TỊNH ĐỘ CƯ SĨ PHẬT HỘI VIỆT NAM
KIM CANG CHÚ GIẢI
(QUYỂN MỘT)
ĐỜI DAO TẦN,
NGÀI TAM TẠNG PHÁP SƯ CƯU-MA-LA-THẬP
PHỤNG CHIẾU DỊCH CHỮ PHẠN RA CHỮ HÁN
Chú giải: Cư sĩ NHƯ PHÁP
Năm Kỷ Sửu - 1949
_____
DANH HIỆU NGŨ THẬP TAM GIA
(xếp theo thứ tự a b c)
1. Bách-Trượng Thiền-sư
2. Bàng-Uẩn Cư-sĩ
3. Bảo-Ninh-Dõng Thiền-sư
4. Bửu-Tích Như-Lai
5. Cổ Đức Thiền-sư
6. Châu-Sử-Khanh Chơn-nhơn
7. Chơn-Tịnh-Văn Thiền-sư
8. Đạt-Ma Đại-sư
9. Đồng-Quan-Sát Thiền-sư
10. Hải-Giác-Nguyên Thiền-sư
11. Huyền-Tông Hoàng-đế
12. Huỳnh-Bá-Vận Thiền-sư
13. Kỳ Thiền-sư
14. Kim-Hải-Quang Như-Lai
15. Kỉnh-San-Kiểu Thiền-sư
16. Khuê-Phong Thiền-sư
17. Lâm-Tế Đại-sư
18. Lý-Văn-Hội Cư-sĩ
19. Lục Tổ Đại-sư
20. Lưu-Đẩu Đại-sư
21. Mã-Tổ Đại-sư
22. Nam-Tuyền-Nguyên Thiền-sư
23. Ngũ Tổ Đại-sư
24. Nhan-Bính Như-Như Cư-sĩ
25. Nhựt-Nguyệt-Quang Như-Lai
26. Pháp-Thường-Mãn Như-Lai
27. Phó Đại-sĩ
28. Qui-Tông Thiền-sư
29. Tạ-Linh-Vận
30. Tăng-Nhược-Nột Thiền-sư
31. Tăng-Liễu-Tánh Vân-Am Thiền-sư
32. Tăng-Triệu Pháp-sư
33. Tăng-Tử-Vinh Phú-Sa Thiền-sư
34. Tăng-Vi Từ-Am Thiền-sư
35. Tiêu-Diêu-Ông
36. Tiên-Du-Ông
37. Tổ An-Minh Thiền-sư
38. Tông Mật Thiền-sư
39. Tự-Tại-Lực-Vương Như-Lai
40. Tứ Tổ Đại-sư
41. Từ-Thọ-Thâm Thiền-sư
42. Thái-Dương-Huyền Thiền-sư
43. Thiên-Thai Trí-Giả Đại-sư
44. Thông-Vương Như-Lai
45. Trần-Hùng Cư-sĩ
46. Triệu-Văn-Nguyên Cư-sĩ
47. Trương-Vô-Tận Cư-sĩ
48. Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-tát
49. Viên-Ngộ Thiền-Sư
50. Vĩnh-Gia Đại sư
51. Vô-Danh-Thị
52. Vương-Nhựt-Hưu Cư-sĩ
53. Xuyên Thiền-sư (Giả-Phủ)
Trước khi cho xuất bản quyển kinh nầy,
tôi có trình lên thầy của tôi là Đức Tông-sư MINH-TRÍ,
Ngài có tặng cho tôi bài thơ dưới đây:
PHÀM LỆ
(Kinh nầy xuất bản do đức Tông Sư Minh Trí chứng minh)
Đệ tử xin đảnh lễ các chư Phật và chư vị Tổ sư.
Kinh Kim Cang các vị Thánh, Tổ đã chú giải rồi, tức là “Ngũ thập tam gia.” Trong đó có nhiều vị cư sĩ danh cao đức trọng đã chứng quả, dùng nghĩa lý uyên thâm huyền ảo, văn từ siêu luận, thật là quí báu vô cùng. Nhưng tiếc thay nó lại thuộc về văn tự của Tàu, khó xem khó hiểu quá, phải suy nghĩ mất nhiều thì giờ, là một điều không thích hợp với thời kỳ nầy. Hơn nữa, năm mươi ba vị ấy, chẳng phải sanh đồng thời với nhau, mỗi vị mỗi thế hệ riêng biệt, hệ thống chẳng có, nên chú giải nghĩa lý chẳng đồng.
Rắc rối như thế, nên chúng tôi nghiên cứu ý kiến tổng quát của Chư gia và sưu tầm tài liệu trong các kinh luận cùng là báo chí Phật học, chú giải theo một lối thông thường dễ xem dễ hiểu, lời lẽ giản dị, hệ thống kết cấu ăn rập với nhau, có đặc tánh phổ biến trong quảng đại tín đồ nhà Phật.
Thưa quí ngài, chúng ta tuy là tại gia cư sĩ, chớ sự đắc đạo thì cũng đồng với xuất gia chẳng khác. Những vị cư sĩ trong Chư gia như Huệ Năng là một bực Tổ sư danh tiếng lẫy lừng, dạy người thành Phật đông vô số. Ngài đắc đạo và được truyền y bát lúc còn làm “Phụ thung cư sĩ.” Sau 15 năm làm cư sĩ ẩn nơi Tứ Hội, gặp Ấn Tông pháp sư, không lẽ một vị Tổ mà còn để râu tóc, nên thí phát thọ cụ túc giới, làm một vị xuất gia theo qui tắc của Giáo hội Tăng già.
Lục Tổ Huệ Năng thường hay khuyên trong tứ chúng rằng: “Bằng muốn tu hành thì ở nhà tu cũng được vậy, chẳng cần phải ở chùa. Ở nhà mà làm được cũng như người Đông phương lòng lành. Trái lại, ở chùa mà chẳng tu cũng như người Tây phương lòng ác.” Lục Tổ ngài cũng hay khuyên trong môn đồ nên xem Kim Cang sẽ đặng kiến tánh thành Phật.
Xem như Đinh Phúc Bảo Bồ-tát là một vị cư sĩ ở nhà cũng có vợ con như thường mà người đời rất sùng bái. Lại trong Tại gia Bồ-tát Giới Kinh có nói đại ý rằng: “Tại gia Bồ-tát duyên nghiệp buộc ràng, còn xuất gia thì thong thả rảnh rang ; sự đắc đạo thành Phật của tại gia cư sĩ là do kết quả của sự nỗ lực không ngừng, do một sự cố gắng đáng kính nể.” Hơn nữa, pháp bố thí phái cư sĩ thi hành trọn vẹn, còn bên xuất gia thì thiếu tài thí, trái lại phải thọ của tín thí là khác. Đối với vô uý thí, hàng cư sĩ có nhiều dịp may để bố thí, còn xuất gia thì ít khi có cơ hội thực hành.
Chỉ rõ như vậy, để cho hàng cư sĩ vững bụng mà tu hành chớ chẳng có ý phân nặng nhẹ, hơn kém, hay là có ý gì khác.
Chúng ta chẳng nên phân chia nhơn ngã, cùng là chia rẽ tăng tục mà lỗi với Đạo.
Một ngày tương lai gần đây, Tăng đồ và Tín đồ nhà Phật vượt qua ranh giới quốc gia, thành lập Phật giáo quốc tế như các tổ chức dân chủ trên mặt địa cầu, để phục vụ cho nền hoà bình thế giới. Không thể cưỡng lại trào lưu, hay nói một cách khác, không thể lội ngược dòng tiến hoá, tín đồ nhà Phật trên thế giới cần phải tổ hợp lại, bởi trên mặt địa cầu nầy, tín đồ nhà Phật có một số lượng rất lớn.
Phật giáo là một lực lượng hoà bình trên thế giới rất quan trọng, không thể bỏ qua được. Trào lưu như thế thì còn gì nữa mà riêng chùa, riêng đệ tử, còn gì nữa mà phân chia tăng tục.
*
Kim Cang chú giải, chúng tôi sắp đặt như dưới đây:
a) Về sự phân chia ra từng đoạn hay phần:
Sự phân chia nầy theo nguyên văn chữ Tàu lộn xộn quá, có nhiều chỗ chúng tôi không đồng ý kiến. Khi nào một đoạn văn mà câu truyện ở trên và câu truyện ở dưới không còn liên lạc ý nghĩa với nhau, thì cứ việc chận ngay khúc giữa mà chia ra từng phần là phải. Cái nầy ý nghĩa còn liên lạc, chưa chấm dứt một câu truyện đang thuật, nghĩa là chưa bắt qua đoạn khác, thì tại sao lại “ngắt” nó ra làm cho mạch lạc câu văn phải đứt đoạn?
Về sự phân chia ra từng phần, có chỗ chúng tôi “nhập cục” lại, hai hay ba phần, có chỗ chúng tôi ngăn nó ra, mặc dầu trong kinh văn chỗ ấy chưa phân đệ. Vì vậy Kim Cang có 32 phần, nay chỉ còn lại 27 phần.
b) Về sự chú giải đại ý trong mỗi phần:
Phần nầy giải thích đại lược một đoạn kinh cho dễ nhận biết ý nghĩa lời nói của Phật trong một đoạn ấy, tương tợ như trùng tuyên đại ý, nhưng xét cho kỹ thì không phải.
c) Về sự phụ giải trong mỗi phần:
Phần nầy giải thích từng câu, hoặc từng chữ, hoặc danh từ Phật học, nhưng không quá tỉ mỉ như cách tìm nghĩa từng chữ một như Chư gia. Khi giải thích xong một câu nào, rồi đem lý nghĩa câu ấy ghép vào đại ý trong nguyên văn cho dễ hiểu, bởi phần “chú giải đại ý” không tiện nói rộng ra, sợ người xem rối trí.
***
Trước hết, chúng tôi xin cáo lỗi với ơn trên Thánh Hiền và chư Tổ, xin mạn phép không chép vào đây những nghi thức tụng niệm, như bài kệ khai kinh, các câu chú, các bài tán, các câu chơn ngôn... Bởi vì đối với giá đắc đỏ về giấy mực và nhơn công ấn loát hiện nay, là một điều bắt buộc chúng tôi phải tiết kiệm trong sự bất đắc dĩ.
Xin độc giả chư tôn cũng lượng thứ luôn thể, bởi quyển sách nầy cách bài trí và cốt ý của nó là để tìm tòi nghĩa lý chớ chẳng phải để tụng niệm. Ngoài ra chúng tôi cũng xin phép không chú giải thêm lần thứ hai những phần nào mà Phật đã có nói rồi ở phía trước.
Khi khởi công, chúng tôi không có ý định lược bỏ bớt như vậy. Hơn nữa, chúng tôi cũng định chép nguyên văn phần diễn âm để đối chiếu với bản dịch, nhưng vì những lẽ nói trên, phải bớt đi, thiệt là đáng tiếc.
Kim Cang chú giải là một công trình để hiến cho những bạn tu hành thuộc về sơ cấp, nhưng có lòng muốn tìm hiểu chơn lý cao siêu của Đại thừa. Còn đối với các ngài tinh thông về Phật pháp, thì chúng tôi lúc nào cũng chắp tay lãnh giáo.
Tự biết rằng ý kiến của mình nghiên cứu rất còn thiển cận, lời lẽ còn non nớt, nhưng vì lòng nhiệt thành muốn chung lo việc chấn hưng Phật giáo, nên chẳng nệ tài sơ trí siểng, rán góp công trong muôn một.
Muốn kiến trúc lầu đài chấn hưng Phật giáo, cũng như muốn dựng lên một ngôi biệt thự, cần phải có rất nhiều nhơn công, từ hạng thấp như phu khuân vác đến thợ thầy, và bực cao nữa là kiến trúc sư. Vậy trong sự xây dựng lầu đài chấn hưng nầy, chúng tôi tình nguyện làm phu “ôm”gạch ngói để tiếp tay với thầy thợ, và nhờ các bực kiến trúc sư chỉ dạy.
Nhờ lượng cao minh xét cho, rất đa tạ.
NHƯ PHÁP Cư sĩ
I
Tôi có nghe như vầy:(1)
Một thuở kia đức Phật ở nước Xá Vệ, nơi Tịnh xá của ông Cấp Cô Độc,(2)cất trong vườn cây của ông Kỳ Đà Thái tử, với một ngàn hai trăm năm mươi vị đại tỳ kheo hội họp tại đó.
Lúc bấy giờ gần đến bữa ăn của đức Thế Tôn, nên Ngài mặc y và mang bình bát, đi vào thành Xá Vệ để khất thực. Ở trong thành, Phật cứ theo thứ lớp từng nhà mà xin.(3)
Về đến chỗ ở, dùng cơm xong, cất y bát, rồi Ngài rửa chân lên pháp toà mà ngồi.
Khi đó có ông trưởng lão tên là Tu-Bồ-Đề,(4)từ trong hàng đại chúng đứng dậy, đến gần Phật, trịch y nửa thân bên vai hữu, quì gối hữu xuống đất, chắp tay cung kỉnh mà bạch Phật rằng:
— Như đức Thế Tôn ít có! Bởi vì Như Lai hay đoái tưởng các vị Bồ-tát và hay dạy bảo các vị Bồ-tát.
Bạch đức Thế Tôn, nếu có trai lành gái tín nào phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác,(5) thì nên trụ như thế nào? Nên hàng phục vọng tâm như thế nào?
— Lành thay! Lành thay! Nầy Tu-Bồ-Đề, theo lời ngươi nói, thì Như Lai hay đoái tưởng các vị Bồ-tát và hay dạy bảo các vị Bồ-tát.
Vậy thì ngươi hãy lóng nghe, ta sẽ vì ngươi mà nói:
Nếu có trai lành gái tín nào phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, thì nên trụ như vầy…
— Dạ! Dạ! Bạch đức Thế Tôn, chúng tôi hết lòng muốn nghe.
Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề:
— Các vị Bồ-tát, nên hàng phục vọng tâm như vầy: Bằng có cả thảy các loại chúng sanh, như loài sanh trứng, sanh con, sanh chỗ ướt, sanh hoá, hoặc có sắc, hoặc không sắc, có tư tưởng, không tư tuởng, chẳng phải có tư tưởng chẳng phải không tư tưởng, ta đều dạy dỗ, khiến đặng nhập Vô dư Niết-bàn mà diệt độ.(6)
Diệt độ chúng sanh vô lượng, vô số, vô biên như vậy, nhưng thiệt chẳng có chúng sanh nào diệt độ cả. Bởi cớ sao? Nầy Tu-Bồ-Đề, nếu Bồ-tát(7)mà có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, thì chẳng phải là Bồ-tát.
CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ NHỨT
Vô đầu ông Tu-Bồ-Đề tán thán và xưng tụng đức Phật, cho rằng Ngài hay đoái tưởng và dạy bảo các vị Bồ-tát.
Thật ra thì ai Phật cũng dạy tất cả, dầu bực nào cũng vậy, chớ chẳng phải riêng về các bực Bồ-tát mà Như Lai hay đoái tưởng và hay dạy bảo. Nhưng vì cách khởi đầu rất khéo léo của ông Tu-Bồ-Đề, nên ai cũng biết rằng ông sửa soạn hỏi Phật cách thức tu hành của bực Đại thừa Bồ-tát.
Quả thật như vậy, ông Tu-Bồ-Đề bạch với đức Thế Tôn: “Nếu có trai lành gái tín nào phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác thì nên trụ như thế nào? Nên hàng phục vọng tâm như thế nào?”
Câu hỏi của ông Tu-Bồ-Đề tượng trưng cho các vị Bồ-tát cầu đến Phật địa, nghĩa là địa vị của ngôi Diệu giác, tức là Phật. Một câu hỏi mà hai thứ: một thứ thuộc về trụ như thế nào, một thứ thuộc về hàng phục vọng tâm.
Trước khi giải đáp lời hỏi của ông Tu-Bồ-Đề, Phật khen trở lại ông và nói rằng: “Nếu có trai lành gái tín nào phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, thì nên hàng phục vọng tâm như vầy: Bằng có cả thảy các loại chúng sanh, như loài sanh trứng, sanh con, sanh chỗ ướt, sanh hoá, hoặc có sắc, hoặc không sắc, có tư tưởng, không tư tưởng, chẳng phải có tư tưởng chẳng phải không tư tưởng, ta đều dạy dỗ khiến cho đặng nhập Vô dư Niết-bàn mà diệt độ.”
Các hàng Bồ-tát không chấp có năng độ và sở độ. Nghĩa là không chấp có chúng sanh nhờ ta độ và ta có độ chúng sanh. Nếu chấp thì kẹt vào bốn tướng. Bởi cái lý như vậy nên Phật mới nói: “Nầy Tu-Bồ-Đề, nếu Bồ-tát mà có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, thì chẳng phải là Bồ-tát.”
PHỤ GIẢI PHẦN THỨ NHỨT
(l) TÔI CÓ NGHE NHƯ VẦY: Là lời của ông A Nan tự thuật. Sự tích câu ấy như vầy:
Nguyên thuở xưa lúc Phật gần nhập Niết-bàn, ông A Nan hỏi rằng:
— Bạch đức Thế Tôn, nếu Thế Tôn nhập diệt rồi, sau này có kiết tập kinh tạng thì phải làm sao?
Phật đáp:
— Nhà ngươi nên để đầu quyển kinh, câu “Tôi có nghe như vầy” và cuối quyển để câu “vui lòng tin chịu.”
Sau khi Phật nhập diệt gần một năm, ông Đại Ca-Diếp đứng ra triệu tập cuộc đại hội nghị lần thứ nhứt tại động Thất Diệp, chư Tỳ kheo toàn là bực học Phật cao cấp, chứng quả La Hán sấp lên. Ông A Nan lên pháp toà, thuật lại lời Phật nói pháp hồi sanh tiền, làm cho ai nấy nhớ tưởng đến Phật, động lòng rơi lụy. Có sách nói lúc Phật gần nhập Niết-bàn không có ông A Nan, vì ông đau đớn quá, hỏi không được, nên có cậy ông Ưu-Bà-Ly hỏi giùm.
(2) CẤP CÔ ĐỘC: Là bực trưởng lão giàu nhứt trong thành Xá Vệ, có lòng hay bố thí giúp đỡ kẻ nghèo. Cất nhà nuôi những người cô độc, những ông già bà cả… Thường hay nuôi nấng dạy dỗ, cung cấp vật thực, áo quần, thuốc men, cho nên người ta gọi là Cấp Cô Độc. Lúc chưa tu, nghe danh tiếng Phật, muốn rước Phật về thành Xá Vệ để dạy đạo, ông bỏ vàng ra mua miếng vườn của ông Kỳ Đà Thái tử, rồi cất nhà Tịnh xá.
(3) THỨ LỚP TỪNG NHÀ MÀ XIN: Nếu đi khất thực mà lựa nhà giàu đặng họ cho đồ ăn ngon và nhiều hơn nhà nghèo, thì còn phàm phu tục tử. Phật cứ thứ lớp từng nhà mà đi tới, bất cứ nhà nào, để tỏ lòng bình đẳng và làm gương cho các vị Tỳ kheo.
(4) TU-BỒ-ĐỀ: Ông Tu-Bồ-Đề có nhiều tên gọi: Hồi sanh ông ra, trong nhà đều trống không, nên gọi ông là “Không Sanh.” Đến lúc ông xuất gia, tu chứng được pháp khôngnhư điềm đã hiện, nên gọi là Tu-Bồ-Đề (phiên âm tiếng Phạn), dịch nghĩa là Thiện Hiện.
(5) VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC: Tiếng Phạn gọi là “A-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề.” Phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, là phát tâm cầu thành Phật.
Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đọc tắt là “Giác” hay là “Vô thượng giác” (Vô thượng bồ-đề).
Phật là bực giác ngộ hoàn toàn, không có bực nào cao hơn nữa, nên gọi là Vô thượng. Từ thánh cho đến phàm, từ ngu cho đến trí, từ trẻ sơ sinh cho đến người già cả, từ đạo tặc cho đến thầy tu, cho đến các loài bò, bay, máy, cựa, Phật tánh của mỗi loài vẫn bình đẳng như nhau, không hơn không kém, nên gọi là Chánh đẳng. Cái Phật tánh ấy tròn đủ (viên mãn), sáng soi, dầu ở Phật cũng không thêm, dầu ở chúng sanh cũng không bớt, nên gọi là Chánh giác.
Phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, là ý muốn của Phật ra dạy đạo, nhưng vì chúng sanh chẳng tin tâm mình là Phật, nên có mấy ai cầu đạo vô thượng bồ-đề. Ấy cũng vì không hiểu cái lý “Sanh Phật đồng nguyên” (chúng sanh với Phật đồng một nguồn gốc) và cũng chẳng tin câu “Nhơn nhơn hữu tánh Như Lai.” Nếu biết rằng chúng sanh và Phật không sai khác, thì nên dõng mãnh cầu đạo bồ-đề, mới chẳng uổng cái tánh linh giác của mình vốn sẵn có đủ. Cái tánh ấy tự có và hằng có (tự hữu hằng hữu) không thể dùng các danh từ đối đãi của thế pháp mà luận bàn được.
(6) BẰNG CÓ CẢ THẢY CÁC LOẠI CHÚNG SANH, NHƯ LOÀI SANH TRỨNG, SANH CON,… TA ĐỀU DẠY DỖ, KHIẾN ĐẶNG NHẬP VÔ DƯ NIẾT-BÀN MÀ DIỆT ĐỘ: Đây là lời Phật dạy các vị Đại Bồ-tát hàng phục vọng tâm, nghĩa là diệt độ tất cả chúng sanh nơi lòng mình, mới đặng nhập vào Vô dư Niết-bàn. Hai tiếng “diệt độ” có nghĩa là: Giác sát và Giác ngộ. Diệt là trừ diệt, trừ diệt vọng tâm, nghĩa là giác sát chúng sanh nơi lòng mình. Độ, là hoá độ, độ từ bến mê qua bờ giác, tức là giác ngộ chúng sanh nơi lòng mình. Khi đã giác ngộ được chơn lý như như bình đẳng, thì nghiệp dứt báo không, chứng được bực Phật, nghĩa là chứng quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác, khỏi trải ba kiếp a-tăng-kỳ.
Trên đây cũng là cái nghĩa diệt độ của môn Đốn giáo. Đốn giáo là một giáo nghĩa dạy mau mắn, dạy tắt ngang bằng cách chỉ thẳng lòng người thấy tánh thành Phật,chớ chẳng đi từng bực, từng nấc, từ chỗ thấp đến chỗ cao như Tiệm giáo, Quyền giáo.
Cái nghĩa “kiến tánh thành Phật,” cũng như cái nghĩa “tu chứng Tất địa, thì thân này là Phật”của Mật Tông vậy. Nhưng xét lại cho kỹ, môn tu Đốn giáo và Mật giáo, hoặc các giáo khác, chúng ta thấy rằng nhiều bực đã kiến tánh, đã tu chứng Tất địa nghĩa là đã thành Phật, mà cớ sao còn tu hành hoài hoài chẳng dám lơ lãng cho đến khi bỏ xác mới thôi. Theo lẽ thành Phật rồi, tức là bực vô thượng, đâu có pháp nào cao hơn nữa mà phải tu, còn tu tức là chưa hoàn toàn giác ngộ vậy.
Nhận thấy như thế, thì biết rằng Phật cũng có nhiều thứ Phật, như Phật La Hán, Phật Duyên Giác, hoặc giả các giáo nghĩa tu hành cùng tột cái pháp môn của mình, thì gọi đó là Phật cũng nên. Ví như một vị Phật của Đốn giáo, không bằng một vị Bồ-tát của Viên giáo; hay là một vị Phật của Tạng giáo không bằng một vị Phật của Đốn giáo… Từ Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, cho tới Viên giáo, chỉ có Viên giáo là hoàn toàn hơn hết, tột bực hơn hết. Như vậy thì cái nghĩa thấy tánh thành Phật, có cái lý hiển nhiên, chẳng phải ngoa. Nhiều người nghe nói thấy tánh thành Phật họ không tin, ấy cũng tại chưa rõ các giáo nghĩa tương đối với nhau như vậy.
Chín loại chúng sanh mà Bồ-tát phải diệt độ ấy, nó ở trong lòng mình chớ chẳng đâu xa. Hễ lòng mình mưu sâu kế độc, là rồng rắn; lòng mình biếng nhác sắc dục là heo lợn; lòng mình hung dữ bạo tàn, là hùm beo; lòng mình giả dối là yêu quỉ; lòng mình theo các pháp tướng là loài có sắc; lòng mình chấp không là loài vô sắc; lòng mình điên đảo là loài hữu tưởng; lòng mình như tro tàn khói lạnh, như cây đá không có tác dụng thiết thiệt là loài vô tưởng; lòng mình không tưởng niệm, nên nói chẳng phải có tưởng, lòng mình có tưởng niệm, nên nói chẳng phải không tưởng.
Các chúng sanh nơi lòng mình không thiệt có, cho nên diệt độ mà chẳng thấy có diệt độ. Vì vậy, Phật mới nói: “Diệt độ chúng sanh vô lượng, vô số, vô biên như vậy, nhưng thiệt chẳng có chúng sanh nào diệt độ cả.” Nếu chấp có diệt độ, thành ra chấp mình có tu, nếu chấp có tu tự nhiên chấp có chứng đắc, hễ có tu có chứng thì tự nhiên có ta, có người, có chúng sanh, có thọ giả. Bởi vậy Phật mới nói tiếp: “Nầy Tu-Bồ-Đề, nếu Bồ-tát mà có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, thì chẳng phải là Bồ-tát.”
NIẾT-BÀN: Niết-bàn có nhiều thứ, nhiều bực, và nhiều nghĩa không thể giải hết ra đây được, nên biết đại khái là hơn. Người tu hành đến chỗ cứu cánh của mình là Niết-bàn.
Niết-bàn có cái nghĩa vắn tắt là không sanh không diệt. Tâm không còn sanh diệt, không còn dời đổi theo cảnh nữa, ấy là chứng quả Niết-bàn.
Vì tuỳ theo bực tu của mình mà chứng, nên mới có phân ra Niết-bàn của Nhị thừa, của Bồ-tát và của chư Phật khác nhau. Nhị thừa (Thinh văn, Duyên giác) tuy hai pháp tu khác nhau, chớ cũng đồng dứt “tập nhơn,” trừ “khổ quả” mà chứng được sanh không chơn như.
Hai thừa nầy đã trừ diệt được “phân biệt ngã chấp” và mới hàng phục được “cu sanh ngã chấp,” nghiệp nhơn còn dư sót lại, phải chịu quả “phân đoạn sanh tử” bảy lần mới ra khỏi ba cõi nên gọi là Hữu dư Niết-bàn.
Đến bực La Hán là quả cao tột của Thinh văn thừa, cu sanh ngã chấp đã dứt, ngã ái chấp tàng* không còn, vô ngã trí đã phát hiện, không còn dư cái khổ quả phân đoạn sanh tử nữa, nên gọi là Vô dư Niết-bàn.
Các vị Bồ-tát biết được nguồn gốc của nhơn quả các pháp, nên có phần tự tại giải thoát. Nghĩa là các Ngài đã chứng đặng chơn như bình đẳng của lý tánh, sắc không như một, sanh tử tức Niết-bàn, nên không ham Niết-bàn vắng lặng là vui, mà cũng không chán sanh tử là khổ, cõi Ta bà không khác cõi Tịnh độ, Địa ngục với Thiên đường không hơn không kém. Thường bơi lội trong bể khổ sanh tử để hoá độ chúng sanh, nhưng không thấy một chúng sanh nào được độ.
Vì tâm thể đã chứng được chỗ “Thiệt tướng bát-nhã” không còn cột vào các hạn lượng đối đãi của thế pháp, không còn phân biệt pháp chấp và cu sanh pháp chấp.Chuyển thức thứ bảy** thành bình đẳng tánh trí, chỗ nào cũng là Niết-bàn, chỗ nào cũng là giải thoát, chỗ nào cũng là bình đẳng, không hai không khác, không trụ vào đâu, nên chứng Vô trụ xứ Niết-bàn.
Các vị Bồ-tát độ chúng sanh trong vô lượng, vô số, vô biên a tăng kỳ kiếp, giác hạnh đã viên mãn, nghĩa là tự giác giác tha đã trọn đủ, chứng được nhứt thế trí, gồm đủ ba đức: pháp thân, bát-nhã, giải thoát, mãn ba khoá A tăng kỳ, thì chứng được Tánh tịnh Niết-bàn của chư Phật.
Giải thích về Niết-bàn, không thể nói: Cảnh Niết-bàn, cõi Niết-bàn, hoặc nói cảnh giới Niết-bàn… Nếu có cảnh có cõi, có giới hạn thì còn sự tướng, tức nhiên còn sanh diệt. Thật ra thì cái tên Niết-bàn cũng gượng mà đặt ra vậy thôi, chớ cũng không có thiệt nghĩa.
Phật ra dạy đạo để bày tỏ cái lý cứu cánh đặng diệt độ chúng sanh. Diệt là trừ diệt, độ là hoá độ. Trừ diệt cái khổ quả sanh tử luân hồi trong vòng lục đạo, giáo hoá để độ vô số chúng sanh nhập vào Vô dư Niết-bàn.
Niết-bàn dứt chỗ nghĩ lường, bặt đường ngôn ngữ, dầu có dùng văn tự cũng tạm nói chỗ tối thiểu mà thôi.
(7) BỒ-TÁT: Bồ-tát nguyên chữ Phạn là Bồ-đề tát-đoả, viết tắt là Bồ-tát. Bồ-đềlà giác, tát-đoả là hữu tình, nó có nghĩa là giác ngộ chưa hoàn toàn như bực Chánh giác (Phật), còn sót lại chút ít tình tưởng của chúng sanh.
Phật cho Bồ-tát là bực “vi tế sở tri ngu” nghĩa là Bồ-tát còn sót lại những cái ngu nhỏ nhiệm.
Ông Tu-Bồ-Đề hỏi Phật rằng: “Nếu có trai lành gái tín nào phát tâm cầu đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, thì nên trụ như thế nào, nên hàng phục vọng tâm như thế nào?” Tức là hỏi giùm cho các bực Bồ-tát cầu đến quả vị chánh giác.
Trước khi làm Phật phải trải qua 55 bực Bồ-tát, trong 55 bực ấy chia làm ba thứ: Thứ nhứt là mới phát tâm, dõng mãnh tu hành, học pháp Đại thừa, giữ theo hạnh của Bồ-tát, tự giác giác tha, mở lòng từ bi thương khắp cả chúng sanh còn đang trầm luân nơi bể khổ, có ý ra tay cứu giúp, gọi là Bồ-tát mới phát tâm (hàng Thập tín).
Thứ nhì, học pháp Đại thừa đã nhiều đời nhiều kiếp, lấy hạnh Bồ-tát tự độ độ tha, tự giác giác tha, hoặc chứng được bực Thập trụ, hoặc chứng được bực Thập hạnh, Thập hồi hướng, thêm nữa là bực Tứ gia hạnh. Mấy bực này gọi là Bồ-tát cũ, lâu ngày chầy kiếp, ra tay tế độ quần sanh.
Thứ ba là những bực đạo hạnh cao siêu, thần thông rộng lớn, biến hoá vô cùng, đã chứng đến cõi Thập địa hoặc chứng bực Đẳng giác (gần kề Phật), hoặc là những bực Bổ xứ, sẽ thành Phật trọn vẹn như đức Di Lặc, sẽ Bổ xứ thành Phật tiếp theo đức Thích Ca. Hoặc có những bực lòng từ bi còn lai láng chẳng chịu làm Phật, cứ làm Bồ-tát luôn luôn để độ chúng sanh.
Các thứ Bồ-tát sau này gọi là Bồ-tát chẳng chịu làm Phật, Bồ-tát bổ xứ và Bồ-tát đẳng giác.
Câu hỏi của ông Tu-Bồ-Đề, có thể đại diện cho tất cả các vị Bồ-tát đương vận lòng từ bi, cứu độ chúng sanh, hoặc Pháp thí, hoặc Tài thí và Vô uý thí. Nghĩa là đương thiệt hành chủ nghĩa từ bi, giáo hoá chúng sanh qua khỏi sông mê bể khổ. Hoặc giả đương tu hành, độ chúng sanh nơi lòng mình.
____________________
* Ngã ái chấp tàng có nghĩa là chấp cái thấy biết nơi tâm làm ta và thường luyến ái nó.
** Tức mạt-na thức. Nếu không chuyển được mạt-na thức thành Bình đẳng tánh trí, nó còn chấp cái thấy biết nơi tâm làm ta, gọi là ngã ái chấp tàng như trên đã nói.
* * * * * *
II
Phật nói tiếp:
— Nầy Tu-Bồ-Đề, Bồ-tát theo pháp, thì chẳng nên có chỗ trụ trong lúc làm việc bố thí. Nghĩa là nói chẳng trụ sắc mà bố thí, chẳng trụ thinh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí.(1)
Tu-Bồ-Đề, Bồ-tát nên bố thí như vậy, chẳng nên trụ tướng.(2)Là bởi cớ sao? Nếu Bồ-tát bố thí mà chẳng trụ tướng, thì phước đức không thể nghĩ lường được.
Nầy Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, hư không phương đông có thể nghĩ lường được chăng?
— Bạch đức Thế Tôn, chẳng đặng.
— Còn như hư không ở phương tây, phương nam, phương bắc, bốn góc hướng và phương trên phương dưới, có thể nghĩ lường được chăng?
— Bạch đức Thế Tôn, chẳng đặng.
— Nầy Tu-Bồ-Đề, Bồ-tát bố thí mà chẳng trụ tướng, thì phước đức lại cũng y như vậy, nghĩa là như hư không, chẳng thể nghĩ lường được.
Tu-Bồ-Đề, Bồ-tát nên trụ theo chỗ Ta chỉ dạy đó.
CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ HAI
Đoạn trước nói về hàng phục vọng tâm, đoạn này Phật dạy trụ như thế nào. Tâm của chúng sanh hay trụ trước vào ngoại cảnh lục trần đã quen, nên làm chuyện gì cũng duyên theo đó mà có thành có bại, có tốt có xấu, có nên có hư, có nhiều có ít… rồi những nghiệp tham sân phiền não vì vậy mà phát khởi.
Muốn cho sự bố thí được rộng lớn, không có thể dùng cái gì mà so sánh đo lường được, thì tâm chớ nên cột vào hạn lượng đối đãi của thế pháp. Bởi vậy Phật mới nói: “Bồ-tát làm việc bố thí chẳng nên có chỗ trụ, nghĩa là chẳng trụ nơi lục trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Nếu bố thí mà chẳng trụ tướng như vậy, thì phước đức không thể nghĩ lường được.”
Lấy hư không ở đông, tây, nam, bắc, bốn góc hướng, thượng phương, hạ phương ra mà ví dụ sự rộng lớn của nó, thì có cái gì so sánh cho bằng được. Bố thí mà không trụ tướng, thì phước đức rộng lớn như hư không kia, chẳng so lường được. Bởi vậy Phật mới nói: “Nầy Tu-Bồ-Đề! Bồ-tát bố thí mà chẳng trụ tướng, thì phước đức rộng lớn như hư không kia, chẳng thể nghĩ lường được.”
PHỤ GIẢI PHẦN THỨ HAI
(1) CHẲNG TRỤ SẮC, THINH, HƯƠNG, VỊ, XÚC, PHÁP MÀ BỐ THÍ: Sắc là những món thấy được mà sanh lòng ưa thích hay nhàm chán. Thinh là những món thuộc về tai nghe mà sanh lòng ưa thích hay nhàm chán. Hươnglà những mùi thuộc về mũi ngửi mà sanh lòng ưa thích hay nhàm chán. Vị là những món thuộc về lưỡi nếm mà sanh lòng ưa thích hay nhàm chán. Xúclà những cảm giác đụng chạm, như êm dịu, thô, mịn, nóng, lạnh, cứng, mềm,… mà sanh lòng ưa thích hay nhàm chán. Pháplà những thứ thuộc về lý hay sự, hữu hình hay vô hình, lòng tưởng tượng được, phân biệt được, mà sanh lòng ưa thích hay nhàm chán.
Sáu món này thuộc về lục trần, làm cái duyên ngoại cảnh cho sáu món biết (lục thức) nương theo mà sanh tâm chấp trước. Sáu món biết là: mắt biết thấy, tai biết nghe, mũi biết ngửi, lưỡi biết nếm, thân biết đụng chạm, ý biết tưởng tượng, phân biệt.
Sáu thứ biết trên đây nhờ sáu căn và sáu trần mà tồn tại, nếu không có sáu căn, sáu trần thì sáu thức cũng không có.
Phàm phu vì còn đeo theo cảnh, nghĩa là còn trụ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí, thì thân tâm còn bị trói buộc chưa được giải thoát. Trái lại những bực Bồ-tát không còn dính cảnh, nghĩa là không trụ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp mà bố thí, thì thân tâm được tự tại giải thoát, phước đức vô cùng vô tận, rộng lớn cũng như hư không.
Phàm phu vì không hiểu tâm tức là cảnh và cho cảnh là có thiệt, nên đem tâm chấp cảnh, khác nào tâm mê hoặc lấy tâm. Còn các vị Bồ-tát biết được tâm cảnh không phải khác, chẳng phải một, chẳng phải hai, nên không bị cảnh trói buộc, mặc tình bơi lội trong cảnh mà cứu độ chúng sanh.
Bồ-tát chẳng thấy có sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, nên làm việc bố thí theo pháp, chẳng có chỗ trụ. Nếu tâm còn trụ theo pháp tướng, thì làm sao rõ pháp tánh cho được. Pháp tướng thuộc về hiện tượng, pháp tánh thuộc về bản thể. Hiện tượng tuy có sanh diệt vô thường, nhưng bản thể lại là như như bất biến.
Pháp tướng có sanh diệt, có thay đổi, nếu trụ theo pháp tướng tức là tâm chấp trước những cảnh sanh diệt, xoay lăn theo sắc, hương, vị, xúc, pháp, quên mất bản lai thường trụ tánh tịnh minh thể của mình.
Nếu rõ được pháp tánh của muôn sự muôn vật, thì dứt được hai món sanh chấp và pháp chấp. Sanh chấp là chấp có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Pháp chấp là chấp có thiệt pháp, cùng là danh tướng của pháp. Dứt được hai món chấp nầy thì gọi là ngã không pháp không, hay là chứng được nhị không chơn như.
Chúng ta thấy phần thứ nhứt Phật dạy trừ ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, đó là dạy về ngã không. Còn phần thứ hai này Phật dạy chẳng nên trụ pháp trần trong khi làm việc bố thí tức là dạy pháp không. Chứng được pháp không, tức là chứng được thể chơn không bát-nhã hay là pháp không chơn như.
Nói tóm lại phương pháp tu hành của các vị Bồ-tát, trước phải cho sạch ngã chấp, sau nữa không pháp chấp, tức chẳng trụ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.
(2) TU-BỒ-ĐỀ, BỒ-TÁT NÊN BỐ THÍ NHƯ VẬY, CHẲNG NÊN TRỤ NƠI TƯỚNG: Tướng là pháp có hình tướng. Tâm với pháp hai món nương nhau mà có, nếu tâm không thì pháp không, nếu tâm có thì pháp có. Sách Phật có nói: “Tâm sanh chủng chủng pháp sanh, tâm diệt chủng chủng pháp diệt.” Pháp là cái tướng của tự tâm, tâm là cái duyên ảnh của pháp. Cái tướng của tự tâm và cái duyên ảnh của pháp nên ví dụ cho dễ hiểu:
Ví như chiếc lược để trước tủ kiếng, trong kiếng liền hiện cái ảnh của chiếc lược. Khi đem lược đi, ảnh của nó không còn lại trong kiếng.
Kiếng ví như tâm, lược ví như pháp, kiếng duyên với lược cũng như tâm duyên với pháp ; pháp dọi vào gương chân tánh thành ra cái tướng của tự tâm. Nếu hằng ngày ta không trụ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp thì tâm chấp trước không có. Tâm chấp trước không có dầu có duyên với ngoại trần, cũng không lưu hình ảnh nhớ nhung lại trong tâm, khác nào kiếng kia vô tình hiện ảnh và vô tình lìa ảnh. Bởi vậy trong kinh Viên Giác có nói: “… Chúng sanh giống giống điên đảo, lầm nhận bóng duyên sáu trần là cái tướng của tự tâm…”
Người đời bởi duyên theo ngoại cảnh mới có sự nhiễm ô. Có duyên tức có nghiệp, nên gọi là duyên nghiệp, có nghiệp tức có phiền não, nên gọi là “nghiệp duyên phiền não.”
Sắc duyên với mắt, Mắt duyên với sắc.
Thinh duyên với tai, Tai duyên với thinh.
Hương duyên với mũi, Mũi duyên với hương.
Vị duyên với lưỡi, Lưỡi duyên với vị.
Xúc duyên với thân, Thân duyên với xúc.
Pháp duyên với ý, Ý duyên với pháp.
Nhờ duyên như vậy mới sanh ra sự hiểu biết phân biệt, so đo lo lường, hoặc theo đuổi, hoặc lánh xa, rồi tham sân phiền não hiện ra đủ các cử chỉ hành vi.
Xét cho kỹ về sự duyên với nhau của sáu căn với sáu trần, ta thấy rằng ý căn trùm tất cả các căn kia. Năm căn kia (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) tuy có tác dụng, nhưng mắt không thể nghe được, tai không thể thấy được, lưỡi không thể ngửi được, v.v… Năm căn có tánh độc lập với nhau. Trái lại, ý căn là chủ tể của năm căn kia, hễ nó dựa vào căn nào thì căn đó có tác dụng đặc biệt, nghĩa là liễu cảnh. Còn như nó không phụ hoạ vào thì tánh liễu cảnh lại mất năng lực phân biệt hiểu biết.
Ý thức làm chủ tình hình của sự liễu cảnh trong lúc căn và trần duyên với nhau. Biết được then chốt của ý căn như vậy rồi, chúng ta cũng nên tìm hiểu ý thức, cái tác dụng của nó như thế nào. Theo Đại Thừa Khởi Tín Luận của đức Mã Minh Bồ-tát thì ý thức có năm tên:
Thứ nhứt, kêu là Nghiệp thức, nghĩa là cái năng lực vô minh bất giác tâm động. Tánh của nó không bao giờ tự khởi, mà nó khởi là do duyên với ngoại cảnh lục trần.
Thứ nhì, kêu là Chuyển thức, nghĩa là nương nơi tâm động mà thành cái tướng năng kiến (hay thấy).
Thứ ba, kêu là Hiện thức, nghĩa là tánh của nó hay hiện ra hết thảy cảnh giới, cũng như cái gương hiện ra các vật tượng vậy.
Thứ tư, kêu là Trí thức, nghĩa là nó phân biệt được các pháp nhiễm tịnh.
Thứ năm, kêu là Tương tục thức, nghĩa là nó niệm niệm tương ưng và tiếp tục liền liền chẳng cho dứt.
Biết được cái căn bản vọng trần như vậy rồi, nên không ô nhiễm các pháp, và các pháp chẳng trói buộc được, hằng ngày chẳng xa với các duyên, mà các duyên không làm cho mình đắm mê, lui tới tự do, tự tại giải thoát.
Do chỗ duyên với sáu trần như vậy mà có trụ, cho nên Phật dạy các vị Bồ-tát làm việc bố thí chẳng nên trụ tướng, nghĩa là chẳng nên chấp trước cảnh sở duyên. Nếu sở duyên có thì năng duyên tự nhiên phát sanh. Có năng có sở, có tự có tha, chẳng những còn ngã chấp mà pháp chấp đồng thời cũng tránh không khỏi.
* * *
Ngã chấp và pháp chấp tuy là hai món khác nhau, nhưng nếu chấp một món thì kẹt cả hai. Bởi có pháp chấp tức có ngã chấp. Bởi có ngã chấp tức có pháp chấp. Vậy muốn đừng trụ sắc, thinh, hương vị, xúc, pháp, thì phải trừ ngã chấp là cái nguồn phát sanh cả thảy pháp. Tâm và pháp duyên nhau như vậy, nên có hạn lượng trong vòng đối đãi. Đem cái tâm hạn lượng nhỏ hẹp như vậy ra làm việc bố thí, kết quả phước đức cũng nhỏ hẹp như cái tâm của mình chẳng khác. Trái lại, đem cái tâm tuyệt đãi, không hạn lượng, rộng lớn như hư không kia mà làm việc bố thí, thì tự nhiên kết quả cũng rộng lớn không thể nghĩ lường được.
Trên đây là cứu cánh cái lý mà Phật đã nói: “Nầy Tu-Bồ-Đề, Bồ-tát bố thí mà chẳng trụ tướng, thì phước đức lại cũng y như vậy, nghĩa là như hư không kia, chẳng thể nghĩ lường được.”
III
— Nầy Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, có nên dùng thân tướng mà thấy Như Lai chăng?(1)
— Bạch đức Thế Tôn, không! Chẳng khá dùng thân tướng mà thấy Như Lai được. Bởi cớ sao? Bởi Như Lai thường nói: thân tướng tức chẳng phải thân tướng.
Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề:
— Phàm chỗ nào có tướng đều hư vọng cả.(2) Bằng thấy cả thảy tướng mà chẳng phải tướng, tức thấy đặng Như Lai.(3)
CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ BA
Các pháp trong thế gian do nhơn duyên của nghiệp thức mà tồn tại. Nghiệp thức thuộc về tâm pháp, duyên với sắc pháp. Hai bên nương với nhau không rời, khó mà đạt tới cái lý chơn không, nghĩa là cứ vọng chấp bề ngoài của sắc tướng nên chẳng thấy được cái bản thể chơn như của muôn pháp. Bởi vậy cho nên Phật mới hỏi ông Tu-Bồ-Đề rằng: “Ý ngươi thế nào, có nên dùng thân tướng mà thấy Như Lai chăng?” Hỏi như vậy không khác nào hỏi: Có nên dùng thân tướng mà thấy đặng cái bản thể chơn như bất biến (tức là cái chơn tâm thường trụ diệu minh) chăng?
Ông Tu-Bồ-Đề đã hiểu rõ sắc pháp là tướng mộng hoạn giả dối không thiệt có. Sắc thân của Phật cũng vậy, nếu có trang nghiêm đẹp đẽ, cũng không ngoài ngũ uẩn giả hợp, một ngày kia rồi cũng cùng chung số phận với cái luật tan rã, nên trả lời rằng: “Bạch đức Thế Tôn, không thể dùng thân tướng mà thấy Như Lai được. Bởi Phật thường nói thân tướng tức chẳng phải thân tướng.”
Muốn chứng chắc lời nói của ông Tu-Bồ-Đề là đúng, muốn cho trong đại hội Tỳ kheo biết rằng muôn sự muôn vật là giả dối không chơn thiệt, dầu là sắc thân của Ngài chẳng hạn, nên Phật nói rằng: “Phàm chỗ nào có tướng đều hư vọng cả. Bằng thấy cả thảy tướng mà chẳng phải tướng, tức thấy đặng Như Lai.”
Như Lai trong câu này có nghĩa là cái tâm chơn như bình đẳng chẳng sanh chẳng diệt, mà cũng là cái bản thể của vũ trụ vạn hữu.
Câu chót có nghĩa như vầy: Bằng thấy cả thảy tướng của vũ trụ vạn hữu mà chẳng phải tướng, tức thấy được bản tánh Như Lai.
PHỤ GIẢI PHẦN THỨ BA
Như Lai: Muốn hiểu Kim Cang cho tỏ tường, nên phân biệt hai tiếng Như Lai. Phải biết chắc chắn rằng, trường hợp nào Phật xưng là Như Lai. Và cũng phải biết chắc chắn rằng, trường hợp nào hai tiếng ấy Phật mượn dùng để chỉ cái bản tánh Như Lai.
Phần thứ ba nầy Phật cũng có ý nói rằng: ai muốn biết Ngài, ai muốn xem Ngài, nên lìa thân tướng của Ngài ra, mới thấy biết Ngài được.
Rõ rệt hơn, câu chót có nói: “Bằng thấy cả thảy tướng, mà chẳng phải tướng, tức thấy đặng Như Lai,” nó có ý tổng quát cả muôn sự muôn vật trong vũ trụ. Nghĩa là Phật muốn chỉ rõ cái bản tánh Như Lai của vạn hữu mà mỗi người đều có. Hễ ai ngộ được thì người ấy kiến tánh Như Lai. Khi thấy được cái bản tánh Như Lai rồi, thì ý nghĩa trụ như thế nào, hàng phục vọng tâm như thế nào, không còn băn khoăn khó giải nữa.
Phần thứ ba nầy Phật dạy lìa sắc thân, tức là dạy đừng trụ vào sắc pháp như phần thứ hai. Trong hàng đại chúng, nhiều người thấy thân Phật có tướng hảo quang minh, ba mươi hai tướng chánh, tám mươi tướng phụ, hào quang một vòng tròn lớn trên đầu, rồi chấp cho đó là chơn tướng Như Lai.
Bởi sự lầm hiểu của đa số trong hàng đại chúng như vậy, nên Phật mới hỏi ông Tu-Bồ-Đề rằng: “Có nên dùng thân tướng mà thấy Như Lai chăng?” Ông Tu-Bồ-Đề mới xác nhận rằng “không” để mạnh phá pháp chấp cho người khác. Ông lại nói thêm một câu nữa rằng: “Như Lai thường nói thân tướng, tức chẳng phải thân tướng,” để làm chứng cho lời nói của ông.
Phật đã giảng giải, bất cứ cái gì có hình tướng đều là hư vọng không thiệt, đó là thuộc về hiện tượng của bản thể bất biến, mà bản thể bất biến tức là Như Lai vậy.
(1) CÓ NÊN DÙNG THÂN TƯỚNG MÀ THẤY NHƯ LAI CHĂNG?
Phật có ba thân: Pháp thân, Báo thân, và Hoá thân.
Pháp thân: Phật lấy pháp giới tánh làm Pháp thân. Thể lượng của Pháp thân cực rộng, cực lớn sánh đồng hư không, chẳng có màu sắc tiếng tăm gì mà tìm đặng. Tất cả muôn loài đều có pháp thân, nhưng vì vô minh giam hãm, nên không biết.
Báo thân: Là thân trang nghiêm đẹp đẽ, do công phu tu tập, do đạo hạnh viên mãn trong ba kiếp a tăng kỳ. Báo thân có hai thứ thọ dụng, một thứ thì Phật thọ dụng, còn một thứ thì Phật hiện ra cõi thọ dụng riêng để giáo hoá các hàng Thập địa Bồ-tát những pháp mầu nhiệm.
Hoá thân, hoặc Ứng thân: Là thân Ứng hoá theo các loại chúng sanh, thị hiện ra tuỳ theo loài để hoá độ.
Pháp thân và Báo thân chỉ có Phật với Phật thấy nhau mà thôi, còn Ứng thân như thân trượng lục Tỳ kheo của đức Thích Ca Mâu Ni, ai cũng thấy được, cũng thịt cũng xương, cũng đầu vóc tóc da, cũng ăn cũng ngủ như người. Sở dĩ có người lầm nhận cho là tướng chơn thiệt, ấy cũng tại Phật có rất nhiều tướng tốt, lạ lùng chưa ai có, và hào quang sáng chói.
Vả chăng cái thấy của phàm phu như thấy tốt thấy xấu, thấy tối thấy sáng, thấy tất cả ngoại cảnh, đều là vì sự vọng tưởng mà có thấy như vậy chớ chẳng phải thiệt. Thế thì thấy thân Ứng hoá của Phật đó, là thấy cái giả tướng của Như Lai vậy.
Trong kinh Lăng Nghiêm có nói:“Tất cả chúng sanh cũng vì không thấy được cái bản tánh trong sạch sáng suốt của chơn tâm thường trụ, lại đi dùng các thứ vọng tưởng. Nhưng cái tưởng ấy không thiệt, vì vậy mới có sự luân chuyển…”
(Nhứt thiết chúng sanh giai do bất tri thường trụ chơn tâm tánh tịnh minh thể, dụng chư vọng tưởng, thử tưởng bất chơn, cố hữu luân chuyển).
Lục Tổ đại sư có nói: “Ba thân Phật tại nơi trong tánh của mình, người đời ai ai cũng có đủ, nhưng vì tâm mê nên không thấy trong tánh của mình. Cứ do theo phía ngoài mà tìm kiếm ba thân Như Lai, nên không thấy trong thân mình có ba thân Phật. Các ngươi hãy nghe ta nói: Các ngươi mỗi người theo trong mình, thấy tự tánh của mình có ba thân Phật. Ba thân Phật đó, do tánh của mình sanh ra, chẳng phải do phía ngoài mà tìm được.”
(Hướng giả tam thân Phật tại tự tánh trung, thế nhơn tổng hữu. Vi tự tâm mê bất kiến tự tánh. Ngoại mích tam thân Như Lai, bất kiến tự thân trung hữu tam thân Phật, Nhữ đẳng thính thuyết: Linh nhữ đẳng ư tự thân trung kiến tự tánh hữu tam thân Phật. Thử tam thân Phật tùng tự tánh sanh, bất tùng ngoại đắc).
Xem những lời giải trên đây thì biết rằng chẳng nên dùng thân tướng mà thấy Như Lai. Bởi thân tướng là giả dối, biến hiện vô thường. Chấp trước cái vô thường giả dối ấy, thì làm sao mà thấy được tự tánh Như Lai.
(2) PHÀM CHỖ NÀO CÓ TƯỚNG ĐỀU HƯ VỌNG CẢ: Hư vọng là giả dối không chơn thiệt. Các pháp tướng đều là giả dối không chơn thiệt, bởi nó không có thiệt thể.
Tiểu thừa cho các pháp là do nhơn duyên hội hợp mà có sanh và cũng do nhơn duyên tan rã mà có diệt. Có sanh có diệt là chỗ thấy biết của Tiểu thừa. Chẳng sanh chẳng diệt là chỗ tỏ ngộ của Đại thừa. Các pháp đều là hư vọng, đều là như huyễn như hoá, là sai biệt trí của Bồ-tát.
Bậc phàm phu mê chấp theo sự tướng, nên chẳng thấy được bản thể như như bất biến, chẳng thấy cái huyễn sanh huyễn diệt bề ngoài của các pháp do tâm thức lưu chuyển, nên nhận thiệt có sanh, thiệt có diệt, có tâm có pháp, có thân có cảnh.
Nếu các pháp tướng đều là hư vọng, thì sự biến chuyển của nó cũng là hư vọng biến chuyển. Tỏ ngộ được như vậy thì làm sao các pháp tướng mê hoặc chúng ta cho được.
(3) BẰNG THẤY CẢ THẢY TƯỚNG MÀ CHẲNG PHẢI TƯỚNG, TỨC THẤY ĐẶNG NHƯ LAI:
Phật hỏi ông Tu-Bồ-Đề có nên dùng thân tướng mà thấy Như Lai chăng? Sau khi ông Tu-Bồ-Đề trả lời, Phật bèn nói: “Phàm chỗ nào có tướng đều hư vọng cả.” Như thế thì muốn thấy Phật, phải lìa cả thảy sắc tướng đi, vì chúng nó đều là hư vọng, không thể do theo đó mà thấy được Phật, nên Ngài nói tiếp: “Bằng thấy cả thảy tướng mà chẳng phải tướng, tức thấy đặng Như Lai.”
Muốn hiểu câu nói này một cách chắc chắn, thì không có gì hay hơn mượn lời của đức Lục Tổ Huệ Năng: “Nên cả thảy tướng tức là tâm, lìa cả thảy tướng tức là Phật” (Thành nhứt thiết tướng tức tâm, ly nhứt thiết tướng tức Phật).
Thế thì hai tiếng “Như Lai” trong câu “Bằng thấy cả thảy tướng mà chẳng phải tướng, tức thấy đặng Như Lai,” nó có nghĩa rằng chẳng phải xanh, vàng, đỏ, đen, trắng, nếu nói in tợ một vật gì cũng chẳng trúng. (Phi thanh, hoàng, xích, hắc, bạch, thuyết tợ nhứt vật tất bất trúng). Nếu thấy các tướng mà chạy theo cái hình tướng ấy, thì làm sao thấy được bản thể của pháp tướng, tức là cái bản thể như như bình đẳng thường trụ diệu minh vậy.
* * * * * *
IV(a)
Tu-Bồ-Đề bạch Phật:
— Bạch đức Thế Tôn, như có chúng sanh nào đặng nghe những câu bài giảng như vậy, mà sanh lòng tin thiệt chăng?
— Chớ có nói lời ấy. Khi Như Lai diệt độ rồi, sau năm trăm năm sau,(1) có kẻ giữ giới tu phước nghe được những câu bài ấy bèn sanh lòng tin chắc, lấy đó làm thiệt.(2)Nên biết rằng người ấy chẳng những gieo căn lành(3)trong một kiếp Phật, hai kiếp Phật, ba, bốn, năm kiếp Phật, mà đã gieo căn lành đến vô lượng ngàn muôn kiếp Phật rồi.
CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ TƯ
Pháp Thượng thừa Đốn giáo, nghĩa lý rất sâu xa khó hiểu, nhiều người ra công học hỏi tìm tòi, mà rất ít kẻ được ngộ giải. Bởi nghĩa lý rất cao thâm như vậy, nên ông Tu-Bồ-Đề sợ sau này cách Phật lâu đời chắc không ai tin, nên mới hỏi Phật rằng: “Như có chúng sanh nào đặng nghe những câu bài giảng như vậy, mà sanh lòng tin thiệt chăng?”
Ông Tu-Bồ-Đề đâu có rõ qua nhiều đời sau, ai mà hiểu được pháp Thượng thừa Đốn giáo, chẳng qua tiền căn của họ đã vun trồng tích luỹ căn lành, đã học hỏi nhiều kiếp về nghĩa lý Thượng thừa rồi. Bởi vậy Phật trả lời: “Chớ có nói lời ấy. Khi Như Lai diệt độ rồi, sau năm trăm năm sau, có kẻ giữ giới tu phước nghe được những câu bài ấy bèn sanh lòng tin chắc, lấy đó làm thiệt.”
Đời nay có nhiều người xem kinh Kim Cang, tin chắc và tỏ ngộ được lý nghĩa của nó, hẳn cũng đã lịch kiếp tu hành, bằng cớ là Phật nói như vầy: “Nên biết rằng người ấy chẳng những gieo căn lành trong một kiếp Phật, hai kiếp Phật, ba, bốn, năm kiếp Phật, mà đã gieo căn lành đến vô lượng ngàn muôn ức kiếp rồi.”
PHỤ GIẢI PHẦN THỨ TƯ
(1) SAU NĂM TRĂM NĂM SAU: Sau năm lần năm trăm năm, nhằm đời mạt pháp. Nghĩa là sau Phật nhập Niết-bàn 2.500 năm. Hiện nay chúng ta đang ở vào thời mạt pháp, giáo nghĩa của nhà Phật lu mờ. Thế nào rồi đức Di Lặc cũng xuống thế, bổ xứ làm Phật mà chấn hưng Phật giáo, và làm cho thế giới hoà bình yên vui chớ chẳng không.
(2) NGHE ĐƯỢC NHỮNG CÂU BÀI ẤY BÈN SANH LÒNG TIN CHẮC, LẤY ĐÓ LÀM THIỆT:
Đức tin là một điều kiện cần phải có mới mong học đạo được. Nhưng nếu bạ đâu tin đó thì là một người mê tín, có hại chớ không có ích lợi gì cho sự tu hành hết. Những người không chịu tìm hiểu cho đích xác để mà tin, thì tốt hơn đừng tin gì ráo bất cứ là chuyện đạo hay chuyện khoa học, hoặc theo chủ nghĩa hoài nghi cũng còn hơn.
Lòng tin sâu chừng nào, học đạo càng kiên cố chừng nấy. Người nào tin những câu bài trong Kim Cang với một sự hiểu biết do lý trí, quán chiếu, nhận chơn một cách chắc chắn thì mới có thể lấy đó làm thiệt được.
Có người nói kinh Kim Cang là một quyển kinh oai thần rất lớn, ai tụng niệm nó thì phước đức vô lượng, rồi ra công tụng niệm ngày này qua ngày kia, năm này qua năm nọ, còn nghĩa lý sâu xa mà Phật dạy trong ấy thì không cần biết tới.
Tụng kinh mà có ích là khi nào mình tỏ ngộ được kinh cùng là làm theo kinh kìa. Đức Lục Tổ Huệ Năng có nói: “Thấy nghe chuyển tụng là bực Tiểu thừa. Gặp giáo pháp giải nghĩa kinh văn là bực Trung thừa. Y theo giáo pháp tu hành là bực Đại thừa. Muôn pháp đều thông, muôn pháp đều đầy đủ, cả thảy đều không nhiễm, lìa tất cả pháp tướng, không có một mảy nào khá đặng, gọi là Tối Thượng thừa.” (Kiến văn chuyển tụng thị Tiểu thặng. Ngộ pháp giải nghĩa thị Trung thặng. Y pháp tu hành thị Đại thặng. Vạn pháp tận thông, vạn pháp cụ bị, nhứt thiết bất nhiễm, ly chư pháp tướng, nhứt vô sở đắc, danh Tối thượng thặng).
(3) GIEO CĂN LÀNH: Những người tu hành y theo chủ nghĩa từ bi bác ái cứu thế độ nhơn mà làm việc lợi ích cho chúng sanh. Ngoài ra còn phải ăn chay giữ giới chặt chẽ, tập tham thiền, ra công khảo cứu kinh luận Đại thừa, tìm hiểu những lý viên đốn rốt ráo của nhà Phật, v.v…
Nếu như đời nầy gieo căn lành ít, thì đời sau khó tu một chút, vì nghiệp lực còn nhiều, lẽ tất nhiên thân tâm bị chi phối mạnh. Nếu như đời nầy gieo căn lành nhiều, thì đời sau học đạo dễ dàng, có trí huệ để đánh giặc mê, có phước đức để chống chọi lại hoàn cảnh khó khăn của đời sống.
Về sự gieo căn lành, chúng ta nên tìm hiểu thế nào là vô lậu thiện và hữu lậu thiện của các giáo nghĩa trong nhà Phật.
Nói về thiện và ác, thì Tạng giáo nói khác hơn Thông giáo, Thông giáo nói khác hơn Biệt giáo, Biệt giáo nói không giống với Viên giáo.*
Tại làm sao các Giáo nói không y nhau? Bởi thiện và ác là hai danh từ đối đãi, vậy tuỳ theo trường hợp, tuỳ theo vị trí chỗ dùng mà có khác với nhau.
Nếu như gieo căn lành thuộc về hữu lậu thiện thì được phước đức ở cõi trời, cõi người, nghĩa là chưa siêu xuất vòng luân hồi sanh tử, thì đối với Tạng giáo, cho đó là ác chớ chẳng phải thiện. Chừng nào lập hạnh độ đời theo chủ nghĩa từ bi của nhà Phật, tự dắt mình, dắt người ra khỏi biển khổ sanh tử, thì Tạng giáo mới gọi là thiện.
Nhưng đối với Thông giáo, thì Tạng giáo cũng chưa gọi là thiện. Theo Thông giáo thì phải độ mình, độ người qua khỏi sông mê bể khổ mới là thiện.
Nhưng Biệt giáo cho đó cũng chưa phải thiện. Bởi sự hoá độ chúng sanh của Thông giáo chỉ mới dứt được vọng kiến mà thôi. Theo Biệt giáo, thì sự hoá độ chúng sanh phải dứt đường sanh tử, chứng được Trung đạo diệu đế mới gọi là thiện.
Nhưng đối với Viên giáo, thì Biệt giáo cũng chưa phải là thiện. Bởi Biệt giáo năng lực độ chúng sanh chưa được hoàn bị. Đến Viên giáo mới hoàn toàn là thiện, bởi chỗ tu chứng của Viên giáo là Thiệt tướng. Sái với Thiệt tướng thì gọi là ác chớ chẳng phải thiện. Suốt thông viên lý là thiện, mê chấp viên lý là ác.
Về nghĩa thiện và ác của các Giáo, cũng tương tợ như nghĩa giác mê của những bực thánh và chúng sanh. Đối với bực thánh như Dự Lưu thì coi chúng sanh là mê. Đối với Bồ-tát thì hàng Nhị thừa cũng còn là mê chớ chưa giác. Đối với Phật thì hàng Bồ-tát cũng chưa thiệt giác.
Những kẻ gieo căn lành theo như lời Phật nói, chúng ta phân tách ra thấy có nhiều bực, nhiều cấp chớ chẳng phải gieo căn lành rồi ai cũng như nấy. Đối với Kim Cang mà hiểu được, tỏ ngộ được, chứng lý được, thì là vô lậu thiện, đã gieo căn lành trăm ngàn muôn ức kiếp rồi chớ chẳng phải tầm thường.
______________________
* Tạng giáo: bao gồm ba tạng Kinh, Luật, Luận; Thông giáo: là pháp cộng thông của tam thừa ; Biệt giáo: là pháp riêng biệt chỉ đối với mật thừa; Viên giáo: đối với người tối thượng căn thuyết pháp viên dung. Tứ giáo này là pháp môn của Phật dùng để giáo hóa chúng sanh, nên gọi là hóa pháp.
* * * * * *
IV(b)
Phật nói tiếp:
— Nghe những câu bài ấy, dù chỉ trong một niệm mà sanh lòng tin chắc, thì Tu-Bồ-Đề nầy, Như Lai đều biết thấy hết, các chúng sanh ấy được cái phước đức vô luợng. Bởi cớ sao? Bởi các chúng sanh ấy không còn tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả,(1)không pháp tướng, cũng chẳng phải không pháp tướng.
Bởi cớ sao? Bằng các chúng sanh ấy, nếu lòng còn thủ tướng, tức còn chấp trước tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả.
Bằng thủ pháp tướng, tức còn trước tướng ta, người, chúng sanh, thọ giả.
Bởi cớ sao? Nếu thủ không pháp tướng, tức còn trước tướng ta, người, chúng sanh, thọ giả.
Như thế thì chẳng nên thủ pháp và cũng chẳng nên thủ không pháp.(2) Bởi cái nghĩa như vậy, cho nên Ta thường dạy các thầy Tỳ-kheo, phải biết Ta nói pháp, ví như cái bè, pháp còn phải bỏ thay, huống chi chẳng phải pháp.(3)
CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ TƯ
Phần trước Phật nói những kẻ giữ giới tu phước, nghe mà sanh lòng tin những câu bài của Kim Cang, thì người ấy đã gieo căn lành trong vô lượng ngàn muôn ức kiếp Phật rồi. Nếu đã vậy thì đâu phải bực tầm thường, toàn là bực Bồ-tát chớ chẳng phải nhỏ. Bởi vậy Phật mới nói: “Nghe những câu bài ấy, dù chỉ trong một niệm mà sanh lòng tin chắc, thì Tu-Bồ-Đề nầy, Như Lai đều biết thấy hết các chúng sanh ấy, đặng cái phước đức vô lượng.”
Nếu không phải là bực Bồ-tát thì làm gì có phước đức đến không lường được. Nếu không phải Bồ-tát thì làm gì phá ngã chấp và pháp chấp được. Vì kế đó Phật nói: “Bởi các chúng sanh ấy không còn tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, không pháp tướng, cũng chẳng phải không pháp tướng.”
Không pháp tướng, chẳng phải không pháp tướng, là ý nói chấp có pháp tướng và chấp không pháp tướng. Nếu chấp có pháp tướng thì thuộc về thường kiến, còn chấp không pháp tướng thì lạc về đoạn kiến. Thường kiến hay đoạn kiến cũng còn trong vòng chấp trước muôn pháp. Bởi vậy Phật mới nói:
“…Các chúng sanh ấy, nếu lòng còn thủ tướng, tức còn chấp trước tướng ta, người, chúng sanh, thọ giả. Bằng thủ không pháp tướng, tức còn trước tướng ta, người, chúng sanh, thọ giả.”
Có cũng tướng mà khôngcũng tướng, bởi vì nếu chấp có phápthì thuộc về tướng hữu, còn như chấp không pháp thì thuộc về tướng vô. Bởi vậy Phật mới nói: “Như thế thì chẳng nên thủ pháp, và cũng chẳng nên thủ không pháp.”
Các pháp nguyên lai không thiệt có, gượng mà lập ra để giác mê khải ngộ vậy thôi, hễ mê dứt rồi thì pháp cũng không còn. Ví như người đau bại dùng gậy mà nương cho vững, khi dứt bịnh rồi thì bỏ gậy không dùng để khỏi chướng ngại. Phật nói tiếp: “Bởi cái nghĩa như vậy cho nên Ta thường dạy các thầy Tỳ-kheo, phải biết Ta nói pháp, ví như cái bè, pháp còn phải bỏ thay, huống chi chẳng phải pháp.”
Phật nói pháp của Ngài như cái bè, nghĩa đó rất rõ rệt, khi qua sông thì cần dùng bè, lúc tới bến thì bỏ lại, chớ chẳng ai vác bè đem theo. Nghĩa này cũng như người đau bại bỏ gậy sau khi bịnh dứt.
PHỤ GIẢI PHẦN THỨ TƯ
(1) TƯỚNG TA, TƯỚNG NGƯỜI, TƯỚNG CHÚNG SANH, TƯỚNG THỌ GIẢ:
TƯỚNG TA: Chấp cái thân nầy là hình tướng của ta, nên quí trọng nó, săn sóc o bế nó đủ mọi phương diện. So sánh thân mình hơn thân người, so sánh ta giỏi hơn người. Tự tôn tự đại, tự đắc, tự kiêu, v.v… cũng vì chấp có ta.
Ngã chấp có hai thứ: Phân biệt ngã chấpvà cu sanh ngã chấp. Phân biệt ngã chấp, là chấp theo sự phân biệt bên ngoài. Như ta đối với người, hay đối với muôn loài vạn vật. Lối chấp nầy hiện ra hành vi cử chỉ, hiện ra ngôn ngữ, dễ thấy dễ biết. Còn cu sanh ngã chấp là lối chấp âm thầm bên trong của mạt-na-thức rất vi tế và kín nhiệm, khó mà phân biệt được. Bực La Hán mới hàng phục được cu sanh ngã chấp.
TƯỚNG NGƯỜI: Là chấp có hình tướng của mọi người, chê người nầy, khen kẻ nọ, ghét người khác, yêu kẻ kia. Khi thương ai, muốn cho mọi người đều thương theo. Khi ghét người nào, muốn cho mọi người đều ghét theo. Bình phẩm đạo hạnh và hình tướng của mọi người, nào là kẻ này thanh nhã, người kia thô bỉ, nói xấu kẻ khác còn tham danh lợi, v.v… Bởi chỗ phân biệt người khác hơn ta, nên gọi là tướng người.
TƯỚNG CHÚNG SANH: So sánh loài vật với loài vật, hoặc giữa loài vật với loài người. Phân biệt loài người là đáng quí trọng hơn muôn loài vạn vật, v.v…
TƯỚNG THỌ GIẢ: Chấp có sự sống lâu, nên quí mến bổn thân, muốn duy trì cái thân giả tạm nầy cho lâu năm chầy kiếp để hưởng những điều khoái lạc, v.v…
(2) CHẲNG NÊN THỦ PHÁP VÀ CŨNG CHẲNG NÊN THỦ KHÔNG PHÁP: Có hai thứ chấp pháp: phân biệt pháp chấp và cu sanh pháp chấp. Phân biệt pháp chấp, là sự chấp pháp do tâm thức phân biệt bên ngoài, tuỳ theo hình tướng của muôn sự muôn vật, hay là chia rành từng món, từng loại. Ai có học cách trí thì rõ được sự phân chia muôn loài vạn vật rất khéo léo của con người. Theo chỗ phân chia muôn sự muôn vật mà chấp giữ chẳng rời, gọi là thủ pháp.
Cu sanh pháp chấp là sự chấp pháp rất nhỏ nhiệm sâu kín bên trong do nghiệp thức, khó thấy khó biết, khó trừ. Nói tóm lại cu sanh pháp chấp thuộc về tế tướng, còn phân biệt pháp chấp thuộc về thô tướng.
Thế nào là tế tướng? Nghĩa là vô minh phát nghiệp, do một niệm bất giác vọng động thành ra có nghiệp tướng. Vì có sự vọng đọng của nghiệp tướng, mới sanh ra vọng kiến, nghĩa là thấy bậy, nên gọi là kiến tướng.Do cái tướng thấy ấy, nên mới vọng hiện ra các cảnh giới ở ngoài, gọi là cảnh giới tướng.
Ba cái tế tướng nầy do vô minh phát nghiệp rất vi diệu, cũng như vật tượng trong gương, hễ có gương thì có ảnh, không thể phân biệt trước sau được.
Thế nào gọi là thô tướng? Vì có cảnh giới vọng hiện ở ngoài nên tâm trí mới phân biệt muôn sự muôn vật, gọi là trí tướng. Cái trí tướng nầy cứ đeo đuổi theo muôn sự muôn vật không lúc nào ngừng nghỉ, nên gọi là tương tục tướng. Vì có sự phân biệt đeo níu theo các pháp không ngừng nghỉ, rồi cột chặt các pháp ấy vào lòng, nên gọi là chấp thủ tướng. Do sự ôm ấp vào lòng ấy, mới bày danh đặt hiệu, phân môn phân loại, nên gọi là kể danh tự tướng. Chấp có pháp nên mới chấp có danh, chấp có danh nên mới biết có pháp. Do sự vọng chấp “danh pháp” từ trong nguồn của nghiệp thức, thì biết rằng danh chẳng phải danh, mà pháp cũng chẳng phải pháp. Danh pháp đều luống dối, đều là chơn không, thì cớ sao lại chấp có pháp hay là chấp không pháp?
Thủ pháp tướng, nghĩa là chấp các pháp có hình tướng, cũng gọi là chấp hữu.
Thủ không pháp tướng, nghĩa là chấp các pháp không hình tướng, cũng gọi là chấp vô. Bởi vậy Phật mới giảng rằng: “Chẳng nên thủ pháp và cũng chẳng nên thủ không pháp.”
(3) PHÁP CÒN PHẢI BỎ THAY, HUỐNG CHI CHẲNG PHẢI PHÁP:
Câu nói nầy có nghĩa như vầy: Pháp Phật còn phải bỏ hà huống chẳng phải pháp Phật. Chẳng phải pháp Phật tức là nhập thế pháp hay là pháp ngoại đạo chẳng hạn.
Nhiều người cho rằng thế pháp là giả dối, còn xuất thế pháp của Phật mới là chơn thiệt, bởi nhờ đó mà chúng sanh được giác mê khải ngộ, nhờ đó mà chúng sanh được thành Phật. Vì lầm nhận như thế mới đem tâm ra cầu pháp, cầu chứng, cầu ngộ, cầu chơn, cầu tịnh, v.v… Thật ra thì dầu thế pháp hay Phật pháp, cũng đều là giả tạm không thiệt có. Bởi Phật ra đời dạy đạo, vì chúng sanh mê mới bày ra có ngộ, vì chúng sanh ngu mới bày ra có trí, vì chúng sanh vọng nên mới bày ra có chơn… Nói tắt là vì chúng sanh có tám vạn bốn ngàn trần lao, Phật mới bày ra tám vạn bốn ngàn pháp môn, đều là những phương tiện đặng dìu dắt chúng sanh qua khỏi biển khổ sông mê. Một ngày kia chúng sanh hết mê, thì tám vạn bốn ngàn pháp môn ấy cũng bỏ như thế pháp chớ không dùng nữa. (Bỏ là chẳng chấp chứ chẳng phải tiêu diệt.)
Phần thứ tư này Phật muốn phá pháp chấp, cho nên nói rằng: “Pháp còn phải bỏ thay, huống chi chẳng phải pháp.”
* * * * * *
V
— Nầy Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, Như Lai có đặng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác chăng?(1) Như Lai có chỗ nói pháp chăng?
— Bạch Phật, như đệ tử rõ nghĩa của Phật nói, thì không có định chắc pháp chi kêu là vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng không có định chắc pháp chi mà Như Lai nói. Bởi cớ sao? Bởi chỗ thuyết pháp của Như Lai, chúng tôi đều chẳng nên chấp, nghĩa là chẳng khá nói không pháp, hoặc chẳng phải không pháp,(2) là sở dĩ sao? Vì cả thảy thánh hiền dùng pháp vô vi mà cũng có hơn kém với nhau.(3)
CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ NĂM
Phần trước Phật dạy ngã không pháp không. Phần này Phật dạy phá chỗ sở đắc danh và pháp.
Thấy đức Thế Tôn chỉ cái quả vô thượng chánh đẳng chánh giác là cái quả cùng tột trong hàng tứ thánh mà tượng trưng là Ngài, nên nhiều người tưởng thiệt có sự đắc đạo thành Phật, mới sanh tâm chấp trước cái quả vị ấy. Đắc đạo hay đắc pháp cũng là một thứ. Nếu cho mình có đắc pháp, thành ra có pháp chấp, nghĩa là chấp có thiệt pháp để tu chứng.
Vì muốn phá pháp chấp như vậy, nên Phật hỏi ông Tu-Bồ-Đề: “Như Lai có đặng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác chăng?” Nếu pháp có chỗ đắc, tức nhiên có năng có sở, thì là phàm phu chớ đâu phải thánh.
Pháp đã không thiệt có, vì nó không thiệt thể, danh của nó cũng rỗng tuếch, tạm kêu gọi là để tỉnh thức kẻ mê, thì đâu có nhứt định một phương tiện nào bất di bất dịch mà có chỗ nói pháp, chỉ tùy cơ phương tiện vậy thôi. Bởi vậy Phật mới hỏi ông Tu-Bồ-Đề rằng: “Như Lai có chỗ chi nói pháp chăng?”
Vì cái lẽ chẳng có danh, chẳng có pháp như vậy, nên ông Tu-Bồ-Đề mới trả lời: “Bạch Phật, như đệ tử rõ nghĩa của Phật nói, thì không có định chắc pháp chi kêu là vô thượng chánh đẳng chánh giác, cũng không có định chắc pháp chi mà Như Lai nói.”
Vô thượng giác là một danh từ để tạm chỉ những bực đã hoàn toàn giác ngộ chớ không thiệt nghĩa, vì không thiệt nghĩa, nên không có định chắc pháp chi mà Như Lai phải nói.
Phần này hoàn toàn phá pháp chấp,đặng hiển cái nghĩa pháp không. Khi đã hiển hiện cái lý không pháp rồi, ông Tu-Bồ-Đề sợ trong đại hội ngả về đoạn kiến, nên dè dặt, ngăn trước đón sau rằng: “Chỗ thuyết pháp của Như Lai, chúng ta đều chẳng nên chấp, nghĩa là chẳng khá nói không pháp, hoặc chẳng phải không pháp.”
Không pháp, chẳng phải không pháp, đều là biên kiến, chấp có chấp không, chấp thường chấp đoạn, sái với lý Trung đạo diệu đế. Sở dĩ ông Tu-Bồ-Đề rào đón như vậy, là vì trong đại hội Tỳ kheo có một số đông thính giả nghe nói có, liền chấp theo có; nghe nói không liền chấp theo không. Vì cái chỗ thiên chấp viên lý của các bực thánh hiền khác nhau như vậy, nên ông Tu-Bồ-Đề mới nói rằng: “Cả thảy thánh hiền dùng pháp vô vi mà cũng có hơn kém với nhau.”
Nói tóm lại, muốn hiểu phần này cho rành rẽ, chư tôn xem lại phần trước, nhứt là những lời giải.
PHỤ GIẢI PHẦN THỨ NĂM
(1) NHƯ LAI CÓ ĐẶNG ĐẠO VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC CHĂNG?
Hỏi như vậy không khác nào hỏi: Như Lai có đặng thành Phật chăng? Như Lai tức Phật, Phật tức là tâm, ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có tâm. Không lẽ tâm mà đặng tâm, Phật mà đặng Phật bao giờ.
Chúng sanh đều có Phật nơi lòng mình, nhưng chẳng qua vì mê mà không tự biết đó thôi. Khi tu hành giác ngộ được, thì mình là Phật, chớ chẳng phải Phật ở đâu phía ngoài mà tầm cầu. Tâm tức Phật, thì cứ phát huy cái chơn tâm ấy ra mà thọ dụng, chớ có ông Phật nào khác nữa đâu. Hay nói một cách khác: Thành Phật là hoàn nguyên lại cái bổn tâm của mình, chớ chẳng có pháp nào lạ nữa mà gọi là đắc đạo thành Phật.
Đắc đạo thành Phật là một danh từ tạm đặt ra gọi chúng sanh đã hoàn toàn tỉnh thức, chớ chẳng phải thiệt có ông Phật nào ở ngoài nhảy vào thay thế cho chúng sanh trong lúc được giác ngộ. Thế thì bỏ cái tâm Phật của mình để cầu Phật khác là không phải lẽ vậy.
Phàm hễ nói đắc thì phải có đủ năng và sở. Người năng đắc, vật sở đắc. Ví như anh B đặng cái mũ, anh B là năng, cái mũ là sở, mới thành ra đắc được. Nếu có năng có sở, tức là có ta có pháp, mà có ta thì có đủ bốn tướng, có đủ phân biệt pháp chấp và cu sanh pháp chấp.
Kinh Phóng Quang có nói đạo bồ-đề rằng:
— Bồ-đề do cái có mà đặng chăng?
— Không.
— Phải do cái không mà đặng chăng?
— Không.
— Phải lìa cái có với cái không mà đặng chăng?
— Không.
— Vậy cái nghĩa đắc đạo bồ-đề ra thế nào?
— Không có chi đặng, mới gọi là đặng đạo bồ-đề.
Đạo bồ-đề tức là đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Kinh Phóng Quang nói như thế, chúng ta thấy rằng đạo ấy nguyên là cái chơn tâm thường trụ diệu tịnh minh thể của mọi người đều có sẵn, mà bảo rằng đặng thì là ai đặng? Ta tức là vô thượng chánh đẳng chánh giác, ta tức là bồ-đề, thì không lẽ ta đặng đạo bồ-đề. Nếu như thế thì bồ-đề mà đặng đạo bồ-đề hay sao?
Vì lẽ như thế và cũng có nhiều người chưa tỏ ngộ, nên Phật mới vạch ra và hỏi ông Tu-Bồ-Đề rằng: “Phật có đặng đạo bồ-đề chăng?” Vì lẽ bồ-đề là ta, chẳng lẽ ta mà đặng ta, nên không thể nói “đắc” được. Hơn nữa, bồ-đề chẳng phải có, chẳng phải không, nên không thể do cái có và cái không mà cầu được, và cũng chẳng phải lìa cái có với cái không mà thấy được.
Không có định chắc pháp chi mà Như Lai nói, là ý nghĩa như vậy.
(2) KHÔNG PHÁP HOẶC CHẲNG PHẢI KHÔNG PHÁP:
Về những danh từ có, không, nhiều người xem Kim Cang thấy hơi lộn xộn trong trí. Tôi tìm cách sắp như dưới đây cho dễ hiểu:
Có. Không.
Chẳng không. Chẳng có.
Chẳng phải không. Chẳng phải có.
Có tướng. Không tướng.
Chẳng không tướng. Chẳng có tướng.
Chẳng phải không tướng. Chẳng phải có tướng.
Có pháp. Không pháp.
Chẳng không pháp. Chẳng có pháp.
Chẳng phải không pháp. Chẳng phải có pháp.
Có pháp tướng. Không pháp tướng.
Chẳng không pháp tướng. Chẳng có pháp tướng.
Chẳng phải không pháp tướng. Chẳng phải có pháp tướng.
Ông Tu-Bồ-Đề khuyên trong đại hội thính giả chẳng nên chấp có chấp không trong lúc nghe Phật nói pháp. Ông nói: “Chỗ thuyết pháp của Như Lai, chúng ta chẳng nên chấp, chẳng khá nói không pháp, hoặc chẳng phải không pháp.” Không pháp là chấp vô, chẳng phải không pháp là chấp hữu.
Nghe nói có chạy theo có, nghe nói không chạy theo không, đó là cái lỗi của mình thiên chấp lại không tự biết, trở đi phiền hà người nói pháp. Nên biết rằng: hễ tâm viên dung, thì mắt thấy tai nghe đều là viên dung. Tâm bình đẳng thì mắt thấy tai nghe đều bình đẳng. Trái lại, tâm còn sai biệt mê chấp, thì mắt thấy tai nghe vẫn sai biệt và mê chấp. Chúng ta cũng nên rõ như vậy để mà học đạo nghe pháp.
(3) CẢ THẢY THÁNH HIỀN DÙNG PHÁP VÔ VI MÀ CŨNG CÓ HƠN KÉM VỚI NHAU: Các vị hiền thánh tỏ ngộ tâm pháp có sâu có cạn là tại năng lực giác ngộ, hay là năng lực đoạn hoặc chứng chơn của mình, chớ chẳng phải tại pháp có sâu cạn, có rộng hẹp, có cao thấp.
Thinh Văn có bốn bực, Bồ-tát có 55 bực, đến địa vị Phật rồi thì hết cấp bực. Lấy một ví dụ như vầy cho dễ hiểu: Ví như một câu kinh Kim Cang chẳng hạn, mà kẻ thì hiểu như thế này, người thì hiểu thế khác. Nếu ai cắc cớ đem câu ấy hỏi đủ một trăm người, có lẽ non một trăm người hiểu nghĩa lý khác nhau.
Xem trong năm mươi ba nhà giải nghĩa Kim Cang đó thì biết, cũng đồng một câu mà nhiều ông giải nghĩa không giống nhau. Nhứt là Xuyên thiền sư, ai cũng phải nhức đầu với ông, nếu người nào chưa tới chỗ nhứt chơn pháp giới, rất khó hiểu ông nói cái gì. Nhãn lực của ông: tường, vách, ngói, gạch, v.v… đều là Phật hết.
Có người căn cứ theo sự phổ thông mà nói: “Giải nghĩa mà khó hiểu hơn lời của Phật nói, thà đừng giải.”
Pháp vô vi của các bực thánh như thế nào mà có cao thấp khác nhau? Vô vi là không hành vi động tác, nó có phải là một pháp vô công dụng đạo của Đệ Bát Bất Động Địa Bồ-tát chăng? Điều này chúng ta cũng nên tìm hiểu.
Trước hết chúng ta cần biết chỗ tu của Bất Động Địa Bồ-tát, rồi sẽ bàn qua chỗ vô vi của các bực thánh. Đệ Bát Bất Động Địa là bực vô công dụng đạo, đã được an trụ nơi nhị không chơn như. Đối với đạo pháp mà không cần dụng công phu nữa. Tuy vậy cũng chưa thiệt là hoàn toàn vô lậu, bởi A lại da thức chỉ mới đổi tên là Dị thục thức. Đến Kim Cang Đạo, nghĩa là Cửu Địa Bồ-tát, thì xả được Dị thục thức, mới thiệt là hoàn toàn vô lậu. Tới đây rồi bỏ cái tên Dị thục thức, đổi lại kêu là Vô cấu thức hay là Bạch tịnh thức.
Chúng ta thấy cái chỗ tu chứng của Đệ Bát Địa và Cửu Địa Bồ-tát rồi, thì hiểu được pháp vô vi của các bực thánh tu hành có cao thấp khác nhau là câu nói chung cho các bực Thập Tín, bực Thập Hạnh, Thập Trụ, Thập Hồi Hướng…, chớ chẳng phải nói riêng cho các bực Vô Công Dụng Đạo.
Hai chữ vô vi tuy có nghĩa là không hành vi động tác, nhưng nó cũng có nghĩa là không chấp cái hành vi động tác của mình trong lúc dụng công tu hành, hay là dụng công cứu độ chúng sanh. Vì cái chỗ chẳng chấp ấy, nên không thấy mình có làm. Nghĩa là không thấy có tu, không thấy có chứng, không thấy có độ chúng sanh, cũng như cái câu của ông Tu-Bồ-Đề nói với Phật rằng: “Đệ tử thiệt không có làm cái chi hết, mới gọi rằng Tu-Bồ-Đề ưa làm theo hạnh a-lan-na.” (Xem phần thứ bảy).
Pháp vô vi của các bực thánh hiền có cao thấp là như vậy.
* * * * * *
VI
— Nầy Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, bằng có người dùng đồ bảy báu đầy cả ba ngàn đại thiên thế giới, đem ra mà bố thí, thì người ấy có đặng phước đức nhiều chăng?
— Bạch đức Thế Tôn, rất nhiều! Vì sao? Vì phước đức ấy chẳng phải là phước đức tánh,(1) cho nên Như Lai mới nói phước đức nhiều.
— Bằng có người thọ trì kinh nầy, nhẫn đến những bài kệ bốn câu,(2)vì người mà diễn thuyết, thì phước đức nầy nhiều hơn phước đức kia.
Tu-Bồ-Đề nầy, cả thảy chư Phật với pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác của chư Phật, đều do kinh nầy mà ra.
Tu-Bồ-Đề, gọi Phật pháp ấy, tức chẳng phải Phật pháp.
CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ SÁU
Phần thứ sáu nầy Phật so sánh phước đức của hai người. Người thứ nhứt làm việc bố thí, người thứ nhì thọ trì Kim Cang, hoặc chỉ thọ trì những bài kệ bốn câu, rồi vì người mà diễn thuyết. Người trước dùng vàng bạc, lưu ly, san hô, mã não, pha ly, xích châu, tất cả bảy món báu, đầy ba ngàn đại thiên thế giới (đầy 3 ngàn tỉ thế giới) đem ra mà bố thí cho chúng sanh, làm cho chúng sanh được no ấm hạnh phúc. Phước đức nầy tuy nhiều nhưng mà hãy còn hữu hạn, có thể tính số, ví dụ và so lường được. Nếu như vậy là còn có hạn lượng, một ngày kia hưởng hết phước ấy.
Còn người sau thọ trì kinh Kim Cang, hoặc là những bài kệ bốn câu, đem ra mà diễn thuyết cho chúng sanh nghe, thì phước đức người nầy nhiều hơn người trước.
Sở dĩ có sự so sánh phước đức như vậy, cho người đời biết rằng, phước đức cõi nhơn thiên, dầu nhiều cách mấy cũng không bằng phước đức của một người đã đủ sức diễn giảng Kim Cang cho người khác nghe. Dùng Kim Cang diễn giảng lại cho người khác nghe cũng như một đốm lửa mồi ra cả vô lượng vô biên ánh sáng, chói lọi cả hư không.
Vả lại, chúng sanh muốn phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, thì phải tỏ ngộ cái lý nghĩa của kinh nầy. Vì chư Phật cũng do kinh nầy mà ra. Bởi cái lẽ đó nên Phật mới nói: “Nầy Tu-Bồ-Đề, cả thảy chư Phật với pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác của chư Phật đều do kinh nầy mà ra.”
Nói ra cái pháp như vậy, rồi lại sợ trong đại hội thính giả có người nghe mà chấp liền theo tiếng nói ấy, nên Phật mới chận rằng: “Gọi Phật pháp ấy, tức chẳng phải Phật pháp.”
PHỤ GIẢI PHẦN THỨ SÁU
(1)CHẲNG PHẢI LÀ PHƯỚC ĐỨC TÁNH: Tất cả những việc bố thí như thí tài, thí vật… thì để dành cho sắc thân hưởng cảnh giàu sang sung sướng, hoặc cõi trời, hoặc cõi người mà thôi, nghĩa là nó không phải phước đức tánh.
Phước đức tánh do nơi công phu tu tập, rèn luyện trí huệ, minh tánh bồ-đề, xem kinh luận Đại thừa, giữ giới tịnh hạnh v.v…
Phước đức tánh thuộc về quả vô lậu, không còn luân hồi sanh tử nữa. Thế giới còn thay đổi còn tan rã, chớ phước đức nầy không bao giờ hết. Còn phước đức của sắc thân không thể cứu chúng ta ra khỏi đường luân hồi lục đạo được, bởi vì còn mê.
Đức Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đại sư có rầy đồ chúng của Ngài rằng: “Thế gian sanh tử là chuyện lớn, mà các ngươi trọn ngày chỉ lo cầu ruộng phước, không chịu cầu ra khỏi biển khổ sanh tử. Nếu tánh của mình còn mê, thì phước đức nào mà cứu đặng.”
(Thế gian sanh tử sự đại, nhữ đẳng chung nhựt chỉ cầu phước điền, bất cầu xuất ly sanh tử khổ hải, tự tánh nhược mê phước hà khả cứu).
(2) TỨ CÚ KỆ: Bài kệ bốn câu xưa nay tranh luận không phải ít, nào là các bực tiền hiền hậu học, nào là chư gia chư sĩ, tăng, tục bàn cãi rất nhiều lý lẽ, thành một cái nghi án, làm cho chúng ta sau nầy không biết ngả nào mà theo.
Chỗ dịch và chú giải của tôi, không giống với Chư gia, nhưng vì cái lẽ hết sức quan hệ của Tứ cú kệ, nên tôi phải lược chép những lời của Chư gia bàn về Tứ cú kệ vào đây cho độc giả chư tôn rộng đường suy xét.
Theo thiển kiến của tôi khi bắt đầu học Kim Cang, không nên quá lưu ý tới Tứ cú kệ. Điều quan trọng là nên để ý tới kinh văn, nhận nghĩa và nhận lý đâu đó cho đàng hoàng chắc chắn đã. Bởi vì toàn quyển Kim Cang, nó có cái giá trị từng câu, từng chữ chớ chẳng phải có giá trị riêng mấy bài kệ mà thôi.
Ý kiến về Tứ cú kệ, xin nhường lại cho Chư gia trước:
BÁCH TRƯỢNG THIỀN SƯ giải: Mắt, tai, mũi, lưỡi, mỗi mỗi bằng chẳng tham nhiễm cả thảy pháp, mới gọi là thọ trì Tứ cú kệ, cũng gọi là tiên nhơn trong bốn quả, mà cũng gọi là La Hán đặng lục thông.
TRẦN HÙNG giải: Kinh Tam Muội có nói: “Cả thảy pháp đều thâu lại trong Tứ cú kệ, nếu ngộ được thì cũng không cần học chữ nghĩa chi cho nhiều. Chỉ trong nhứt niệm mà tỏ ngộ thiệt đế thì mới thông thấu thiên tánh được.”
NHAN BÍNH giải: …Kinh Tứ Cú Quyết Nghi Kim Cang là cốt tuỷ của Đại tạng kinh, còn Tứ cú kệ lại là cốt tuỷ của kinh Kim Cang. Bằng người thọ trì kinh nầy mà chẳng rõ thấu Tứ cú kệ ở chỗ nào, thì đâu có thoát khỏi vòng sanh tử, mà làm Phật làm Tổ cho đặng.
Xưa nay luận Tứ cú kệ không phải là một, hoặc nói thinh, hương, vị, xúc, pháp; hoặc nói hai bài kệ trong kinh nầy; hoặc nói câu: Bằng thấy các tướng mà chẳng phải tướng, tức thấy đặng Như Lai. Hoặc nói mắt, tai, mũi, lưỡi; hoặc nói hữu vi vô vi, chẳng phải hữu vi, chẳng phải vô vi; hoặc nói hữu đế, vô đế, chơn đế, tục đế, đều là chấp sự hiểu biết của mình, chớ không có một luận điệu chi nhứt định. Duy có Đồng Bài Ký nói: Ngài Thiên Thân Bồ-tát lên cõi trời Đâu Suất mà hỏi đức Di Lặc như vầy:
— Thế nào là Tứ cú kệ?
— Không ngã, không nhơn, không chúng sanh, không thọ giả (đức Di Lặc trả lời).
Còn Lục Tổ Huệ Năng lại nói: Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa.
Nếu chúng ta cứ cố chấp mấy lời không định chắc, không căn cứ trên đây, khác nào đếm đồ châu báu của người ta, còn riêng mình thì không hưởng được nửa đồng. May nhờ ông Phó Đại Sĩ lộ cái tiêu tức rất nên thâm thiết như vầy: “Luận về Tứ cú kệ thì khăng khắng chẳng nên rời.”
Lấy đó mà suy, Tứ cú kệ không phải tìm ở ngoài, chỉ tại tâm địa tỏ sáng mới là Tứ cú kệ. Bằng chẳng phải như vậy sao Lục Tổ lại giải Tứ cú kệ: Ngã nhơn chóng dứt, vọng tưởng mau trừ, dứt lời liền thành Phật.
Ví bằng kệ ấy mà truyền miệng đặng, thì Phật là thầy cõi nhơn thiên, ở thế 49 năm thuyết pháp cho cả chúng sanh đến 350 độ. Còn trong kinh nầy đến 14 chỗ nói Tứ cú kệ, sao lại không chỉ bảo cho rõ ràng đoạn đích? Có phải tiếc chi lời nói mà không thuyết pháp đâu! Cũng bởi e cho người đời chấp ngón tay làm mặt trăng, luống nệ cố theo câu chết trong kinh mà không lo hồi quang phản chiếu.
Theo như lời giải của Nhan Bính tiên sanh trên đây, thì chúng ta thấy rằng ông chưa hoàn toàn đồng ý Tứ cú kệ do đức Di Lặc và Lục Tổ Huệ Năng đã chỉ ra. Bởi theo tiên sanh thì cũng chưa nhứt quyết đặng. Tiên sanh lại cho rằng: “Cứ cố chấp theo mấy lời không định chắc, không căn cứ trên đây, khác nào đếm đồ châu báu của người ta, còn riêng mình thì không hưởng được nửa đồng.”
Bực Bổ xứ Bồ-tát như đức Di Lặc, làm Tổ danh tiếng như ngài Huệ Năng mà tiên sanh không nhìn nhận lời giải thích, lại nhận lời nói của ông Phó Đại Sĩ, nghĩ cũng là một chuyện lạ. Vả lại ông Phó Đại Sĩ cũng chưa nói câu nào là Tứ cú kệ, chỉ nói rằng: “Luận về Tứ cú kệ thì khăng khắng chẳng nên rời.”
Nhan Bính tiên sanh cho rằng chỉ tại tâm địa tỏ sáng, mới thiệt là Tứ cú kệ. Rốt lại tiên sanh cho rằng không có Tứ cú kệ trên mặt giấy. Nếu cứ tìm Tứ cú kệ trên mặt giấy, thì quên hồi quang phản chiếu.
* * * * * *
VII
— Nầy Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, Tu-Đà-Hoàn(1)có tưởng như vầy chăng: Ta đã đắc quả Tu-Đà-Hoàn?
— Bạch đức Thế Tôn, không! Bởi cớ sao? Bởi Tu-Đà-Hoàn kêu là quả Nhập Lưu, nhưng không chỗ nhập, nghĩa là chẳng nhập sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, mới gọi là Tu-Đà-Hoàn.
— Nầy Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, Tư-Đà-Hàm(2)có tưởng như vầy chăng: Ta đã đắc quả Tư-Đà-Hàm?
— Bạch đức Thế Tôn, không! Bởi Tư-Đà-Hàm kêu là quả Nhứt Vãng Lai, nhưng thiệt không có cái tướng vãng lai, mới gọi là Tư-Đà-Hàm.
— Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, A-Na-Hàm(3)có tưởng như vầy chăng: Ta đã đắc quả A-Na-Hàm?
— Bạch đức Thế Tôn, không! Bởi A-Na-Hàm kêu là quả Bất Lai, nhưng thiệt không có cái tướng bất lai, mới gọi là A-Na-Hàm.
— Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, A-La-Hán(4)có tưởng như vầy chăng: Ta đã đắc quả A-La-Hán?
— Bạch đức Thế Tôn, không! Bởi cớ sao? Bởi thiệt không có pháp chi kêu là A-La-Hán cả.
Bạch đức Thế Tôn, nếu bực A-La-Hán mà có tưởng như vầy: “Ta đã đắc quả A-La-Hán,” tức là chấp trước tướng ta, người, chúng sanh, thọ giả.
Bạch đức Thế Tôn, Ngài nói đệ tử chứng được pháp Vô tranh tam muội thiệt đúng bực nhứt và cũng là bực Ly dục A-La-Hán thứ nhứt nữa. Nhưng đệ tử chẳng hề có tưởng như vầy: Ta đã đặng đạo quả A-La-Hán. Nếu đệ tử có tưởng như vậy, thì Phật chẳng có nói rằng: Tu-Bồ-Đề ưa làm theo hạnh a-lan-na.(5) Bởi đệ tử thiệt không có làm cái chi hết,(6) mới gọi rằng Tu-Bồ-Đề ưa làm theo hạnh a-lan-na cho.
Phật bảo ông Tu-Bồ-Đề:
— Ý ngươi thế nào, Như Lai thuở trước ở chỗ Phật Nhiên Đăng có chỗ chi đắc pháp chăng?
— Bạch đức Thế Tôn, không! Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng, thiệt không có chi đắc pháp cả.
CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ BẢY
Tiểu thừa do theo bốn đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo mà thấy có khổ phải tu (Khổ đế), thấy có phiền não (Tập đế) phải diệt, nên ra công dứt trừ phiền não, phá tan ngã chấp, chứng được sanh không chơn như.Phiền não chướng không còn nữa nhưng sở tri chướng hãy còn, nên chưa vào được bực Đại thừa Bồ-tát. Bởi vậy cần phải phá luôn pháp chấp, mới chứng được pháp không chơn như.
Ở đây Phật muốn phá cái sở tri chướng do pháp chấp của Tiểu thừa và các vị Bồ-tát ở cấp dưới, để chứng pháp không chơn như, nên Phật mới gạn hỏi ông Tu-Bồ-Đề từng quả vị một của Thinh Văn thừa.
Lục căn thanh tịnh, lục trần không có chỗ nhập mà làm mê hoặc nội tâm được, mới gọi là Nhập Lưu. Nhưng nếu còn nghĩ rằng mình đã đắc quả Nhập Lưu, thì lục trần cũng còn có chỗ nhập. Bởi vậy ông Tu-Bồ-Đề mới nói rằng: “Tu-Đà-Hoàn tức là quả Nhập Lưu, nhưng không chỗ nhập, tức là chẳng nhập sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, mới gọi là Tu-Đà-Hoàn.”
Cho đến các quả như: Tư-Đà-Hàm, A-Na-Hàm, A-La-Hán mà còn tưởng mình đắc quả, thì chẳng phải là Tư-Đà-Hàm, A-Na-Hàm, A-La-Hán. Bốn quả của Thinh Văn thừa, nếu ai còn tưởng mình đã đắc quả, thì chẳng những kẹt vào pháp chấp, mà còn kẹt luôn bốn tướng: ta, người, chúng sanh, thọ giả nữa. Bởi có nhơn tức có pháp, nhơn và pháp đối đãi lẫn nhau, nương nhau mà có.
Đối với pháp mà còn chấp có chỗ dụng công tu hành và chứng được đạo quả, thì đâu phải là bực vô vi. Vì vậy ông Tu-Bồ-Đề mới nói: “Đệ tử chẳng hề có tưởng rằng mình là bực Ly dục A-La-Hán thứ nhứt, bởi đệ tử thiệt không có làm cái chi hét.”
Phật đã phá chấp cho bốn quả Thinh Văn thừa mà dắt vào Đại thừa Bồ-tát, nhưng cũng còn một số người hoài nghi, cho rằng tại sao không được nói mình đã đắc quả, hoặc đắc pháp. Vì hoài nghi như vậy nên nghĩ rằng: Phật bây giờ không đắc đạo, chớ thuở xưa lúc làm học trò của Phật Nhiên Đăng, có lẽ đã đắc đạo hồi ấy rồi. Phật rõ thấu chỗ đó, nên hỏi ông Tu-Bồ-Đề: “Như Lai thuở trước ở chỗ Phật Nhiên Đăng, có chỗ chi đắc pháp chăng?”
Ông Tu-Bồ-Đề mới trả lời rằng: “Bạch đức Thế Tôn, không! Như Lai ở chỗ Phật Nhiên Đăng thiệt không có chi đắc pháp cả.”
PHỤ GIẢI PHẦN THỨ BẢY
(1) TU-ĐÀ-HOÀN: Đây là tiếng Phạn, dịch Nhập Lưu, nghĩa là đã được dự vào bực thánh. Nhập Lưu là sơ quả của bốn quả Thinh Văn thừa. Bực Nhập Lưu còn phải trải qua phân đoạn sanh tử, nghĩa là sanh lại thế gian một lần, sanh về cõi Trời một lần. Đủ bảy lần như vậy, nghiệp hoặc vô minh mới chấm dứt.
Trong thời gian phân đoạn sanh tử ấy, khi ở cõi Trời phải tu hành luôn luôn. Còn bảy lần thác sanh cõi thế, chưa đợi tới lớn khôn, là bỏ xác về cõi Trời. Cũng bởi sợ ô nhiễm trần thế nên thác sanh sớm như vậy mới lột hết cái hoặc nghiệp vô minh, chứng được quả vô lậu, không còn ở trong tam giới nữa.
(2) TƯ-ĐÀ-HÀM: Dịch là Nhứt Lai, nghĩa là còn một lần sanh lại cõi thế và một lần thác sanh về cõi Trời, mới chứng được quả vô lậu.
(3) A-NA-HÀM: Dịch Bất Lai hay là Bất Huờn, nghĩa là không còn trở lại cõi thế nữa. Bực nầy dứt hết các phẩm tư hoặc (tư tưởng làm mê hoặc).
(4) A-LA-HÁN: Đọc tắt là La-Hán, quả cao tột của Thinh Văn thừa. Dịch có nhiều nghĩa: Sát tặc, là giết giặc phiền não. Ứng cúnglà đáng cho cõi Trời, cõi người cúng dường. Bất sanh là sự dứt sanh tử luân hồi. Vô học là đã trừ tất cả “tư hoặc phiền não” trong ba cõi (dục giới, sắc giới, vô sắc giới), chứng quả Niết-bàn.
(5) A-LAN-NA: Dịch là vô tranh; không tranh hơn tranh kém, tranh giỏi tranh dở. Hoa Nghiêm kinh có nói: “Còn tranh còn sanh tử, hết tranh tức Niết-bàn.”
Nhiều người học đạo, ỷ mình thông kinh luận, hay tranh biện triết lý nhà Phật với kẻ khác. Có ý khoe rằng mình đã tinh thông Phật pháp. Hoặc giả đi ra nói đạo, cố tranh luận cho hơn người. Nếu có cái lòng tranh hơn tranh thua như vậy, thì là sanh tử chứ chẳng phải Niết-bàn.
Sở dĩ ông Tu-Bồ-Đề chứng được vô tranh tam muội là nhờ ông dứt được cái lòng hơn thua, phải quấy mà nhiều người chưa dứt được tánh ấy.
Nguyên chữ Tam muội, dịch là Chánh định, nghĩa là định chơn chánh. Hễ người tu hành đến chỗ chánh định thì lòng tranh đua không còn nữa, nên nói: Chánh định vô tranh (vô tranh tam muội).
(6)TU-BỒ-ĐỀ KHÔNG CÓ LÀM CÁI CHI HẾT: Ông Tu-Bồ-Đề nói rằng ông không có làm cái chi, tỏ ra ông đã đến bực vô vi, nghĩa là không chấp trước hành vi tu chứng của mình. Câu nói của ông Tu-Bồ-Đề, thấy rằng ông đã phá ngã chấp và pháp chấp. Bởi vì nếu có ngã chấp thì thấy có ta tu hành. Ông Tu-Bồ-Đề đã dứt được cái ta, và dứt được cái pháp, cho nên ông chẳng thấy mình có tu pháp chánh định, chẳng thấy mình có làm hạnh vô tranh, chẳng thấy mình có chứng La Hán bậc nhất.
Ông Tu-Bồ-Đề là bực giải không đệ nhứt cái lý nhơn không và pháp không, có lẽ ông chứng đến chỗ thâm sâu lắm thì phải, nên đoạn nầy ông ứng đối với Phật một cách đặc biệt.
Ông Tu-Bồ-Đề đã an trụ vào “nhị không chơn như” chăng?
* * * * * *
VIII
— Nầy Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, Bồ-tát có trang nghiêm Phật độ chăng?(1)
— Bạch đức Thế Tôn, không! Bởi cớ sao? Bởi trang nghiêm Phật độ, tức chẳng phải trang nghiêm, gượng kêu là trang nghiêm.(2)
— Như thế đó, nầy Tu-Bồ-Đề, các bực đại Bồ-tát nên sanh tâm trong sạch như vậy, chẳng nên sanh tâm trụ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp,(3) nghĩa là NÊN SANH TÂM KHÔNG CÓ CHỖ TRỤ.
Nầy Tu-Bồ-Đề, ví như có người thân lớn bằng núi chúa Tu di, sao, ý ngươi thế nào, thân ấy có lớn chăng?
— Bạch đức Thế Tôn, lớn! Bởi cớ sao? Bởi Phật nói chẳng phải thân, mới gọi là thân lớn.
CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ TÁM
Phần thứ bảy Phật phá chỗ đắc pháp của Tiểu thừa và lại nói rằng Ngài cũng không đắc pháp nữa, dầu là thuở còn làm học trò của đức Phật Nhiên Đăng chẳng hạn.
Đến phần thứ tám nầy, một mặt thì Phật phá pháp chấp cho các hàng Bồ-tát, một mặt thì lấy đức tin cho hàng Tiểu thừa, để cho hàng Tiểu thừa thấy rằng, từ bốn quả Thinh văn lên đến các hàng Bồ-tát và Phật, không ai có cái lòng đắc pháp cả. Nếu còn có cái lòng ấy, thì là phàm phu chớ chẳng phải thánh.
Hiểu như vậy rồi chúng ta không lấy làm lạ, ở đây Phật hỏi ông Tu-Bồ-Đề: “Ý ngươi thế nào, Bồ-tát có trang nghiêm Phật độ chăng?” Ông Tu-Bồ-Đề biết Phật khởi sự phá pháp chấp cho các hàng Bồ-tát để làm gương và làm chứng cho các bực Tiểu thừa, nên trả lời rằng: “Bạch đức Thế Tôn, không! Bởi cớ sao? Bởi trang nghiêm Phật độ, tức chẳng phải trang nghiêm, gượng kêu là trang nghiêm.” Nếu Bồ-tát mà còn chấp mình có trang nghiêm, lẽ tự nhiên còn cột vào lục trần, nên Phật mới nói: “Như thế đó, nầy Tu-Bồ-Đề, các bực đại Bồ-tát nên sanh tâm trong sạch như vậy, chẳng nên sanh tâm trụ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, nghĩa là nên sanh tâm không có chỗ trụ.”
Đại hội Bát-nhã hôm nay, có nhiều vị Bồ-tát ở các thế giới vô hình khác, thân thể lớn hơn cả ngàn lần thân thể của các vị Bồ-tát ở cõi Diêm phù đề, nên mấy ổng có ý hơi tự đắc. Phật thấy đó là cái phân biệt ngã chấp, nên mới nói: “Nầy Tu-Bồ-Đề, ví như có người thân lớn bằng núi chúa Tu di, sao, ý ngươi thế nào, thân ấy có lớn chăng?”
Ông Tu-Bồ-Đề mới trả lời rằng: “Bạch đức Thế Tôn, lớn! Nhưng không phải thân, mới gọi là thân lớn.” Ý ông Tu-Bồ-Đề muốn nói rằng, thân bằng núi Tu di tuy lớn, nhưng cũng không bằng pháp thân, bởi pháp thân mới thiệt là thân lớn.
Đem cái thân lớn bằng núi chúa Tu di mà so sánh với pháp thân, cũng chẳng khác nào bụi trần mà đem so sánh với hư không vậy.
PHỤ GIẢI PHẦN THỨ TÁM
(1)BỒ-TÁT CÓ TRANG NGHIÊM PHẬT ĐỘ CHĂNG: Phần thứ tám nầy Phật giảng luôn cho trong đại hội, nhứt là hàng Tiểu thừa nghe đặng phá nghi về chỗ đắc pháp luôn thể. Phật hỏi ông Tu-Bồ-Đề: “Bồ-tát có trang nghiêm Phật độ chăng?” Hỏi như vậy không khác nào hỏi: Bồ-tát có tu hành độ chúng sanh chăng? Lẽ tự nhiên ông Tu-Bồ-Đề trả lời rằng không, sự trang nghiêm chẳng thiệt có, chỉ giả danh mà thôi.
Trang nghiêm Phật độ có hai thứ:
Thứ nhứt, là tu các pháp xuất thế để làm món trang nghiêm cho thân tâm, nào là tám vạn oai nghi, bốn muôn tế hạnh, nào là giới, định, huệ, pháp Lục độ, v.v… Trang nghiêm như vậy đặng đến cõi Phật lòng, nghĩa là hoàn nguyên cái tâm Phật trở lại. Hay nói một cách khác, tuỳ theo cái tâm tịnh của mình, tức là cõi Tịnh Độ của Phật. Trang nghiêm như vậy mà không chấp mình có trang nghiêm, nghĩa là không chấp mình có tu hành. Nếu chấp mình có tu hành thành ra có ngã chấp. Vì cái chỗ không chấp mình có trang nghiêm, cũng như ông Tu-Bồ-Đề không chấp mình có hạnh vô tranh tam muội, hoặc giả nói mình không có làm cái gì hết. Bởi vậy cho nên Phật mới công nhận: “Như vậy! Như vậy! Các bực đại Bồ-tát nên sanh tâm trong sạch như vậy,” nghĩa là sanh tâm không chấp hành vi tu chứng của mình, mới không trụ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.
Hằng ngày các bực Bồ-tát tuỳ duyên mà hiện hạnh (đạo tâm phát hiện ra hành vi cử chỉ), khi duyên qua rồi thì thôi, những công tác ấy không còn lưu lại trong tâm niệm, cũng như ảnh tượng trong gương, khi đem vật đi thì bóng duyên không còn có nữa. Sanh tâm không trụ như vậy mới gọi là thanh tịnh (trong sạch) được, nghĩa là không ô nhiễm ngoại cảnh, tức nhiên sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp đều vắng lặng.
Thứ nhì, là nói mỗi một kiếp có một vị Phật ra đời dạy đạo, các vị Bồ-tát cũng xuống thế tiếp tay với Phật, lo mở mang hoá độ chúng sanh, cải thiện thế giới, tạo cảnh lạc nghiệp cho chúng sanh an hưởng đời đạo đức hoà bình. Những công việc làm như vậy cũng gọi là trang nghiêm Phật độ.
Hoặc giả các vị đại Bồ-tát tạo lập ra một hay nhiều thế giới, rồi rước vong nhơn tu hành, hoặc các bực thánh của Tiểu thừa, hoặc cõi trời sắc giới, vô sắc giới, v.v… về đó mà tu hành, có ý tạo ra một thế giới trang nghiêm long trọng đặc biệt, đưa đường đến chỗ thành Phật hoàn toàn.
Những việc làm như vậy, gọi là trang nghiêm Phật độ, nhưng không chấp mình có trang nghiêm. Nếu chấp mình có trang nghiêm, thành ra chấp trước lục trần. Không còn chấp trước lục trần tức là sanh tâm không có chỗ trụ. Trong chỗ sanh tâm nầy, chẳng có cái ý để mà sanh, là vì không chấp trước lục trần, thì tâm ý đâu còn nữa mà sanh.
(2) GƯỢNG KÊU LÀ TRANG NGHIÊM: Mỗi pháp đều có cái tên riêng của nó, nên gọi là danh pháp. Pháp đã chẳng thiệt có, thì tên của nó lại thiệt có hay sao? Bởi vậy mới nói giả danh, nói gượng kêu, hay là gượng mà đặt tên thôi.
Bởi vậy pháp trang nghiêm Phật độ, ông Tu-Bồ-Đề nói chẳng phải trang nghiêm Phật độ, gượng kêu là trang nghiêm Phật độ, nghĩa là giả danh mà gọi vậy thôi. Các pháp như vô thượng chánh đẳng chánh giác, hoặc Bồ-tát, Thinh văn, Duyên giác, đều không thiệt có. Như vậy thì tất cả vũ trụ vạn hữu, sự sự vật vật trên đời, nào là Phật pháp, nào là thế pháp, đều do sự bày đặt ra chớ không thiệt có.
Sách Phật có câu: “Chỉ có lời nói chớ không thiệt nghĩa,” thật là một câu rốt ráo, cùng lý tận tánh, nếu không tỏ ngộ diệu lý của nó thì khó mà hiểu cho được.
(3) CHẲNG NÊN SANH TÂM TRỤ SẮC, THINH, HƯƠNG, VỊ, XÚC, PHÁP: Xem Kim Cang chúng ta thấy phần nhiều Phật dạy chẳng nên sanh tâm chấp trước lục trần. Phật chú trọng về lục trần như vậy, chúng ta cũng nên tìm hiểu một chút nữa về lục trần.
Lục trần tức là cái cảnh giới vọng hiện, nghĩa là sự vọng động của nghiệp thức, mới có thấy cái giả tướng của vũ trụ vạn hữu. Sở dĩ có cái giả thấy và giả hiện như thế là tại vô minh làm nhơn, bởi nó rất nhỏ nhặt và kín nhiệm, vận khởi từ trong ra ngoài, cho nên khó thấy khó biết được. Vì cái chỗ nhiệm khởi như vậy, nên gọi nó là tế tướng, tức là những hình tướng tế vi. Cách nhiệm khởi của nó có ba thứ liên tiếp với nhau:
1. Nghiệp tướng: cái tướng của nghiệp thức và vọng động do sự không giữ được tự tánh của mình.
2. Kiến tướng: vì có vọng động như vậy, nên mới sanh ra có vọng kiến, nghĩa là thấy bậy.
3. Cảnh giới tướng: do cái giả thấy ấy, nên mới có giả hiện ra các cảnh giới ngoại trần. Vậy thì ngoại cảnh như lục trần mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày đây, là do Nghiệp tướng, Kiến tướng và Cảnh giới tướng. Cảnh giới tướng tức là cái tướng của ngoại cảnh từ giới hạn này đến giới hạn kia, nghĩa là muôn sự muôn vật phân biệt khác nhau từng món.
Tiếp theo ba cái Tế tướng lại có bốn cái Thô tướng, liên tục dưới đây:
1. Trí tướng: Vì có cảnh giới giả hiện như lục trần mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày ấy, mới sanh ra sự nhìn nhận phân biệt các pháp, rồi so đo lo lường, lựa chọn hoàn cảnh, cái nào thuận thì ưa thích, cái nào nghịch thì chán chê, gọi là “Trí tướng.”
2. Tương tục tướng: Do cái tâm ưa thích hay chán chê ấy, rồi sanh ra thất tình lục dục, mừng, giận, buồn, vui, thương, ghét, muốn… Nhứt là ưa thích thì vui, chán chê thì khổ. Cứ chuyền lao nhau hoài những tướng hết vui tới khổ, hết khổ tới vui, nên gọi là “Tương tục tướng.”
3. Chấp thủ tướng: Lẩn quẩn trong hoàn cảnh vui và hoàn cảnh khổ, tâm niệm lúc nào cũng dính chặt, chấp trước không giải thoát cảnh vui hay cảnh khổ ấy được, nên gọi là “Chấp thủ tướng.”
4. Kể danh tự tướng: Vì cứ ôm chặt cảnh khổ hay vui ấy mà không thể giải thoát, nên mới đặt tên để kêu gọi, để xưng hô. Hễ kêu gọi đến cái tên nào, thì liền hiểu biết cảnh giới ấy như vậy, gọi là “kể danh tự tướng.”
Xem ba cái Tế tướng và bốn cái Thô tướng, chúng ta thấy rằng chẳng đợi chạy theo hình theo cảnh bề ngoài mới gọi là chấp tướng. Nhìn thấy vạn vật như thế này, như thế kia cũng gọi là tướng rồi.
Thế thì từ nơi chơn tâm thường trụ diệu tịnh minh thể của mình mà nói, thì không có cái nghiệp tướng vọng động, nghĩa là giữ được tự tánh của mình. Không có nghiệp tướng thì đâu có kiến tướng, nghĩa là không có cái tướng thấy bậy. Không kiến tướng thì đâu có cảnh giới tướng, nghĩa là không có ngoại cảnh lục trần. Ngoại cảnh lục trần đều không (chơn không), thì lấy cái gì phân biệt, chọn lựa, đeo níu theo các pháp mà gọi là trí tướng. Trí tướng đã không có, thì sự luân phiên và tiếp tục chọn lựa các pháp đâu có, cho nên cũng chẳng có tương tục tướng. Tâm đã không lặn hụp theo các pháp, không nối liền từ pháp này qua pháp kia, thì đâu có cảnh nào ôm ấp trong lòng mà gọi là chấp thủ tướng. Tất cả các cảnh đều là tịch diệt (vắng lặng), toàn tâm tức là cảnh, toàn cảnh tức là tâm, phân biệt là phân biệt tự tâm, dầu đặt để, dầu kêu gọi cũng là tự tâm; tự tâm đã là không thiệt có thì kể danh tự tướng cũng chẳng thiệt có.
Danh và tướng đã không như vậy, nên Phật mới khuyên các hàng Bồ-tát trong lúc ra làm việc đạo, tế độ quần sanh, thì chẳng nên sanh tâm trụ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, là như vậy.
Nói tóm lại, Tế tướng thuộc về cu sanh pháp chấp còn Thô tướng thuộc về phân biệt pháp chấp. Muốn phá hai cái chấp nầy, trừ phi có minh tâm kiến tánh, còn thì khó mà thành công.
* * * * * *
IX
— Nầy Tu-Bồ-Đề, như dùng số cát trong sông Hằng mà ví dụ có những sông Hằng nhiều như số cát ấy, thì ý ngươi thế nào, tất cả số cát của vô số sông ấy có nhiều chăng?
— Bạch đức Thế Tôn, rất nhiều. Những sông Hằng còn nhiều vô số thay, huống chi là cát trong vô số sông ấy.
— Nầy Tu-Bồ-Đề, nay Ta cho ngươi biết sự thật như vầy. Nếu có trai lành gái tín nào dùng đồ bảy báu đầy như cát của vô số sông Hằng trong ba ngàn đại thiên thế giới đem ra bố thí, thì có đặng phước đức nhiều chăng?
— Bạch đức Thế Tôn, rất nhiều!
— Bằng có trai lành gái tín nào thọ trì kinh này, cho đến những bài kệ bốn câu(1) mà diễn lại cho người khác nghe, thì phước đức này nhiều hơn phước đức kia.
Tu-Bồ-Đề, chỗ nào mà có nói kinh nầy, nhẫn đến những bài kệ bốn câu, phải biết chỗ ấy, cả thảy thế gian, trời, người, thần đều nên cúng dường cũng như tháp chùa của Phật vậy, hà huống có người thọ trì đọc tụng toàn quyển kinh nầy. Phải biết người ấy thành tựu đặng cái pháp tối thượng đệ nhứt ít có. Lại nữa, bằng như chỗ nào có kinh nầy, tức chỗ ấy có Phật, hoặc là bực đệ tử đáng tôn trọng vậy.(2)
Khi ấy ông Tu-Bồ-Đề nghe nói như vậy bèn hỏi rằng:
— Bạch đức Thế Tôn, Kinh nầy nên đặt tên chi, chúng tôi phải phụng trì như thế nào?
— Kinh nầy đặt tên là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật,(3)ngươi nên dùng nghĩa của danh từ ấy mà phụng trì. Sở dĩ sao? Tu-Bồ-Đề nầy, Phật nói Bát-nhã Ba-la-mật tức chẳng phải Bát-nhã Ba-la-mật, gượng kêu là Bát-nhã Ba-la-mật.
CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ CHÍN
Sông Hằng là sông Găng (Gange) bên Ấn-độ, sông nầy cát rất nhiều. Phật thường lấy cát ở sông này mà ví dụ về số nhiều không thể tính đếm được. Đại ý phần này cũng như phần thứ sáu, không mấy gì khác nhau.
Lấy số cát trong những vô số sông Hằng mà ví dụ đồ bảy báu nhiều như vậy đem ra bố thí, nhưng phước đức cũng không bằng trì kinh, hoặc những bài kệ bốn câu, rồi diễn giảng lại cho mọi người nghe.
Ai thọ trì kinh này, không sớm thì muộn cũng kiến tánh thành Phật, trên con đường giải thoát được đến chỗ cùng tột, là quả vị vô thượng bồ-đề. Bởi vậy Phật mới nói: “Phải biết người ấy thành tựu được cái pháp cao tột bực và ít có.”
Vì cái lẽ “nhứt thiết chư Phật, cập chư Phật a-nậu-đa-la tam-miệu-tam-bồ-đề pháp giai tùng thử kinh xuất” (cả thảy chư Phật với pháp vô thượng chánh đẳng chánh giác của chư Phật đều do kinh nầy mà ra), nên hễ ai trì niệm Kim Cang thì quyết nhiên người ấy sẽ thành tựu cái pháp vộ thượng bồ-đề, nên Phật mới nói rằng: “Bằng như chỗ nào có kinh nầy, tức chỗ ấy có Phật, hoặc là bực đệ tử đáng tôn trọng vậy.”
Vì cái chỗ chắc chắn kết quả, vì cái chỗ tối tôn tối thượng như vậy, ông Tu-Bồ-Đề muốn lưu lại đời sau, nên mới hỏi rằng: “Bạch đức thế Tôn, Kinh nầy đặt tên chi? Chúng tôi phải phụng trì như thế nào?”
Phải chi ông Tu-Bồ-Đề đừng có hỏi cách thức phụng trì và Phật không chỉ rõ phương pháp trì niệmthì ai muốn thọ trì, ai muốn đọc tụng cách nào tuỳ ý. Chí ư Phật đã dạy đành rành rằng: “Kinh nầy đặt tên là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật, ngươi nên dùng nghĩa của danh từ ấy mà phụng trì,” thì tại làm sao người ta lại chỉ ngâm nga đọc khống mà thôi?
Chúng ta thấy rằng, đến cái tên Kim Cang còn không nên chấp trước huống nữa là bày biện theo sắc tướng thinh âm. Bởi vậy Phật mới nói: “Tu-Bồ-Đề nầy, Phật nói Bát-nhã Ba-la-mật, tức chẳng phải Bát-nhã Ba-la-mật.”
PHỤ GIẢI PHẦN THỨ CHÍN
(1) TỨ CÚ KỆ: Kim Cang Bát-nhã muốn xét cho kỹ, nó là Thiệt tướng ấn của hàng Đại thừa Bồ-tát chớ không gì lạ. Bởi vậy dầu Phật có nhập diệt, không ai chứng giám cho người tu Đại thừa đi nữa, một khi họ đã thấu triệt Kim Cang, tức là đã được ấn chứng về pháp Thiệt tướng rồi vậy.
Kim Cang có cái giá trị đặc sắc từng chữ, từng câu, từng phần cho đến toàn quyển, chớ chẳng phải mấy bài kệ mà thôi. Có nhiều người dùng một chữ hai chữ, một câu hai câu để đối phó với nội tâm (cũng có nghĩa là thường hộ niệm, gìn giữ đạo tâm), ít lâu rồi họ ngộ đạo một cách rốt ráo nhờ thường xem tới xem lui.
Những tiếng phihay là phi phi, những tiếng vô sở đắc, vô tranh, như như v.v… có thể làm một nấc thang đầu tiên, nghĩa là bắt đầu nắm được tâm pháp đạo như tương tợ trí để đi đến chỗ minh tâm kiến tánh. Còn nói gì bực thông minh trí huệ, một khi bắt gặp được lý mầu của Kim Cang, cũng như bấy lâu nay họ có ngọc tốt mà chưa biết dùng, bây giờ gặp được Kim Cang, ngọc ấy như đã được trau giồi và có chỗ diệu dụng rất mầu nhiệm, mặc dầu chưa tìm ra tứ cú kệ.
Như vậy thì đối với tứ cú kệ, chúng ta không vội gì tìm kiếm khi bắt đầu học Kim Cang. Ráng lo tìm hiểu nghĩa lý đâu đó cho đành rành. Khi đã tỏ ngộ chút ít, chừng đó sẽ gia tâm tới tứ cú kệ cũng không muộn.
Có nhiều người không đồng ý như vậy, ở đó mãi lo tìm tứ cú kệ làm cho trở ngại sự tu hành, chậm mất sự tiến bộ trên con đường đạo.
Khi chúng ta còn chạy theo bề ngoài, tìm Phật ở ngoài tâm, chưa biết tham thiền, chưa biết định huệ là gì, dầu Phật có chỉ tứ cú kệ, cũng không thể nào mà ngộ đạo được. Đức Di Lặc và Lục Tổ Huệ Năng đã phát minh ra tứ cú kệ rồi đó, nhưng mấy ai nhờ đấy mà ngộ đạo. Cũng có người biết tham thiền, biết định huệ mà không ngộ được tứ cú kệ của hai ngài chỉ ra, ấy cũng chẳng qua tại trình độ của mình chưa cân xứng với tứ cú kệ.
Hiện nay tứ cú kệ của đức Di Lặc và Lục Tổ Huệ Năng đã được bổ sung về lý nghĩa theo như chỗ chúng tôi đã phát minh ra tứ cú kệ. Y theo đó mà chúng ta chẳng ngộ giải được, thì cũng chớ nên chán nản thối chí, ráng nghiên cứu, tu học thêm thì có ngày tỏ ngộ một cách quang minh chớ chẳng không.
(2)CHỖ NÀO CÓ KINH ĐIỂN NẦY, TỨC CHỖ ẤY CÓ PHẬT HOẶC LÀ ĐỆ TỬ ĐÁNG TÔN TRỌNG VẬY: Câu nói nầy có nhiều người lầm hiểu, nên tìm Phật trên mặt giấy, hoặc giả cho rằng Phật ở Tây phương, cứ việc tụng lên thì có Phật hiện đến chứng giám. Than ôi! Hiểu Kim Cang như thế thì làm sao thấy Phật được.
Phật có nói: “Phàm chỗ nào có tướng đều là giả dối không thiệt,” như vậy thì những chỗ chơn thiệt chúng ta lại bỏ quên, đi tìm những sự tướng bề ngoài. Tâm mình là Phật thiệt, lại bỏ Phật thiệt, đi tìm Phật giả ở ngoài, thật cũng đáng tiếc.
Tu Tâm Quyết của Phổ Chiếu thiền sư có nói: “Không biết lòng mình là Phật thiệt, không biết tánh mình là Pháp thiệt. Bằng người nào nói ngoài lòng có Phật, ngoài tánh có Pháp, cố chấp như vậy mà cầu Phật đạo, dầu có tụng kinh nhiều kiếp như bụi trần, giần xương nặn tuỷ, chích máu tả kinh, ngồi hoài không nằm, ngày ăn một ngọ chay, tụng hết đại tạng kinh, tu các cách khổ hạnh như vậy đi nữa, cũng như nấu cát mà muốn cho thành cơm, luống nhọc công chớ không ích gì! Miễn biết được lòng mình, thì tất cả các pháp môn nhiều như số cát sông Hằng, có vô lượng nghĩa nhiệm mầu không cần cầu cũng tỏ đặng.”
Câu nói: “Chỗ nào có kinh điển nầy, tức chỗ ấy có Phật,” nghĩa là ai thọ trì Kim Cang đúng theo nghĩa của danh từ, thế nào cũng ngộ được Phật lòng mình, như vậy là bực đáng tôn trọng, hay kẻ ấy là Phật vị lai vậy.
(3)KIM CANG BÁT-NHÃ BA-LA-MẬT:
KIM CANG: Là ví dụ một chất có sự cứng, bén, chắc, bền, có giá trị hơn hết, quí báu hơn hết, công dụng hơn hết. Phật có ý cho chúng ta biết chất kim cang không có chất nào qua nổi. Cũng như các pháp, chỉ có Bát-nhã Ba-la-mật (trí huệ đáo bỉ ngạn) là đáng chú ý hơn hết, cao tột hơn hết của người tu hành.
Nếu kim cang là chất vô địch về sự cứng, bén, quí báu.., thì Bát-nhã Ba-la-mật cũng là môn độc nhứt vô nhị về môn tu hành chứng quả, Kim Cang có tài phá huỷ mọi thứ khác về độ cứng, bén, thì trí huệ cũng có tài phá vòng luân hồi kiên cố, có tài lấp bể khổ sông mê một cách hiệu quả phi thường. Hoặc giả, trí huệ là bồ-đề diệu minh chơn tâm, là đạo vô thượng, thì có cái gì hơn nữa.
BÁT-NHÃ: Nghĩa là trí huệ. Trí huệ là cái trí khôn ngoan sáng suốt, biện luận rành rẽ. Người mới bắt đầu tu hành, nếu muốn rèn luyện trí huệ, thì phải nhiều nghe nhiều thấy, nhiều suy nghĩ. Theo sách Phật thì có ba thứ làm cho phát sanh ra trí huệ: văn huệ, tư huệ và tu huệ.
Văn huệ: nghĩa là nhờ nghe nhiều về Phật pháp, nên sanh ra trí huệ. Người tu hành nếu muốn thông minh sáng suốt, ngoài sự học hỏi nghiên cứu ra, phải để dành thì giờ đi nghe thuyết pháp giảng kinh, hoặc nghe các bực thâm Phật học họ thảo luận với nhau, hoặc giả cùng nhau tổ chức những nhóm nói chuyện về Phật pháp đặng mở mang trí huệ. Hễ kiến văn rộng, thì giác trí cũng rộng.
Tư huệ: Tư là tư duy, là suy nghĩ, là trừng tâm* quán sát. Người tu hành thường suy nghĩ, thường xét nét, thường ngẫm nghĩ về đạo lý, thì tâm trí huệ được mở mang.
Tu huệ: tu là tu hành, trau giồi đức tánh theo Phật pháp. Trí huệ tuy có sẵn trong tánh của mình, nhưng nếu không tìm cách làm cho nó tiến triển và phát huy ra ánh sáng, thì có cũng như không.
Muốn cho trí huệ mau phát triển, thì phải tham thiền. Tham thiền phải biết định, biết huệ, phải biết thuốc, biết bịnh… mới được. Trong các cách rèn luyện trí huệ, chẳng phải dùng ròng một phương mà được, nghĩa là phải có đủ những điều mà không thể nói hết ra đây một lần được.
Pháp Bửu Đàn Kinh có nói: “Cả thảy trí bát-nhã đều do tự tánh của mình sanh ra, chẳng phải do ở ngoài đem vào, niệm niệm không ngu dại và thường thi hành theo trí huệ, tức là hạnh bát-nhã.”
Vì cái chỗ lợi ích của Kim Cang Bát-nhã không thể nghĩ lường được, nên Lục Tổ Huệ Năng khuyên người đời nên thọ trì Kim Cang thì sẽ được kiến tánh thành Phật. Muốn được kiến tánh ít nữa phải được minh tâm, nghĩa là được trí huệ. Muốn được trí huệ phải theo hạnh bát-nhã và trì niệm Kim Cang Bát-nhã. Bởi vậy đức Lục Tổ mới nói: “Tu bát-nhã hạnh, trì tụng Kim Cang Bát-nhã kinh, tức đắc kiến tánh.”
Có trí huệ mới không mê lầm.
Có trí huệ mới mong kiến tánh (minh tâm kiến tánh).
Có trí huệ mới đến bờ kia (bát-nhã ba-la-mật-đa).
Có trí huệ mới rõ được thiệt tướng (bát-nhã thiệt tướng).
Có trí huệ mới mong quày vọng về chơn (phản vọng huờn chơn).
Có trí huệ mới đặng đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Có trí huệ mới rõ những lời nói trên đây có một nghĩa một lý và nghĩa lý ấy cũng chẳng thiệt có.
BA-LA-MẬT: Đọc đủ chữ là ba-la-mật-đa, chính là tiếng Phạn, dịch: Đáo bỉ ngạn, nghĩa là đến bờ bên kia.
Phong tục xứ Ấn Độ khi làm một việc gì hoàn thành thì hô lên “ba-la-mật-đa.” Khi bịnh đã mạnh rồi, cũng như khi đến bến bồ-đề (bến giác), thì gọi là ba-la-mật-đa. Ba-la-mật-đa cũng có nghĩa là “vô lậu,” vượt khỏi tam giới, chứng quả Vô dư Niết-bàn.
Nói tóm lại Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật (Kim Cang Trí-Huệ-Bờ-Kia) là một cái tên mà Phật đặt cho thời thuyết pháp theo lời thỉnh cầu của ông Tu-Bồ-Đề.
__________________
* Nghiêm túc răn bảo, xét nét lòng mình.
* * * * * *
X
— Nầy Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, Như Lai(1) có chỗ chi thuyết pháp chăng?
— Bạch đức Thế Tôn, Như Lai không có chỗ chi thuyết pháp cả.
— Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, trong ba ngàn đại thiên thế giới có những vi trần, vậy mà nhiều chăng?
— Bạch đức Thế Tôn, rất nhiều!
— Nầy Tu-Bồ-Đề, những vi trần ấy, Như Lai nói chẳng phải vi trần, gượng kêu là vi trần. Như Lai nói thế giới cũng chẳng phải thế giới, gượng kêu là thế giới.
Tu-Bồ-Đề, ý ngươi thế nào, nên dùng ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai chăng?
— Bạch đức Thế Tôn, không! Chẳng nên dùng ba mươi hai tướng mà thấy Như Lai. Bởi cớ sao? Bởi Như Lai nói ba mươi hai tướng, tức chẳng phải tướng, gượng kêu là ba mươi hai tướng.
— Nầy Tu-Bồ-Đề, bằng có trai lành gái tín nào mà đem thân mạng nhiều như số cát sông Hằng mà bố thí. Và, nếu có người giữ theo kinh nầy mà thọ trì, cho đến những bài kệ bốn câu,(2) đem ra diễn thuyết cho người khác nghe, thì đặng phước đức rất nhiều.
CHÚ GIẢI ĐẠI Ý PHẦN THỨ MƯỜI
Công chuyện dạy đạo của Phật, hằng ngày thuyết pháp cho đại chúng nghe. Các vị tăng bữa nay nghe Phật giảng bài nầy mà ngộ đạo; bữa kia nhờ nghe được pháp khác vừa với lòng tin và trúng ngay chỗ của mình đương học hỏi, nên được chứng lý; bữa mốt có vài người công phu đã thuần thục, đương chờ Phật nói pháp đặng ấn chứng cho họ về sở đắc của đạo quả…
Bởi cái chỗ đoạn “hoặc” chứng “chơn” và nhờ nghe pháp hằng ngày, người thì tăng tiến đạo tâm, kẻ lại ngộ đạo, người thì chứng lý, kẻ lại đắc quả La Hán hay Bồ-tát… Bao nhiêu những chuyện xảy ra hằng ngày như vậy, làm cho nhiều người lầm tưởng rằng Phật có chỗ nói pháp, mình có chỗ nghe pháp, và pháp có chỗ đặng, nên mới kẹt vào ngã chấp và pháp chấp. Phật thấy vậy mới hỏi ông Tu-Bồ-Đề rằng: “Như Lai có chỗ chi thuyết pháp chăng?”Ông Tu-Bồ-Đề trả lời rằng không.
Muốn phá pháp chấp, Phật mượn vi trần là vật phiêu phiêu phưởng phưởng không thiệt có, đem ra ví dụ đã đành, cho đến lớn như thế giới, cũng là không thiệt có nữa. Bởi đó là cái giả tướng của vũ trụ vạn hữu chứ chẳng phải bản thể. Cái giả tướng ấy, chẳng qua bản thể chơn như tuỳ duyên mà hiện tướng, nên Phật mới nói: “Nầy Tu-Bồ-Đề, những vi trần ấy, Như Lai nói chẳng phải vi trần, chỉ gượng kêu là vi trần ; Như Lai nói thế giới, cũng chẳng phải thế giới, gượng kêu là thế giới.”
Muôn sự muôn vật từ vi trần cho đến thế giới không thiệt có, là giả tạm, thì ba mươi hai tướng lại vượt ra ngoài cái thông lệ giả tạm ấy mà thiệt có hay sao? Bởi vậy, sau khi Phật hỏi về ba mươi hai tướng, ông Tu-Bồ-Đề giải thích như vầy: “Như Lai nói ba mươi hai tướng, tức chẳng phải ba mươi hai tướng, gượng kêu là ba mươi hai tướng.”
Kinh nầy không thể đánh giá được, phước đức của nó không thể lường được, dầu có đem thân mạng nhiều như số cát sông Hằng mà bố thí cũng không bằng. Bởi vậy Phật mới nói: “Nầy Tu-Bồ-Đề, bằng có trai lành gái tín nào đem thân mạng nhiều như số cát sông Hằng mà bố thí. Và, nếu có người giữ theo kinh nầy, cho đến những bài kệ bốn câu, đem ra diễn thuyết lại cho người khác nghe, thì đặng phước đức rất nhiều.”
PHỤ GIẢI PHẦN THỨ MƯỜI
(1)NHƯ LAI: Như Lai là tánh Phật, là pháp thân Phật, là như như bình đẳng sắc không viên dung, mà còn chấp ba mươi hai tướng giả hợp bề ngoài, thì làm sao thấy cho được.
Bàn đến hai tiếng Như Lai, chúng ta cũng nên hiểu những danh từ đồng nghĩa với Như Lai mà các kinh luận thường kêu gọi khác nhau như thế nào. Theo kinh Kim Cang Tối Thắng, thì kêu là Pháp thân. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa thì nói Thiệt tướng. Luận Khởi Tín thì nói Chơn như. Luận Trung Quán thì nói là Trung đạo. Kinh Niết-bàn thì nói Niết-bàn. Kinh Hoa Nghiêm thì nói Pháp giới. Bát-nhã Tôn thì kêu là Tâm. Pháp Tướng Tôn gọi là Tánh,v.v…
Trong các danh từ trên đây, nếu lý giải được một danh từ nào thì thấy được Như Lai. Cái ý nghĩa kiến Như Lai, cũng như ý nghĩa kiến tánh của Thiền Tông chớ không có gì lạ.
Nếu nói rằng trọn quyển Pháp Bửu Đàn Kinh của đức Lục Tổ Huệ Năng cốt ý làm cho người ta kiến tánh, thì trọn quyển Kim Cang, cũng cốt ý là kiến Như Lai.
(2) TỨ CÚ KỆ: Tại sao Phật không chỉ ra tứ cú kệ? Đây là một cái ý nghĩa, mà cũng là một cái nghi án, chúng ta cần phải giải quyết, vì đã hai ngàn rưỡi năm nay rồi, chưa được chánh thức thừa nhận.
Theo Nhan Bính tiên sanh, thì “… Sở dĩ Phật không chỉ ra Tứ cú kệ là vì sợ e người chấp lấy ngón tay làm mặt trăng, luống nệ cố theo câu chết trong kinh, mà không lo hồi quang phản chiếu.”
Theo thiển kiến của tôi, sở dĩ Phật không chỉ ra, chẳng phải sợ người ta chấp về mặt văn tự, mà vì Phật pháp là bất định pháp. Các bực thánh còn có vô số trình độ khác nhau, huống hồ là phàm phu, làm sao cùng nhau tỏ thấu một bài kệ? Lấy bài kệ làm cái mực nhứt định để cho vô số người tu hành y theo đó, thì cần gì Phật phải bày ra vô lượng pháp môn cho nhọc lòng.
Có phải ai ai cũng đồng tỏ ngộ một thứ pháp với nhau đâu mà chỉ ra tứ cú kệ?
Có phải ai ai cũng đồng tu một thứ lý nghĩa nhứt định với nhau đâu mà chỉ ra tứ cú kệ? Chính vì cái lẽ như thế mà Lục Tổ Huệ Năng và đức Di Lặc chỉ ra tứ cú kệ không giống nhau, chẳng những không làm cho toàn thể người tu học Kim Cang ngộ đạo được, trái lại, họ còn tỏ vẻ không tin.
Người học Kim Cang, ai ai cũng muốn tìm cho ra tứ cú kệ để mà ngộ đạo. Vậy chúng ta cũng nên tìm hiểu thế nào là ngộ đạo trước khi tìm gặp tứ cú kệ.
Nói về sự ngộ đạo, thì khi tỉnh thức (giác ngộ) thấy in tuồng có chứng có đắc, chớ thật ra không có cái gì chứng đắc cả, tức là không có cái gì nhứt định đáng nói là ngộ đạo.
Trạng thái đạo, không có cái gì là bí mật cả. Vừa chợt tỉnh thức, thì thấy mình có hơi khác, không giống như khi còn mê muội tham, sân, si. Thân thể có chuyện lạ là nhẹ nhàng, tinh thần sảng khoái. Hoặc giả, nếu có thấy cảnh mầu nhiệm nào khác nữa, cũng do nơi duy tâm biến hiện mà thôi. Vả lại, có mê muội mới có giác ngộ; có người tâm trí sáng suốt học đạo và xem kinh tới đâu thì biết tới đó một cách rõ ràng, trí vô sư hiển hiện. Những người như vậy không bao giờ có ngộ đạo, bởi vì đối với pháp, họ đâu có mê chấp, mà cũng không có nghi ngại điều chi cả.
Khi nào đối với pháp mà còn có chỗ nghi, tức là còn có chỗ bất thông, hễ bất thông tức nhiên là mê, nếu gặp người khác giảng giải cho, hoặc xem kinh luận đại thừa, nhứt là Kim Cang, tâm liền bựt sáng tỏ, cái đó gọi là ngộ đạo. Có nhiều cách ngộ đạo chớ chẳng phải bao nhiêu đó mà thôi, không thể kể ra đây hết được. Sự ngộ đạo có sâu có cạn, có cao thấp khác nhau, nhiều khi cũng ngộ được một cách rốt ráo.
Xem kinh Phật thấy có nhiều cách ngộ đạo như: kẻ thấy nước chảy dưới dạ cầu mà ngộ đạo, người xem trăng mọc mà ngộ đạo, kẻ thấy hoa nở mà ngộ đạo, người thì nghe nói pháp mà ngộ đạo, v.v…
Nếu ai có xem kinh Lăng Nghiêm, thì thấy Phật hỏi hai mươi lăm vị thánh, bày tỏ chỗ ngộ đạo của mình, do cái gì mà ngộ đạo. Khởi đầu thì ông Kiều Trần Như đứng lên bày tỏ rằng: “Xưa kia Phật vì năm anh em chúng tôi mà thuyết pháp ở vườn Lộc Uyển và Kê viên. Chúng tôi nghe thinh âm của Phật liền tỏ ngộ được pháp Tứ đế. Khi Phật hỏi trong hàng Tỳ kheo ai được ngộ giải trước, thì chỉ có đệ tử (Kiều Trần Như). Nhơn đó Phật bèn ấn chứng cho đệ tử danh A-nhã-đa (nghĩa là ngộ giải đầu tiên). Bởi vì cái tiếng nói của Phật thật là vi diệu, thật là bí mật và viên mãn, nên đệ tử chứng được bực La Hán. Ngày nay Phật hỏi viên thông, cứ như là chỗ chứng của đệ tử, biết rằng chỉ có âm thinh là cao hơn hết, tột bực chẳng có pháp nào làm cho người tu hành chứng cao hơn nữa.”
Tới phiên ông Ưu-Bà-Ni-Sa-Đà, nhờ Phật dạy dùng pháp quán Thân bất tịnh mà chứng được “không” với “sắc” cả hai đều là không, cứu cánh đến bực Vô học (La Hán), nhơn đó Phật ấn chứng cho ông là Ly-Sa-Đà, nghĩa là Sắc tánh, mà sắc tánh tức Như Lai tạng tâm. Nay Phật hỏi ông về chỗ viên thông, thì do theo chỗ chứng đắc của ông, nên ông cho rằng chỉ có “sắc nhơn” là chứng đạo được tột bực hơn hết.
Đến ông Hương Nghiêm đồng tử nhờ hương trần mà ngộ nhập, rồi cũng nhìn nhận “hương trần” là chỗ chứng, chỗ ngộ đạo tột bực hơn hết.
Mỗi vị thánh, ngộ chỗ nào rồi cũng cho chỗ đó là đúng bực, là duy nhứt, không có cái pháp nào khác hơn nữa làm cho người ta ngộ đạo (?) Nếu ai nhận tứ cú kệ là một bài kệ duy nhứt làm cho cả thảy người tu hành ngộ được là đắc đạo, thì cũng không khác mấy vị thánh trong kinh Lăng Nghiêm, mỗi vị cho cái pháp mà mình ngộ đó, là đúng bực nhứt, ngoài ra không có cái pháp nào khác đáng cho người ta ngộ được?
Bao nhiêu những lý lẽ và sự tích ngộ đạo trên đây, làm cho chúng ta biết rằng, nếu chưa ngộ tứ cú kệ, dầu có ngộ câu nào khác đi nữa cũng được vậy. Hoặc giả, theo chỗ bình đẳng viên dung của các pháp mà nói, thì mình ngộ câu nào, tức câu ấy là tứ cú kệ.
Đối với pháp mà mình không có chỗ nghi, thì chẳng cần phải cầu ngộ, cầu chứng, cầu đắc làm chi. Vì tự tánh của mình bản lai vốn không mê, thì nay cũng chẳng ngộ; tự tánh của mình xưa vốn thanh tịnh thì nay cũng chẳng phải ô nhiễm; tự tánh của mình xưa vốn không bớt, thì nay cũng chẳng thêm, v.v…
Nói tóm lại, muôn sự muôn vật trong thế gian đều làm cho người tu hành ngộ đạo được cả, không nhứt định một phương diện nào, nghĩa là không nhứt định một pháp nào cả.
(XIN XEM TIẾP PHẦN 2)
* * * * * *
COMMENTS - Bình luận
Đăng nhận xét