Chữa Tê Thấp và Đau Nhức - Cốt Toái Bổ

Còn gọi là bổ cốt toái, co tạng tó (Thái ở châu Quỳnh Nhai), co in tó (Thái ở Điện Biên), cây tổ phượng, cây tổ rồng, tổ diều, tắc kè đá.

Tên khoa học Drynaria fortunei J.Sm. (Polypodium fortunei O.Kuntze).

Thuộc họ Dương xỉ Polypodiaceae.
Cây Bổ Cốt Toái - Drynaria fortunei - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Tê Thấp và Đau Nhức
Cốt toái bổ hay bổ cốt toái (Rhizoma Drynariae fortunei) là thân rễ phơi khô của cây bổ cốt toái. Tên bổ cốt toái vì người ta cho rằng vị này có tác dụng làm liền những xương dập gẫy.

Tên co tạng tó vì tạng có nghĩa là đặt vào, tó là liền lại vì vị thuốc này đặt vào thì làm liền lại. Chữ in có nghĩa là gân, vì vị thuốc có tác dụng nối liền gân cốt.

A. Mô tả cây

Cây sống riêng trên các hốc đá, mọc trên những đám rêu, hoặc sống trên các thân cây lớn như cày đa, cây si. Cây sống lâu năm, có thân rễ dày mẫm, phủ nhiều vẩy màu vàng, bóng. Có hai loại lá: Lá bất thụ, không cuống màu nâu, hình trứng 5-8cm, rộng 3-6cm, phía cuống hình tim, có thùy, gân nổi rõ. Lá hữu thụ, màu xanh nhẵn, đơn xẻ thùy lông chim, dài 25-40cm, cuống có dìa, có thùy thuôn, tù ở đầu, dài 5-6cm, có mạng, ổ tử nang nhiều, xếp thành một hàng ở mỗi bên gân chính, hình tròn, không có áo tử nang.

Ở Việt Nam có mấy loài cốt toái bổ đều được dùng làm thuốc như Drynaria fortunei J.Sm., Drynaria bonii Christ.

Drynaria fortunei có lá xẻ răng cưa, bào tử xếp đều đặn, còn Drynaria bonii có lá mép lượn sóng, bào tử xếp không đều (Hình dưới).
Hình vẽ Bổ Cốt Toái - Drynaria fortunei - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Tê Thấp và Đau Nhức

B. Phân bố, thu hái và chế biến

Mọc hoang ở khắp núi đá, trên cây hay dọc suối vùng rừng núi nước ta. Còn có mọc ở Lào, Trung Quốc (miền Trung và miền Nam).

Việc thu hái có thể tiến hành quanh năm, vào những lúc ít công việc đồng áng, thường vào các tháng 4 đến tháng 8-9.

Hái về, rửa sạch đất cát, trừ bỏ các lá là dùng được. Nếu dùng khô thì sau khi rửa sạch đất cát, hoặc phơi khô ngay, hoạc phơi sau khi đồ cho chín để dễ bảo quản. Muốn hết lông, thường người ta đốt nhẹ cho cháy hết lông nhỏ phủ trên thân rễ.

C. Thành phần hoá học

Trong cốt toái bổ Drymria fortunei có hesperidin (C.A., 1970, 73, 11382j) và 25-34,89% tinh bột (Trung Quốc kinh tế thực vật chí, 1961, 447).
Bổ Cốt Toái sống ký sinh - Drynaria fortunei - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Tê Thấp và Đau Nhức

E. Công dụng và liều dùng

Vị thuốc này mới thấy được dùng trong nhân dân.

Theo lài liệu cổ, cốt toấi bổ có vị đắng, tính ôn và không độc, vào hai kinh can và thận. Có khả năng bổ thận, trị đau xương, hành huyết phá huyết ứ, làm thuốc hoà hoãn, sát trùng đỡ đau. Dùng chữa dập xương, đau xương, bong gân, sai khớp, tai ù răng đau, thận hư. Những người âm hư, huyết hư đều không dùng được.

Dùng uống trong hay đắp ở ngoài. Liều dùng hàng ngày là 6 đến 12g. Dùng ngoài không có liều lượng.

Có thể dùng dưới hình thức thuốc sắc hay ngâm rượu, hoặc giã đắp lên vết thương.
Bổ Cốt Toái - Drynaria fortunei - Nguyên liệu làm thuốc Chữa Tê Thấp và Đau Nhức
Năm 1963, tại Quân y viện 6 (Tây Bắc) có dùng cốt toái bổ điều trị có kết quả 4 trường hợp bong gân, tụ máu như sau:

Cốt toái bổ tươi hái về, bóc bỏ hết cả lông tơ và lá khô, sau đem rửa sạch, giã nhỏ. Rấp một ít nước nào, gói vào lá đã nướng cho mềm, rồi đắp lên các vết đau. Những loại gãy xương hở không dùng lối này. Trong một ngày thay thuốc bó nhiều lần. Nếu không đủ cốt toái bổ, có thể chỉ lấy bã thuốc ra, rấp nước rồi lại băng lại. Thường chỉ sau 3 ngày đến 1 tuần là bệnh nhân đỡ và ra viện trong khi dùng các phương pháp khác kéo dài có khi hàng tháng mà không đỡ (Báo cáo của bác sĩ Lô Sỹ Toàn và hộ lý Lò Văn Sú - Quân y viện 6, Tây Bắc).

Những đơn thuốc khác có cốt toái bổ

Cốt toái bổ, tán nhỏ, cho vào bồ dục lợn, nướng chín mà ăn để chữa các chứng ù tai, thận hư, răng đau.

Chú thích:

Tại Việt Nam, ngoài vị Drynaria fortunei, người ta còn dùng thân rễ một loại cây khác gọi là Drynaria bonii Christ, cùng họ với cùng một công dụng.

Nguyên Liệu Làm Thuốc trích từ nguồn: Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS-TS Đỗ Tất Lợi

COMMENTS - Bình luận

BLOGGER