Đức ly tham. TL Thích Thông Lạc ( Bài 1)



LỜI MỞ ĐẦU
Trên thế gian này lòng tham của con người là một cái túi không đáy, chứa đựng không biết bao nhiêu cho đầy. Vì thế, sự tham lam của con người to lớn vô cùng vô tận, và nhiều trùng trùng điệp điệp, thật là ghê gớm! Lòng tham lam của con người là một tội cực ác, do lòng tham ăn, tham tiền mà con người giết tất cả các loài động vật khác không những để ăn thịt, mà còn bán để lấy tiền hoặc giết chết bỏ làm phân bón, làm thực phẩm gia súc, thật là lòng tham của con người quá ác và quá tàn nhẫn. Do lòng tham muốn chiếm đoạt tài sản của những người khác mà con người giết con người không gớm tay; do lòng tham lợi, tham danh của con người từ nước này đi cướp nước khác, biết bao nhiêu sinh mạng con người chết vì chiến tranh; do lòng tham sắc dục của con người mà tự họ phá gia đình hạnh phúc của mình và của người khác tan nát; do lòng tham sắc dục mà con người hiếp dâm trẻ em và làm ô nhục biết bao nhiêu phụ nữ; do lòng tham sắc dục mà con người giết con mình bằng cách nạo phá, móc bỏ biết bao nhiêu thai nhi chết một cách đáng thương v.v...
            Lòng tham thật là ghê gớm, thường mang đến cho loài người biết bao nhiêu tội ác và biết bao nhiêu sự khổ đau, không sao kể hết được. Tội ác của lòng tham nó không từ bất cứ một người nào. Con bất hiếu cũng từ lòng tham, anh em ruột thịt chia lìa ly tán cũng từ lòng tham, vợ chồng ly dị, con cái mất cha mất mẹ cũng từ lòng tham, chiến tranh thế giới từ nước này đến nước khác, người giết hại lẫn nhau trùng trùng lớp lớp cũng từ lòng tham v.v... 

            Đứng đầu trong năm triền cái là lòng tham. Lòng tham đó gọi là tham triền cái, nó là pháp ác thứ nhất. Người đệ tử của Phật cần phải đề cao cảnh giác tâm mình khi nó móng khởi một niệm nào thì hãy mau mau quán xét cho thật kỹ xem nó thuộc về loại tham lam nào để dùng đức ly tham diệt ngay tức khắc.
            Chúng ta thường nghe Đức Phật dạy: “Trong mỗi con người có ba nọc độc: Tham độc, Sân độc, Si độc.” Và trong mỗi người có ba tùy miên: “Tham tùy miên, Sân tùy miên, Si tùy miên.” Đó là những pháp khiến con người sống đầy tội ác, chúng ta cần phải học cho thông suốt. Ba ác pháp tham, sân, si này luôn luôn ngự trị trong tâm chúng ta, hễ có đối tượng thì nó ló mặt ra tức khắc, nếu chúng ta không đủ sức bình tĩnh thì nó triền miên duy trì mãi mãi trong tâm, chúng ngấm ngầm như lửa than không thấy ánh sáng, nhưng nó vẫn cháy liên tục, không gián đoạn. 
            Vừa rồi chúng ta học đức hiếu sinh để đối trị tâm tham, sân, si, mạn, nghi. Nếu người nào biết áp dụng vào cuộc sống của mình thì đã chuyển sạch. Con đường giải thoát ở trước mắt của mình. Hôm nay chúng ta học đức thứ hai. Đức thứ hai này chúng ta cần phải tu học và rèn luyện nhân cách của mình để thoát ra tam độc. Đó là Đức Ly Tham, người nào biết ly tham là người đó tự mang đến cho mình một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự. Bởi vì, con người do tâm tham mà chịu nhiều khổ đau, muốn chấm dứt khổ đau không gì hơn là phải diệt trừ tâm tham; muốn diệt trừ tâm tham thì chỉ có sự hiểu biết các pháp vô thường, khổ, vô ngã, không có pháp nào là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Do sự hiểu biết thật như vậy thì tâm chúng ta không còn chỗ bám, dù có bám nó, nó cũng chẳng có cái gì là của ta thì bám làm gì cho uổng công. Nhờ thấu suốt hiểu rõ như vậy nên không ly tham mà nó đã tự ly tham. 
            Trong cuộc sống hằng ngày nếu tâm chúng ta chỉ còn ưa thích một chút xíu điều gì như món ăn, chiếc áo, cái khăn, cây bút v.v... là chúng ta biết tâm mình còn tham lam, mà còn tâm tham lam là tâm còn đau khổ. Ở đây, Đức Phật dạy chúng ta nên sống với đức hạnh ly tham để thoát ra mọi sự khổ đau, đó là, mục đích của tập sách này. Lìa được tâm tham không phải là dễ, cho nên ngay từ những phút đầu tiên chúng ta học giới luật này cần phải hiểu cho rõ ràng và áp dụng vào đời sống hằng ngày với đức ly tham không nên biếng trễ.
Đức ly tham từ bỏ lấy của không cho mà Đức Phật đã dạy chúng ta giới thứ hai trong Năm Giới: “Cấm gian tham trộm cắp. Không nên lấy của không cho.” Câu đầu là một pháp luật như luật thế gian, người tu sĩ phạm vào giới này được xem là phạm vào tội tử hình, nhưng câu sau chỉ là một lời khuyên nhẹ nhàng, nếu ai nghe theo lời khuyên này sống không lấy của không cho thì ngay đó là chúng ta sống với đức ly tham, sống với đức ly tham sẽ được giải thoát ngay liền và hoàn toàn giải thoát ra khỏi sáu nẻo luân hồi và chấm dứt mọi sự khổ đau trong cuộc đời này.
            Tóm lại lòng tham lam của con người đã đưa con người vào biển khổ, “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển.” Đó là lời xác định của Đức Phật, sự đau khổ của chúng sinh vô cùng vô tận không sao kể hết được. Vậy muốn thoát ra bể khổ chúng ta phải hết sức tu học Đức Ly Tham để đem lại sự bình an cho mình, cho người và cho vạn vật trên hành tinh này.
                                                                                                                        Kính ghi. Tu Viện Chơn Như
Bài thứ nhất
TỪ BỎ LẤY CỦA KHÔNG CHO

            Đây là bài học giới luật thứ hai trong ngũ giới: “Cấm gian tham trộm cắp.” Nhưng đạo Phật là đạo tự nguyện, tự giác không bắt buộc và không dùng quyền lực cưỡng chế ai cả, nên Đức Phật dùng lời khuyên: “Không nên lấy của không cho” hay “Từ bỏ lấy của không cho. 
            Chúng tôi cảm thấy Đức Phật là một nhà tâm lý học tuyệt vời. Khi bước vào học giới thứ nhất thì Đức Phật khuyên: “Không nên giết hại chúng sinh” rồi dạy chúng ta Rèn luyện nhân cách đức hiếu sinh. Thấm nhuần được lòng yêu thương, tâm hồn chúng ta vô cùng sung sướng, buông xả rất nhiều những ác pháp thô. Tất cả những pháp ác thô chúng ta đã ly sạch, chỉ còn những pháp ác vi tế, nhưng đến giới thứ hai thì Đức Phật dạy chúng ta xa lìa những tâm tham lam bằng giới luật từ bỏ lấy của không cho. Từ bỏ lấy của không cho là một lời khuyên nhẹ nhàng của Đức Phật, khiến cho chúng ta nghe đến từ ly tham rất thắm thía, nhưng nó là một hành động đạo đức ly tham rất tuyệt vời.
            Vốn con người sinh ra là do duyên ái dục của cha mẹ, cho nên từ khi còn trứng nước, nằm trong bụng mẹ đã có tâm tham, sân, si, mạn, nghi rồi. Chứ không như đức Khổng Phu Tử nói: “Nhân chi sơ tính bổn thiện.” Lời nói này chứng tỏ đức Khổng Tử không hiểu nguồn gốc nhân quả nghiệp báo. Không hiểu nguồn gốc nhân quả nghiệp báo thì không thể hiểu thế giới quan vũ trụ của Phật giáo được. Không thể hiểu thế giới quan vũ trụ của Phật giáo thì không thể hiểu mười hai nhân duyên tạo nên vũ trụ này. 
Theo Phật giáo xác định rất rõ: Vạn vật được sinh ra trong vũ trụ này có nhiều hình tướng và tâm tính khác nhau là do nhân quả thiện ác nghiệp báo khác nhau. Chứ không phải do một đấng vạn năng, hay một đấng tạo hóa, hoặc một vị Ngọc Hoàng Thượng Đế nào tạo ra vạn vật, tạo ra sự sống trên hành tinh này được, mà chính theo quy luật nhân quả vận hành tạo ra các duyên, khi các duyên hội đủ điều kiện tác dụng vào nhau hợp thành sinh ra vạn vật. Cho nên vạn vật có mặt trên hành tinh này đều do mười hai nhân duyên hợp lại thành.
            Mười hai nhân duyên gồm có:
                        1- Duyên Vô minh
                        2- Duyên Hành
                        3- Duyên Nghiệp (Thức)
                        4- Duyên Danh sắc
                        5- Duyên Lục nhập
                        6- Duyên Xúc
                        7- Duyên Thọ
                        8- Duyên Ái
                        9- Duyên Hữu
                        10-Duyên Thủ
                        11- Duyên Sanh
                        12- Duyên Ưu bi, sầu khổ, bệnh chết.
            Một lần nữa chúng ta khẳng định tất cả vạn vật đều sinh ra là do mười hai nhân duyên này. Do mười hai nhân duyên này mới tạo tác hợp lại thành vạn vật trong vũ trụ. Đất đá núi sông cũng đều do mười hai nhân duyên này tạo ra. Thế giới quan của Phật giáo đơn giản, thiết thực, cụ thể như vậy, chứ không phải trong thế giới quan có thế giới siêu hình như các nhà tôn giáo và các nhà ảo tưởng nghĩ ra cho rằng: Trong thế giới quan có một thế giới siêu hình, trong thế giới siêu hình có một đấng tạo hóa đang sáng tạo và sinh ra loài người và muôn loài vật. Và đấng tạo hóa đó đang cầm quyền sinh sát xử phạt muôn loài vạn vật trên hành tinh này.
            Chúng tôi là những người ưa chuộng sự thật, bằng những chứng minh khoa học cụ thể. Cho nên những điều ảo tưởng viển vông chúng tôi bỏ ngoài tai. Vì chúng tôi biết rõ quy luật nhân quả thiện ác thường làm thay đổi chuyển biến, không có một pháp nào đứng yên một chỗ bất di bất dịch thường hằng không thay đổi trong vũ trụ này. Do sự vô thường này đã làm cho muôn loài sống trên hành tinh đau khổ, nhất là loài người lại còn đau khổ hơn các loài vật khác. Muốn cho loài người thoát ra mọi sự đau khổ này, nên Đức Phật xây dựng cho loài người nền đạo đức nhân bản – nhân quả để chuyển đổi quy luật nhân quả hay nói cách khác là làm chủ nhân quả, có nghĩa là nhân quả không còn chi phối điều khiển được con người. Nhờ đó con người mới làm chủ nhân quả hoàn toàn tức là làm chủ sự sống chết, chấm dứt tái sinh luân hồi.
            Vì thế, giáo lý thiện pháp của nhà Phật ra đời với toàn bộ giới luật đức hạnh nhân bản. Hôm nay chúng ta đang học Năm giới tức là đang học năm đức hạnh của người đệ tử cư sĩ Phật đầu tiên mới bước chân vào con đường rèn luyện nhân cách. Đức ly tham là giới luật thứ hai trong năm giới, nếu một người giữ trọn giới luật này là đã thấy tâm mình giải thoát không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa. Đời người khổ đau là vì tâm tham, nếu chúng ta lìa tâm tham thì làm sao còn đau khổ được nữa. Phải không quý vị? Chúng ta thấy trộm cắp, cướp của giết người là do gốc tâm tham mà xảy ra, từ gốc tham lam mang đến biết bao nhiêu sự khổ đau cho con người. Bởi vậy tâm tham là một pháp cực ác, từ khi con người có mặt trên hành tinh này thì họ đã mang theo lòng tham lam, vì thế mọi sự đau khổ đều do nó.
            Do đó chúng ta thấy rất rõ đường đi của Phật giáo là con đường mang đến sự an vui giải thoát cho loài người. Con đường đó là con đường thiện. Con đường thiện là con đường đạo đức nhân bản – nhân quả; con đường đạo đức nhân bản – nhân quả là con đường đạo đức ly tham. Trong xã hội loài người nếu người nào cũng được học đức ly tham thì làm sao có những tệ nạn xã hội như: Cướp của giết người, trộm cắp móc túi, hối lộ ăn lo, gian tham lừa đảo lường gạt người bằng đủ mọi ngành nghề: Cờ gian, bạc lận, cá cược, mãi dâm, rượu chè hút xách, buôn thần bán thánh tạo dựng cảnh mê tín cướp giựt tiền giữa ban ngày ban mặt mà không ai bắt bớ họ được.
            Từ bỏ lấy của không cho là đức hạnh ly tham rất tuyệt vời. Ta nên suy nghĩ: Ta mất của ta cũng khổ đau và người mất của, người cũng khổ đau, cớ sao ta lại nỡ nhẫn tâm lấy của người khác. Cho nên nhất định ta sẽ không lấy của không cho dù cây kim sợi chỉ chẳng đáng là bao nhiêu nhưng ta cũng không lấy khi người ta không cho. Khi lấy của người không cho là mang tiếng suốt đời “Ăn cắp, ăn trộm” còn nếu không lén lấy mà xông vào cướp giựt tiền bạc của cải của người khác thì mang tiếng là “Bọn ăn cướp.” Ăn không ngồi rồi mà đi ăn trộm, ăn cướp của cải tài sản của người khác là những người vô đạo đức, những người xấu xa, hèn hạ v.v…
            Làm con người cần phải tránh xa những hành động lấy của không cho, vì những hành động trộm cắp, cướp giựt của cải tài sản là làm cho mọi người đều chán ghét, đều ghê tởm, đều sợ hãi v.v... Nhất định làm người chúng ta phải sống với đức ly tham, vì đức ly tham làm cho chúng ta trở thành con người cao thượng. Trong đức ly tham nó mang đầy đủ lòng yêu thương đa hướng đối với mọi người và mọi loài, nó đem lại cho chúng ta một lòng yêu thương nhau chan hòa. Cho nên người ly tham là người sống hạnh phúc nhất trần gian.
            Tại sao vậy? 
            Tại vì đức ly tham giúp chúng ta không còn dính mắc các pháp trên thế gian này. Khi đức ly tham ngự trị trong tâm chúng ta thì các pháp trên thế gian này không còn pháp nào đủ sức cám dỗ lôi cuốn chúng ta được. Cho nên khi chúng ta nhận xét tâm mình còn ham thích điều gì thì chúng ta biết ngay đức ly tham sẽ không còn trong tâm nữa. Vì vậy chúng ta phải tác ý ngay: “Tâm không được ham thích, phải chấm dứt ngay liền.” Nhờ có tác ý như vậy thì đức ly tham mới trở lại trong tâm ta. Cho nên người tu tập phải siêng năng khi thấy một niệm mống khởi ưa thích thì chúng ta phải mau mau tác ý dừng lại. Có siêng năng tu tập như vậy thì chúng ta mới sống trọn vẹn với đức ly tham.
            Một người tu theo Phật giáo mà lười biếng thì không thể nào thành tựu sự giải thoát. Thành tựu giải thoát của Phật giáo là phải siêng năng hằng ngày diệt trừ lòng tham, sống với đức ly tham và đức hiếu sinh.

ĐẠO ĐỨC GIA ĐÌNH
GIỌT NẮNG CHƠN NHƯ 

COMMENTS - Bình luận

BLOGGER