Còn gọi là băng phiến, mai hoa băng phiến, mai phiến, long não hương, mai hoa não, ngải nạp hương, ngải phiến, từ bi.
Tên khoa học Blumea balsamifera (L.) DC. (Convza balsamifera L. Baccharis salvia Lour.)
Thuộc họ Cúc Asteraceae (Compositae).
Băng phiến (Bocneola hay Borneo-camphor) có thể do 3 nguồn gốc:
1. Chế từ gỗ cây long não hương (Dryobalanops aromatica Gaertn.) thuộc họ Dầu hoặc họ Quả hai cánh Dipterocarpaceae. Cây này chưa thấy ở nước ta.
2. Chế từ cây đại bi hay từ bi hoặc từ bi xanh Blumea balsamifera DC., thuộc họ Cúc Compositae. Cây này có ở nước ta và sẽ giới thiệu kỹ sau đây.
3. Chế bằng phương pháp tổng hợp hoá học, không giới thiệu ở đây.
Trước đây ta vẫn phải nhập vị băng phiến để làm thuốc. Ngay từ kháng chiến chống Pháp, chúng tôi đã bắt đầu khai thác chế lấy băng phiến từ cây đại bi mọc ở nước ta, sau đó công việc tạm dừng. Hiện nay ta đang đặt vấn đề khai thác trở lại.
A. Mô tả cây
Cây đại bi hay từ bi là một cây nhỡ, cao từ 1,5m đến 2,5m. Thân có nhiều rãnh chạy dọc, có nhiều lông, trên ngọn có mang nhiều cành. Lá hình trứng hai đầu nhọn nhưng hơi tù, có thể dài tới 12cm, trung bình dài 15cm và rộng 5cm, mặt trên có lông, mép lá gần như nguyên hay xẻ thành răng cưa và ở gốc lá thường có 2, 4 hoặc 6 thuỳ nhỏ do phiến lá phía dưới bị xẻ quá sâu. Vò lá ta sẽ thấy mùi thơm dễ chịu của băng phiến. Hoa màu vàng, mọc thành chuỳ ngù ở kẽ lá hay đầu cành. Trên hoa có nhiều lông tơ. Quả bế có 2 cạnh dài 1mm, mang chùm lông ở đỉnh (Hình dưới).
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Cây đại bi mọc hoang ở khắp nơi trong nước ta, từ rừng núi đến đồng bằng đâu cũng có. Thường cây đại bi hay mọc ở những đồi đã phát quang có nhiều ánh sáng, không thấy trong rừng sâu. Thường mọc thành bãi khá rộng. Vì chưa khai thác nên chưa thống kê được trữ lượng. Còn mọc hoang ở nhiều nước khác như Trung Quốc (Quý Châu, Quảng Đông, Quảng Tây, đảo Hải Nam), Ấn Độ, Malaixia, Inđônêxya, Philipin v.v...
Trước đây cũng như hiện nay, nhân dân ta thường chỉ biết dùng lá làm thuốc, còn việc cắt lấy băng phiến đại bi mà dùng thì không biết. Việc khai thác này lại do những người Trung Quốc bán thuốc rong (hàng thuốc ê trước đây) tiến hành, những người này thường mang theo với gánh thuốc một bộ nồi cất lưu động, vừa đi vừa bán thuốc, họ vừa xem nơi nào có nhiều cây đại bi thì dừng lại, cất lấy băng phiến đại bi, thường cất được chừng vài kg, thì tập trung đem bán tại các thành phố hoặc xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc để từ đó lại trở về Việt nam với tên băng phiến hay mai hoa băng phiến. Một số người Việt nam có làm nhưng không phổ biến.
Cất mai hoa băng phiến cần chú ý tiến hành vào mùa thu đông là thời kỳ cây đại bi có nhiều băng phiến. Các tháng khác, cây có nhiều tinh dầu hơn băng phiến. Búp và lá non có nhiều băng phiến hơn các lá khác.
Nồi cất thủ công gồm một nồi đáy thường (có thể dùng nồi thổi cơm), một cái chõ, trên để thau hay chảo làm lạnh. Cho lá và cành băm nhỏ vào nồi, thêm nước vào cho ngập lá, trát kín chõ và thau, sau đó đun sồi nhẹ, giữ cho lửa nhỏ trong vòng 3-4 giờ, mai hoa băng phiến thăng hoa lên sẽ bám vào đáy thau, cạo lấy, ép cho hết dầu và tinh chế. Muốn tinh chế mai hoa băng phiến, trộn băng phiến thô với than củi, vôi, bột theo tỷ lệ 100 phần băng phiến thô, thêm 5 phần than củi, 3 phần vôi bột, cho hỗn hợp này vào một nồi gang nhỏ, trên nồi gang đặt một chiếc chõ, đậy vung trát kín. Đun nhẹ, băng phiến sẽ thăng hoa lên, bám vào thành chõ, cạo lấy là được. Tỷ lệ băng phiến thu được thường từ 0,3 đế 0,5%.
C. Thành phần hoá học
Trong lá đại bi thường có chừng 0,2 đến 1,88% tinh dầu và chất băng phiến. Thành phần chủ yếu của tinh dầu có d.bocneola l.campho, xineola.
Chất băng phiến tinh chế gồm chủ yếu là chất bocneola công thức C10H18O, có tinh thể trông óng ánh và trắng như hoa mai do đó có tên mai hoa (hoa mai). Điểm chảy 203-204°C, rất dễ thăng hoa, độ sôi 212°C.
Chất bocneola có thể tổng hợp được từ tinh dầu thông.
D. Tác dụng dược lý
Năm 1938, Grevenstuck A. và H.Harms đã dùng nước sắc lá đại bi, làm đẳng trương bằng nước Ringer để tiêm vào mạch máu súc vật thì thấy huyết áp hạ do tim co bóp yếu, đi vào do dãn mạch máu ngoại vi. Vận động hô hấp được tăng cường, có lẽ do trung tâm hô hấp bị kích thích, tính co và trương lực của ruột và của tử cung bị giảm xuống.
E. Công dụng và liều dùng
Lá đại bi chủ yếu được nhân dân ta dùng làm thuốc chữa cảm sốt, cảm cúm, làm cho ra mồ hôi. chữa ho, trừ đờm, đầy bụng không tiêu, đau bụng. Hay dùng nhất dưới dạng thuốc xông chữa bị cảm, mổ hôi bí không ra được: Một nắm lá đại bi khô, một nắm lá bưởi, một nắm lá chanh, một nắm lá sả, tất cả cho vào nồi nước đun sôi. Bênh nhân ngồi trên giường trước mặt đặt nồi nước nói trên, trong nồi có sẵn đôi đũa để bệnh nhân vừa xông vừa khuấy cho đều. Dùng chăn trùm kín cả người và nồi nước, hơi nước có các chất thơm bốc lên làm bệnh nhân ra mồ hôi. Làm như vậy một hai lần, ngồi nơi kín gió vì sau khi xông xong, mở chăn ra, bệnh nhân đang có nhiều mồ hôi, dễ bị cảm lạnh.
Nước sắc lá đại bi uống để chữa đầy bụng, ăn uống không tiêu, ho. Ngày uống 20-30g lá tươi.
Băng phiến đại bi được dùng trong đông y từ lâu, có ghi trong các sách cổ là vị cay, đắng, hơi lạnh, không độc, vào 3 kinh phế, tâm và can. Có tác dụng thông ác khiếu, tan uất hoả, tan màng mắt, sáng mắt, chữa đau bụng, đau ngực, ho lâu ngày, ngạt mũi, đau cổ họng, đau mắt cảm gió, cấm khẩu đau răng. Nhưng không được uống với rượu làm cho thuốc dẫn mau quá có thể ngộ độc. Còn dùng bôi ngoài chữa mụn nhọt lở loét.
Liều dùng hàng ngày là 0,10 đến 0,20g chia làm nhiều lần uống dưới hình thức thuốc bột; dùng ngoài không kể liều lượng thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Đơn thuốc có băng phiến
Chữa viêm cổ họng mãn tính, viêm amiđan (kinh nghiệm cổ truyền): Băng phiến 1g, khô phàn (phèn chua phi khô) 2,5g, hoàng bá đốt thành than 2g, đăng tâm thảo đốt thành than 3g, tất cả tán nhỏ, mỗi lần dùng chừng 3-4g thổi vào cổ họng.
Chú thích:
- Như trên đã giới thiệu, băng phiến còn lấy từ gỗ cây long não hương Dryobalanops aromatica Gaertn (D.camphora Colebr.) thuộc họ Quả hai cánh (Dipterocarpaceae) chế ra. Cây này mới thấy giới thiệu ở Inđônêxya. Trước đây bản thân Trung Quốc cũng nhập vị băng phiến này để bán lại sang ta. Cây này chưa thấy ở nước ta (Hình dưới).
Nguyên Liệu Làm Thuốc trích từ nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi
COMMENTS - Bình luận
Đăng nhận xét