Độ không Tâm» mà lại nhè cho thí dụ: «Kẻ ở Đông phương tạo tội cầu sanh Tây phương, còn người ở Tây phương, tạo tội cầu sanh về đâu?» Như thế thì Pháp với Dụ đâu có ăn nhau. Bởi vì, Pháp thì nói rốt ráo, còn Dụ thì không rốt ráo, nghĩa là chỗ thí dụ không xứng lý. Còn cái lý «Sanh mà không sanh, không sanh mà sanh»là cái lý rốt ráo vãng sanh, sao lại không đem ra nói cho Pháp với Dụ tùng nhứt (ăn khớp)?
Phải biết rằng, nếu Độ là Tâm, Tâm là Độ, sanh mà không sanh, không sanh mà sanh, thì đâu được phép nói rằng: «Kẻ ở Đông phương tạo tội cầu sanh Tây phương, còn người ở Tây phương tạo tội cầu sanh về đâu?»
Tùng dụ mới hiển lý, dụ một nơi lý một ngả, hai khớp không ăn nhau, còn gì hại bằng?
Còn mâu thuẫn nầy nữa: Đoạn 13, Tổ đã nhìn nhận Đức Thế Tôn ở thành Xá Vệ nói kinh Tây phương dẫn hóa, Đức Thế Tôn có chỉ cõi Tây phương chẳng xa, nghĩa là cõi Tây phương có chớ chẳng không.
Vì có, Tổ mới nói: Kẻ căn trí nhỏ thì niệm Phật cầu vãng sanh nơi kia, còn người căn trí lớn thì cứ thanh tịnh lòng mình. Bởi vì, Phật có nói (trong kinh Duy Ma): Tùy theo cái lòng thanh tịnh của mình, đó là cõi Tịnh độ của Phật.
Tổ đã viện lời nói của Đức Thế Tôn trong kinh Duy Ma để làm bằng cớ, đặng chỉ cái lý Duy tâm tịnh độ, thì tại sao còn nhận có kia (chỉ cõi Tây phương), còn nhận có đây (chỉ cõi Đông phương). Nếu là Duy tâm tịnh độ thì cũng như Vô trụ xứ niết bàn, ở đâu, chỗ nào cũng là tịnh độ, nghĩa là nó không chấp đông chấp tây, không đây không kia, tại sao còn nhận có kia có đây cho mâu thuẫn với chơn lý rốt ráo là chơn lý viên dung bình đẳng. Cái chơn lý nầy mệnh danh là pháp môn không hai tướng. Tại sao lại có hai tướng “Kia, Đây?”
Cái lý Duy tâm tịnh độ là đúng với pháp môn không hai tướng, tại sao lại chia ra có hai tướng kia, tướng đây, làm cho nó trở thành có hai tướng. Ba hồi nói cái lý rốt ráo, ba hồi nói không rốt ráo, cùng một chỗ, cùng một vấn đề đang nói đó, tự nó mâu thuẫn với nhau, thì đâu phải là tùy duyên thuyết pháp.
Nếu phẩm nầy nói thế nầy, phẩm nầy nói thế kia, thì có thể cho là thiện xảo trong sự tùy duyên phương tiện được, đằng nầy chỉ trong một phẩm thôi.
Tây phương là một cõi chọn lọc sạch cặn bã phàm phu, nghĩa là chỗ tụ họp các vị Thánh mà nói người kia ở Tây phương tạo tội cầu sanh về đâu, chẳng khác nào cõi thiên đàng có chứa kẻ bất lương.
Trong kinh A Di Đà có nói: “Cõi nước Phật ấy không có tên ác, hà huống lại có ba đường ác (tam ác đạo).” Thế mà nói người Tây phương làm ác, cầu sanh về đâu, là điều không hợp lý.
Nếu ai nói rằng, Tổ dùng danh từ Tây phương để chỉ một danh từ đối đãi với Đông phương, chớ không phải nói cõi của Phật A Di Đà, thì ít nữa cũng phải ly hai tướng đối đãi để quy về Trung đạo diệu đế đặng hiển minh chơn lý viên dung bình đẳng mới phải. Đàng nầy, Tổ chia ra có Đông có Tây, cho kẻ kia bỏ Đông mà cầu Tây, còn Tổ lại chấp Đông bỏ Tây, nghĩa là có lấy có bỏ, như vậy đâu phải là mượn danh từ đối đãi để giảng nói pháp môn chẳng hai.
Nói tóm lại, phẩm Quyết Nghi từ chỗ nói về công đức và phước đức, từ chỗ quyết nghi bỏ Đông cầu Tây, toàn là những lời lẽ siêu phàm, toàn là chơn lý rốt ráo của pháp môn chẳng hai để vạch rõ cái lý Duy tâm tịnh độ, tự tánh Di Đà. Nếu chẳng phải là bậc đại căn thượng trí thì không thể nào tỏ ngộ được lời nói của Lục Tổ. Nhưng vì hành văn lý đại thừa không khéo, nên thấy có mâu thuẫn đó thôi.
Nếu ai có tỏ ngộ được những lời nói về lý tánh ở phẩm nầy, thỉ kẻ tỏ ngộ niết bàn tại thế, với người chứng được Tây phương lòng mình đều đồng nhau chẳng khác.
Thật vậy, Tổ nói: “Còn như tỏ ngộ được Vô sanh đốn pháp nầy, thì chỉ trong nháy mắt, thấy liền cõi Tây phương. Nếu chẳng tỏ ngộ Vô sanh đốn pháp, dầu có niệm Phật cầu vãng sanh là chuyện còn lâu, làm sao tới mau được.”
Quả nhiên như thế, người vãng sanh, chừng nào bỏ xác mới thấy Tây phương, còn tỏ ngộ thì tuy còn mang thân phàm mà đã thấy rồi vậy. Tổ lại còn chỉ cách thấy Tây phương tại lòng mình như nơi đoạn thứ 25.
Tây phương tại lòng mình mà Tổ chỉ dạy như vậy, không có gì lạ đối với người đã minh tâm kiến tánh và cũng không có gì là khác đối với bậc tỏ ngộ tự tánh Di Đà. Trên tâm địa của mình là cái giác tánh Như Lai phóng ra ánh đại quang minh, đó là Tổ chỉ cái trí huệ Đại quang minh phóng ánh sáng chơn lý ra soi chiếu trong tâm ngoài cảnh đều sáng suốt. Sáng suốt đây có nghĩa là tỏ thông chơn lý chớ chẳng phải sáng như ngọn đèn.
Một khi ánh sáng chơn lý rốt ráo chiếu ra rồi, không còn mê chấp ta, người, đây đó, xa gần, trong ngoài, giỏi dở, chơn vọng, mê giác v.v… Toàn thể pháp giới là bình đẳng nhứt tướng, không lấy mà cũng không bỏ. Đó là Tây phương tại lòng mình, chẳng cần cầu vãng sanh. Nếu nói như vậy, thì đâu có sai với chơn lý Duy tâm tịnh độ, tự tánh Di Đà.
*
CHÚ GIẢI TỤNG VÔ TƯỚNG
Đối với pháp môn Đốn Giáo không hai tướng, những vị Bồ tát đã đến bờ kia, chẳng phải như kẻ phàm phu bo bo giữ giới mà vẫn còn phạm. Tâm địa của các Ngài đã bình trực, nghĩa là lòng đã quân bình như đòn cân ngay ngắn (trực), không thiên chấp bên này mà cũng không ngả về bên kia, thoát ra ngoài sự trói buộc của hai tướng đối đãi, nên không còn giữ giới. Không còn lầm lỗi, tức đã có giới, nếu đã có giới, đi trì giới làm chi (Hữu giới bất trì giới). Vì vậy, Tổ mới nói: “Tâm bình cần chi giữ giới” (Tâm bình hà lao trì giới).
Về pháp Thiền định, các vị Bồ tát đã thực hiện được tự tánh thanh tịnh thiền, các Ngài không cần phải ngồi tu giờ này sang giờ kia. Bất cứ đi, đứng, nằm, ngồi, ở đâu, làm gì, chỉ một hạnh ngay (hạnh trực) là đủ ứng dụng muôn pháp trong cảnh giới tự tánh thanh tịnh thiền, nên Tổ nói: “Hạnh ngay, thiền định, ai ơi chẳng cần” (Hạnh trực hà dụng tu thiền).
Nếu người tu hành nào chí vững như bàn thạch, dám dùng cái công phu cọ cây lấy lửa,[5]nghĩa là không ngừng nghỉ biếng nhác thì bùn lầy sẽ trổ sen hồng, nghĩa là chúng sanh thành Phật, nên Tổ nói: “Cọ cây lấy lửa chí toan, Bùn lầy sen đỏ vẹn toàn sạch trong.” (Nhược năng tán mộc thu hoả, Ư nê định sánh hồng liên).
Đối với các pháp tu thiền, sự suy xét là cái nguyên động lực của thiền gia. Suy xét, nghĩa là dùng trí huệ mà quán xét, để dứt cái thói xấu tật hư. Trừ dứt được một bịnh, sanh ra một trí huệ, dứt hai bệnh, sanh hai trí huệ v.v... Do đó mà Tổ nói: “Chừa lỗi trí huệ hiện ra” (Cải hoá tất sanh trí huệ).
Nhờ suy xét mà ăn năn chừa cải, thì tội mòn lỗi dứt. Nếu ai không chịu làm như vậy, cứ che đậy tội lỗi của mình, thì lòng dạ người ấy đâu có hiền. Thế nên Tổ nói: “Che đậy tội lỗi, lòng ta chẳng hiền” (Hộ đản tâm nội phi hiền). Nếu ai nói rằng nghèo tu không được, chẳng có tiền bố thí chắc khó thành đạo, thì nên xem lời vàng tiếng ngọc của Tổ mà tiến tới. Tổ bảo rằng: Hằng ngày làm lợi ích cho chúng sanh, hễ tâm thành thì đạo thành, chớ đâu phải hễ ai có tiền là đạo thành đâu. Do đó mà Tổ khuyên: “Hằng ngày giúp ích chớ quên, thành đạo chẳng đợi thí tiền mới nên.” (Nhựt tụng thường hành nhiêu ích, thành đạo phi do thí tài).
Người tu hành ăn thua chỗ tỏ ngộ nơi lòng, chẳng phải đi chỗ này chỗ kia tầm đạo mà thấy đặng. Khi mê thì đạo cách xa, dầu đi mòn dép sắt cũng chẳng thấy. Trái lại, lúc ngộ thì đạo trước mắt, nó ở một bên mình chớ ở đâu mà đi tìm. Nếu không hiểu chỗ mê giác do lòng mình, cứ nhọc nhằn chạy theo bề ngoài tìm kiếm những điều hão huyền, thì có ích chi đâu. Bởi vậy cho nên Tổ nói: “Bồ đề tìm thấy một bên, nhọc nhằn hướng ngoại cầu huyền ích chi” (Bồ đề chỉ hướng tâm mịch, hà lao hướng ngoại cầu huyền).
Nếu ai nghe lời chỉ bảo của Tổ cứ do theo lòng mình mà phá mê, hễ mê bị phá, đó là giác tánh hiện tiền. Đạo là đó, Niết bàn cũng là đó. Cũng như nói thiên đàng trước mắt chớ chẳng phải ở cõi nào: “Nghe rồi theo đó thực thi, thiên đàng trước mắt, còn thì ở đâu?” (Thính thuyết y thử tu hành, thiên đường chỉ tại mục tiền).
=======================
=======================
PHẨM THỨ TƯ
Đ Ị N H H U Ệ
1. Lục Tổ Đại Sư trình bày cùng đại chúng rằng:
Này các ông thiện tri thức! Pháp môn tôi giảng nói đây, dùng định huệ làm gốc. Trong đại chúng chớ mê lầm, cho rằng định và huệ hai thứ khác nhau. Các ông phải biết rằng: định với huệ chỉ có một thể, chớ chẳng phải hai vậy. Định là thể của huệ, huệ là cái tướng dụng của định. Đang lúc huệ, thì định ở trong huệ. Đang lúc định, thì huệ ở trong định. Nếu như ai tỏ ngộ lý nghĩa định huệ quán xuyến như vậy, thì người ấy đã tu học được pháp “Định Huệ đồng dụng” vậy.
2. Những người học đạo, chớ khá nói trước có định rồi sau mới phát huệ, hoặc nói trước có huệ rồi sau mới phát định. Chớ nên phân biệt như vậy mà sai chơn lý. Nếu chỗ hiểu biết phân biệt định huệ có trước có sau như vậy, thành ra pháp có hai tướng hay sao?
Những người ngoài miệng tuy nói lời lành, nhưng trong lòng chẳng lành, và nói khống rằng đã có định huệ. Định huệ của những người ấy là định huệ chẳng đồng. Bằng như lòng và miệng đều lành như nhau, trong ngoài chỉ có một giống, tức là định huệ đồng đẳng.
3. Pháp định huệ như vậy, tự nơi mình tỏ ngộ và theo đó mà tu hành, không có gì khác hơn mà tranh đua cãi lẫy. Bằng như tranh đua cãi lẫy rằng định huệ có trước có sau, đó là đồng với kẻ mê một thứ. Bởi vì, lòng mình chẳng dứt được những điều hơn thua phải trái, thành ra tuy mệnh danh là một pháp vô tướng, té ra lại kẹt vào ngã chấp và pháp chấp, không lìa được bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả.
4. Các ông thiện tri thức! Định huệ dường như cái gì? Định huệ ví như cái đèn sáng. Có đèn tức là có ánh sáng, không đèn tức là tối. Đèn là cái thể của ánh sáng, ánh sáng là tướng dụng của đèn. Ánh sáng và đèn, tên tuy phân biệt có hai môn khác nhau, nhưng cái thể của nó đồng nhứt. Pháp định huệ mà tôi giảng đây nó y như vậy.
5. Này các ông thiện tri thức! Thế nào gọi là Một hạnh tam muội?(Nhứt hạnh tam muội).(1) Một hạnh tam muội nghĩa là: đối với hết thảy chỗ, bất cứ đi, đứng, nằm, ngồi, hằng giữ một lòng ngay thẳng (trực tâm), đó là một hạnh tam muội. Trong kinh Tịnh Danh có dạy: “Lòng ngay thẳng là đạo tràng, lòng ngay thẳng là Tịnh độ.”[6]Trong lòng chớ có tà vạy mà ngoài miệng lại nói ngay thẳng. Ngoài miệng chớ nói “Một hạnh tam muội” mà trong lòng chẳng làm theo hạnh ngay thẳng. Các ông, trong lòng hãy làm theo hạnh ngay thẳng, nghĩa là đối với hết thảy các pháp, chớ có chấp trước (mê nhiễm đeo níu) một pháp nào.
6. Những kẻ mê lầm, lòng hay đeo níu theo hình tướng các pháp, mê chấp cái nghĩa Nhứt hạnh tam muội mà nói rằng: “Ngồi (thiền) yên chẳng động, tâm vọng chẳng khởi[7]là nhứt hạnh tam muội.” Nếu ai hiểu như vậy, tức là cái tâm của họ cũng đồng với các loài vô tình, làm cái nhơn duyên chướng ngại che lấp đạo tâm vậy.
7. Này các ông thiện tri thức! Đạo tâm thì cần phải lưu thông, tại sao để cho ngưng trệ. Lòng chẳng trụ nơi các pháp, đó là đạo tâm thông lưu. Còn như lòng trụ chấp các pháp, đó là tự trói buộc lấy đạo tâm, làm cho đạo tâm ngưng trệ vậy. Nếu ai nói ngồi yên chẳng động là đúng, thì hãy xem cái gương của ông Xá Lợi Phất, ngồi im lặng trong rừng, nên bị ông Duy Ma Cật quở trách.
8. Này các ông thiện tri thức! Cũng có kẻ dạy ngồi thiền bằng cách xem lòng quán tịnh,(2) làm cho thân tâm chết đơ, chẳng động mà cũng chẳng khởi một niệm gì cả. Đó là người mê không hiểu phép toạ thiền, chấp trước cái tướng ngồi, thành ra kẻ điên. Những kẻ như vậy đông lắm, họ cứ dạy bảo với nhau theo kiểu ấy, thật là lầm to.
9. Này các ông thiện tri thức! Chánh giáo của đức Thế Tôn xưa nay không có Đốn Tiệm (mau chậm) nhưng vì căn trí của con người có bén có lụt, kẻ mê thì hiểu biết chậm chạp lần lần, còn người ngộ thì trong giây lát tỏ thông. Một khi kẻ mê biết được bổn tâm, thấy được bổn tánh, thì cùng với người ngộ chẳng sai khác. Do chỗ mau và chậm ấy, mới tạm đặt cái giả danh Đốn giáo và Tiệm giáo.
10. Này các ông thiện tri thức! Pháp môn mà tôi giảng nói đây, từ xưa đến nay, trước hết lập Vô niệm làm tông, Vô tướng làm thể, Vô trụ làm gốc.
Vô Niệm là ở nơi niệm mà lìa niệm.(3)
Vô Tướng là ở nơi tướng mà lìa tướng.(4)
Vô Trụ là bổn tánh của con người đối với các pháp tương đối, như: lành, dữ, tốt, xấu… trong thế gian, cho đến kẻ thân người thù, trong lúc người ta tiếp xúc với mình, những lời đụng chạm, nào tranh hơn thua, nào tranh giỏi dở, nào thị phi cãi lẫy v.v… đều coi như không có. Dầu cho người ta có xúc phạm đến mình, cũng không bao giờ mình tính trả oán hại người, cố giữ làm sao cho niệm niệm đừng nhớ lại cảnh trước (đã qua).
Nếu như trong lòng còn chấp chứa những niệm trước, niệm nay, niệm sau, và niệm niệm nối nhau chẳng dứt, thì gọi là trói buộc. Trái lại, đối với các pháp mà niệm niệm chẳng trụ, tức là không bị trói buộc; đó là cái nghĩa Vô trụ làm gốc.
11. Này các ông thiện tri thức! Hằng ngày tiếp xúc với cảnh vật, nhưng mà lòng không bao giờ mê nhiễm, đó là vô niệm. Ở nơi niệm tự mình thường xa lìa các cảnh vật, đừng để sanh tâm trong khi đối cảnh. Bằng như trăm việc chẳng nghĩ tới, cứ lo diệt trừ tất cả niệm tưởng (sát tâm sanh), thì khi mà dứt hết chẳng còn một chút niệm tưởng nào, tức là chết vậy. Sau khi chết, lại phải thọ sanh (đầu thai) chỗ khác, ấy thật là lầm to. Bởi vậy, người học đạo phải tự suy xét lấy. Nếu như tự mình chẳng hiểu rõ pháp lý, mình lầm cũng chưa hại mấy, nhè dạy người khác làm theo mình. Ấy là cái mê của mình mà chẳng tự thấy, trở lại chê bai kinh Phật. Sở dĩ lập Vô niệm làm tông là thế.
12. Các ông thiện tri thức! Vì lẽ gì lập Vô niệm làm tông?
Bởi vì, kẻ mê ngoài miệng nói mình đã kiến tánh, nhưng đối cảnh còn sanh tâm. Cái tâm niệm đang sanh ra đó, lại dấy lên những điều tà kiến, do tà kiến mà cả thảy trần lao vọng tưởng đều phát sanh. Phải biết rằng: Tự tánh của mình vốn không có một pháp nào khá đặng. Nếu còn tâm sở đắc (có chỗ đặng) mà chẳng tự biết, lại vọng nói hoạ phước, tức là trần lao tà kiến vậy. Sở dĩ lấy pháp vô niệm làm tông là thế.
13. Các ông thiện tri thức! Vô niệm là không niệm những việc gì? Còn hữu niệm là có niệm việc chi? Vô niệm là không niệm cả thảy hai tướng đối đãi, nhứt là không niệm các thứ trần lao phiền não. Còn niệm, là niệm bổn tánh chơn như.(5) Chơn như tức là cái bản thể của tâm niệm, tâm niệm là cái dụng tướng của chơn như vậy.
Chơn như tự tánh (của mình) khởi niệm, chớ chẳng phải mắt, tai, mũi, lưỡi, khởi niệm. Bởi vì chơn như là cái tánh, cho nên nó khởi niệm.
Nếu chơn như không phải là cái tánh, thì mắt, tai, mũi, lưỡi, và sắc, thinh, hương, vị… hoại diệt tức thời.
14. Các ông thiện tri thức! Chơn như tự tánh (của mình) khởi niệm, sáu căn tuy có thấy, nghe, biết, rõ, nhưng nếu chẳng nhiễm muôn cảnh thì chơn tánh của mình vẫn luôn luôn tự tại. Do cái lẽ này mà kinh Phật nói: “Khéo phân rành các pháp tướng, mà nghĩa thứ nhứt là chẳng động.”[8]
* * *
CHÚ GIẢI
(1) Một hạnh tam muội.
Tam muội, tiếng Phạn là Samadi, Trung Hoa dịch là Chánh định. Tổ giải thích Một hạnh chánh định như thế này: Bất cứ đi, đứng, nằm, ngồi, ở đâu, chỗ nào, làm việc chi, đều giữ một lòng ngay thẳng, đó là Một hạnh tam muội.
Lời giảng của Tổ không có gì khó hiểu, chỉ có ba tiếng “lòng ngay thẳng” là khó hiểu đối với người không nghiên cứu. Lòng ngay thẳng, tiếng Hán Việt gọi là trực tâm. Kinh Tịnh Danh có nói: “Trực tâm là đạo tràng, trực tâm là tịnh độ.” Phẩm thứ ba nói về Quyết Nghi, Tổ cũng có nói: “Lòng thẳng không cần dụng tâm tu thiền định” (Trực tâm hà dụng tu thiền).
— Thẳng là gì?
— Thẳng là ngay thẳng, là con đường giữa, tức là Trung đạo vậy. Đây là Trung đạo của hàng Bồ tát, gọi là Trung đạo diệu đế, hay là Trung đạo đệ nhứt nghĩa đế, cũng gọi là Tuyệt Đãi Trung đạo. Không nên lầm Trung đạo của hàng Thinh văn, Duyên giác. Bởi Trung đạo của Nhị thừa còn chấp chính giữa (chấp trung), nó thuộc về “đối thiên trung” hay “Trung đạo tương đối” chớ chẳng phải Tuyệt đãi trung là một pháp rốt ráo viên mãn, chẳng những không chấp hai tướng đối đãi (hai bên biên kiến) mà cũng chẳng trụ vào chính giữa. Nếu còn trụ vào chính giữa (chấp trung) thì chưa thoát ly được hai bên biên kiến, bởi vì, còn có chính giữa, tức là tại có hai bên. Trực tâm không ngả hai bên, nên chính giữa cũng không. Hễ thực hiện được trực tâm, thì không còn mê chấp vào các tướng đối đãi như: mê giác, chơn vọng, uế tịnh, thiệt giả, phải quấy, nên hư, thương ghét v.v... nghĩa là nhứt trần bất nhiễm, tức là hoàn toàn thanh tịnh.
Trung đạo đệ nhứt nghĩa đế, cũng gọi là rốt ráo viên mãn. Chứng được Trung đạo, cũng gọi là chứng Viên giác. Tới đây rồi không thiền, nên gọi là viên dung bình đẳng, tức Sắc tức Không.
Lòng thẳng cao siêu như vậy, nên Tổ mới nói: Lòng thẳng không cần giữ giới, không cần tu thiền. Chính lòng thẳng là đạo tràng, là tịnh độ duy tâm, là nhập vào chánh định (tam muội).
Nhứt hạnh tam muội là như vậy. Nhưng theo lời Tổ nói thì có nhiều người lầm hiểu cái nghĩa sâu xa của nó, nên lập hạnh tam muội bằng cách “ngồi yên chẳng động, lòng vọng chẳng khởi.” Nghĩa là ngồi chết đơ như tảng đá, hòn gạch, không tri không giác. Sở dĩ có sự lầm lạc như vậy, là tại người ta không hiểu cái nghĩa Chánh định.
Chánh định không phải là cảnh giới huờn hư. Cảnh giới huờn hư tuy không dùng trí huệ quán chiếu, chớ trong lòng vẫn sáng suốt không hôn trầm. Chánh định không phải cảnh giới vô ký, chẳng khởi thiện, chẳng khởi ác. Chánh định không phải cảnh giới hôn trầm mơ mơ màng màng như nửa tỉnh nửa say, hoặc mê ly trong giấc ngủ ngồi.
Chánh định không phải cảnh giới trầm không thủ tịch (đắm không giữ lặng, an trụ vào cảnh hư vô tịch diệt). Chánh định chẳng phải chấp không, duyên tâm nơi cái trống không. Tất cả sự lầm lạc nghĩa Chánh định trên đây, đã có hồi đức Thế Tôn còn tại thế, nên Phật thường quở những người dùng lầm công phu chánh định như trên đây là khôi tâm diệt trí (lòng nguội lạnh như tro tàn thì diệt mất trí tuệ), làm đoạn mất chủng tánh bồ đề, trong sách Phật gọi là chồi khô giống lép, là cây khô cá chết.
Đừng thấy nói cảnh giới chánh định xa lìa hai tướng đối đãi, rồi cho rằng không không chẳng có gì hết. Đành rằng thế pháp và Phật pháp kiến lập do hai tướng đối đãi, nếu lìa hai tướng thì chẳng có gì hết. Nhưng cái nghĩa xa lìa đây, là cái nghĩa phá chấp, phá sự thiên trệ (ngưng trệ một bên) đặng ngộ nhập đúng thiệt tướng, đúng chơn lý của cái nghĩa viên dung bình đẳng, chớ chẳng phải diệt hết sự phân biệt tiền trần, thành ra cái tâm chết. Thế thì:
Cảnh giới chánh định, là cảnh giới trí huệ viên dung bình đẳng. Cảnh giới này cũng còn phân biệt các pháp, nhưng nghĩa thứ nhứt là chẳng động.
Cảnh giới chánh định đối với hai tướng chỉ tuỳ thuận theo phương tiện chớ chẳng phải mê nhiễm.
Cảnh giới chánh định xem hai tướng đối đãi là bình đẳng viên dung chớ không sai biệt.
Cảnh giới chánh định, tuy phân rành các pháp, nhưng không lấy không bỏ.
Cảnh giới chánh định là xa lìa cả thảy tướng, tức Phật. (Ly nhứt thiết tướng tức danh chư Phật).
Cảnh giới chánh định là Vô sở trụ tướng.
Cảnh giới chánh định là Chơn không diệu hữu.
Nói tóm lại, cảnh giới chánh định y như cảnh giới Chơn không. (đã giải rồi).
Cái nghĩa Nhứt hạnh tam muội là như thế, nhưng vì chưa hiểu, tưởng rằng xả bỏ hai tướng đối đãi thì lòng còn trống rỗng. Kinh luận bảo đừng trụ, đừng chấp, đừng mê nhiễm hai tướng, chớ đâu có bảo xả bỏ hai tướng.
Đối với hai tướng, chỉ dùng một diệu phương là không lấy (thủ) mà cũng không bỏ (xả). Vì lầm hiểu, nên kẻ này dạy người kia, người kia dạy kẻ nọ cùng nhau “xem lòng quán tịnh,” làm cho thân tâm chết đơ, chẳng động mà cũng chẳng khởi một niệm gì ráo.
(2) Xem lòng quán tịnh.
Trong Luận chỉ quán có nói: “Nhiều người tu hành chỉ duyên tâm nơi một sự (không nghĩ niệm). Nghĩa là dùng vô niệm (không nhớ tưởng gì hết) làm cảnh giới. Làm như vậy, tâm thức bị cảnh giới vô niệm trói buộc, tâm leo chuyền theo ngoại cảnh không còn khởi ra được. Vì vậy, đối với pháp trần, vọng niệm không còn dấy lên nữa, bèn lầm nhận cho mình đã được thanh tịnh rồi. Tâm trạng như cây khô cá chết ấy, là cảnh giới chấp không mà chẳng tự biết, lại cho là kho báu vô tận, là tu pháp chơn thật cao siêu.”
Vì lầm lạc như vậy, nên cứ dùng cái công phu sát tâm sanh mỗi lần vọng tưởng dấy lên, rồi cho mình chứng được cảnh giới vô niệm. Luôn luôn ngày đêm, cứ theo cái đà không niệm tưởng ấy mà trở nên thuần thục, tâm trạng trống không, tự nhiên hình như tâm thức không còn tác động nữa. Nhưng phải biết rằng: Vọng tâm sanh diệt vẫn còn lưu động và phát khởi từng hồi, một cách hết sức vi tế trong từng sát na mà không biết nổi. Nếu còn vọng niệm tế vi, tức là vô minh chưa trừ dứt, tự mình không biết ở địa vị tu chứng nào, lại cho rằng lòng mình đã an trụ tịch tịnh vào chơn như tam muội.
(3) Vô niệm là ở nơi niệm mà lìa niệm.
Tổ đã giảng giải pháp vô niệm ở phẩm thứ hai (nói về Bát Nhã, câu 35) rằng: “Bằng thấy cả thảy pháp trần, mà lòng chẳng mê nhiễm, ấy là Vô niệm.” Nơi đây Tổ nói: “Ở nơi niệm mà lìa niệm, ấy là Vô niệm,” hai câu tuy khác mặt chữ, mà đồng một lý.
Thế nào là ở nơi niệm mà lìa niệm? Tổ giải thích vắn tắt như vầy: “Hằng ngày tiếp xúc với cảnh vật, nhưng lòng không bao giờ mê nhiễm, đó là vô niệm.”
Chữ niệm có nghĩa là ghi nhớ, nghĩ nghị, tưởng tượng. Niệm tuy có nhiều thứ, nhưng tổng quát lại chỉ có hai thứ: một là niệm chánh, hay là niệm tà. Khi mới tu hành thì luôn dùng chánh niệm, để cho trần lao tà kiến không xâm phạm cõi lòng. Chừng lên được bực cao hơn, bực đã thanh tịnh, thì chẳng những không có tà niệm đã đành mà cũng không chấp chánh niệm nữa. Bởi vì, đã dứt bịnh nên không còn phục dược. Phải biết rằng: chánh niệm hay tà niệm, cũng toàn là vọng cả. Thế thì biết rằng bịnh mê không thiệt có, mà thuốc giác cũng chẳng thiệt có.
Người đời đạp gai lấy gai mà lể, đó là cái nghĩa lấy vọng này mà trừ vọng kia (dĩ vọng trừ vọng). Cái gai đạp đó ví như tà niệm, cái gai dùng để lể ví như chánh niệm. Tà niệm ví như bịnh mê, chánh niệm ví như thuốc giác, cả hai đều là vọng. Nhưng, sở dĩ có bịnh mới uống thuốc. Nếu như xưa không bịnh, thì nay cũng chẳng có thuốc. Bịnh mê cũng ví như hoa đốm sanh ở hư không; bịnh dứt, tợ như hoa đốm diệt ở hư không. Thật sự thì hư không chẳng sanh hoa đốm, chỉ vì đau mắt mà thấy có hoa đốm. Nếu hư không chẳng có chỗ sanh hoa đốm, thì hoa đốm chẳng có chỗ diệt ở hư không. Thế có nghĩa là hoa đốm không có xứ sở (không căn cứ), bịnh mê của chúng sanh cũng y như vậy.
Chúng sanh trước chẳng sanh bịnh mê, thì nay cũng chẳng có bịnh mê nào phải diệt. Thế thì bịnh mê không thiệt có, nhưng chẳng phải là không hẳn. Cũng như chiêm bao tuy có, đến lúc tỉnh dậy mới biết là không. Chính vì chúng sanh lầm, nghĩa là đang sống trong cõi mộng, nên thấy có bịnh mê và cần phải có thuốc giác, tức là thấy có chúng sanh tu hành thành Phật. Khi ngộ thì chẳng thấy có gì gọi là thành Phật. Bởi vì, bổn tánh trong khi làm chúng sanh và bổn tánh trong khi làm Phật cũng vẫn là một, chẳng có gì khác, chẳng có gì thay đổi. Thế thì bổn tánh trước chẳng là chúng sanh, thì nay cũng chẳng là Phật. Phật và chúng sanh chỉ có danh, là hai tướng đối đãi giả lập trong lúc mê đó thôi.
Thế thì, theo chơn lý rốt ráo mà nói, các pháp xuất thế như bồ đề, Niết bàn, Pháp thân, Bát nhã v.v… toàn là vọng, vì kẻ mê mà lập ra. Lập ra để cho kẻ mê nương theo đó mà trừ vọng, cũng như dùng gai mà lể gai vậy. Do lẽ này, người kiến tánh đến chỗ rốt ráo phải xa lìa hai tướng, gọi là ở nơi tướng mà lìa tướng. Bởi vì, tà cũng tướng, mà chánh cũng tướng, vọng cũng tướng mà chơn cũng tướng.
Đã bỏ một bên tà, vọng, lại đi lấy một bên chánh, chơn hay sao? Đó là cái nghĩa không lấy không bỏ, cái nghĩa không tức không ly, tức như Tổ nói: “Ở nơi tướng mà lìa tướng” vậy. Nếu ở nơi tướng mà lìa tướng như trên đây, thì ở nơi niệm mà lìa niệm là thế. Niệm chánh, niệm tà, niệm chơn, niệm vọng, niệm giác, niệm mê, cũng là tướng cả. Đã bỏ những cái niệm tà vọng, lại đi chấp cái niệm chánh chơn hay sao. Bất cứ niệm chánh hay niệm tà, cũng đều xa lìa, gọi là vô niệm. Ở nơi niệm mà lìa niệm là như thế.
(4) Vô tướng là ở nơi tướng mà lìa tướng.
Nhiều người tu hành, nghe nói vô tướng rồi lầm tưởng rằng, không sắc tướng, không hình tướng gì hết, không không, trống rỗng. Cái nghĩa vô tướng của đại thừa Bồ tát chẳng phải như vậy. Hư không còn chẳng không được, có cái gì mà không không; cho đến chơn như cũng chưa phải là không hẳn. Vô tướng nghĩa là không chấp pháp, bất cứ pháp gì. Cái lông rùa, sừng thỏ, cái ngoan không mà chấp, cũng là hữu tướng chớ chẳng phải vô tướng. Cho đến Bồ đề, Niết bàn, Chơn như, Phật tánh, nếu còn chấp là còn tướng. Trái lại, sắc tướng mà không chấp, thì là vô tướng. Thế thì vô tướng, là chẳng chấp chẳng trụ tướng.
Đừng nghe Tổ nói rằng: “Ở nơi tướng mà lìa tướng”rồi lánh trần. Hiểu như vậy là lầm. Bởi vì, làm sao lánh được khi còn ăn, mặc, ở, còn sắc thân đi, đứng, nằm, ngồi. Phải biết rằng dầu trọn đời vô trong hang sâu ngồi tu, cũng không xa lìa các tướng được, cho đến bỏ xác phàm cũng chưa lìa tướng nữa. Thế thì, lìa tướng có nghĩa như vô tướng, là chẳng chấp, chẳng trụ tướng.
(5) Vô niệm, là không niệm những việc gì? Còn Hữu niệm, là có niệm việc chi? Vô niệm là không niệm hai tướng đối đãi, nhứt là không niệm các thứ trần lao phiền não. Còn niệm là niệm bổn tánh chơn như. (Vô giả, vô hà sự? Niệm giả, niệm hà vật? Vô giả, vô nhị tướng, vô chư trần lao chi tâm. Niệm giả, niệm chơn như bổn tánh.)
Câu nói trên đây tối nghĩa, nếu không muốn nói là mâu thuẫn. Bởi vì, đã bảo đừng niệm hai tướng đối đãi, nghĩa là không niệm tà, không niệm chánh, không niệm mê không niệm giác v.v… thì tại sao câu kế đó bảo niệm bổn tánh chơn như? Chơn như là một pháp đối đãi với vọng tưởng, chơn như và vọng tưởng đối lập nhau. Xả bỏ (nghĩa là không trụ chấp) hai tướng đối lập, tức là xả luôn chơn như và vọng tưởng. Trong hai tướng, nếu còn chấp một, thì chẳng phải là pháp môn chẳng hai. Muốn cho đoạn này không mâu thuẫn, phải chia ra làm hai giai đoạn tu chứng: Giai đoạn thứ nhứt, nếu người nào đã kiến tánh mà đạo lực còn non, chưa hoàn toàn thanh tịnh, thì hộ niệm đạo tâm bằng cách niệm chơn như, niệm Phật, niệm pháp v.v… Đó là cái nghĩa còn niệm. Trái lại, bực đã hoàn toàn thanh tịnh, đã đến bờ kia (ba la mật) thì không còn niệm hai tướng, lòng đã siêu thoát ngoài vòng đối đãi, không cần hộ niệm đạo tâm bằng cách niệm chơn như bổn tánh, hay là niệm Phật, niệm pháp nữa. Đó là cái nghĩa vô niệm.
Hai bực trên đây, tuy có kẻ thấp người cao, nhưng cả hai phải dùng một phương tiện duy nhứt là tuỳ duyên để đối phó với hoàn cảnh thực tại, khi còn mang xác phàm. Nghĩa là cũng còn ăn, còn mặc, còn ở, còn gia đình, còn giữ nghề nghiệp sanh sống, nhưng tuỳ lúc tuỳ thời, giảng nói Phật pháp mà độ chúng sanh. Nếu còn ăn, còn mặc, còn ở, còn sanh sống v.v… thì còn niệm thế pháp. Nhưng, cái niệm này vì tuỳ duyên trong lúc còn mang xác phàm mà niệm, chẳng phải vì ô nhiễm mà niệm.
Nếu ai đã hoàn toàn thanh tịnh mà dứt hết các niệm tưởng, thì người ấy đi lạc vào nẻo thiên không (thiên chấp cái không) cũng như cây khô cá chết. Đối với các pháp trần, người đã hoàn toàn thanh tịnh, thì không cần phải bỏ, tức là còn niệm, nhưng mà cũng không lấy, tức là không còn mê chấp. Đối với pháp trần, nếu bỏ thì khô định, nếu lấy thì là chúng sanh còn mê chấp. Nếu bỏ thì thuộc về Đoạn kiến, còn lấy thì thuộc về Thường kiến, đều là tà kiến cả. Nói tóm lại, khi còn mê chấp, thì sáu căn còn nhiễm sáu trần. Trái lại, lúc thanh tịnh thì sáu căn cũng thanh tịnh. Năm căn đầu là “Trí thành sở tác,” Ý thuộc “Trí diệu quan sát.”
Chẳng phải đóng bít sáu căn mà gọi thanh tịnh. Bằng cớ là Tổ nói: “Các ông thiện tri thức! Chơn như tự tánh của mình khởi niệm, sáu căn tuy có thấy, nghe, biết, rõ, nhưng chẳng nhiễm muôn cảnh, nên chơn tánh của mình vẫn luôn tự tại. Do cái lẽ này mà kinh Phật nói: Khéo phân rành các pháp, mà nghĩa thứ nhứt là chẳng động.”
=======================
=======================
PHẨM THỨ NĂM
DIỆU HẠNH
Tổ dạy các chúng rằng:
1. Này các ông thiện tri thức! Pháp môn ngồi thiền này, nguyên chẳng phải chấp tâm, chẳng phải chấp tịnh, và cũng chẳng phải chẳng động. Bằng nói rằng chấp tâm, thì tâm là gốc vọng tưởng. Vì biết tâm là tướng giả mị, nên không có chỗ chấp. Còn như nói chấp tịnh, thì phải biết rằng gốc tánh của mình vốn tịnh; nhưng chỉ vì vọng niệm che lấp bổn tánh chơn như, bằng mình không vọng tưởng, thì gốc tánh thanh tịnh của mình hiển hiện. Nếu khởi niệm chấp tịnh, thì sanh ra tịnh vọng. Cái vọng vốn không xứ sở (không căn cứ), nếu chấp vào đâu, thì cột vào đó. Cái vọng còn như thế, huống hồ cái tịnh vốn không có hình tướng, mà lại lập ra cái tướng tịnh bằng cách chấp tịnh, bèn cho đó thiệt là công phu của mình. Chỗ hiểu biết như vậy, là mình tự che lấp bổn tánh của mình, trở lại bị cái tướng tịnh nó trói buộc.[9]
2. Các ông thiện tri thức! Nếu tu pháp “chẳng động” thì trong khi thấy tất cả mọi người, mọi cảnh mà mình chẳng thấy những điều lành dữ, phải quấy, nên hư, còn mất, có không, khen chê, tốt xấu, thiện ác, mê giác, chơn giả, thương ghét, v.v… và cũng không thấy cái quấy của mọi người, tức là tánh mình chẳng động.[10]
3. Các ông thiện tri thức! Những kẻ mê lầm, thân tuy chẳng động, nhưng hễ mở miệng ra thì đầy dẫy những lời khen chê, phải quấy, tốt xấu, hay dở v.v… của người khác. Người như vậy, còn kẹt hai tướng đối đãi, trái hẳn với đạo vậy. Bởi thế cho nên, nếu chấp tâm, chấp tịnh, là tự mình ngăn lấp đạo tâm vậy.
4. Các ông thiện tri thức! Thế nào gọi là toạ thiền? Pháp môn này không ngăn ngại, là vì đối với tất cả cảnh vật bề ngoài như: Lành dữ, phải quấy, nên hư, tốt xấu v.v… lòng mình chẳng dấy tưởng, gọi là toạ. Bên trong thấy tự tánh của mình chẳng động, gọi là thiền.
5. Các ông thiện tri thức! Thế nào gọi là thiền định? Ngoài lìa các tướng là thiền, trong lòng chẳng loạn là định. Nếu ngoài còn chấp tướng, thì trong lòng ắt loạn. Bằng như ngoài lìa các tướng, thì trong lòng tất nhiên chẳng loạn. Bổn tánh của mình tự tịnh, tự định; nhưng chỉ vì mình thấy cảnh rồi hay mê luyến vọng tưởng theo cảnh, nên lòng sanh loạn động. Nhược bằng thấy cả thảy các cảnh, mà lòng chẳng loạn động, đó mới thiệt là chơn định.
6. Này các ông thiện tri thức! Ngoài lìa tướng tức thiền, trong chẳng loạn tức định. Ngoài thiền, trong định, gọi là thiền định. Lòng mình sẵn tịnh định như vậy, nên trong kinh Bồ tát giới nói: “Bổn tánh của ta vốn sẵn thanh tịnh.”
7. Thiện tri thức! Ở trong mỗi niệm, mình tự thấy bổn tánh thanh tịnh và mình tự tu hành, tu thành Phật đạo.
* * * * * *
CHÚ GIẢI
Pháp môn ngồi thiền này, nguyên chẳng phải chấp tâm, chẳng phải chấp tịnh, và cũng chẳng phải chẳng động.
Đạo Phật dạy tu tâm, nếu không biết tâm là gì, khó mà học Phật. Tâm có nhiều thứ: nào là tập khởi tâm, duyên lự tâm, nhục đoàn tâm v.v… Nhưng, đại khái muốn cho mau hiểu, chỉ có hai thứ: Vọng tâm và Chơn tâm. Vọng tâm là những tâm tham lam, tâm giận hờn, tâm thương ghét, tâm ích kỷ, tâm chấp có, tâm chấp không, tâm thiền định, tâm nhẫn nhục, tâm niệm Phật, tâm bố thí, tâm trì giới v.v…
Chơn tâm thì không có hai tướng. Những danh từ Bồ đề, Niết bàn, Pháp thân, Bát nhã, Phật tánh, Thiền định, Nhẫn nhục v.v… cũng đều là giả, chỉ cưỡng danh đặt ra để thức tỉnh kẻ tu hành hầu thấu triệt cái thể như như thường trụ diệu minh của mình. Nếu ai còn chấp danh từ trong kinh sách Phật, hoặc chấp chơn lý như thế này thế nọ, đều là còn mê, chưa phải là bực hoàn toàn minh tâm kiến tánh. Bởi vì, những danh từ ấy, những chơn lý ấy, toàn là những phương tiện để cho người tu hành phá mê huờn lại giác, tức là từ vọng tâm mà hoàn về chơn tâm bổn tánh của mình.
Vọng tâm và chơn tâm có khác nhau chăng?
Đây là một điểm chánh cho người tu Phật phải chú ý vậy. Vọng tâm ví như sóng, Chơn tâm ví như nước. Nước với sóng, danh tuy hai mà thể đồng có một. Cũng như phiền não với bồ đề, chúng sanh và Phật, chơn như và vọng tưởng v.v… chẳng sai biệt.
Vì không sai biệt, nên không xa lìa hẳn, hoặc dứt mất cái vọng mà tầm cái chơn được. Bởi vì nếu xa lìa vọng thì cũng xa lìa chơn, bởi chơn với vọng không phải hai thể. Dứt mất cái vọng thì chơn cũng chẳng còn. Chẳng khác nào liệng bỏ chiếc xuyến, thì vàng cũng chẳng còn, là vì vàng với xuyến, tên tuy hai mà thể vốn đồng.
Do vậy, cái yếu lý của pháp thiền là biết được vọng, thì vọng tức chơn. Trái lại, chấp chơn thì chơn sẽ thành vọng. Vì lẽ đó, người tu Phật muốn đạt cảnh giới minh tâm kiến tánh, luôn luôn phải biết vọng tâm của mình, phải biết tâm chúng sanh của mình, thì chừng đó mới có thể nói tham thiền minh tâm kiến tánh được.
Nhưng tham thiền không có nghĩa là ngồi tầm xét chơn lý, hoặc chấp tâm, hoặc duyên với cảnh giới tịnh định, thành ra sai với pháp Tự tánh thanh tịnh thiền, là một pháp hết sức cao siêu. Những kẻ phàm phu còn chấp tướng, chấp cảnh, còn ô nhiễm ngoại trần, không thể nào làm được. Bởi phàm phu chưa hiểu thế nào là chơn tâm, vọng tâm.
Chơn tâm, vốn không có hai tướng đối đãi. Để cho lòng tự nhiên đừng duyên vào đâu, đừng khởi niệm một pháp nào, thì chơn tâm hiển hiện. Trái lại, nếu duyên với thiền định, thì bị cảnh giới tham thiền trói buộc, duyên với cảnh giới thanh tịnh, thì bị tịnh tướng trói buộc, cho đến duyên với Niết bàn, Bồ đề, Pháp thân v.v… thì cũng bị các pháp ấy trói buộc.
Những bực hoàn toàn minh tâm kiến tánh, duyên vào đâu, thế pháp hay xuất thế pháp, đều không bị trói buộc. Là vì bực này đã thấu triệt nguồn gốc các pháp, nên duyên vào đâu, đó là tuỳ duyên, chớ chẳng phải mê nhiễm, chẳng phải bị cột trói.
Chơn tâm vốn sẵn tự định, tự tịnh, nhưng vì mê trần, nên bị trần che lấp, thành ra mình không thấy được cái bản thể tịnh định ấy. Bỏ cái lòng mê trần, tức là bỏ cái lòng ô nhiễm ngoại cảnh, đừng chấp hai tướng đối đãi, đó là ngoài thiền. Không còn ô nhiễm ngoại cảnh, trong lòng tự nhiên thanh tịnh, gọi là trong định. Ngoài lìa các tướng là thiền, trong chẳng loạn động là định, ngoài thiền trong định là như vậy. Thiền định như thế, chẳng cần phải ngồi, bất cứ đi đứng, nằm ngồi, làm việc chi, ở đâu, chỗ nào, cũng là thiền định cả.
Thiền định như vậy, chẳng phải chẳng động, bởi vì còn đi, đứng, ăn uống, nằm ngồi, chuyện vãn, tiếp khách, làm việc. Nhưng, động là tự động tuỳ duyên chớ chẳng phải bị động như những kẻ phàm phu mê nhiễm, bị ngoại trần lôi cuốn.
Muốn tu pháp bất động (chẳng động), chỉ phá cái tâm mê nhiễm ngoại cảnh sáu trần, đừng chấp các pháp tướng, đừng trụ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, chớ chẳng phải ngồi chết đơ, hoặc lim dim trong tịnh thất mà gọi là chẳng động. Bằng cớ là Tổ nói: Các ông thiện tri thức! Nếu tu pháp chẳng động, trong khi thấy tất cả mọi người, mọi cảnh mà mình chẳng thấy điều lành dữ, tốt xấu, thiện ác, mê giác...
=======================
=======================
PHẨM THỨ SÁU
SÁM HỐI
1. Một ngày kia, Đại sư thấy những người ở Quảng Châu, Thiều Châu, và những nho sĩ cùng thứ dân trong bốn phương hội họp giữa chùa chờ nghe pháp. Đại sư thấy vậy, bèn thay y lên pháp toà, bảo các chúng rằng:
Lại đây, các ông thiện tri thức! Việc tu hành, là phải noi theo trong tâm của mình mà khởi ra vậy. Bất cứ trong giờ khắc nào, luôn niệm niệm tự tịnh lấy lòng mình, tự trau dồi hạnh đức của mình, tự thấy pháp thân, tự thấy Phật lòng, tự độ, tự răn, chẳng phải tìm kiếm bề ngoài mà đến cảnh giới ấy được.(1)
2. Quí ông từ phương xa lại đây, hội hiệp chốn này, đều là những bực có duyên lành. Nay các ông làm lễ quì, trước hết tôi phó truyền trong tánh của mình có năm phần hương pháp thân,(2) sau đó sẽ trao cho pháp sám hối vô tướng.
3. Các chúng làm lễ quì. Đại sư nói rằng:
4. Một là Giới Hương, tức là trong lòng mình không quấy, không dữ, không ganh ghét, không tham lam giận hờn, không cướp giật sát hại, gọi là Giới hương.
5. Hai là Định Hương, tức là xem thấy cảnh trần sắc tướng, những điều lành dữ, mà lòng mình không loạn động, đó là Định hương.
6. Ba là Huệ Hương, nghĩa là tự tâm của mình không ngăn ngại, hằng dùng trí huệ xem xét tánh mình, chẳng tạo tác các điều hung ác. Ngoài ra tuy tu các pháp lành mà lòng chẳng chấp trước. Biết kính người trên, biết nghĩ đến kẻ dưới, biết thương xót những người côi cút bần hàn v.v… đó là Huệ hương.
7. Bốn là Giải thoát Hương, nghĩa là tự lòng mình không có chỗ nào đeo níu vịn theo ngoại cảnh, chẳng nghĩ lành, chẳng nghĩ dữ, lòng mình tự tại không ngăn ngại, gọi là Giải thoát hương.
8. Năm là Giải thoát Tri kiến Hương, nghĩa là lòng mình chẳng những không đeo níu theo những điều thiện ác, hai tướng, mà cũng chẳng sa đắm cái “không không,” chẳng chấp giữ cái “vắng lặng” (trầm không thủ tịch). Mình phải cố gắng học rộng, nghe nhiều mới mong biết được bổn tâm của mình. Khi đã thấu triệt nghĩa lý nhà Phật rồi, hoà quang tiếp vật (nhập thế), không chấp tướng nhơn ngã, thẳng tiến đạo bồ đề. Chơn tánh của mình không có chi thay đổi, gọi là Giải thoát Tri kiến Hương.
9. Này các ông thiện tri thức! Năm phần hương ấy, mỗi người tự xông ướp lấy trong lòng mình, chẳng phải đeo theo bề ngoài tìm kiếm.
10. Sẵn đây tôi truyền luôn cho các ông pháp Vô tướng sám hối hầu dứt các nghiệp tội đã tạo ra trong ba đời, khiến cho ba nghiệp được trong sạch.
11. Này các ông thiện tri thức! Các ông hãy cùng nhau một lượt nói theo tôi đây:
Chúng đệ tử này, từ niệm trước, niệm nay cho tới niệm sau, niệm niệm chẳng nhiễm theo sự ngu si mê lầm. Bao nhiêu những tội ác nghiệp thuộc về ngu si mê lầm đã gây tạo từ trước thảy đều sám hối, nguyện tiêu diệt trong một khắc, vĩnh viễn không dấy lại nữa.
12. Chúng đệ tử này, từ niệm trước, niệm nay cho tới niệm sau, niệm niệm chẳng nhiễm theo sự kiêu căng giả dối, lường gạt. Bao nhiêu những tội lỗi ác nghiệp thuộc về kiêu căng giả dối, lường gạt đã gây tạo từ đời trước, thảy đều sám hối, nguyện tiêu diệt trong một khắc, vĩnh viễn chẳng dấy lại nữa.
13. Chúng đệ tử này, từ niệm trước, niệm nay, cho đến niệm sau, niệm niệm chẳng nhiễm theo sự ganh hiền ghét ngõ. Bao nhiêu tội lỗi ác nghiệp thuộc về ganh hiền ghét ngõ đã gây tạo từ trước, thảy đều sám hối, nguyện tiêu diệt trong một khắc, vĩnh viễn chẳng dấy lại nữa.
Các ông thiện tri thức! Đó là Vô tướng sám hối.
14. Sao gọi là Sám?
Sám nghĩa là ăn năn những tội lỗi như: ngu si, mê lầm, kiêu căng, giả dối, lường gạt, ganh hiền ghét ngỏ v.v… tức là những ác nghiệp đã gây tạo từ trước thảy đều ăn năn, vĩnh viễn chẳng dấy lại nữa, gọi là sám.
15. Sao gọi là hối?
Hối là tự ngăn ngừa những lỗi sau. Từ đây về sau, có những thói quen thuộc về ngu si, mê lầm, kiêu căng, giả dối, lường gạt, ganh hiền ghét ngỏ v.v… thảy đều dứt luôn, vĩnh viễn không tái phạm nữa, gọi là hối.
Đó gọi là sám hối.[11]
16. Những kẻ ngu mê chỉ biết ăn năn các tội lỗi trước, nhưng chẳng biết chừa cải ngăn ngừa lỗi sau.[12]Bởi không biết chừa cải ngăn ngừa, lỗi sau tái phạm, thì sao gọi là sám hối.
17. Này các ông thiện tri thức! Đã biết pháp sám hối rồi, bây giờ các ông cùng tôi phát bốn điều thệ nguyện rộng lớn. Các ông nên chú ý nghe đây:
Lòng mình chúng sanh vô biên, thệ nguyện độ.(3)
Lòng mình phiền não vô tận, thệ nguyện dứt.(4)
Tánh mình pháp môn vô lượng, thệ nguyện học.(5)
Tánh mình Phật đạo vô thượng, thệ nguyện thành.(6)
18. Các ông thiện tri thức! Các ông phải biết rằng: Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ, là chẳng phải Huệ Năng này độ vậy.
19. Này các ông! Chúng sanh trong lòng mình, là chỉ những thói xấu tật hư như lòng tà mê, lòng giả dối, lòng chẳng lành, lòng ganh ghét, lòng độc dữ, v.v… Những lòng ấy, đều gọi là chúng sanh. Các ông phải dùng tánh mình mà tự độ lấy, mới thật là Chơn độ.
– Thế nào gọi là tánh mình tự độ lấy?
– Nghĩa là trong lòng mình có đủ các thứ chúng sanh nào là tà kiến, phiền não, ngu si v.v… đều phải dùng chánh kiến mà độ lấy mình. Người nào đã có chánh kiến, tức là người ấy biết dùng trí bát nhã, đánh dẹp những chúng sanh ngu si, mê vọng. Mỗi mỗi chúng sanh đều tự độ lấy như vầy: Hễ tà đến thì dùng chánh mà độ, mê đến thì dùng ngộ mà độ, ngu đến thì dùng trí mà độ, ác đến thì dùng thiện mà độ, v.v… Độ như vậy mới gọi là Chơn độ.
20. Phiền não vô tận thệ nguyện dứt, nghĩa là dùng trí bát nhã trong tánh mình trừ dẹp những tư tưởng giả dối.
21. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học, nghĩa là hằng thấy tánh mình và trau dồi nó bằng cách làm theo chánh pháp.[13]Nghĩa là để lòng làm những việc chơn chánh.
22. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành, nghĩa là: phải năng để lòng hành theo con đường chơn chánh như: lìa mê, lìa giác, nhứt là phải thường phát sanh trí bát nhã đặng trừ chơn trừ vọng, tức là kiến tánh, tức là dưới lời nói liền thành Phật đạo. Hằng ngày, nhớ tu hành như vậy, ấy là cái năng lực vô biên của pháp [tứ hoằng thệ nguyện].
23. Này các ông thiện tri thức! Nay mấy ông đã phát thệ bốn hoằng nguyện rồi, tôi xin vì mấy ông mà trao cho ba món “Qui y vô tướng.”
24. Các ông! Ba món qui y vô tướng là: Qui y giác là Lưỡng túc tôn,(7) Qui y chánh là Ly dục tôn,(8) Qui y tịnh là Chúng trung tôn.(9)
Từ đây về sau, nhận Giác tánh làm thầy, nương theo đó mà tu hành, chẳng nương theo tà ma ngoại đạo. Ấy là dùng Tam Bảo nơi tánh của mình mà chứng minh sự tu hành của mình vậy.
25. Vậy, tôi khuyên các ông thiện tri thức, hãy qui y Tam Bảo nơi tánh của mình. Tam Bảo tự tánh là:
– Phật là Giác (tánh giác ngộ).
– Pháp là Chánh (tánh chơn chánh).
– Tăng là Tịnh (tánh thanh tịnh).
26. Nếu qui y giác nơi tánh mình, thì chẳng sanh lòng tà mê vọng tưởng, ít dục, biết đủ, hay xa lìa tài, sắc, gọi là Lưỡng túc tôn.
27. Nếu qui y chánh nơi tánh mình, thì niệm niệm không tà kiến. Không tà kiến thì không chấp có ta, có người, và có các thói xấu tật hư, như kiêu ngạo, tham lam, ưa muốn quyến luyến trần gian, gọi là Ly dục tôn.
28. Nếu qui y tịnh nơi tánh mình, thì tất cả cảnh giới trần lao ái dục đều chẳng nhiễm, gọi là Chúng trung tôn.
Ba món qui y trên đây, nếu ai làm theo hạnh ấy, mới thiệt là tự qui y với tánh của mình.
29. Những kẻ phàm phu chẳng hiểu biết, từ ngày chí đêm, thọ tam qui, nói rằng qui y với Phật, thử hỏi Phật ở xứ nào mà qui? Nếu chẳng thấy Phật ở đâu, thì làm sao mà nương về? Còn qui y với Phật bề ngoài, hẳn thật là không phải lẽ vậy.
30. Này các ông thiện tri thức! Các ông nên tự mình suy xét mới tránh được lầm lạc. Trong kinh chỉ dạy rành rẽ cách thức qui y Phật lòng mình, chẳng có chỉ dạy qui y với Phật nào khác. Nếu Phật lòng mình mà chẳng qui (theo) thì cũng chẳng có y (nương) vậy.
31. Ngày nay có lẽ các ông đều đã tỉnh ngộ, vậy phải qui y Tam Bảo nơi tánh mình. Bên trong thì điều hoà tâm tánh, bên ngoài thì kính nhường mọi người, đó là mình qui y Tam Bảo nơi lòng mình vậy.
32. Các ông thiện tri thức! Đã qui y Tam Bảo nơi lòng mình rồi, các ông hãy chăm lòng, tôi vì các ông mà giảng nói:
“Phật nơi tánh mình một thể mà có Ba thân, khiến cho ai nấy đều thấy được ba thân, tự tỏ ngộ lấy tánh mình.” Vậy các ông hãy nói theo tôi đây:
Từ nơi sắc thân mình, qui y thanh tịnh Pháp thân Phật.
Từ nơi sắc thân mình, qui y ngàn trăm ức Hoá thân Phật.
Từ nơi sắc thân mình, qui y viên mãn Báo thân Phật.
33. Này các ông thiện tri thức! Sắc thân thiệt là nhà trọ, chẳng khá nói là nẻo trở về (quy hướng). Ba thân Phật đều ở trong tánh của mình, cả thảy người đời đều có đủ, nhưng vì lòng mê muội nên chẳng thấy trong thân mình có ba thân Phật, lại đi tìm kiếm ba thân Phật ở ngoài. Các ông khá nghe lời tôi giảng dạy, khiến cho cả thảy ai nấy từ nơi trong thân của mình thấy được tự tánh có ba thân Phật.
Phải biết rằng, ba thân Phật do trong tự tánh [của mình] sanh ra, chẳng phải do bề ngoài mà tìm thấy được.
34. Thế nào gọi là Qui y thanh tịnh Pháp thân Phật?
Người đời tự tánh vốn thanh tịnh, muôn pháp đều do tự tánh sanh ra. Nếu trong lòng lo lường việc dữ, thì sanh ra hạnh dữ, bằng như lo lường việc lành, thì lẽ tất nhiên sanh hạnh lành. Thế thì biết rằng, các pháp đều do trong tánh mình mà sanh ra. Tỷ như trời thường trong, nhựt nguyệt thường tỏ, nhưng vì mây nổi phủ che, nên trên sáng dưới tối. Thoảng như gặp gió thổi mây tan, trên dưới đều sáng tỏ, muôn hình ngàn tướng đều hiển hiện. Người đời cũng thế, tâm trạng chẳng khác nào như mây nổi trên trời kia che lấp bổn tánh của mình, nên sanh ra hôn ám.
35. Này các ông thiện tri thức! Trí như mặt nhựt, Huệ như mặt nguyệt. Trí huệ vốn hằng sáng, nhưng lòng mình hay chấp cảnh nơi ngoài, thường bị mây nổi vọng tưởng phủ lấp bổn tánh của mình, nên không được tỏ rạng. Nếu gặp được bực thiện tri thức, giảng giải pháp chơn chánh, rồi tự mình tìm lấy những chỗ mê vọng, thì trong tánh của mình, muôn pháp đều hiện ra, chẳng khác nào mây tan thì ánh sáng nhựt nguyệt chiếu rõ hình tướng vạn vật như đã nói thí dụ ở trên. Cảnh giới của người kiến tánh cũng y như vậy, ấy gọi là thanh tịnh Pháp thân Phật.
36. Các ông thiện tri thức! Tự lòng mình qui y với bổn tánh mình, đó mới thật là qui y với Phật thiệt. Nếu qui y với tự tánh [của mình] thì phải biết đánh dẹp tất cả chúng sanh lòng mình như: lòng chẳng lành, lòng ghen ghét, lòng dua bợ, lòng vị ngã, lòng dối quấy, lòng tham lam, sân hận v.v… và tất cả hành vi chẳng lương thiện. Bất cứ ở đâu, thời khắc nào, thường hay trở ngọn đèn lòng của mình soi vào trong, hầu tìm xét các tội lỗi của chúng sanh lòng mình. Chớ khá dụng đuốc lòng mà soi chỗ tốt xấu, nên hư, phải quấy của kẻ khác, đó mới thật là qui y với bổn tánh của mình vậy. Nhất là hãy hạ lòng cung kính tất cả mọi người, ấy mới thật là người đã kiến tánh một cách thông suốt không ngăn trệ.[14]
Ấy là cái nghĩa qui y thanh tịnh Pháp thân Phật.
37. Thế nào gọi là qui y ngàn trăm ức Hoá thân Phật?
Nếu như lòng mình chẳng nghĩ nhớ đến muôn pháp, thì hiển hiện được tánh thể rỗng rang vắng lặng, không sanh không diệt. Trái lại, bằng sanh một niệm lo lường gọi là biến hoá. Nếu lo lường việc dữ, lòng mình hoá địa ngục, lo lường việc lành, lòng mình hoá thiên đường. Lòng độc hại hoá rồng rắn, lòng từ bi hoá bồ tát, lòng trí huệ hoá cảnh trên, lòng ngu si hoá cõi dưới v.v… Lòng mình biến hoá rất nhiều không thể kể xiết, nhưng vì còn mê, nên không tự biết. Nếu lòng niệm nghĩ đến những điều chẳng lành, nên hành vi toàn là hung ác. Nếu biết đem lại một niệm nghĩ lành, thì hoá ra trí huệ, đó là qui y ngàn trăm ức hoá thân Phật.
38. Thế nào gọi là qui y viên mãn Báo thân Phật?
Tỷ như một ngọn đèn sáng hay trừ được chỗ tối tăm cả ngàn năm. Cũng như thế, một ánh trí huệ, dứt được cái ngu muôn thuở. Chớ có lo nghĩ đến việc trước, vì nó đã qua rồi, chẳng khá lo đặng. Bằng như hay suy xét những việc sau này, niệm niệm thường dùng lý trí viên dung bình đẳng, đó là tỏ sáng thấy tánh mình vậy. Cảnh giới như vậy đã viên [tròn] vì không còn thiên trệ hai bên lành dữ, công hạnh tròn đủ ấy là qui y viên mãn Báo thân Phật.
39. Nếu lòng mình khởi một niệm ác, thì nhơn lành dứt mất muôn kiếp. Trái lại, nếu lòng mình khởi một niệm thiện, thì nghiệp ác dầu nhiều như số cát sông Hằng cũng phải hết, lại tiến thẳng đến bực Vô thượng bồ đề. Niệm niệm tự thấy lòng mình đừng cho mất gốc niệm của mình, ấy là Báo thân Phật của tự tánh.
40. Này các ông thiện tri thức! Pháp thân vốn tự đầy đủ công đức, mỗi niệm trong tự tánh đều tự thấy, tức là Báo thân Phật. Tùng nơi Báo thân của mình mà lo lường, tức là Hóa thân Phật.[15]Mình tỏ ngộ, tự mình tu lấy công đức nơi tánh mình, mới thật là qui y.
41. Da thịt của chúng ta đây là Sắc thân, sắc thân là nhà trọ, không thể dùng để qui y (nương về) được.
42. Các ông! Hễ tỏ ngộ được ba thân Phật nơi tánh mình, tức là biết được Phật tánh của mình. Tôi có một bài tụng Vô tướng. Bằng ai hay trì tụng, thì dưới lời nói, khiến cho những người tội lỗi dẫy đầy từ kiếp trước đều dứt mất trong nhứt thời.
43. Tụng rằng:
Kẻ mê tu Phước chẳng tu Huệ,
Nói rằng tu Phước là tu Huệ.
Bố thí cúng dường Phước tuy nhiều,
Trong lòng ba ác vẫn còn tạo,
Tưởng rằng tu Phước tội chướng tiêu.
Đời sau được phước nhưng còn tội.
Biết trừ nghiệp tội nơi lòng mình,
Là trong tánh mình chơn Sám hối.
Tỏ ngộ Đại thừa chơn Sám hối,
Trừ tà làm chánh tức không tội.
Học đạo hằng quan sát tánh mình,
Tức cùng chư Phật đồng một loại.
Tổ trước duy truyền Đốn pháp này,
Nguyện khắc mọi người đồng thấy tánh.
Bằng muốn sau này thấy pháp thân,
Lìa các tướng rửa lòng trong sạch.
Nỗ lực tự thấy chớ lôi thôi,
Niệm sau thoát dứt một đời rảnh,
Bằng gặp Đại thừa được kiến tánh,
Chắp tay cung kính hết lòng thành.
44. Này các ông thiện tri thức! Các ông khá trì tụng lấy kệ này và y theo đó mà tu hành. Nếu như dưới lời mà được thấy tánh mình, thì dầu có cách xa tôi ngàn dặm, cũng chẳng khác nào thường ở gần một bên tôi. Trái lại, dưới lời tụng này mà chẳng tỏ ngộ được, thì dầu có đối diện cùng tôi, cũng như cách xa ngàn dặm, như thế chẳng cần từ phương xa cầu được gần tôi. Xin hãy trân trọng giữ lấy.
45. Chúng nhơn nghe pháp, người người đều tỏ ngộ, vui mừng tin chịu làm theo.
* * * * * *
CHÚ GIẢI
(1) Bất cứ trong giờ khắc nào, luôn luôn niệm niệm tự tịnh lấy lòng mình, tự trau dồi hạnh đức của mình, tự thấy pháp thân, tự thấy Phật lòng, tự răn, tự độ, chẳng phải tìm kiếm bề ngoài mà đến cảnh giới ấy được.
Pháp môn Đốn giáo tu bề trong, chẳng tu bề ngoài như những người chạy theo sắc tướng thinh âm để học Đạo. Tất cả các sự trau dồi (tu hành) đều do trong tánh mình độ lấy mình, chớ không cầu khẩn ai độ cho, trừ phi mình chưa biết cách thức tu bề trong, chưa kiến tánh thì nhờ thiện hữu tri thức chỉ dạy. Sau khi thấy tánh rồi, tự nỗ lực mà tu hành lấy. Sự nỗ lực này, bất cứ trong giờ khắc nào, bất cứ đi, đứng, nằm, ngồi, luôn luôn niệm niệm tự tịnh lấy lòng mình.
Niệm niệm tự tịnh lấy lòng mình, nghĩa là luôn luôn nhớ nghĩ đến sự không ô nhiễm. Muốn cho lòng mình không ô nhiễm trần thế, phải giác ngộ các pháp trong thế gian là giả tạm, như trăng đáy nước, như bóng trong gương, như sương đầu cỏ v.v… Nếu không giác ngộ được như vậy, thế nào cũng còn tâm chấp cảnh, hễ có tâm chấp cảnh thì sanh ra tâm phan duyên. Tâm phan duyên sanh ra vọng tâm tương tục. Vọng tâm tương tục sanh ra nào là tâm phân biệt các pháp, tâm lựa chọn lấy bỏ, tâm ưa ghét, tâm tham lam đeo đuổi, tâm chán chê, tâm mừng giận vui buồn v.v… ào ào tới như thác đổ. Từ trong tạng thức móng niệm một pháp, cho đến sanh ra hành vi cử chỉ, ngôn ngữ, trải qua không biết bao nhiêu thứ tâm, chẳng khác nào một dòng nước cuộn chảy, tâm niệm biến dịch nhanh chóng phi thường, không tài nào phân tách được.
Tâm này sanh ra tâm kia, tâm kia sanh ra tâm nọ, tâm nọ biến làm tâm khác, đồng thời các thói xấu tật hư, thất tình lục dục tuôn tràn ra hành vi ngôn ngữ, phá hại người tu hành thất điên bát đảo. Chỉ có một niệm bất giác mà bao nhiêu công đức tu tập tan nát. Trái lại, cũng chỉ có một niệm giác ngộ mà xây dựng được muôn ngàn công đức.
Một niệm bất giác là sao? Nghĩa là sanh lòng tham hay sanh lòng sân, hoặc sanh lòng đeo níu các pháp, lòng mê luyến vật dục, lòng thương ghét lấy bỏ, lòng tà vạy giả dối, lòng thương yêu trìu mến v.v…
Một niệm giác ngộ là sao? Nghĩa là sanh tâm không có chỗ trụ, sanh tâm xa lìa các pháp, sanh lòng phá chấp, sanh lòng từ bi bác ái v.v…
Thế thì “Niệm niệm tự tịnh lấy mình” tức là những niệm giác ngộ, làm cho lòng mình trở nên thanh tịnh. Sanh lòng giác ngộ mà không chấp có chỗ sanh, không chấp có chỗ giác, không chấp có người giác, không chấp có pháp để giác, đúng với lời nói trong kinh Kim Cang “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (Nên sanh lòng không có chỗ trụ).
Tự trau dồi hạnh đức của mình, nghĩa là chừa bỏ các thói xấu tật hư, phá những lòng vị ngã ích kỷ, để xây dựng các đức tánh tốt, như lòng đại bi, đại hỉ, đại xả, lòng vị tha, lòng hy sinh, lòng phục vụ nhân sinh v.v… xây dựng bằng tâm lý, rồi thực hiện ra, chớ chẳng phải tưởng nhớ suông, hoặc nói miệng tài, suốt đời không làm được việc gì ích lợi cho ai.
Tự thấy pháp thân. Pháp thân là cái thể của các pháp, tức là cái bản thể của vũ trụ vạn hữu. Cái bản thể này, cưỡng danh là Chơn tâm, Phật tánh, Pháp tánh, Niết bàn, Pháp thân, Bát nhã, Thiệt tướng,…
Muốn thấy pháp thân, thì phải lìa pháp tướng, nghĩa là đừng mê chấp hình tướng sai biệt của các pháp, chớ chẳng phải lìa là bỏ đi. Bởi vì, pháp tướng ở đâu, thì pháp tánh cũng ở đó, chẳng phải rời pháp tướng mà có pháp tánh được.
Pháp tướng là hiện tướng của pháp thân. Pháp thân là thể tánh của pháp tướng. Thế thì, ở đâu, chỗ nào, vật gì ra sao, cũng đều có pháp thân. Do lẽ này mà có vị thiền sư nói: “Tường vách, ngói gạch gì cũng là Phật.” Không hiểu lời nói cao siêu như thế, nên có người bác: Ngói gạch là vật vô tri vô giác mà nói là Phật, thì không nhằm.
Tự thấy pháp thân nghĩa là tỏ ngộ cái thể tánh duy nhứt của vạn pháp, không chấp tướng sai biệt bề ngoài của vạn hữu.
Tự thấy Phật lòng, nghĩa là thấy được bổn tánh của mình. Thấy không phải như mắt thấy, ấy là sự nhận biết do trực giác của mình, cũng gọi là tri kiến Phật. Thấy Phật lòng có nhiều cách khác nhau, do trình độ tu tập của mọi người mà ra. Kẻ thì thấy chúng sanh lòng mình, người thì ngộ được pháp thân, có ông lại rõ bản thể thanh tịnh, có vị lại thấu suốt chơn như bổn tánh v.v…
(2) Năm phần hương pháp thân.
Tức là năm phần hương trong tự tánh mình: Giới hương, Định hương, Huệ hương, Giải thoát hương, và Giải thoát Tri kiến hương.
Trong năm phần hương, chia ra có: Giới, Định, Huệ, thêm pháp Giải thoát và Giải thoát tri kiến.
Giới hương. Giới là răn dạy, là cấm ngăn; hương là hơi thơm, mùi thơm. Giới hương là hơi thơm của tịnh giới. Để cho phạm lỗi rồi mới nói tới giới luật, đó là kẻ còn mê. Giữ giới phải giữ từ trong lòng, chớ để cho hiện ra hành vi cử chỉ là việc đã rồi. Phải trong sạch từ lời nói, đến tư tưởng và hành vi, mới gọi là Giới hương.
Giới tuy có nhiều, nhưng tổng quát có hai thứ: Một là Giới tướng, hai là Giới tánh. Người tu bực thượng đã đi qua khỏi giới tướng, không bị giới tướng ràng buộc. Cũng như đạp xe đã giỏi, muốn buông tay hay muốn cầm nắm cũng không khó khăn như mới học đạp, tay vẫn kềm chắc thế mà cứ lủi bậy mãi.
Giới tuy chia ra nhiều bậc, nhưng toàn thể các giới đều có dụng ý làm cho người tu hành thanh tịnh được ba nghiệp. Hàng cư sĩ nên giữ mười giới cấm, bởi giới cấm này nhắm ngay ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý. Đây là giới tướng. Lần lên bực cao, thì lòng mình không quấy, tánh mình giới. Đó là tự tánh giới xông ướp cõi lòng, khiến cho ba nghiệp thanh tịnh.
Người đã kiến tánh, thấy được hình tướng của tâm sanh diệt trong mỗi sát na, kiểm soát được lòng chúng sanh, thấy được Phật tánh vốn chí thiện, chí chơn, không một mảy gì mê lầm thì cần gì giữ giới.
Định hương. Người đã kiến tánh, thấy được bổn tâm mình chẳng sanh chẳng diệt, chẳng động chẳng loạn. Ở trong cảnh giới thanh tịnh, hằng dấy lên các phương tiện độ sanh. Đối với các pháp động tịnh, chỉ là giả tướng, giả danh, giả cảnh, chẳng chạy theo ngoại cảnh sáu trần thì tránh được lòng sanh diệt có động, có tịnh, có phải quấy, có nên hư, có hơn thua, còn mất, có không, xấu tốt v.v… đó là Định hương.
Huệ hương. Người kiến tánh, thấy được Phật lòng mình, hay sanh ra muôn tánh trí. Ở trong biển trí, thường hiện ra các hạnh bố thí độ sanh, lợi lạc khắp giới hữu tình. Trong các công việc hành thiện cứu thế, toàn là phản ảnh của tâm trí huệ, hay là trí huệ hiện hạnh, chẳng phải cái trí cao đảm hùng biện suông của những kẻ yếm thế. Đặc tánh của Huệ là vô tâm mà soi chiếu các cảnh giới trong ngoài. Tuy soi chiếu mà thường vắng lặng, đó là tịch chiếu, đó là Huệ hương.
Giải thoát hương. Hai tiếng “giải thoát” nghĩa rất rộng, tuỳ theo trình độ tu tập của mình, nên cũng đồng một vấn đề giải thoát, nhưng nhiều người lại hiểu khác nhau. Không ham lợi, không mê danh, nói tắt là không để cho ngoại cảnh sáu trần kéo níu trói buộc và nhận chìm trong biển mê, gọi là Giải thoát.
— Tại sao chúng sanh cần đến sự giải thoát?
— Tại chúng sanh mê lầm, bị hoàn cảnh lôi cuốn trói buộc. Theo lý tánh mà nói, thì không cần cầu giải thoát. Vì tánh vốn không ô nhiễm, nó vốn tự tại, mà nói giải thoát là thừa.
Người kiến tánh, thấy được Phật lòng mình vốn tự do, tự tại, vô ngại. Không mê chấp theo cảnh giới bên ngoài, nên không bị sáu trần trói buộc, thì cần gì phải tầm đường giải thoát. Chỉ có kẻ mê chẳng thấy được Phật lòng, còn ở trong vòng trói buộc của hoàn cảnh, của nghiệp lực thói xấu tật hư, nên mới đi tầm đạo hầu giải thoát kiếp mê. Hằng niệm tưởng tự tánh thanh tịnh, tự do tự tại vô ngại, đó là Giải thoát hương.
Giải thoát tri kiến hương. Người kiến tánh, có một sự thấy biết (tri kiến) chắc chắn rằng bổn tánh mình vốn tự do, tự tại vô ngại, không có gì trói buộc, gọi là Tri kiến giải thoát. Khi đã có tri kiến giải thoát, tức là tự mình đã minh chứng lấy mình trong cảnh giới hoàn toàn thanh tịnh, gọi là Giải thoát tri kiến hương.
Người đã kiến tánh, thấy được bổn tánh mình vốn thanh tịnh, vốn như như bất động, nhưng mình không đắm không giữ lặng, nghĩa là mình không giữ chặt (chấp) cái tánh như như bất động, thành ra tánh mình trở nên cảnh giới hư vô tịch diệt, chẳng ích lợi gì cho đời cả. Và chính mình cũng không lìa được vô minh, bởi không chịu dùng trí huệ. Phải học rộng, nghe nhiều, suốt thông giáo lý Phật đà, làm việc lợi ích lớn cho nhơn quần xã hội, gọi là giải thoát tri kiến hương.
Giải thoát tri kiến hương, cũng có nghĩa là khai Phật tri kiến (mở chỗ thấy biết của Phật lòng) vượt ngoài ba cõi, thoát khỏi sáu đường, chứng bực vô thượng bồ đề.
(3) Lòng mình chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.
Tổ chỉ dạy rành rẽ cách thức độ chúng sanh lòng mình. Đây là một phương pháp kiến tánh sơ bộ, mà người chơn tu nào cũng có thể làm được cả. Biết cách độ chúng sanh lòng mình như vậy, là người đã kiến tánh. Phương pháp độ chúng sanh lòng mình của Tổ chỉ dạy ra đây, tuy là kiến tánh sơ bộ, nhưng ai làm được như vậy, đối với đời mạt pháp này, cũng là cao lắm, quí lắm. Y theo phương pháp này, khi nào mình thấy không cần độ chúng sanh lòng mình nữa, là bực đã gần dứt được tâm sanh diệt, đã kề bực hoàn toàn thanh tịnh, tức là gần Phật vậy.
Đối với phương pháp này, nếu lòng còn chúng sanh nhiều thì còn dụng công độ nhiều. Nếu chúng sanh lòng còn ít thì độ ít, nghĩa là, dụng công tu hành không còn cực khổ nữa. Cho đến khi hết chúng sanh tại lòng mình, là hết độ, tức là hết dụng công tu hành, chỉ còn hộ niệm đạo tâm thôi.
(4) Lòng mình phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
“Chúng sanh thị Phật, phiền não tức bồ đề.” Nếu ai còn phiền não tức là còn chúng sanh, thì theo phương pháp độ ở trên mà dụng công tu hành. Phương pháp độ chúng sanh trên đây, là một phương pháp chuyển mê khải ngộ, chẳng phải một phương pháp diệt trừ phiền não. Bởi vì, phiền não với bồ đề, tên tuy hai mà thể vốn đồng. Nếu diệt mất phiền não, thì bồ đề cũng không còn.
(5) Tánh mình pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Văn tự bát nhã là hình tướng của Chơn như trí. Chơn như lý là biểu hiện của Như Lai tạng. Thế thì bao nhiêu Kinh, Luật, Luận, là hiện tướng của kho vô tận chớ không có gì lạ. Người học Kinh, Luật, Luận là dùng Chơn như lý để ấn vào Chơn như trí cho khế hiệp, chẳng phải học hỏi bề ngoài, tụng tán bề ngoài rồi cho đó là thệ nguyện học vô lượng pháp môn. Nếu như ai không biết chữ thì phải dùng phương pháp khác, hoặc là nghe giảng giải nhiều, nghe thảo luận lý mầu hoặc là khai trí vô sư bằng sự suy xét, hoặc tham thiền hoặc độ chúng sanh lòng mình, hoặc giác ngộ các thói mê lầm, thế nào cũng đào trúng nhằm kho vô tận, chừng đó lý mầu nguồn trí xuất hiện, lo gì không biết chữ.
Không biết chữ mà thông đạo như đức Lục Tổ là một bằng cớ cho Phật tử biết rằng, trong tánh mình có sẵn kinh luận, gọi là Vô tự Chơn kinh (kinh không chữ), chẳng đợi tìm trên mặt giấy.
Ngài Phổ Chiếu thiền sư có nói:
“Bằng ai nói rằng ngoài lòng có Phật, ngoài tánh có pháp, cứ đem lòng cố chấp ấy mà cầu thành Phật bằng cách tụng kinh nhiều kiếp như bụi trần — hoặc dần xương nặn tuỷ, hoặc chích máu viết thành kinh, hoặc ngồi hoài không nằm, ngày chỉ ăn một buổi cho đến tụng hết đại Tạng kinh nhà Phật, tu vô số khổ hạnh như vậy — chẳng khác nào nấu cát mà muốn cho thành cơm, chỉ nhọc công không ích lợi gì hết. Miễn biết được lòng mình thì tất cả các pháp môn nhiều như số cát sông Hằng, có vô lượng nghĩa nhiệm mầu, không cần cầu cũng biết hết.”[16]
Nếu tỏ được một lý, thì muôn lý đều thông.[17]Ai chưa kiến tánh mà không chịu học hỏi nghiên cứu, không chịu gần thầy gần bạn để mở giùm, thì ngàn đời muôn kiếp khó mà thông được. Trong sách Phật có nói: “Tuy có trí huệ mà không thầy, thì cũng khó mà tỏ ngộ được.”
(6) Tánh mình Phật đạo vô thượng, thệ nguyện thành.
Vô thượng là nói tắt, nói đủ là “Vô thượng chánh đẳng chánh giác.”
Tánh của mình là tột bực, không có pháp nào cao hơn, nên nói Vô thượng. Cái tánh ấy viên dung bình đẳng, nên gọi là chánh đẳng. Tánh ấy viên mãn sáng soi, công hạnh đầy đủ, thể lượng rộng lớn, sáng suốt soi tỏ cả hư không thế giới nên gọi là chánh giác, tức là sự giác ngộ hoàn toàn chơn chánh.
Đức Thế Tôn có nói rằng: “Đạo của ta chỉ có một thừa chớ không phải hai hay ba thừa. Nhưng vì căn tánh của chúng sanh chẳng đồng, nên giả lập ra ba thừa.” Thật vậy, Ngài nói tiếp: “Hoá thành[18]là giả, chỉ có Bảo sở[19]là thật mà thôi.”
Đạo là đường đi, Phật là bực vô thượng chánh đẳng chánh giác. Con đường đi đến địa vị Vô thượng giác, người tu hành phải phát tâm bồ đề cho tới nơi tới chốn, không nên vui thích cảnh vật tốt đẹp ở nửa đường mà dừng chơn đình bộ, thành ra không rõ ý của đức Thế Tôn, thệ nguyện cùng chúng sanh tổng giai thành Phật đạo.
Ở đây, Tổ dạy tu tắt thành Phật bằng cách xa lìa hai bên biên kiến, để hiển cái nghĩa pháp môn không hai tướng. Tổ nói: “Lìa mê, lìa giác, hằng lấy trí bát nhã đặng trừ chơn trừ vọng, tức là kiến tánh thành Phật.” Ai chưa hoàn toàn minh tâm kiến tánh, nghe nói dùng trí bát nhã để trừ vọng, trừ mê, thì dễ hiểu. Nếu bảo trừ giác, trừ chơn, chắc là lấy làm lạ lắm. Đó là Tổ dạy những người sau khi đã độ được chúng sanh lòng mình rồi, trong tánh không còn tà chỉ còn chánh, không còn mê chỉ còn giác v.v… thành ra vẫn còn biên kiến, chưa nhập sâu vào Trung Đạo đệ nhứt nghĩa để hoàn thành pháp môn chẳng hai tướng.
Những người đã kiến tánh, sau khi trừ được chúng sanh lòng mình, phần nhiều chấp vào cái chánh, cái giác, cái tịnh... hoặc an trụ vào cảnh giới thanh tịnh tịch diệt, gọi là đắm không giữ lặng (trầm không thủ tịch). Cảnh giới này, gọi là bỏ chúng sanh xoay qua chấp Phật, hoặc nói cách khác: Xa lìa tánh chúng sanh, mê chấp tánh Phật.
Phải biết rằng: Phật và chúng sanh là hai danh từ giả lập để cho kẻ mê tỏ ngộ thế nào là chúng sanh, thế nào là Phật. Sau khi hoàn toàn tỏ ngộ rồi, phải xa lìa luôn cả chúng sanh lẫn Phật mới hoàn nguyên lại gốc tánh mình. Bởi vì gốc tánh của mình chẳng phải chúng sanh mà cũng chẳng phải Phật. Sở dĩ trong kinh nói gốc tánh của mình là Phật, đó là tuỳ duyên để hiển minh cái nghĩa Phật, đặng người tu hành nương Phật tánh mà dụng công trau dồi. Thật ra thì những danh từ nào Phật, nào Chơn như, nào Niết bàn, pháp thân, chúng sanh, mê vọng v.v… toàn là cưỡng danh để khai thị. Nếu không cưỡng danh khai thị, thì do đâu người tu hành ngộ nhập đúng chơn lý, đúng thiệt tướng. Những danh từ ấy, khác nào như ngón tay dùng để chỉ mặt mày bổn lai. Nếu chấp danh từ, cũng như chấp ngón tay, làm sao thấy được diện mục.
(7) Qui y giác lưỡng túc tôn.
Pháp qui y của nhà Phật có hai thứ: Một thứ gọi là Tam Qui y ngoại, là nương theo Tam Bảo bề ngoài, hình thức lễ nghi khi mới nhập môn. Còn một thứ nữa gọi là Tam Qui nội, để cho người tu lâu, thông nghĩa lý nương theo Tam Bảo nơi tánh mình.
Nói qui y giác cũng gọi là qui y Phật, bởi Phật là giác. Qui y giác, nghĩa là nương theo tánh giác ngộ của mình tu hành hầu trở về với Phật. Phải hiểu rõ cái nghĩa “thế nào là giác ngộ” mới có thể thực hành qui y giác được. Giác ngộ là tỉnh thức, tỉnh ngộ, hiểu rõ, biết rõ. Muốn bỏ tánh tham, phải giác ngộ vì lẽ gì không nên tham. Muốn bỏ tánh sân, tánh ích kỷ, vị ngã… thì phải giác ngộ vì lẽ gì không nên sân, không nên ích kỷ, vị ngã. Nói tắt là muốn độ tất cả chúng sanh lòng mình, phải giác ngộ những chúng sanh ấy mới độ được. Nếu giác ngộ không rốt ráo, chưa chắc độ tận chúng sanh lòng mình. Nương theo tánh giác mà tu hành, đó là qui y giác.
Đức Lục Tổ giải thích qui y giác vắn tắt quá, khó có người làm được. Phải giải thích như trên mới dễ hiểu. Tổ nói: “Nếu qui y giác nơi tánh mình, thì lòng tà mê, vọng tưởng chẳng sanh, ít dục, biết đủ, hay xa lìa tài sắc, gọi là Lưỡng túc tôn.” Lưỡng là hai, túc là đủ, tôn là tông là giống. Nghĩa là hai giống (Phước Huệ) đầy đủ.
Chính câu đó như vầy: “Qui y Phật lưỡng túc tôn: Phước túc, Huệ túc cố dương tôn ngưỡng.” Nghĩa là, Qui y Phật là một bực sâu trong hai giống Phước Huệ đầy đủ, là bực luôn đáng tôn kính ngưỡng mộ. Nói trắng ra, ai muốn thành Phật một cách chắc chắn thì phải tu Phước, tu Huệ (Phước Huệ song tu) cho đầy đủ. Sách Phật có câu: “Tài Pháp nhị thí thỉ thành công, Phước Huệ lưỡng toàn phương tác Phật.” Nghĩa là Thí tài, thí pháp, chắc đặng thành công, Phước Huệ song toàn là phương châm làm được Phật.
Qui y chánh là Ly dục tôn.
Phật là Tâm, tánh là Pháp. Tánh mình chơn chánh, đó là chánh pháp, là Phật pháp. Tu theo pháp Phật, tức là tu với chánh pháp. Hằng ngày từ lời nói, việc làm cho đến tư tưởng đều nương theo lý trí chơn chánh, đó là qui y chánh nơi tánh mình.
Qui y tịnh là Chúng trung tôn.
Tịnh là tánh thanh tịnh của mọi loài chúng sanh đều có, nhưng vì mê nhiễm hồng trần, nên thể thanh tịnh bị che lấp rồi thấy có chúng sanh in tuồng mê nhiễm. Thật ra thì bổn tánh của người đời, dầu làm chúng sanh cũng không bớt, dầu làm Phật cũng không thêm. Tánh ấy như như, chẳng phải đợi tu hành, đợi tập thiền tập định mới thanh tịnh. Hằng ngày thấy bổn tánh thanh tịnh của mình, nương theo đó tu hành phá bỏ mê chấp ngoại cảnh lục trần, vì nó che lấp tánh thanh tịnh của mình, đó là qui y tánh tịnh của mình. Bằng theo Tam qui y ngoại mà nói, thì Tăng là một vị đạo sư trong đại chúng, bực đã thanh tịnh đáng qui y (nương theo), đáng tôn trọng, nên có câu: «Qui y Tăng, chúng trung tôn giả, đại chúng chi đạo sư, cố dương tôn trọng.»
TỤNG VÔ TƯỚNG
Phật tử đời nay mới nhập môn, chỉ biết bố thí chớ chưa hiểu rành cách thức tu hành nên có sự lầm hiểu rằng tu Phước đó là trau dồi đạo tâm của mình. Trái lại, những người tu lâu năm ban đầu ham bố thí, lâu ngày thối chuyển, trở lại mê say kinh luận Đại thừa, chỉ dùng trí huệ để trau dồi đạo tâm của mình, bỏ quên những sự bố thí giúp đời, thành ra quên mất hạnh Đại thừa, tức là bỏ quên bổn phận của Phật tử. Phải làm thế nào trau dồi đủ cả Phước đức và Huệ đức. Hơn nữa, nhờ tu huệ nên biết cách phá chấp để chuyển Phước đức trở thành Huệ đức, là điều tối cần của người tu giải thoát, khỏi kẹt vào lời của Tổ : «Kẻ mê tu phước chẳng tu huệ, nói rằng tu phước là tu huệ.»
Những người chưa hiểu luật nhơn quả, tưởng rằng bố thí cúng dường, cái phước để trừ qua cái tội. Chẳng dè làm phước là một việc, còn tạo tội là một việc khác nữa. Nếu hiểu Nhân nào Quả nấy, thì biết rằng: “Tội tùng tâm sanh, mà cũng tùng tâm diệt.” Hiểu rõ như vậy mới thiệt là Sám Hối, mà sám hối thì phải bỏ tà theo chánh mới hết tội. Bởi vậy Tổ nói:
Bố thí cúng dường phước tuy nhiều
Trong lòng ba ác vẫn còn tạo
Tưởng rằng tu phước tội chướng tiêu
Đời sau được phước nhưng còn tội
Biết trừ nghiệp tội nơi lòng mình
Là trong tánh mình chơn sám hối.
Tỏ ngộ đại thừa chơn sám hối
Trừ tà làm chánh tức không tội.
Đem thân học đạo, phải làm sao cho hiểu đạo, nếu không thì làm sao thấy-biết đạo. Không thấy-biết đạo làm sao hành đạo. Hành đạo chẳng nhằm làm sao hoàn thành Phật đạo? Do vậy, trước hãy quan sát tánh mình, để hiểu cái lý “Sanh Phật đồng nguyên.”
Có quán sát như vậy mới mong tỏ ngộ pháp thân của mình với pháp thân của chư Phật. Có quán xét như vậy mới có biết cái thể thanh tịnh pháp thân, tuy rằng nó ở khắp trong pháp tướng, nhưng phải lìa pháp tướng. Muốn lìa pháp tướng, phải phá cái tâm ô nhiễm. Tâm ô nhiễm bị phá, nó hoàn lại tâm thanh tịnh, tức là rửa lòng sạch.
Muốn rửa lòng cho thanh tịnh chẳng phải dễ, phải nỗ lực chớ không thể lôi thôi được. Bởi vì, phải trải qua các công phu phá tướng, ly tướng, phá ô nhiễm, ly ô nhiễm rồi mới được thanh tịnh. Hễ thanh tịnh rồi, tâm sanh diệt không còn, tức là vọng niệm tương tục không có nữa (tức là “Niệm sau thoát dứt một đời rảnh” như Tổ nói).
CHÚ Ý: Chơn tâm bổn tánh của mình đâu có ô nhiễm mà trau dồi cho thanh tịnh. Đây là Tổ bảo trau dồi tâm chúng sanh vậy.
=======================
=======================
[5] Cọ cây lấy lửa: Thuở xưa, người ta dùng cây mà chà xát thật nóng bật thành lửa, cọ chừng nào có lửa mới nghỉ. Nếu chưa có lửa nhứt định không nghỉ tay.
[7] Tọa bất động, vọng bất khởi tâm.
[15] Pháp thân bổn cụ, niệm niệm tự tánh tự kiến, tức thị Báo thân Phật. Tùng Báo thân tư lương, tức thị Hóa thân Phật.
COMMENTS - Bình luận
Đăng nhận xét