PHÁP BỬU ĐÀN KINH quyển ba

TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM

PHÁP BỬU ĐÀN KINH

BIÊN GIẢNG
(quyển ba)

Môn nhân Pháp Hải đời Đường ghi chép
Đại sư Khế Tung biên tập, 1291
Cư sĩ Như Pháp biên giảng, 1991


PHẨM THỨ BẢY
CƠ DUYÊN

1. Từ khi đức Lục Tổ đắc pháp nơi Huỳnh Mai, đến khi về đến làng Tào Hầu ở Thiều Châu, trú ngụ tại đây mà không ai biết cả. Thuở ấy có ông nho sĩ tên là Lưu Chí Lược, lấy lễ đãi Tổ rất trọng hậu. Chí Lược có người cô làm vải tên Vô Tận Tạng, hằng tụng kinh Đại Niết Bàn. Tổ nghe qua là hiểu rõ nghĩa lý mầu nhiệm, nên vì đó mà giảng giải.
2. Ni cô cầm quyển kinh hỏi chữ.
3. Tổ đáp: Chữ thì tôi không biết, nhưng nghĩa thì cứ hỏi.
4. Ni cô nói: Chữ còn không biết, nghĩa làm sao hiểu rõ được?
5. Tổ đáp: Chơn lý diệu mầu của chư Phật, chẳng cần phải dựa theo văn tự.
6. Ni cô nghe nói thất kinh, lấy làm lạ bèn phổ cáo với các vị kỳ lão cổ đức trong thôn, trọng vọng rằng: Ông ấy thật là một bực có đạo đức, chúng ta nên thỉnh về cung dưỡng. Khi ấy có cháu huyền tôn của ông Ngụy Võ hầu tên Tào Thúc Lương hiệp cùng dân chúng đến làm lễ chiêm bái Tổ.
7. Thuở ấy, Bửu Lâm Tự là một ngôi chùa cổ. Cuối đời nhà Tuỳ, từ khi có việc binh đao, thì chùa ấy bị bỏ phế. Cư dân trong thôn nhơn sẵn cái nền cũ, bèn hợp cùng nhau kiến thiết lại một ngôi chùa mới, rồi rước Tổ về ở. Chẳng bao lâu, chỗ ấy thành một nơi bửu phường.
8. Tổ ở đó được chín tháng có dư. Một ngày kia, bọn ác lại đuổi đến. Tổ bèn chạy trốn qua dãy núi phía trước. Bọn ấy tìm không ra bèn phóng hoả ngọn núi, cỏ cây thảy đều cháy rụi. Thấy lửa đỏ cả núi, Đại sư bèn chun vào hang sâu mới thoát chết. Hang đá ấy đến nay còn dấu tích đầu gối của Đại sư ngồi kiết dà, và lằn áo bố lưu dấu hiện còn đó, nên người đời mới gọi là “Hang đá tị nạn.” Đại sư nhớ trực lại lời Ngũ Tổ có dặn rằng: “Gặp ấp Hoài thì ở, gặp ấp Hội thì ẩn,” nên đi ở ẩn hai nơi ấy.

=======================

CƠ DUYÊN CỦA PHÁP HẢI

9. Sư Pháp Hải, người Khúc Giang phủ Thiều Châu, ban sơ ra mắt Đại sư và hỏi rằng: Thế nào gọi là tức Tâm tức Phật? Xin Đại sư ra ơn chỉ dạy.
10. Tổ đáp: Niệm trước chẳng sanh tức Tâm, niệm sau chẳng diệt tức Phật.(1) Thành cả thảy tướng tức Tâm, lìa cả thảy tướng tức Phật.(2) Nếu tôi nói cho đủ, thì dầu cho cùng kiếp cũng nói chẳng xiết.
11. Sư hãy nghe kệ đây:
Tức Tâm là Huệ 3
Tức Phật là Định 4
Định Huệ đồng trì
Trong ý thanh tịnh
Ngộ pháp môn này
Do ông tập tánh
Dùng gốc vô sanh
Song tu mới chánh.
12. Sư Pháp Hải nghe qua lời kệ hốt nhiên đại ngộ, bèn dùng kệ khen rằng:
Tức tâm nguyên là Phật 5
Chẳng ngộ nên tự khuất 6
Tôi biết Định Huệ
Nhơn song tu lìa các vật.

LƯỢC GIẢI

(1) Niệm trước chẳng sanh tức Tâm, niệm sau chẳng diệt tức Phật.
Tâm sanh diệt phân ra có ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Bàn về tâm sanh diệt, Tổ chỉ nói tâm trước, tâm sau (niệm trước niệm sau) chớ chẳng phải nói đến ba tâm trong ba thời.
Mỗi tâm niệm cũng như mỗi lượng sóng, lượng trước nổi lên, lượng sau chụp lượng trước, cứ thế mà tiếp nối nhau mãi mãi. Vọng niệm của chúng sanh chẳng khác nào như các lượng sóng bể, niệm trước sanh ra, niệm sau tràn tới, nghĩa là niệm này diệt niệm kia, niệm kia diệt niệm nọ, do đó tâm có sanh có diệt.
Nếu tâm trước chẳng sanh, thì đâu có niệm sau tràn tới, nghĩa là tâm không có sanh, không có diệt, là tâm Phật, là tâm toàn giác.

(2) Thành cả thảy tướng tức Tâm, lìa cả thảy tướng tức Phật.
Để hiểu câu nây của Tổ nói, hãy xem câu: “Tâm sanh chủng chủng pháp sanh, tâm diệt chủng chủng pháp diệt.” Nghĩa là: Vọng tâm sanh ra thì các pháp đều sanh (đều có). Vọng tâm diệt, thì các pháp đều diệt (đều không). Thế thì, sở dĩ người đời còn mê chấp theo sắc tướng bề ngoài là tại còn Vô minh, hễ vô minh phát nghiệp, thì trong tạng thức của nội tánh hiện ra hành vi nào là tâm thắng sai biệt, tâm y sai biệt, tâm chấp trước sai biệt, tâm thi sai biệt, tâm y sai biệt.
Nói vô minh phát nghiệp là nói nguồn gốc lập thành cả thảy pháp tướng. Cái tướng này còn tế nhị, chưa hiện ra hành vi cử chỉ, ngôn ngữ; nó có ba thứ: Một là tâm vô minh nghiệp tướng, hai là tâm năng kiến tướng, ba là tâm cảnh giới tướng.
Còn nói trước tướng là nói tâm thô thiển chấp trước các pháp tướng, đã hiện ra hành vi cử chỉ, có sáu thứ: 1. tâm trí tướng, 2. tâm tương tục tướng, 3. tâm chấp thủ tướng, 4. tâm kể danh tự tướng, 5. tâm khởi nghiệp tướng, 6. tâm hệ khổ nghiệp tướng. Thành cả thảy tướng tức tâm là như vậy.
Thế thì biết rằng: Hễ có tâm (vọng tâm) thì có tướng.
Tâm và tướng đồng thời duyên nhau, chi phối lẫn nhau, không thể phân biệt tâm có trước hay tướng có trước. Tâm và tướng duyên với nhau thành vọng niệm, gọi là tâm tướng tưởng niệm. Muốn phá cái tâm tướng tưởng niệm để xa lìa các tướng, là cả một vấn đề giác ngộ, hễ giác ngộ, tức là Phật vậy. Vì thế, Tổ mới nói: “Lìa cả thảy tướng tức Phật.”
Nói một cách khác cho dễ hiểu: tâm chấp tướng là tâm chúng sanh, tâm lìa tướng là tâm Phật. Hai cái tâm này cũng chỉ có một, chẳng qua khi mê làm chúng sanh, lúc ngộ làm Phật, có thế thôi.
Muốn biến cái tâm chúng sanh thành cái tâm Phật, phải lìa cả thảy tướng. Trong Kim Cang có câu: “Ly nhứt thiết chư tướng, tức danh chư Phật.” Ly tướng được thành Phật, thì phi tướng cũng được thành Phật vậy. Trong Kim Cang cũng nói: “Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai.” Nghĩa là: Bằng thấy cả thảy tướng mà chẳng phải tướng, tức thấy được bản tánh Như Lai.

(3–4) Tức Tâm là Huệ, Tức Phật là Định.
Định Huệ chỉ có một thể. Thể ấy khi soi chiếu thì gọi là trí huệ; khi thường trụ thì gọi là Đại Định. Cũng cái thể ấy, nếu tu tập các pháp minh sát, thì gọi là dụng tướng bồ đề; nếu bị nhiễm ô mê lầm che lấp thì gọi là dụng tướng vô minh.
Tóm lại, dầu thiên đường hay địa ngục, tịnh độ hay ta bà, niết bàn hay sanh tử, phiền não hay bồ đề, v.v… cũng không ngoài cái thể ấy.
Thế thì, dầu nói là tâm, là trí, là mê, là ngộ, là Phật, là chúng sanh v.v… cũng chỉ có một thể chớ chẳng phải nhiều món. Vạch rõ như vậy, mới thấy lời nói “Phật tức tâm, tâm tức Phật”(Phật là lòng, lòng là Phật) là cái lẽ dĩ nhiên, chẳng có gì khó hiểu. Thể ấy đủ nhơn duyên của cái tâm thì gọi là cái tâm, đủ nhơn duyên cái trí thì gọi là trí huệ, đủ nhơn duyên của Phật thì gọi là Phật...
Hiểu rõ như vậy rồi, mới biết thế nào là tức tâm, thế nào là tức Phật, thế nào tức tâm là huệ, tức Phật là định. Nếu hiểu rộng ra, nào là pháp thân, pháp tánh, pháp tướng, thanh tịnh, niết bàn, giải thoát, chơn như, thiệt tướng v.v… cũng là thể tánh nhứt như, chẳng có gì lạ.
Bài kệ này Tổ chỉ rõ chỗ diệu dụng tức tâm tức Phật cho sư Pháp Hải tỏ ngộ cái thể tánh nhứt như, tuy chỉ một bản thể, nhưng khi nó tuỳ duyên thì hiện đủ cả danh lẫn tướng. Muốn diệu dụng cái thể ấy, không có gì khác hơn là Định Huệ đồng trì, cũng gọi định huệ song tu. Nhưng phải dùng cái gốc vô sanh mới xứng với pháp định huệ. Bởi vì, gốc vô sanh lại là bổn tánh chơn như, bất sanh bất diệt, vốn sẵn sáng suốt, sẵn tịnh định. Dầu làm chúng sanh, gốc tánh vẫn không giảm, dầu làm Phật, gốc tánh cũng không tăng, nghĩa là dầu ở nơi sanh tử hay chứng quả niết bàn, gốc tánh ấy không biến hóa dời đổi.
Muốn thấy được tự tánh vô sanh của mình, thì phải tỏ ngộ pháp môn Đốn giáo. Muốn tỏ ngộ pháp môn Đốn giáo thì phải do mình tu tập lấy tánh của mình. Muốn tu tập lấy tánh của mình, thì trước hết phải chừa bỏ thói xấu tật hư, kế đó thì phá các tâm ô nhiễm, tự nhiên trong ý mình được thanh tịnh.
Đối với giáo lý Đại thừa, muốn tu tập mà không chừa bỏ thói xấu tật hư, không phá cái tâm ô nhiễm, dầu có lịch kiếp tu hành cũng chẳng tỏ ngộ được, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm. Tu như vậy, dầu có lạy cho nhiều, ăn chay cho nhiều, cũng chẳng ích lợi gì hết.
Nói tóm lại, chơn tâm là diệu minh, là viên giác, là quang chiếu, nên Tổ nói “Tức tâm là Huệ.” Chơn tâm là Phật, là thường tịch, nên Tổ nói “tức Phật là Định.” Thế thì chơn tâm là thường quang chiếu (soi sáng) và thường tịch (vắng lặng). Năng tịch mà cũng năng chiếu, nên Tổ gọi là “Định Huệ đồng trì, trong ý thanh tịnh.”
Trong kinh Lăng Nghiêm có dạy người tu hành nào muốn kiến tánh, phải biết rõ hai nguồn gốc. Một là nguồn gốc sanh diệt vô thường (tức vọng tâm), hai là nguồn gốc bất sanh bất diệt (tức chơn tâm). Ở đây Tổ chỉ dạy nguồn gốc vô sanh, tức là nguồn gốc bất sanh bất diệt, nên nói: “Dùng gốc vô sanh, song tu mới chánh.”

(5–6) Tức tâm nguyên là Phật, Chẳng ngộ nên tự khuất.
Sau khi nghe Tổ giải thích Phật tức tâm, tâm tức Phật, và sau khi nghe kệ “tức lâm là huệ, tức Phật là định,” chừng đó sư Pháp Hải mới biết tâm của mình là Phật thiệt, chẳng cầu Phật nào khác nữa. Bấy lâu nay Pháp Hải vì chưa tỏ ngộ, nên đành tự khuất lấp lấy Phật lòng của mình nên nói chẳng ngộ nên tự khuất. Sau khi tỏ ngộ tâm của mình là Phật, chừng đó Pháp Hải mới biết nguyên nhân của định huệ là dùng định huệ song tu. Có lẽ Pháp Hải bấy lâu nay đem tâm của mình chạy đi kiếm Phật, cũng như kẻ đã cỡi trâu mà đi tìm trâu.
Nói Phật tức là tâm, tâm tức là Phật để cho người mê tỏ ngộ Phật lòng. Nhưng sau khi tỏ ngộ rồi mà còn chấp tâm, còn chấp Phật, lại còn mê thêm. Bởi vì tâm và Phật là cưỡng danh, là tuỳ duyên để chỉ cái bản thể chơn như, cái bản thể này không danh, không tướng, hễ chấp thì có danh có tướng. Chơn tâm, Phật tánh, không chấp thì nó chơn, nếu chấp thì nó vọng. Do lẽ nầy mới có câu:
Phật tức Tâm, Tâm tức Phật,
Tâm Phật tùng lai giai vọng vật.
Nhược tri vô Phật phục vô tâm,
Thỉ thị chơn như pháp thân Phật.
Nghĩa là: Phật tức là lòng, lòng tức là Phật. Lòng và Phật là vật vọng, bởi tùy theo cơ duyên của chúng sanh mà cưỡng danh. Nếu biết được không Phật và không lòng, thì đó là chơn pháp thân Phật.
Có những câu nói như vậy, người tu Phật mới biết bịnh mê của chúng sanh là như huyễn, và thuốc giác (Phật pháp) cũng là như huyễn, nghĩa là cả hai không thật có. Đối với kẻ ngộ, nó chỉ “có” đối với kẻ mê mà thôi.

=======================

CƠ DUYÊN CỦA PHÁP ĐẠT

13. Sư Pháp Đạt, quê ở Hồng Châu, xuất gia hồi bảy tuổi, chuyên tụng kinh Pháp Hoa, đến đảnh lễ Đại sư, đầu lạy chẳng sát đất.
14. Tổ chiếu theo luật “ngũ thể đầu địa” nói rằng:  Làm lễ mà đầu chẳng sát đất, thà đừng làm lễ còn hơn. Trong lòng sư ắt có một vật, vậy sư chấp chứa điều chi vậy?
15. Pháp Đạt nói rằng: Bạch Hoà thượng! Tôi tụng kinh Pháp Hoa được ba ngàn bộ.
16. Tổ nói: Nếu sư tụng niệm đến muôn bộ mà rõ đặng ý kinh và chẳng lấy đó làm hơn kẻ khác thì đồng với tôi đi chung một đàng.
17. Ngày nay sư ỷ mình có sự nghiệp tụng niệm ấy nên sanh lòng ngã mạn, đó là sư chẳng rõ lỗi của mình. Vậy sư khá nghe kệ đây:
Lạy là bỏ kiêu mạn
Sao đầu không chấm đất!
Còn chấp ngã, tội sanh
Quên công phước không sanh.
18. Tổ lại hỏi: Sư tên chi?
19. Bạch Hoà thượng! Tôi tên Pháp Đạt.
20. Tổ nói: Sư tuy tên là Pháp Đạt, nhưng nào có đạt pháp. Tổ bèn kệ rằng:
Sư quí danh Pháp Đạt
Tụng lu bù chưa thôi
Đọc không mệt hả hơi
Thấy tánh mới Bồ tát
Sư nay có duyên lành
Tôi vì sư nói pháp
Hãy tin Phật vô ngôn
Hoa sen tuỳ miệng phát.
21. Pháp Đạt nghe kệ, liền ăn năn tạ lỗi, bạch rằng:  Bạch Hoà thượng! Tôi nay về sau phải hạ mình kính nhường cả thảy mọi người. Đệ tử tuy tụng kinh Pháp Hoa, nhưng chưa được tỏ ngộ ý kinh, nên lòng hằng chỗ hoài nghi. Hoà thượng là bậc đại trí huệ, xin từ bi lược giải nghĩa lý trong ấy, đệ tử thâm tạ vô cùng.
22. Tổ nói: Này Pháp Đạt! Pháp thì tất nhiên phải đạt, nhưng lòng sư chưa đạt (đến). Kinh vốn không chỗ nghi, tại lòng mình tự nghi. Sư đã tụng niệm kinh ấy, vậy thì kinh lấy chỗ nào để làm Tông?
23. Bạch Hoà thượng! Kẻ học đạo này căn tánh tối tăm chậm chạp, từ bấy lâu nay đệ tử chỉ y theo kinh văn mà tụng niệm thôi, đệ tử đâu có biết Tông thú của kinh ấy thế nào.
24. Tổ nói: Tôi chẳng biết đọc chữ, sư hãy lấy kinh ra đọc một bận, sau đó tôi sẽ giảng nói cho sư nghe.
25. Pháp Đạt cất tiếng đọc đến phẩm Thí Dụ.
26. Tổ bảo thôi, rồi nói rằng: Kinh này gốc lấy “Nhơn duyên xuất thế” làm Tông, dầu có thí dụ nhiều cách mấy cũng không ngoài cái lý đó.
27. Sao gọi là Nhơn Duyên? Trong kinh có nói rằng: “Các Phật Thế Tôn, chỉ vì một nhơn duyên lớn mà thị hiện ra đời. Nhơn duyên lớn ấy tức là chỗ biết thấy của Phật.[1]
28. Người đời, ngoài thì chấp tướng, còn trong thì chấp không. Bằng như ở nơi tướng mà lìa tướng, ở nơi không mà lìa không, tức là trong ngoài chẳng mê vậy. Nếu tỏ ngộ được Đốn pháp này, thì trong một niệm, tâm liền mở tỏ, đó là mở chỗ biết thấy của Phật.
29. Phật là giác chia ra làm bốn môn:
– Mở chỗ biết thấy của tánh giác ngộ.
– Bày chỗ biết thấy của tánh giác ngộ.
– Tỏ chỗ biết thấy của tánh giác ngộ.
– Vào chỗ biết thấy của tánh giác ngộ.
30. Nếu như ai nghe được chỗ “Mở, bày” thì mới mong “Tỏ, vào” được, ấy là chỗ biết thấy của tánh giác ngộ, ấy là do chơn tánh của mình xuất hiện vậy. Sư hãy dè dặt, chớ khá hiểu lầm kinh. Đừng thấy trong đó nói “Khai, Thị, Ngộ, Nhập” rồi cho là mở chỗ biết thấy của chư Phật Thế Tôn, còn người tu hành như chúng ta lại chẳng ăn thua gì chỗ biết thấy ấy. Nếu sư hiểu lầm như thế, thành ra khi kinh ngạo Phật đó vậy. Bởi vì, chư Phật Thế Tôn lẽ cố nhiên là có đủ sự biết thấy, cần chi phải mở nữa.[2]
Thế thì, sư hãy tin rằng, mở chỗ biết thấy của Phật, là ý nói “mở chỗ biết thấy của Phật lòng mình, chớ chẳng phải Phật nào khác.
31. Sư nên biết rằng, tất cả chúng sanh cũng vì tham nhiễm luyến ái ngoại cảnh sáu trần, nên tự che lấp ánh quang minh của mình, khiến cho ngoài thì đeo níu các duyên, trong thì rối loạn, đành quay cuồng trong bánh xe luân hồi sanh tử. Làm cho đức Thế Tôn từ trong chánh định phải dấy lòng từ bi, khổ miệng nói cách này cách khác, cốt ý là khuyên dạy chúng sanh tự tịnh lấy lòng mình, chớ có đeo đuổi cầu cạnh bề ngoài. Nếu chúng sanh mà được như vậy, thì đối với Phật vẫn đồng, chẳng có chi sai khác. Bởi vậy, đức Thế Tôn mới chỉ dạy mở chỗ biết thấy của Phật.[3]
Tôi nay cũng vậy, cũng khuyên tất cả chư huynh đệ hãy đồng cùng nhau mở chỗ biết thấy của Phật lòng mình.
32. Người đời lòng tà vạy si mê, nên tạo ra những điều tội lỗi. Ngoài miệng thì nói những lời lành, còn trong thì hung dữ, tham lam, nóng giận, ghen ghét, dua nịnh, kiêu ngạo, xâm hại người khác, giết chóc súc vật, đó là mình tự mở chỗ biết thấy của chúng sanh vậy.
33. Bằng như hay trau dồi, sửa lòng mình cho ngay thẳng chơn chánh thường phát sanh trí huệ để soi sáng lòng mình, bỏ dữ theo lành, đó là mình tự mở chỗ biết thấy của Phật.
34. Sư nên niệm niệm, mở chỗ biết thấy của Phật, chớ nên mở chỗ biết thấy của chúng sanh.(1) Sư nên biết rằng: Hễ mở chỗ biết thấy của Phật tức là xuất thế, còn mở chỗ biết thấy của chúng sanh tức là người thế gian vậy. Nếu sư bo bo chấp vào chỗ tụng niệm làm công khoá hằng ngày, thì khác nào con trâu đen kia, thường tiếc cái đuôi của nó dài.
35. Pháp Đạt nói: Bạch Hoà thượng! Theo lời Hoà thượng thì chỉ cầu cho hiểu rõ được nghĩa kinh, chớ chẳng cần nhọc công tụng niệm hay sao?
36. Kinh có lỗi chi mà ngăn cấm sư tụng niệm, chỉ vì mê với ngộ do nơi sư mà thôi, tổn công hay hữu ích cũng do nơi mình, hễ miệng tụng mà lòng làm theo, là mình chuyển kinh, còn như miệng tụng mà lòng chẳng làm theo, là mình bị kinh chuyển.
37. Hãy nghe kệ của tôi đây:
Lòng mê Pháp Hoa chuyển,      2
Lòng ngộ chuyển Pháp Hoa.    3
Tụng kinh chẳng hiểu nghĩa,   4
Cùng nghĩa vốn thù ta.              5
Không niệm, niệm ắt chánh,     6
Có niệm, niệm thành tà.            7
Có, không đều chẳng quản,      8
Thường cỡi bạch ngưu xa.        9
38. Pháp Đạt nghe kệ tỏ ngộ, bất giác mũi lòng khóc lớn, thưa rằng: Bạch Hòa thượng, Pháp Đạt nầy từ bấy lâu nay chưa từng chuyển nổi kinh Pháp Hoa, trái lại, bị kinh Pháp Hoa chuyển mà không biết.
39. Bạch Hoà thượng! Trong kinh Pháp Hoa có nói: Từ các bực đại Thinh văn cho đến các bực Bồ tát, đều hết sức suy xét nghĩ lường mà cũng không thể thấu biết trí của Phật.
Ngày nay mông ơn Thầy dạy rằng: “Kẻ phàm phu nầy chỉ lo tỏ ngộ cho được lòng mình, gọi là chỗ biết thấy của Phật.” Nếu như, tự mình chẳng phải là bực thượng căn đại trí, thì tránh sao cho khỏi những điều nghi ngờ chê bai.
Bạch Hoà thượng! Trong kinh có nói ba thứ xe, vậy xe dê, xe nai, cùng với xe trâu trắng khác nhau ở chỗ nào? Xin Hoà thượng ra ơn chỉ dạy một lần nữa.
40. Tổ nói: Này Pháp Đạt! Ý kinh dạy rành rẽ, mê lầm không hiểu là tại nơi mình. Sư nên biết rằng: Sở dĩ các hàng Phật tử trong ba thừa không thể dò thấu trí Phật là vì cứ mãi lo lường. Làm như thế dầu có cùng suy cạn nghĩ cách mấy đi nữa, hễ càng lo lường tức là càng cách xa Phật trí vậy.
41. Phải biết rằng: Phật vì kẻ phàm phu mà thuyết pháp, chớ chẳng vì Phật mà thuyết pháp. Lý này bằng chẳng tin, thì mặc tình cho hàng Nhị thừa phải chịu lui ra khỏi đạo tràng. Biết đâu tự mình đã ngồi bạch ngưu xa mà chẳng rõ, lại còn ra khỏi cửa tìm ba thứ xe.
42. Huống chi trong kinh văn đã nói đó thì sư biết rằng: Chỉ có một Phật thừa, không có thừa nào khác nữa. Thoảng như, nếu có hai hay ba thừa, nhẫn đến vô số phương tiện, vô lượng nhơn duyên và bao nhiêu lời lẽ, thí dụ đi nữa, cũng chẳng qua vì có một Phật thừa mà nói ra các pháp đó thôi.
43. Sao sư chẳng xét: Ba xe là giả lập, tạm bày ra lúc ban sơ hầu đi đến Nhứt thừa là thiệt. Vì vậy mà ngày nay mới bỏ giả về thiệt, rồi thì cái thiệt cũng không có tên.[4]Thế thì, bao nhiêu tài vật trân bửu đều thuộc về của sư, tự sư thọ dụng lấy.(10) Trong lúc ấy không chấp rằng vật báu là của cha, không chấp rằng của con và cũng chẳng chấp rằng mình có thọ dụng; như vậy mới gọi là trì kinh Pháp Hoa. Thọ trì Pháp Hoa như vậy, từ kiếp này đến kiếp khác, ta chẳng hề mở quyển kinh ra, nhưng từ ngày chí đêm, không lúc nào chẳng tụng niệm vậy.
44. Pháp Đạt nghe qua, tâm liền tỏ thông, nhảy nhót vui mừng, dùng kệ khen rằng:
Tụng kinh ba ngàn bộ,      11
Tào Khê thảy bỏ đi.            12
Chưa rành ý xuất thế,        13
Lũy kiếp phải cuồng mê.   14
Dê, Nai, Trâu quyền đặt,   15
Sơ, trung, hậu khéo bày.   16
Ai dè trong nhà lửa,           17
Vua pháp vốn là đây.         18
45. Tổ bèn nói: Từ nay sư mới đáng là thầy tăng niệm kinh Pháp Hoa.
46. Pháp Đạt tuy lãnh hội được ý mầu, nhưng cũng chẳng bỏ việc tụng kinh.

LƯỢC GIẢI

(1) Niệm niệm mở chỗ biết thấy của Phật, chớ nên mở chỗ biết thấy của chúng sanh. 
Chưa thấy một vị Tổ nào dạy người kiến tánh một cách dễ dàng như Lục Tổ. Ngài dạy rất nhiều hình thức khác nhau, nghĩa là nhiều phương pháp riêng biệt để cho ai nấy đều có thể kiến tánh được cả. Khi thì Lục Tổ dạy hãy biết tánh chúng sanh và tánh Phật, lúc lại chỉ rõ pháp môn không hai tướng để khỏi lạc vào biên kiến v.v… Ở đây, Tổ dạy mở chỗ biết thấy của Phật lòng mình, khác với mở chỗ biết thấy của chúng sanh, để cho ai nấy đều có thể ngộ nhập được cả. Đó là một phương pháp kiến tánh rất đặc biệt, rất tuyệt diệu.
Như chúng ta đều biết, Phật là Giác, là tánh giác ngộ; mở chỗ biết thấy của tánh giác ngộ, đó là khai Phật tri kiến, đó là kiến tánh.
Tiết 32, Tổ chỉ rõ người đời hay mở chỗ thấy biết của chúng sanh. Tiết 33, Tổ chỉ dạy người tu hành phải thường mở chỗ biết thấy của Phật.
“Phật dã giác giả” (Phật là kẻ giác ngộ vậy). Muốn được như Phật, phải mở tánh giác ngộ của mình chớ không có gì huyền bí khó hiểu. Giác có hai thứ: Thứ nhứt là giác sát, nghĩa là dùng trí huệ, biết rõ cái nào tà chánh, chơn vọng; biết rõ tánh chúng sanh, để mà sát giặc phiền não, giặc tham sân v.v… Hai là giác ngộ, nghĩa là dùng sự hiểu biết của trí tuệ để ngộ nhập đúng chân lý, đúng thiệt tướng.
Nói tóm lại, còn tham sân si, còn mê nhiễm tài sắc danh lợi,... đó là mở chỗ biết thấy của chúng sanh. Trái lại, hằng mở lòng thương khắp cả chúng sanh, giúp đỡ người cơn gấp ngặt, bố thí độ đời chẳng ngại công ngại của, trau dồi đức hạnh, tập tánh vị tha, dùng trí huệ để giác ngộ phiền não, thói xấu tật hư v.v… đó là mở chỗ biết thấy của Phật, đó là kiến tánh.
Mở chỗ biết thấy của Phật lòng là bực Thánh giải thoát. Còn mở chỗ biết thấy của lòng chúng sanh là phàm phu trầm luân.

(2–3) Lòng mê Pháp Hoa chuyển,
Lòng ngộ chuyển Pháp Hoa.
Pháp Đạt là người mê kinh, chỉ theo văn tự mà tụng niệm hê ha, còn nghĩa lý thì không chịu tìm hiểu. Chẳng phải chỉ một kinh Pháp Hoa mà thôi, bất cứ kinh nào, nếu người tụng mà không thông nghĩa lý để làm theo, thì người đó bị kinh xoay chuyển.
Trái lại, nếu lòng tỏ ngộ thì chuyển xoay lại kinh. Tất cả kinh luận đại thừa mặc dầu lời lẽ có khác nhau, nhưng cả thảy đều hướng về một mục tiêu chung là mở chỗ biết thấy của Phật để người tu hành thể nhập chơn lý. Thế thì kinh luận nhà Phật không có một năng lực huyền bí cứu rỗi người đời qua khỏi sông mê bể khổ trong lúc nhắm mắt tụng niệm. Phải tu, phải học, phải nghiên cứu mới ngộ giải bằng lý trí hoặc nhờ thiện hữu mở mang cho.
Bằng như muốn tụng theo lý vô tướng, thì đây, trong Trúc Song có nói: “Xuất tức bất tùng chúng duyên, nhập tức bất cư uẩn giới, thường chuyển như thị bá thiên vạn ức chư kinh.” Nghĩa là: Hơi thở ra chẳng chạy theo ngoại duyên sáu trần. Hơi thở vào chẳng lưu các duyên ở trong ngũ uẩn và mười tám giới. Thường đặng như vậy trăm ngàn muôn ức quyển kinh.

(4–5)Tụng kinh chẳng hiểu nghĩa,
Cùng nghĩa vốn thù ta.
Tụng kinh mà không hiểu rõ nghĩa lý như thế nào, thì ta với kinh là thù chớ không phải là bạn. Kinh sách là người bạn lòng của ta, khi nào trí ta tương đắc cảm thông. Trái lại, ta không chịu tìm hiểu người bạn của ta, thì nghĩa thân ái đổi ra nghĩa thù hận.
Trong Đốn Ngộ Yếu Môn Luận có nói: Tụng niệm thì chẳng khác chó điên cạp đất, sư tử cắn người. Kinh, Luật, Luận là chỗ diệu dụng của lý tánh, người đọc tụng mà chẳng biết diệu dụng chỗ nhiệm mầu của lý tánh, thì làm sao mà gọi là thấy tánh. Có ông Tăng đến hỏi ngài Huệ Hải rằng: “Bạch Hoà thượng! Vì lẽ gì chẳng cho tụng kinh?” Đáp: “Nếu tụng kinh thì mang tiếng là khách ngữ. Ví như chim anh võ học nói tiếng người, chớ chẳng hiểu đặng ý người. Kinh là truyền lại cái ý mầu của Phật, người đời chỉ biết tụng đọc suông mà chẳng biết ý Phật như thế náo, thật là kẻ mê học nói tiếng Phật, cũng như chim học nói tiếng người. Vì vậy chẳng cho tụng. Nếu tụng mà rõ ý nghĩa của Phật và y theo giáo lý mà phụng hành đặng lòng tỏ thấy tánh, thì sao lại chẳng cho.”

(6–7) Không niệm, niệm ắt chánh,
Có niệm, niệm thành tà.
Nếu ai tụng kinh mà chấp có tụng niệm, thì lọt vào ngã chấp, còn chấp có kinh để tụng niệm, lại kẹt vào pháp chấp. Chấp mình có tụng niệm là còn có cái tâm năng niệm. Chấp có kinh để tụng niệm, là còn có cái tâm sở niệm. Còn năng sở đối đãi là còn tà kiến. Không chấp mình có tụng niệm mới là chánh, chấp mình có niệm đó là tà. Tà niệm cùng chánh niệm, chẳng qua Chấp cùng Không Chấp mà thôi.

(8–9) Có, không đều chẳng quản,
Thường cỡi bạch ngưu xa.
Xe trâu trắng, là dụ như Phật thừa. Nếu như ai lìa được hai tướng đối đãi tức là người ấy vào được pháp môn chẳng hai của Phật thừa vậy.
Có, từ nơi Không mà lập. Không, từ nơi Có mà bày. Lòng chẳng chấp Có thì cái Không chẳng còn. Nếu cái Không chẳng còn thì cái Có do đâu mà lập. Thế thì biết rằng: Còn chấp Không tức còn chấp Có, còn chấp Có tức còn chấp Không, vì Có nương nơi Không mà hiện. Trái lại, còn chấp Có, tức là còn chấp Không, bởi vì Không do Có mà thành.
Pháp Đạt nghe kệ rồi liền tỏ ngộ, mủi lòng khóc ngất. Bởi vì Pháp Đạt hiu hiu tự đắc, tưởng mình có công khóa tụng niệm Pháp Hoa là cao quí hơn hết. Ai dè, mới hay bấy lâu nay mình bị Pháp Hoa chuyển mà chẳng biết, nên khóc mùi.

(10) Bao nhiêu tài vật trân bửu đều thuộc về của sư, sư tự thọ dụng lấy.
Đây là một câu thí dụ người kiến tánh vào được nhà Như Lai, thọ hưởng các báu vật trong nhà ấy. Nghĩa là người kiến tánh, biết dùng các dụng tướng bồ đề toàn là báu vật trí huệ, như: trí đại từ đại bi, trí đại hỷ, trí đại xả, trí chơn như v.v… tức là Nhứt thiết chủng trí đều là của mình, tự mình thọ dụng lấy. Người được thọ hưởng và sử dụng vật báu, không chấp rằng các trân bảo ấy của cha, cũng không chấp rằng của con, mà cũng chẳng chấp rằng mình thọ hưởng. Bởi vì, các pháp, dầu là pháp tánh đi nữa, tuy thuộc vô vi, vô hình, vô tướng, nhưng nếu chấp, thành ra hữu vi, hữu hình, hữu tướng. Vì vậy, khi đã vào được nhà Như Lai (đã được kiến tánh) thì không nên chấp.
Người chưa kiến tánh, tỷ như người chưa vào được nhà Như Lai, tức là chưa thọ lãnh gia tài trong nhà ấy. Thọ lãnh gia tài của nhà Như Lai, cũng gọi là thọ lãnh cái kho vô tận, có đủ trân châu báu vật vô lượng vô biên không thiếu món nào.

(11-12) Tụng kinh ba ngàn bộ,
Tào Khê thảy bỏ đi.
Đây là một bài học cho những người tụng kinh niệm Phật có ghi công vô số. Bấy lâu nay Pháp Đạt có ghi đủ số tụng niệm của mình, bỏ Phật lòng dùng Phật trên mặt giấy. Nay đã tỏ ngộ, hiểu cái công phu mê chấp của mình như vậy là sai, thành công dã tràng xe cát, nghĩa là bỏ ráo. Văn tự bát nhã là hành tướng của tâm pháp đạo, mê chấp hành tướng cũng như người mê, cố bám vào ngón tay chỉ mặt trăng, nên chẳng thấy được bản thể thật hữu sáng suốt vô ngằn.

(13-14) Chưa rành ý xuất thế,
Há dứt kiếp đời ngay.
Trong kinh Pháp Hoa, đức Thế Tôn có nói rõ cái ý nghĩa xuất thế của chư Phật Như Lai, thệ nguyện cùng chúng sanh, tổng giai thành Phật đạo. Nếu ai chưa hiểu ý nghĩa xuất thế, đều là kẻ ngây mê. Pháp Đạt biết mình bấy lâu nay cùng chung số phận kẻ ngây mê ấy, nên nói lại là để làm gương cho hậu học.

(15-16) Dê, nai, trâu quyền đặt,
Sơ, trung, hậu khéo bày.
Đại ý trong kinh Pháp Hoa nói: Chỉ có một Phật thừa, không có dư thừa nào khác nữa. Chúng sanh còn mê, trình độ bất đồng nên giả lập ra ba xe cho ba thừa. Đến kỳ chót, sự học Phật đã thuần thục, Phật bèn qui ba thừa làm nhứt thừa thiệt tướng, tức là Phật thừa (xe trâu trắng).   
Vì không hiểu ba thừa là quyền biến tạm lập ra, hơn nữa, hàng Nhị thừa chấp rằng: Phật đạo chỉ có ba thừa ấy thôi, không có thừa nào nữa. Nay nghe Phật nói có một thừa nữa, cả năm ngàn vị Thinh văn chẳng tin, nên đồng nhau rút lui ra khỏi pháp hội.
Ôi! Hoá thành là tuỳ duyên giả lập chớ đâu phải thật. Thế mà hàng Thinh văn tưởng mình đã đến được chỗ thật rồi, nên chẳng bao giờ tin có bảo sở, nên rút lui là phải.
Ngày nay Pháp Đạt cũng đạp dấu người xưa, nhưng Pháp Đạt nhờ duyên lành, nên gặp Lục Tổ khai thị, mới biết “Dê, Nai, Trâu là quyền đặt,” mới biết thời kỳ ban sơ, thời kỳ giữa, và thời kỳ chót, là chỗ phương tiện khéo léo. Đó là cái khéo trình bày của Phật rất khoa học, đi từ thấp lên cao vậy.

(17-18) Ai dè trong nhà lửa,
Vua pháp vốn là đây.
Câu này có nhiều nghĩa: trong kinh Pháp Hoa có thí dụ ba cõi thế gian (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) là nhà lửa, gọi là nhà lửa Tam giới. Còn vua pháp là chỉ kinh Pháp Hoa, chúa của các kinh.
Nhà lửa cũng có nghĩa là nhà phiền não, chứa lửa vô minh, tức là cái thân xác của chúng sanh vậy. Còn vua pháp cũng có nghĩa là pháp Vô thượng bồ đề, chúa của các pháp, vì nó ngự trị tất cả dụng tướng bồ đề, làm chủ tể của các pháp giác ngộ.
Pháp Đạt không dè rằng trong nhà phiền não lại có Phật tánh là vua pháp. Bấy lâu nay Pháp Đạt tìm Phật tánh ngoài tánh chúng sanh, lìa mê để cầu giác, lìa sắc thân để tìm pháp thân. Ngày nay Pháp Đạt nào dè đạo Vô thượng giác lại thấy ở mê tình, nào dè sắc thân ngũ uẩn này lại là Phật.

=======================

CƠ DUYÊN CỦA TRÍ THÔNG

47. Tăng nhơn tên là Trí Thông, người ở An Phong, thuộc về phủ Thọ Châu. Ban sơ xem kinh Lăng Già trên ngàn bận mà chẳng hiểu rõ chỗ nói về Ba thân, Bốn trí nên tìm đến ra mắt Tổ. Sau khi đảnh lễ, Trí Thông bèn yêu cầu Tổ chỉ dạy ý nghĩa của Ba thân, Bốn trí.
48. Tổ giảng rằng: Ba thân là: Một là Thanh tịnh Pháp thân, ấy là tánh của sư vậy. Hai là Viên mãn Báo thân, ấy là trí của sư vậy. Ba là Thiên bá ức Hoá thân, ấy là hạnh của sư vậy. Nếu lìa bổn tánh mà nói có riêng Ba thân, thì gọi là có thân mà không có trí. Trái lại, nếu biết Ba thân không có tự tánh riêng biệt khác nhau, đó là Tự trí Bồ đề.
49. Hãy nghe kệ đây:
Tánh mình đủ ba thân             1
Phát minh thành bốn trí          2
Chẳng lìa duyên thấy nghe    3
Vượt lên địa vị Phật.                4
Nay tôi vì sư nói
Xét tin trót chẳng mê
Trọn ngày nói Bồ đề.
50. Bạch Hoà thượng! Còn cái nghĩa bốn trí, Hoà thượng có thể cho nghe luôn?
51. Tổ nói: Đã hỏi ba thân, tức nhiên rõ được bốn trí, hà tất lại hỏi nữa. Sư nên biết rằng: Nếu lìa ba thân, riêng bàn bốn trí thì gọi là có trí mà không có thân, tức là có trí mà thành không trí.
52. Khá nghe kệ đây:
Trí đại viên cảnh, tánh thanh tịnh,              5
Tánh trí bình đẳng, lòng không bịnh.         6
Trí diệu quan sát, thấy chẳng [dụng] công, 7
Trí thành sở tác, đồng viên cảnh.                8
Năm, tám, sáu, bảy, quả nhơn chuyển,        9
Chỉ dùng danh ngôn, không thiệt tánh,      10
Bằng chỗ chuyển ấy chẳng lưu tình,           11
Tuy rộn ràng mà Na-già định.                     12
53. Trên đây là nói cách chuyển cái Thức trở thành cái Trí vậy. Kinh Lăng Già có dạy rằng:
Chuyển năm thức làm Trí Thành Sở Tác.
Chuyển thức thứ Sáu làm Trí Diệu Quan Sát.
Chuyển thức thứ Bảy làm Trí Bình Đẳng.
Chuyển thức thứ Tám làm Trí Đại Viên Cảnh.
Sáu, Bảy là cái nhơn để chuyển. Năm, Tám là cái kết quả sau khi chuyển. Nói chuyển là theo mặt danh từ mà nói, chớ chẳng phải chuyển về mặt bản thể.
54. Nghe xong Trí Thông liền tỏ ngộ được tánh trí của mình, bèn trình kệ rằng:
Ba thân vốn thể ta,                       13
Bốn trí gốc tâm mình.                  14
Thân trí hoà vô ngại,                   15
Ứng vật tuỳ theo hình.                 16
Dấy tu đều là vọng,                      17
Trụ chấp chẳng phải chơn.         18
Ý mầu nhờ thầy dạy,                    19
Trọn chẳng nhiễm theo danh.      20

LƯỢC GIẢI

(1–2) Tánh mình đủ ba thân,
Phát minh thành bốn trí.
Như tôi đã nói: Tánh mình hay tuỳ duyên, nếu đủ nhơn duyên gì, thì thành ra cái đó; nhưng tự tánh không bao giờ dời đổi. Cũng như nước biển làm sóng nổi bọt, làm hình này tướng nọ, màu kia sắc khác, thế mà nước cũng vẫn là nước, tánh nó không thay đổi. Lại ví như vàng vòng, tuy đủ nhơn duyên của chiếc xuyến, đủ nhơn duyên của chiếc kiềng, chiếc mề đay, sợi dây chuyền, hoặc các thứ hình tướng nào khác đi nữa, tánh vàng cũng không vì đó mà thay đổi.
Tự tánh thanh tịnh, chẳng ô nhiễm, ở nơi tướng mà lìa tướng, đó là Thanh tịnh Pháp thân Phật vậy.
Tự tánh gầy dựng muôn đức, các đức tánh ấy báo đáp cho mình một cái thân trang nghiêm đầy đủ tướng hảo quang minh, đó là Báo thân Phật.
Tự tánh hằng tuỳ duyên, ở nơi duyên mà hiện ra các dụng tướng và thường tuỳ thuận một cách tự tại vô ngại, giữa các pháp tướng trùng trùng vô tận, đó là Hoá thân Phật.
Ở trong ba thân này phát minh (tỏ bày) thành bốn trí. Nghĩa là ngoài ba thân không có bốn trí, ngoài bốn trí không có ba thân. Thân là trí, trí là thân. Thân đây là Pháp thân, Báo thân và Hoá thân vậy. Nhưng xứng lý mà nói: Ngoài sắc thân không có ba thân, bốn trí, nghĩa là không ngoài thân tâm của chúng sanh.
Ba thân hiện ra bốn trí là: Pháp thân thuộc về Đại viên cảnh trí, Báo thân thuộc về Bình đẳng tánh trí, Hoá thân thuộc về Diệu quan sát trí và Thành sở tác trí.

(3–4) Chẳng lìa duyên thấy nghe,
Vượt lên địa vị Phật.
Nhiều người thấy trong kinh sách nói Phật tánh, hay tâm bồ đề là thanh tịnh, tịch diệt, là như như thường trụ, rồi lầm tưởng thành Phật là tuyệt dứt hết những sự thấy nghe hiểu biết của lục căn, thật là một việc sai lầm quá sức tưởng tượng. Bởi lầm hiểu như vậy, nên không bao giờ tin chắc rằng mình sẽ thành Phật, nhứt là không tin thầy và bạn của mình, hoặc những người khác đã chứng quả Phật. Do chỗ hiểu lầm như vậy, nên Phật trước mặt mà không biết, lại đi non cao động thẳm để tìm Phật, rốt cuộc rồi bỏ quên Phật lòng, nghĩ đáng thương tiếc cho cái đời học đạo.
Cũng có một số người quan niệm rất sai lầm, là các bực Thánh, các đấng giải thoát cao siêu không có ở giữa trần ai, mà ở những chỗ kẻ phàm khó có thể đi đến đó được. Bởi họ cho rằng những đấng đắc đạo ấy, các giác quan đã thanh tịnh, xác thịt biến thành những chất nhẹ nhàng, không thể chịu đựng nổi những sức rung động của thinh âm sắc tướng. Thật là một quan niệm sai lầm với giáo lý nhà Phật.
Thành Phật, chẳng cần phải xa lìa các duyên thấy, nghe, hiểu, biết của giác quan hồng trần. Các giác quan, chừng đó nó chỉ là những dụng cụ cho Phật tánh để cho Phật tánh tuỳ duyên. Nếu dứt hết các duyên thấy, nghe của ngoại cảnh sáu trần, thì đó là thành cây đá chớ chẳng phải thành Phật.

(5) Trí đại viên cảnh, tánh thanh tịnh.
Người đã minh tâm kiến tánh, thì đệ bát thức, tức là A-lại-da thức lần lần sạch hết chủng tử mê lầm, trở thành thanh tịnh. Thức A-lại-da trở thành Trí Đại viên cảnh (trí lớn tròn sáng như gương). Người chưa kiến tánh thì không bao giờ chuyển thức thành trí được. Nếu chuyển không được thì trong thức A-lại-da ngậm chứa (hàm tàng) đủ hai thứ: Một là chủng tử mê lầm, thuộc về thế gian, hai là chủng tử giác ngộ, thuộc về xuất thế gian. Vì ngậm chứa tàng trữ các chủng tử thiện ác, mê ngộ, chơn vọng v.v… nên gọi là Hàm tàng thức (cái thức ngậm chứa, tàng trữ các giống).

(6) Tánh trí bình đẳng, lòng không bịnh.
Người đã minh tâm kiến tánh thì thức thứ Bảy là Mạt-na biến thành Trí bình đẳng. Mạt-na thức vốn có tánh hay chấp ngã, là nguồn gốc bất bình đẳng. Cái gốc bất bình đẳng này chẳng phải nó chỉ phân biệt ta khác với người, ta khác với các vật, các loại, mà nó còn phân biệt nên hư, tốt xấu, phải quấy, còn mất, có không, mê ngộ, thánh phàm v.v… Nghĩa là nó khiến con người chìm vào cái hố phân biệt, nhơn ngã bỉ thử, phân biệt ta và pháp khác nhau, làm cho người tu hành khó tiến đến Trung đạo đệ nhứt nghĩa đế mà chứng Phật trí viên dung bình đẳng. Nói một cách khác cho rộng nghĩa: Cái thức Mạt-na buộc trói con người mê chấp hai tướng đối đãi, nên chẳng vào được pháp môn chẳng hai, khiến cho thân tâm đoạ lạc vào hai bên biên kiến.
Người đã kiến tánh, tức là người đã đánh dẹp hai bên biên kiến, làm cho thức thứ Bảy trở nên Trí bình đẳng, người ấy chẳng những không còn bịnh chấp ngã và cũng không còn bịnh biên kiến. Khi chưa chuyển thức thành trí, bất cứ việc làm nào cũng khiến con người nghĩ đến cái ta trước hơn hết. Mỗi mỗi đều tính cho ta hơn, ta giỏi, ta hay, ta cao, ta nhiều; kẻ khác là kém, là dở, là thấp, là ít. Nếu biết được kẻ khác giỏi hơn ta, hay hơn ta v.v… thì lại sanh thói ghen ghét.
Sau khi đã chuyển thức bất bình đẳng thành trí bình đẳng, chừng đó con người mới biết rằng, chẳng những ta không khác người, mà cũng chẳng khác muôn loài vạn vật, chứng được pháp tánh duy nhứt, tức là vạn vật đồng nhứt thể.

(7) Trí diệu quan sát, thấy chẳng công. (Diệu quan sát trí, kiến phi công).
Người đã minh tâm kiến tánh, thì chuyển thức thứ sáu làm Trí diệu quan sát. Từ khi chưa chuyển thức thành trí, thì cái Ý (cũng gọi là cái tâm) cũng đã có một sự hiểu biết đối với ngoại cảnh, chẳng cần phải dụng công, lựa là đến khi đã chuyển thức.
Thấy chẳng công có nghĩa là sự hiểu biết chẳng đợi phải dụng công sưu tầm. Chữ thấy đây, là do chữ “kiến” mà dịch ra, tức là tri kiến (sự hiểu biết) chẳng phải thấy như mắt thấy.
Tâm thức có sự hiểu biết lanh lợi do kinh nghiệm ở nhiều kiếp trước đã thành chủng tử kết tập trong A-lại-da-thức. Chính thức thứ Sáu (tâm ý) giúp sự hiểu biết cho thức thứ Bảy (Mạt-na thức) để phân biệt cái ta và cái pháp. Sở dĩ thức thứ bảy có sự chấp ngã, chấp pháp một cách sâu sắc, là do thức thứ Sáu mà ra. Nếu không có tâm thức, thì Mạt-na thức chỉ biết âm thầm chấp ngã và dùng A-lại-da thức làm cái ta (làm cái tướng của tự thân), chớ không có sự phân biệt sâu sắc.
Năm căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) là năm cơ quan giúp sức cho tâm thức có một phạm vi hiểu biết rộng rãi. Nếu mất một cơ quan nào, thí dụ như mất mắt, hay tai, thì sự hiểu biết của tâm thức bị thu hẹp phạm vi. Ngược lại, tâm thức cũng giúp cho năm căn có một sự hiểu biết liễu cảnh. Thí dụ như tâm ý không dựa vào lỗ tai thì chỉ nghe mà không hiểu gì, hoặc là hiểu mơ màng. Nếu nó không dựa vào mắt, thì chỉ thấy chớ không hiểu biết gì cho nhiều. Đối với căn nào cũng vậy, nếu nó dựa nhiều thì hiểu nhiều, dựa ít thì hiểu ít.
Một mình ý căn giúp sự hiểu biết cho hai đầu, phía ngoài thì nó giúp cho năm căn, phía trong thì nó giúp Mạt-na thức để tăng thêm phần chấp ngã, chấp pháp một cách sâu sắc.
Nếu ai thường suy xét chơn lý đại thừa, ai ăn ở theo lý trí, ai biết giữ mười giới cấm, nhứt là ai đã minh tâm kiến tánh thì đổi thức thứ sáu ra Trí diệu quan sát. Hành động và sự hiểu biết của mình thuần trí huệ.

(8) Trí thành sở tác, đồng viên cảnh.
Người đã minh tâm kiến tánh thì năm thức (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức) chuyển đổi ra Trí thành sở tác.
Thành là thành tựu; sở tácnghĩa là cái trí huệ ứng hiện (hay là trí huệ hiện hành) nơi các dụng tướng bồ đề để thành tựu viên mãn công việc của tự giác và giác tha, cũng gọi là giác hạnh viên mãn.
Lúc còn làm thức, thì năm thức này có sự thiên chấp sai biệt theo ngoại cảnh, dong ruổi theo hai tướng đối đãi. Từ khi chuyển thức thành trí, thì cái tác dụng phân biệt của nó đổi lại là viên dung bình đẳng, tất cả ngoại cảnh đều viên, nên nói đồng viên cảnh. Mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm, thân đụng chạm không còn biên kiến, không còn thiên chấp sai biệt nữa.

(9) Năm, tám, sáu, bảy, quả nhơn chuyển.
Năm, tám, sáu, bảy, nghĩa là: năm thức trước (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức) với thức thứ tám (a-lại-da), thức thứ sáu (ý) và thức thứ bảy (mạt-na). Trong lúc tu nhơn và chứng quả chia ra như vầy: Trong lúc tu nhơn, thì chuyển thức thứ sáu thành Trí diệu quan sát, chuyển thức thứ bảy thành Trí bình đẳng. Còn trong lúc chứng quả, thì năm thức làm ra Thành sở tác trí, a-lại-da làm ra Đại viên cảnh trí. Thế thì năm thức và a-lại-da thức khỏi tu, khỏi chuyển, hễ có Trí diệu quan sát và Trí bình đẳng thì có nó, nghĩa là ai thành trí, thì nó cũng thành trí, ai chuyển thức thì nó cũng chuyển thức vậy, nên gọi là quả nhơn chuyển.

(10) Chỉ dùng danh ngôn, không thiệt tánh.
Trong lúc chuyển thức, nghĩa là trong lúc tu hành, không nên chấp thiệt có tu, thiệt có chứng, thiệt có thành Phật. Bởi vì, đâu phải thiệt mê mà chấp có thuốc giác. Thế thì, như huyễn mê, như huyễn chứng lý, như huyễn thành Phật. Từ khi làm chúng sanh, đến lúc tu hành chứng lý và thành Phật, chỉ dùng “danh ngôn” chớ không có món nào gọi là “thiệt tánh.” Thế thì, nói chuyển thức, chỉ là danh ngôn hí luận mà thôi, nếu mê chấp thì không khỏi có chướng ngại. Bởi thức với trí, trong cơn mê, mơ màng in tuồng có khác, nên thấy có chuyển thức, thật ra thì phiền não tức bồ đề, chúng sanh thị Phật, đâu có gì sai khác mà nói tu chứng, nói viên thành Phật quả.

(11) Bằng chỗ chuyển ấy chẳng lưu tình.
Câu này đại ý nói rằng: Không nên chấp chỗ tu hành của mình. Sở dĩ người đời chấp rằng mình có tu, là tại phân biệt chúng sanh với Phật khác nhau.

(12) Tuy rộn ràng mà Na-già định.
Na-già, là tiếng Phạn đọc tắt. Đọc đủ chữ là “Ma-ha-na-da,” một danh từ dùng để chỉ chư Phật. Ma-ha-na-da định, nghĩa là chư Phật Thế Tôn lúc nào cũng định, bất cứ đi dứng hay nằm ngồi. Bởi vậy, trong kinh có câu: “Na-da đi tại định, Na-da đứng tại định, Na-da ngồi tại định, Na-da nằm tại định.”
Nếu trong chỗ tu hành và chuyển thức, mà không chấp cả thảy trong hành vi tư tưởng và lời nói, nghĩa là ba nghiệp thân khẩu ý đều tịch tịnh, thì dầu cho rộn ràng nhộn nhịp cách mấy nữa đi nữa cũng vẫn ở Na-già định.
Có chỗ lại giải thích rằng: “Ma-ha-na-da” là đại long (rồng chúa) ngầm chỉ chư Phật Thế Tôn định là trầm sâu đáy biển trong lúc tu hành. Na-ha-na-da định là đại long lúc tu hành thì trầm sâu dưới đáy biển, không còn hoạt động theo tánh hung hăng nữa.

(13–14) Ba thân vốn thể ta, Bốn trí gốc tâm mình.
“Thể ta” là cái bản thể của mình làm ra ba thân. Còn bốn trí thì cũng không ngoài cái tâm sáng suốt. Mỗi vị Phật có ba thân bốn trí, tuy phân biệt cho nhiều, chớ nguyên lai không ngoài thân tâm của chúng sanh. Khi còn làm chúng sanh, thấy có một thân và tám thức, khi giải thoát nói có bốn trí và ba thân, thật ra thì cũng chỉ có một bản thể chớ không phải nhiều, chỉ vì tuỳ nhơn duyên mà phân biệt cho dễ hiểu đó thôi.

(15–16) Thân trí hoà vô ngại, Ứng vật tuỳ theo hình.
Vật chất và tinh thần, bản thể và hiện tượng hoà hiệp vô ngại, bực Phật ba thân và bốn trí toàn là vật thiêng liêng, nên nói Thân trí hoà vô ngại. Còn ứng vật tuỳ theo hình nghĩa là nói người đã kiến tánh rồi, cái thức mê chấp phân biệt đâu còn nữa. Trong khi ấy, bốn trí đối với ngoại duyên trần cảnh chỉ là tuỳ duyên chớ không phải mê nhiễm. Phải biết rằng: Chơn như bất biến mà vẫn tuỳ duyên, tuỳ duyên mà vẫn bất biến.
Khi còn mê, thì chấp có sanh tử và khiếp sợ sanh tử để cầu Niết bàn tịch diệt. Lúc đã ngộ rồi thì sanh tử vốn không, niết bàn như mộng, tự do tự tại vô ngại, mặc tình bơi lội trong bể khổ sanh tử để cứu độ chúng sanh. Vì tuỳ duyên mà ứng hiện theo vật, vì tuỳ theo thinh sắc mà tế độ quần sanh, đúng với lời nói:
Tuỳ thuận chúng sanh vô trở ngại,
Niết bàn, sanh tử thị không hoa.

(17–18) Dấy tu đều là vọng, Trụ chấp chẳng phải chơn.
Chấp mình có tu hành, có bố thí, có đạo hạnh, có chứng đắc hoặc cầu chứng đắc... đều là vọng chấp cả. Chơn tánh vốn sáng suốt, chẳng phải trau dồi. Chơn tánh vốn như như, chẳng cầu thiền định. Chơn tánh vốn tự do tự tại, chẳng cầu giải thoát. Chơn tánh vốn tịch tịnh, chẳng cầu niết bàn. Nói cách khác, chơn tánh là sáng suốt, là như như, là giải thoát, là niết bàn... mà còn dấy lòng tu niệm, đều là vọng động cả.
Cho đến để tâm an trụ vào cảnh giới thiền định, hoặc trụ vào cảnh giới không không, trụ vào cảnh giới tịch diệt v.v… đều là trụ chấp chẳng phải chơn.
Hoặc giả, nếu muốn trụ tâm, thì trụ chỗ không trụ. Thế nào gọi là trụ chỗ chẳng trụ? – Nghĩa là chẳng trụ cả thảy chỗ. Chẳng trụ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Chẳng trụ hai tướng đối đãi, v.v… Trong kinh Kim Cang có câu: “Nên sanh tâm không có chỗ trụ.” (Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm).
Khi lòng mình đặng thanh tịnh mà chẳng tưởng mình được thanh tịnh, đó là chẳng chấp tịnh. Khi lòng mình đã được thanh tịnh mà chẳng an trụ nơi thanh tịnh, đó là chẳng trụ tịnh.
Khi lòng mình đặng không, mà mình chẳng tưởng là không, và chẳng an trụ vào đó, gọi là chẳng chấp không và chẳng trụ không.
Vậy thì, khi lòng mình đang chỗ vô trụ, thì chẳng phải là chấp chỗ không trụ hay sao?
Xin thưa rằng: Nếu lòng mình chẳng tưởng đến, tức nhiên là không có chỗ chấp (vô sở chấp). Chính trong lúc đang ở trong cảnh thinh sắc, tuy lòng vẫn phân biệt, nhưng không khen chê, không lấy bỏ một cảnh giới nào, bất cứ là thiện, là chơn, là như như, cũng mặc. Hơn nữa, trong cảnh giới không thinh sắc, mà lòng chẳng tưởng, chẳng trụ, thì đâu phải là chấp chỗ không trụ.

(19–20) Ý mầu nhờ thầy dạy, Trọn chẳng nhiễm theo danh.
Trước đó, Trí Thông chẳng những kẹt nơi pháp tướng mà cũng kẹt nơi danh tướng nữa. Hễ có chấp là có tướng, có tướng thì có danh (tên gọi của các pháp).
Tướng là giả tướng, danh là cưỡng danh. Danh tướng của ba thân, bốn trí, làm cho Trí Thông dừng mãi nơi mộng huyễn, nay nghe Tổ giải thích, tâm liền tỏ ngộ, nói rằng ý mầu nhiệm của tâm pháp đạo nhờ thầy dạy, từ đây chẳng còn mê nhiễm theo danh pháp nữa.

=======================

CƠ DUYÊN CỦA TRÍ THƯỜNG

55. Tăng nhơn là Trí Thường, quê quán ở Quí Khê, thuộc về phủ Tín Châu. Xuất gia lúc còn trẻ, dốc chí tu hành cầu cho được minh tâm kiến tánh. Một ngày kia Trí Thường đến ra mắt Tổ.
56. Sư từ đâu đến? Muốn yêu cầu việc chi?
57. Bạch Đại sư, gần đây kẻ học đạo này ở núi Bạch Phong, thuộc phủ Hồng Châu, có đảnh lễ Đại Thông Hoà thượng nhờ Ngài tỏ bày cái nghĩa “kiến tánh thành Phật,” song chưa giải quyết được chỗ nghi ngờ của đệ tử. Vì tâm trí của đệ tử chưa thoả mãn nên chẳng nài từ xa lặn lội lại đây kỉnh lễ Đại sư, mong ơn Đại sư chỉ dạy.
58. Tổ nói: Thầy của sư nói những câu nào, hãy thuật lại cho tôi nghe.
59. Trí Thường rằng: Đệ tử có đến ở chỗ đó trong ba tháng, mà chưa được hân hạnh chỉ dạy điều chi. Lòng của đệ tử chí thành tha thiết muốn nghe pháp, nên một đêm nọ, bạo gan một mình vào phương trượng yêu cầu chỉ dạy thế nào là bổn tâm, bổn tánh của mình.
Đại Thông Hoà thượng hỏi đệ tử rằng: “Người có thấy hư không chăng?” Đệ tử bạch rằng: “Thấy.”
Hoà thượng lại hỏi tiếp: “Người thấy hư không có tướng mạo gì không?” Bạch rằng: “Hư không vốn chẳng có hình, thì đâu có tướng mạo chi.” Kia rằng “Bổn tánh người dường hư không, trót chẳng vật chi khá thấy, gọi là ‘chánh kiến,’ chẳng có một vật chi khá biết, gọi là ‘chơn tri.’ Biết được bổn tâm bổn tánh mình không có xanh, vàng, dài, vắn, chính là thấy gốc nguồn thanh tịnh, giác thể tròn sáng, tức minh tâm kiến tánh thành Phật, cũng gọi là Tri kiến Như Lai.”
Bạch Đại sư! Kẻ học đạo này tuy nghe lời nói ấy, nhưng chưa giải quyết được lòng nghi pháp, mong đại sư xuống phước chỉ dạy.
60. Tổ rằng: Chỗ nói pháp của Đại Thông Hoà thượng còn chấp giữ chỗ thấy biết, khiến sư chưa thấu triệt. Nay tôi có một bài kệ tỏ cho sư biết.
Chẳng thấy một pháp: còn ‘vô-kiến,’    1
Thì cũng như mây áng nhựt diện.          2
Chẳng biết một pháp: giữ ‘không-tri,’  3
Khác nào hư không sanh chớp điện.     4
Những tri kiến này thoạt dấy lên,          5
Lầm nhận, nào dè là phương tiện.         6
Một niệm nếu tự biết lỗi mình,               7
Ánh sáng tự tâm thường hiển hiện.        8
61. Trí Thường nghe kệ rồi, tâm ý suốt thông, bèn trình kệ rằng:
Vô cớ khởi biết, thấy,           9
Chấp tướng cầu bồ đề.        10
Lòng còn một niệm ngộ,      11
Đâu vượt buổi xưa mê.        12
Tự tánh thể nguồn giác,      13
Theo bóng luống dối đời.    14
Chẳng được vào nhà tổ,      15
Còn dong ruổi hai nơi.        16
62. Một ngày kia Trí Thường hỏi Đại sư rằng: Bạch Đại sư! Phật nói pháp có ba thừa, tại sao lại còn nói Tối thượng thừa? Đệ tử vì chưa hiểu rõ, mong ơn Đại sư chỉ dạy.
63. Này Trí Thường! Người học đạo thường xem thấy bổn tâm mình, chớ chấp theo pháp tướng bề ngoài. Pháp không bốn thừa, tại lòng người đời có sâu cạn, nên chia ra có ngôi thứ.
Bực thấy nghe chuyển tụng, ấy là tiểu thừa.
Bực tỏ pháp, rõ nghĩa, ấy là trung thừa.
Bực y theo pháp mà tu hành, ấy là đại thừa.
Bực muôn pháp đều thông, muôn pháp đều gồm đủ, thấy sắc tướng đều chẳng ô nhiễm, lìa các pháp tướng, tỏ các pháp tánh, chẳng thấy có một pháp nào để cho tâm sở đắc, ấy là tối thượng thừa.
64. Thừa là làm, chẳng phải tranh luận ở đầu môi chót lưỡi. Ngươi khá tự tu, chớ khá hỏi nữa, cả thảy trong thời giờ nào, tánh mình cũng như như.
65. Trí Thường đảnh lễ lui ra. Trọn đời Tổ, Trí Thường hầu hạ hai bên.

LƯỢC GIẢI

(1–2) Chẳng thấy một pháp: còn vô-kiến,
Thì cũng như mây áng nhựt diện.
Thành Phật không phải xa lìa các duyên thấy nghe, hiểu biết. Trừ lục căn diệt lục trần không có nghĩa là bịt mắt, bịt tai… Nói tắt là căn còn tiếp xúc với trần, hành vi bên ngoài cũng ăn mặc ở, đi đứng nằm ngồi, làm việc buôn bán… như thường; nhưng trong lòng sáng suốt không ô nhiễm trần thế. Vậy mà Đại Thông Hoà thượng bảo Trí Thường không nên thấy một pháp nào cả, đó là vô kiến (còn thấy không, tức thiên không) cũng gọi là chấp không. Câu này nguyên văn nói “Bất kiến nhứt pháp, tồn vô kiến,”“bất kiến” và “vô kiến” khác nghĩa rất xa. Bất kiến dịch là chẳng thấy, không thấy thì được, còn vô kiến thì dịch là thấy cái không, có nghĩa là chấp không. Vì sợ lầm nghĩa nên để y chữ vô kiến mà không dịch ra.
Trong Đốn Ngộ Yếu Môn Luận có nói: “Không-thấy, không không-thấy.” Nghĩa là: Lòng đã không, thì đừng thấy không, gọi là không-thấy. Khi đã được không-thấy chớ nên chấp cái không-thấy ấy, gọi là không không-thấy.
Trong Kim Cang có nói rằng: “Bằng chấp có-pháp-tướng, tức là còn dính mắc tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Bằng chấp không-pháp-tướng, cũng tức là còn dính mắc tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Thế thì chẳng nên chấp có pháp tướng và cũng chẳng nên chấp không pháp tướng.”
Thấy tất cả sắc tướng mà lòng chẳng ô nhiễm. Chẳng ô nhiễm tức là không có khen chê, phải quấy, nên hư, còn mất, có không, xấu tốt, thiện ác, chơn vọng, sanh tử–niết bàn… nghĩa là không hai tướng. Nói cách khác, thấy cả thảy pháp (hoặc khéo phân biệt các pháp) mà thứ nhứt là chẳng động, cũng gọi là kiến vô sở kiến (thấy chỗ không thấy).
— Thế nào gọi là “Thấy không chỗ thấy?”
— Nghĩa là đương thấy không, mà chẳng đọa theo không. Đương thấy có mà chẳng đọa theo có, nghĩa là chẳng chấp có, chấp không. Đương thấy các cảnh còn mất, có không, hơn thua, phải quấy, xấu tốt, thiện ác, chơn vọng, mà chẳng chấp còn mất, có không, hơn thua, phải quấy v.v… gọi là “thấy không chỗ thấy.”
Đại Thông Hoà thượng dạy Trí Thường rằng: “Bổn tánh ngươi dường như hư không, trót  chẳng có một vật chi khá thấy, gọi là chánh kiến.” Nếu chẳng còn thấy một mảy may gì hết, đó là thấy không, là chấp không.
Trong Đốn Ngộ nói:
— Thế nào gọi là chánh kiến?
— Thấy không chỗ thấy, gọi là chánh kiến.
— Thế nào gọi là thấy không chỗ thấy?
— Trong lúc thấy cả thảy vật mà chẳng sanh lòng nhiễm chấp. Nếu chẳng nhiễm chấp, thì chẳng sanh lòng ưa ghét, gọi là thấy không chỗ thấy, mới gọi là chánh kiến, là con mắt của Phật vậy.  

(3–4) Chẳng biết một pháp: giữ không-tri,
Khác nào hư không sanh chớp điện.
Ở hai câu trên, Tổ chỉ cho Trí Thường tự thấy rõ, nếu còn dính mắc chỗ thấy không thì sẽ kẹt vào cái biết không. Ở câu (3) chữ không-tri cũng để nguyên chớ không dịch ra, cốt để cho độc giả chú ý chữ không tri có nghĩa là biết không (chấp không) chớ không có nghĩa là vô tri vô giác hay bất tri bất giác. Nguyên văn nói: “Bất tri nhứt pháp, thủ không tri,” nghĩa là: “Chẳng biết một pháp, tức là còn chấp giữ cái biết không.” Thế thì, biết không khác nghĩa với không biết.
Câu (1) nói: “Chẳng thấy một pháp, tức là còn chấp giữ cái thấy-không.” Câu (3) nói: “Chẳng biết một pháp, tức là còn chấp giữ chỗ biết-không.”
Sư Đại Thông dạy Trí Thường chấp giữ cái “thấy không, biết không” chớ chẳng phải dạy “không thấy, không biết” như vật vô tri vô giác. Định nghĩa như vậy mới hợp với lời nói của Tổ ở tiết 60 như vầy: “Chỗ nói pháp của Đại Thông Hoà thượng còn chấp giữ chỗ thấy, biết nên sư chưa thấu triệt.”
Xem trời chuyển mưa lúc ban đêm thì rõ, cả không gian đều tối đen như mực, thỉnh thoảng điện chớp lên một cái, ánh sáng ấy không có công dụng thiết thực như mặt trời, mặt trăng, cho đến cũng không bằng cây đèn chong. Những kẻ chấp không cũng y như vậy, cái thấy và cái biết của người ấy không còn tác dụng thiết thực, lâu lâu tâm thức hãy còn nháng lên một chút rồi cũng tắt ngấm, y như trời tối điện chớp.

(5–6) Những tri kiến này thoạt dấy lên,
Lầm nhận, nào dè là phương tiện.
Phải biết rằng tri kiến (biết thấy) là của tâm thức, hễ còn mê thì nó còn chìm đắm theo ngoại cảnh sáu trần, một khi đã ngộ rồi, thì chúng nó là tay sai đắc lực của lý trí, của tâm bồ đề. Thế thì, những tri kiến là những phương tiện để cho con người hành đạo, chớ đâu phải là tôi loàn con giặc mà bỏ nó đi. Phải biết rằng: Tâm bình, mọi sự vật đều bình, tâm ngộ sự vật đều tỏ, tâm thanh tịnh, mọi sự vật đều không sai biệt v.v… Nói một cách khác: Tâm bình đẳng thì các tri kiến đều bình đẳng, tâm ngộ thì các tri kiến đều sáng suốt, tâm thanh tịnh thì các tri kiến đều không ô nhiễm, tâm viên dung thì các tri kiến đều không sai biệt v.v… (Xin xem lại phẩm thứ nhất, phần chú giải câu nói của Ngũ Tổ, có trích một đoạn trong kinh Viên Giác nói: Sáu căn, sáu trần, sáu thức, đều thanh tịnh như như.)

(7–8) Một niệm nếu tự biết lỗi mình,
Ánh sáng tự tâm thường hiển hiện.
Tổ bảo Trí Thường rằng: Nếu biết được cái lỗi của mình, hoặc chấp có hoặc chấp không mà xa lìa, thì đạt được cái lý tức Sắc tức Không, chừng đó đối với hai tướng, không lấy mà cũng không bỏ. Được như vậy thì ánh sáng huệ của tâm bồ đề thường hiển hiện, chừng đó lục căn thanh tịnh, lục trần không còn ô nhiễm, năm thức trở nên Thành Sở tác trí, thức thứ sáu thành Trí diệu quan sát, thức thứ bảy thành Bình đẳng tánh trí, thức thứ tám thành Đại viên cảnh trí, trong ngoài đều sáng suốt, tới lui tự do, tự tại vô ngại. Ta bà tức tịnh độ, sanh tử tức niết bàn.

(9–10) Vô cớ khởi biết, thấy,
Chấp tướng cầu bồ đề.
Muốn cầu đạo Vô thượng bồ đề, phải lìa hai bên biên kiến. Hoặc khởi tri kiến chấp có, hoặc khởi tri kiến chấp không, đều không thể cầu đạo Vô thượng. Muốn cầu đạo Vô thượng bồ đề, phải lìa Kiến, Văn, Giác, Tri phàm trần. Hoặc giả đã xa lìa được kiến văn giác tri phàm trần, mà lòng còn chấp giữ cái tánh yên lặng, thì chẳng khác nào còn phân biệt hình ảnh sự vật của ngoại cảnh sáu trần. (Tùng diệt nhứt thiết Kiến, Văn, Giác, Tri, nội thủ ư nhàn, du như pháp trần phân biệt ảnh sự – Thủ Lăng Nghiêm).
Muốn cầu đạo Bồ đề, tâm không được duyên theo đeo níu các cảnh giới trong hay ngoài, và cũng chẳng phải trụ nơi cái có, cái không, chẳng có chẳng không, cũng có cũng không, chẳng phải cũng có, chẳng phải cũng không v.v…
Tâm Bồ đề là Vô tướng, nếu ngộ nhập đúng Thiệt tướng của tâm bồ đề, mà còn khởi tri kiến này nọ kia đây, đó là chấp tướng để cầu bồ đề.
Kinh Phóng Quang có nói rằng:
— Bồ đề do cái có mà đặng chăng?
— Không.
— Phải do cái không mà đặng chăng?
— Không.
— Phải lìa cái có với cái không mà đặng chăng?
— Không.
— Vậy cái nghĩa đắc đạo bồ đề ra thế nào?
— Không có chi đắc, mới gọi là đắc đạo bồ đề.
Cho đến tâm Năng chứng, lý Sở chứng cũng đều bặt.

(11–12) Lòng còn một niệm ngộ,
Đâu vượt buổi xưa mê.
Khi mê thì cầu cho tỏ ngộ, khi tỏ ngộ rồi mà còn chấp cái chỗ tỏ ngộ, không thể nào vượt khỏi biển mê được. Vả chăng Mê với Ngộ chỉ là những danh từ giả lập, tạm đặt ra vậy thôi. Khi mê thì thấy in tuồng có ngộ, chớ thiệt ra thì bồ đề diệu minh chơn tâm đâu có mê mà cầu ngộ, đâu có tối mà cầu sáng, đâu có vọng mà cầu chơn. Cho đến sanh tử vốn không, niết bàn như mộng, thì đâu có sanh tử mà lấy niết bàn.

(13–14) Tự tánh thể nguồn giác,
Theo bóng luống dối đời.
Tự tánh của chúng sanh vốn là một cái bản thể cội gốc sáng suốt (nguồn giác thể) mà chúng sanh vì mê chấp tánh Phật nên không biết, cứ dong ruổi theo ngoại cảnh lục trần, đó là theo hình bắt bóng, bỏ thiệt theo giả, làm cho thân tâm trôi lăn theo dòng sanh tử luân hồi đời này qua đời kia, kiếp nầy qua kiếp nọ.
Tự tánh không mê, tại sao mình mê? Tự tánh sáng suốt, tại sao mình tối tăm? Tự tánh thanh tịnh, tại sao mình ô nhiễm?... Há chẳng phải tại chúng sanh rượt bắt hình ảnh muôn sự, muôn vật, mà bị chìm đắm ư?

(15–16) Chẳng được vào nhà tổ,
Còn dong ruổi hai nơi.
Sở dĩ người tu hành không vào được nhà Tổ (cũng gọi là vào nhà Như Lai, cũng gọi là minh tâm kiến tánh) là còn kẹt hai bên biên kiến, nghĩa là còn mê chấp hai tướng đối đãi, nên chẳng ngộ nhập đúng chơn lý của pháp môn chẳng hai.
Phàm phu chấp có, Nhị thừa chấp không. Bởi vậy, đối với nhà Như Lai chúng sanh còn ở ngoài sân, chịu mưa nắng dãi dầu, trần lao đủ thứ, hàng Nhị thừa mới tới ngưỡng cửa chưa vào được bên trong. Theo Chơn đế thì hàng Nhị thừa cũng không hơn gì phàm phu. Trái lại, chỉ có bực Bồ tát, nhờ minh tâm kiến tánh, nên vào được nhà Như Lai, dứt được trần lao, lại thọ lãnh gia tài báu vật, mặc tình thọ dụng.

=======================

CƠ DUYÊN CỦA CHÍ ĐẠO

66. Tăng nhơn tên là Chí Đạo, quê quán tại Nam Hải, thuộc về Quảng Châu, đến cầu hỏi Tổ rằng:
Bạch Hoà thượng! Kẻ học đạo này từ khi xuất gia xem kinh Niết Bàn đã mười năm dư, nhưng chưa rõ chỗ đại ý. Xin Hoà thượng chỉ dạy.
67. Tổ hỏi: Sư có chỗ nào chưa hiểu rõ, hãy nói đi.
68. Bạch Hoà thượng! Kinh nói: “Các hành là vô thường, ấy là pháp sanh diệt, khi sanh diệt dứt rồi, tịch diệt làm vui.” Đối với lời nói này, đệ tử hãy còn nghi hoặc, xin Hoà thượng từ bi giải rõ.
69. Sư nghi ngờ thế nào, hãy nói ra, tôi sẽ vì sư mà giải thích.
70. Bạch Hoà thượng! Cả thảy chúng sanh đều có hai thân: Một là sắc thân, hai là pháp thân. Sắc thân thì vô chừng, có sanh tức có diệt. Trái lại, pháp thân thì có chừng, không tri, không giác. Thế mà kinh ấy lại nói: “Sanh diệt dứt rồi, thì tịch diệt làm vui.” Đệ tử chẳng hiểu rõ thân nào tịch diệt, thân nào hứng chịu cái vui. Nếu như nói sắc thân, thì khi sắc thân diệt rồi, tức là thân tứ đại tan rã, toàn là khổ. Đã khổ thì không đặng nói là vui. Trái lại, nếu nói pháp thân, thì khi sắc thân tan rã, chẳng khác nào như cỏ cây, gạch đá, còn thân nào đâu nữa mà chịu vui.
71. Vả lại, tánh của pháp, tức là cái thể của sanh diệt. Còn năm uẩn là cái dụng của sanh diệt. Một thể, năm dụng, sanh diệt là sự thường. Sanh thì theo Thể mà dấy ra Dụng, còn Diệt thì gồm Dụng trở về Thể.
72. Ví bằng chịu sanh lại, tức là loại hữu tình, chẳng đoạn, chẳng dứt. Còn như chẳng chịu sanh lại, thì vĩnh kiếp ở nơi tịch diệt, đồng với vật vô tình chẳng khác. Thế thì, cả thảy các pháp đều bị pháp niết bàn là chỗ ngăn cấm chẳng sanh. Té ra như vậy, có vui chi mà nói rằng “tịch diệt vi lạc.”[5]
73. Tổ đáp: Sư là con nhà họ Thích, tại sao lại học đòi theo ngoại đạo chấp có Đoạn, có Thường, hẳn thiệt là tà kiến vậy. Thế mà cũng bàn luận giáo pháp Đại thừa, thật đáng thương thay!
Căn cứ theo lời nói của sư, té ra lìa sắc thân, lại còn riêng có pháp thân khác. Thế chẳng khác nào lìa sanh diệt để cầu tịch diệt. Đã thế, sư lại còn lầm niết bàn là thường, là vui, lại chấp có sắc thân để hứng chịu cái thường, cái vui ấy. Như vậy, sư còn mê chấp câu nệ theo sự sanh tử, đắm sa theo cái vui của người đời, hèn gì không hiểu rõ Phật pháp cũng là phải.
74. Sư phải biết rằng: đức Thế Tôn vì tất cả chúng sanh mê lầm mà nói pháp Niết Bàn. Người đời vì ngu mê, lầm nhận ngũ uẩn hoà hiệp làm cái tướng của tự thân (thân mình) và phân biệt cả thảy pháp làm cái tướng của ngoại trần. Vậy nên lòng vốn ham sống sợ chết, niệm niệm dời đổi luôn luôn, chẳng hiểu rõ đó là mộng hoạn giả dối. Thật là uổng kiếp luân hồi đời này qua đời kia. Lại lầm nhận rằng cảnh giới Niết bàn thường lạc là tướng khổ, ấy cũng vì trót ngày tìm kiếm bề ngoài.
75. Vì lẽ ấy, đức Thế Tôn từ bi thương xót, nên giảng dạy cảnh giới Niết bàn, bất cứ trong sát-na nào cũng không có tướng sanh và tướng diệt. Hơn nữa, chẳng có cái sanh nào khá diệt, đó là tịch diệt (vắng lặng) hiện tiền. Tuy nói là hiện tiền, nhưng cũng không có cái thể lượng hiện tiền, ấy mới gọi là thường vui. Cái vui ấy không có kẻ thọ, mà cũng chẳng phải không có kẻ thọ. Như vậy đâu có gì gọi là một thể năm dụng. Phương chi, sư lại còn nói: “Niết bàn là một pháp cấm ngăn, làm cho vĩnh viễn chẳng sanh lại.” Ấy là sư kiêu ngạo Phật, khinh dễ pháp mầu.
76. Hãy nghe kệ của tôi đây:
Bực tu vô thượng niết bàn,1
Viên minh tịch chiếu rõ ràng khá soi.2
Phàm phu gọi “chết” chẳng noi,3
Ngoại đạo lầm hiểu, lại coi “không còn.”4
Nhị thừa lại cũng chẳng hơn,5
Niết bàn tịch diệt là nhơn “không làm.”6
Cả thảy suy tính chẳng nhằm,7
Bởi còn gốc sáu mươi hai kiến tà.8
Niết bàn danh giả vậy mà,9
Nào phải thiệt nghĩa đâu mà chấp tên.10
Duy người có lượng chớ quên,11
Chẳng lấy chẳng bỏ cái tên Niết bàn.12
Xét vì ngũ uẩn vốn không,13
Nếu còn chấp ngã ở trong mê lầm,14
Bên ngoài sắc tướng duyên tâm,15
Âm thinh hiện tướng lạc lầm tánh chơn.[6]16
Bình đẳng mộng huyễn thiệt hơn,17
Chẳng khởi phàm thánh trống trơn cõi lòng.18
Niết bàn cũng chẳng ước mong,19
Hai bên ba phía[7]cũng không thấy còn.20
Hằng ngày ứng dụng các căn,21
Lòng đừng chấp dụng cửa căn mới mầu.22
Dù rằng các pháp biệt phân,23
Cũng đừng phân biệt biệt phân mới nhằm.24
Lửa “kiếp” thiêu đốt biển sâu,25
Gió “tỳ” thổi núi cùng nhau đâm vào.26
Chơn thường tịch diệt khác nào,27
Niết bàn cũng vậy siêu cao thay là.28
Tôi nay tạm nói pháp ra,29
Khiến sư tà kiến chẳng sa chân vào,30
Mong sư chớ giải theo lời,31
Bởi vì lời ít, nghĩa nhiều khá suy.32
77. Chí Đạo nghe kệ lòng liền mở tỏ, vui vẻ làm lễ rồi lui ra.

LƯỢC GIẢI

Các hành vô thường, ấy là pháp sanh diệt. Khi sanh diệt dứt rồi, tịch diệt làm vui. 
Đây là một câu mà Chí Đạo hoài nghi đem ra hỏi Tổ. Nên hiểu nghĩa câu này trước, sau đó sẽ phân tách những điểm hoài nghi của Chí Đạo.
Các hành vô thường. Các là cả thảy, là tất cả, hành là hành vi động tác của tâm. Nghĩa là hành vi động tác của tâm đều biến đổi chẳng thường trụ. Trong kinh Duy Ma có nói: “Tánh tướng của các hành cả thảy đều là vô thường” (Chư hành tướng tất giai vô thường).
Đức Thế Tôn có nói với ông Ca Diếp rằng: “Các hành nếu thật là thường, thì chẳng có lý vậy.”
Tại sao có các hành? Tại mê nhiễm ngoại cảnh, tại chấp cảnh nên lòng sanh, tại sáu căn duyên với sáu trần (tâm phan duyên). Nếu gặp cả thảy cảnh mà lòng không trước nhiễm thì lòng không có các hành, tức là lòng tịch diệt (vắng lặng).
Nếu Chí Đạo đến chỗ rốt ráo, đừng chấp có cảnh giới tịch diệt, nghĩa là lòng để vắng lặng rồi, đừng chấp và đừng trụ cái vắng lặng ấy, thì đâu có lấy cảnh giới tịch diệt làm vui. Sở dĩ trong kinh Niết Bàn nói tịch diệt vi lạc, là để cho người tu hành biết rằng: Tịch diệt là lạc (không tịch diệt là khổ). Khổ và lạc, cũng chẳng qua tuỳ duyên mà cưỡng danh để hiển cái nghĩa Niết bàn chớ không thiệt nghĩa. Hễ chấp có niết bàn, tức là còn kẹt vào sanh tử. Đã nói “Sanh tử vốn không, niết bàn như mộng,” thế mà Chí Đạo lại chấp cả hai.
Đã thế, Chí Đạo còn lầm lạc phân biệt: ngoài sắc thân lại riêng có pháp thân và cho rằng pháp thân là không có tri giác. Chí Đạo đâu có biết rằng pháp thân là do Đại Viên cảnh trí làm ra, chẳng những có tánh linh tri mà còn sáng suốt vô ngằn, nhựt nguyệt còn không thể so sánh được.
Thân và trí chia ra thế này: Năm thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) chung làm một Trí thành sở tác. Ý thức riêng làm Trí diệu quan sát, Mạt-na thức riêng làm Trí bình đẳng, Hàm tàng thức riêng làm Trí đại viên cảnh.
Thường tịch mà quang chiếu, như như bất động là Trí đại viên cảnh. Thường gặp ngoại cảnh sáu trần mà không sanh lòng thương ghét, lấy bỏ, tà chánh, chơn vọng,… nghĩa là không sanh hai tánh, đó là Trí bình đẳng. Thường ở trong cảnh giới của các căn, lại khéo phân rành các pháp, nhưng nghĩa Đệ nhứt là chẳng động, đó là Trí diệu quan sát.
Thường khiến cho các căn ứng dụng tuỳ duyên mà lòng không mê nhiễm, chẳng chạy theo hai tướng, đó là Trí thành sở tác.
Tánh trí như trên đây, nếu phân biệt ra, thì Trí đại viên cảnh riêng làm pháp thân, Trí bình đẳng riêng làm sắc thân, Trí diệu quan sát và Trí thành sở tác hiệp làm ứng thân. Chí Đạo vì không rõ, nên nói pháp thân không tri không giác.
Chí Đạo lại hỏi Tổ rằng: “Sanh diệt dứt rồi, thì tịch diệt làm vui, nhưng chẳng rõ thân nào tịch diệt, thân nào hứng chịu cái vui.” Nói sanh diệt dứt, là nói vọng tâm sanh diệt, hễ tâm sanh thì các pháp đều sanh, tâm diệt là các pháp đều diệt, lòng con người không thường trụ, hết sanh tới diệt, hết diệt tới sanh, hễ sanh cái này diệt cái kia, sanh cái kia diệt cái nọ.
Hễ tâm sanh buồn, thì cái buồn diệt cái vui, tâm sanh ghét, thì cái ghét diệt cái yêu. Nghĩa là tâm sau sanh ra thì nó diệt cái tâm trước, cứ thế mà tiếp nhau; cũng như hình ảnh trên màn bạc, hễ cái này chiếu ra, thì cái trước mất, cứ thế mà sanh diệt vô cùng tận.
Sanh diệt là như vậy, khi dứt vọng tâm sanh diệt này thì bản thể vắng lặng hiện bày, gọi là tịch diệt. Cái nghĩa tịch diệt chỉ cái tâm vắng lặng không sanh không diệt. Chí Đạo hiểu lầm cái nghĩa niết bàn tịch diệt của nhị thừa, là tiêu diệt hết thân và tâm để chứng quả Niết bàn tịch diệt, không còn sắc thân và không còn cái ta, nghĩa là sau khi chết mới chứng niết bàn. Trái lại, niết bàn của Đại thừa là tuy còn sắc thân, nhưng lòng vắng lặng sáng soi (tịch chiếu, tịch diệt và quang chiếu).
Một đàng thì tiêu diệt thân tâm để chứng quả niết bàn tịch diệt, không còn sắc thân và không còn cái ta. Nghĩa là sau khi chết mới chứng niết bàn.
Một đàng thì sắc thân vẫn còn, nhưng hễ dứt được lòng sanh diệt vô thường, thì chứng được niết bàn “Thường, Lạc, Ngã, Tịnh,” vẫn còn cái ngã (chơn ngã hay đại ngã), cái lạc, cái tịnh (chẳng phải cái tịch như Nhị thừa).
Vì hiểu lầm như vậy, Chí Đạo mới hỏi rằng: “Thân nào tịch diệt, thân nào hứng chịu cái vui?” Hỏi thân nào tịch diệt, tức là hỏi thân nào tan rã tiêu diệt. Ôi! còn sống đây mà không biết chứng đắc, tức là không có tri kiến giải thoát, lại nói chết rồi (tịch diệt) mới chứng quả niết bàn thì có ai mà tin được. Thế thì, Chí Đạo hoài nghi chẳng phải là vô cớ. Có điều ông ta lầm lộn niết bàn tịch chiếu với niết bàn tịch diệt đó thôi.
Ngoài ra, Chí Đạo lại lọt vào hầm Đoạn kiến cho rằng, chết rồi là hết, chẳng còn hiểu biết gì nữa, nên mới nói: “Nếu pháp thân hứng chịu cái vui, thì khi mà sắc thân tan rã, chẳng khác nào như cỏ cây gạch đá, còn thân nào đâu mà hứng chịu cái vui.”
Phải biết rằng sắc thân như cái áo, pháp thân như con người. Khi chết cũng như cái áo rách, con người thay áo khác, nghĩa là cái áo (sắc thân) là vật vô tri vô giác, còn con người là vật linh tri, dầu cho áo rách cũng vẫn còn khôn thiêng. Nếu pháp thân khi lìa sắc thân mà trở nên một vật vô tri vô giác, thì té ra sắc thân lại là vật khôn thiêng hay sao? Nếu thế thì, sau khi đức Thế Tôn nhập niết bàn hoá ra không không, như hư vô, ngoan không, chẳng còn hiểu biết gì hết hay sao? Vậy tu làm chi cho tốn công nhọc sức, đến khi bỏ xác phàm rồi tiêu diệt hẳn.
Vì lầm hiểu như thế, nên Chí Đạo nói: “Niết bàn là chỗ cấm ngăn, là chỗ tiêu diệt, chẳng có thân nào sanh lại nữa. Hoặc giả, nếu có sanh lại đi nữa, thì cũng như phàm phu chẳng khác.”
Quả là người điên học đạo, Chí Đạo thấy con nít mới sanh ra, cha mẹ mặc áo quần cho, rồi lầm tưởng rằng không có ngày nào tự do, muốn mặc vào cởi ra tuỳ ý cha mẹ. Chẳng dè khi lớn khôn, con người vẫn thay đổi áo quần một cách tự do. Nghĩa là sau khi đắc đạo rồi muốn có sắc thân hay không, là tuỳ ý, chớ nào ai cấm cản chi đâu. Sở dĩ lập ra niết bàn tịch diệt (hoá thành) là để cho những người căn tánh nhỏ hẹp, khiếp sợ sanh tử luân hồi, không dám tự do bơi lội trong đường lục đạo để tế độ quần sanh. Trái lại, bực Bồ tát cho rằng sanh tử vốn không, niết bàn như mộng, nên vẫn mặc áo và thay áo (xuống thế mang xác phàm), mãi mãi từ kiếp này qua kiếp kia, để phụ giúp các vị Phật xuất thế hầu thực hiện chủ nghĩa từ bi bác ái, nào đâu là chỗ niết bàn cấm ngăn.
Phải biết rằng: “Sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc” là một câu tuỳ duyên để khai thị cho chúng sanh con đường bị cái khổ sanh tử. Nếu không có khổ sanh tử, thì đâu có vui niết bàn. Thế thì, “lạc” là do “khổ” mà nói, cũng như dùng sanh tử để chỉ Niết bàn, toàn là những lời khai thị cả. Một khi đến niết bàn rồi, đâu còn “khổ” nữa mà nói “lạc,” đâu còn sanh tử nữa mà nói niết bàn. Pháp thân xưa vốn không sanh, thì nay cũng chẳng diệt. Chẳng qua Chí Đạo thấy sắc thân tức là thấy cái giả tướng sanh diệt rồi cũng cho pháp thân có sanh diệt, thật là mê lầm.
Phàm phu thì chấp sanh, Nhị thừa chấp diệt. Sai biệt trí Bồ tát thì cho rằng huyễn sanh, huyễn diệt. Trái lại, Tổ cho biết cái chơn lý bất sanh bất diệt của chư Phật.

(1–2) Bực tu vô thượng niết bàn,
Viên minh tịch chiếu rõ ràng khá soi.
Niết bàn viên minh của bực Vô thượng tròn sáng, lặng soi, khác với niết bàn tịch diệt của Nhị thừa. Nếu tịch mà không chiếu, tức là tịch diệt, là thân diệt trí, đoạn dứt chủng tánh Bồ đề, không còn có dụng tướng giác chiếu hay giác minh, thành ra như tro tàn khói lạnh. Phật quở cho là chồi khô giống lép. Trái lại, thường tịch mà quang chiếu, quang chiếu mà thường tịch. Chiếu là cái dụng tướng của Huệ, tịch là cái thể của Định. Vậy thì, tịch chiếu là nghĩa Định Huệ. Thế thì niết bàn của Đại thừa là cảnh giới thường tịch quang, sống và linh động, đủ sự khôn thiêng, không phải như cây khô cá chết.
Trong Hiển Tông Ký, Thần Hội có nói: “Niết bàn, Pháp thân, Bát nhã, danh dị thể đồng.” Nghĩa là Niết bàn, Pháp thân, và Trí huệ, tên gọi tuy khác mà đồng một bản thể.

(3–4) Phàm phu gọi “chết” chẳng noi,
Ngoại đạo lầm hiểu, lại coi “không còn.”
Thế gian không phân biệt được kẻ chết với người liễu đạo, nên thấy ai tu hành mà bỏ xác phàm, thì cho là chết, không hơn không kém. Còn ngoại đạo thì hoặc chấp thường, cho rằng còn hoài không mất, hoặc chấp đoạn, cho rằng chết là dứt mất, không còn gì nữa.

(5–6) Nhị thừa lại cũng chẳng hơn,
Niết bàn tịch diệt là nhơn “không làm.”
Niết bàn của Nhị thừa lòng như tro tàn khói lạnh, chẳng còn dấy khởi tạo tác gì nữa (vô tác), không không trống rỗng như hư vô, tuyệt dứt chẳng còn soi chiếu.

(7–8) Cả thảy suy tính chẳng nhằm,
Bởi còn gốc sáu mươi hai kiến tà.
Từ phàm phu cho đến ngoại đạo và hàng Nhị thừa, suy tính nghĩ lường Niết bàn không trúng nghĩa. Cả thảy đều lầm hiểu bởi còn sáu mươi hai thứ tà kiến trong lòng nên xét chẳng ra. Kẻ thì cho niết bàn là thường, người cho là đoạn, là chẳng thường chẳng đoạn, là chẳng phải không thường cũng chẳng phải chẳng thường, là hữu vi cũng chẳng phải hữu vi, là chẳng phải vô vi cũng chẳng phải hữu vi cũng chẳng phải chẳng vô vi v.v... Nghĩa là càng nghĩ lường chừng nào, càng sai lạc chừng nấy, bởi lấy lòng phàm mà xét lòng thánh, càng xét càng trật xa. Bởi vậy trong sách Phật mới nói: “Dứt đường ngôn ngữ, bặt chỗ nghĩ lường.” (Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt).

(9–12) Niết bàn danh giả vậy mà,
Nào phải thiệt nghĩa đâu mà chấp tên.
Duy người có lượng chớ quên,
Chẳng lấy chẳng bỏ cái tên Niết bàn.
Chẳng phải một pháp niết bàn mà thôi, cho đến nào là pháp thân, bát nhã, giải thoát, chơn như, Phật tánh, tâm bồ đề v.v... đều là giả danh, tạm đặt tên để cho chúng sanh khi mê, nương theo đó mà ngộ nhập đúng chơn lý, đúng thiệt tướng. Những danh từ ấy, để chỉ một lý tánh, một cảnh giới, một bản thể. Chẳng phải cảnh giới ấy, lý tánh ấy, bản thể ấy nó có tên sẵn mà do người đặt ra để đối trị tâm bịnh đó thôi. Khi bịnh tâm đã dứt cũng chẳng phải thiệt có cái bịnh khá dứt, bởi vì khi mê, thấy in tuồng thiệt có bịnh, in tuồng thiệt có thuốc giải, lúc ngộ rồi, thì bịnh và thuốc chẳng thiệt có.
Trong kinh Kim Cang có nói: “Như Lai thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp.” Nghĩa là: “Pháp của Như Lai nói ra, ví như cái bè, pháp còn phải xả bỏ không chấp, huống chi chẳng phải pháp.”
Người tu thuộc về Đại thừa viên đốn, đối với các pháp, dầu chơn đế hay tục đế, dầu xuất thế hay nhập thế, không được thủ xả, nghĩa là không lấy, không bỏ. Nếu lấy thì thuộc về thường kiến, bỏ thì thuộc về đoạn diệt, toàn là biên kiến cả. Đối với tất cả các pháp, chẳng lấy chẳng bỏ, chớ chẳng riêng gì một pháp Niết bàn.

(13–16) Xét vì ngũ uẩn vốn không,                                         
Nếu còn chấp ngã ở trong mê lầm.
Bên ngoài sắc tướng duyên tâm,
Âm thinh hiện tướng lạc lầm tánh chơn.
Muốn học giáo lý Đại thừa phải hiểu các pháp tương đối, tức là nghĩa của danh từ đối ngược nhau. Thí dụ: Chơn đối với Vọng, Phải đối với Quấy, Phiền não đối với Bồ đề, Niết bàn với Sanh tử v.v...
Bốn câu trên nói niết bàn, ở đây nói về ngũ uẩn, tức là nói đến sanh tử, để đối lại nghĩa Niết bàn ở trên. Phật vì chúng sanh mê lầm mà nói có niết bàn, có sanh tử, để cho chúng sanh tu hành thoát ly sanh tử, chứng quả niết bàn. Nhưng đối với các bậc đã tỏ ngộ lý mầu, thì sanh tử không thiệt có, niết bàn cũng thế. Bởi vì thân ngũ uẩn chẳng thiệt có. Nếu chẳng thiệt có thân, thì đâu thiệt có sanh tử. Nếu sanh tử không thiệt có, thì niết bàn lại thiệt có hay sao? Bản tánh của chúng sanh vốn thường trụ, bất sanh bất diệt, tức là niết bàn, thì đâu có cái gì gọi là sanh tử. Chẳng qua chúng sanh mê lầm, bị các sắc tướng bên ngoài duyên với nội tâm. Hễ sắc tướng thinh âm có sanh diệt, thì cái tâm cũng sanh diệt, vì lẽ đó, lầm tưởng thiệt có sanh tử, nên cái hiểu lầm ấy che lấp bổn tánh chơn như của mình, nguyên do cũng tại sắc tướng thinh âm mà ra. Bởi vậy Tổ nói: “Xét vì ngũ uẩn vốn không, nếu còn chấp ngã ở trong mê lầm. Bên ngoài sắc tướng duyên tâm, thinh âm hiện tướng lạc lầm tính chơn.
Vì Chí Đạo chấp thiệt có thân, nên chấp thiệt có sanh tử, vì chấp thiệt có sanh tử nên chấp thiệt có niết bàn, thành ra càng so lường niết bàn, tức là càng lấy cái tâm phàm phu ra để tìm hiểu và cầu niết bàn, lại càng sai lạc.

(17–20) Bình đẳng mộng huyễn thiệt hơn,
Chẳng khởi phàm thánh trống trơn cõi lòng.
Niết bàn cũng chẳng ước mong,                                              
Hai bên ba phía cũng không thấy còn.
Tổ đã tỏ bày cái lý như huyễn sanh, như huyễn diệt của thân ngũ ấm, rồi lại dùng chơn lý viên dung bình đẳng cho các chúng thấy rằng phàm, thánh chẳng khác. Nếu bỏ phàm lấy thánh, thì còn tâm thủ xả, trong lòng chưa vắng lặng (đâu được gọi là trống trơn cõi lòng). Nếu không chấp có phàm, thánh, thì cũng không chấp có Niết bàn nên trong lòng không còn ước mong nó nữa, bởi vì, còn dấy tu, còn ước mong chứng quả Niết bàn, lại còn vọng chớ chưa phải chơn.
Khi trong lòng không còn ngả theo hai tướng phàm và thánh, sanh tử với niết bàn v.v… nghĩa là không còn chấp hai bên biên kiến, thì cũng chẳng nên trụ chính giữa, nên Tổ nói hai bên ba phía dứt. Bởi vì, nếu trụ chính giữa của các tướng đối đãi, thành ra còn kẹt hai bên.

(21–24) Hằng ngày ứng dụng các căn,
Lòng đừng chấp dụng cửa căn mới mầu.
Dù rằng các pháp biệt phân,
Cũng đừng phân biệt biệt phân mới nhằm.
Người đã minh tâm kiến tánh, tức là người đã chuyển thức thành trí rồi, thì trong sự ăn, ở, đi, đứng, nằm, ngồi, làm lụng, toàn là trí huệ ứng hiện nơi các căn, nghĩa là các căn được thanh tịnh, không còn ô nhiễm nữa, nhưng chớ nên chấp rằng đã được ứng dụng các căn. Các căn lúc ấy tuy cũng còn phân biệt ngoại cảnh sáu trần, nhưng trong lòng cũng đừng chấp trước sự phân biệt, nếu chấp trước sự phân biệt tức còn dính cảnh vậy.

(25–28) Lửa “kiếp” thiêu đốt biển sâu,
Gió “tỳ” thổi núi cùng nhau đâm vào.
Chơn thường tịch diệt khác nào,
Niết bàn cũng vậy siêu cao thay là.
Trong sách Phật nói trái đất nếu lúc đến kiếp hoại, thì có lửa kiếp và gió tỳ hiện ra làm tiêu diệt địa cầu. Lửa kiếp nóng đến đỗi đốt khô biển nước, gió tỳ mạnh đến đỗi thổi núi bay chọi với nhau nát ngứu. Cảnh tượng ghê gớm như vậy, mà chẳng khác nào cảnh giới chơn thường vắng lặng của niết bàn.
Đây là Tổ chỉ cái chỗ viên dung bình đẳng giữa độngtịnh. Nhưng Tổ cũng có ý phá cái tướng tịch diệt mà Chí Đạo đương mê chấp. Thiệt ra thì cảnh giới niết bàn siêu việt mọi hành tướng đối đãi, nó không còn ở trong hạn lượng của động và tịnh. Nói niết bàn là vắng lặng, là không vắng lặng, đều sai.

(29–32) Tôi nay tạm nói pháp ra,
Khiến sư tà kiến chẳng sa chân vào,
Mong sư chớ giải theo lời,
Bởi vì lời ít, nghĩa nhiều khá suy.
Đã nói niết bàn vượt ra khỏi hạn lượng đối đãi, thì không thể dùng ngôn ngữ văn tự mà tả được, vì lẽ ấy, Tổ mới nói: Tạm mà nói ra đó thôi, nếu nói ra được, thì đâu phải cái đạo chơn thường. (Đạo khả đạo, phi thường đạo). Hơn nữa, danh từ niết bàn cũng là cưỡng danh, nếu có tên gọi thì đâu phải là cái “danh” chơn thường. (Danh khả danh phi thường danh). Thế thì, đối với lời nói của Tổ, Chí Đạo chớ dựa theo đó mà khởi kiến chấp, vì lời ít mà nghĩa nhiều.

=======================

CƠ DUYÊN CỦA HÀNH TƯ

78. Có một vị thiền sư, tên là Hành Tư, sanh tại nhà họ Lưu, ở ấp An Thành, phủ Cát Châu. Thiền sư nghe nói ở Tào Khê có mở pháp vắng lặng, hoằng hoá rất thạnh hành. Thiền sư bèn đi ngay đến làm lễ ra mắt Tổ và hỏi rằng: Nên làm việc chi để chẳng sa vào giai cấp tu chứng?
79. Tổ hỏi lại: Thiền sư bấy lâu nay làm việc gì?
80. Bạch rằng: Dầu Thánh Đế cũng chẳng làm.
81. Thiền sư sa vào giai cấp tu chứng nào?
82. Đáp: Thánh Đế còn chẳng làm thì đâu còn giai cấp tu chứng nào nữa.
83. Đại sư khen, bèn bảo Hành Tư làm đầu trong các chúng.
Một ngày kia Tổ bảo Hành Tư rằng: Sư nên tách đi hoá độ nơi khác, đừng để giáo pháp đoạn tuyệt.
84. Hành Tư bèn trở về chùa Thanh Nguyên thuộc phủ Cát Châu, mở rộng giáo pháp nối chí Tổ mà hoá độ nhơn sanh, thụy hiệu là Hoằng Tế Thiền sư.

=======================

CƠ DUYÊN CỦA HOÀI NHƯỢNG

85. Hoài Nhượng Thiền sư, người ở Kim Châu, con nhà họ Đỗ, buổi đầu có yết kiến An Quốc-sư ở chùa Tung Sơn. An Quốc-sư bảo qua tham vấn Lục Tổ. Hoài Nhượng vâng lời, đến nơi đảnh lễ ra mắt.
86. Tổ hói: Sư ở đâu đến đây?
87. Bạch: Ở Tung Sơn.
88. Đem vật gì đến? Đến để làm gì?
89. Bạch: Nói in tợ một vật thì chẳng trúng.
90. Tổ rằng: Lại có tu có chứng chăng?
91. Bạch: Tu chứng vẫn chẳng không, ô nhiễm vẫn chẳng đặng.
92. Tổ rằng: Chỗ chẳng ô nhiễm, ấy là chỗ của chư Phật hộ niệm vậy. Sư cũng dường ấy, tôi cũng dường ấy.
93. Hoài Nhượng được Đại sư minh chứng chỗ tỏ ngộ, từ đó giữ lễ hầu hạ hai bên. Trọn mười lăm năm, đã đến mức rốt ráo mầu nhiệm. Về sau Hoài Nhượng Thiền sư qua núi Nam Nhạc, mở lớn môn Thiền, được sắc tặng là Đại Huệ Thiền sư.

=======================

CƠ DUYÊN CỦA HUYỀN GIÁC

94. Đất Vĩnh Gia, có một vị thiền sư tên là Huyền Giác, giòng nhà họ Đái ở Ôn Châu. Thuở nhỏ đã học kinh luận nhà Phật, tinh thông pháp môn Thiên Thai chỉ-quán. Nhơn xem kinh Duy Ma mà được sáng tỏ.
Ngày kia Huyền Giác thiền sư tình cờ gặp đệ tử của Đại sư là Huyền Sách, cùng nhau triệt để luận bàn. Chỗ nói của Huyền Giác hợp với chư Tổ Thiền tông.
95. Sách rằng: Nhơn giả đắc pháp với thầy nào?
96. Thưa, trước kia tôi có thầy để nghe giảng về bộ Phương Đẳng, về sau nhờ xem kinh Duy Ma mà ngộ được tâm tông của Phật, song chưa có thầy chứng minh.
97. Sách rằng: Từ đời Phật Oai Âm Vương về trước thì được. Từ sau Phật Oai Âm Vương, nếu không thầy mà tự tỏ ngộ là dòng thiên nhiên ngoại đạo.
98. Huyền Giác nói: Vậy thì xin nhơn giả chứng minh cho tôi, rất đa tạ.
99. Sách rằng: Lời nói của tôi còn thấp hèn. Nơi Tào Khê có Lục Tổ Đại sư, người trong bốn phương hội họp như mây nhóm, toàn là những kẻ thọ pháp với Ngài. Nếu ông bằng lòng đến đó, thì ông cùng tôi đi với nhau luôn thể.
100. Huyền Giác đi theo Huyền Sách đồng đến làm lễ ra mắt. Huyền Giác nhiễu quanh chỗ Đại sư ba vòng, rồi chống tích trượng đứng ngay trước mặt Đại sư.
101. Đại sư quở rằng: Hỡi kẻ sa môn kia! Phải đủ ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh mới hợp cho. Đại đức từ phương nào đến đây, lại sanh lòng ngã mạn như vậy?
102. Giác rằng: Sống thác là việc lớn, sự vô thường tấn tốc.
103. Đại sư rằng: Sao chẳng thể nhận lý vô sanh hầu liễu ngộ sự vô tốc?
104. Bạch: Bản thể tức vô sanh, liễu vốn vô tốc.
105. Đại sư rằng: Phải vậy, phải vậy.
106. Huyền Giác bèn đủ oai nghi, làm lễ lạy Tổ, giây lát cáo từ.
107. Đại sư rằng: Sao về chi vội quá vậy?
108. Bạch: Vốn mình chẳng động, há có vội chi?
109. Đại sư rằng: Ai biết mình chẳng động?
110. Bạch: Đại sư tự sanh lòng phân biệt lấy.
111. Đại sư rằng: Người đắc được cái ý vô sanh.
112. Bạch: Vô sanh há lại có ý hay sao?
113. Đại sư: Không ý thì lấy cái chi mà phân biệt?
114. Bạch: Phân biệt cũng chẳng phải ý.
115. Đại sư khen rằng: Lành thay! Lành thay! Hãy tạm lại một đêm.[8]
Nhơn đó, đời sau gọi là “nhất túc giác.”
116. Về sau Huyền Giác có viết “Lời ca chứng đạo” rất thạnh hành trong đời, được tặng thụy hiệu là “Vô Tướng Đại sư,” người đời cũng gọi là “Chơn Giác Thiền sư.”

LƯỢC GIẢI

Đức Lục Tổ và Huyền Giác, hai bên đốn phá lẫn nhau rất ngoạn mục.
Khi Huyến Giác từ giã ra về, Tổ hỏi Sao về chi vội quá vậy?
Huyền Giác đáp rằng: «Vốn mình chẳng động, há có vội chi đâu?» Đại sư tấn công thêm: «Ai biết mình chẳng động?» Nếu Huyền Giác chưa thật tỏ ngộ, thế nào cũng bị câu này lật đổ. Bởi vì, nếu trả lời rằng ‘tôi biết’ thì là còn kẹt cái ta, đồng thời lại có tới hai cái ta.
Ta chẳng động, tức là bổn tánh chẳng động, còn có thêm một cái ta nữa biết bổn tánh chẳng động, há không phải là hai cái ta hay sao?
Huyền Giác gỡ được cái bẫy này, tức là gỡ được một đòn bí hiểm nhà nghề đánh ngang vào ngã chấp, cũng may sư thật tỏ ngộ.

=======================

CƠ DUYÊN CỦA TRÍ HOÀNG

117. Có một vị Thiền sư tên là Trí Hoàng, ban sơ tham học với Ngũ Tổ, cho rằng mình đủ được pháp “chánh thọ,” ở trong am chuyên về phép trường toạ đúng hai mươi năm.
118. Ngày kia đệ tử của Đại sư tên là Huyền Sách, đi du phương đến đất Hà Sóc, nghe danh Trí Hoàng Thiền sư, bèn tới am.
Sau khi chào hỏi, Huyền Sách mở lời rằng: Sư ở trong am chuyên làm những việc chi?
119. Trí Hoàng đáp: Tôi ở đây chuyên nhập định.
120. Sách rằng: Sư nói ở am chuyên lo nhập định, vậy sư có cái lòng nhập định hay không có cái lòng nhập định?
Nếu như không có cái lòng nhập định, thì tất cả cỏ cây sắt đá tức cả thảy những vật vô tình cũng đều nhập định được ư? Trái lại, nếu như có cái lòng nhập định thì tất cả những loài hữu tình hàm thức cũng ứng định được hay sao?
121. Hoàng rằng: Chính trong khi tôi nhập định, tôi chẳng chấp, nghĩa là tôi chẳng thấy cái lòng có nhập định.
122. Sách rằng: Sư chẳng thấy cái lòng ‘có nhập định’ hoặc ‘không nhập định’ thì đó là thường định. Nghĩa là luôn luôn, bất cứ đi, đứng, nằm, ngồi gì cũng là định, nào thấy có nhập chi. Bằng như có xuất nhập, ấy chẳng phải là đại định vậy.
123. Trí Hoàng đối đáp không được. Giây lâu mới hỏi rằng: Thầy của ông là ai?
124. Sách rằng: Thầy tôi là Lục Tổ ở Tào Khê.
125. Trí Hoàng hỏi: Lục Tổ lấy pháp gì thiền định?
126. Sách đáp: Chỗ nói pháp của thầy tôi, ‘Cái soi chiếu tròn, lặng, thể dụng như như, năm uẩn vốn không, sáu trần chẳng có, chẳng xuất chẳng nhập, chẳng định chẳng loạn. Tánh thiền không trụ, ly chỗ tịch tịnh, trụ thiền không sanh. Tánh thiền không sanh, ly cái lòng tưởng sanh thiền. Lòng như hư không mà cũng không chấp cái thể lượng hư không.’[9]
127. Trí Hoàng Thiền sư nghe đặng những lời tâm pháp ấy, bèn thẳng đến Tào Khê, ra mắt Đại sư.
128. Tổ hỏi rằng: Nhà sư từ đâu đến đây?
129. Trí Hoàng thuật lại duyên cớ trước.
130. Tổ rằng: Hẳn thiệt như lời của Huyền Sách đã thảo luận cùng sư: Tâm như hư không nhưng chẳng đắm không kiến, ứng dụng không ngại, động tịnh đều vô tâm, tình tưởng phàm thánh không còn, năng sở đều hết. Tánh tướng như như, không lúc nào mà chẳng phải Định.
131. Trí Hoàng đã liễu ngộ, từ đó mới biết chỗ tạm đắc trong hai chục năm trường chẳng có ảnh hưởng gì đến sự tu học của mình cả. Trong đêm ấy, những người thứ dân ở Hà Bắc đều nghe trên hư không có tiếng nói lớn rằng: “Hoàng thiền sư ngày nay đã đắc đạo.”
132. Được ít lâu, Trí Hoàng thiền sư đảnh lễ Tổ xin từ giã trở về Hà Bắc.
133. Tại đây, Trí Hoàng khai hoá hàng tứ chúng trong sơn môn rất đông.

LƯỢC GIẢI

“Sư nói ở am chuyên lo nhập định, vậy sư có cái lòng nhập định hay không có cái lòng nhập định?...”
Câu hỏi của Huyền Sách tựa như câu hỏi của Thái tử Sĩ-đạt-ta trong lúc đi tu, hỏi đạo với mấy ông Tiên trong rừng. Thái tử hỏi rằng: “Đạo của các ông tu đến cảnh giới nào?” Đáp: “Đến chỗ cao tột và rốt ráo là cảnh giới phi tưởng, phi phi tưởng.” Hỏi: “Cảnh giới phi tưởng, phi phi tưởng ấy có ta (hữu ngã) hay không có ta (vô ngã)? Nếu có ta thì ta có sự hiểu biết (hữu ngã, hữu tri), tức là còn giây duyên nợ nần với kẻ phàm. Trái lại, nếu không có ta, thì ta không có sự hiểu biết (vô ngã, ngã vô tri), chẳng còn niệm tưởng gì hết, đồng với sắt đá vô tình. Vậy cảnh giới ấy có ta hay không có ta?” Mấy ông tiên trả lời không được.

Tánh thiền không trụ, ly chỗ tịch tịnh, trụ thiền không sanh. Tánh thiền không sanh, ly cái lòng tưởng sanh thiền. Lòng như hư không mà cũng không chấp cái thể lượng hư không.
Trí Hoàng còn chấp tướng ngồi thiền, nghĩa là còn chấp có nhập và xuất định, đó là chấp hành vi tu chứng của mình. Nếu chấp như vậy, thế nào trong lúc ngồi thiền cũng an trụ vào cái tướng thanh tịnh tịch diệt vô hình vô tướng, nhưng hễ chấp thì nó có hình, có tướng, cái hình tướng ấy trở lại trói buộc, đó là pháp phược.
Trong Đốn Ngộ Yếu Môn Luận có nói cái lý không-tịnh, không không-tịnh và không-định, không không-định như vầy: Khi đã được tịnh rồi, không chấp cái tịnh, gọi là không-tịnh. Khi đã được không-tịnh mà cũng chẳng chấp cái không-tịnh, gọi là không không-tịnh.
Khi đã được định rồi, đừng chấp cái định, gọi là không-định. Khi đã được không-định, mà cũng chẳng chấp cái không-định, gọi là không không-định. Nếu lòng như hư không mà chẳng chấp cái thể lượng hư không, đó là khuyên người tu hành đến lúc thanh tịnh tịch diệt đừng đắm không giữ lặng. Có nhiều người mê thích cảnh giới này, nên mỗi lần ngồi đến hai ba ngày, hoặc một tuần.

=======================

CƠ DUYÊN CỦA THẦN HỘI

134. Có một đồng tử tên là Thần Hội, con nhà họ Cao ở đất Tương Dương. Mới mười ba tuổi, Thần Hội đến tham kiến, đảnh lễ Tổ.
135. Tổ hỏi: Thiện tri thức từ xa đến rất khó nhọc, có đem theo được bổn lai chăng? Nếu bổn lai thì phải biết chủ của nó là ai? Nói thử coi?
136. Thần Hội đáp: Dùng chỗ “vô trụ” làm bổn lai, thấy tức là chủ.
137. Tổ nói: Kẻ Sa di kia! Hãy tuần tự hợp theo thứ lớp mà nói.
138. Thần Hội hỏi lại: Hoà thượng toạ thiền thấy hay chẳng thấy?
139. Tổ lấy gậy đánh Thần Hội ba cái và hỏi rằng: Tôi đánh người đau hay chẳng đau?
140. Bạch Hoà thượng! Cũng đau mà cũng chẳng đau.
141. Tổ nói: Tôi đây cũng thấy, cũng chẳng thấy.
142. Dường nào là cũng thấy mà cũng chẳng thấy?
143. Đại sư đáp: Chỗ mà tôi thấy là hằng thấy tội lỗi nơi lòng mình, còn chỗ chẳng thấy, là chẳng thấy phải quấy tốt xấu… nơi người khác. Ấy là cũng thấy mà cũng chẳng thấy. Còn ngươi nói, cũng đau mà cũng chẳng đau là sao?
144. Nếu ngươi chẳng đau, tức đồng với cây đá là vật vô tình. Bằng như đau, thì xác thịt đồng với kẻ phàm phu, thế nào cũng dấy những niệm giận hờn. Trước đây ngươi hỏi tôi “Thấy hay chẳng thấy” tức là còn chấp hai bên hữu, vô. Còn đau mà cũng chẳng đau, là còn trong vòng sanh diệt. Chính mình chẳng thấy được tự tánh, sao dám giễu cợt kẻ khác?
145. Thần Hội lạy tạ xin lỗi.
146. Đại sư nói tiếp: Người nếu lòng mê chẳng thấy, thì phải hỏi lại thiện hữu tri thức mà tìm đường chánh. Bằng như tỏ ngộ, thì được thấy tánh mình, y theo đó mà tu hành. Nay người còn mê, chẳng thấy được lòng mình, trở lại hỏi tôi thấy cùng chẳng thấy. Tôi thấy, tôi tự biết lấy, há phải đợi cái mê của người. Bằng như người thấy được mình, cũng chẳng đợi gì cái ngộ của tôi. Người sao chẳng tự thấy bổn tâm, tự thấy bổn tánh, lại hỏi tôi thấy cùng chẳng thấy để làm gì?
147. Thần Hội làm lễ hơn trăm lạy, xin chịu lỗi. Từ đó Thần Hội siêng năng hầu hạ hai bên tả hữu.
148. Một ngày kia Đại sư hỏi đồ chúng rằng: Tôi có một vật không đầu, không đuôi, không tên, không tự, không lưng, không mặt. Các người có biết vật chi chăng?
149. Thần Hội bước ra bạch: Cái đó là nguồn giác của chư Phật, tức Phật tánh của Thần Hội này vậy.
150. Đại sư quở: Tôi đã nói rằng không tên không tự, thế mà người lại đặt ra cho có tên là “Phật tánh” và nhận là cái nguồn gốc của chư Phật. Quả thật, người đi tới đâu, thì có nắm tranh che trước đầu vậy. Nhà ngươi chỉ thành một tông đồ tri giải mà thôi.
151. Về sau, khi Đại sư tịch rồi, Thần Hội vào đất Kinh Lạc mở rộng pháp Đốn giáo của Tào Khê và làm sách “Hiển Tông ký” rất thạnh hành trong đời, thiên hạ gọi là Hà Trạch thiền sư. 

LƯỢC GIẢI

Có người nói rằng khi Tổ nói với Thần Hội: «Người đi tới đâu, thì có nắm tranh che trước đầu vậy» là Tổ đã thọ ký cho Thần Hội.
Chúng tôi không cho rằng Thần Hội đã được thọ ký. Đầu của Thần Hội đã bị một vật che lấp tức là nắm tranh, có ý nghĩa như mặt nhựt hay mặt nguyệt bị mây án, thì đâu được gọi là thọ ký. Huống chi, từ trước tới rốt quyển Pháp Bửu, nghĩa là một đời của Lục Tổ, chỉ thọ ký có một lần cho Phương Biện (người đắp tượng) mà thôi. Hơn nữa, thọ ký không có tánh chất làm cho đối phương tỏ ngộ đạo mầu như phương pháp dĩ tâm truyền tâm, hay là truyền tâm ấn. Bằng cớ là Phương Biện đâu có ngộ đạo.
Đối với đời dạy đạo của hầu hết các vị thiền sư, vị nào cũng dùng cách cổ truyền là đốn phá, hỏi qua hỏi lại, dùng lý nghĩa rốt ráo của mình để chứng lý rốt ráo của kẻ khác. Như đôi bên đối đáp khớp lý nhau, đó là dĩ tâm chứng tâm hay dĩ tâm ấn tâm (nghĩa là dùng lòng mình in vào lòng kẻ khác, tức là dùng lý của mình in vào trí của người, đôi bên đều giống nhau). Lý hiệp với trí, trí hiệp với lý, lý và trí in nhau, gọi là ấn tâm.
Khi nào trí năng chứng của đối phương khế hiệp với lý sở chứng của mình đưa ra, thì chừng đó gọi là đã ấn tâm. Sau khi ấn tâm xong, mới dùng kệ phó pháp để truyền tâm ấn.
Ở đây Tổ hỏi một món, món ấy không danh không tự, thế mà Thần Hội lại đặt ra cho có danh có tự, có phải là sai lầm ý của Tổ chăng? Câu hỏi nầy phải làm thinh mặc nhận. Còn nếu muốn trả lời thì chỉ nói rằng “Món ấy cưỡng danh là Phật tánh.” Do vậy sau khi Thần Hội gán tên cho món ấy, Tổ quở rằng: Nhà ngươi chỉ là tông đồ tri giải mà thôi. (Chỉ giải thích theo văn ngôn chớ chưa ngộ nhập.)

=======================

152. Có một nhà sư hỏi Tổ rằng: Ý chỉ của thầy Huỳnh Mai, thiệt người nào đặng?
153. Tổ đáp: Người đã lý hội Phật pháp được.
154. Nhà sư rằng: Hoà thượng ta được chăng?
155. Tôi chẳng lý hội được Phật pháp.

=======================

CƠ DUYÊN CỦA PHƯƠNG BIỆN

156. Một ngày kia, Tổ muốn giặt cái y[10]của Ngũ Tổ truyền cho ngày trước mà không thấy có suối nào thật tốt. Khi ấy Tổ ra phía sau chùa cách năm dặm, thấy một chỗ núi rừng xum xuê rậm rạp, khí lạnh đoanh vây. Đại sư mới dộng mạnh tích trượng cắm xuống đất, mạch nước bèn theo tay mà tuôn ra, chứa đầy ao.
Tổ bèn tì gối trên phiến đá mà giặt lấy.
Khi ấy có vị sư tăng đất Thục, tên là Phương Biện đến ra mắt Tổ.
157. Tổ hỏi: Thượng nhơn chuyên làm nghề chi?
158. Bạch: Khéo về nghề đắp hình tượng.
159. Tổ nghiêm nét mặt nói rằng: Người thử đắp hình của tôi xem sao.
160. Phương Biện bèn ra công nắn tượng, trong vài ngày sau mới thành, bề cao chừng bảy tấc, tột bực khéo.
161. Tổ cười rằng: Người khéo về tánh đắp tượng mà chẳng khéo rõ Phật tánh.
Nói rồi bèn vò đầu Phương Biện mà thọ ký rằng: Đời sau làm phước điền cho cõi nhơn thiên.
Tổ bèn vào liêu lấy cái y riêng của Tổ mà đền ơn Phương Biện.
162. Phương Biện lấy y, chia ra làm ba phần: Một phần choàng vào tượng đắp, một phần để lại cho mình, còn một phần thì dùng hộp mà đựng, rồi chôn dưới đất, phát lời thề rằng: “Đời sau, người nào đặng áo này, tức là tôi ra đời, trụ từ nơi đây sửa dựng ngôi chùa lại.”
163. Đến đời Tống, niên hiệu Gia Hựu, năm thứ tám,[11]có một vị tăng tên là Duy Tiên, trong khi sửa nền chùa, đào đất gặp được cái y trông như còn mới. Riêng về cái tượng của Tổ, về sau thờ tại chùa Cao Tuyền, ai cầu khẩn việc chi cũng thấy linh ứng.

=======================

NGOẠ LUÂN THIỀN SƯ

164. Có một vị Tăng đọc lại bài kệ của Ngoạ Luân Thiền sư:
Ngoạ Luân có nghề giỏi,
Dứt trăm tư tưởng rụi.
Đối cảnh chẳng sanh lòng,
Bồ đề thêm lớn cội.
155. Tổ nghe qua bèn nói rằng: Bài kệ này chưa tỏ được tâm địa mình. Nếu y theo đó mà tu hành, thì thêm sự trói buộc. Nhơn đó, Tổ mới kệ rằng:
Huệ Năng không tài giỏi,
Chẳng hề dứt tư tưởng.
Đối cảnh tâm khởi luôn,
Bồ đề nào lớn cội.

LƯỢC GIẢI

Nếu y theo bài kệ của Ngọa Luân thiền sư mà tu hành, thế nào cũng thành cây khô cá chết.
Vả chăng tác dụng của tư tưởng (là vọng tâm) tuy khác với tâm bồ đề, nhưng bản thể chỉ có một. Tư tưởng ví như sóng, tâm bồ đề ví như nước. Từ vọng tâm hoàn về chơn tâm (tâm bồ đề) cũng như từ sóng hoàn lại nước, chớ không ai dứt mất vọng tâm bao giờ. Nếu vọng tâm mà dứt mất, thì chơn tâm cũng không còn. Cũng như muốn cho dứt hết sóng, lại ra công tát cho hết sóng, sóng dứt, thì nước cũng không còn. Chẳng khác nào trị bịnh con mắt mà móc luôn cái tròng.
Người đã hoàn toàn kiến tánh, toàn lý tức trí, toàn vọng tức chơn, toàn tâm tức cảnh, tâm cảnh chẳng khác, chẳng ngại, chẳng trệ, tới lui tự do, trong ngoài như một, thì có phòng hại não loạn chỗ nào mà đối cảnh chẳng sanh lòng?
Hơn nữa, tâm bồ đề là tâm như như, vốn thường trụ diệu minh, bất sanh bất diệt, khi làm chúng sanh đoạ lạc luân hồi, tâm này không thêm, nghĩa là tánh nó (bất tăng bất giảm) thì tại sao lại nói “bồ đề thêm lớn cội.” Bồ đề tâm chớ có phải bồ đề thọ đâu mà lớn cội. Hiểu được lời giải này bài kệ của đức Lục Tổ, không cần phải giải thêm. Có điều nên nhắc là, Tổ nói: “Đối cảnh tâm khởi luôn” có hai nghĩa. Một là Ngọa Luân còn chấp không, nên Tổ nói có để tùy duyên mà đốn phá; hai là đối cảnh mà tâm khởi, là tùy thuận chúng duyên, chẳng phải do mê nhiễm mà khởi.

=======================
=======================




[1] Nhất đại sự giả, Phật chi tri kiến dã.
[2] Ta mê ta tự mở chỗ biết thấy của lòng ta, chớ Phật có mê đâu mà mở.
[3] Khai Phật tri kiến.
[4] Bởi giả danh mà lập ra.
[5] Vắng lặng làm vui.
[6] Nguyên văn bốn câu, từ 13 đến 16 là: Dĩ tri ngũ uẩn pháp, Cập dĩ uẩn trung ngã, Ngoại hiện chúng sắc tượng, Nhất nhất âm thanh tướng.” Chỗ này Cư sĩ Như Pháp chỉ dịch ý. (Chú thích của BCHĐĐ.TW.)
[7] Nguyên văn: Tam tế [三際], nghĩa là ba phía. Tế ở đây có nghĩa là bên, phía, không phải cái nghĩa tế đối với thô. (Chú thích của BCHĐĐ.TW.)
[8] Nguyên văn: “Thiện tai! Thiểu lưu nhất túc.”
[9] Diệu trạm viên tịch, thể dụng như như. Ngũ uẩn bổn không, lục trần phi hữu, bất xuất bất nhập, bất định bất loạn. Thiền tánh vô trụ, ly trụ thiền tịch. Thiền tánh vô sanh, ly sanh Thiền tưởng. Tâm như hư không, diệc vô hư không chi lượng.
[10] Chẳng phải cái y của Phật truyền cho các Tổ.
[11] Năm 1063.

COMMENTS - Bình luận

BLOGGER