Còn gọi là củ khúc khắc, củ kim cang.
Tên khoa học Smilax glabra Roxb. (Smilax hookeri Kunth).
Thuộc họ Hành tỏi Liliaceae.
Thổ phục linh (Rhizoma Smilacis) là thân rễ phơi hay sấy khô của nhiều cây thuộc chi Smilax, trong đó có cây Smilax glabra.
A. Mô tả cây
Thổ phục linh hay cây khúc khắc (Smilax glabra) là một loại cây sống lâu năm, dài 4-5m, có nhiều cành nhỏ, gầy. không gai, thường có tua cuốn dài. Lá hình trái xoan thuôn, phía dưới tròn, dài 5-13cm, rộng 3-7cm, chắc cứng, hơi mỏng, có 3 gân nhỏ từ gốc và nhiều gân con. Hoa mọc thành tán chừng 20-30 hoa. Cuống chung chỉ ngắn chừng 2mm, cuống riêng dài hơn, chừng 10mm hay hơn. Quả mọng, hình cầu, đường kính 6-7mm, hơi 3 cạnh, có 3 hat. (Hình dưới).
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Thu hoạch quanh năm, nhưng tốt nhất vào thu đông. Đào lấy thân rễ, cắt bỏ rễ nhỏ rửa sạch, đang còn ướt thái mỏng (cho dễ thái), phơi khô; có khi người ta ngâm nước nóng ít phút rồi mới thái cho dễ hơn. Có nơi lại để nguyên củ phơi khô.
C. Thành phần hoá học
Theo Trung quốc thổ nông dược chí (1959) thì trong thổ phục linh có saponin, tanin, chất nhựa.
D. Công dụng và liều dùng
Thổ phục linh là một vị thuốc được dùng cả trong đông y và tây y (tây y dùng với tên Salsepareille làm thuốc tẩy máu, làm ra mồ hôi, chữa giang mai...)
Theo tài liệu cổ đông y thì thổ phục linh vị ngọt, nhạt, tính bình, vào 2 kinh can và vị. Có tác dụng khử phong thấp, lợi gân cốt, giải độc do thủy ngân. Chữa đau xương, ác sang ung thũng.
Hiện nay thổ phục linh là một vị thuốc:
1) Được dùng trong nhân dân để tẩy độc cơ thể, bổ dạ dày, khoẻ gân cốt. làm cho ra mồ hôi, chữa đau khớp xương.
Liều dùng hàng ngày 10-20g dưới dạng thuốc sắc.
Có khi dùng với liều cao hơn.
2) Làm nguyên liệu chế nước ngọt giải khát tại Mỹ và những nước chịu ảnh hưởng của văn hoá phong tục Mỹ. Người ta dùng các loài thổ phục linh Smilax medica, S.aristolochiaefolia Mill nguồn gốc ở Mêhicô, S.ornata Hook.f nguồn gốc ở Honduras và Braxin để chế nước giải khát đóng chai với tên là sansơ parây (salsepareille), còn có tên nước xá xị (ten loại nước uống này ở miền nam nước ta thường gọi). Theo thói quen của nhân dân một số nước châu Mỹ người ta uống những loài thổ phục linh này với mục đích giải khát, tấy độc cơ thể, giúp sự tiêu hoá. Nhu cầu những loài thổ phục linh để làm nước giải khát rất lớn, vì tiêu thụ không những chỉ ở riêng những nước như Mỹ, Mêhicô... mà còn lan ra rất nhiều nước khác ở châu Á, châu Mỹ Latinh v.v..Do nhu cầu tăng lên mà cây này hầu như chưa được trồng, nguồn cây mọc hoang dại không đủ, cho nên người ta thay thế bằng một số nguyên liệu khác và làm thơm bằng một hỗn hợp tinh dầu có mùi đặc biệt nhưng vẫn mang tên sansơ parây hay xá xị. Những hãng nước ngọt giải khát ở miền nam nưóc ta trước đây vẫn phải nhập những loại nguyên liệu cô đặc này từ nước ngoài về pha nước rồi đóng chai. Chúng tôi cho rằng chúng ta nên nghiên cứu thay thế loại nước uống này bằng những nguyên liệu hoàn toàn do ta sản xuất, những loài thổ phục linh có sẵn ở nước ta và giữ nguyên hương vị tự nhiên của nó hoặc tìm một loại hương thơm mà ta có sẵn nguyên liệu lại hợp với sở thích của nhân dân ta, không cần và không nên tìm tòi những hương vị trước đây vì đó là những hương vị hoàn toàn nhân tạo không phải hương vị tự nhiên của thổ linh phục. Nhân dân ta trước đây vẫn thường uống nước kim ngân trộn với khúc khắc trong mùa hè để trừ rôm sẩy, mụn nhọt. Như trên ta đã thấy, khúc khắc là tên khác của thổ phục linh.
Bài thuốc kinh nghiệm có thổ phục linh.
Năm 1961, Khoa da liễu Quân y viện 108 có dùng chữa bệnh vẩy nến (psoriasis) bằng đơn thuốc sau đây:
Hạ khô thảo nam (cây cải trời) (Blumea subcapitata) 80-120g. Thổ phục linh 40-80g. Cả hai vị sắc với nước (500ml) trong 3 giờ ở nồi hấp 150°C, được 300ml chia 3 hoặc 4 lần uống trong ngày.
Đã dùng điều trị 21 người khỏi hẳn nhưng có phối hợp ghép Philatôp, 3 trường hợp đỡ 70-80%, 1 trường hợp điều trị dở dang. Thời gian điều trị trung bình là 79 ngày (ngắn nhất 23 ngày, dài nhất 118 ngày).
Trong khi uống thuốc có phối hợp bôi những thuốc như thuốc mỡ salixylic 5%, crizôphanic 5%, dầu Cađơ (huile de Cade) 10%, mỡ Saburô (Sabouraud).
Chú thích:
Trong đông y và tây y đều còn dùng một số loại Smilax nữa như Smilax medica, Schlecht et. Cham, Smilax ornata Lem, Smilax officinalis H.B.K. v.v... làm thuốc tẩy độc cơ thể, ra mồ hồi, chữa giang mai.
Với liều nhỏ, nó còn kích thích sự tiêu hoá, nhưng đối với liều quá cao nó có thể gây nôn mửa, biếng ăn v.v...
Trong các loại Smilax dùng trong đông tây y, người ta đã nghiên cứu thấy các chất tinh bột, rất ít tinh dầu, nhựa và một sô chất saponozit, như sac saponin C45H47O17.
Sacsaponin hay sacsaponozit có tinh thể, độ chảy 238°-240°C, αD(15°)=-66° dễ tan trong nước, trong rượu nóng, rất khó tan trong ête, khi thủy phân cho glucoza và sacsapogenin có cấu trúc steroit, nếu thủy phân bằng axit clohydric 5% sẽ cho sacsapogenin, 2 phân tử glucoza và một phân tử ramnoza. Sacsapogenin cũng có tinh thể, độ chảy 199-199°5C tan trong cồn hay axeton, có thể kết tủa với digitonin.
Sacsapogenin là một nguyên liệu để tổng hợp hocmon và coctizon.
2) Ở các tỉnh phía nam đang nói rất nhiều về một cây gọi là cây xá xị. Tiện đây, chúng tôi xin giới thiệu những kiến thức thu thập về cây này ở phần tiếp theo sau.
Nguyên Liệu Làm Thuốc trích từ nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi
COMMENTS - Bình luận
Đăng nhận xét