Tìm Hiểu Kinh Phật - TRUNG BỘ KINH - Giới phân biệt

TRUNG BỘ KINH - BÀI KINH SỐ 140

Giới phân biệt
(Dhatuvibhanga Sutta)
Đạo Phật Nguyên Thủy - Tìm Hiểu Kinh Phật - TRUNG BỘ KINH - Giới phân biệt

I. TOÁT YẾU

The Exposition of Elements.

Stopping at a potter’s workshop for the night, the Buddha meets a monk named Pukkusati and gives him a profound discourse on the elements culminating in the four foundations of arahantship.

Trình bày về các yếu tố.

Khi dừng nghỉ đêm tại xưởng một người thợ gốm, Phật gặp một tỷ kheo tên Pukkusati và giảng cho vị ấy một pháp thoại sâu sắc về các yếu tố đưa đến tột đỉnh là bốn nền tảng của A la hán quả.

II. TÓM TẮT

Phật cùng nghỉ đêm trong một xưởng làm đồ gốm với Pukkusàti. Sau khi biết đấy là một thiện nam tử đã xuất gia do lòng tin đối với Ngài mặc dù chưa từng gặp Ngài, Phật giảng vắn tắt: Cái gọi là con người gồm có sáu giới, sáu xúc xứ, 18 ý hành và bốn thắng xứ. Sáu xúc xứ là mắt tai mũi lưỡi thân ý; 18 ý hành gồm sắc thanh hương vị xúc pháp chỗ trú của ba cảm thọ hỷ ưu và xả (cộng thành 18). Bốn thắng xứ gồm tuệ, hãy hộ trì chân đế, hãy tăng trưởng huệ thí, hãy tu học tịch tịnh. Rồi Phật giảng chi tiết như sau.

Chớ buông lung trí tuệ có nghĩa là nên biết rõ sáu giới tức địa thủy hoả phong không thức. Ðịa giới có trong thân và ngoài thân. Ðịa trong thân là tất cả những chất cứng bị chấp thủ, thuộc cá nhân như tóc lông móng răng da, thịt gân xương tủy thận. Chất cứng trong ngoài gì cũng thuộc về địa giới, cần phải thấy như thật với chánh trí là nó không phải của tôi, không phải là tôi, không phải tự ngã của tôi. Sau khi biết vậy, sinh tâm chán lìa, từ bỏ địa giới. Ðối với thủy (chất lỏng), hoả (hơi nóng), phong (động), không (lỗ hổng) cũng đều quán như vậy. Với thức trong sáng, vị ấy biết được lạc, khổ và bất khổ bất lạc. Do lạc xúc, lạc thọ khởi lên; và thức liền nhận biết đang cảm giác một lạc thọ. Do lạc xúc diệt, lạc thọ cũng diệt, và thức cũng nhận biết như vậy. Với hai cảm thọ kia (khổ và bất khổ bất lạc) cũng thế.

Khi xả còn lại được trong sáng, thuần tịnh, vị tỷ kheo có thể tập trung xả ấy vào hư không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu, phi tưởng phi phi tưởng… nhưng xả ấy sẽ thành hữu vi. Nếu không tác thành, không suy tưởng đến hữu hay phi hữu, không chấp thủ một sự vật gì ở đời, thì vị ấy sẽ không sợ hãi, tự chứng niết bàn, biết: Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa. Mỗi khi cảm giác lạc, khổ hay bất khổ bất lạc, vị ấy biết tất cả cảm thọ đều vô thường, không nên đắm trước, không phải đối tượng để hoan hỷ. Vị ấy biết rõ khi cảm giác một cảm thọ với thân là tối hậu hay với sinh mạng là tối hậu (CT. - nghĩa là chỉ trong lúc mạng căn còn tiếp tục, không xa hơn thế). Vị ấy biết, khi thân hoại mạng chung, tất cả những cảm thọ sẽ trở thành thanh lương (vì vị ấy không chấp thủ, hoan hỷ trong đó). Tỷ kheo có được trí như vậy gọi là có tuệ thắng xứ, nghĩa là trí biết sự đoạn tận mọi đau khổ. Sự giải thoát của vị ấy không bị giao động vì căn cứ trên chân đế, niết bàn. Vị tỷ kheo thành tựu như vậy là thành tựu đế thắng xứ. Những chấp thủ của vị ấy trước kia bây giờ bị cắt đứt tận gốc rễ không còn sinh khởi trong tương lai, nên đây là huệ xả thắng xứ nơi vị ấy. Tham ái, phẫn nộ và si mê trước kia nơi vị ấy bây giờ cũng hoàn toàn bị chặt đứt tận gốc rễ như thân cây ta la, không còn khả năng sinh khởi, nên vị ấy thành tựu tịch tịnh thắng xứ, nghĩa là sự chấm dứt tham sân si. Khi những ngọn triều vọng tưởng không còn lay động một người đã vững trú trên bốn thắng xứ, vị ấy được gọi là một ẩn sĩ tịch tịnh. Vị ấy không còn nghĩ về ta là thế này thế nọ hay sẽ là ngày nọ; không còn sanh, già chết, mong cầu gì.

Nghe xong bài pháp vi diệu ấy, Pukkusàti biết ngay đấy là đức Phật, và xin sám hối vì không biết nên đã gọi Ngài là hiền giả (bạn). Ông xin được thọ đại giới, nhưng khi vừa đi ra kiếm y bát thì bị bò húc chết. Khi các tỷ kheo hỏi về sanh thú của vị này, Phật dạy ông ấy đã đoạn trừ năm hạ phần kết sử, sẽ nhập niết bàn không còn trở lui đời này nữa.

III. CHÚ GIẢI

Phật dạy lý vô ngã bằng cách phân tích con người gồm có sáu đại: địa thủy hỏa phong không thức; sáu xúc xứ: mắt tai mũi lưỡi thân ý; 18 ý hành là hỷ ưu hoặc xả đối với sắc thanh hương vị xúc pháp (cộng thành 18). Trí tuệ là dùng thức quán sát năm giới hay đại vật chất không gì là ta, của ta hay tự ngã của ta. Thức còn lại trong sáng, thuần tịnh (vì không chấp vào vật chất) hướng đến các cảnh giới của tâm là không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu và phi phi tưởng cũng không chấp thủ, đạt niết bàn. Mỗi khi có một cảm thọ về thân hay tâm, vị ấy biết rõ nó vô thường, không đáng chấp thủ. Khi chết, vị ấy biết rõ đấy là cảm thọ cuối cùng, sau đời này không còn đời nào khác (vì đã hết ham muốn bất cứ gì.) Một người có tuệ như vậy gọi là đãđạt đến chỗ tối cao gọi là thắng xứ, có bốn tên tùy theo bốn phương diện: thấy rõ gọi là tuệ thắng xứ, cái thấy ấy không hư vọng nên gọi là đế thắng xứ, nhờ thấy rõ mà những chấp thủ trước kia bị cắt đứt tận gốc nên gọi là huệ xả thắng xứ, hoàn toàn đoạn tuyệt với tham sân si gọi là tịch tịnh thắng xứ.

IV. PHÁP SỐ 

V. KỆ TỤNG

Phật đến nghỉ ban đêm
Trong xưởng người thợ gốm
Nơi đây đang trú ngụ
Ông Puk-ku-sa-ti
Một tu sĩ nhiệt thành
Xuất gia do lòng tin
Ðối với đấng Ðạo sư
Dù chưa từng diện kiến.

Phật giảng Pháp cho ông:
Con người gồm sáu giới,
Sáu xúc xứ (sáu căn)
Mỗi căn có ba thọ
Thành mười tám ý hành
Chớ buông lung trí tuệ,
Hãy hộ trì chân đế,
Hãy tăng trưởng huệ thí,
Và tu học tịch tịnh
Ðấy là bốn thắng xứ.

Rồi Phật giảng chi tiết:
Không buông lung trí tuệ
Là biết rõ sáu giới
Ðịa thủy hỏa phong không
Với thức là thứ sáu.

Ðịa giới có trong ngoài
Trong thân là chất cứng
Bị chấp, thuộc cá nhân:
Tóc lông móng răng da,
Thịt gân xương tủy thận…
Chất cứng trong hay ngoài
Cũng đều thuộc địa giới.

Cần phải thấy như thật
Với trí tuệ chân chính
Ðấy không phải là tôi
Cũng không phải của tôi.
Hay tự ngã của tôi.
Khi biết được như vậy
Sẽ sinh tâm chán lìa,
Từ bỏ ngay địa giới.
Với thủy hỏa phong không
Cũng đều quán như vậy.
Còn lại thức trong sáng,
Biết cảm thọ lạc, khổ
Và bất khổ bất lạc.

Do xúc, lạc thọ khởi
Và thức liền nhận biết
Ðang cảm giác lạc thọ.
Xúc diệt, lạc thọ diệt,
Như vậy thức rõ biết.
Với hai cảm thọ kia
Thức biết chúng sinh, diệt
Cũng tương tự như trên.
Với tâm xả thuần tịnh,
Nó có thể tập trung
Vào hư không vô biên
Hoặc thức vô biên xứ,
Hoặc vô sở hữu xứ,
Phi tưởng phi phi tưởng:
Tâm ấy thành hữu vi.

Nhưng nếu không tư duy
Không tưởng hữu, phi hữu,
Không chấp thủ vật gì,
Thì sẽ không sợ hãi,
Tự chứng được niết bàn
Tự biết: Sanh đã tận,
Phạm hạnh đã viên thành,
Mỗi khi cảm giác lạc,
Khổ, bất khổ bất lạc,
Biết cảm thọ vô thường,
Không nên đắm trước nó,
Không hoan hỷ trong đó.

Vị ấy luôn biết rõ
Khi khởi một cảm thọ
Với thân là tối hậu
Hay mạng là tối hậu
Vị ấy biết khi chết
Tất cả thọ thanh lương
Vì không còn chấp thủ.

Ðấy là tuệ thắng xứ,
Nghĩa là trí biết được
Mọi đau khổ đã dứt.
Sự giải thoát vị ấy
Không còn bị giao động
Không thuộc về hư vọng
Nên gọi đế thắng xứ.

Những chấp thủ vị ấy
Ðã dứt tận gốc rễ
Không sinh khởi tương lai
Gọi huệ xả thắng xứ.

Tham sân si đoạn tận
Thành tịch tịnh thắng xứ.
Những ngọn triều vọng tưởng
Không còn làm giao động
Người trú bốn thắng xứ,
Nên vị ấy được gọi
Là ẩn sĩ tịch tịnh.

Vị ấy không còn nghĩ
Ta thế này thế nọ
Hay sẽ là này nọ
Không còn mong cầu gì
Tương lai hết già chết.

Nghe xong pháp vi diệu
Biết ngay đấy là Phật
Thanh niên xin sám hối
Ðã gọi bụt bằng anh;
Và xin thọ đại giới,
Nhưng khi vừa đi ra
Ðể tìm kiếm y bát
Ông bị bò húc chết.

Phật dạy các tỷ kheo:
Ông ấy đã đoạn trừ
Năm hạ phần kết sử
Hóa sanh nhập niết bàn
Một đi không trở lại.

-ooOoo-

Trích nguồn: Giáo trình do Ni sư Thích Nữ Trí Hải biên soạn,
y cứ theo bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu,
với phần Anh ngữ của Hòa thượng Nanamoli



Xem đầy đủ bài kinh: Kinh Giới phân biệt








COMMENTS - Bình luận

BLOGGER